Một trong những điều làm tôi bận tâm là cách dùng chữ số trong giới báo chí. Có lẽ do thói quen nên nhiều phóng viên hay dùng những con số chính xác đến … ngạc nhiên, nhất là những con số liên quan đến phần trăm. Nhân đọc một tựa đề “8,77% ứng viên Hà Nội là người ngoài Đảng", tôi muốn có vài bàn luận dưới đây về cách diễn giải con số. Bài này đã đăng trên sgtt.vn, nay đem về trang nhà để chia sẻ cùng các bạn.
Một tựa đề bài báo mà bắt đầu bằng một con số (“8,77% ứng viên Hà Nội là người ngoài Đảng"). Chính xác đến 2 số lẻ. Theo tôi đó là một “căn bệnh số” (numerical disease) của giới báo chí. Nhưng có lẽ sự chính xác đó không cần thiết và làm cho người đọc thêm rối rắm.
Thật ra, dòng chữ “ứng viên Hà Nội” đã không minh bạch. Ứng viên Hà Nội là gì, ứng cử vào tổ chức nào? Một cách viết rất mù mờ. Nhưng còn mù mờ hơn nữa là cách trình bày con số: 8,77%. Cách trình bày có số lẻ cho người đọc một ấn tượng khoa học (chính xác), nhưng theo tôi cách gây ấn tượng như thế rất phản tác dụng. Phản tác dụng là vì người đọc sẽ rất khó hiểu và khó cảm nhận được.
Nghiên cứu tâm lí cho thấy một cách nhất quán rằng chúng ta không cảm nhận được những con số quá lớn và quá nhỏ. Chúng ta khó hình dung được những con số triệu, tỉ, thậm chí hàng ngàn. Rất khó cảm nhận được câu nói “mỗi năm có 14.000 người bị tử vong vì tai nạn giao thông”, bởi vì con số quá lớn và không đặt trong một bối cảnh tương quan cụ thể. Nhưng nếu chúng ta có thể hình dung được qui mô của câu nói “mỗi ngày có 38 người chết vì tai nạn giao thông”, bởi vì con số nằm trong phạm vi hình dung của bộ não. Ngược lại, những con số quá nhỏ cũng khó cảm nhận được. Năm 2007, một quan chức ngành thương binh xã hội cho biết “Lao động VN tại Malaysia: Tỉ lệ tử vong chỉ 0,09%” như để nói vấn đề quá nhỏ, và nếu nhìn con số thì quả thật là nhỏ, không đáng kể. Nhưng nếu chúng ta biết rằng con số 0,09% đó tương đương với 107 người lao động Việt bị chết ở Malaysia thì vấn đề không nhỏ chút nào.
Con số phần trăm được xem là một trong những sáng kiến hay nhất của con người. Không ai biết con số phần trăm xuất hiện lần đầu vào lúc nào, nhưng kể từ đó, nó đã được sử dụng trong mọi sinh hoạt của con người, từ khoa học đến báo chí. Bất cứ điều gì quá phổ biến cũng có nguy cơ trở thành bị lạm dụng, và con số phần trăm cũng chính là một nạn nhân của rất nhiều lạm dụng.
Ai cũng biết con số phần trăm là một phân số. Vì là phân số, nên phải có tử số và mẫu số, và thông thường, tử số là một phần của mẫu số. Nếu Quốc hội có 493 đại biểu, và trong số này có 444 người là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thì chúng ta có thể nói rằng 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên, và 10% đại biểu không phải là đảng viên. Khi con số được làm tròn như trường hợp trên (90%) người đọc có thể cảm nhận được một cách dễ dàng: cứ 10 đại biểu thì có 9 đại biểu là đảng viên.
Nhưng phần lớn những con số phần trăm không chẵn như thế. Chẳng hạn như một bản tin cho biết Quốc hội khóa 13, Hà Nội được cơ cấu có 30 đại biểu và “Chỉ giới thiệu 8,77% người ngoài Đảng ”. Cách trình bày con số như thế rất khó cảm nhận, phi logic, và có thể nói là một ... ngụy biện.
