Saturday, February 2, 2013

NHỮNG TIỀN ĐỀ VỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN


Làm việc sưu tầm, nghiên cứu này, dĩ nhiên chúng tôi nhằm một mục đích theo một tinh thần nào đó đưa đến sự lựa chọn cách thức làm và quan điểm nhìn thích hợp. Để việc trao đổi được dễ dàng hơn, chúng tôi trình bày sơ lược dưới đây những điểm trên vì đồng ý hay không đồng ý thực ra tùy thuộc những điều mà chúng tôi gọi là tiền đề về phương pháp luận. Nếu nhờ những trao đổi ý kiến mà chúng tôi xác định được những tiền đề này cho rõ và đúng hơn, chúng tôi sẽ vững bước trong những chặng đường sưu tầm nghiên cứu tiếp sau...

Mục đích:
Ban đầu chúng tôi chỉ nhằm một mục đích thuộc văn học sử: phục hồi một mảng văn học mà chúng tôi cho là bị bỏ quên, bỏ qua. Việc làm này tương đối dễ dàng, đơn giản nếu vượt được trở ngại chính, lớn lao hơn cả là tài liệu.
Nhưng khi tìm hiểu tại sao nó bị bỏ qua và thấy vì cách đánh giá dựa vào một quan điểm văn học gắn liền với một nếp sống thì đã rõ chỉ phục hồi thôi không đủ thuyết phục, phải giải thích được mảng văn học này xuất phát từ những tiêu chuẩn quan điểm nghệ thuật khác, nếp sống mà nó phản ảnh tùy thuộc vào một hoàn cảnh xã hội địa lý chính trị cũng khác, nghĩa là văn học với nếp sống ở miền Nam có ý nghĩa, giá trị riêng của nó. Hiểu như vậy, chúng tôi thấy không thể không đề ra mục đích thứ hai, phức tạp hơn nhưng cũng lý thú hơn: Tìm hiểu con người ở vùng đất mới về phương diện địa lý, chính trị, lịch sử...
Con người ở vùng đất mới được phản ảnh trong văn học, sử ký là con người của một thời kỳ đã qua. Tuy nhiên, thời kỳ đã qua này còn gần kề hiện tại vì nhiều dữ kiện của thực tế đã qua vẫn còn là dữ kiện của thực tế hiện nay. Do đó tìm hiểu con người của một thời kỳ đã qua, nhưng vẫn còn liên hệ với hiện tại, có thể góp phần tìm hiểu con người hiện tại.

Lịch sử và thời cuộc
Từ nhận xét trên, chúng tôi xác định mục đích của chúng tôi là tìm hiểu những vấn đề lịch sử vẫn liên hệ đến thời cuộc nóng hổi. Đó là loại vấn đề về những thực tại thuộc tâm lý, tâm tình của một dân tộc hay của một địa phương, do những yếu tố địa lý chính trị quy định.
Những thực tại thuộc tâm lý, tâm tình này có thể là điều kiện thuận lợi hay cản trở đôi khi có tính cách quyết định, việc đề ra hay thực hiện những đường lối chính sách của một chế độ chính trị. Nói cách khác, những thực tế trên là những đặc điểm tích cực hay tiêu cực mà một chế độ chính trị có thể gia tăng hay giảm bớt tính cách tích cực hay tiêu cực, nhưng không hoàn toàn là tác nhân gây ra chúng. Do đó việc tìm hiểu nhằm phát huy những điểm tích cực hay giảm bớt những điểm tiêu cực là một việc đặt ra cho bất cứ chế độ chính trị nào.
Trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi muốn tìm hiểu những đặc điểm về văn hóa của người miền Nam. Đó là loại vấn đề không đụng đến chế độ chính trị nào mà ngược lại chế độ chính trị nào cũng có thể đụng tới.

Vai trò lịch sử của miền Nam:
Việt Nam có nhiều địa phương và rất nên tìm hiểu những đặc điểm văn hóa của mỗi địa phương. Nhưng miền Nam là vùng đất đáng được chú ý hơn cả vì khả năng đóng góp của nó về kinh tế trên bình diện cả nước. Đó là vai trò lịch sử của một miền đất đối với cả nước trong viễn tượng phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Giả sử miền Bắc và vùng Tây Nguyên trong tương lai gần có thể đề ra một viễn tượng phát triển dựa trên kỹ nghệ công nghiệp, miền Nam có lẽ không còn tầm quan trọng mà cho đến nay nó được gán cho.
Những lề lối làm ăn, quản lý, cai trị, lãnh đạo liên quan mật thiết với một lề lối suy nghĩ, nếp sống văn hóa. Lề lối suy nghĩ, nếp sống văn hóa này lại tùy thuộc phần nào vào những điều kiện địa lý chính trị của một hoàn cảnh. Những lề lối kể trên có thể thích hợp với một địa phương hay với cả nước. Nếu chỉ thích hợp với một địa phương lại tưởng là thích hợp với cả nước thì thật đáng ngại. Càng đáng ngại hơn nữa, nếu không còn thích hợp với ngay cả địa phương của nó vì đã trở thành lỗi thời, lạc hậu. Điều đáng lưu ý là không phải chỉ người miền Bắc mà cả người miền Nam sống lâu năm ngoài Bắc cũng suy nghĩ đánh giá theo lối nhìn của miền Bắc về một số vấn đề của miền Nam. Ngược lại, người Bắc vào ở lâu năm miền Nam lại nhìn như người miền Nam về những vấn đề của miền Nam. Sự kiện này chứng minh một quy luật địa lý chính trị: những yếu tố nguyên lý chính trị một vùng, một nước quy định lối nhìn, đánh giá của người vùng đó, nước đó, bất kể là người vùng đó nước đó hay vùng khác, nước khác. Chúng tôi đã trình bày hai trường hợp cho thấy rõ nhận xét trên trong mối quan hệ trung ương - địa phương thời cựu trào (triều đình Huế - Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi (1) và thời Pháp thuộc (phủ Toàn quyền Hà Nội và Hội đồng quản hạt Nam Kỳ). Người Pháp ở Hà Nội nhìn các vấn đề miền Nam khác người Pháp ở Sài Gòn và do đó thường có những căng thẳng thực sự giữa họ với nhau. Trường hợp nhận định, đánh giá Cao đài cũng vậy (Đào Trinh Nhất, Trần Huy Liệu, L.Marty và Lalaurette, Vilmont).
<<(1) Xem trong "Việc truyền đạo Thiên chúa vào Việt Nam" bản thảo.>>

Tiến tới một cái nhìn bao quát về văn hóa
Vậy cần có một cái nhìn bao quát cả nước về văn hóa. Bao lâu những nét đặc điểm biểu lộ qua những sinh hoạt văn hóa của miền Nam chưa được nhận diện và được đưa vào viễn tượng thống nhất bao gồm tất cả những nét đa dạng thì sự chậm trễ này vẫn còn là một trở ngại đáng kể gây tình hình căng thẳng nguy hiểm trong các tâm trí và làm trì trệ việc đề ra những đường lối thích hợp hiệu nghiệm. Mục đích công trình này nhằm nêu những vấn đề kể trên, hoặc nói thẳng ra, đưa vấn đề Nam Bắc ra phân tách nghiên cứu một cách khoa học để tháo gỡ, giải tỏa những lề lối suy nghĩ, đánh giá đôi khi chỉ là thiên kiến, góp phần xây dựng một nhận thức xác đáng về miền Nam trong cái nhìn bao quát cả nước về văn hóa.

Tầm mức quốc tế
Một cái nhìn về văn hóa chưa thực sự bao quát cả nước, nghĩa là chưa có tầm mức quốc gia là một cản trở cho việc đề ra, thực hiện những chính sách đường lối thuộc nội bộ, đồng thời cũng bày tỏ một tình trạng chậm tiến lạc hậu về nghiên cứu trên bình diện giao lưu văn hóa với quốc tế. Chúng tôi được biết có những nhà nghiên cứu ở các nước bạn, chuyên về Đông Nam Á chú ý tới một vài nhân vật ở miền Nam mà họ coi như những nhân vật Đông Nam Á về chính trị hay văn hóa. Có thể họ đã phát hiện được những điều gì mới làm cơ sở cho việc đánh giá đúng những nhân vật này, những nhân vật mà ở trong nước cho đến nay vẫn là "bụt nhà không thiêng" không được nói đến, hoặc khi được nói đến, đã có sẵn những bản án chỉ việc đọc lên mà thôi.

Chúng tôi nghĩ rằng những vấn đề văn hóa Việt Nam, những nhân vật lịch sử Việt Nam nên được người Việt Nam nghiên cứu, càng sâu càng tốt một cách khoa học nhằm đánh giá đúng và nghiên cứu trước người ngoài, không nên đợi người ngoài làm việc đó, rồi sau không có cách nào khác là phải chấp nhận nói theo họ nếu những công trình nghiên cứu của người ngoài thực sự là nghiêm chỉnh, có cơ sở. Đi vào công trình nghiên cứu này, chúng tôi cũng cố gắng thể hiện tinh thần nghiên cứu tuân theo những tiêu chuẩn nghiên cứu thường được thế giới công nhận. Chúng tôi tạm mượn từ "Lục châu học" để xác định công trình nghiên cứu này. Từ này chỉ nên được hiểu như một công trình nghiên cứu một đối tượng tương đối còn mới mẻ, chưa được khai thác bao nhiêu, cũng bằng những phương pháp của các nhà khoa học xã hội: địa lý chính trị, sử học, dân tộc học, xã hội học, tâm lý học, triết học văn hóa v.v... Tuyệt nhiên không có ý chỉ thị một đối tượng riêng biệt với những phương pháp riêng biệt nhằm đề cao đối tượng, hoặc là coi đối tượng như thuộc một vùng văn hóa riêng, chẳng hạn văn hóa đồng bằng sông Cửu Long.

