Friday, March 13, 2015

Chiếc Lá Thuộc Bài - Loại Hoa Xanh

Chương 1

Hôm nay tựu trường. Em thức dậy thật sớm, đâu hơn năm rưỡi thì phải. Mẹ em đang lúi húi rót dầu vào bếp để đun nước. Nghe tiếng chân em, mẹ quay lại :
- Sao không ngủ nữa Hương ? Còn sớm lắm mà !
Em bước đến gần mẹ rồi ngồi xuống bên cạnh. Mẹ em dừng tay rót dầu để thăm chừng mực dầu trong bếp. Thấy đã đầy, mẹ vặn nút lại. Em giúp mẹ một tay, đậy nút chai dầu. Mẹ liếc nhìn em, vừa với tay lấy cái khăn treo gần đó. Mẹ lau tay rồi trao cho em. Trong lúc em lau tay, mẹ sửa lại cổ áo của em cho ngay ngắn. Mẹ bảo :
- Hương sốt ruột lắm phải không ? Ngày xưa mẹ cũng thế đấy. Nghỉ hè ở nhà thì chỉ mong cho chóng đến ngày đi học. Nhưng Hương cứ để ý mà xem, đi học được một thời gian lại đố khỏi ao ước được nghỉ.
Em hỏi :
- Tháng này có ngày lễ nào không mẹ nhỉ ?
Mẹ em cười :
- Đấy ! Thấy chưa ! Chưa gì Hương đã hỏi thăm ngày nghỉ rồi !
Em cười khúc khích.
Mẹ em châm lửa vào bếp rồi đặt ấm nước lên. Mẹ vừa điều chỉnh ngọn lửa vừa bảo em :
- Thôi, đi rửa mặt đánh răng đi chứ Hương.
Em ngồi nép sát bên mẹ :
- Để tí xíu nữa đi mẹ. Con muốn ngồi với mẹ một lúc đã.
- Để nói chuyện hả ? Được thôi. Nào ! Mẹ con mình sẽ nói chuyện gì nào ?
- Thế mẹ thích nói chuyện gì ?
Liệu chừng ấm nước còn khá lâu mới sôi, mẹ em đứng dậy, dắt em đứng lên theo. Mẹ dẫn em đến cùng ngồi trên chiếc ghế mây đôi cũ kề dưới bếp. Mẹ hỏi :
- Hương để mẹ chọn đề tài phải không ?
Em ngồi gọn trong lòng mẹ, đáp :
- Vâng.
Mẹ em im lặng ra vẻ suy nghĩ một chút, rồi nói :
- Để xem nào... mẹ con mình sẽ nói chuyện...
Em nhìn vào mặt mẹ, tiếp :
- … chuyện ba đi làm xa ?
Mẹ cấu nhẹ vào má em :
- Kìa, Hương đã bảo là mẹ chọn đề tài mà !
- Thế mẹ nói nhanh đi.
Giọng mẹ em chợt nghiêm lại :
- Mẹ chắc chuyện này Hương không thích đâu.
- Chuyện gì con cũng chịu mà.
- Thật nhé !
- Vâng.
- Vậy thì mẹ con mình sẽ nói chuyện... chuyện học của Hương. Nhé ?
Em phụng phịu :
- Tưởng chuyện gì chứ ! Chuyện học hành chán lắm.
- Đấy ! Mẹ đã bảo mà. Mẹ biết Hương chẳng thích nghe chuyện này bao giờ. Nhưng Hương cho mẹ hỏi câu này đã nhé ?
- Vâng. Mẹ hỏi đi.
- Hương có thương ba không nào ?
Em chớp mắt, nghĩ đến ba. Em hình dung ra hình ảnh ba em với cái mũ bảo hộ lao động màu bạc trên đầu, đôi ủng đen dưới chân, lúc ở công trường xây dựng này, khi lại chuyển qua công trường xây dựng khác. Nước da của ba dễ bắt nắng, cũng dễ nhả nắng nhưng lúc nào cũng sậm màu vì luôn phải phơi mình dưới nắng cùng với những cô chú công nhân thuộc quyền. Ba đi hết nơi này đến nơi nọ, ba như con chim bay khắp bốn phương trời, chỉ thỉnh thoảng mới quay về tổ ấm cùng mẹ con em.
Em cúi đầu đáp nhẹ :
- Con thương ba nhiều lắm.
Mẹ em tiếp :
- Mẹ nói đến chuyện học của Hương là vì mẹ làm theo lời ba dặn mẹ đấy.
