Sunday, March 29, 2015

Kỳ thi THPT: Lấn cấn môn ngoại ngữ

Việc đề thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia có 2 phần trắc nghiệm và viết đang gây nhiều băn khoăn, lo lắng, nhất là khâu thu bài thi và chấm thi môn này.
Hiện các trường, thầy cô giáo và học sinh lớp 12 đang ráo riết  ôn tập và chuẩn bị mọi mặt cho kỳ thi THPT quốc gia. Điểm đáng chú ý từ quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trong kỳ thi sắp tới là không ban hành cấu trúc đề thi  để chống tình trạng học sinh học lệch, học tủ, luyện thi tràn lan.
Không công bố cấu trúc đề
Một số nhà trường, giáo viên và học sinh tỏ ra hoang mang, lo lắng, không có cấu trúc đề thi dẫn đến việc ôn tập của học sinh và định hướng của thầy cô giáo gặp khó khăn nhất định khi không xác định rõ ràng cách ra đề thi các môn văn hóa, hình thức tự luận và trắc nghiệm. Bộ GD-ĐT khẳng định từ năm 2010, đã không ban hành cấu trúc đề thi mà ban hành hướng dẫn ôn tập và đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm trước nên thí sinh có thể tham khảo các đề thi này.
Chúng tôi đồng tình và ủng hộ quyết định của Bộ GD-ĐT, chỉ cần có hướng dẫn ôn tập là đủ. Cấu trúc đề thi dễ làm giáo viên, học sinh ngộ nhận, xa rời, lệch lạc, nhiễu loạn cách ôn tập, cách thi hiện hành gây khó cho Bộ GD-ĐT khi ra đề thi. Sách giáo khoa, chuẩn kiến thức, kỹ năng và hướng dẫn ôn tập các môn văn hóa là những công cụ thiết dụng để học sinh ôn tập, giáo viên định hướng.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển có chỉ thị nêu rõ bộ không có chủ trương in ấn, phát hành tài liệu hướng dẫn ôn tập thi THPT quốc gia năm nay, các tài liệu hướng dẫn ôn tập đang lưu hành trên thị trường là do các cá nhân thuộc vụ, cục, NXB Giáo dục, NXB khác tự hợp tác, xuất bản, không liên quan gì đến bộ phận chuyên môn của Bộ GD-ĐT. Thông tin như vậy giúp cho dư luận xã hội, các trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh thấy được tính minh bạch của bộ để tránh được sự quy kết khi có sai sót, nhầm lẫn...
Cơ sở nào tách đề thi ngoại ngữ thành 2?
Về đề thi môn ngoại ngữ năm nay, gần đây bộ có điều chỉnh, bổ sung so với kế hoạch đầu năm đã triển khai rộng rãi. Theo đó, đề thi có 2 phần: trắc nghiệm và viết. Đề thi môn ngoại ngữ cần có 2 phần như vậy để đánh giá toàn diện hơn chất lượng dạy - học môn ngoại ngữ.
Tuy nhiên, cách thu bài làm môn ngoại ngữ của thí sinh chia làm 2 giai đoạn như năm ngoái theo quy chế (Quy chế bổ sung năm 2014 quy định: “Giám thị phát đề cho thí sinh. Thí sinh làm bài phần trắc nghiệm trước; sau khi hết thời gian làm bài phần trắc nghiệm, giám thị thu ngay phiếu trả lời trắc nghiệm; thí sinh bắt đầu làm bài phần viết. Phiếu trả lời trắc nghiệm và bài thi phần viết phải để riêng trong 2 túi khác nhau kèm theo phiếu thu bài thi của mỗi phần”) là không ổn, nảy sinh những bất cập.
Thứ nhất, Bộ GD-ĐT căn cứ vào cơ sở nào để tách đề thi môn ngoại ngữ thành 2 giai đoạn làm bài và nộp bài khác nhau trong 1 ca, buổi thi?
Đề thi các môn ngoại ngữ cũng giống như các đề thi môn khác, có tính liên hoàn để thí sinh chủ động, thuận lợi hơn trong quá trình làm bài. Thí sinh có thể làm bài trước, sau từng phần, từng câu tùy vào khả năng nhận thức, suy nghĩ của bản thân.
Thứ hai, làm bài phần trắc nghiệm trước, khi hết thời gian thì giám thị thu ngay phiếu trả lời trắc nghiệm; phiếu trắc nghiệm này giám thị trong phòng tự giữ, nếu 2 giám thị thông đồng với nhau, nảy sinh tiêu cực, có thể điều chỉnh… làm bài phần trắc nghiệm của thí sinh một cách dễ dàng. Thường trực hội đồng thi, thanh tra thi và giám thị ngoài phòng thi liệu có kiểm soát được không?
Vì những lý do có cơ sở khoa học và cơ sở thực tế nêu trên, chúng tôi đề nghị Bộ GD-ĐT nên điều chỉnh công tác coi thi các môn ngoại ngữ năm nay theo phương án, bài thi phần trắc nghiệm và phần viết tự luận thu cùng lúc, có nhiều tiện ích hơn. Không mất thời gian ngắt quãng giữa 2 phần để thu phiếu trắc nghiệm, rồi mới làm tiếp phần viết. Thí sinh sẽ được chủ động, thuận lợi về thời gian và suy nghĩ khi làm bài, có thể làm những phần, câu dễ trước; những phần, câu khó sau. Hết thời gian làm bài, thu đồng loạt phiếu trắc nghiệm và phần viết để thành 2 loại riêng thì sẽ giảm hoặc ít lo ngại xảy ra tiêu cực.


Đỗ Tấn Ngọc

No comments:

Post a Comment