Chúng tôi đề nghị ba tiêu chuẩn để phân vùng văn hóa:
1) Văn hóa gắn liền với một dân tộc, một sắc tộc; ví dụ: văn hóa Khmer bên cạnh văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam so với văn hóa Trung Quốc vì Việt Nam là một dân tộc khác dân tộc Trung Hoa.
2) Cơ sở hạ tầng kinh tế có những nét đặc biệt.
3) Cả hai yếu tố 1, 2 kéo dài trong thời gian đủ lâu để hình thành một nếp sống văn hóa riêng. Hiểu như trên, chúng tôi cho rằng không một địa phương nào thuộc dân tộc Việt Nam có đủ ba tiêu chuẩn trên để có thể được phân thành vùng văn hóa riêng.

Có thể tìm hiểu những nét đặc điểm về văn hóa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng không thể có một nền văn hóa đồng bằng sông Cửu Long. Cũng vậy, có thể tìm hiểu những nét văn hóa riêng vùng Huế, gọi là Huế học, nhưng không nên chủ trương có một nền văn hóa Phú Xuân.

Tinh thần nghiên cứu
Chúng tôi muốn thực hiện một công trình nghiên cứu trong tinh thần khoa học, nghĩa là chấp nhận thực tế, tìm hiểu nó có thể nào nói lên như thế. Đây không phải là điều dễ làm vì bước vào đề tài này rồi, chúng tôi mới thấy đụng phải những thành kiến văn hóa mà chúng tôi đã tiếp nhận từ trước. Do đó chấp nhận thực tế, có sao nói vậy đòi hỏi một chút can đảm trí thức dám nói những điều không phù hợp với những thiên kiến, lối nhìn quen thuộc không phải vì lập dị, thích nói cái mới lạ ngược đời, mà vì chính việc tiếp xúc với thực tế, tác phẩm bắt buộc phải xét lại những thiên kiến, cái nhìn quen thuộc. Nếu không làm như vậy, chắc chắn không đóng góp gì cho việc thực hiện những mục đích kể trên.
Nhưng chấp nhận thực tế, nghiên cứu nó một cách khoa học có sao nói vậy không phải chỉ để phục vụ những mục đích này nọ, dù chính đáng cao cả thế nào đi nữa... mà trước hết vì đòi hỏi của chính việc nghiên cứu khoa học hiểu như một việc làm chuyên môn nhằm tiếp cận với sự thật. Động cơ thôi thúc người làm nghiên cứu chuyên môn là ý hướng về sự thực, ước muốn biết được một chút sự thực cũng như động cơ thúc đẩy nghệ sĩ sáng tác là ước muốn tạo ra một tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy những công trình nghiên cứu, sáng tác sau này trở thành những thành quả đáng kể của gia tài văn hóa dân tộc hay nhân loại hình như đều thuộc về các tác giả đã thực hiện những tác phẩm nghiên cứu sáng tạo của mình mà không hề bận tậm tới những mục tiêu ngoại tại đối với việc xây dựng tác phẩm, hoặc có bận tâm cũng vẫn để cho tinh thần muốn biết sự thực, hoặc tạo ra một nghệ phẩm có giá trị thúc đẩy, chi phối trong quá trình xây dựng thực hiện tác phẩm. Trái lại có biết bao những dự định, mục đích tốt được tuyên xưng mà rút cục chính tác phẩm làm ra lại không đáng kể.

Thực ra xã hội chỉ đòi người nghiên cứu hiểu như một chuyên viên, hoặc một nghệ sĩ, hoàn thành tốt đẹp công trình nghiên cứu sáng tạo của mình, và điều này hoàn toàn tùy thuộc người nghiên cứu, sáng tạo. Còn sau khi đã hoàn thành, công trình tác phẩm được sử dụng thế nào, lúc nào, ở đâu, đến mức độ nào, điều này không hoàn toàn tùy thuộc người nghiên cứu, sáng tạo. Tuy sự thực là sự thực, nghệ thuật là nghệ thuật, nhưng không phải vì thế mà phải nói lên sự thực với bất cứ ai, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu vì cũng phải nghĩ tới một đòi hỏi chính đáng khác: chiếu cố khả năng điều kiện, tình hình tiếp nhận của người đọc, người xem. Nếu xã hội phải tôn trọng quyền tìm kiếm sáng tạo của nhà nghiên cứu, nghệ sĩ. Nhà nghiên cứu, nghệ sĩ cũng phải trân trọng những niềm tin, xác tín của người đọc, người xem, đôi khi ngay cả những niềm tin mà mình coi là thiên kiến, sai lầm... Ngoài ra, khi tác phẩm đã được phổ biến rồi, tác dụng của nó thế nào ở nơi người tiếp nhận càng không tùy thuộc tác giả. Một tác phẩm tốt nhằm mục đích tốt, có thể được người tiếp nhận sử dụng một cách thật tốt, nhưng cũng có thể được sử dụng trái với mục đích tốt của tác giả như trường hợp một vài công trình nghiên cứu về chiến tranh cách mạng ở Phi châu do một số nhà dân tộc học tiến bộ thực hiện đã bị những lực lượng tổ chức chống cách mạng lợi dụng ngoài ý muốn của tác giả. Buijtenhuijs dẫn chứng công trình nghiên cứu của ông về cuộc nổi dậy của sắc dân "Mân Màu" ở Kénya mà ông tưởng là có ích cho cách mạng vì nhằm phục hồi uy tín của những người mà thực dân vẫn coi là man rợ, nhưng khi sách xuất bản rồi, ông mới thấy thực sự nó có lợi cho những ai. "Trong phân tách của tôi về cuộc nổi dậy Mâu Mâu, tôi đã rút ra nhu cầu phải có trí thức trong hàng ngũ những kẻ nổi dậy nếu muốn cách mạng thành công. Phân tách của tôi đã làm cho một số lãnh tụ cách mạng chú ý đến việc đào tạo cán bộ trước khi phát động khởi nghĩa vũ trang. Trong trường hợp này, phân tách của tôi là có ích cho cách mạng. Nhưng than ôi! Những thế lực thực dân đế quốc cũng lợi dụng những phân tích của tôi. Chúng đưa ra khẩu hiệu: Chúng ta hãy diệt bọn trí thức trước khi chúng trở thành nguy hiểm. Đó là chính sách thực dân Bồ ở Angola và phân tách của tôi đã biện minh cho chính sách của chúng. Tôi sợ rằng các cơ quan tình báo đế quốc có nhiều thời giờ để đọc hơn các lãnh tụ cách mạng và vì thế những công trình nghiên cứu của chúng tôi có thể phục vụ mục tiêu phản cách mạng nhiều hơn. (1)
<<(1) L'anthropologie révolutionnaire, somment faire. Tạp chí "Les temps modernes" số đặc biệt về "Anthropologie et Impérialisme" Juin - Juillet 1971, P. 2357-2358.>>

Nhiều bài thơ của Rimbaud mang tính chất phê phán Kitô giáo quyết liệt, rõ rệt lại làm cho một người đọc Paul Claudel trở lại đạo và trở thành một nhà thơ mộ đạo nổi tiếng. Nhưng biết đâu Thơ của Claudel mang tính chất ca tụng Kitô giáo lại chẳng làm cho một người Kitô giáo nào đó bỏ đạo (chẳng hạn vì không ưa những lựa chọn chính trị của Claudel?).
Vì tác dụng của tác phẩm thường vượt ra ngoài ý muốn của tác giả, nếu không thể quy định trách nhiệm cho tác giả và kết luận tác giả chỉ nêu chú tâm vào việc hoàn thành thật tốt tác phẩm theo đúng những đòi hỏi tiêu chuẩn của tinh thần nghiên cứu khoa học hoặc của sáng tác nghệ thuật mà thôi như Marx đã nói đâu đó trong Tư bản luận: "Người làm khoa học với một một mục đích không nằm trong bản thân khoa học mà ở ngoài khoa học thì một con người như thế, tôi gọi là con người đê tiện".

Cách làm
Bạn đọc hẳn nhận thấy những gì chúng tôi đã trình bày chưa phải là nội dung một cuốn sách về văn học sử học Việt Nam hay về miền Nam mà chỉ là một hồ sơ chuẩn bị soạn thảo những công trình trên bằng cách cung cấp, giới thiệu tài liệu, đề nghị một vài hướng nghiên cứu, vì còn thiếu nhiều dữ kiện, cần nhiều nỗ lực giải thích, nên không thể vội làm một tổng hợp ngay được. Thực ra, chúng tôi rất dè dặt đối với những bộ thông sử về văn học, lịch sử Việt Nam mà chúng tôi đã được đọc, vì thiếu tài liệu, cơ sở kiểm chứng, nên có thể chỉ là chép lại của nhau những sai lầm, những thiên kiến, khẳng định vô bằng. Chúng tôi nghĩ đến một vài bậc đàn anh đi trước như Cadière, Nguyễn Văn Tố, Lê Thọ Xuân đã nêu gương về một thái độ khiêm tốn, dè dặt trong việc nghiên cứu, biên soạn sử Việt Nam. Không ai phủ nhận đó là ba người am hiểu nghiêm chỉnh lịch sử Việt Nam. Họ đã viết rất nhiều nhưng lại ít thấy xuất bản thành sách, hầu như chỉ để lại toàn những bài báo. (1)
<<(1) LM Cadière và cụ Nguyễn Văn Tố, nhiều người đã biết tiếng rồi, riêng cụ Lê Thọ Xuân ít được biết đến vì là người miền Nam. Chúng tôi ghi lại đây cảm tưởng của một người nghe cụ nói chuyện về sử, cho thấy cụ cẩn thận, tỉ mỉ thế nào: "Nghe ông nói, tưởng là biết rồi, hóa ra chưa, vì tác giả, dẫn chứng tài liệu, kể đến đâu, chỉ rõ tên lúc ấy tên sau đó và tên bây giờ. Diễn giả bày tài liệu một cách tỉ mỉ rạch ròi đến nỗi nhiều thính giả ngó nhau lắc đầu, lè lưỡi!
Theo dấu Cao Hoàng (Cuộc diễn thuyết về lịch sử theo ông Lê Thọ Xuân do Hội Nam Kỳ trí dục thể dục tổ chức ngày 11-9-1943. Báo Thanh niên do ông Huỳnh Tấn Phát chủ trương số 3 ngày 18-9-1943 SAIGON.>>

Thiết tưởng yêu cầu đề ra là làm sao thực hiện được thật nhiều những đặc khảo, chuyên đề (monographies) về một tác giả, một tác phẩm của tác giả, về một vấn đề của tác phẩm, về một trào lưu v.v... như những mảng, mảnh vụn để sau này sẽ ghép những mảnh vụn thành mảng, nhiều mảng thành bộ (như bộ chén, bộ bát). Ở đây chúng tôi chưa làm được những đặc khảo, mới chỉ thiết lập một hồ sơ phác họa những đặc khảo mà chúng tôi mong rằng chính chúng tôi và các nhà nghiên cứu khác sẽ thực hiện sau này.