Em im lặng đợi nghe. Mẹ em nói :
- Ba dặn mẹ : ngày tựu trường của Hương ba không có nhà, mẹ phải thay ba mà nhắc nhở Hương cố gắng học hành. Ba không đòi hỏi Hương phải học thật giỏi, không bắt Hương phải đứng nhất, đứng nhì trong lớp. Nhưng ba muốn ít ra Hương cũng phải ở những hạng trung bình...
Mẹ em ngưng một chút rồi hỏi em :
- Năm ngoái, Hương đứng hạng bao nhiêu trong lớp ?
Em đáp rất nhỏ :
- Dạ, hạng bốn mươi lăm...
Giọng mẹ em đều đều :
- … hạng bốn mươi lăm trong năm mươi học sinh ! Hương có biết là Hương đã khiến ba buồn lắm không ? Cả mẹ nữa. Mẹ bỏ ăn tối hôm ấy, sau khi nhận sổ liên lạc nhà trường gửi về. Mẹ đã khóc vì tự thấy mình đã thiếu bổn phận, đã không lo lắng chăm sóc đến việc học của Hương. Hương biết không, lời ba dặn mẹ : "Phải nhắc nhở Hương cố gắng học hành", không phải chỉ mang ý nghĩa lời căn dặn bình thường đâu. Mẹ biết, đó là lời trách của ba với cả mẹ con mình...
Em vẫn còn cúi đầu. Mẹ em lại im lặng, chừng như muốn dò phản ứng của em. Thấy em không nói gì, mẹ tiếp :
- Phải nhắc nhở Hương cố gắng học hành. Ba trách mẹ. Nhưng với Hương, mẹ không trách gì cả. Mẹ chỉ muốn nói để Hương hiểu rằng : lúc nào ba mẹ cũng mong thấy Hương chăm học. Chỉ bấy nhiêu đó thôi. Hương hiểu ý mẹ chứ ?
Em gật đầu nhưng không đáp. Mẹ em cũng im lặng theo.
Em thấy mình có lỗi lớn. Năm học vừa qua, quả thật em đã lơ là hết sức. Phần vì ba em phải đi xa thường xuyên hơn, không còn điều kiện theo dõi, nhắc nhở về việc học của em. Còn mẹ thì lại quá tin ở em. Em luôn nói với mẹ là em hiểu bài, em thuộc bài, em đã làm bài tập xong, em được điểm tốt. Trong khi sự thật không phải như thế. Phần khác, những trò chơi hấp dẫn của những nhỏ bạn đã lôi cuốn em nhập bọn. Hai lần, em dám nghỉ học để đi theo chúng xem phim. Một lần khác, em cùng chúng lẻn ra khỏi trường vào giờ ra chơi để đi ăn kem, trở về lớp trễ, cả bọn bị phạt. Tất cả đã đưa đến hậu quả cuối cùng của năm học : em đứng hạng bốn mươi lăm trên năm mươi.
Mẹ em nói :
- Bây giờ, mẹ chỉ muốn nghe Hương hứa với mẹ một lời thôi !
Em hỏi :
- Mẹ muốn con phải hứa gì ?
- Mẹ muốn Hương hứa với mẹ là năm nay, Hương sẽ chăm học.
- Vâng… con hứa với mẹ... con hứa năm nay con sẽ chăm học... (Giọng nói của em bỗng nghẹn lại)... Mẹ... Mẹ tin con chứ ? Mẹ !
Em nghe nóng bừng đôi mắt. Rồi không dằn được cảm xúc, em gục đầu vào ngực mẹ mà khóc. Em nghĩ nhiều đến ba mẹ và nỗi lo buồn của mọi người.
Mẹ em ôm em, giọng dịu dàng :
- Nín đi Hương. Mẹ tin Hương rồi ! Mẹ biết Hương ngoan, luôn luôn nghe lời ba mẹ. Mẹ cũng nhận một phần lỗi nơi mẹ. Mẹ cũng hứa sẽ quan tâm hơn đến việc học của Hương...
Em vẫn còn thút thít. Mẹ em bảo :
- Thôi ! Hương đi rửa mặt đánh răng đi chứ. Có lạnh để mẹ pha nước nóng cho. Nước sôi rồi kìa. Trời cũng đã hửng sáng.
- Thôi mẹ ạ, con rửa nước lạnh được rồi.
Em ngước nhìn ra ngoài trời. Màu nắng sớm đang lên, dần đuổi bóng đêm u tối. Hôm nay, ngày tựu trường. Năm học mới lại bắt đầu... Vâng ! Nhất định con sẽ học khá hơn năm ngoái. Con hứa sẽ chăm học. Mẹ tin con mẹ nhé ! Ba yên lòng, ba nhé !
