Sunday, July 10, 2011

Hai cảm thức thơ Việt qua hai sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa

Inrasara
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Việt Nam

Sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa vào cuối năm 2007 là một sự kiện chính trị xã hội qua hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra ở Sài Gòn, Hà Nội với những vụ bắt bớ, giam cầm tác động mạnh đến tâm thức người Việt trên khắp thế giới, qua đó tạo nên một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử văn chương Việt.
2007
Khi ấy, ở trong nước, nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu lên thống thiết: "Tôi yêu Tổ quốc tôi mà tôi bị bắt":
Có nơi đâu trên thế giới này
như Việt Nam hôm nay
Yêu nước là tội ác
biểu tình chống ngoại xâm bị “Nhà Nước” bắt?...
Các anh hùng dân tộc ơi!
Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ơi!
nếu sống lại, các Ngài sẽ bị bắt!...
Tiếng kêu như nghẹn lại ở cuống họng. Bởi bài thơ kia đăng lên và được link ở tận đẩu đâu, chứ không phải ở trong nước. Ngay tại đất nước Việt Nam, tất cả im ắng. Im ắng và vắng lặng, đến nhà thơ nữ đất Tây Nguyên riết róng đặt câu hỏi. Một câu hỏi lớn, câu hỏi không cần dấu chấm hỏi:
tin tức trong ngày tiền phong online tuổi trẻ online thanh niên online vtv1 vtv3 bản tin sáng bản tin trưa bản tin tối bản tin cuối ngày bản tin vừa mới cập nhật không có gì không có gì…
sao lại không có gì không có gì không có gì
sao lại không có gì không có gì không có gì
(Đinh Thị Như Thúy, "trận cảm cúm và sự im lặng [không phải của bầy cừu]")
Không có gì! Bởi "Ở nơi ấy, hảo hảo hảo", như tên một bài thơ Inrasara. Bài thơ của nhà thơ nữ đất Tây Nguyên này cũng đã phải tìm đến các website tiếng Việt ở nước ngoài để giãi bày nỗi niềm.
Riêng trang mạng Tienve.org, chưa trọn tháng, từ ngày 5-12-2007 đến 2-1-2008, 59 lượt với 64 bài thơ của các khuôn mặt đã hay chưa thành danh cấp tập xuất hiện, tạo nên một phong trào sáng tác tự nguyện chưa từng có về một chủ đề liên quan trực tiếp đến sự kiện chính trị xã hội.
Từ các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đến các cây bút sáng tác ngoại biên; từ nhà thơ trong nước cho đến hải ngoại. Có nhà thơ xuất hiện hơn hai lượt. Cá biệt, Nguyễn Đăng Thường: 10 bài qua 8 lượt đăng.
Lạ, đại đa số các sáng tác này là của nhà thơ. Họ đã không bàng quan. Họ hành động, bằng lên tiếng, biểu tình và nhất là - viết. Qua nhiều phong cách và thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Có thể cổ điển đầy lôi cuốn như Trần Mạnh Hảo, đôi lúc hiện đại với nhiều ẩn dụ đẹp như Nguyễn Bình Phương:
đảo ở xa hơn những giấc mơ
không thấy đảo, trái tim họ vẫn đập theo nhịp đảo
(Nguyễn Bình Phương, "Đảo")
Còn lại, tất cả đều thể hiện qua cảm thức và bút pháp hậu hiện đại. Thứ bút pháp tương thích hơn cả, với đề tài này trong hoàn cảnh trớ trêu này, một trớ trêu có thể xếp vào hàng vô địch. Có thi sĩ trích nguyên văn của người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, cắt, thay đổi vài chữ để giễu nhại như Lê Vĩnh Tài, tạo nên hiệu quả nghệ thuật đặc biệt:
Ông Lê Dũng năm 2007: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa"
Ông Lê ... năm 2027: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đảo Phú Quốc"
Ông Lê ... năm 2047: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền thành phố Sài Gòn"
(Lê Vĩnh Tài, "Khi nào bà muốn - xin hãy đến!")
