Friday, December 7, 2012

Phát ngôn viên tuổi học trò đã ra đi


http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/907/556907.jpgSáng nay đọc một tin buồn và phải viết ngay vài cảm nhận về Nhạc sĩ Thanh Sơn. Ông tên thật là Lê Văn Thiện, vừa qua đời ngày hôm qua (4/4/2012), thọ 71 tuổi. Tôi gọi người nhạc sĩ tài hoa này là “phát ngôn viên của tuổi học trò”. Dù biết rằng có ngày ông sẽ rời chúng ta, nhưng chẳng hiểu sao nghe tin ông ra đi lúc này tôi thấy ngậm ngùi ...

Nếu được hỏi nhạc sĩ nào khắc được dấu ấn sâu sắc nhất trong lứa tuổi học trò, tôi sẽ nói ngay: Nhạc sĩ Thanh Sơn. Chỉ một sáng tác, ca khúc Nỗi buồn hoa phượng, ông đã để lại cho đời và cho học trò một di sản khó phai mờ. Chỉ một Nỗi buồn hoa phượng ông đã làm rung động biết bao trái tim của nhiều thế hệ học trò từ trước 1975 đến nay. Ngay trong thời đại điện tử như ngày hôm nay mà học trò vẫn cất lên những lời ca quá quen thuộc Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn / Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương / Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi / Phút gần gủi nhau mất rồi / Tạ từ là hết người ơi! Một ca khúc giản dị, từ lời ca đến âm điệu và tiết tấu, nên rất dễ đi vào đại chúng, nhất là tuổi học trò, không cần những triết lí cao siêu. Giản dị là một tiêu chuẩn của cái đẹp, và ca khúc này theo tôi đáp ứng tiêu chuẩn đó. Trong một lần phát biểu trên Thúy Nga Paris by Night, Nhạc sĩ Thanh Sơn nói rằng nếu một ngày nào đó ông sẽ ra đi, ông chỉ mong người đời nhớ đến ông chỉ một bài (và chỉ một bài thôi): đó là bài Nỗi buồn hoa phượng. Tôi thì nghĩ ông không cần mong, mà công chúng vẫn nhớ đến ông qua ca khúc đó.
Ca khúc bất hủ đó còn làm cho cả những người như tôi, ở độ tuổi người thầy, mà mỗi lần nghe lại vẫn cảm thấy bâng khuâng. Thời đó (lúc năm đệ ngũ, đệ tứ) cứ mỗi lần hè đến có nghĩa là mùa chia tay đến, mỗi đứa một phương trời, và lần nào cũng để lại nhiều kỉ niệm khó quên. Năm đó, không nhớ chính xác năm lớp mấy, chỉ nhớ là tim mình bắt đầu thổn thức, khi hè đến tôi đạp xe đến nhà thằng bạn mà ba má nó có tiệm bán thuốc Tây, không phải đến để chia tay nó, mà để gián tiếp chia tay với … em gái nó, người mà tôi có lúc dạy kèm. Hình như “nàng” cũng hiểu, nên có mở bài nhạc Nỗi buồn hoa phượng cho tôi và anh của nàng nghe. Chỉ thế thôi. Tôi ở chơi nhà thằng bạn đến gần giờ giới nghiêm mới chịu về nhà. Sáng hôm Riêng tôi thì cọc cạch phải đạp xe gần 30 cây số để về quê. Về quê, những buổi trưa hè nằm võng nghe đài truyền thanh phát đi bài Nỗi buồn hoa phương mà thấy lòng mình càng thổn thức thêm.
Ít ai biết rằng Nhạc sĩ Thanh Sơn khởi đầu sự nghiệp nhạc là một ca sĩ. Ông cho biết năm 1959, ông dự thi tuyển chọn ca sĩ do Đài phát thanh Sài Gòn tổ chức và đoạt giải nhất. Ông còn cho xem vài tấm hình kỉ niệm ông chụp với các ca sĩ nổi danh thời đó như Hoàng Trọng, Duy Trác, Mai Hương, Kim Tước, v.v. Sự nghiệp sáng tác của ông khởi đầu 3 năm sau (1962), khi ông sáng tác ca khúc đầu tiên Tình học trò. Tuy nhiên, ca khúc này ít được công chúng biết đến và không gây được tiếng vang. Một năm sau (1963) ông sáng tác ca khúc Nỗi buồn hoa phượng, và chính ca khúc này đã làm nên tên tuổi của ông cũng như của nhiều ca sĩ sau này như Thanh Tuyền, Phương Dung, Hương Lan. Sau này, ông còn sáng tác nhiều ca khúc khác về tuổi học trò như Ba tháng tạt từ, Buồn như phượng, Lưu bút ngày xanh, Phượng buồn, Thương ca mùa hạ, v.v. Nếu người hoạ sĩ mô tả cuộc đời qua những nét vẽ trên vải bạt, thì nhạc sĩ Thanh Sơn đã nói lên tâm trạng của học trò qua những sáng tác trứ danh đó. Tôi gọi ông là phát ngôn viên của tuổi học trò.
http://img2.news.zing.vn/2012/04/05/nss2.jpg
Nhưng Thanh Sơn còn là phát ngôn viên của quê hương. Đặc biệt là quê hương miền Tây Nam Bộ. Ông sinh ra và học ở Sóc Trăng, nên không ngạc nhiên, một số sáng tác của ông còn thấm đẩm chất sông nước và ruộng lúa của miền Tây. Ông tỏ ra là người trân trọng tiếng nói của người miền Tây, nên hầu như bài nào của công cũng có những lời nhạc đặc nét phương ngữ Nam Bộ. Có thể kể đến những bài như Hương tóc mạ non, Non nước hữu tình, Hành trình trên đất phù sa, Gợi nhớ quê hương, Hình bóng quê nhà, v.v. Một trong những ca khúc ông viết về quê hương mà tôi thích nhất là Bài ngợi ca quê hương. Bài này có những ca từ đẹp nhất. Trong khi người ta hô hào chiến tranh với nhạc đỏ hay ghét chiến tranh với nhạc vàng, thì Thanh Sơn chọn một hướng sáng tác rất nhân văn, rất tình người:
Tôi đi xem để thấy những gì yêu dấu Việt Nam
Trên quê hương ta đó cố tìm đâu đây chút tình
Tình là đồng ruộng bao la tình là đình làng cây đa
Thương tiếng ru ai bùi ngùi rót trên đất bồi phù sa .
[…]
Chúng ta thích sống đời hòa bình,
Chúng ta hãy ca ngợi hòa bình,
lời hát thay kinh cầu chứng minh
Ôi vui là vui cho cuộc đời mình