Tính chất của một hồ sơ là luôn luôn có thể bổ túc thêm do đó, chúng tôi mong rằng tập biên khảo này sẽ được đánh giá như một hồ sơ còn đang thiết lập, chưa phải một công trình hoàn tất.

Thiết lập hồ sơ dựa vào tài liệu giới thiệu trình bày tài liệu một cách trung thực để người đọc trực tiếp tiếp xúc với tài liệu (tác phẩm, tác giả, sự kiện), rất tiếc ở đây mới chỉ là tiếp xúc với lược tóm tài liệu, chưa phải là đọc chính tài liệu nguyên bản... Làm như vậy, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi muốn tỏ ra tôn trọng người đọc, để người đọc tự ý xem xét và duyệt lại ý kiến của mình chỉ vì thực tế bắt buộc mà thôi, tránh được những va chạm tự ái vô ích. Bàn cờ người ta vẫn chơi, căn phòng người ta vẫn bày biện dù hay dù dở thế nào thường vẫn không thích người khác xía vô góp ý phê phán. Nhưng nếu bày một bàn cờ khác theo một kiểu chơi khác, trang trí căn phòng theo một lối khác, rồi mời người ta chơi thử, vào xem, có thể người ta sẽ chú ý và chấp nhận lối chơi, trang trí của mình.
Tóm lại, điều cốt yếu chúng tôi cố gắng bằng mọi cách thực hiện là tìm ra văn bản, tài liệu. Chẳng hạn, để chứng minh Tố Tâm, Việt Nam Sử lược không phải là những cuốn tiểu thuyết, sử ký đầu tiên bằng văn xuôi quốc ngữ viết theo lối Tây phương, chỉ cần giới thiệu, trình bày những cuốn văn, sử xuất bản ở miền Nam vào những năm 1879, 1887, 1910, 1920 v.v...

Còn về ý kiến giải thích, ai cũng có thể nêu lên sau khi đã tiếp cận với tác phẩm. Chúng tôi đã nêu lên một số ý kiến, giải thích mà chúng tôi coi như những giả thuyết, gợi ý, đề nghị. Rất có thể sau này đọc thêm tài liệu chính chúng tôi sẽ bác bỏ những ý kiến giải thích đã đưa ra ở đây... Bạn đọc có thể đồng ý hay không với những nhận định giải thích của chúng tôi sau khi đã tiếp xúc với tác phẩm tài liệu, nhưng nếu chưa được đọc chính bản văn, làm sao có ý kiến gì được. Do đó chúng tôi thực sự mong muốn có điều kiện công bố những tài liệu (bản văn, nguyên văn) đã sưu tầm được.



Những bình diện

a. Bình diện địa lý chính trị.
Chúng tôi đã trình bày trong phần đầu về thiên kiến miền Nam không có truyền thống văn hóa, không phải đến năm 1985 người ta mới nói, mà đã có người nói thế từ năm 1915, 1916, 1930, 1960... Vậy thiên kiến trên không tùy thuộc vào sự khác biệt về thế hệ hay thể chế chính trị, mà chỉ tùy thuộc những yếu tố vẫn tồn tại qua các thế hệ, thể chế chính trị. Chúng tôi gọi những yếu tố đó là yếu tố địa lý chính trị. Miền Nam và miền Bắc có những yếu tố địa lý chính trị khác nhau. Bao lâu sự khác biệt về địa lý chính trị vẫn còn, vẫn còn những nếp sống, thái độ nhận thức khác nhau. Người ở vùng đất cũ (miền Bắc) vào ở lâu vùng đất mới (miền Nam) phải thay đổi nếp sống cũng sẽ thay đổi thái độ nhận thức thích ứng với những điều kiện địa lý chính trị của vùng đất mới. Từ một thực tế khách quan như thế, có thể rút ra những quy luật và những quy luật này có giá trị chung cho cả các trường hợp tương tự trên thế giới, vì không phải chỉ ở Việt Nam mới có hiện tượng di dân từ vùng đất cũ vào vùng đất mới. Quan sát hiện tượng này ở các nơi khác và đối chiếu với thực tế Việt Nam, sẽ thấy những điểm giống và khác nhau.
Chẳng hạn đọc cuốn "Mỹ quốc sử lược" (1) chúng tôi thấy mấy điểm sau đây:
<<(1) Do sử gia Francis Whitney biên soạn với sự cộng tác của nhiều giáo sư đại học Mỹ. Bản dịch của Sở Thông tin Hoa Kỳ Saigon không đề năm xuất bản.>>

Giới di dân: Giới khá giả tự đài thọ và thợ giỏi, nông dân nghèo.
Nguyên nhân: Tình cảnh thất nghiệp thời kỳ đầu tư bản phát triển (1620 - 1835). Anh quốc lâm vào một khủng hoảng kinh tế, thợ giỏi cũng chỉ đủ ăn, mùa màng thất thu, kỹ nghệ len sợi phát triển cần nguyên liệu, nghề chăn nuôi cừu thiếu đất chăn nuôi...
Động cơ mục đích: Tìm cơ hội thuận tiện hơn để làm ăn, khao khát tự do tín ngưỡng, nhất là những nhóm theo Thánh giáo muốn cải tổ Anh giáo, thoát khỏi kiềm tỏa chính trị độc tài của nhà vua, sức quyến rũ của cuộc phiêu lưu.

Tác động của vùng đất mới:
Lối sống nhấn mạnh vào các quan hệ cá nhân hơn các quan hệ tập thể, chặt chẽ, gò bó. Tự túc tự quản, ít nhờ đến chánh quyền, làm việc tùy lúc tùy nơi theo sở thích chống sự kiểm soát chặt chẽ, chính sách ban hành các đạo luật sắc thuế một cách độc đoán, mong muốn thực hiện một lý tưởng chính trị phù hợp với thực tế và không chịu sự cai trị bằng những luật pháp ban hành cách xa từ hàng chục ngàn dặm, mâu thuẫn giữa đại diện chính quốc và tự trị địa phương...

Tâm lý con người:
Con người được đánh giá không phải bằng gốc gác gia đình, dòng họ, nhưng bằng tài năng mà thôi, được "khuyến khích có sáng kiến cá nhân, góp phần tạo ra dân chủ kinh tế và chính trị, phát sinh thái độ cương quyết, phá bỏ thái độ bảo thủ nuôi dưỡng một tinh thần tự quyết địa phương đi đôi với sự tôn trọng quyền lực quốc gia." (trang 65)
Con người thì "có cử chỉ cục mịch nhưng hiếu khách rất tử tế đối với những người xa lạ, lương thiện và đáng tin cậy." (trang 66) (1)
<<(1) Ở đây chúng tôi chưa làm được một nghiên cứu đối chiếu để hiểu rõ hơn miền Nam. Chỉ nêu lên nhận xét về một điểm khác biệt căn bản về thành phần di dân ở Việt Nam, đó là những người gốc nông dân thuộc một chế độ, xã hội dựa trên nền kinh tế nông nghiệp còn nhiều tàn dư của kinh tế nguyên thủy, tự túc, thiên về tiêu xài, trong khi di dân từ Âu châu sang Mỹ đã bước vào chế độ tư bản rồi.>>

Ngày nay về mặt văn hóa, người Âu châu (vùng đất cũ) cũng thường bày tỏ thái độ khinh chê người Mỹ châu (đất mới), văn hóa thô sơ, văn chương trơn tuột như trong nói hàng ngày. Nói tiếng Anh, phải theo giọng Luân Đôn thôi... Lối nhìn và đánh giá hơn kém trên cũng thấy ở Việt Nam xuất phát từ thái độ không nhận ra và chấp nhận sự khác biệt về sinh hoạt văn hóa. Người ta dễ nhìn nhận sự khác biệt về phương diện thiên nhiên (khí hậu) hay sinh hoạt văn hóa vật chất (cách ăn, mặc, ở) một món ăn địa phương nếu không ăn được, thì chỉ nhìn nhận là không hợp thị hiếu, ít khi dám chê là thô sơ, kém cỏi... Nhưng về phương diện sinh hoạt văn hóa tinh thần, lại không dễ dàng chấp nhận sự khác biệt, nên mới có đánh giá hơn kém theo tiêu chuẩn của mình và do đó có thái độ khinh chê, tự tôn... Giải tỏa, tháo gỡ những mặc cảm tự tôn là làm sao cho người có mặc cảm ý thức được sự khác biệt và nhận định được ý nghĩa, giá trị riêng của những cái khác biệt. Nhìn nhận sự khác biệt về địa lý chính trị giữa miền Nam và miền Bắc, trước hết là ý thức được sự kiện Nam tiến đã đưa vào lịch sử dân tộc một yếu tố mới ảnh hưởng vào mọi quyết định về đối nội và đối ngoại. Những tranh chấp quyền hành giữa các giòng họ không còn diễn ra trong cùng một hoàn cảnh địa lý chính trị (đồng bằng sông Hồng) mà trong hai ba hoàn cảnh địa lý chính trị khác nhau. Chẳng hạn chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài đi đến chỗ không dứt được vì khoảng cách xa, vận chuyển binh lính, hậu cần khó khăn ảnh hưởng đến các trận đánh. Về đối ngoại, có thêm những đe dọa khác từ bên ngoài, không phải chỉ từ phương Bắc mà còn từ phương Tây (Xiêm, Cao Miên, Âu châu)... Về giao lưu văn hóa cũng vậy, không phải chỉ với văn hóa Trung Quốc, mà còn với văn hóa Chàm, Khmer, Phật giáo tiểu thừa (Ấn Độ).

