I - Chính sách văn hóa của người pháp ở Nam Kỳ
Sau khi chiếm đóng xong Nam Kỳ, người Pháp bắt tay vào việc cải tạo thuộc địa về mọi mặt. Riêng về văn hóa, họ chỉ có hai chính sách để lựa chọn áp dụng: liên hiệp hoặc đồng hóa, nghĩa là vẫn tiếp tục tôn trọng bản sắc văn hóa (identité culturelle) của người bị trị hoặc xóa nó, biến người bị trị thành người Pháp về văn hóa.
Bonard chống đường lối trực trị của Charner, vì cảm phục văn hóa, những thể chế Việt Nam. Chủ trương phải "tôn trọng luật lệ phong tục quốc gia của người Annam" ra một tuyên ngôn bằng chữ Nho và chữ Pháp trình bày quan điểm trên (1) tái lập hệ thống hành chánh cũ để cho người bản xứ cai trị. Một số người Pháp thời đó như: Anbaret, Luro, Philastre, Linh mục thừa sai Legrand de la Liraye... cũng cảm phục văn hóa Việt Nam, dịch những tác phẩm văn chương, bộ Luật tiêu biểu ra tiếng Pháp và quan điểm văn hóa của họ cũng đưa họ đến sự lựa chọn một quan điểm chính trị: chính sách liên hiệp. Nhưng chính sách của Bonard thất bại vì không được giới sĩ phu hưởng ứng, hầu hết theo khuyến cáo của triều đình đều chạy trốn, ẩn náu hoặc từ chối cộng tác, De la Grandière, sau Bonard buộc phải quay lại chính sách trực trị, nhưng phải đợi đến thời Le Myre de Villers, chính sách trực trị và đồng hóa mới được thi hành một cách triệt để và gấp rút như Taboulet đã ghi nhận "không phải một chính sách đồng hóa kiên trì có mức độ vừa phải, như thời các đề đốc đã làm, mà là đồng hóa một cách triệt để sâu xa, nhằm làm cho Nam kỳ trở thành một miền đất Pháp, một quản hạt sống cuộc đời tương tự ở mẫu quốc. Sau khi đã phê phán những cố gắng đầy tham vọng của các đề đốc không đưa đến những kết quả như họ mong muốn, Taboulet kết luận: Tuy vậy những việc làm của họ không phải vô ích vì đã góp phần tạo cho miền Nam Việt Nam một khuôn mặt riêng biệt, một thứ "diện bộ Pháp hóa" như đặc điểm của một phần đất Đông Dương (1). Người Pháp muốn biến miền Nam thành một hạt (département) của Pháp quốc hải ngoại và biến Sài Gòn thành thủ đô của hạt đó vì coi miền Nam là vùng đất trù phú: "chúng ta tìm thấy được ở Nam kỳ một vị trí rất khích lệ. Chúng ta đạp chân trên một miền đất trù phú hơn cả. Tóm lại nếu chúng ta biết lợi dụng và không làm hỏng tương lai, thì chính đây là nơi mà một ngày kia ảnh hưởng Pháp sẽ tỏa lan ở Á đông" (2) và Sài Gòn là trung tâm của mọi sinh hoạt: "Sài Gòn đóng một vai trò quan trọng không phải chỉ về phương diện nếp sống của dân chúng mà còn trên bình diện cả thuộc địa và tổ quốc. Sài gòn là thủ đô của xứ sở vì ở đây có chính quyền Trung ương, các chỉ huy những lực lượng hải quân, lục quân, ở đây tập trung dịch vụ thuế má, có tòa thượng thẩm, không những bao gồm các Tòa án của Nam kỳ, mà cả Xiêm, Cao Miên, biển Nam Hải, và Nhật Bản. Sài Gòn là hải cảng duy nhất mà mọi loại tàu trận hoặc tàu buôn đều có thể ra vào, sẽ là nơi tập trung toàn bộ những chuyển vận hàng hải và ngoại thương (3).
<<(1) Sách trích dẫn trang 522.
(2) Báo cáo của Charner gửi Chasseloup Laubat, Bộ trưởng Bộ Hải quân, trích dẫn theo André Baudrit, guide historique des rues de Saigon lère S.I.L.I. Sài Gòn 1943 trang 21.
(3) Phát biểu về tầm quan trọng của SG trong buổi họp 18-9-1879 của Hội đồng quản hạt. Cochinchine Française. Frocès verbaux du conseil colonial anne 1879 Imp. Colonial.>>
Những dự định thực hiện đường lối cải tạo:
1) Thiết kế đô thị: Thời Bonard vẫn còn tiếp tục tranh luận về hai đường lối cải tạo, thiết kế Sài Gòn: đào sâu hoặc đào thêm rạch hào, biến Sài Gòn thành một thứ Venise ở Á châu hoặc lấp bớt rạch hào, làm khô, chỗ trũng nâng cao, biến rạch hào cũ thành đường phố. Bonard chủ trương đường lối thứ nhất, nhưng sau Bonard, chủ trương thứ hai được lựa chọn và thực hiện (1). Ngoài ra Bonard ra lệnh cho Coffyn, đại tá công binh vẽ một bản đồ Sài Gòn dự tính cho 500.000 người trong khi lúc đó đâu cả Sài Gòn Chợ Lớn chỉ vào khoảng 25.000 người. Một dự định sau đó cũng bị bỏ qua vì không tưởng.
<<(1) Xem Taboulet trang 487.>>
2) Hành chính, chính trị: Thiết lập những thể chế dân chủ như Hội đồng quản hạt (Conseil colonial) 1880 các Hội đồng thị xã gồm cả Pháp Việt như Hội đồng quản hạt có 6 Pháp, 6 Việt, 2 đại biểu của phòng Thương mại, 2 đại biểu của Thống soái do bầu cử.
- Tuyên bố quy chế về tự do báo chí, tư tưởng, áp dụng đạo luật 1881 như ở Pháp (2).
<<(2) Bulletin official de la Cochinchine arrêté promulgant dans la colonie les 2 lois du 29 Juillet 1881 sur la liberté de presse ci sur l'anmistie des crimes et délits de presse. Année 1881 trang 357. >>
- Tuyên bố nghị định về nhập Pháp tịch. Điều kiện duy nhất là trên 21 tuổi và chứng minh được biết nói tiếng Pháp. Nghị định này được Tổng thống Pháp ký do đề nghị của Bộ trưởng Hải quân dựa trên báo cáo của thuộc địa: "nhận xét người Annam đã chấp nhận sự thống trị của người Pháp, bắt đầu học tiếng của ta và theo phong tục của ta, một số người bản xứ đã giữ những chức vụ hành chánh. Chánh quyền nên khuyến khích đẩy mạnh xu hướng trên bằng cách cho phép người Annam trở thành công dân Pháp. Một điều cốt yếu để được ân huệ đó là biết tiếng Pháp và không thể cho một người quyền công dân nếu người đó không hiểu văn minh của chúng ta (3).
<<(3) Bulletin officiel de la Cochinchine, Arrêté promulgant en Cochinchine le décret du 25 Mars 1881 reglant les conditions de naturalisation des indigènes. Rapport au président de la République. Décret 14 Juillet 1881 trang 293. >>
3) Kinh tế: Chủ trương tự do kinh doanh. Theo Taboulet Nam Kỳ trở thành thuộc địa đúng vào thời những lý thuyết của nhóm Saint Simon được chấp nhận ở Pháp về nguyên tắc tự do kinh doanh. Ở Nam kỳ được sự chấp thuận hoàn toàn của mẫu quốc, các đề đốc cai trị cho rằng nhiệm vụ của họ chỉ là hình định, tổ chức hành chánh, bảo vệ an ninh trật tự thôi, không can thiệp vào việc kinh tế, do đó không có những hàng rào, thể thức quan thuế, không có kỳ thị, hoặc ưu đãi độc quyền, trợ cấp, bình đẳng cho mọi người tự do cạnh tranh hoàn toàn. Đó là những phương hướng phải theo để làm cho Nam kỳ phát triển thịnh vượng (1)nói cách khác, tuyệt đối nhà nước không can thiệp vào việc làm ăn buôn bán của tư nhân.
<<(1) Taboulet S. S trang 570.>>
4) Văn hóa giáo dục: Cổ động và cấp học bổng cho một số thanh niên sang du học ở Alger, nhằm đào tạo một lớp trí thức theo văn hóa Pháp ngay từ hồi đầu Pháp thuộc. Trước khi Pháp chiếm và bình định xong Bắc kỳø, Trung kỳ, đã có một đội ngũ trí thức Tây học đầu tiên trở về nước hồi 1884. Theo những phản ảnh trong báo chí hồi đầu thế kỷ, những thanh niên này thường thuộc giới bình dân, vì giới nhà giàu chưa đủ tin ở sự vững mạnh của chính thể mới, sợ sau này triều đình trở lại nên có người phải thuê con nhà bình dân đi du học thay cho mình, như trường hợp Diệp Văn Cương, theo ông Vương Hồng Sến và Hồ Biểu Chánh trong một tiểu thuyết của ông (2).
<<(2) Sợ cho con đi học nhà nước bắt mất con. Gia định báo số ngày 16-11-1809 đã trấn an các bậc làm cha mẹ, "ngỡ là cho con đi học làm vậy thì sợ e nhà nước bắt con mình mà đem đi Tây hay lệ thuộc về nhà nước. Nhứt là các nơi xa xa ruộng nương, rẫy bái, hễ có trát súc đòi học trò, thì cha mẹ đã xào xự, làm quá hơn là sợ bắt lính lo chạy mướn đứa nọ đứa kia con nhà nghèo cho nó đi thế cho con nhà mình." Hay trong Nam Kỳ địa phận số ngày 22-7-1909 lời một người cha khuyên con đi học "tao dốt cũng đành, vì hồi đó tây chưa qua, chưa có lớp nhà trường như bây giờ... Qua tới đời mày, lúc đó Lang sa đã lấy Nam kỳ rồi, đây có lập nhà trường, lại ép ai có con phải cho đi học, cơm áo nhà nước ban cấp, sách vở bút mực khỏi mua, khỏi tốn, mà hồi đó tao sợ cho mày đi học, họ bắt đem về tây mất nòi, cho nên nay mày chịu dốt, cái thì lỗi tại tao. Nay bây giờ mày có một con trai tuổi nó cũng trương rồi, vậy phải cho nó đi học, đặng nó biết một hai chữ, có cái tờ cái khế, có nó coi, khỏi mượn chai ai" (trang 558).>>
- Thông tư, nghị định về việc bác bỏ chữ nho và dùng chữ quốc ngữ (3).
<<(3) Về nội dung những thông tư, nghị định này chúng tôi đã trình bày trong "Chữ văn quốc ngữ" thời kỳ Pháp thuộc, nhà in Nam Sơn Sài Gòn 1974, từ trang 25 đến trang 51. >>
- Nghị định 22-2-1869 bó buộc dùng quốc ngữ trong giấy tờ chính thức.
- Nghị định 6-4-1878 về việc dùng chữ Annam bằng mẫu tự la tinh.
- Thông tư 28-10- 1879 về việc bãi bỏ chữ nho và dùng mẫu tự la tinh.
Nhà cầm quyền Pháp đã ra những thông tư, nghị định chính sau đây về văn hóa giáo dục.
Học chánh:
- Nghị định 17-3-1879 về tổ chức nền học chánh mới ở Nam kỳ.
- Nghị định 14-6-1880 thiết lập ở mỗi làng, thị xã trường dạy chữ quốc ngữ.
Cần lưu ý một điều quan trọng sau đây: những ông quan nhà binh cai trị thời kỳ này đã quan niệm thế nào về chữ quốc ngữ và công dụng của nó? Họ coi chữ quốc ngữ dễ học vì là một thứ chữ bình dân, cho bình dân trình độ tiểu học là cao nhất, dùng để học thông cáo, sách báo phổ thông hoặc giao dịch hàng ngày không phải là thứ chữ văn hóa như tiếng Pháp, chữ nho dùng trong việc nghiên cứu khoa học hoặc dạy học ở cấp trung, đại học. Trong viễn tượng thực hiện triệt để nhanh chóng chính sách đồng hóa, biến người Việt thành Pháp về văn hóa, họ khinh thường chữ quốc ngữ, chỉ coi là một công cụ chuyển tiếp trong thời kỳ quá độ "tiến lên" chữ Pháp nghĩa là chữ quốc ngữ sẽ bị xóa bỏ tiêu ma sau khi đã thực hiện xong mục tiêu đồng hóa. Do đó khi người Pháp cưỡng bách học quốc ngữ, nhằm phát huy văn chương văn hóa dân tộc mà chỉ vì cho nó là một công cụ tiện lợi chuyển tiếp mà thôi (cũng dùng những ký hiệu như chữ Pháp) như có thể thấy trong phát biểu của Landes một quan cai trị lâu năm Chợ Lớn và cũng dịch ra Pháp văn nhiều chuyện văn học dân gian (4).