Em mặc bộ quần áo mới. Em lớn hẳn ra không ngờ. Nghỉ hè chưa đầy ba tháng mà hôm sửa soạn quần áo để tựu trường cách nay nửa tháng, em cảm thấy chật chội quá chừng. Mẹ em mua vải về tự cắt may cho em bộ quần áo mới. Chính là bộ quần áo em mặc hôm nay đây. Mẹ mỉm cười khen :
- Hương mặc quần áo mới coi xinh quá !
Em thẹn đỏ mặt.
Mẹ đạp xe cùng em đến tận cổng trường mới từ giã quay về. Trước đó, mẹ nhắc :
- Cố học, Hương nhé !
Em gật đầu khẽ, ôm cặp trước ngực nhìn theo bóng mẹ xa dần. Nhà em ở phía mặt trời mọc. Nắng hồng cản ánh mắt nhưng em vẫn đứng lặng thinh dõi theo bóng mẹ. Lòng em miên man nghĩ đến câu chuyện lúc sáng sớm nay cùng lời hứa của em với mẹ. Em tự bảo mình : "Nhất định mình sẽ học khá hơn năm ngoái".
Chợt phía sau em có tiếng gọi :
- Ê ! Nhỏ Hương đó phải không ?
Em quay lại. Mắt nhìn phía nắng hơi chói nên trong một thoáng, em chưa nhận ra người đối diện. Tuy nhiên, em nhận được ngay giọng nói quen thuộc của nhỏ Ngân, nhỏ bạn thân nhất của em. Nhỏ có tiếng là lém lỉnh, nghịch phá nhưng cũng rất tốt bụng, nhất là với em. Nhỏ Ngân nói :
- Trời ơi ! Mày mà tao tưởng ai. Tại bộ quần áo mới này nè ! (Nhỏ Ngân nhìn từ đầu xuống chân em) Mày mặc đồ mới coi lạ ghê vậy đó.
Em cười khoe :
- Mẹ tao mới may cho đó. Sao ? Được không ?
Nhỏ Ngân :
- Mẹ mày may thì nhất rồi !
Nói đoạn, nhỏ đến sát bên em, nắm tay em đưa lên mũi hít hà :
- Ối chao ! Còn cả mùi băng phiến nữa chớ. Hôm nay chắc mày "nổi" nhất lớp rồi đó.
Em trêu bạn :
- Tao mà "nổi" nhất lớp ? "Nổi" nhì thì may ra.
- "Nổi" nhì ? - Nhỏ Ngân có vẻ ngạc nhiên.
- Ừ ! Mà mày biết ai "nổi" nhất lớp không ?
- Ai ? Mày nói tao nghe thử coi.
- Mày chứ còn ai nữa. (Em khúc khích cười) Nhất là lúc mày cười (Em cười to) hở cái răng sún thật đẹp.
Nhỏ Ngân đỏ mặt, nhéo em một cái đau điếng :
- Đồ quỷ ! Mày trêu tao đó phải không ? Nhưng mà nè, "bản cô nương" cho nhà ngươi biết điều này. Nhà ngươi nói sai bét rồi. "Bản cô nương" đâu còn sún răng nữa.
Em chưa kịp nói thì nhỏ Ngân đã há miệng, chỉ tay vào chỗ chiếc răng sún trước kia. Nhỏ vẫn há miệng, nói :
- … ao... ô.... iôi...
Em bật cười khanh khách. Nhỏ Ngân cười theo.
Từ đằng xa có tiếng nhỏ Điệp :
- Có chuyện gì mà vui vẻ vậy ? Hương ! Ngân !
*
- Nguyễn Thùy Hạnh ! Trương Thị Mỹ Hiếu ! Đặng Tuyết Hồng ! Hoàng Bảo Hương !
Em theo chân bọn nhỏ Hạnh, Hiếu, Hồng cùng bước vào lớp. Bà giám thị chỉ tay về phía chiếc bàn thứ hai dãy trái và nói :
- Bốn đứa đến ngồi bàn đó. Mau đi !
Em dành ngồi đầu bàn, phía lối đi giữa lớp. Nhỏ Hạnh cũng đòi ngồi chỗ này. Hai đứa, chẳng đứa nào chịu nhường đứa nào.
Thấy hai đứa em còn đứng chưa chịu ngồi vào chỗ, bà giám thị quay vào lớp hỏi :
- Chuyện gì vậy ?
Nhỏ Hạnh rất sợ bị la, đành chịu thua em. Nhỏ qua ngồi đầu bàn bên kia. Trước khi đi qua bên ấy, nhỏ dọa em :
- Đừng hòng tao cho coi bài !