Dưới đây chúng tôi phác họa mấy nét về địa lý chính trị vùng đất gọi là Nam kỳ, Lục châu. Trong mục: Nam Trung địa dư đang trên Lục Tỉnh tân văn, thấy ghi: Xứ Nam Trung cũng kêu rằng Nam kỳ lục tỉnh, hay Gia Định, ở gần vàm sông Cửu long Giang (1).
<<(1) số 7 ngày 30-12-1907 trang 5.>>
Mới qua cách gọi tên, chúng ta đã thấy phần đất này của Việt Nam bao giờ cũng mang một tên gọi riêng. Đây không phải tình cờ, mà lý do chính yếu là tại phần đất này, ngoài những đặc tính chung với các phần còn lại của Việt Nam, nó có những đặc tính riêng, chỉ nó mới có, hoặc có một cách trội bật so với các miền khác.

Xét về phương diện lịch sử dân tộc, đất nước Chiêm Thành cũ chấm dứt, Nam kỳ mới bắt đầu. Nam kỳ chính là phần đất đai mang tên gọi Thủy Chân Lạp, nghĩa là của vương quốc cũ dân Khmer. Nếu dân Trung kỳ, nhất là từ đèo Hải Vân trở vào, có thể lại ít nhiều máu Chiêm Thành - thuộc chủng tộc Mã Lai từ miền biển Nam lên - thì dân Nam kỳ chỉ có thể lai với người Mên và người Tàu.
Xét về phương diện địa lý, nếu lưu vực sông Hồng đã làm cư dân miền này thống nhất về nhiều mặt thì ở Nam kỳ, lưu vực hai con sông Đồng Nai và sông Cửu Long có tác động tương tự nhưng mạnh mẽ hơn nhiều. Lý do Nam kỳ nhiều sông rạch chằng chịt, thiên nhiên tạo đã nhiều mà nhân tạo cũng lắm. Việc lưu thông đường thủy trong toàn vùng Nam kỳ quá dễ dàng: một con thuyền nhỏ có thể đưa dân miền này từ Sài gòn xuống Cần Thơ, Long Xuyên vào bất cứ tháng nào trong năm. Sự thống nhất tại miền Nam kỳ cao đến độ trong 6 tỉnh Nam kỳ, cách nói và phát âm tiếng Việt giống nhau. Trong khi dân Thanh Nghệ nói thì dân Nam Ngãi nghe muốn đau đầu và ngay bây giờ dân Quảng Ngãi nói thì dân Bắc và Nam phải chú ý nghe hết sức mới hiểu sơ sơ...
Tính cách lưu vực một con sông và sự lưu thông dễ dàng này tự chúng đã có những tác động vào dân cư - không những chỉ về mặt ngôn ngữ như đã nêu - nhiều hơn chúng ta có thể ngờ, về giáo dục, và dĩ nhiên cả về sắc thái chính trị nữa cùng mọi thứ nay thường có trong danh mục về thượng tầng kiến trúc. Thí dụ vấn đề đấu tranh giai cấp ở Nam kỳ có chỗ khác các miền của Việt Nam và thế giới. Giai cấp địa chủ ở Nam kỳ không thể (dù muốn hay không) áp bức nông dân như ở Bắc kỳ. Làng xã Bắc kỳ đa số nằm trong vùng ruộng ít kênh rạch, mỗi làng với lũy tre bao kín như một pháo đài, vợ chồng chị Dậu có bị ép dẹp lép thì cứ đành chịu trận. Ở Nam kỳ làng xã chạy dài theo kênh rạch, 5, 10 cây số không phải là hiếm và chẳng có lũy tre hay rào cản nào. Địa chủ bắt nạt là nông dân mang vợ con xuống thuyền "đi tìm miền đất hứa" ngay. Đầm lầy hoang vu thiếu gì, sẵn sàng đợi người khai hoang. Nếu Marx có lần nói đại khái là miền Viễn Tây hoang vu (The Far-West, the Wild west) đã cứu giai cấp tư bản Hoa Kỳ khỏi cuộc cách mạng vô sản thế kỷ 19, thì cũng có thể nói hệ thống kênh rạch chằng chịt dễ lưu thông của Nam kỳ đã làm cho mâu thuẫn giai cấp địa chủ - nông dân trở nên ít căng thẳng hơn các nơi khác.

Đó là mới xét về mặt sông ngòi kênh rạch. Nhìn ra biển, cũng có nhiều điểm đáng ghi. Điểm thứ nhất là Nam kỳ có chu vi tiếp xúc với Thái Bình Dương nhiều hơn với đất liền. Đã thế vùng biển Nam kỳ lại yên tĩnh - ngay vào mùa bão tố của Nam hải, cảng Sài Gòn Vũng Tàu cũng chỉ biết bão gọi là cho có. Yếu tố này mời gọi tàu bè quốc tế ghé tới. Chưa kể yếu tố các tuyến đường biển Âu Á đi sát sạt mũi Cà Mau. Bởi thế do địa lý của mình, Nam kỳ đã là cánh cửa mở của Việt Nam ra Thái Bình Dương, cánh cửa không thể đóng - dù muốn hay không Tây phương cũng tràn vào không sớm thì muộn, không dưới chiêu bài này thì dưới bảng hiệu khác. Nếu chỉ xét riêng khía cạnh địa lý này thôi, chúng ta dễ dàng thấy Minh Mạng ngây thơ khi áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng để ngăn chặn những con tàu Tây phương và cũng là ngây thơ những ai nghĩ rằng tại Nguyễn Ánh cho Bá Đa Lộc mang Đông cung Cảnh sang Pháp cầu viện nên nước Pháp "mới biết đến Việt Nam" để sau này mang quân đến đánh chiếm. Chúng ta hãy nhìn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam: Ấn Độ, Ceylan, Miến Điện, Mã Lai bị đế quốc Anh chiếm, Phi Luật Tân bị Tây Ban Nha rồi Hoa Kỳ chiếm, Nam Dương quần đảo bị Hòa Lan chiếm... thì thử xét xem các nước ấy có Nguyễn Ánh cầu viện hay không.

Đó là xét về mặt thủy. Còn xét về mặt đất liền, cũng có điều để ghi nhận thêm. Tại bán đảo Đông Dương, có 3 dân tộc sung mãn: Việt Nam, Chiêm Thành và Thái, Việt Nam kẹt nhất, lưỡng diện thụ dịch: phía Bắc dòng Hán tộc muốn tràn xuống, phía Nam dòng Chiêm muốn lấn lên. Việt Nam mặt bắc chặn Trung Hoa, mặt nam đẩy lui Chiêm Thành dần dần. Cuộc đấu tranh Việt - Chiêm này mới đầu không đụng chạm nhiều tới dân Thái vì vướng vùng đệm là Lào và dãy núi Trường Sơn. Nhưng đến khi dân Việt dứt điểm Chiêm Thành tràn xuống Nam kỳ thì lập tức hai dân tộc Thái Việt xung đột liền.

Chiếc bình phong là dãy núi Trường Sơn không còn. Chỉ còn lại vùng đệm là Cao Miên, một miền trù phú chứ không phải như vùng đệm Lào khô cằn. Một phần vì lý do kinh tế (muốn chiếm Miên), một phần vì lý do an ninh quốc phòng, dòng Thái đương nhiên đấu tranh với dòng Việt. Thắng thì bảo hộ cao Miên, thua thì duy trì Cao Miên làm vùng đệm, đó là chính sách căn bản của dòng Thái suốt từ thế kỷ 18, 19 đến hiện nay. Còn phía Việt Nam thì chỉ cần nhìn vào bản đồ là thấy ngay muốn giữ chắc Nam kỳ phải có một Cao Miên thân thiện. Không có một rào cản thiên nhiên nào như núi ngăn che Nam kỳ với Cao Miên còn sông cũng không có sông nào ngăn đôi biên giới, Cửu Long Giang với 2 nhánh Tiền, Hậu chảy xuyên hai nước Việt - Miên ở phần giữa, hoàn toàn thuận lợi cho việc tiến quân. Yếu tố địa lý chính trị này bộc lộ rất rõ trong các tính toán chiến lược của Bộ tham mưu Thái hay của Bộ tham mưu Gia Long - Tây Sơn như đã thấy qua tiểu thuyết lịch sử của Tân Dân Tử.
Một điểm nữa cần ghi là sự phì nhiêu của miền đất này. Trong cả nước, không nơi nào dễ sống hơn. Việc canh tác, nhờ hệ thống kênh rạch, không đòi hỏi sức lao động quá cao. Thủy sản phong phú. Đất dễ thì người dễ, quan hệ giữa người và người nhiều nhân tính hơn, con người cởi mở dễ sống.

* Phác họa một vài nét về địa lý chính trị ở trên cho thấy hướng chúng tôi muốn theo: tìm hiểu một thái độ đối xử, nhận thức do những yếu tố địa lý chính trị quy định như thế nào? Chẳng hạn tìm hiểu tâm tính của người miền Nam:
Về đối xử: thẳng thắn vì có điều kiện khỏi phải né tránh, hai mặt.
Về giao lưu: thống nhất về giọng nói, phong tục và thống nhất về giao thông liên lạc.
Về kinh tế văn hóa: tự túc về văn hóa, dám nói viết theo phát âm của địa phương vì có tự túc về kinh tế.
Về đối ngoại: Cởi mở, thiên về giao thiệp với bên ngoài vì ở ngay ngã cửa biển như thể ngã tư, mặt tiền trông ra phố nhiều người qua lại.

Xét trên bình diện địa lý chính trị khi tìm hiểu tâm tình, tâm lý một địa phương, một dân tộc có nghĩa là:
1) Không để ý đến ý đồ cá nhân vì nhìn nhận tính khách quan của những yếu tố địa lý.
2) Không đánh giá về mặt đạo đức: Coi trọng, đề cao một thái độ ở vùng này hay chê bai thái độ khác ở vùng kia vì chỉ cho đó là sự khác biệt do những yếu tố địa lý chính trị quy định. Người thẳng thắn, bộc trực hay hai mặt chẳng qua vì có hay không có một số điều kiện nào đó (thẳng thắn vì có thể bỏ ra đi, tự túc, còn nếu không, bắt buộc phải chung sống thì cũng bắt buộc phải hai mặt).
3) Coi là tương đối những thái độ tâm tình, vì khi thay đổi hoàn cảnh sống hoặc khi chính những điều kiện địa lý chính trị thay đổi thì tâm tình cũng thay đổi.
4) Quy luật địa lý chính trị chi phối những người sinh sống cư ngụ lâu năm ở một vùng và những người ở nơi khác đến bất kể là vùng nào, nước nào.