<<(4) Landes. Notes sur le Quôc ngư. Bulletin de S.E.I ler semestre 1886 hay trong chữ Quốc ngữ trang 63. >>
Về nếp sống, người Pháp ở Sài Gòn cũng muốn biến Sài Gòn thành Paris thứ hai như bài hát J'ai les deux amours đã muốn diễn tả hai mối tình là Paris và Sài Gòn. Paris có gì, Sài Gòn cũng phải có: mốt quần áo, món ăn. Những đoàn kịch của Paris thường sang trình diễn ở Singapore được mời đến Sài Gòn theo một lịch định kỳ một nửa thời gian ở Paris, một nửa thời gian ở Sài Gòn. Sài Gòn cũng yêu cầu Paris gửi các tác phẩm nghệ thuật sang triển lãm vì ở Sài Gòn việc bảo vệ các nghệ phẩm không thua gì Paris. Hơn nữa Sài Gòn còn yêu cầu triển lãm xong, được giữ lại làm bản sao, vì những bức họa hư hỏng nhanh hơn ở các kho lưu trữ tại Tòa Đô sảnh bên Pháp do chuột gậm (1). Báo Pháp ở Sài Gòn cổ võ việc người Pháp sang nghỉ hè ở Sài Gòn và mang vợ con sang ở hẳn Sài Gòn để củng cố niềm tin vào sự phát triển thành phố (2). Người Pháp cũng muốn người Việt, Pháp hóa nhanh chóng trong cách mặc theo âu phục và ăn cơm tây. Những cuốn sách nấu ăn bằng tiếng Việt và Pháp đầu tiên được xuất bản rất sớm:
<<(1) Biên bản Hội đồng quản hạt Procès-verbaux du Conseil colonial séance 26-6-1905 trang 53.
(2) Ngay từ hồi 1865, báo Pháp đã ca tụng De la Grandière vì đã làm gương mang cả gia đình sang ở Sài Gòn sau kỳ hè.>
1 - Petite cuisine bourgeoise en annamite. Bổn dạy nấu ăn theo phép Tây. Tân Định bản in địa phận Sài Gòn 1889. (3)
<<(3) Trong lời tựa, tác giả nói làm sách này không phải cho nhà giàu vì họ mướn được người giỏi rồi nhưng cho người đủ ăn đủ mặc chưa biết nấu, để biếu nấu và biết lấy vị annam thế vị tây không có, sách bán chạy, in lần thứ nhất 352 trang, lần thứ 3 1914, 61 trang.>>
2 - La véritable cuisine étrangère. Trần Văn Lộc. Chính thật sách nấu ăn bằng quốc âm. Nouvelle Edition. Chỉ nhằm Pháp hóa hiện đại hóa Sài Gòn trong viễn tượng thực hiện chính sách đồng hóa, nên những người Pháp đầu tiên ở Sài Gòn không muốn nghĩ đến những công trình tìm hiểu, bảo vệ cổ sử Việt Nam như thấy trong cuộc tranh luận ở Hội đồng quản hạt xem có nên lập một Viện bảo tàng ở Sài Gòn hay không? "Thật hiển nhiên Sài Gòn là thành phố qua lại của các du khách đến Đông Dương, Trung Hoa, Nhật Bản, không phải Hải Phòng hay Hà Nội. Nhưng việc lập một Viện bảo tàng ở đây chỉ cho thấy một lợi ích rất mơ hồ đối với du khách ghé Sài Gòn, thủ đô của Đông Dương. Đã hẳn đó cũng sẽ là thêm một điểm hấp dẫn nhưng quả thực việc triển lãm này không làm say mê được du khách là bao. Chỉ lâu lâu mới thấy vài nhà khảo cổ chú ý tìm những viên đã cổ không thấy ở Nam kỳ mà chỉ thấy ở Cao Miên, Trung kỳ, Lào, Bắc kỳ". Do đó nếu cần thì chỉ nên xây ở Sài Gòn một bảo tàng viện có tính chất thương mại, kỹ nghệ và nghệ thuật thôi (4), nói cách khác Bảo tàng viện về cổ sử để dành cho Trung kỳ, Bắc kỳ lâu. Tuy nhiên Sài Gòn vẫn có một bảo tàng viện về cổ sử vì Bác sĩ Holbé chủ một tiệm thuốc tây lớn ở Catinat đã sưu tầm được trên 20 ngàn hiện vật trị giá hơn 30 ngàn quan muốn tặng cho thành phố, Blanchard de la Brosse lại là người thích đồ cổ nên mới thuận trích tiền quĩ để xây dựng bảo tàng.
Tâm lý lạc quan, phấn khởi của người Pháp thời đó được biểu lộ trong bài lập trường của báo "Le Saigonnais" số 93, ngày 17-2-1884 nhân kỷ niệm 25 năm chiếm Nam kỳ: "Dưới một chánh quyền dân chủ, người ta không ăn mừng một cuộc chinh phục bạo lực, hoặc một biểu dương hân hoan. Lực lượng võ trang, nhưng người ta vui mừng vì thể hiện được dần dần chính sách đồng hóa đưa đến văn minh, vì những tư tưởng tiến bộ thâm nhập mỗi ngày một cách bình thường vào một dân tộc đã qui thuận... Nam kỳ là mảnh đất đã được tách rời khỏi lãnh thổ của một ông vua chuyên chế đông phương có thể trong vòng 25 năm trở thành một mảnh đất Pháp trong trái tim, trong tư tưởng và trong khát vọng. Nam kỳ sẽ chia thành những hạt có những tòa án quận và do đó sẽ trở thành một mảnh đất Pháp được trang bị đầy đủ tất cả các thể chế của mẫu quốc trên bờ Thái Bình Dương.
Tâm lý lạc quan phấn khởi trên cũng được những người Việt trong Hội đồng quản hạt chia sẻ qua việc họ làm kiến nghị cùng với người Pháp, yêu cầu bác bỏ chế độ bản xứ (indigénat) "sau 50 năm làm thuộc địa và gần 20 năm qua không có một cuộc nổi dậy nào dù chỉ là nhỏ bé, không có một cuộc bạo loạn nghiêm trọng nào đe dọa hoặc phá rối trật tự công cộng. Dân chúng bản xứ đã nhìn nhận một cách thẳng thắn những quan điểm mang tính chất hòa hoãn mà mẫu quốc đã đề nghị với họ. Họ yêu cầu bãi bỏ những luật lệ đã được thiết lập hồi đầu thuộc địa, những luật lệ này có thể còn cần thiết ở các nơi khác trong Đông Dương, (chúng tôi gạch) trái lại ở Nam kỳ không cần nữa mà còn có hại, vì trong thực tế nhiều lạm dụng phiền nhiễu bắt bớ vô cớ, kết án bất công vẫn xảy ra." Kiến nghị... yêu cầu bãi bỏ chế độ bản xứ do Nghị định 31-5-1892 vì người bản xứ rất khổ cực phải chịu đựng chế độ kể trên ký tên: Blanchy, Monceaux, Schégeans, Holbé, Bousquet, Nên, Quang, Diệp, Thuận, Minh, Toán (1).
<<(1) Procès-verbaux du conseil colonial séance 2 Nov.1901 trg 127.>>
Căng thẳng trong quan hệ Trung ương (phủ Toàn quyền) và địa phương (Hội đồng quản hạt). Cho đến nay, trước những chính sách khác nhau mà người Pháp đã áp dụng cho bản xứ (Nam, Trung, Bắc) luận điểm thường được đưa ra coi đây là một chính sách "chia mà trị" của thực dân. Đọc tài liệu của Pháp, chúng tôi chưa hề gặp chỗ nào họ nói họ chủ trương như thế nên chúng tôi e rằng đó chỉ là lối nhìn của người Việt Nam, một lối nhìn "đánh giá quá thấp" người Pháp về chính phủ vì chỉ coi đây là thủ đoạn chính trị. Nếu bây giờ người Việt cũng phải nhận vì tình hình, hoàn cảnh khác nhau giữa ba miền về các mặt địa lý, khí hậu, tâm lý v.v... nên cần có những chủ trương khác nhau cho thích hợp thì người Pháp hồi mới sang Việt Nam lại không có thể nhận thấy điều đó và chủ trương như vậy sao? Sâu xa hơn nữa, chính những yếu tố địa lý, chính trị khác nhau cũng làm cho người Pháp chia rẽ, chống nhau tùy như họ sống lâu ở miền nào và nhìn vấn đề địa phương, hoặc vấn đề mối quan hệ trung ương địa phương từ miền mà họ sống ở lâu. Chẳng hạn tình trạng căng thẳng đôi khi mâu thuẫn giữa phủ toàn quyền ở Hà Nội và Hội đồng quản hạt ở Sài Gòn. Sự kiện này cho thấy những yếu tố địa lý chính trị quy định lối nhìn của bất cứ ai (Tây, ta) sống ở trong một vùng địa lý chính trị giống nhau. Ví sự khác biệt giữa các miền về khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, đất đai v.v... đưa đến những quyết định coi Nam kỳ là thuộc địa và Bắc Trung là bảo hộ, đã được nói đến nhiều, chúng tôi không cần nói thêm, nhưng về mặt văn hóa, ít được nói đến, nên chúng tôi xin trích dẫn một vài nhận định của người Pháp về văn hóa về con người ở hai miền Nam Bắc biện minh cho chính sách thuộc địa và bảo hộ. Ở miền Bắc, vùng đất cũ, nền văn minh làng xã khá chặt chẽ, con người đã gắn chặt với nền văn minh đó, nên rất khó "thay đổi được nền văn minh này bằng nền văn minh Pháp". Không thay đổi được thì phải tôn trọng nó và lợi dụng sự tôn trọng đó về mặt chính trị. Đó là ý nghĩa của chính sách bảo hộ, trái lại ở miền Nam là vùng đất mới, những người lưu dân đến cư ngụ không còn giữ được những truyền thống xưa cũ một cách chặt chẽ, họ lại là người tứ chiếng (Việt trà trộn với Tàu, Miên...) do đó có thể tác động vào những cấu trúc văn hóa lỏng lẻo này để thay thế chúng bằng văn hóa Pháp. Đó là cơ sở của chính sách đồng hóa và thuộc địa được áp dụng ở Nam kỳ.
"Thật là tốt khi chúng ta có trước mặt một xứ mà dân chúng không đồng nhất lắm nên có thể dễ dàng áp đặt một pháp chế mới, cũng không có những truyền thống địa phương nên có thể dễ dàng chấp nhận những thay đổi cầnn thiết sau khi bị chiếm đóng. Tất cả những điều trên đều tìm thấy ở Nam kỳ, dân số ở rải rác khắp xứ gồm người Tàu, người Việt, người Miên... không có một tầng lớp quí tộc địa phương, những người Việt di dân chỉ đến ở mảnh đất này gần đây, còn các viên chức hầu hết đều từ Huế gởi vào."
Do đó, mặc dầu dân chúng được chính phủ Annam luôn luôn kích động, việc bình định vẫn diễn ra nhanh chóng hơn các nơi khác. Chỉ cần thay thế một nền hành chánh đầy dẫy những sai lầm của quan lại bằng một nền hành chánh khác là đủ cho dân Annam chuyển từ một thể chế này sang một thể chế khác không qua thời kỳ chuyển tiếp". (1)
<<(1) Vienos, luật sư ủy viên Hội đồng quản hạt, chủ nhiệm báo l'Independant de Sài Gòn số 725 (21-7-1883). >>
Những sự khác biệt về địa lý chính trị, văn hóa cũng làm cho người Pháp chia rẽ nhau, bất đồng với nhau.
Những người Pháp cầm quyền ở Sài Gòn nhìn ra khỏi Sài Gòn và Nam kỳ, họ không nhìn về phía Bắc (Trung, Bắc kỳø) mà về phía Tây, ngược dòng sông Cửu Long (Cao Miên, Thái Lan, Lào). Theo Taboulet, một nhóm sĩ quan viên chức trẻ tuổi rất hăng hái tụ họp quanh Francis Garnier, quan cai trị Chợ Lớn để bàn bạc hoạch định, những cuộc thăm dò thám hiểm sông Cửu Long. Tháng 11-1864, Bonard đã gởi cho Bộ trưởng một báo cáo về sự cần thiết phải khai thác sông Cửu Long để làm cho Sài Gòn ở Nam kỳ trở thành một kho hàng hóa buôn bán với Trung Quốc. Trong những dự định khai thác này, có cả kế hoạch thiết lập một đường xe lửa Sài Gòn - Nam Vang ngược lên theo dòng sông Cửu Long, chứ không phải theo bờ biển Nam Hải qua Trung kỳ, Bắc kỳ (2).
<<(2) Trong một báo cáo đọc ở Hội đồng quản hạt, một người tha thiết đến vấn đề này chống lại việc Nam kỳ chi tiền cho những thăm dò thượng lưu sông Cửu Long, vì chỉ có lợi cho Bắc kỳ và chỉ nên thăm dò vùng hạ lưu sông này mà thôi. Xem La mission du Haut - Mékong au conseil colonial (1-1893) observations présentées par le Docteur Mongeot Conseiller colonial, président de la sociéte des Etudes ind Colon à Ke-Logners (Haut Camb) SG Imprim??? Nouvelle 1893.>>
Đường lối trực trị, đồng hóa và tự trị của người Pháp ở Nam kỳ chống lại đường lối liên hiệp, thống nhất của toàn quyền Paul Bert muốn thiết lập một thứ Hàn lâm viện gồm 40 ông nghè (đậu tiến sĩ) ở Hà Nội để lo phát huy văn chương Việt Nam, bảo vệ các di tích lịch sử, thư viện, dịch các tác phẩm Pháp ra văn quốc ngữ, v.v... Trong thực tế ngay cả sau khi Pháp đã thiết lập chế độ bảo hộ ở Bắc kỳ, Trung kỳ, ba miền không có một liên lạc gì. Năm 1887, một ông Toàn quyền Đông Dương được bổ nhiệm nhưng chỉ có quyền hành ở Bắc, Trung kỳ, vì không nắm được ngân sách Nam kỳ.