Em trề môi đáp :
- Không cần !
- Rồi coi ! Chỉ sợ lại có lúc năn nỉ tao !
Cái mặt nhỏ Hạnh nghinh lên dễ ghét. Nhỏ ỷ học giỏi nhất lớp mà !
Em quay sang nói chuyện với nhỏ Hiếu ngồi cạnh trong lúc bà giám thị tiếp tục gọi tên để sắp chỗ ở ngoài hành lang lớp. Em nói với Hiếu :
- Năm nay nhà trường bày đặt ghê ! Tụi mình hết được tự do chọn chỗ ngồi trong lớp như năm ngoái.
- Tao rầu ghê Hương ơi ! Tao đã hẹn với con Phương là năm nay hai đứa tao sẽ ngồi cạnh nhau. Vậy mà...
- Tao cũng vậy, tao với con Ngân đã hẹn với nhau...
- Nè Hương ! Hay là chút nữa mình xin đổi chỗ. Con Ngân ngồi kế con Phương. Tao sẽ xin đổi chỗ với con Ngân, được không ?
- Nhưng... làm sao xin đổi chỗ được ?
Vừa lúc này, nhỏ Ngân được bà giám thị gọi tên đi ngang. Em nói khẽ với nhỏ ấy :
- Ê ! Kiếm cách xin đổi chỗ lên đây với tao nghe !
- Yên chí đi, thế nào tao cũng lên ngồi cạnh mày mà.
Em nhìn theo nhỏ Ngân. Nhỏ ấy ngồi bàn năm dãy trái. Cạnh Ngân là nhỏ Phương. Em nói với Hiếu :
- Đợi một chút, con Ngân nó sẽ kiếm cách đổi chỗ với mày.
Gì chứ về cái tài khôn vặt thì trong lớp chẳng đứa nào bằng nhỏ Ngân. Vì thế, nghe em nói, nhỏ Hiếu có vẻ yên lòng. Nhỏ ôm cặp vào lòng chờ đợi. Em nhìn về phía bà giám thị, sốt ruột. Còn đâu hơn chục đứa nữa mà bà cứ nhẩn nha gọi từng tên :
- Đỗ Bích Thu !
Nhỏ Thu ôm cặp bước vào lớp. Qua khỏi cửa, nhỏ bước nhanh về chỗ. Bà giám thị nhìn theo mắng :
- Này ! Làm gì mà vội vậy hả ? Con gái là phải dịu dàng, đoan trang chứ ai lại đi đứng như vậy. Khua guốc ầm cả lên kìa. Đứa nào cũng như vậy, có ngày sập lầu mất thôi...
Cả lớp cười ồ. Nhỏ Thu nhún vai, nói một mình nhưng vẫn đủ để mọi người nghe được : "Sập lầu thì xây lại chứ có gì mà lo".
Bà giám thị nghe được nhưng làm ngơ.
Bỗng nhiên em nhớ đến lần bị phạt năm ngoái. Lần ấy, năm đứa bị phạt là nhỏ Ngân, Điệp, Nga, Thu và em. Chính bà giám thị là người đã canh chừng năm đứa em. Bà bắt năm đứa ngồi trong phòng trực, không cho đi đâu cả. Ác một cái nữa là bà lại không bắt chép phạt như những bọn khác thường bị, bà chỉ bắt tụi em ngồi khoanh tay im lặng. Thử hỏi suốt một buổi sáng cứ ngồi như vậy, làm sao tụi em chịu nổi. Nhỏ Thu chịu trận được chừng nửa giờ thì đã có vẻ khó chịu lắm rồi. Nhỏ đứng dậy thưa :
- Thưa cô, xin phép cô cho em ra ngoài một chút ạ.
Bà giám thị lắc đầu :
- Không đi đâu hết !
- Nhưng thưa cô, em... em nhột bụng quá !
Vừa nói, nhỏ vừa nhăn nhó ra dáng khó chịu lắm. Bà giám thị có vẻ không tin nhưng đành phải cho nhỏ ấy đi.
- Được, tôi cho phép. Nhưng không được quá mười phút đó, nghe chưa ?
Nhỏ Thu vâng dạ rồi chạy nhanh ra khỏi phòng trực. Bà giám thị nhìn theo khẽ lắc đầu, trong khi bốn đứa em còn ngồi lại cũng không hiểu nổi nhỏ Thu có nhột bụng thực sự hay không ?
Một lúc sau nhỏ Thu về. Nhỏ ngồi vào chỗ, khoanh tay lại thật ngoan ngoãn. Em khẽ hỏi :
- Mày nhột bụng thật hả ?