Lối nhìn lịch sử và quan điểm quần chúng.
Lối nhìn lịch sử và quan điểm quần chúng ở trong cái bao quát của bình diện địa lý chính trị. Con người làm ra lịch sử và nếu hiểu con người theo số đông thì đó là quần chúng làm lịch sử tùy thuộc những yếu tố địa lý chính trị.
Trong hồ sơ này, chúng tôi đã muốn nhìn vấn đề nhà Nguyễn và Tây Sơn theo những viễn tượng kể trên. Đặt sự kiện, đối tượng muốn tìm hiểu vào hoàn cảnh, thời đại của nó do những yếu tố địa lý chính trị quy định, chúng tôi nghĩ rằng có thể giải thích được những lối nhìn khác nhau về Tây Sơn và nhà Nguyễn.
Nhân dân miền Bắc không liên hệ gì tới nhà Nguyễn, Gia Long nên cũng không gắn bó gì về mặt tình cảm, quyền lời với Nguyễn Ánh. Khi Gia Long ra Bắc, còn phản bội lời hứa khôi phục nhà Lê... Do đó khi nêu lên mục tiêu chống Pháp xâm lược, nêu luôn cả mục tiêu chống nhà Nguyễn, vì dù sao triều đình các vua Nguyễn cũng đã đồng lõa với thực dân, hoặc khi nêu mục tiêu cách mạng phải đưa chủ trương chống quân chủ mà triều đình Huế là tiêu biểu. Những mục tiêu trên đề ra chủ yếu để nói với nhân dân miền Bắc, nên dễ dàng được chấp nhận. Nhưng khi những mục tiêu trên không còn đặt ra nữa và người nghe bây giờ chủ yếu là nhân dân miền Nam thì phải xem xét nhân dân miền Nam nhìn nhà Nguyễn thế nào... Chúng tôi thấy trong sách, báo, truyện thời kỳ đầu thế kỷ bằng quốc ngữ có đề cao vua quan nhà Nguyễn và trong dân gian, có nhiều lăng, đền thờ các danh nhân nhà Nguyễn. Một người sống ở miền Bắc chỉ cảm thấy mối đe dọa từ phương Bắc, coi người Tàu như kẻ thù truyền thống của dân tộc, không thể hiểu được thế nào là "Cáp duồn". Nhưng người miền Nam lại coi những người Việt gốc Hoa, người Minh Hương ở thôn quê như những người đồng hương vì những người gốc Hoa đã "nhận nơi này làm quê hương", nếu không thế làm sao có được những Trịnh Hoài Đức, Bổn Bang? Ngoài ra, người miền Nam lại cảm thấy mối đe dọa từ phương Tây (Xiêm, Cao Miên). Những người như Lê Văn Duyệt đã khai phá vùng đất này, giữ gìn bờ cõi, an ninh trật tự trong mười mấy năm trời cầm quyền không để cho quân Xiêm, Cao Miên xâm phạm đất Gia Định, diệt trừ nạn trộm cướp, cai trị liêm khiết làm cho dân đủ ăn, giàu có sau bao nhiêu năm loạn lạc, làm sao dân chúng lại không lập đền, lăng thờ họ? Người ta nói Lăng ông là nơi có nhiều tập tục mê tín! Thế các lăng đền ở miền Bắc có mê tín dị đoan không? Người dân đi đền Trần Hưng Đạo để cầu tự không phải là mê tín sao? Chẳng qua chỉ là vấn đề mức độ. Phải chăng vì tự căn bản đã chấp nhận đề cao Trần Hưng Đạo rồi nên phớt lờ hoặc đặt nhẹ chuyện mê tín, còn Lê Văn Duyệt vì không được chấp nhận, nên thổi phồng lên chuyện mê tín?

Tuy nhiên chúng tôi đã lưu ý thái độ của người miền Nam đối với các vua nhà Nguyễn có phân biệt đối xử: Chỉ ca tụng Gia Long lúc tấu quốc và phục quốc, các quan văn võ có công khai phá giữ gìn bảo vệ trật tự... là chủ yếu.
Riêng về Phan Thanh Giản mà chúng tôi sẽ nói đến trong những tập sau, nếu ở một thời điểm nhất định, cần nêu lên tiêu chuẩn phân biệt Bạn Thù dứt khoát, đề cao lựa chọn chiến đấu đến cùng, không khoan nhượng, nên phê phán Phan Thanh Giản thì cũng là điều dễ hiểu, nhất là chủ yếu nói với dân chúng một miền không liên hệ gì với Phan Thanh Giản. Nhưng khi những mục tiêu chiến đấu hay giáo dục chính trị không còn đặt ra nữa, và đến lúc chỉ đặt mục tiêu tìm hiểu sự thực lịch sử và nhất là để nói với dân chúng một miền có liên hệ mật thiết với Phan Thanh Giản, thiết tưởng có nên xét lại một lối nhìn, đánh giá chỉ thích hợp với một thời điểm nhất định không?

Như chúng tôi đã nhận xét, hầu như tất cả những ai có dịp ra khỏi nước lúc Pháp bắt đầu can thiệp vào Việt Nam, đều nghi ngờ chủ trương quyết chiến đến cùng và đều nghĩ đến một sách lược hòa hoãn... Vấn đề đặt ra là: có nhìn nhận sách lược hòa hoãn là cần thiết và chính đáng trong một số trường hợp hay không? Nếu có nhìn nhận, nhưng lại chỉ nhìn nhận cho mình: nghĩa là khi nào tôi chủ trương hòa hoãn thì sách lược hòa hoãn là cần thiết chính đáng và kẻ chủ trương quyết chiến đến cùng là kẻ thù cách mạng còn nguy hiểm hơn địch. Trái lại khi tôi chủ trương quyết chiến đấu đến cùng, thì kẻ chủ trương hòa hoãn là phản bội, bán nước. Lý luận chủ quan như vậy thì đành chịu thua thôi.

Nhưng nếu chịu xem xét một cách khách quan, trường hợp nào, hoàn cảnh nào phải hòa hoãn hay quyết chiến, thì việc xem xét này thuộc về nhận thức chính trị, và về phương diện đó, bất cứ người nào ở trong cuộc, trên cương vị lãnh đạo, có trách nhiệm đều có thể sai lầm, nhưng có thể chỉ sai lầm về nhận thức, lựa chọn đường lối mà vẫn giữ được cốt cách của đạo đức chính trị. Cứ giả sử nhận định và lựa chọn của Phan Thanh Giản là sai lầm đi nữa (chủ trương hòa hoãn, nên chống lại Trương Định) thì cũng không thể kết án con người ông về mặt đạo đức chính trị, vì ông đã lấy cái chết của mình để minh chứng cho cốt cách đạo đức chính trị của ông. Trong truyền thống đạo lý Tây phương bắt nguồn từ Kitô giáo, tự tử không được coi như một giá trị đạo đức trong bất kỳ trường hợp nào. Nhưng trong truyền thống đạo lý Á đông, tự tử để minh chứng cho một điều gì đó mà lời nói và ngay cả sự sống cũng không thể làm được, thì tự tử trong những trường hợp trên đều được coi như giá trị đạo đức cao cả nhất.
Thực ra không dễ gì đánh giá một cách khách quan trường hợp Phan Thanh Giản và nhiều trường hợp khác tương tự sau này (1) vì việc đánh giá thường tùy thuộc hoàn cảnh chủ quan của người đánh giá tình hình. Những người ở ngoài cuộc, ở hậu phương xa, hay sống vào những thời kỳ sau, không trực tiếp đối đầu với địch, không ở tư thế lãnh đạo, có nhiều điều kiện xem xét đánh giá tình hình tại chỗ, và nhất là có ý thức trách nhiệm về hậu quả những quyết định của mình, thường có xu hướng thiên về lối nhìn quyết chiến và do đó phê phán những lựa chọn sách lược hòa hoãn...
<<(1) Chẳng hạn trường hợp BS Nguyễn Văn Thịnh hoặc phản ứng trước vụ ký hiệp ước 6-3-1946. Viết xong tập I này, chúng tôi đọc "Chợ ??? quê tôi" của ông Nguyễn Văn Trấn, NXB Văn nghệ TP.HCM 1985, chúng tôi thấy lối nhìn, đánh giá Phan Thanh Giản của một người ở địa phương nơi Phan Thanh Giản hành sự và những chứng từ của một người trong cuộc đối với thỏa hiệp 6-3, đã làm cho chúng tôi an tâm về những nhận xét chúng tôi đưa ra ở trên (đoạn nói về PTG từ trang 52 đến 63).>>

Tuy nhiên, muốn có cái nhìn khách quan hơn, thiết tưởng có thể xem xét lối nhìn, đánh giá của quần chúng. Quần chúng lập đền, xây lăng, dựng tượng, đặt bia hoặc đặt tên đường, ngõ, chợ, rạch v.v... Đó là cách biểu lộ với mức độ khác nhau lòng biết ơn để tưởng nhớ, nêu gương những người có công với làng xã, địa phương, đất nước... Cần lưu ý là chính dân tự động tự nguyện làm, tôn thờ các danh nhân dân tộc cũng tương tự đạo thờ ông bà vì cùng một tính chất, mục đích, tuy cũng gọi là đạo nhưng khác với tôn giáo quen thuộc như Phật, Thiên chúa, Hồi giáo... Trong gia đình họ hàng, chủ nhà, trưởng tộc là chủ tế các nghi lễ cúng vái ông bà, ngoài xã hội, Tiên chỉ, Thứ chỉ những người đứng đầu làng xã, nước làm chủ tế các nghi lễ tôn thờ danh nhân... và hội đồng xã, làng, nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức việc cúng tế, bảo vệ duy trì các cơ sở đình chùa, lăng miếu đền thờ danh nhân. (1)
<<(1) Nếu các cơ sở tôn giáo tư như nhà thờ thánh thất... thường được tôn trọng theo đúng hiến pháp về tôn trọng tự do tín ngưỡng thì những cơ sở tôn giáo của đạo dân tộc mà nhà nước là chủ thiết tưởng càng cần gây ý thức trách nhiệm tôn trọng bảo vệ.>>