Một người Pháp đương thời đã ghi lại tình hình này: "Trước 1897, Nam kỳ hồi đó cũng như bây giờ được ông Thống soái cai quản hoàn toàn thoát khỏi hành động của Toàn quyền mà danh vị không đủ áp đặt ở cái thuộc địa vô kỷ luật này. Đời sống chính trị và kinh tế chỉ dựa vào hai lực lượng duy nhất: Hội đồng quản hạt, do các viên chức bầu ra sử dụng mọi tài nguyên, hầu như toàn quyền "ở thuộc địa và dân biểu còn tăng cường cho thế lực trên bằng cách can thiệp và binh vực nó ở Paris, ở Bộ, vì muốn thoát ly ra khỏi liên hiệp Đông Dương, nhóm chuyên quyền này đã phát động một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ đòi cho Nam kỳ được tự trị, một chiến dịch xuýt thành công vào cuối năm 1895" (1). Nguyên nhân động cơ chính của sự chia rẽ và ý đồ tự trị là gì? Vì Nam kỳ tự túc được, còn phải nuôi cả Đông Dương. "Nhưng của cải về tài chính lại cao mà xứ nhỏ bé này, chỉ rộng gần gấp đôi nước Bỉ có một dân số trên hai triệu (2.960.425 người) theo kiểm tra năm 1901 đã bị giảm sút vào quãng ba phần tư, phần dư còn lại dùng để chi cho các nhu cầu của cả Đông Dương (1).
<<(1) Lieutenant-colonel Lubanski, L'indochine française en 1902 Reveindoch. No 264, 9 Nov, 1903 page 1028.>>
Thật dễ hiểu khi những người cầm quyền ở một vùng đất có thể tự túc về kinh tế lại không được tự trị về chính trị, bị những người cầm quyền ở đâu xa, mà họ phải chi viện đều đều (Ngân sách Nam kỳ chi cho Ngân sách Bắc kỳ hàng năm 30%, những năm Bắc kỳ mất mùa, lụt lội, ngân sách là số 0, thì phải chi viện nhiều hơn) hoặc tiền đặt mua hàng không trả đúng hẹn, sòng phẳng (chẳng hạn đặt in ở các nhà in Sài Gòn) lại lấy danh nghĩa Trung ương cấp trên để đối xử một cách mà họ cho là không thích đáng, nên họ đòi tách Nam kỳ ra khỏi Đông Dương.
"Hành chánh Bắc kỳ, thật vô ích nếu phải nhắc lại, cần độc lập với nền hành chánh Nam kỳ" hoặc "Những ủy viên đối lập trong Hội đồng quản hạt đều nhất trí đòi tách Bắc kỳ ra khỏi Nam kỳ" (1).
<<(1) Blancsubé (dân biểu của Đô trưởng Sài Gòn) báo L'independant de Jacgui số 129 - 31-7-1883.>>
Nhưng dĩ nhiên Toàn quyền chống lại những dự định đó.
Paul Doumer là người giữ được sự thống nhất Đông Dương về mặt hành chánh, tài chánh và sau đó thực hiện được sự thống nhất cả về giao thông.... chỉ trích gay gắt Hội đồng quản hạt Nam kỳ thực sự nắm quyền hành chứ không phải Thống soái Nam kỳ vì những người này chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ.
"Các ông biết tình hình Đông Dương cách đây 5 năm lúc tôi sang với các cộng sự viên của tôi, xứ này bị chia ra làm 3 thuộc địa nhỏ, được cai trị khác nhau từng thời kỳ, mỗi miền bị chiếm đóng lúc nào. Ở Nam Kỳ người ta thấy đúng là những mô phỏng (caricatures) các thể chế tự do ở mẫu quốc, một cái gì mà người ta cho là giống như phổ thông đầu phiếu, các nghị viên dân biểu, một hội đồng quản hạt do người Pháp bầu ra. Ở giữa cái hỗn loạn hành chánh đó, người ta gặp một ông Toàn quyền chỉ là ông quan cai trị Bắc kỳ, đôi khi ông xuất hiện ở các xứ khác, nhưng chẳng có quyền hành gì và chẳng hành động gì được." (2)
<<(2) Paul Doumer. L'Indépendant française souvenirs, trang 72.>>
Những người Pháp bênh vực Toàn quyền thì cũng cho rằng những người Pháp cầm quyền ở Nam kỳ chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng.
"Một tay thực dân kỳ cựu, ông Blanchy, đô trưởng Sài Gòn đã lợi dụng tình trạng yếu kém của các xếp lớn để làm giàu thiệt hại đến quyền lợi quốc gia, rồi tự tạo cho mình một quyền lực thực sự. Ông Blanchy coi việc quản lý thành phố như của một quốc gia trong một quốc gia, đã yêu cầu vào năm 1896 bải bỏ Liên bang Đông Dương... Nhưng không may cho ông Đô trưởng Sài Gòn, và may cho Pháp, ông Doumer đã sang với ý định quyết tâm củng cố Liên bang trên...". (3)
<<3. Et. Richet, l'Indochine française a l'heure pésente, une Oeuvre de P.Doumer Revue Indoch. No 1944 - 7-7-1902 trang 601.>>
Paul Doumer, theo Taboulet đã bất chấp những đòi hỏi của chính sách địa phương ở miền Nam Việt Nam bất mãn vì bị tước đoạt tư cách thủ đô của Sài Gòn để nhường lại cho Hà Nội (1) và do đó nhìn trong viễn tượng cả Đông Dương thì: Những chính sách ngăn chặn của Hội đồng quản hạt đã cản trở đà phát triển chung của công trình thực dân. (2)
<<1. Taboulet, sách đã trích dẫn trang 901.
2. Jean Chesnaux. Contribution à l'histoire de la nation vietn. E.sociales. Paris 1955, trang 152.>>
Paul Doumer thiết lập đường xe lửa Hà Nội - Sài Gòn, dọc theo bờ biển, nhưng phải đợi 35 năm sau mới hoàn thành, chậm trễ như vậy vì nhiều lý do (thiếu tiền) nhưng cũng có lý do Sài Gòn không mau lẹ đáp ứng như một người ủng hộ đường lối Paul Doumer đã nói thẳng ngay trong câu đầu bài diễn thuyết về đường xe lửa xuyên Việt "Bắc kỳ và Nam kỳ đã sống nhiều năm trong một tình trạng phân cách và hình như thù địch, những khó khăn giao thông làm cho Hà Nội xa cách Sài Gòn như Marseille đối với Le Caire và làm cho ngay cả người Pháp không còn thấy cái lợi chung của cộng đồng, người Nam kỳ và Cao Miên lý luận đối với xứ Bắc kỳ giống như lý luận của tay chơn đối với bao tử, phiền trách những chi tiêu mà Sài Gòn phải gánh chịu, còn Hà Nội thì được hưởng thụ ít ra là theo vẻ bề ngoài (3). Trong bài diễn văn khánh thành đường xe lửa xuyên Việt do Gassien Tổng thanh tra Công chánh Đông Dương đọc ở Sài Gòn ngày 2-10-1936 có nhắc lại ý định của Paul Doumer quan niệm về thống nhất kinh tế ba xứ không có quan hệ giao thông với nhau mỗi xứ sống khép kín - Trung kỳ là một chuỗi đồng bằng nhỏ tiếp nối nhau bằng một con đường mà chỉ người đi ngựa hoặc đi bộ qua lại. Còn chỉ cần ra khỏi Sài Gòn 30 cây số về phía Bắc là đã thấy những miền hoang vu không thể xâm nhập được, mặc cho thú rừng tung hoành, không có đường xá gì hết. Tỉnh Biên Hòa là giới hạn cực bắc của miền được biết đến, và khi tôi hỏi có gì ngoài ấy, người ta trả lời: Rừng, rồi núi và cái xa lạ! (4)
<<3. Hanoi - Saigon direct - Bulletin SEI No 1, 1924 Saigon.
4. Inauguration du Transindochinois - Discours prononcé à Saigon par M. Gassien, Inspecteur Général des Travaux publics de l'indoch. Oct. 1936 B.SEI No 3-1936, page 151.>>
Thất bại và ảo tưởng: Chính sách của những người Pháp ở Nam kỳ thất bại về kinh tế, vì họ không đủ khả năng điều kiện để khai thác, phát triển nhanh ở Nam kỳ và ngược dòng sông Cửu Long như họ mơ ước, hoặc thiết kế một thành phố cho 500.000 người. Khí hậu ở Nam kỳ cũng không thích hợp. Hàng năm họ vẫn phải về Pháp nghỉ hè. Do đó họ nhận ra không thể coi Nam kỳ là một thuộc địa di dân, mà chỉ nhìn như một thuộc địa khai thác mà thôi. Chỉ trong thời thế chiến hai vì không thể về Pháp nghỉ được, nên người Pháp bắt buộc mở mang Đà Lạt, biến thị xã này thành một thành phố như bên Pháp.
Về văn hóa, giáo dục, người Pháp còn thấy thực tế Nam kỳ cũng không như họ đã nhận định, ước muốn. Họ không có đủ tiền để mở các trường làng, xã để dạy chữ quốc ngữ cho đến năm 1907 như một người Việt trong Hội đồng quản hạt đã nhận xét: ba phần tư làng ở Nam kỳ không có một người nào, một học trò nào xuất thân từ trường làng biết đọc chữ quốc ngữ hoặc bốn phép tính. Hậu quả là mỗi lý trưởng nhận được một lịnh gì phải đi thật xa kiếm một ông biện để xin đọc giải thích. Chữ nho thì bị bỏ từ lâu không còn thông dụng. Thầy đồ không dạy chữ nho nữa vì nghề của họ không làm cho họ sống được nghĩa là người Annam không muốn gởi con đến các trường tư, họ có lý vì chữ nho không để làm gì cả. Mỗi người đều có quyền cho con học chữ quốc ngữ. Nhưng điều tai họa là trường quốc ngữ rất thiếu ở các xã, nên trẻ con Annam không được dạy dỗ gì cả và do đó không thể tránh được trở thành những đứa trẻ ngu dốt, mất dạy, cư xử như xúc vật (1). Trầm trọng hơn nữa, ngay cả những trẻ được học chữ quốc ngữ cũng có thể mất dạy vì chúng chỉ được học chữ mà không được học nghĩa (đạo nghĩa), nhà trường dạy quốc ngữ chỉ đào tạo những đứa trẻ biết đọc biết viết và biết một số kiến thức thông thường, không được học đạo lý, không có kiến thức về luân thường đạo lý, làm sao có cơ sở tinh thần để biết tuân giữ pháp luật, tôn trọng kẻ cầm quyền. Những kiến thức về luân thường đạo lý chỉ có trong các sách bằng chữ nho là thứ chữ mà người Pháp muốn xóa bỏ vì nó đưa vào một văn hóa khác không phải văn hóa Pháp. Trước tình trạng bế tắc đó, đề đốc Dupré buộc phải lập Ủy ban nghiên cứu gồm nhiều học giả am hiểu văn hóa Việt Nam và vì thế không tán thành chủ trương đồng hóa thô bạo. Cả ba phúc trình của Luro, Philastre và linh mục Le Grand de la Liraye đều đồng ý với nhau:
<<(1) Taboulet. Une enquête sur les méthodes d'enseignement-rapporta de Luro, Philastre et le Grand de la Liraye (Commission de l'Ins-truction publique) 1873 trang 592-598 chúng tôi đã trích dịch nhiều đoạn trong"Chữ, văn quốc ngữ" trang 102 - 106.>>
1. Về nguyên nhân thất bại việc dùng chữ quốc ngữ.
(Trừ trong giới công giáo vì con nít có sách giáo khoa, sách đạo (truyện các thánh, kinh thánh in riêng) để đọc và tìm thấy một lý tưởng đạo đức để noi theo).
2. Và về biện pháp đề nghị: soạn sách giáo khoa có nội dung đạo lý, dạy lại chữ nho (1).
<<(1) Taboulet, sách trích dịch trang 584.>>
Sự thất bại trong chủ trương dạy chữ quốc ngữ cho người Pháp thấy sự thất bại của chánh sách đồng hóa như đề đốc Dupré đã thú nhận trong thơ gởi Tổng trưởng hải quân ngày 6-11-1873: "Không có gì tế nhị hơn là sự thay đổi những phong tục tôn giáo luật lệ một dân tộc, đó là việc của thời gian. Muốn áp đặt những thay đổi như thế bằng quyền hành bao giờ luôn luôn cũng là xấu và phản chính trị. Luật pháp Annam dựa theo Trung Quốc, tuy có nhiều điều không hoàn toàn nhưng không phải là một công trình man rợ hay đáng khinh, vì nó dựa trên những nguyên tắc công chính không thể chối cãi được. Từ lâu nó vẫn được áp dụng và dân chúng hiểu biết nó, không muốn thay đổi. Muốn cải tổ toàn bộ pháp luật như một số nhà luật say mê luật pháp La mã và Napoléon chủ trương, là làm cách mạng, là muốn gây xáo trộn sâu xa xứ này và đẩy họ đến chỗ làm loạn. (1)
<<(1) Taboulet, sách trích dịch trang 584.>>
Sau cùng ngay cả những người được đào tạo trong khuôn khổ văn hóa Pháp du học về, trừ một thiểu số, cũng không chối bỏ văn hóa dân tộc, trái lại chỉ lợi dụng tinh thần văn hóa Pháp, thể chế pháp lý Pháp (các Hội đồng, nghị định, báo chí, quốc tịch Pháp) để chống Pháp dưới mọi hình thức từ cải cách đến cách mạng xã hội (Gilbert Chiểu, Nguyển An Ninh).