Nhỏ Thu liếc về phía bà giám thị rồi đáp nhỏ :
- Còn lâu ! Tao chuồn ra quán nước ăn chè !
- Con quỷ ? Mày dám lừa bà giám thị à ?
Nhỏ Thu mỉm cười đắc chí. Rồi nhỏ huých tay em nói nhỏ :
- Chưa hết đâu, còn đây nữa nè...
Thu lôi trong vạt áo ra một túi ni lông me ngào đường.
- Quà cho tụi mày đó !
Thành tích buổi đi phạt ấy đưa nhỏ Thu lên địa vị của nhỏ Ngân trước kia, cầm đầu cả bọn chọc phá thầy cô, bạn bè. Nhỏ Ngân bị "mất chức" nên cay cú, thi đua với nhỏ Thu bày đặt những trò ngày càng quá quắt hơn. Hai nhỏ nổi tiếng trong cả lớp.
Vừa rồi, ngay đầu năm học, nhỏ Thu đã tỏ ra lì lợm chẳng kém gì năm ngoái. Sự việc khiến em nhớ đến những lời của mẹ. Nhỏ Thu vẫn tinh nghịch như năm vừa qua, hẳn nhỏ Ngân không chịu kém. Nếu nhỏ Ngân ngồi cạnh em, thế nào em cũng bị lôi kéo vào những trò nghịch phá không tốt. Mà như vậy thì làm sao em giữ được lời hứa với mẹ ? Em biết, ở gần một người không tốt, nếu mình không thuyết phục được họ, ắt sẽ bị họ cuốn theo. Em sợ vì có nhỏ Ngân ngồi cạnh mà em sẽ không thể thực hiện được ý định học hành chăm chỉ của mình. Không giữ được lời hứa với mẹ, em sẽ có lỗi biết chừng nào. Ba mẹ em sẽ buồn biết chừng nào !
Tự nhiên, em thầm mong cho nhỏ Ngân đừng xin đổi lên ngồi cạnh em được. Em chìm trong ý nghĩ rằng mình sẽ học thật giỏi để ba mẹ được vui lòng. Em nhìn sang nhỏ Hạnh, nhỏ ấy đã lấy tập ra để sẵn trên bàn, ngồi khoanh tay im lặng. Mặt nhỏ ấy nghiêm lại. Hèn chi, nhỏ Ngân chẳng hay gọi đùa Hạnh là "Bà cụ Hạnh". Nhưng nhỏ Hạnh có một điểm đáng nể phục là học rất giỏi. Em bỗng ao ước mình được như nhỏ Hạnh. Nếu năm nay em đứng hạng cao trong lớp ? Nếu năm nay em được lãnh thưởng như nhỏ Hạnh ?
Bà giám thị hỏi :
- Có đứa nào khiếu nại gì không ?
Em quay xuống nhìn nhỏ Ngân, thầm mong nhỏ đừng giơ tay lên. Nhưng không, Ngân đã giơ cao tay. Bà giám thị hỏi :
- Khiếu nại gì ?
Nhỏ Ngân đứng lên :
- Thưa cô, em nhìn chữ trên bảng không rõ ạ.
Bà giám thị nheo mắt :
- Cận thị à ?
Có mấy tiếng cười khúc khích vang lên. Cả lớp cùng nhìn về phía nhỏ Ngân. Nhỏ Điệp từ bàn hai dãy phải quay xuống phía nhỏ Ngân nói :
- Nó cận thị hai độ đó cô ơi !
- Cận thị hai độ à ? Sao không đeo kính ? - Bà giám thị hỏi.
Nhỏ Điệp nói vuốt đuôi :
- Ờ, cận thị sao không đeo kính, mày ?
Nhỏ Ngân hất mặt về phía bạn "Hứ" rồi quay lại trả lời bà giám thị :
- Thưa cô, mắt em lên độ, em đi thay kính chưa kịp lấy về ạ.
Bà giám thị tin lời Ngân. Nó trả lời cứ như thật, tỉnh queo. Bà nói :
- Được rồi, thế bây giờ muốn đổi lên chỗ nào ?
- Thưa cô, cỡ bàn hai ạ.
Nói rồi nhỏ Ngân nháy mắt với em. Em bỗng dùng dằng giữa hai ý nghĩ : muốn và không muốn để nhỏ Ngân lên ngồi cạnh mình.
Bà giám thị hỏi :
- Có đứa nào ở bàn hai chịu đổi chỗ không ?