Quần chúng căn cứ vào đâu để biểu lộ lòng biết ơn, tôn kính danh nhân? Vào tiêu chuẩn đạo đức chính trị: làm bất cứ cái gì có lợi cho dân về tất cả các mặt và giữ được phẩm giá con người... Trường hợp những người chống xâm lược, lo cho dân an cư lạc nghiệp, công trạng đã rõ, ít phải bàn cãi. Nhưng còn trường hợp những người sống trong lòng địch, cộng tác với địch thì sao? Có thể dựa vào địch mà chống địch, lo cho dân được không? Có, nhưng thật khó xác định vì thiếu gì kẻ miệng nói như vậy thậm chí còn phê phán, chửi địch công khai, nhưng thật ra vẫn là tay sai mà thôi. Quần chúng càng khó xác định vì không đủ điều kiện, khả năng tìm hiểu, đánh giá, nhưng vẫn có thể dựa vào hai tiêu chuẩn kiểm tra: tham quyền cố vị và vinh thân phì gia để thẩm định mức độ đạo đức chính trị của những người trong trường hợp này. Có thể nêu trường hợp Hồ Biểu Chánh và Trương Vĩnh Ký mà chúng tôi sẽ nói đến trong những tập sau. Riêng Trương Vĩnh Ký, trước đây chúng tôi đã biên soạn nhiều bài báo, sách phê phán gắt gao ông là tay sai của Pháp (1). Vào thời kỳ đó chúng tôi không hề nghĩ đến lối nhìn lịch sử, quan điểm quần chúng. Khi thực hiện công trình biên soạn này, chúng tôi thật ngạc nhiên đọc trong Lục Tỉnh tân văn lời hô hào quyên tiền bạc cả lục tỉnh để dựng hình Trương Vĩnh Ký. Trong lời kêu gọi, thấy xác định khá rõ việc đánh giá Trương Vĩnh Ký: "Ông này khi sinh tiền tuy là nhà nước tin cậy mặc dầu thế chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương... Đêm ngày lo đọc sách này dịch sách kia ra cho kẻ hậu sanh để đọc. Thiệt là quan thầy của cả Nam Kỳ." (Ông Đốc Ký, số 29, trang 1 ngày 4-6-1908). Những người chủ trương Lục Tỉnh tân văn như Trần Chánh Chiếu, Đặng Thúc Liêng, lãnh tụ của phong trào Duy Tân ở miền Nam, không thể bị nghi ngờ là tay sai của Pháp, họ lại là những người đương thời với Trương Vĩnh Ký, nên hiểu rõ ông hơn chúng ta ngày nay, tại sao coi Trương Vĩnh Ký là ông Đốc Ký, thầy dạy đạo lý của miền Nam? Một vài học giả Pháp thời kỳ này cũng gọi Trương Vĩnh Ký là "Cher Maýtre". Trong truyền thống văn hóa Pháp, từ maýtre được dùng để bày tỏ sự trân trọng đối với nhà văn, nhà báo mà người ta kính phục về tư cách đạo đức (2). Một người như Trương Vĩnh Ký có thể đạt tới tuyệt đỉnh của danh vọng quyền chức, của cải, nhưng ông đã không "tham quyền cố vị, vinh thần phì gia", cho nên tôn chỉ ông đưa ra: Ở với họ mà không theo họ (sicvos, non vobis, một câu cách ngôn la tinh) có thể tin được ở nơi ông không phải là một câu nói láo, bịp bợm... Vụ dựng hình không thành. Mãi đến năm 1927 mới thành, nhưng do Tây chủ xướng. Sự kiện này cho thấy trong những trường hợp tương tự, ta kéo một người về với ta, thì là người của ta, còn đẩy họ về với địch, hay để cho địch kéo về với họ, thì họ là người của địch.
<<(1) Xin xem những cuốn trong tủ sách "Tìm về dân tộc" xuất bản hồi 1974 - 75, như: Chữ, Văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc, cuốn Số bình sanh của Trương Vĩnh Ký, nhiều bài đăng trong Bách khoa cùng thời kỳ.
(2) De Gaulle lúc làm tổng thống viết thư cho J.G.Sartre gọi ông là "Cher Maýtre".>>

Sau đó, chúng tôi cũng ghi nhận thêm thái độ của quần chúng trong khởi nghĩa Cách mạng tháng 8. Quần chúng biểu tình tuần hành và kéo đổ các tượng Tây như Adran, Francis Garnier... nhưng lại không đụng đến tượng Trương Vĩnh Ký ở ngay chỗ tụ họp mít tinh. Tại sao? Chúng tôi rất mong được các vị có mặt tại chỗ chứng kiến hoặc chỉ đạo những cuộc mít tinh lúc đó cho biết lý do.

Những sự kiện kể trên bắt buộc chúng tôi phải duyệt xét lại việc đánh giá Trương Vĩnh Ký. Chúng tôi không cho rằng quan điểm quần chúng nhất thiết bao giờ cũng đúng hết, nhưng khi tìm hiểu, có nên chiếu cố quan điểm quần chúng không? Chúng tôi nghĩ rằng nên. Ngoài ra, nếu không thể tách chính trị (ý định, lập trường, mục đích) khỏi văn hóa để tìm hiểu đánh giá về mặt tư tưởng, thì sau đó nên tách chính trị khỏi văn hóa để chỉ xét những công trình văn hóa về mặt lịch sử. Cuốn sách cũ cũng như lăng, đền, mộ, đều là những di tích lịch sử, sự kiện vật chất... cho đến nay, không một quốc gia nào lại căn cứ vào ý định, mục đích của tác giả (bất kể xấu tốt, chính trị hay không) dù đó là những bạo chúa, để quyết định việc nên giữ hay phá bỏ đi di tích lịch sử, vì nếu nhìn, đánh giá như vậy, không còn di tích, bảo tàng lịch sử, thư viện... Nếu đã nhận nguyên tắc phân biệt trên về mặt lịch sử, thì cũng nên áp dụng cho mọi trường hợp, mọi người, không phân biệt đối xử... Nếu chủ trương bảo vệ những lăng tẩm ở Huế, thì cũng nên bảo vệ những lăng mộ ở Sài Gòn như Lăng Cha Cả, Lăng Ông. Nếu đã chỉ đánh giá những Lê Quí Đôn, Nguyễn Du về văn hóa, thì cũng không nên bỏ qua những Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Khái Hưng.

Bình diện xã hội
Trước một hiện tượng như hiện tượng tôn giáo, chúng tôi không đứng trên bình diện lý luận (triết học, tôn giáo) để tìm hiểu xem tôn giáo chủ trương những gì, đúng hay sai, hợp lý hay không, mà chỉ đứng trên bình diện xã hội học để tìm hiểu tại sao có người theo tôn giáo đó, nghĩa là chỉ chú ý tới con người, không phải giáo lý. Tìm hiểu tại sao có người theo một tôn giáo hay nói rộng ra, theo một ý thức hệ là tìm hiểu con người ở trong một hoàn cảnh nhất định có những nhu cầu nào cần được thỏa mãn và tôn giáo ý thức hệ xuất hiện như một đáp ứng những nhu cầu đó...

Đây là lối nhìn xã hội học chú trọng đến những chức năng của tôn giáo, ý thức hệ, nhằm lãnh hội những nhu cầu thiết yếu xuất phát từ bên trong (nội tại) của con người. Hiểu như vậy, tôn giáo hay ý thức hệ không phải đơn thuần chỉ là một phản ảnh thụ động xã hội mà còn có những chức năng xã hội. Chính những chức năng này giải thích tại sao một ý thức hệ hay tôn giáo tồn tại dai dẳng trong lịch sử mặc dầu những điều kiện về người, tổ chức hoàn cảnh đã thay đổi, ngay cả trong trường hợp người sáng lập hay lãnh đạo sa đọa, phản bội, hoặc những thể chế, tổ chức bị phân hóa thành những phe nhóm, giáo phái khác nhau, thậm chí thù địch nhau... nếu có những người vẫn tin một ý thức hệ, tôn giáo mặc dầu những lầm than sa đọa của giới lãnh đạo, thể chế tổ chức thì sự kiện này chỉ có thể hiểu được theo hướng coi tôn giáo ý thức hệ đó vẫn còn khả năng đáp ứng những nhu cầu nào đó của những người tin theo...

Lối nhìn trên cho thấy không nên hời hợt, vội vã chỉ dựa vào sự sa đọa, suy thoái về người, hoặc tổ chức mà kết án một tôn giáo, ý thức hệ là lỗi thời, nhất là khi chính những người theo ý thức hệ, tôn giáo đó coi sự sa đọa, suy thoái nhất thời như một luận cứ biện minh tính cách chính đáng của tôn giáo, ý thức hệ, vì ngay cả những người lãnh đạo sa đọa, phản bội, cũng đã không thể diệt tôn giáo, ý thức hệ từ bên trong. (1)
<<(1) Henri Guillemin, một nhà phê bình văn học Pháp, nổi tiếng về chuyên đả phá, giải tỏa huyền thoại các nhà văn lớn, đã dành cuốn sau cùng của đời mình để thử xem có đả phá được huyền thoại về ông Giêsu hay không trong cuốn "L'affaire de Jesus", nhà xuất bản Seuil, Paris, 1982. Ông đã nhận định như sau: Ngày nay, những người Kitô giáo không ai chối cãi những lầm than, sa đọa trầm trọng của giáo hội trong lịch sử. Như vậy thật vô ích nếu còn dựa vào những lầm than sa đọa đó mà chỉ trích kết án Kitô giáo vì vấn đề cần đáng tìm hiểu là: tại sao Kitô giáo vẫn tồn tại sau bao nhiêu lầm than, sa đọa, sai lầm? Một số nhà thần học coi những sa đọa lầm than của giáo hội như một luận cứ biện minh cho nguồn gốc, và tính cách siêu nhiên của giáo hội, vì theo họ, nếu ngay cả những kẻ lãnh đạo giáo hội mà cũng không thành công trong việc phá hủy giáo hội từ bên trong, thì điều đó cho thấy giáo hội là do thiên chúa lập ra và duy trì nó.>>

Dĩ nhiên phải xác định các loại nhu cầu? Thiết thực hay giả tạo, thiết yếu hay tùy thuộc, nhất thời hay lâu dài gắn liền với cấu trúc hiện hữu con người. Vấn đề đặt ra là: tôn giáo có phải là một cách đáp ứng loại nhu cầu gắn liền với cấu trúc hiện hữu con người hay không?