Từ những sự kiện như trên, mới thấy có dư luận chống chính sách nhập quốc tịch Pháp. Dư luận này cho rằng trừ một số ít, còn đa số xin vào dân Tây là "Công chức và lính tập, là hạng người đã từ bỏ quê hương họ, tôn giáo họ, phong tục tập quán của họ, tất cả những gì người ta thường tôn trọng và nhất là người Annam thường tôn trọng, chỉ để làm hài lòng cấp trên của họ, để được những danh vị hưởng các ân huệ của nhà nước và thực ra họ chỉ từ bỏ trên đầu lưỡi, ngay cả những kẻ 'đồng hóa' hơn cả trong bọn họ, những kẻ chúng ta đã xếp vào một loại đặc biệt cũng là rất ít chấp nhận, những tập quán của chúng ta vì họ vẫn giữ bộ đồ riêng theo quốc tịch của họ". (1)
<<1. L'indépendant de SAIGON, 28-10-1882 và 27-10-1882 >>
Những người vào làng Tây mà người Pháp gọi là "Hạng công dân giả (simili citoyens) không thể trở thành người Pháp được vì "nền tảng và lý do tồn tại của các quyền dân sự và lòng yêu quê hương. Người Annam không thể quên được cộng đồng ngôn ngữ, truyền thống, lịch sử của họ." (2)
<<1. L'indépendant de SAIGON, 28-10-1882 và 27-10-1882 >>
Về phương diện sách báo, hồi đầu khi người Pháp còn muốn biến Nam kỳ thành một quận của nước Pháp, mang áp dụng tinh thần, thể chế của Pháp, mặc dầu chỉ là mô phỏng như P. Doumer đã nói, trong thực tế vẫn có ít nhiều tự do ngôn luận cho nên tự do phê bình đả kích trên giấy tờ, chưa phải là một tội phạm pháp. Như vậy mới hiểu tại sao chính người Pháp sưu tầm, dịch giới thiệu những câu vè ca dao chống Tây đăng trên tạp chí, như trường hợp Villard sau khi nghiên cứu về văn chương Annam, sau khi giới thiệu những câu ca dao chống chệc chống chà đã nói đến những câu ca dao chống chúng ta (Chỉ người Pháp):"Không thiếu gì đâu và nhiều câu rất thâm thúy (Il n'en manque pas et de fort spiri- tuelles (3) hoặc Trương Vĩnh Ký in thơ Bùi Hữu Nghĩa trong Miscellanées (số 2 - 1889) hay Huỳnh Tịnh Của in "Văn tế chiến sĩ Cần Giuộc" trong sách "Gia lễ" được Hội đồng quản hạt chuẩn tiền. Không phải chỉ trí thức làm thơ chửi Tây như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa hoặc đem in thơ chửi Tây, và không sợ Tây bắt bớ hành hạ mà cả dân chúng lớp dưới cũng chửi Tây không sợ gì cả như thấy trong thơ một người Pháp gửi cho chủ bút báo Independant de Sài Gòn ngày 16-7-1883 số 136.
<<3. Villard, Etudes sur la littérature annamite. Bulletin SEI No 8, 1880 page 315.>>
"Cách đây vài hôm, tôi đang ở nhà nghỉ trưa, một người Annam say rượu làm ồn quá tại nhà bên cạnh. Tôi sang nhà anh ta yêu cầu anh phát ngôn nhẹ đôi chút, anh ta vội vàng xin lỗi tôi và hứa không làm ồn nữa... Nhưng tôi vừa về nhà đã nghe người đó chửi rủa tôi bằng tiếng Annam, dùng đủ mọi thứ bổ từ mà tôi không thể dịch được vì thô tục quá... Tôi đến cơ bót cảnh sát, ông xếp cảnh sát cho gọi người Annam hỗn xược đó lại và thưa ông chủ bút, ông có biết ông xếp dọa nạt người đó ra sao không?
Tôi xin thuật lại nguyên văn lời ông xếp nói với một người bản xứ làm thông dịch: "Anh hãy nói với anh ta đừng sợ ông này đã đưa đơn kiện anh ta và ngày mai thì anh sẽ bị ông chánh đội xếp kêu lên... anh hãy nói với anh ta rằng anh ta có quyền ca hát suốt cả ngày và ông ấy không có quyền ngăn cấm anh ta, chỉ trừ ban đêm là không được làm ồn thôi".
Thưa ông chủ bút ông có tin đó có phải là một cách tỏ ra tôn trọng nhân phẩm của người Pháp không. Tôi sẵn lòng nhìn nhận tôi không có quyền ngăn cản người Annam làm ồn trong lúc ngủ trưa, nhưng anh ta có quyền chửi tôi không trong khi tôi chỉ xin anh ta để cho những người ở bên cạnh anh ta nghỉ trưa và anh ta không đáng bị quở trách nghiêm khắc, nếu không nói là phải nhận một trừng phạt thực sự sao?".
Nhưng sau khi người Pháp đã nhận ra chính sách đồng hóa là ảo tưởng họ không còn tự do nhân nhượng nữa, bắt đầu thi hành một chính sách đàn áp cẩn thận, tuy lúc thì thô bạo lộ liễu, lúc thì tinh vi kín đáo. Từ sau thế chiến 1, bước vào thời kỳ khai thác thuộc địa, chính sách kiểm duyệt, với những thủ tục Pháp lý về truy tố ra tòa, cấm lưu hành, cấm tàng trữ. Những người làm văn thơ không còn được tự do như thời kỳ đầu thời kỳ (bình định) và ngay cả là lời viết ám chỉ (mượn lịch sử để nói chuyện bây giờ) cũng không thể sử dụng được... (1).
<<(1) Đề cao những văn thơ chống Pháp của những Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị là điều chính đáng. Nhưng đề cao đến mức coi những văn thơ đó như những cuộc bút chiến đấu tranh trên mặt trận văn hóa, địch vận, dân vận thì cái lối hiện đại hóa đó thực ra lại hạ thấp phong trào chống Pháp vì nếu lúc đó mà đã có Tổ chức lãnh đạo qui mô như vậy (báo chí, mặt trận...) thì cuộc chiến đấu chống Pháp kéo dài trên nửa thế kỷ phải được đánh giá ra sao? Ngoài ra, chỉ đề cao những nhà thơ trên mà quên phục hồi đông đảo những con cháu các vị tiếp thu truyền thống của đàn anh, nhưng đã bị bít miệng, đàn áp, những người đã làm thơ văn trong một thời kỳ đòi hỏi phải có một chút "can đảm trí thức" thực sự chúng tôi được biết có hàng trăm cuốn sách bị cấm của các nhà văn nhà báo nhất là hội 1920 mà hiện nay rất ít được ai nhắc tới và chúng tôi cho đó là một bất công.>>
Những thuận lợi:
Dù sao, chính sách của Pháp ở Nam Kỳ, lúc đầu và ngay cả về sau, lúc có kiểm soát, kiểm duyệt, cũng vẫn nhiều thuận lợi cho những hoạt động công khai hợp pháp và muốn hiểu được tại sao một số hiện tượng đã có thể xảy ra tồn tại hoặc phát triển là vì tình hình hoàn cảnh thuận lợi hơn ở Nam kỳ so với các nơi khác.
1) Công khai toàn bộ những hoạt động của nhà nước về mọi mặt. Đó là một đòi hỏi của thể chế dân chủ. Trong tinh thần ấy, người ta mới thấy Gia định báo không phải chỉ là một công báo đăng rặt những thông tư, nghị định như người ta vẫn tưởng và nếu chỉ khô han như thế, dĩ nhiên chẳng có gì hấp dẫn. Nhưng thực ra Gia định báo cũng như mấy tờ báo Pháp cùng thời đều đăng các hoạt động của nhà nước về mọi mặt dưới dạng văn thư, phúc trình, biên bản những phiên họp các Hội đồng, nội dung tranh luận, quyết định, bản tin trong nước, ngoài nước dưới dạng những điện tín, báo cáo, v.v... Chẳng hạn Gia định báo số 20-5-1882 đăng toàn bộ một phiên tòa hình sự ở Bến Tre xử một vụ giết người. Bây giờ phóng viên chỉ tường thuật lại bằng cách lược tóm theo quan điểm của mình. Trái lại thời đó, người đọc được đọc nguyên văn bản cáo trạng, nội dung, những chất vấn của quan tòa và trả lời của bị cáo, các quyết nghị của quan tòa... Thông tin như vậy chắc hẳn đầy đủ và trung thực hơn một bài báo tường thuật theo quan điểm của tờ báo. Lúc đầu đi vào việc nghiên cứu này do thiên kiến Gia định báo chỉ đăng rặt thông tư nhà nước, nên chúng tôi đi tìm đọc những công báo hoặc báo Pháp thời đó, nhưng khi đọc kỹ Gia định báo mới thấy Gia định báo đăng hầu hết những điều đã in trên các công báo, báo Pháp và vì thế tờ báo có thể cho biết nhiều điều muốn tìm hiểu về thời kỳ này. Người đọc bây giờ có thể thấy lý thú, nhưng người đọc đương thời có thể chẳng thấy lý thú gì, không phải vì nó không đăng những điều lý thú mà chỉ vì khi đã không ưa không theo thì nó muốn nói gì hay dở cũng mặc nó.
2) Bình đẳng dân chủ trong thảo luận ở Hội đồng quản hạt:
Trên danh nghĩa, Hội đồng chỉ có quyền đề nghị, nhưng trong thực tế những quyết định của Hội đồng nhất là về ngân sách đều được chấp nhận thi hành. Nói cách khác Hội đồng có quyền hành thực sự không phải chỉ là tư vấn bù nhìn, có tính cách trình diễn. Đọc các biên bản hội đồng, chúng tôi có cảm tưởng rất rõ những người Pháp trong Hội đồng không thấy họ có thái độ cha chú, hống hách, độc tài, còn những người Việt không phải là những tay sai hoặc viên chức thừa hành ngoan ngoãn gọi dạ bảo vâng. Họ phát biểu tranh luận thẳng thắn với người Pháp đưa ra những phê phán và đôi khi cả những phản đối gay gắt. Chẳng hạn về Gia định báo có lúc thấy ngưng rồi lại tái bản, vì trong Hội đồng quản hạt có dư luận phản đối như phát biểu của hội viên Thơ: "Gia định báo chẳng giúp cho người Annam hiểu biết điều gì cả, trừ một vài thứ thuốc lang băm tự cho là có thể chữa được nhiều bệnh." (Biên bản buổi họp 2-12-1896 trang 152) Hội đồng có một ủy ban thảo kiến nghị (Commission des voeux) có những kiến nghị cả hội viên Tây, ta đều ký chung như về yêu cầu bãi bỏ chế độ bản xứ (indigénat) hoặc chỉ riêng hội viên ta ký như kiến nghị phản đối một số thừa sai dòng tu công giáo chiếm đất và yêu cầu nhà cầm quyền đưa ra các biện pháp luật lệ bảo vệ đất đai của dân chúng (Trần Bá Diệp, Diệp Văn Cương, Dương Văn Mên, Nguyễn Xuân Phong, Phan Tấn Bình. Biên bản phiên họp 27-4-1907 trang 31).
3) Tự do kinh doanh kể cả trong lãnh vực văn hóa, báo chí:
Trong thời kỳ này có nhiều người Pháp tư nhân, thường có cơ sở làm ăn như báo chí, mở tiệm thuốc Tây, đứng ra lập nhà in, nhà xuất bản, tiệm sách, ra báo không phải vì mục đích chính trị, văn hóa mà chỉ vì mục đích thương mại như Đông Hồ đã ghi nhận Sài Gòn có vài tờ báo quốc ngữ do người Pháp xuất vốn quản lý, không phải để kiếm lời về ra báo, không phải vì yêu quốc văn hay bênh vực quyền lợi người Annam mà chỉ để bênh vực quyền lợi của cá nhân, hội buôn. Muốn phổ biến hàng hóa phải cho dân chúng đọc mới biết." (1)
<<(1) Sống: Công dụng của quốc văn số 20 ngày 26-6-1935.>>
Chẳng hạn hiệu thuốc Tây Holbé ở Catinat cho ra tờ Nam kỳ nhựt trình mỗi tuần in một lần nhằm ngày thứ năm (năm thứ 1897). Đó cũng là trường hợp của những tờ Nông Cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn. Tư nhân Pháp cộng tác với tư nhân Việt làm ăn buôn bán, dùng tờ báo để cổ võ phát huy kinh tế, thương mại... theo nguyên tắc tự do kinh doanh cạnh tranh giữa các tư nhân và nhà nước đứng ngoài không can thiệp vào dựa trên lề lối các đề đốc nêu ra như đã nói ở trên. Đó là điểm khác biệt với báo chí ở miền Bắc trong thời kỳ này như Đông Dương tạp chí, Nam Phong là những tờ báo chính trị do nhà nước lập ra chỉ đạo chặt chẽ. (2)
<<(2) Chúng tôi đã trình bày trong "Chủ đích Nam Phong" nhà xuất bản Nam Sơn 1974, dựa vào những hồ sơ của Sở mật thám Phủ Toàn quyền và các báo cáo chính trị của Toàn quyền hồi đó.>>
Nhà nước không nắm lấy (công khai hay trá hình) báo chí (3) nhà xuất bản, cũng không kiểm soát gắt gao sách báo, sách do tư nhân làm. Trường hợp bị đưa ra tòa, bị cấm, thường chỉ cấm phổ biến ở Trung, Bắc kỳ và vẫn được lưu hành ở Nam kỳ. Quá lắm mới bị cấm cả ở Nam kỳ như trường hợp các ấn phẩm của nhóm Cường Học thư xã do Trần Huy Liệu chủ trương. 9 cuốn bị cấm ở miền Bắc, Trung, chỉ có một bị cấm ở Trung, Nam, cho thấy trong Nam vẫn có tự do ngôn luận hơn ngoài Bắc.
