Friday, March 6, 2015

CÔNG CHỨC VÀ QUAN CHỨC


“Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện”.
Đó là định nghĩa ở Điều 4.2 Luật cán bộ, công chức 2008.
Không có định nghĩa về “quan chức”. Cách phân biệt dễ nhất: “Công chức” thì có thể bị “kỷ luật đuổi việc” khi làm “quan chức” không hài lòng; còn “quan chức” thì “kiểm điểm rút kinh nghiệm” khi bị… “lộ hàng”.
Đơn cử, theo một kết luận thanh tra vừa được công bố về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, tiêu chuẩn ngạch của công chức lãnh đạo, quản lý hồ sơ công chức và công tác văn thư, lưu trữ của UBND tỉnh Thái Bình vừa được Bộ Nội vụ công bố, khi kiểm tra 637 hồ sơ công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý ở tỉnh này, đoàn thanh tra đã phát hiện có 7 trường hợp thiếu bằng đại học, 1 trường hợp thiếu bằng trung cấp, 149 trường hợp thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên và 142 trường hợp thiếu chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B.
Đa số các công chức lãnh đạo giữ ngạch chuyên viên chính khi đoàn kiểm tra yêu cầu đã không xuất trình được đề án, công trình có sáng tạo trong quản lý theo tiêu chuẩn ngạch (!). Đáng chú ý, có 3 trường hợp khi được bổ nhiệm lần đầu giữ chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc sở, thuộc UBND cấp huyện đã quá tuổi quy định và 2 trường hợp được bổ nhiệm không có trong quy hoạch cán bộ nguồn.
Thanh tra Bộ Nội vụ đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan; đồng thời chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị này cử những cán bộ công chức còn thiếu văn bằng, chứng chỉ đi đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu và quy định thời hạn cụ thể để công chức hoàn thiện về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo còn thiếu.
Như vậy, các “công chức” là “quan chức” chỉ phải “kiểm điểm” và “bổ túc” cho đầy đủ “văn bằng”. Không thấy nêu những “công chức – quan chức” này có đủ khả năng “làm quan” hay không khi có lỗ hổng lớn về kiến thức được đào tạo.
Vì sao Thanh tra lại đưa ra mức “án” nhẹ nhàng đến thế?
Còn nhớ, năm 2013, không ít người đã giật mình trước lời phát biểu của ông Trần Trọng Dực trong phiên họp hội đồng nhân dân TP. Hà Nội gây “sốt” dư luận: “Đầu mối chạy vào công chức các quận, huyện chính là trưởng phòng nội vụ của các quận, huyện. Số tiền chạy vào không dưới 100 triệu đồng một suất”.
Có phải vì “chạy” để kiếm một “suất” làm “công chức – quan chức”, nên sau khi “chểm chệ” vào ghế ‘quan chức”, nhiều khi “công chức – quan chức” hành xử “sai bét luật”, đơn giản chỉ vì… “dốt”.
Đơn cử vụ bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của phạm nhân Hồ Duy Hải, khi cơ quan công an trại giam liên tục mấy tháng trời ngăn cản không cho bà thực hiện quyền thăm nuôi con trai Hồ Duy Hải, dẫn đến phẫn uất khiến bà Loan phản ứng lại bằng hình thức… khỏa thân.
Vậy là “quan chức” công an ký ngay giấy phạt với số tiền 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng). “Công chức - quan chức” này quên mất chỉ có thể ra mức phạt là 250.000 đồng (hai trăm năm mươi ngàn đồng), vì không hề có biên bản ghi nhận vi phạm của bà Nguyễn Thị Loan.
Với những “quan tòa – quan chức” như vậy, chẳng thể trách vì sao người ta phải chửi thề #ĐMCS
Một ví dụ khác.
“Chúng tôi hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý chứ không thể tự ý đưa ra được. Cụ thể hiện nay theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, tại điều 26 đã quy định rõ: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước tang vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại điều 82 của luật này (quy định rõ về loại tang vật, thủ tục xử lý tang vật bị tịch thu...)”.
Đó là khẳng định của ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Sự thật không phải vậy.
Nếu tịch thu ô tô cá nhân khi người lái xe say xỉn, lại là điều không được chính Điều 26 cho phép. “Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm: Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này” (trích Điều 3.2.a, Luật xử lý vi phạm hành chính).
Các điều có tên: Điều 90. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Điều 92. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; Điều 94. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; Điều 96. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ngồi ghế phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, song “quan chức” Khuất Việt Hùng lại “hiểu luật” qua lăng kính “suy diễn méo mó” như vậy, thì chẳng trách sao người dân ngày càng ngao ngán những “công chức – quan chức” của Đảng Cộng sản.

No comments:

Post a Comment