Trong ngày 28-8, nhiều nơi ở Sài Gòn được nhân viên hành chánh của phường đến tận nhà gửi tờ rơi có tựa bằng chữ in đậm “Hãy cảnh giác và đấu tranh với mọi âm mưu phá hoại”. Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM là nơi phát hành tờ rơi này.
Nội dung tờ rơi gồm 4 trang giấy khổ A4, xoay quanh khuyến cáo người dân tỉnh táo trước những kích động biểu tình, cùng lời kêu gọi bạo động rải truyền đơn qua flycam, đánh bom xăng...
Đáng chú ý là cuối trang 4, trước khi kết thúc bằng 4 câu khẩu hiệu, thì tờ rơi này viết: “Mọi người dân đều có quyền bày tỏ ý kiến của mình trong khuôn khổ pháp luật. Mọi ý kiến của người dân luôn được lãnh đạo chính quyền các cấp lắng nghe, tiếp thu. Như dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố đã trực tiếp nhiều lần đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân và đang trong quá trình xử lý theo quy định pháp luật”.
Cá nhân người viết ủng hộ đối thoại, và nếu có biểu tình, thì đó là biểu tình ôn hòa được Hiến pháp 2013 và Bộ Luật Hình sự 2015 bảo hộ.
Câu hỏi đặt ra với những người chịu trách nhiệm phát hành tờ rơi - còn được gọi là “Tài liệu tuyên truyền tại khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân”, rằng có đúng việc người dân luôn được “đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố” lắng nghe?
Theo ngôn ngữ dân dã, thì quả tình “nói không biết ngượng”. Ngay sáng 28-8, theo lệnh triệu tập của Tòa án Nhân dân quận 2, TP.HCM, bên khởi kiện là vợ chồng ông Lê Văn Lung và bà Phùng Thị Cúc cùng hàng chục cư dân Thủ Thiêm đã có mặt tại tòa để dự phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính của Chủ tịch UBND quận 2, UBND quận 2 và bồi thường thiệt hại do ban hành quyết định hành chính trái pháp luật” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 28/2018/QĐXXST-HC ngày 7-8-2018.
Nhiều người dân trước đây sinh sống tại Thủ Thiêm cũng tới dự phiên tòa. Tuy nhiên, dù giấy triệu tập ghi 8g phiên tòa bắt đầu nhưng cho đến 9g20, Hội đồng xét xử vẫn chưa vào làm việc.
Ông Lê Văn Lung cho biết, đã 5 -6 năm kể từ ngày nộp đơn, các lần mời lên đối chất phía bị đơn là UBND quận 2 cũng đều vắng mặt. Ông Lung kiện vì căn nhà của ông không nằm trong phạm vi quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm do cơ quan Nhà nước phê duyệt, song ông chủ tịch quận 2 vẫn ký lệnh cưỡng chế thu hồi.
Đến 9g30, có hai nhân viên (một nam, một nữ) của tòa án ra gặp dân và nói rằng phiên tòa đã bị hoãn với lý do hội thẩm nhân dân vắng mặt, và không có hội thẩm nhân dân dự khuyết thay thế. Ngoài ra, bên bị khởi kiện là UBND phường Bình An, người bảo vệ quyền và lợi ích của Chủ tịch quận 2, UBND quận 2 cũng vắng mặt không có lý do.
Sau khi nghe đại diện Tòa án Nhân dân quận 2 công bố quyết định hoãn phiên tòa, bà con cư dân Thủ Thiêm đã phản đối và cho rằng “lại tiếp tục không tôn trọng người dân...”.
Nhiều phóng viên chờ đợi cùng người dân Thủ Thiêm đã gọi điện cho ông Nguyễn Phước Hưng - Chủ tịch UBND quận 2, thì ông này nói rằng (đại ý): “Phiên tòa sáng nay không xét xử (hoãn), mọi chuyện phải chờ kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Mọi chuyện bà con nên chờ kết luận của Thủ tướng Chính phủ”.
Hơn một tháng trước, chiều 26-7, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM có buổi tiếp xúc cử tri quận 2. Buổi tiếp xúc chỉ có mặt duy nhất một đại biểu là ông Nguyễn Hồng Hà, phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân TP.HCM. Hai đại biểu khác là ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM và bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 2, xin phép vắng mặt.
Nhiều cử tri đã bức xúc bỏ về, vì “người dân Thủ Thiêm đã khổ gần 20 năm nay rồi; một số đại biểu đã ứng cử ở đây nhiều khóa nhưng vẫn không giải quyết tâm tư nguyện vọng của bà con nên người dân không còn niềm tin”.
Vậy đó, nếu đúng “Tài liệu tuyên truyền tại khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân” là do Ban Tuyên giáo Thành ủy soạn và phát hành, coi như họ đang cố tình chơi khăm ông Bí thư Thành ủy và bà Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM.
No comments:
Post a Comment