Trong thời kỳ này phong trào Duy Tân được đề xướng ở cả hai miền, nhưng miền Bắc Đông Kinh nghĩa thục chỉ hoạt động được vài tháng rồi bị đàn áp, tiêu diệt trong khi ở miền Nam lại tồn tại phát triển lâu dài, chính thức là một năm vì lợi dụng được điểm thuận lợi về tự do kinh doanh, tự do ngôn luận kể trên.
Do đó có thể nói sinh hoạt văn chương thời kỳ này ở miền Nam sở dĩ phong phú hơn ở miền Bắc vì lý do đơn giản là đội ngũ nhà nho đông đảo có ít nhiều Tây học vẫn giữ nguyên vẹn cả ba thành phần? Thành phần chủ chốt lãnh đạo hoặc tham gia phong trào Minh Tân chống Pháp tập trung quanh hai tờ Nông Cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn, thành phần phi chính trị và thành phần thân Pháp trong khi ở miền Bắc, thành phần lãnh đạo tham gia tích cực phong trào Duy Tân bị bỏ tù biệt xứ hay bị cô lập chỉ còn những thành phần phi chính trị hay đầu hàng theo Pháp như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác hoạt động trong điều kiện hạn chế về tinh thần và nghèo nàn về phương tiện vật chất. Điều trớ trêu hơn nữa, là ngay cả văn học chữ Hán cũng phong phú dồi dào vì ý đồ"phải dạy đạo lý" để duy trì an ninh trật tự như đã thấy ở trên, bằng chứng là số sách dạy làm người, làm cha mẹ, làm con cái, vợ chồng, loại ấn học khải mông huấn tử "cách ngôn" ra quá nhiều do người soạn nên Hội đồng quản hạt đã dựa vào tình trạng đã có nhiều rồi mà rút bớt trợ cấp ấn loát.
<<(3) Trừ một vài trường hợp như Đại Việt tạp chí. A. Sarraut trao cho Hồ Biểu Chánh hồi 1918.>>
Không thuận lợi:
Chính sách đồng hóa và xu hướng tự trị của người Pháp như đã nói ở trên đã làm cho người Pháp chỉ chú trọng phát triển Nam kỳ và nếu có hướng ra ngoài Nam kỳ, thì lại hướng về phía Tây, không phải về phía Bắc do đó có những hạn chế cho người Bắc, Trung vào Nam, hoặc hạn chế sách báo Nam ra Bắc vì không muốn cho không khí tự do tiến bộ, chỉ thích hợp với miền Nam tỏa ra miền Bắc "Sách cấm ở miền Bắc, mà vẫn được lưu hành ở miền Nam, và dĩ nhiên cũng không nhiệt tình với việc phát triển giao thông liên lạc giữa ba miền. Sau mấy chục năm đã thiết lập chế độ thuộc địa, miền Nam, miền Bắc vẫn tiếp tục cách biệt như hồi vua chúa xưa: chỉ có liên lạc bằng cáng, võng đi bộ qua các trạm để chuyển giấy tờ của nhà nước, dân chúng không có liên lạc gì với nhau. Giả sử đường xe lửa xuyên Việt được đặt sớm hơn chứ không phải 35 năm, tình trạng cô lập khép kín qua hai miền đã được giải tỏa sớm hơn và do đó giao lưu văn hóa đã xóa bỏ được hay ít ra giảm bớt được những ngăn cách về văn hóa. Chúng tôi xin dẫn mấy chứng từ sau đây của mấy người cầm bút gốc Bắc:
"Ấy là tôi biết ông qua mấy chuyện "Châu về hiệp phố" và "Tiểu anh hùng võ kiệt" lúc ấy gởi ra bán ở Bắc kỳ rất chạy thường thường là tôi không bao giờ có tiền để mua. Đọc truyện Phú Đức, tôi toàn đi thuê ở ba nhà sách gần nhà tôi ở...! (1)
<<(1) Vũ Bằng. Cái thú nhất đời của Phú Đức, Nguyễn Đức Nhuận văn học số 136 ngày 15-9-1971, trang 78.>>
"Hồi Phụ nữ tân văn đang thịnh hành, chỉ dân Bắc ham đọc báo chí trong Nam thôi. Trái lại người Nam ít đọc văn Bắc lắm. Đến khi báo Phụ nữ, Thần chung, Đuốc Nhà Nam chết, ấy là lúc văn chương Bắc Hà đổi mới, tiến bộ, tìm lối vào Nam. Đọc báo Phong hóa và Loa, người Nam dần dần hiểu và thích xem văn Bắc và vừa vặn lúc Trung Bắc chủ nhật ra đời. Tờ tuần báo này được độc giả Nam kỳ để ý nhất và hoan nghênh nhất hiện thời... Dần dần ngày nay, ở Sài Gòn, ai đứng trước những hàng sách, đều phải công nhận sách vở báo chí ngoài Bắc chiếm đến chín phần mười. Ít có tư gia nào là không có tiểu thuyết Bắc" (2)
<<(2) Vũ Xuân Tự. Túi bạc Sài Gòn, tiểu thuyết Trung Bắc thư xã Hà Nội 1941, trang 78.>>
Nhưng chính sách của Pháp ở Nam kỳ, nhất là thời kỳ đầu đã tạo ra một mối đe dọa lớn, đe dọa mất gốc. Một số lựa chọn hướng hoạt động văn hóa và chính trị của trí thức miền Nam thời kỳ đó chỉ có thể hiểu như một đảm nhận vai trò lịch sử đặc biệt đối phó với sự thách thức của mối đe dọa kể trên, mà chúng tôi đã tìm hiểu trong chương "Lịch sử Việt Nam nhìn từ miền Nam".
II. ẢNH HƯỞNG VĂN HÓA TÂY PHƯƠNG
Một thiên kiến khác liên hệ với thiên kiến miền Nam không có truyền thống văn hóa dân tộc dựa trên Nho học là miền Nam tiếp xúc sớm với văn hóa Tây phương và chịu ảnh hưởng nặng... ảnh hưởng nặng phải hiểu là mất gốc tây hóa.
Miền Nam tiếp xúc với văn hóa Tây phương, cụ thể là văn hóa Pháp sớm hơn cả. Điều này đúng vì miền Nam bị Pháp đô hộ sớm hơn các miền khác trên 20 năm. Pháp lại thi hành một chính sách đồng hóa triệt để vào thời kỳ đầu, muốn biến miền Nam kỳ thành một quận hạt Pháp, nên cái gì Paris có thì Sài Gòn cũng có và rất sớm.
Chẳng hạn: Hát hình máy (cinématographe) được đưa sang Sài Gòn sau độ 10 năm phát sinh ra. Theo báo Nam kỳ nhựt trình đưa tin về cuộc hát hình máy ở đường Kinh lấp (Charner) thì hiện tượng giải trí này đã gây một ngạc nhiên thích thú cho người Sài Gòn. Trên màn ảnh trắng, chiếu một cái đầu chết chém nói chuyện cuộc đó thật phi thường lắm và đáng cho thiên hạ coi" như Trương Minh Ký, với bút hiệu Mai Nham đã ghi lại bằng mấy vần thơ trong mục Tiếu đàm truyện: Hát bóng máy xây (cinématographe)
Sài Gòn phía chợ dựa bên đường
Rạp lá gây nên một hý trường
Chiêng dậy vang tai người rộn rực
Đèn chong chói mặt chúng chàng ràng
Dọi hình nhân vật dường như sống
Nghe tiếng đầu không cũng dị thường
Tay khéo tài hay bày cuộc lạ
Ước trông ai nấy thấy cho tường. (1)
<<(1) Nam kỳ nhựt trình số 81 ngày 18-5-1899, số 83 - 1-6-1899, số 84 ngày 8-6-1899.>>
Nhưng miền Nam có chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp nặng không và về phương diện nào?
1) Nếp sống hàng ngày: Qua cách ăn mặc ở, phong tục tập quán giao tế. Chúng tôi chưa tìm hiểu về phương diện này một cách thật nghiêm chỉnh có cơ sở dẫn chứng. Chỉ xin nêu lên một nhận xét: Có lẽ người ta đã dựa vào một vài hiện tượng, tên gọi một số người không phải là Nguyễn, Trần mà là Albert, Gilbert, Gaston Trần và những người Việt nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp như người Pháp hoặc vẫn nói tiếng Việt Nam nhưng pha lẫn rất nhiều từ, câu tiếng Pháp.
Nhưng thực ra những người vào làng Tây rất ít so với tổng số dân chúng Nam kỳ. Ngay trong số người đó, cũng có những người yêu nước, chống Pháp thực sự, dựa vào Pháp mà chống Pháp như Gilbert Chiểu và những người theo gương ông sau này.
Ở ngoài đường phố, nơi công sở thì là Tây, nhưng trở về đời tư, nếp sống gia đình, rất nhiều gia đình "tây hóa" vẫn giữ những phong tục, lễ nghĩa cổ truyền còn chặt chẽ hơn cả những gia đình nho phong ở miền Bắc. Nhiều người tây học hoàn toàn vẫn khăn đóng áo dài như các ông đồ nho.
Vì thế phải chăng thiên kiến trên sở dĩ có là vì khái quát một vài sự kiện quan sát, ghi nhận nhân một chuyến đi vào Nam kỳ một hai tháng và chỉ được nhìn thấy những cái bên ngoài xã hội, mà chưa có dịp đi sâu giao dịch thân tình trong chỗ riêng tư như trường hợp Phạm Quỳnh mà chúng tôi đã giới thiệu?
2) Lập trường tư tưởng, chủ thuyết về văn học, triết học, tôn giáo...
Qua một số báo, sách xuất bản trong thời kỳ này mà chúng tôi đã đọc, chúng tôi thấy rất ít những bài giới thiệu, đề cao văn hóa Pháp (các tác giả triết học, văn học, các trường phái học thuyết xã hội, các tôn giáo). Đó là một sự kiện. Trong chương: Lịch sử Việt Nam nhìn từ miền Nam, chúng tôi đã giả thuyết đưa ra hai lý do giải thích, lý do chính trị và ý thức hệ. Để chống lại chính sách đồng hóa về văn hóa, những người trí thức làm văn hóa ở miền Nam thời kỳ đó phải né tránh việc tuyên truyền phổ biến văn hóa Pháp bị chế độ thực dân lợi dụng và đề cao văn hóa truyền thống dân tộc dựa trên Nho học. Ở đây chúng tôi cho rằng có lẽ còn một lý do nữa về văn hóa: trí thức ở vùng đất mới không nhạy cảm với văn hóa Pháp.
Chúng tôi nghĩ đến nguyên nhân thứ ba về văn hóa khi tìm hiểu ảnh hưởng của trường học (tiểu và trung học) theo chương trình Pháp hay Pháp Việt thời Pháp thuộc, nơi các nhà làm văn hóa xuất thân từ các trường đó. Chúng tôi biết có những người chỉ học xong "primaire" mà đã có thể làm thơ Pháp. Được học kỹ càng và có phương pháp văn học, lịch sử, tư tưởng Pháp, ở tuổi rất nhạy cảm tiếp thu kiến thức mới, tại sao những người viết sách báo ở miền Nam thời kỳ này, hoàn toàn được đào tạo ở trường học Pháp, lại không chịu ảnh hưởng tư tưởng của Pháp được biểu lộ trong nội dung các công trình văn hóa của họ mà chỉ chịu tiếp thu văn hóa phương Tây về kỹ thuật xây dựng tác phẩm, phương pháp nghiên cứu mà thôi? Trường hợp tiêu biểu là Trương Vĩnh Ký (về biên khảo) và Hồ Biểu Chánh (về sáng tác). Vậy phải chăng có một trở ngại nào đó, dựa vào những yếu tố địa lý chính trị, làm cho họ không nhạy cảm mạnh với văn hóa Pháp? Khi nêu vấn đề này, chúng tôi nghĩ đến những nhận xét của các ông Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng về Công giáo Việt Nam, đặc biệt Công giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long đã không phát triển mạnh bằng Công giáo ở vùng đồng bằng sông Hồng mặc dầu được các chế độ thực dân ưu đãi. Những nhận xét của các ông về thời kỳ thực dân đã xâm lược và thống trị gợi ý cho chúng tôi đi tìm hiểu xa hơn nữa ngay từ thời đạo Công giáo mới bắt đầu truyền vào ở các thế kỷ XVII, VXIII và mở rộng vấn đề liên hệ việc phát triển Công giáo và phát triển văn hóa Pháp nói chung. Tại sao văn hóa Pháp là lề lối sống đạo công giáo theo Pháp đã không phát triển mạnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng ở vùng đồng bằng sông Hồng?
Hồi đầu thời kỳ truyền đạo, nghĩa là lúc chưa có nhà cầm quyền thực dân nào ủng hộ. Giám mục Laneau (1882) trong một hồi ký, đã nhận xét: "Trong tất cả các vùng ngoại đạo mà các giáo sĩ thừa sai Pháp truyền đạo dưới sự hướng dẫn của Giám mục Pallu và các giám mục khác, không có vùng nào mà đạo Thiên chúa có được những tiến bộ lớn lao cho bằng Bắc kỳ, mặc dầu thường bị bắt bớ và phải bảo vệ đạo nghiêm ngặt hơn so với các vùng khác" cho đến năm 1882, Bắc kỳ có 200.000 giáo dân và chỉ năm 1882 có 6 vạn trở lại đạo, còn ở đàng Trong chỉ có 6 ngàn (1). Theo Bonifacy, con số cao hơn. Ở Bắc năm 1655 có đến 350.000 bổn đạo, ở Trung và Nam có 50.000 (2).
<<(1) C.Taboulet, La Geste française en Ind. Tome I Situation genérale Christianisme en 1862, page 49.