Nhỏ Ngân nhìn em ra ý thúc giục. Một giây thoáng qua, em hành động với cái đầu trống rỗng. Em bảo nhỏ Hiếu ngồi cạnh :
- Mầy đưa tay xin đổi chỗ đi Hiếu.
Nhỏ Hiếu vốn nhát, em đã nói vậy mà một chút sau, nhỏ mới dám đứng lên, rụt rè nói :
- Thưa cô, em xin đổi chỗ...
Bà giám thị gật đầu.
Nhỏ Ngân hí hửng ôm cặp lên đổi chỗ với nhỏ Hiếu. Em thoáng thấy lo sợ khi nghĩ đến viễn ảnh việc học của mình không như ý ba mẹ mong muốn chỉ vì có nhỏ Ngân ngồi cạnh.
Nhưng rồi nhỏ Ngân đã khiến em quên ngay sự lo sợ ấy. Nhỏ nói với em :
- Mày thấy tao tài chưa ?
- Tao chịu thua mày đó.
Nhỏ Hồng hỏi :
- Mày cận thị hai độ từ bao giờ vậy Ngân ?
Nhỏ Ngân che miệng cười :
- Tao cận thị cách nay... năm phút !
Vừa nói, nhỏ vừa liếc nhìn bà giám thị lúc bấy giờ đang sắp lại chỗ ngồi cho bọn nhỏ Cẩm Chướng. Xong xuôi đâu đấy, bà căn dặn cả lớp :
- Bây giờ, cả lớp ngồi im đợi thầy cô tới. Đứa nào nói chuyện gây ồn ào, cả lớp sẽ bị phạt chung. Nghe rõ chưa nào ?
Mấy chục cái miệng đáp "Rõ" thật lớn.
Nhưng chỉ đợi bà giám thị đi khuất, lớp đã ồn hẳn lên.
Nhỏ Điệp nói vọng lên :
- Nè Ngân ! Mày phải nhớ ơn tao đó nghe chưa. Nhờ tao nói thêm cho, mày mới được đổi chỗ.
Nhỏ Ngân đứng dậy, lấy một bàn tay che mắt, mắt nheo lại, đóng trò như một người cận thị thiếu kính :
- Ai nói gì vậy ? Điệp đó hả ? Cám ơn mày nhiều lắm. Lát nữa nhớ bao tao ly chè đậu xanh nghe !
Mấy đứa cùng bật cười.
Nhỏ Phương ngây thơ hỏi :
- Mày cận thị thiệt không hả Ngân ?
- Thế mày tin là tao bị cận thị à ?
- Chẳng lẽ mày dám nói láo với bà giám thị sao ?
- Ủa ! Mày tưởng tao ngán bả à ?
Nhỏ Hạnh ra điệu bà cụ :
- Nè ! Tụi bay làm ồn, cả lớp bị phạt bây giờ.
Nhỏ Hồng tiếp thêm :
- Tụi bay phải biết : nếu tụi bay không muốn bị phạt thì cũng đừng làm gì để người khác bị phạt chớ ! Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân [1] mà !
Em bụm miệng cười :
- Con Hồng nó xổ Nho, Ngân ơi !
- Nho gì ?
- Nho thúi !
Nhỏ Hồng nghe lọt tai hết. Nó vừa nói thêm một câu để lấy lòng nhỏ Hạnh - có lẽ để mong nhỏ Hạnh cho chép bài sau này - đã bị bọn em trêu lại, nhỏ tức lắm thì phải. Nhỏ "xí" một tiếng rồi quay sang nói chuyện với nhỏ Hạnh. Hai "bà cụ" nói chuyện thật khẽ.
*
Một lúc sau cô giáo mới vào lớp. Cả lớp vụt im lặng, cùng đứng lên chào cô. Cô cho ngồi xuống, sự ồn ào trở lại liền sau đó. Có những tiếng thì thào :
- Đố tụi bay cô dạy môn gì ?
- Văn !
- Sinh !
- Xời ! Cô hiền thế kia mà bay dám bảo cô dạy văn với sinh à ? Cô dạy nhạc thì có.
- Ê tụi bay ! Cô vẽ mắt !
- Cô đi guốc cao gót bay ơi !
Cô giáo mới gõ thước xuống mặt bàn. Lớp tạm im lặng đôi chút. Cô tự giới thiệu :
- Cô tên là Viên, Thục Viên. Năm nay, cô sẽ dạy các em môn toán !
Cả lớp chưng hửng rồi lại nhao nhao lên :
- Cô dạy toán bay ơi !
- Cô đừng bắt tụi em làm toán nhiều nghe cô, tội nghiệp tụi em lắm.
- Cô đừng kêu tụi em lên bảng nghe cô. Lên bảng mà không thuộc bài, mắc cỡ lắm.