P.K. có cách làm khác. Cũng trích "diễn văn" ấy: “Việt Nam cóđầy đủbằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, nhưng bài thơ tạo ấn tượng ở chính tiêu đề của nó: "Chỉ thiếu mỗi can đảm". Thế thôi, cũng đã nói lên được nhiều.
Nguyễn Quốc Chánh làm khác nữa. Đưa các hình ảnh thời sự mang tính báo động, còn ngôn từ của bài thơ "Hoàng & trường sa [hành] đương thời" chỉ như một chú thích cho các hình ảnh trên. Hiệu quả cũng không kém. Tất cả đều cùng giọng giễu nhại cay đắng. Bắt chước kiểu nói của Mayakovsky, Nguyễn Đức Tùng mỉa mai chua chát: Tốt lắm!
Hai tâm thế và tâm thức sáng tạo khác biệt ấy - qua một sự kiện chung kết nối bởi tình cảm chung - tưởng sẽ là cơ hội đưa văn nghệ sĩ xích lại gần nhau, thế nhưng nhìn ở bề sâu, nó như đang đào sâu thêm cái hố phân cách ngoại vi/ trung tâm của văn học Việt Nam đương đại.
Vẫn còn là chưa đủ. Còn chưa đủ với mười bài thơ bằng đủ giọng cười đau khóc hận khác nhau của Nguyễn Đăng Thường. Nguyễn Viện thì bày ra trò chơi "Game":
1. Quốc hội Việt Nam người Tàu hay người Việt?
2. Chính phủ Việt Nam người Tàu hay người Việt?
3. Báo chí và Truyền hình Việt Nam quan tâm đến cái gì nhất:
A- Bóng đá?
B- Sexy show Hoàng Thùy Linh, Yến Vi?
C- Tàu chiếm Hoàng Sa & Trường Sa?
4. Bao nhiêu người có câu trả lời giống bạn?
Đó là những trớ trêu. Trớ trêu, không phải ở hành động xâm phạm ngang ngược của Trung Quốc, không phải ở nỗi im lặng đáng sợ của mọi phương tiện thông tin đại chúng chính thống, càng không ở sự không hay không biết của Hội Nhà văn Việt Nam, mà trớ trêu chính là ở khi một số ít ỏi văn nghệ sĩ dũng cảm tỏ thái độ bằng xuống đường, lên tiếng… thì hành động và tiếng nói kia bị hăm dọa, bị cản trở, bị đè bẹp bởi chính người đồng bào ruột thịt của mình. Tất cả tiếng thơ về sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa thời kì này - bằng nhiều giọng điệu khác nhau - đồng loạt phản ứng lại nỗi trớ trêu ấy.
Nhưng dù sự biến có trớ trêu tới đâu và sự mỉa mai sâu cay thế nào đi nữa thì vẫn không thể "giải quyết vấn đề", nếu thi sĩ sống mà đánh mất hi vọng. Giữa không khí nửa sôi sục nửa vắng lặng kia, Trần Tiến Dũng đã đã biết dưỡng nuôi niềm hi vọng, Hi vọng cùng, qua, với khuôn mặt và ánh mắt của ba cô gái ngồi chấp tay [cầu nguyện, sẵn sàng và tin tưởng] với sau lưng là nhân viên phận an ninh đứng chống nạnh canh chừng ("Vết cắt", Tienve.org).
2011
Một số nhà thơ đã lấy cảm hứng từ vấn đề chủ quyền Biển Đông
Bốn mươi tháng đi qua, sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa tái diễn. Kì này hành động ở phía Trung Quốc ngang nhiên và bạo ngược hơn đẩy sự kiện vào thế bấp bênh mang chứa nhiều nguy cơ bùng nổ hơn. Nhà nước Việt Nam - nói như PK - đã "can đảm" hơn. Can đảm và cứng rắn hơn. Nhà văn nhà thơ Việt trong nước cũng đã rục rịch lên tiếng. Lên tiếng, vì được phép tỏ thái độ, những thái độ nhìn trước ngó sau đầy dè chừng. Báo Văn nghệ Thành phố, website của Hội Nhà văn Việt Nam và trang mạng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh thỉnh thoảng xuất hiện vài bài thơ văn nhắc đến vụ Trường Sa - Hoàng Sa. Nhưng tất cả vẫn không tạo nên sự kiện, bởi Trường Sa - Hoàng Sa đã không [đáng?] trở thành "chuyên đề", nhưTienve.org đã làm.
Ở ngoại biên, website của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dù có mở chuyên đề "Thơ trên biển nóng" cập nhật các sáng tác mới nhất về sự kiện này, nhưng nó vẫn cứ không tạo nổi sự kiện.