(2) Bonifacy. Les débuts du Christianisme en Annam. Des organies au 18è siècle HANOI 1930, Page 49, 60, 65.>>
Về sự kiện tại sao người Việt Nam theo Công giáo nhiều hơn so với các nước khác trong vùng (Tân Nhật, Xiêm, Cao Miên, Miến...) có nhiều nguyên nhân chính trị, xã hội, kinh tế có thể đưa ra để giải thích. Chúng tôi không bàn đến ở đây, chỉ gợi ý về nguyên nhân văn hóa. Một lối sống đạo thế nào đó đã được rao giảng và khả năng "nhạy cảm" tiếp thu ở mức độ nào đó. Cũng vậy: Một thứ văn hóa Tây phương nào đó (văn hóa Pháp) được truyền bá và khả năng nhạy cảm tiếp thu ở mức độ nào đó của người miền Nam và miền Bắc.
Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi thấy phải phân biệt một đàng Công giáo và Tin lành, đàng khác văn hóa la tinh và văn hóa anglô saxon (3) và xác định những đặc điểm của mỗi thực tại, một việc mà nhiều nhà xã hội học, triết sử Tây phương đã làm... Ở đây chúng tôi chỉ nhắc lại một vài nét để gợi ý cho giả thuyết giải thích chúng tôi nêu lên.
<<(3) Đúng ra phải phân biệt Công giáo, Tin lành, Chính giáo thuộc Kitô giáo và Kitô giáo, Do thái giáo, Hồi giáo thuộc Thiên chúa giáo. Ở VN, thường gọi người Công giáo là người theo đạo Thiên chúa, cũng đúng vì thực tế ở VN. Chỉ có người theo đạo Thiên chúa xu hướng Công giáo, và phân biệt văn hóa các nước latinh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, với các nước Anglô saxon (Anh và Đức). Nhận xét mặc dầu xuất phát từ văn hóa Tây phương theo Kitô giáo, nhưng xứ latinh đó đa số theo công giáo và sau này có những đảng CS lớn mạnh và những xứ Anglê saxon, germanique đa số theo đạo Tin lành có những đảng CS nhỏ bé thì những mối liên hệ trên không phải là tình cờ ngẫu nhiên mà hẳn có những nguyên nhân khách quan quy định.>>
Nhà triết học David Hume, người Anh theo phái duy nghiêm (empirisme) thế kỷ XVIII đã nhận xét người Pháp giống dân Hy Lạp cổ, thiên về văn chương, nghệ thuật (beaux arts) có tính cách lý tưởng (idéaliste) hiểu theo nghĩa xa thực tế, còn người Anh giống dân La Mã xưa, thiên về kiến trúc pháp luật, nghĩa là có óc thực tế.
Người Pháp là người lý tưởng (idéaliste) (hiểu theo nghĩa lý thuyết) về đạo đức. Thời vua chúa đặc biệt tầng lớp quý phái ngại bẩn tay nên không muốn dính líu vào việc buôn bán, giao dịch ngân hàng, vì đụng vào tiền bạc vẫn được kể là một điều xấu theo truyền thống đạo lý của Thánh Thomas từ thế kỷ XIII, cho nên tiếng Pháp không có những từ như "money matter" (làm tiền). Trái lại, theo Max Weber, các xứ theo đạo Tin lành coi việc buôn bán kinh doanh thành công phát đạt là một điều tốt, vì là một dấu hiệu của Tiền định Thiên chúa (prédestination diverie) nên của cải kiếm được không việc gì phải che dấu, chịu khai báo để nộp thuế. Người ta nhận ra chỉ ở Pháp mỗi tháng các dân biểu, các nghị sĩ không được thông báo về tiền lương và các khoản phụ cấp đặc biệt chức vụ của các viên chức cao cấp vì những khoản tiền này được giữ thật bí mật.
Người Pháp là người thiên về chữ nghĩa, lý luận, thích tư tưởng học thuyết, thường hãnh diện là con cháu của Descartes, phê phán triệt để, lý luận chặt chẽ lập thuyết bao quát nhưng cũng thường trở thành lý luận để lý luận, nghĩa là thay thế cho hành động nói hay để mà nói, không phải để làm. Người Pháp có những hạng từ đối lập phân biệt. Tả - hữu, cấp tiến - bảo thủ, cộng hòa - bảo hoàng v.v.. rất tiện lợi cho họ xếp vào hàng ngũ để nuôi dưỡng những tranh luận và tranh đấu vô tận trên báo chí hay nghị trường các nghiệp đoàn, chính trị.
Một xứ xính những chương trình kế hoạch, tuyên ngôn, kiến nghị. Khi người ta không thể giải quyết một vấn đề, người ta lập ra những ủy ban nghiên cứu để khỏi phải giải quyết. Vì thế người Pháp thường bị chê trách: tả hữu gì lên cầm quyền cũng không làm ăn phát đạt được vì thiếu óc thực tế.
Về chính trị, người Pháp thường hãnh diện vì là xứ của những cách mạng dân chủ, dân quyền chỉ đẹp trên lý thuyết. Nhưng trong thực tế, giết vua mà vẫn nhớ vua, vẫn duy trì những nghi thức, quyền hành tối cao của vua. Những ông Tổng thống De Gaulle, Giscard d'Estaing Mitterand đều vẫn giữ bóng dáng của vị hoàng đế. Người ta kể chuyện sau khi ông Mitterand lên làm Tổng thống, một đồng chí Đảng Xã hội của ông "mày tao" (Hay anh anh em em tutoyer) với ông trong một hội nghị, ông trịnh trọng đáp lại bằng cách thưa ông, thưa ngài (vousvoyer). Chỉ có ở nước Pháp mới còn thấy chế độ các đại chủ nhân (grand patron) trong các xí nghiệp cũng như ở đại học với những nghi thức, cung cách "triều đình" như phải xưng hô: M. Le Président trong khi ở Anh, Mỹ, chỉ gọi đơn giản Bob, Bill... Ai dám cho rằng ở Anh tuy vẫn còn vua, hoàng hậu đấy, nhưng kém gì Pháp về các thể chế, phong tục dân chủ mặc dầu không trải qua những cuộc cách mạng dân quyền đẫm máu?
Văn chương Pháp là một nền văn chương nổi tiếng vào hạng nhất thế giới về sự phong phú, chải chuốt, lời hay ý đẹp đủ mọi trường phái lãng mạn, tả chân, tượng trưng, siêu thực, trừu tượng v.v...
Về tôn giáo, đa số theo công giáo, một đạo đặt nặng vai trò quyền hành của hàng giáo phẩm, giáo sĩ, nghi thức tế tự sinh hoạt cộng đồng, tổ chức chặt chẽ theo hàng ngang, hàng dọc về hành chánh từ trên xuống dưới, tổ chức đoàn thể theo tuổi, nghề nghiệp, sở thích và lòng tôn kính tôn giáo, khác với những nước đa số theo Tin lành, chủ trương thiết lập những quan hệ cá nhân trực tiếp giữa tín hữu và Thiên chúa, đặt nhẹ các thể chế, tổ chức trung gian (giáo hội, đoàn thể, nghi thức bề ngoài).
Khi đi thực dân, người Pháp không tránh được xu hướng lý tưởng hóa một chính sách mà thực chất chỉ là bóc lột áp bức, bằng những huyền thoại sứ mệnh khai hóa văn minh, trở thành nạn nhân của chính những chiêu bài đề ra và phải đợi cho đến lúc bị đánh bể đầu sứt trán, xuýt lung lay cả chế độ ở mẫu quốc mới chịu giải quyết (décolinisation) trong khi người Anh thực tế hơn đã vội trả độc lập cho nhiều nước bị trị trước khi những nước đó đòi hỏi.
Bây giờ thử tìm hiểu thử xem đạo công giáo thời Trung cổ được các thừa sai người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, các xứ la tinh rao giảng ở VN trong hoàn cảnh nào?
- Ở vùng đồng bằng sông Hồng: chủ yếu nhằm những người ở tầng lớp dưới, nghèo cực, cùng đinh hoặc không phải dân đinh, ở nông thôn, vùng ven biển. Số phận xã hội của họ đen tối như thế lại ở trong một tình hình loạn ly liên miên, lụt lội mất mùa càng trở thành tuyệt vọng. Do đó thật không lạ gì khi thấy những người không còn hy vọng nào ở trần gian này tin theo những lời giảng huấn hứa hẹn một cứu rỗi hạnh phúc ở một đời sau. Ngoài ra, lối tổ chức sống đạo có tính cách bình dân cộng đồng làng xã vì không phải là dân đinh, một thể chế sinh hoạt cộng đồng làng xã y như hệt các cộng đồng làng xã khác nghĩa là cũng có một quyền bính để vâng phục, các tổ chức, đoàn thể, đóng góp, tương tế, nghi thức, tế tự: rước xách, hội hè, đình đám, chỉ thay đổi nội dung (chẳng hạn vẫn giữ tập tục trồng cây nêu ngày Tết, chỉ thêm cây Thánh giá) những tổ chức, sinh hoạt cộng đồng này trong các họ đạo thường rất sầm uất và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của một đời sống xã hội bình thường và lành mạnh: nhu cầu hội nhập (integration sociale) và nhu cầu giải trí: những hội hè đình đám rước xách dù có tính cách tân giáo vẫn đáp ứng nhu cầu vui chơi ở nông thôn xưa, vốn không có những sinh hoạt giải trí như hiện nay ở các đô thị. Những người công giáo sống ở vùng đồng bằng sông Hồng, cho đến nay, vẫn cảm thấy thoải mái, hội nhập và không hề thấy mình xa lạ, "ngoại nhập" trong mối quan hệ với đồng bào lương, vì lương giáo cũng đều có những hội hè, đình đám, rước xách (hội kèn, hội bát âm, kiệu, cờ, trống) giống nhau. Do đó chúng tôi nghĩ rằng một lối sống đạo như vậy rất thích hợp với người dân đồng bằng sông Hồng.
- Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Nhưng ở miền cực Nam Việt Nam, hoàn cảnh có khác. Cuộc sống làm ăn tuy có vất vả, nhưng vẫn chắc chắn có ăn. Đặc biệt về mặt xã hội, người theo đạo không hề bị kỳ thị, vì tất cả lương giáo đều là lưu dân bình đẳng và tương trợ nhau trong cùng một hoàn cảnh chung. Người theo đạo cũng sống xen kẽ, trà trộn với người ngoài công giáo, không tạo thành những giáo khu riêng như ở miền Băc. Tình cảnh cấu trúc làng xã trải dài, rộng ra trong không gian tính chất những sinh hoạt tập thể dựa trên tự túc, tự quản, tự do hành động có lẽ không thích hợp với những tổ chức tập thể, sinh hoạt cộng đồng chặt chẽ của làng xã miền Bắc. Vì thế, ở miền Nam không thấy hiện tượng trở lại đạo tập thể đông đảo như ở vùng đồng bằng sông Hồng (1), phải chăng vì người dân ở đây, không ở trong một tình cảnh tuyệt vọng về phần đời và có nhu cầu thiết yếu về hội nhập xã hội?
<<(1) Trừ trường hợp lúc Tây mới sang, vì sợ mà cả làng trở lại đạo, nhưng sau biết Tây không bắt buộc, tất cả lại bỏ đạo như đã thấy trong "Sự tích các họ đạo ở Nam kỳ" mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên.>>
Nói cách khác, ở miền Nam, số người theo đạo ít hơn so với miền Bắc, phải chăng vì lý do, động cơ theo dựa vào khả năng thuyết phục của giáo lý nhiều hơn là dựa vào những nhu cầu xã hội?
Nếu về tôn giáo, Tây phương nói chung và người Pháp nói riêng đã đưa sang Việt Nam một lối sống đạo thật bình dân đại chúng thì về văn hóa, trái lại người Pháp đã truyền vào Việt Nam một thứ văn hóa rất "bác học" dành cho những tầng lớp trên. Nền văn hóa bác học này đã xa rời từ lâu truyền thống văn hóa dân gian, đại chúng thời Trung cổ, Phục hưng... Tuồng kịch của Corneille, Racine, đâu có phải để cho dân chúng xem? Đó là một nền văn học chủ yếu dành cho quý tộc, trưởng giả. Càng xa rời đại chúng, tư tưởng học thuật càng nặng tính chất trừu tượng, hình thức.
Một nhà triết học Tây phương đã nói: Nhân loại chỉ đặt những vấn đề nhân loại giải quyết được, nghĩa là tư tưởng, học thuật, triết học gắn liền với thực tại, chỉ được đặt ra khi thực tại đòi hỏi, và xóa bỏ, khi thực tại đã được thay đổi, và lại chỉ đặt ra khi có nhu cầu. Nhưng con người cũng vẫn đặt những vấn đề không giải quyết được hoặc đặt vấn đề (trên lý luận) để khỏi phải giải quyết (trong thực tế). Trong cả hai trường hợp sau, lý luận lập thuyết được đặt nặng, đề cao có thể trở thành một sinh hoạt, thực tại riêng biệt, tách rời khỏi thực tế. Tư tưởng càng thâm trầm, sâu sắc trong việc phê phán, lý luận, thơ văn càng chải chuốt, hoa mỹ, phản ảnh sinh hoạt tư tưởng thâm trầm sâu sắc kể trên. Tất cả cùng tạo ra nhiều ảo tưởng, những tâm lý mà tiếng Pháp gọi là "alibi". Tự ban cho mình một thỏa mãn trí thức trước một thực tế bế tắc và mình bất lực không thay đổi được, ít ra đã bày tỏ sự phê phán chống đối nó trên bình diện tư tưởng, học thuật qua một tác phẩm, một câu chuyện kể đôi khi dưới hình thức tiếu lâm, ca dao sâu sắc, thâm trầm...