CHỮ NHO, CHỮ QUỐC NGỮ VÀ PHÁT TRIỂN

Khi tìm hiểu con người miền Nam qua các tài liệu văn sử bằng quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, điều làm cho chúng tôi ngạc nhiên bắt buộc phải lưu ý là thái độ của giới trí thức được đào tạo theo Tây học đối với Nho học.
Miền đất này bị chiếm làm thuộc địa và bị phân chia với phần còn lại, nên mục tiêu đề ra trước hết vẫn là dành lại độc lập, thống nhất như bao lần trước đó trong lịch sử, nhưng lần này phải đề ra một mục tiêu khác: phát triển dựa vào đòi hỏi hiện đại hóa bằng cách tây phương hóa. Nhưng tây phương hóa mà không gạt bỏ truyền thống đạo lý dân tộc dựa trên Nho học, trái lại vẫn coi nó như cơ sở lý luận hiện đại hóa và chỉ tiếp thu khoa học kỹ thuật của văn hóa Tây phương mà thôi. Đó là hướng hành động của phong trào Minh Tân hồi đầu thế kỷ. Tiếc thay phong trào này đã thất bại.

Ở miền Bắc, cũng đề ra mục tiêu phát triển, nhưng lại coi Nho học như một cản trở hiện đại hóa nên chủ trương gạt bỏ chữ Nho và coi chữ quốc ngữ như phương tiện Tây phương hóa (dịch các sách hay của văn hóa Pháp, cổ động dùng chữ quốc ngữ về mọi mặt sinh hoạt, thay thế chữ nôm, chữ nho). Nguyễn Văn Vĩnh, một trong những người tiên phong chủ trương hiện đại hóa đã nói một câu nổi tiếng gắn liền vận nước vào việc phát huy chữ quốc ngữ: "Nước Nam ta mai say này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ".

Quả thật, sau đó 8 năm, chữ quốc ngữ ngày nay đã là chữ viết của cả nước, được dùng để diễn tả mọi kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội các cấp, nhưng nước Nam bây giờ có hay không, nghĩa là có phát triển không? Nếu hiểu phát triển theo nghĩa kịp đà các nước trước đây chậm tiến hơn Việt Nam và bây giờ vượt Việt Nam còn Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới thì phải nhận là dở. Tại sao?

Gần đây, chúng tôi được đọc bài "Khổng giáo và chủ nghĩa tư bản" của Michis Morishima, một nhà kinh tế học Nhật (1) và cuốn "Le nouveau mondesenisé" của Léon Vandermeersch (2), rồi dự một buổi nói chuyện của ông này, hiện là Giám đốc Viễn đông Bác cổ, tổ chức ở Viện KHXH miền Nam ngày 9/10/1990 về những trào lưu tân nho học. Qua buổi nói chuyện này, chúng tôi được biết một số học giả gốc Trung Quốc như Lâm Dục Sinh, Đỗ Duy Minh, Lưu Thuật Tiên v.v... ở các đại học Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông thuộc thế hệ thứ ba của trào lưu kể trên cũng cùng một luận điểm với ông và tác giả Nhật Bản. Đây là một luận điểm nhằm giải thích sự phát triển nhanh chóng của một số nước ven Thái Bình Dương (Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore...) có thể trở thành trung tâm công nghiệp của thế giới vào đầu thế kỷ XXI bằng nền tảng văn hóa: những nước kể trên đều thuộc một cộng đồng văn hóa Nho học, được coi như yếu tố thuận lợi cho việc phát triển tư bản công nghiệp.
<<(1) Tạp chí Thông tin ??? số 12/1987
(2) P.U.F. Paris 1980.>>

Giải thích sự thành công của chủ nghĩa tư bản bằng văn hóa không phải là điều mới lạ vì cách đây 60, 70 năm, Max Weber là người đầu tiên nêu lên luận điểm kể trên. Theo nhà xã hội học người Đức này, chính luận lý học của đạo Tin lành (đặc biệt phái Thánh giáo) đã thích hợp với việc hình thành và phát huy tinh thần tư bản chủ nghĩa, trong khi luân lý học của các tôn giáo khác: Công giáo (mặc dầu cũng là Kitô giáo), Ấn Độ giáo, Nho giáo... đều chứa sâu những yếu tố chống lại hay ngăn cản sự ra đời và phát triển tư bản chủ nghĩa.

Những tác giả Nhật, Trung Quốc, Léon Vandermeersch không bác bỏ luận điểm của Max Weber liên quan đến Âu châu, mà chỉ bác bỏ phần liên quan đến Á châu, nhất là Nho học, mà theo các tác giả này lại bao gồm những yếu tố còn thuận lợi hơn cả văn hóa Âu châu cho việc phát triển tinh thần tư bản chủ nghĩa. Ở đây chúng tôi không đi sâu vào cuộc tranh luận này mà chỉ bày tỏ đôi điều thắc mắc.

Trước hết, chúng tôi không được đọc sách của các tác giả Trung Quốc, Nhật Bản nên không rõ họ có nói đến Việt Nam không, nhưng cuốn của Léon Vardermeersch mà chúng tôi đã đọc, nói về cộng đồng Nho học, lại trừ Việt Nam ra. Trong một chương bàn về quan hệ chữ quốc ngữ và chữ nôm, chữ nho, tác giả đi tới một nhận xét chúng tôi công nhận là đúng. Ở Việt Nam, việc bãi bỏ chữ nho đích thực đã giải thoát nhất loạt giới trí thức khỏi mọi ngáng trở của văn hóa truyền thống. Nhưng kết quả, thay vì là một bước nhảy của cả nước lên trình độ các nước tiên tiến, lại chỉ mở ra cho giới thượng lưu Việt Nam những con đường đồng hóa hoàn toàn vào văn hóa Tây phương từng cá nhân một, bằng cách làm cho họ trở thành mất gốc" (trang 149).

Các nước thuộc cộng đồng nho học, không nước nào bỏ chữ riêng của họ, trừ Việt Nam và phải chăng vì Việt Nam đã thành công trong việc xóa bỏ chữ nôm, chữ nho, phổ biến chữ quốc ngữ, nên đã mất gốc và do đó cũng không phát triển được? Trong buổi nói chuyện, tác giả không hề nhắc tới Việt Nam nữa, mặc dầu kể tên những nước khác thuộc cộng đồng nho học. Đưa ra một giải thích cho cả nhóm cùng mẫu số chung, mà lại không giải thích tại sao trường hợp Việt Nam không nằm trong giải thích chung đó? Hay vì Việt Nam không đáng được chú ý? Thư tịch gồm 131 sách báo tham khảo, chỉ có hai tài liệu được nhắc đến về Việt Nam và không rõ có phải là tài liệu nghiên cứu văn hóa? (cuốn V.C.Nguyên Vietnam under Communism 1975 - 1982. Stanford 1183, và Hoàng Văn Hoan, L'amitié sino-Vietnam et la Trahison de Le Duân, pekin 1982). Thực ra nhiều người Việt Nam nghiên cứu có nói đến những hạn chế của chữ quốc ngữ so với chữ nho, chẳng hạn bài: 100 năm chữ quốc ngữ, Nguyễn Văn Xuân, tạp chí Văn, Sài Gòn số 1 năm 1967 rất đáng được lưu ý.

Ngoài ra thiết tưởng cần nhắc lại trước khi có luận điểm giải thích bằng văn hóa, đã có luận điểm giải thích bằng kinh tế xã hội. Luận điểm này có nhiều xu hướng nhưng đều chung một vài nét tổng quát như sau: sự xuất hiện của chế độ tư bản đã chỉ xảy ra ở Âu châu, vì chỉ Âu châu mới trải qua các thời kỳ tiêu biểu cho những hình thái kinh tế xã hội của diễn tiến lịch sử nhân loại, đặc biệt có chế độ phong kiến đưa tới chế độ tư sản, trong khi các xã hội ngoài Âu châu đều ngưng đọng và vì thế phải chấp nhận sự can thiệp, thống trị bằng bạo lực của chế độ thực dân đế quốc phương Tây như một tất yếu lịch sử để có điều kiện vật chất, văn hóa tiến lên xã hội chủ nghĩa qua tư bản chủ nghĩa.

Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ không luận điểm nào đưa ra một giải thích đúng, đầy đủ, xác đáng cho mọi trường hợp và vì thế phải xét từng trường hợp cụ thể, xem những yếu tố nào của hai luận điểm trên và của những luận điểm khác là yếu tố thuận lợi hay không thuận lợi, và yếu tố nào có tính cách quyết định, hay chỉ là thứ yếu. Hai luận điểm giải thích bằng kinh tế xã hội và văn hóa kể trên đều do người Âu châu đề ra và tuy khác nhau, vẫn có một điểm giống nhau: coi Âu châu là trung tâm, mẫu mực (européocentime) nên chỉ căn cứ vào tình hình Âu châu mà tổng quát hóa các thực tại lịch sử của các châu khác. Chẳng hạn, đối với Hegel, chỉ Kitô giáo là tôn giáo (la religion). Chính vì thế mà các nhà tư tưởng Âu châu không còn thấy cần tìm hiểu nghiêm chỉnh các tôn giáo triết học khác như Ấn Độ giáo, Khổng giáo, Phật giáo v.v...

