Saturday, February 16, 2013

Tâm linh Việt trong khói nhang ngày Tết


Nhang trên bàn thờ ông bà tổ tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống. Nén nhang như chiếc cầu nối thiêng liêng giữa cuộc sống hiện hữu với cõi tâm linh của đất trời.
Có lẽ khó ai lột tả được cái cảm giác trong thời khắc giao hòa trời đất giữa năm mới và năm cũ. Khi thắp lên bàn thờ gia tiên một nén nhang tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ, rồi cả nhà quây quần bên nhau trong cái hoà quyện của hương nhang với làn khói trắng dễ làm cho chúng ta cảm thấy ấm cúng và gắn bó nhau hơn.

Tục lệ thắp nhang không biết có từ bao giờ. Mà không chỉ lễ Tết, người Việt có thói quen, khi đi xa về thường thắp nhang trên bàn thờ trước rồi mới nói, làm việc gì đó. Với những người sắp đi xa, lại cũng thắp nhang để mong lên đường an toàn, may mắn.

Với mỗi người Việt, dù thành thị hay nông thôn, mỗi khi Tết đến, Xuân về đều thắp lên trong nhà mình một nén nhang để tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Một nén nhang cầu chúc hạnh phúc cho mọi người trong gia đình, để cầu xin bình an trong năm mới và để cho không khí của những ngày đầu năm thêm ấm áp, tươi vui...

Nhiều nơi còn có tập quán thắp nhang cho từng gốc cây, ụ mối, góc nhà với quan niệm mọi vật đều có đời sống tâm linh. Triết lý nhân sinh thật đơn giản nhưng lại mang nội hàm đa dạng, phong phú thường thấy ở người Á Đông.

Ngày nay, nhang không chỉ được thắp trong gia đình mà cả những tôn giáo khác nhau cũng đều có chung nét văn hóa này. Đặc biệt là ở các đền chùa, miếu mạo, nhang… không thể thiếu.

Người Việt đã quen chọn số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) cho nén nhang khi dâng cúng. Hoặc có thể người ta cũng đốt cả nắm nhang chứ không chọn số chẵn (2, 4, 6, 8). Còn theo lý giải của nhà Phật, thì những số lẻ mang nhiều ý nghĩa linh thiêng.

Có nhiều quan niệm khác nhau về các con số. Số 7 và số 9 được tượng trưng cho “vía” của con người, khi muốn xin ơn cho cá nhân (thì nam thất, nữ cửu). Số 3 thì có nhiều quan niệm khác nhau. Có thể là Tam bảo (Phật - Pháp - Tăng), Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), Tam thời (Quá khứ - Hiện tại - Tương lai), Tam vô lậu học (Giới - Định - Tuệ) của nhà Phật... Có lẽ vì vậy mà ở sân chùa cũng thường có 3 đỉnh hương to.

Số 5 là 5 phương trời đất, 5 hướng thần linh. Nhưng dù là con số nào đi chăng nữa, thì việc thắp nhang cũng chính là dâng tâm mình giữa trần gian đối với những bậc tâm kính, những người đã khuất.

Ngày Tết đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm, cũng dễ bắt gặp những hình ảnh rất quen thuộc: Những cụ ông, cụ bà, nam thanh nữ tú tay cầm nhang, miệng lâm râm khấn vái cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, phúc lộc thọ khang ninh... Đây là một nét văn hóa đẹp được tồn tại từ rất lâu, đem lại cho người ta một sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn.

Mùa Xuân là mùa có nhiều hội hè, mùa tảo mộ, thanh minh. Ngày Xuân cũng là thời gian họp mặt của những người trong gia đình, cùng nhau đi viếng chùa cầu phúc... Những nén nhang được thắp lên và mọi người cảm thấy ấm lòng.

Nén nhang đã trở thành một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của bất kỳ người dân Việt. Cùng với những phong tục truyền thống khác, nén nhang đã góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt.
Minh Mẫn

No comments:

Post a Comment