Nền văn hóa bác học của Pháp được du nhập vào Việt Nam mang những tính chất của loại tư tưởng học thuật thuộc hai trường hợp sau kể trên có vẻ không thích hợp với tâm lý người trí thức Việt Nam ở vùng đất mới thiên về nếp sống tư tưởng chỉ đặt những vấn đề có thể giải quyết được, nghĩa là thiên về các ngành khoa học tự nhiên. Chúng tôi chưa làm được một thống kê, nhưng nhận thấy phần đông trí thức miền Nam chọn những ngành nghề thiết thực, kỹ sư, bác sĩ, ít ai chuyên về triết học, hoặc các ngành khoa học xã hội khác. Khi học ở trường, chắc chắn họ đã được đọc thơ văn lãng mạn, tượng trưng siêu thực, nhưng khi viết văn làm báo không thấy ai ca tụng "Rimbaud, Verlaine", không thấy những trường phái trên được "mô phỏng" lặp lại ở miền Nam, vì phong trào lãng mạn kiểu Lamartine, một thứ lãng mạn bệnh hoạn, yếm thế khác hẳn thứ lãng mạn lành mạnh không thể thích hợp với tâm lý của người con gái Hậu Giang khỏe mạnh có vú nở, chân chắc, không cấm cung tách biệt với lao động.
Không phải chỉ về nội dung, ngay cả cung cách sinh hoạt văn hóa bác học Pháp cũng không thích hợp với người trí thức miền Nam vì lý do ở vùng đất mới chưa hình thành một giai cấp quý tộc ngay cả giới làm quan cho Pháp cũng chưa tự cho mình là quí tộc, được biểu lộ qua nếp sống ăn, mặc, ở riêng và khinh chê lối sống của hạng bình dân. Do đó ở miền Nam, chưa phân biệt hai dòng văn hóa: bác học và bình dân, mà chỉ có một chung cho mọi giới. Tuồng, hát bội, tiểu thuyết không phải chỉ dành riêng cho một thiểu số thuộc tầng lớp trên ở đô thị.
Văn hóa bác học dựa trên những phân biệt. Ví dụ in sách báo, văn học, tư tưởng thì chỉ nói đến văn học, triết học, nếu có quảng cáo, chỉ quảng cáo sách báo tư tưởng văn học không thể quảng cáo thuốc, đồ tiêu dùng. Tờ báo cuốn sách dành riêng cho một giới. Ở Pháp đi ngoài đường cứ xem ai cầm tờ "Le Monde" hay "France soir" là biết ngay người đó là trí thức hay bình dân, tờ Le Monde chỉ đăng tin viết thành bài, có ký tên người viết, không bao giờ đăng hình ảnh. Trí thức Pháp quen thuộc với những tạp chí thuần túy văn học, triết lý, chính trị không thể chấp nhận tạp chí play-poy của Mỹ, bên cạnh những tranh khỏa thân, những bài phiếm luận nhẹ nhàng, có những bài rất nghiêm chỉnh sâu sắc, về tôn giáo, triết học, chính trị (1). Cuộc sống của con người có nhiều mặt, nhiều lúc, không phải lúc nào cũng nghiêm nghị suy nghĩ triết học, thần học... Triết học, thần học cũng không phải chỉ dành riêng cho thiểu số trí thức, còn người làm ăn buôn bán, lính tráng không thể đọc hay không được đọc. Như vậy là dân chủ, vì không có phân biệt đối xử, vì phổ biến văn hóa rộng rãi cho mọi người đồng thời lại bán được nhiều sách báo hơn. Có lợi cả về kinh doanh lẫn văn hóa, vừa làm văn hóa vừa làm kinh tế hay làm kinh tế bằng văn hóa, hoặc ngược lại, làm như thế có gì là xấu? Không phải cái này giá trị hơn, đáng trọng hơn cái kia mà chỉ là hai giá trị khác nhau. Quảng cáo, rao vặt có giá trị của nó, bài xã thuyết có giá trị của bài xã thuyết, không câu nệ gò bó. Câu nệ như tờ Le Monde hiện nay bị lỗ vì chỉ có thể bán trong giới trí thức (2).
<<(1) Chẳng hạn số tháng giêng 1967 bên những bài về phái tính trong điện ảnh, tiểu thuyết giả tưởng, chuyện khôi hài tranh khỏa thân có bài phỏng vấn rất dài Fifel Castro, bài về sự nổi loạn trong Giáo hội của Harvey Cox, một nhà thần học nổi tiếng, bài bày tỏ lập trường chống chiến tranh VN của nhà soạn kịch Đức nổi tiếng Hochuth, đăng bài sau này trong một tờ báo văn nghệ dành riêng cho trí thức thì lính Mỹ ở VN không thể đọc được.
(2) Gần đây chúng tôi được coi mấy tờ be Nouvelle critique của DCS Pháp (số 110 và 116/L978) ai đã quen thuộc với tạp chí khắc khổ này trước đây không khỏi bỡ ngỡ khi thấy tạp chí ra khổ lớn, in chữ nhiều màu, có tranh khôi hài, hình ảnh gần như khỏa thân, quảng cáo thuốc lá Philips Morris. Chúng tôi cũng được coi mấy tờ New Look (1984) xuất bản ở Paris, là một thứ Play-boy bằng tiếng Pháp, tuy có nhiều phóng sự đặc biệt, nhưng không thấy những bài về triết học, thần học, xã hội như trong Play-boy. Có lẽ những nhà tư tưởng, khoa học Pháp vẫn còn cho rằng những cái nghiêm chỉnh như khoa học xã hội, triết học tôn giáo không thể được nói, in cùng với những cái nhảm nhí đồi trụy?
Nhìn vào tình hình sinh hoạt, in xuất bản, phát hành sách báo thời kỳ này ở miền Nam, chúng tôi thấy những tiểu thuyết nổi tiếng của những nhà văn nổi tiếng đăng trong các sách quảng cáo của nhà thuốc Nhị thiên đường, Vệ sinh đường như "Chằng cà mun" của Nguyễn Chánh Sát. Hoặc được in thành tập vài chục trang, bìa trình bày sơ sài, rao bán ở các bến xe, bến phà cùng với các thứ thơ. Thơ Hậu, Tuồng cải lương, loại gọi là ba xu, ba hào, chứ không phải được in thành một cuốn, trình bày có nghệ thuật, trưng bán một cách trang trọng ở các hiệu sách. Không phải chỉ văn chương lẫn lộn với kinh tế thương mại mà cả khoa học, tôn giáo, phê bình. Mở một số báo khoa học tạp chí ra vào hồi 1924 do bác sĩ Trần Văn Đôn chủ trương cùng với Lưu Văn Lang, Bùi Quang Chiêu số 40 (7-1924) thấy có bài về bệnh dịch hạch bên cạnh bài bàn về nghề tằm tơ, luật buôn, Tam tự kinh diễn nghĩa, văn truyện, văn lưu thủy Annam... Hoặc tuần báo Nam Kỳ địa phận ra từ 1909 không phải chỉ nói việc đạo, mà đủ cả: văn chương, tục ngữ, thai đố, giới thiệu thuốc tây, thuốc ta, giá lúa ở Chợ Lớn, giá bạc ở Sài Gòn và cũng không phải chỉ dành cho người công giáo - đúng là "tạp nhạp" hay "tạp pín lù" nếu nhìn theo con mắt phân biệt đối xử như: Bổn quá kính cáo (số 1) Đạo lý, phong hóa, bá nghệ, bác học, văn tin:
Nam Kỳ địa phận nhựt trình
Lương giáo hai bên mặc thích dùng
Giáo, hóa, công, văn bày lề chính
Bỉ nông công cổ tỏ dường cùng.
Tóm lại, văn hóa bác học của Pháp có vẻ thích hợp hơn với miền Bắc, là nơi cũng có phân biệt hai dòng văn học, bác học và bình dân. Trước đây người trí thức Bắc hà đã chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Trung Quốc, một văn hóa có những học thuyết tư tưởng sâu sắc và nền văn chương chau chuốt hoa mỹ, bây giờ, được tiếp xúc với một văn hóa khác, vào hạng nhất trên thế giới, cũng thâm trầm sâu sắc, chải chuốt hoa mỹ như nền văn hóa Trung Quốc. Do đó mới thấy hiện tượng hầu như mỗi nhà văn, thơ thuộc thế hệ gọi là "chịu ảnh hưởng giáo dục phương Tây", đều có bóng dáng công khai hay ẩn dấu một nhà thơ, một nhà văn Pháp đằng sau, hoặc những trào lưu trường phái văn học Pháp được "mô phỏng" lập lại như ở Pháp. Bắt chước, mô phỏng không phải chỉ về kỹ thuật xây dựng tác phẩm, phương pháp nghiên cứu, mà cả nội dung tư tưởng. Phong trào Tự lực văn đoàn đã dựa vào chủ nghĩa cá nhân phương Tây để đả phá nề nếp gia đình truyền thống Việt Nam. Trở lại việc so sánh hai văn hóa Pháp và Anh, giả sử Việt Nam rơi vào quỹ đạo thuộc địa Anh thì đã ra sao? Trước hết, có lẽ đã không có công giáo, hoặc rất ít và chủ yếu ở trong giới tư sản thành thị, vì Tin lành chú trọng truyền đạo trong giới này. Việc giải thực chắc cũng được thực hiện sớm và không phải trả bằng giá quá đắt cho cả hai bên. Còn về văn hóa? Riêng miền Nam có lẽ đã thích hợp hơn với nền văn hóa có tính thực dụng (1) của người Anglo saxon.
<<(1) Những gợi ý trên để tìm hiểu khoảng lịch sử sau này của miền Nam khi tiếp xúc với văn hóa Bắc Mỹ.>>
Tinh thần lối viết theo Tây phương:
Như chúng tôi đã ghi nhận: nhiều nhà viết văn, viết báo thời kỳ này đã tiếp thu lối viết theo Tây phương. Sự tiếp thu này đặc biệt rõ rệt trong văn xuôi, thể văn tiểu thuyết. Hồ Biểu Chánh đã thú nhận trong hồi ký của ông rằng ông đã chuyển hẳn hướng viết văn sau khi đọc truyện "Thầy Lazarô Phiền" của Nguyễn Trọng Quản. Muốn thấy một cách cụ thể sự chuyển hướng trên, chỉ cần so sánh truyện "U tình lục" viết bằng văn vần kiểu Kim Vân Kiều và "Ai làm được" truyện đầu tiên bằng văn xuôi viết theo lối chịu ảnh hưởng ít nhiều tây phương. Sau này, qua những truyện ông phóng tác theo các tiểu thuyết tây phương mà chúng tôi đã đối chiếu so sánh (Chúa tàu Kim Quy, Cay đắng mùi đời, Ngọn cỏ gió đùa), càng thấy rõ ông đã tiếp thu lối viết tiểu thuyết Tây phương thế nào (vì ông đã gạt bỏ mọi tư tưởng, ý thức hệ của các tiểu thuyết Tây phương mà ông phóng tác) và tiếp thu một cách thật nhuần nhuyễn hơn là Lê Hoằng Mưu. Trường hợp Hồ Biểu Chánh cho chúng tôi thấy hai sự kiện:
- Nhiều tác phẩm sử, văn, truyện xuất bản rất sớm ở miền Nam bằng quốc ngữ đều do các tác giả công giáo hay chịu ảnh hưởng công giáo.
- Những tác giả công giáo này viết văn quốc ngữ thật đúng chính tả, gọn, xuôi, rõ như Phan Khôi đã nhận định: Đọc Nam kỳ nhựt trình có những Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, cộng tác (1898 - 1899) và Nam Kỳ địa phận từ (1909 - 1945) một bên Nông Cổ mín đàm và Lục Tỉnh tân văn bên kia sẽ thấy sự khác biệt lớn lao giữa hai lối viết văn quốc ngữ như chúng tôi đã trình bày trong chương về báo chí. Những sự kiện này gợi ý cho chúng tôi đi tìm hiểu xem có mối quan hệ nào giữa Tinh thần của lối viết văn của Tây phương với Kitô giáo, và Tinh thần đó là gì?
Đó là sự chú ý với người thực, việc thực, không phải những biến cố đặc biệt, quan trọng, mà là những việc xảy ra bình thường trong đời sống hàng ngày, không phải của vua quan, các tầng lớp trên, mà là của đông đảo quần chúng, quần chúng thuộc lớp người bị trị...
Không có tinh thần này, không thể có văn xuôi và các thể văn viết như báo chí, sử ký, tiểu thuyết. Người ta thấy tinh thần này trong các tài liệu văn xuôi dạo như Sử ký hội thánh (sử ký giáo hội), Hạnh các thánh, các sách giảng thuyết Kinh hạt v.v.. đã có ngay từ hồi đầu của Kitô giáo. Những tư liệu này ghi chép kể lại người thật việc thật, những sinh hoạt của cộng đồng dân chúng, nghĩa là của đa số quần chúng các tầng lớp dưới.
Truyền thống văn xuôi này, khi chuyển sang văn xuôi dời, ở tây phương - chỉ thay đổi nội dung mà vẫn giữ tinh thần lề lối diễn tả.
Khi Kitô giáo được du nhập vào Việt Nam, dĩ nhiên các thừa sai mang theo truyền thống văn xuôi tôn giáo kể trên. Các sách sử ký hội thánh, hạnh các thánh v.v... được dịch hoặc phóng tác ra tiếng Việt trước tiên bằng chữ nôm, rồi bằng quốc ngữ.