Tình yêu nước thì thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Khi tình ấy được thể hiện bằng phương tiện nghệ thuật, nó phải có… nghệ thuật. Nghĩa là độc đáo. Nhưng thái độ của các nhà thơ chính thống vẫn cứ chừng mực và đúng mực, bút pháp vẫn còn dừng lại ở cổ điển với hậu lãng mạn.
Cả Nguyễn Việt Chiến qua "Tổ quốc nhìn từ biển” vẫn cứ chung chung, chưa "bám sát thực tế cuộc sống":
Nếu tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
Các sáng tác trên Tienve.org thì khác hẳn: Phản kháng với phản biện đồng thời ở tư tưởng, vừa đấu nguy cơ ngoại xâm vừa chống cơ chế độc đoán ở hành động, còn tình cảm thì quyết liệt tới cùng bên cạnh nghệ thuật đầy tính khai phá… là các yếu tố cơ bản tạo nên tác phẩm có sức lôi cuốn.
Tienve.org năm xưa khác là thế. Sự kiện Trường Sa - Hoàng sa kì hai, Tienve.orgcàng khác. Khác ở cách hành xử. Gần như tất cả dồn qua không gian "Đối thoại" với chuyên đề "Chủ quyền lãnh thổ". Ở đó tùy bút, bài báo, hay thậm chí là đoản văn ngắn đốp chát lại kẻ thù, hoặc phản biện với mọi bàng quan cùng bao biện các loại, thay cho thơ văn. Những đối đáp không úp mở hay "ẩn dụ" mà thẳng thừng và trực diện.
Hầu như đại đa số văn nghệ sĩ ngoại vi đã tự nguyện rời phòng văn để trở thành người làm báo. Tại đó website, blog, facebook,.. là thứ vũ khí lợi hại. Thế nhưng dù gì thì gì bản thân họ là kẻ sáng tạo, họ không thể bỏ quên văn chương. Ngoài tên tuổi đã từng xuất hiện ở sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa kì đầu, đã có thêm vài khuôn mặt mới nhập cuộc: Nguyễn Thị Thanh Bình, Lưu Mêlan, NNguong, Chiêu Anh Nguyễn, Đoàn Minh Châu... Thái độ họ thẳng thừng và dứt khoát không kém.
Bài thơ "Đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước" của Chiêu Anh Nguyễn là rất điển hình. Bài thơ sáng tác và đăng trên Tienve.org ngày 8-5-2011, trước bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai xuất hiện (Lethieunhon.com) đúng một tháng rưỡi (23-6-2011). Cùng là người nữ đầy nhạy cảm, tuổi đời ngang nhau, thơ đang ở thời kì chín tới, viết về cùng một sự kiện gây chấn động xã hội, nhưng hai tâm thức khác nhau sinh ra hai bài thơ hoàn toàn khác nhau.
Trong khi Nguyễn Phan Quế Mai xa xôi diệu vợi với tiếng sóng dội vào ghềnh đá, bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ. Bài thơ cũng biết chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước, cũng tin chắc chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng. Nhưng nó chỉ dừng ở đó: xa xăm, mơ hồ và chung chung. Thì Chiêu Anh Nguyễn cận cảnh, cụ thể đến từng chi tiết. Cũng chung một khí phách, cũnghừng hực lòng yêu nước, nhà thơ này đã biết xuống đường, đã đau lòng và khốn đốn trước những hàng rào chắn, xe công an, dùi cui, hiệu trưởng doạ nạt sinh viên, bạn bè tôi bị bao vây nhà, hạch hỏi bắt bớ, mời uống trà, theo dõi hành hung…
Cuối cùng điều đáng nói nhất là đằng sau bài thơ kia, hiển lộ tinh thần phản kháng của một nghệ sĩ mang đủ đầy trách nhiệm của một con người yêu tự do trọn vẹn. Đó là điều các sáng tác chính thống hoàn toàn thiếu.
Hai tâm thế và tâm thức sáng tạo khác biệt ấy - qua một sự kiện chung kết nối bởi tình cảm chung - tưởng sẽ là cơ hội đưa văn nghệ sĩ xích lại gần nhau, thế nhưng nhìn ở bề sâu, nó như đang đào sâu thêm cái hố phân cách ngoại vi/ trung tâm của văn học Việt Nam đương đại.
Bài viết thể hiện cách hành văn và quan điểm riêng của tác giả, một nhà thơ đang sống ở Sài Gòn.

No comments:

Post a Comment