Thứ nhất, khó cảm nhận là vì con số phần trăm chính xác đến 2 số lẻ. Nhớ con số phần trăm đã khó, nhớ đến một số lẻ còn khó hơn, và đòi hỏi người đọc nhớ đến 2 số lẻ là một điều phi thực tế. Trong cuộc sống, chúng ta cần lo toan nhiều chuyện và có nhiều con số phải nằm lòng, rất ít ai có thể nhớ số phần trăm chính xác đến 2 số lẻ. Theo qui ước thống kê, khi mẫu số trên 100, chỉ trình bày số phần trăm chính xác đến 1 số thập phân là đủ; khi mẫu số thấp hơn 100, không cần số lẻ; và khi mẫu số dưới 50, không cần số phần trăm mà chỉ dùng số nguyên để nói.
Thứ hai là phi logic. Nếu Hà Nội có 30 đại biểu, và 8,77% là người ngoài Đảng, thì con số người ngoài Đảng phải là 2,63 người (lấy 30 nhân cho 8,77 và chia kết quả cho 100). Theo tôi biết đơn vị để đếm nhân sự là số nguyên, chứ không phải số lẻ. Chúng ta nói 2 người, 3 người, 10 người, v.v..., chứ không ai nói 2,63 người cả. Nói 2,63 người là một cách số hóa con người, và đó là một sự phi nhân văn.
Thứ ba là ... ngụy biện. Khi nói 8,77% chúng ta nghĩ đến trong số 10.000 người, có 877 người ngoải Đảng, bởi vì chính xác đến 2 số lẻ. Nhưng trong thực tế, Hà Nội chỉ có 30 đại biểu (chứ chưa đến 100), do đó nói 8,77% là nói ra ngoài phạm vi của con số thực tế. Tiếng Anh gọi cách phát biểu này là “over-generalization” – khái quát hóa ra ngoài phạm vi của dữ liệu.
Gần đây, còn có thói quen thêm số 0 trước ngày tháng và số đếm. Hàng ngày, chúng ta vẫn thấy những cách viết như văn bản Nhà nước hay viết theo kiểu “ngày 02/01/2011”, hay những bản tin như “có 08 người bị tai nạn”. Tôi không thể nào hiểu được lí do đằng sau thói quen này, bởi vì hoàn toàn không có một logic hay cơ sở khoa học nào để viết như thế. Tôi cũng không biết thói quen này xuất phát hay bắt chước từ đâu, nhưng rõ ràng là trong thế giới khoa học chẳng ai viết như thế cả. Đây là một thói quen cần phải dứt bỏ.
Con số phần trăm bàng bạc trong truyền thông. Nhưng để sử dụng con số phần trăm có hiệu quả, tôi nghĩ giới báo chí nên chú ý đến tâm lí và khả năng cảm nhận của người đọc. Những con số phần trăm chính xác đến 2 số lẻ là không cần thiết. Cũng hoàn toàn không cần thiết phải có con số 0 trước một con số nguyên.
TB: Sau đây là vài qui ước về cách viết chữ số:
Qui ước về dùng chữ để mô tả số
Điều kiện
|
Ví dụ
|
Đại lượng có giá trị thấp hơn 10 mà không phản ảnh một đo lường chính xác; con số dùng một cách vô định, xấp xỉ, hay chung chung
|
Năm điều kiện; thí nghiệm được lặp lại năm lần; năm đối tượng tham gia vào …
|
Đại lượng có giá trị thấp hơn 10 đã được phân nhóm cho so sánh với đại lượng có giá trị dưới 10
|
Năm trong tám người; trong sáu cá nhân, triệu chứng chỉ kéo dài khoảng 3 giờ
|
Bất cứ con số nào bắt đầu một câu văn, tựa đề
|
Năm bệnh nhân đáp ứng thuốc rất tốt, và 15 bệnh nhân không đáp ứng thuốc. Sáu mưới hai phần trăm mẫu máu bị nhiễm.
|
Các phân số thông thường
|
Một phần tư.
|
Nếu có nhiều kết quả bằng số mà tác giả muốn trình bày trong một câu văn hay đoạn văn, có thể thể hiện bằng một cách duy nhất, bất kể các qui ước trên đây. Ví dụ: Trong nhóm tham gia vào nghiên cứu, có 9 người mắc bệnh A, 12 người với bệnh B, và 29 người không mắc bệnh.
Một qui ước khác là không nên bắt đầu câu văn bằng con số, mà nên dùng chữ để mô tả con số. Chẳng hạn như không nên viết 550 người được hỏi, mà nên viết Năm trăm năm mươi người được hỏi, hay tốt hơn nữa là Số người được hỏi là 550.
Nguyễn Văn Tuấn
No comments:
Post a Comment