- Cô cho chép bài ngắn thôi nghe cô. Tụi em thông minh lắm. Học ít mà hiểu nhiều.
Cô Thục Viên lại phải đập thước để giữ trật tự :
- Các em im lặng đi. Những chuyện như chép bài, làm toán, lên bảng... cô sẽ cho các em biết sau. Còn bây giờ cô muốn biết qua về lớp các em một chút...
Cả lớp tranh nhau khoe :
- Lớp tụi em học giỏi nhất trường đó cô ơi !
- Lớp tụi em cũng ngoan nhất trường đó cô.
- Cô ơi, năm ngoái tụi em thi hát giành được mấy giải nhất đó cô.
Cô Thục Viên cười :
- Cô sẽ kiểm tra lại tất cả những gì các em vừa tự giới thiệu, nếu đó không phải là sự thật thì các em đừng có trách cô là nghiêm khắc...
- Thưa cô... nếu không giỏi nhất trường thì cũng gần như vậy...
- … không ngoan nhất thì cũng nhì ba gì đó cô ơi…
Cô Thục Viên chắc thừa thông minh để hiểu được sự thật qua mấy câu giảm dần thành tích đã khoe ! Cô hỏi :
- Năm ngoái ai đứng nhất lớp ?
- Con Hạnh kìa cô !
- Nó hay khóc lắm cô ơi !
- Nó sợ lên bảng lắm cô ơi. Mỗi lần lên bảng là nó run cầm cập như người bị sốt rét...
Hạnh đứng lên. Cô Thục Viên hỏi nó :
- Riêng môn toán, em hạng mấy ?
- Thưa cô, em cũng hạng nhất.
- Tốt lắm. Cô mong rằng năm nay em giữ vững được thành tích của mình. Cố gắng nghe Hạnh. Thôi, em ngồi xuống.
Em nghe chừng tiếng mẹ em đâu đây : "Cố học, Hương nhé !" Em thấy thèm thuồng được như nhỏ Hạnh. Con nhất định, vâng, con nhất định sẽ cố gắng hết sức để ba mẹ được vui. Con đã hứa, con sẽ nhớ lời hứa...
Trên kia, cô Thục Viên bắt đầu điểm danh. Tiếng cô trong và rõ :
- Nguyễn Ngọc Ánh !
Em mở cặp lấy tập ra. Mẹ em mua cho em toàn giấy bao tập màu xanh lá cây. Mẹ bảo màu xanh là màu hy vọng. Mẹ hy vọng em sẽ học thật khá mà !
- Hoàng Bảo Hương !
Nhỏ Ngân huých tay em :
- Cô gọi mày kìa !
Em giật mình đứng dậy. Cô Thục Viên bỗng nhìn em chăm chăm. Rồi cô hỏi em :
- Em tên là Bảo Hương ?
Rất ít khi em nghe người khác gọi tên em bằng hai chữ. Bỗng dưng tiếng gọi "Bảo Hương" khiến em nghe là lạ, như tên của một ai khác. Có điều, tiếng gọi của cô Thục Viên dịu dàng, thân mật. Em đáp :
- Thưa cô phải.
- Nhà em có ở gần trường không ?
- Thưa cô cũng không xa lắm.
- Cô hỏi có hơi tò mò một chút. Bởi vì Bảo Hương khá giống đứa em gái của cô…
Nhỏ Ngân nhéo khẽ vào tay em :
- Mày ngon lành rồi Hương ơi. Thế nào mày cũng được cô cưng nhất lớp.
Cô Thục Viên đã cho em ngồi xuống. Cô đã nhìn vào sổ chuẩn bị gọi tên một đứa khác. Chợt cô ngẩng lên :
- À này Bảo Hương, năm ngoái em đứng hạng mấy trong lớp ?
Em đứng lên nhìn cô và chợt thấy nghẹn lời, đôi mắt cay cay. Em nhớ đến mẹ em, nhớ đến ba em. Em nhớ đến con số bốn mươi lăm đáng tủi hổ.... Nước mắt em lăn trên má, không sao ngăn nổi.
Giọng cô Thục Viên đầy ngạc nhiên :
- Kìa, em sao vậy Bảo Hương ? Nhỏ Ánh đứng lên đáp thay em :
- Thưa cô, năm ngoái nó xếp hàng thứ bốn mươi lăm...
Cô hiểu. Tiếng "à" không thoát thành âm thanh, miệng cô hơi hé tròn thật xinh. Cô bảo em :
- Cô xin lỗi. Bảo Hương ngồi xuống đi.