Việt Nam có một lịch sử lâu đời nhưng lại có rất ít tài liệu lịch sử, nên rất khó xác định một cách nghiêm chỉnh những vần đề thuộc lịch sử. Chúng tôi nghĩ rằng trước tình hình trên, bắt buộc người nghiên cứu phải có thái độ khiêm tốn trí thức chỉ có thể nêu lên những giả thuyết giải thích hay những nhận định gợi ý... Về luận điểm phương thức sản xuất, hình thái kinh tế xã hội, đã có những tranh luận xem Việt Nam có chế độ nô lệ hay phong kiến. Chúng tôi có cảm tưởng sự xâm lược đã đặt đất nước vào tình trạng bất bình thường nhưng vì sự thống trị kéo dài quá lâu nên tình trạng bất bình thường được coi như thể bình thường. Sự kiện này có lẽ đã làm lệch lạc hay phá hoại diễn tiến lịch sử qua các hình thái kinh tế, xã hội một cách tuần tự như đã thấy ở các nơi khác. Việt Nam có thể có tất cả những chế độ nô lệ, phong kiến, tư sản, nhưng do áp đặt tự bên ngoài hay do diễn tiến tự nhiên của mình? Cái gì cũng có nhưng cái nào là chủ chốt trội bật? Hoặc có thể cùng có cả một lúc vì cái đã có trước vẫn còn đó như tàn dư, hoặc cái đáng lẽ có sau lại có trước? Chẳng hạn nhà nước (l'Etat) có trước quốc gia (nation) trong khi đáng lẽ phải ngược lại. Chế độ thuộc địa buộc phải thiết lập bộ máy nhà nước khi các miền, bộ lạc chưa có ý thức quốc gia. Tâm lý tiêu xài hoang phí vẫn còn khá phổ biến ngày nay, đặc biệt vào các ngày lễ, tết phải chăng biểu lộ hiện tượng Potlatch mà Marcel Mauss đã khám phá ra khi nghiên cứu những trao đổi giữa các xã hội cổ sơ thời cộng đồng nguyên thủy. Xã hội nào cũng làm ra của cải dư ít nhiều sau khi đã thỏa mãn những nhu cầu cần thiết để tồn tại. Trong lịch sử nhân loại, có hai quan niệm sử dụng phần dư này (Sunplus) một là của các xã hội cổ sơ, tiền tư bản, hai là của các xã hội từ tư bản trở về sau. Điều khác biệt giữa hai quan niệm là một đàng dùng phần dư vào việc tiêu xài hoang phí, một đàng biết tích lũy, đầu tư tái sản xuất để tăng năng xuất. Tiêu xài hệt có tính cách phi kinh tế nhưng lại thể hiện một chức năng xã hội: phô trương hay bảo vệ thể diện của gia đình, dòng họ bằng việc thách thức qua những trao đổi: biếu phúng, hủy diệt của cải... Một vài ghi nhận vụn vặt trên cho thấy thật rất khó xác định Việt Nam đã có những chế độ kinh tế xã hội nào và nếu có thì như thế nào.

Luận điểm giải thích dựa vào văn hóa, cũng thật phức tạp. Đúng như Léon Vandermeersch đã nhận định: chữ quốc ngữ thay thế chữ nho, tưởng là đưa vào hiện đại hóa, phát triển, nhưng lại chỉ tạo ra một giới trí thức mất gốc.
Tuy nhiên sự kiện mất gốc hay không mất gốc về văn hóa không thiết yếu liên quan đến đà phát triển kinh tế.

Nếu người Việt Nam đạt tới hiện đại hóa, tây hóa thì đương nhiên phải phát triển được, mặc dầu mất gốc (biến thành Tây). Vậy nếu không phát triển được, thì không phải vì mất gốc mà vì những nguyên nhân khác không phải kinh tế hay văn hóa. Phải chăng chỉ cần thay đổi những thể chế chính trị thì chỉ 10 năm, 20 năm, Việt Nam phát triển được dù có mất gốc? Tuy nhiên, nếu phát triển được mà mất gốc thì phải chăng đó sẽ là một thảm họa?
Ở miền Nam, ngay từ đầu thế kỷ, phong trào Minh Tân chủ trương hiện đại hóa, tây phương hóa nhưng chỉ về mặt khoa học kỹ thuật và vẫn giữ đạo lý dân tộc dựa trên nho học, được coi không phải như yếu tố ngăn cản, trái lại là yếu tố thuận lợi và như vậy, nếu phát triển được thì chắc không mất gốc, nhưng phong trào cũng thất bại, tại sao?

Chúng tôi thấy nguyên nhân chính cũng là chính trị. Ở miền Nam, phong trào Minh Tân có những thuận lợi mà miền Bắc không có:
1) Điều kiện thiên nhiên ưu đãi, thuận lợi về nông nghiệp, thương nghiệp nhờ đất đai phì nhiêu, rộng rãi, khí hậu ổn định, kinh rạch chằng chịt dễ dàng cho việc đi lại.
2) Dân chúng nhiều người có khả năng hùn vốn, tiết kiệm, lập hội.
3) Chính sách cho tự do kinh doanh của người Pháp và ước muốn của họ khích lệ việc hình thành một tầng lớp tư sản bản xứ để kìm chế bớt sự tung hoành của giới tư sản Tàu, Chà và mà họ sợ không kiểm soát nổi về phương diện chính trị (đạo quân thứ năm). Tờ Lục Tỉnh tân văn đứng tên một người Pháp bảo đảm về mặt chính trị cho phong trào làm kinh tế.

Nhưng phong trào đã không đề ra được một sách lược kết hợp phát triển kinh tế và đấu tranh chính trị mà vẫn giữ một phân cách để đảm bảo sự tồn tại của hoạt động kinh tế. Phong trào không coi phát triển kinh tế là chính, ít ra lúc ban đầu mà chỉ coi như hình thức che đậy những hoạt động chính trị, nhằm lật đổ chính quyền thuộc địa, vì thế những cơ sở kinh doanh (khách sạn, tiệm ăn, tiệm buôn v.v...) chẳng qua chỉ là nơi cất dấu tài liệu vận động chống Pháp, hay là địa điểm giao liên, hội họp... Hồ sơ vụ án Trần Chánh Chiếu cho thấy rất rõ sự vụng về, sai lầm của phong trào: tài liệu, nhân chứng rành rành ra đó, không chối cãi gì được. Giả sử phong trào biết biến ý thức chính trị thành hành động kinh tế và tổ chức sinh hoạt kinh tế làm sao để Tây dù có nghi ngờ cũng không thể bắt bẻ gì được vì các cơ sở kinh doanh thực sự chỉ làm kinh doanh, biết chờ đợi thời cơ để chuyển sang đấu tranh chính trị (chiến tranh 1914 - 1918 chẳng hạn) thì tình thế có thể đã khác?

Tuy nhiên phong trào cũng gặp một khó khăn nữa thuộc tâm lý dân tộc. Người Việt Nam trong lịch sử, tỏ ra rất giỏi về quân sự chống được mọi xâm lược đô hộ của người ngoài, hơn nữa cũng thông minh không thua kém ai, về phương diện xã hội biết đùm bọc tương trợ, nhất là khi xảy ra hoạn nạn. Tổ chức làng xã xưa cho thấy có đủ mọi hình thức cứu tế xã hội về mặt nhân đạo, tình nghĩa đồng bào, nhưng về lãnh vực quan hệ xã hội dựa trên quyền lợi, ai cũng nhìn nhận người Việt Nam ít có tinh thần tin cậy chấp nhận nhau, hợp tác làm ăn chung vừa mưu lợi riêng vừa ích quốc lợi dân. Không những không hợp tác mà khi thấy người khác làm lại phá chỉ vì việc làm dù tốt, nhưng do người khác làm nên phá, "gà ghét nhau tiếng gáy". Phong trào Minh Tân đưa ra khẩu hiệu chống chệc, chống chà, hô hào tẩy chay hợp tác, với người Tàu, người Chà, và vận động người Việt Nam hợp tác với người Việt Nam, hùn vốn dùng đồ người Việt Nam làm ra... Không phải chỉ là kêu gọi, cổ võ, mà còn có rất nhiều bài phân tích, phê phán tâm lý chống ngoại bang về chính trị thì đồng tình, hợp nhất hăng say, nhưng lại phục người nước ngoài về kinh tế, thương mại, đi mua hàng chỉ đến tiệm các chú, vì chỉ tin các chú...

Tóm lại chỉ bày tỏ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc nhưng không phát huy ??? lòng yêu nước, nên trên bình diện chính trị tự ái dân tộc trên bình diện kinh tế, thương mại. Từ phong trào Minh Tân đến bây giờ, đã có nhiều chiến dịch hô hào chống hàng ngoại, dùng hàng nội, nhưng nào có kết quả bao nhiêu vì tâm lý dân tộc kể trên, không phân biệt Nam Bắc. (1)
<<(1) Ông Đào Công Tiến, hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đi thăm Nam Triều Tiên về đã nhận xét Nam Triều Tiên về mặt kinh tế, trên thị trường hầu như chỉ thấy hàng nội địa, trong các khách sạn sang trọng những thứ như rượu, thuốc lá, hầu hết đều là hàng trong nước. Về mặt xã hội, phong cách dân tộc, truyền thống trong cách ăn mặc, tiếp xúc, lối sống nói chung và khá đậm nét (Tuổi trẻ chủ nhật, ngày 14-10-1990, trang 3).>>

Đây là một nét tiêu cực, hạn chế rất lớn cần tìm hiểu để khắc phục. Bao lâu lòng yêu nước chỉ được nhìn qua những đấu tranh chính trị, quân sự, bao lâu vẫn còn quan niệm chỉ ngưỡng mộ như anh hùng dân tộc, những nhân vật quân sự có chiến công oanh liệt, không phải những người làm cho dân no ấm, hay giảm bớt lao động cực nhọc, bao lâu còn đề cao thái độ khinh chê giàu có, coi như một tội, trân trọng cái nghèo thanh cao dựa vào một quan niệm nào đó về truyền thống dân tộc về Nho Lão Phật, Kitô giáo, cộng sản, thì tâm lý kể trên vẫn là một cản trở đáng kể đà phát triển.
Tóm lại, chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam không phát triển được do nhiều nguyên nhân, có lẽ nguyên nhân chính trị là quyết định và các nguyên nhân phụ thuộc khác như tâm lý dân tộc, sự can thiệp, đô hộ lâu dài của ngoại bang, một cách hiểu nào đó về các tôn giáo, ý thức hệ du nhập từ bên ngoài v.v...
Cuối năm 1990
Nguyễn Văn Trung

No comments:

Post a Comment