Hoà bình ơi đón chờ từ lâu.
Người Việt 
Nam hãy hoà hợp nhau
Ánh dương soi sáng ngời xóa hận thù thôi binh đao. Hê!

Quê hương tôi con gái áo bà ba gánh mạ non
Câu ca dao trên lúa bốn ngàn năm hơn vẫn còn
Còn ruộng đồng còn quê hương!
Còn giọng hò còn yêu thương!
Xin chắp tay lên nguyện cầu.
Tất cả hãy còn với tôi.

Nhạc sĩ Thanh Sơn đã ra đi, nhưng ông đã để lại cho đời những lời ca đẹp đẽ và bay bổng. Ông để lại cho chúng ta trên 200 sáng tác. Đó là một tài sản đồ sộ của một nhạc sĩ tự học. Để ghi nhận và vinh danh đóng góp của ông cho âm nhạc Việt Nam, Trung tâm Thúy Nga Paris by Night dành hẳn một chương trình nhạc cho ông (cùng với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Xuân Tiên). Tôi xem chương trình nhạc đó vài lần, và lần nào cũng có ấn tượng rất đẹp về hai Nhạc sĩ Thanh Sơn và Nguyễn Ánh 9. Cảm động nhất là đoạn ông kể lại lúc ông bị tai biến mạch máu não phải nhập viện, và bệnh viện đòi 180 triệu Đồng để điều trị nhưng nhà ông lúc đó chỉ có 1.5 triệu Đồng. Ông nghĩ mình sẽ chết và chấp nhận cái chết. Nhưng may mắn thay, một số ca sĩ (kể cả Hương Lan, Giao Linh và Đàm Vĩnh Hưng), những người từng ca nhạc và trở thành nổi tiếng qua nhạc của ông, đứng ra quyên góp để cho công chữa bệnh. Ông kể giai đoạn “đen tối” đó trong nước mắt làm biết bao nhiêu người cảm động về cuộc sống của một nhạc sĩ tài hoa nhưng nghèo.
Có lần ông tâm sự bằng một giọng đặc chất Nam bộ “Tui khoái làm nhạc sĩ hơn vì mình có tâm sự gì, mình diễn ra thành lời được”. Nói như Lamartine, âm nhạc là văn chương của trái tim, thì nhạc của Thanh Sơn chính là tiếng nói từ trái tim của những người trong tuổi học trò. Sự ra đi của Nhạc sĩ Thanh Sơn để lại một khoảng trống trong âm nhạc nói về tuổi học trò, nhưng may mắn thay trước khi chuyển nghiệp ông để lại cho chúng ta những Nỗi buồn hoa phượng hay những câu như Chúc nhau cạn lời giây phút li bôi. Không biết các bạn thì sao, chứ riêng tôi nghĩ rằng nếu cuộc đời mà thiếu vắng như câu hát đó của Thanh Sơn thì cuộc đời này là một sai lầm. (Nguyễn Văn Tuấn)

No comments:

Post a Comment