Sự có mặt của lối văn xuôi dạo bằng chữ viết đưa cái bình thường, hàng ngày vào sinh hoạt văn hóa có thể coi là một yếu tố mới trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Không kể văn học dân gian truyền miệng thì dù bằng chữ Hán hay chữ Nôm, văn viết chủ yếu là văn vần còn văn xuôi chỉ để chép chính sử, giấy tờ hành chính. Nhưng dù là văn xuôi hay văn vần, chữ Hán hay chữ nôm thì nội dung lời văn viết này thường xa thực tế hàng ngày trước mắt, không đụng chạm gì tới sinh hoạt của đông đảo dân chúng, và về tinh thần diễn tả lời nói, chữ viết cũng không phải tiếng nói hàng ngày của người dân. Dù truyện Kiều văn chương tư tưởng có hay, sâu sắc thế nào đi nữa, người ta cũng không thể tìm thấy một phản ảnh nào về ngôn ngữ, nếp sinh hoạt, đời sống xã hội của người Việt Nam bình thường thế kỷ XIX, họ ăn, mặc, ở ra sao, đi chợ thế nào, thực sự tin cái gì, muốn cái gì v.v...?
Nhưng những điều bình thường đó của dân chúng ở một địa phương, một thời kỳ lịch sử có thể tìm thấy trong các tư liệu chữ viết nôm hoặc quốc ngữ đã in hoặc vẫn còn bản chép tay của giới công giáo.
Trong viễn tượng trên, điều chúng tôi coi là cốt yếu, quan trọng ở đây là tinh thần chú ý tới cái hàng ngày của quần chúng, không phải những hình thức diễn tả bằng chữ viết: nôm hay quốc ngữ, và do đó, nếu có nói đến đóng góp của Kitô giáo vào văn hóa Việt Nam, có lẽ trước hết nên kể đến tinh thần này. Dĩ nhiên tinh thần này cũng như một số khái niệm, giá trị khác của Tây phương, bắt nguồn từ Kitô giáo đã trở thành gia tài chung của văn hóa nhân loại, nên chính những người sử dụng truyền bá hay tiếp thu, có thể không biết hay không cần biết đến nguồn gốc xa xưa của nó...
Bây giờ chúng ta làm báo, viết ký sự, tiểu thuyết mô tả người thực việc thực của dân chúng là một điều bình thường, nhưng ngược dòng lịch sử văn học dân tộc hàng trăm ngàn năm về trước, thì việc làm trên mới có cách đây trên dưới một trăm năm nay... Nếu nhân mối liên hệ giữa tinh thần chú trọng tới cái bình thường hàng ngày bắt nguồn từ truyền thống Kitô giáo với văn xuôi người ta sẽ dễ hiểu tại sao những người viết báo, truyện ký, tiểu thuyết sớm nhất theo lối Tây phương là những người công giáo hay chịu ảnh hưởng công giáo... và tại sao họ sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn lối văn xuôi kể trên, vì đọc những gì họ viết về văn xuôi dạo, dời từ hằng trăm năm về trước, ngoại trừ những từ của địa phương, thông dụng đương thời, lối viết của họ chẳng khác là bao lối viết hiện nay.
Ngoài ra, kho tàng chữ viết nôm, quốc ngữ của giới công giáo cũng cung cấp những dữ kiện trực tiếp hay gián tiếp cho chúng ta ngày nay hiểu được nếp sống, phong tục, tập quán, sinh hoạt hàng ngày và tiếng nói của người dân thường ba, bốn thế kỷ trước.
Chẳng hạn sách "Thánh Giáo yếu lý" bản gốc của Bá Đa Lộc năm 1774, các bản in Tân Định cuối thế kỷ XIX, và đầu thế kỷ XX chỗ về cấm mê tín dị đoan, kể các loại dị đoan thời đó ở miền Nam là thế nào cung cấp một dẫn chứng cho nhà phong tục học:
"Dị đoan là dí gì?
"Là những sợ dơm tế quải lạy ông bà cha mẹ, tin bói khoa nham độn, cậy phù thủy pháp môn, xem tướng mạo, chọn ngày giờ, kỳ yên chạp miểu, lên đồng xuống đồng, thờ tiên sư, thổ công, thổ chủ, đặt bài vị, lên nêu, buộc tran cầu địa lý, đốt giấy tiền vàng bạc, tin chiêm bao mộng huyền, gặp đờn ông đờn bà là bàn luận tốt, xấu, cùng là tin chó kêu, gà gáy, chuột túc, nhện sa, rằng thiêng rằng thính, và mọi dầu khác như vậy."
Nhưng có lẽ phần đóng góp quan trọng hơn cả của các sách tôn giáo là về mặt ngôn ngữ học. Các nhà ngôn ngữ trên thế giới đều chú ý đến mảng tài liệu cổ này như N.V. Starkêvich (bà Nguyễn Tài Cẩn), nhà ngữ học ở Hà Nội, đã gợi ý trong bài "Một vài suy nghĩ bước đầu về việc nghiên cứu ngữ pháp lịch sử tiếng Việt". (Tạp chí Ngôn ngữ, số 4/1978 HANOI).
Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ thời Lô-mô-nô-nôp người ta đã chú trọng rất nhiều đến văn bản "Kinh Thánh của O-xtrô-mia, (1056-57) và mãi sau này trong công trình nghiên cứu ngữ pháp Lịch sử tiếng Nga của Sec-ma-tôp, của Dua-nô-vô v.v... văn bản đó bao giờ cũng được hết sức đề cao. Tiếp theo sau văn bản đó, người ta lần lượt xét đến tất cả các văn bản có thể có, thuộc các thời kỳ kế tiếp, như văn bản ghi trên đã ở Tru-tơ-rơ-can, văn bản dịch từ tiếng Hy lạp cho Vua Xi-mê-on, văn bản Kinh Thánh tìm được ở Ac-khăng-ghen v.v...
... Đối với việc nghiên cứu ngữ pháp lịch sử tiếng Việt từ thế kỷ 17 đến nay, theo ý chúng tôi, hoàn toàn cũng có thể làm như vậy, bởi vì những thế kỷ này hiện còn để lại cho ta khá nhiều văn bản. Ngoài các tác phẩm văn học nổi tiếng mà chúng ta đều biết như Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, truyện Hoa tiên, truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, Văn tế Phan Huy Ích v.v... thời kỳ này lại còn một nét đặc biệt làm cho nó khác hẳn các thời kỳ trước đó là hiện có khá nhiều văn xuôi - văn xuôi thực sự chứ không phải văn xuôi biền ngẫu. Vào khoảng giữa thế kỷ 17 chúng ta hiện còn những bức thư của ông Tín, ông Thiện viết bằng quốc ngữ, gởi từ Đàng Ngoài vào khoảng tháng 9, tháng 10 năm 1659, những mẩu chuyện về phong tục Việt Nam, truyền thuyết Việt Nam, cũng bằng quốc ngữ và của Ban-to Thiện thế kỷ 17 lại còn để lại cho ta hơn 20 tác phẩm nôm dày hàng năm, sáu trăm trang, có đề ngày tháng rõ ràng, hiện còn tàng trữ tại Thư viện Vaticăng như Thiên chúa Thánh giáo hối tội kinh" (1634), Đức Chúa Chi Thu (1660), Thiên chúa Thánh giáo khải mông (1668)... Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, ta có hơn 30 bộ sách của Phi-lip-phê Bỉnh như 3 tập "Truyện nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trong" dày hơn 1500 trang, "Sách sổ sang chép các việc" dày hơn 600 trang. Thời kỳ này văn xuôi nghị luận cũng có, ví dụ cuốn "Biện phân tà chánh" chúng tôi hiện còn thấy ở Thư viện Đại học Tổng hợp Lê-nin-grat. Đó là chưa kể các bộ từ điển có thể cung cấp cho chúng ta những kho tàng rất phong phú về cách cấu tạo từ và từ tố như từ điển A.dờ Rốt, từ điển Ta-be, từ điển Nôm "Chỉ nam ngọc ấm", v.v...
Một cách cụ thể, về lịch sử tiếng Việt ba thế kỷ cuối, những tư liệu nôm quốc ngữ có thể chứng minh:
1) Tính thống nhất của tiếng Việt vào thế kỷ 17 ở Đàng Trong và Đàng Ngoài (dựa vào 4000 trang chữ nôm của Majorica, Tự điển De Amaral, Việt-Bồ-la của Đắc Lộ...)
2) Sự phân hóa tiếng Việt thành tiếng, giọng miền Nam (các tự điển Bá Đa Lộc, Tabert, các sách xuất bản của nhà in Tân Định).
Chú thích:
Nhấn mạnh vào điều quan trọng chủ yếu là: Tinh thần chú ý tới cái bình thường, hàng ngày được đưa vào sinh hoạt văn hóa chữ viết, chúng tôi có ý nghĩ giả sử không có chữ quốc ngữ thì có Tinh thần kể trên, người công giáo và sau đó người ngoài công giáo vẫn có thể viết báo, viết ký, tiểu thuyết theo lối Tây phương bằng chữ Nôm để phê phán luận điểm quen thuộc cho rằng, chữ Nôm khó nên phải có chữ quốc ngữ mới diễn tả được dễ dàng kiến thức khoa học và do đó chữ quốc ngữ là phương tiện duy nhất của tiến bộ như mấy học giả người Pháp và nhóm Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh đã từng rêu rao (1). Gần đây (1979) mấy nhà ngôn ngữ học Mỹ đã thực hiện một trắc nghiệm so sánh tác dụng việc học chữ Hán và chữ La tinh ở nơi trẻ con. Sau ba năm, kết quả cho biết học chữ Hán không khó hơn học chữ viết La tinh (tiếng Anh) và hơn nữa mức trí tuệ phát hiện rất cao ở nơi các em học chữ Hán so với các em học chữ La tinh (2), không phải không có lý do mà những nước Nhật, Trung Quốc đã phát triển sau khi thử La tinh hóa chữ viết, cuối cùng vẫn duy trì chữ Hán như chữ viết thông dụng và phương tiện truyền thông phổ biến các loại kiến thức, kể cả kiến thức khoa học Tây phương.
<<(1) Xem chữ và văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc, Nam Sơn xuất bản SAIGON 1979 trong chương 3. Tiếng nói, chữ viết, văn học trong hoàn cảnh đất nước hay sự lừa bịp của chủ nghĩa quốc gia bằng tiếng nói, chữ viết, đặc biệt trang 140-197.
(2) Thông tin do anh Cao Xuân Hạo, Ban Ngôn ngữ Viện KHXH cho biết, nhưng chưa tìm ra được cuốn sách in, nên chúng tôi chưa dẫn chứng cụ thể được.>>
Dĩ nhiên, nói như vậy, không có ý phủ nhận chữ quốc ngữ như một sự kiện đã có đó và được chấp nhận. Riêng về chữ quốc ngữ, chúng tôi cũng muốn lưu ý hai điều: theo một vài nhà ngữ âm học, thì việc ghi tiếng Việt bằng chữ La tinh kể như là hoàn chỉnh ngay từ thời kỳ đầu, nếu có những hạn chế thì đó là những hạn chế không vượt qua được, do đó những nỗ lực cải cách chữ quốc ngữ từ trước đến nay không đi đến đâu phải chăng là vì những dữ kiện trên? Việc sáng tạo viết văn, làm tự điển bằng chữ quốc ngữ không phải chỉ do các thừa sai làm, mà cũng không phải do người Việt Nam làm như một dư luận mà Đào Trinh Nhất đã ghi lại. Trên kia tôi đã nhắc lại rằng có ít nhiều bạn quen, rành việc đạo đời xưa ở nước ta lắm, nói với tôi rằng: "Chữ quốc ngữ có lẽ do mấy thầy giảng người mình ở miệt Nghệ An, Hà Tĩnh đặt ra, mà có các ông cố đạo Lang Sa, Y Pha Nho, cùng là người Bồ Đào Nha giúp sức vào nữa. Mấy thầy giảng người mình đó tên gì, là ai thì không ai biết được." (Trong bài Người có công với chữ quốc ngữ từ 300 năm trước, Cha Alex, de Rhodes, Phụ nữ tân văn 9-2-1932 trang 12).
Sự thực là của cả hai, nhưng mức độ tham gia đóng góp thế nào không xác định rõ được. Về các tư liệu lúc đầu như của Alex de Rhodes, Majorica, người ta khó tưởng tượng nổi lối viết xuôi rất Việt Nam, lại là có thể là của những người ngoại quốc. Còn về các tự điển tài chính các thừa sai đã thú nhận:
- Pigneau de Belhame: "Tôi bắt đầu làm việc với Paul, người bạn đường tất cả mọi công trình của tôi, về những chỉ dẫn quen thuộc đối với Phúc Âm." (Paul đây là L.M. Hồ Văn Nghị, xem Taboulet, tom I trang 173).
- Taberd, Theo M. Đức trong "Hạnh cha Minh và Lại Gẫm tử đạo" thì Taberd khi ở Calcutta có mang theo học trò sách đoán (chủng sinh thần học) tên là Thân và Hiếu theo mà giúp việc in tự điển. Sau khi hai người này về nước, lại xin gửi Phan Văn Minh sang giúp cho rồi việc tự trị. Chính Phan Văn Minh là người đem Tự vị Taberd về nước tháng 8.
- Tự điển Genibrel. Trong lời tựa: "Dàn bài và kế hoạch thực hiện Tự điển mới được bàn xét và quyết định vào đầu năm 1884, và từ đó tức là trong 19 năm, chúng tôi không ngừng theo đuổi công trình này cho đến khi hoàn tất với sự giúp đỡ của một nhà nho tuyệt vời."
© Copyright Nguyễn Văn Trung 1980, 2005
No comments:
Post a Comment