Rồi cô gọi tên những đứa kế tiếp. Tiếng cô vẫn trong và rõ. Nhỏ Ngân bảo em :
- Mày kỳ khôi chưa. Có vậy mà cũng khóc !
Em nói với nhỏ ấy một câu mà chỉ riêng em mới hiểu thật đầy đủ nghĩa :
- Năm nay tao sẽ học giỏi cho mày coi !
Nhỏ Ngân ngạc nhiên. Đôi mắt nhỏ ấy mở tròn !

___
[1] Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người (BT)


Chương 2

- Ai là Nguyễn Thùy Hạnh ?
Nhỏ Hạnh đang nói chuyện với nhỏ Hồng, nghe thầy hỏi, vội vàng đứng lên. Thầy Phiên dạy lý, cầm tờ bài làm của nhỏ Hạnh lật xem qua một lượt, thầy nói :
- Bài làm của em khá lắm.
Rồi thầy giơ tờ bài làm ra phía trước. Nhỏ Hạnh lên lấy về. Cả lớp nhìn nó ao ước, thèm thuồng.
Em hồi hộp quá. Bài kiểm tra này em làm suôn sẻ và hy vọng mình sẽ được gọi tên sau nhỏ Hạnh không lâu. Tuần trước, làm bài được, về nhà, em đem chuyện kể khoe mẹ. Mẹ em nói : "Mẹ tin thế nào bài của Hương cũng được nhiều điểm. Tháng đầu năm học này, mẹ chúc Hương được xếp hạng cao. Hương chịu không nào ?" Em nhoẻn miệng cười thật tươi rồi hôn lên má mẹ một nụ hôn thật dài.
- Đặng Tuyết Hồng !
Nhỏ Hồng đứng lên, vẻ mặt thật tươi vui. Em nói với nhỏ Ngân :
- Sao tao nghi con Hồng quá. Chắc con Hạnh cho nó chép bài.
Nhỏ Ngân nhìn em không nói. Em bắt gặp ánh mắt là lạ của nó. Em nhìn thầy Phiên. Thầy chưa trả tờ bài làm cho nhỏ Hồng, cũng không nói gì. Thầy nhíu mày nghĩ ngợi gì đó. Rồi thầy lấy thêm tờ bài làm kế tiếp, đọc tên :
- Lê Thị Ngân !
Nhỏ Hồng định ngồi xuống nhưng thầy Phiên vừa trông thấy nhỏ Ngân đứng lên thì thầy đã khoát tay ngăn lại :
- Em Hồng đứng yên đó !
Cả hai nhỏ Hồng, Ngân cùng tái mặt. Em chưa kịp đoán hiểu đầu đuôi ra sao thì đã phải đứng bật lên vì thầy Phiên gọi :
- Hoàng Bảo Hương !
Ðến lúc đứng lên cạnh hai nhỏ Hồng, Ngân, em mới lờ mờ đoán hiểu chuyện. Có lẽ hai nhỏ Hồng, Ngân chép bài làm của nhỏ Hạnh. Thầy Phiên chấm bài đã nghi ngờ. Khi biết rõ ba nhỏ này ngồi cạnh nhau, thầy mới tin là điều nghi ngờ của mình đúng. Phần em, số điểm cao và việc em ngồi chung bàn với ba nhỏ kia có lẽ đã khiến thầy Phiên nghĩ rằng em cũng chép bài của bạn.
Cả lớp nhìn ba đứa chúng em. Em thấy mình như một tội nhân. Mặt em bừng đỏ, tay chân như thừa thãi.
Thầy Phiên nói :
- Tôi hiểu hết rồi ! Em Hạnh ! Em đứng lên cho tôi hỏi.
Nhỏ Hạnh, mặt không còn giọt máu, đứng lên. Nhỏ mếu máo :
- Thưa thầy... oan cho em lắm....
Thầy ngắt lời :
- Oan hay không chút nữa em sẽ biết. Bây giờ, cả bốn em nghe tôi hỏi đây. Có phải các em đã chép bài làm của nhau không ? Ai là người làm bài được ? Ai là người chép lại của bạn ?
Nhỏ Hạnh gạt nước mắt :
- Thưa thầy... em không chép bài của ai cả. Em tự làm lấy....
Em nuốt nước bọt, cố giữ lấy bình tĩnh nói :
- Thưa thầy, chính em làm bài của mình.
Nhỏ Ngân và nhỏ Hồng thì lặng thinh. Thầy Phiên hỏi :
- Còn hai em kia, sao chưa kêu oan ?
Nhỏ Hồng líu lưỡi lại :
- Thưa thầy... em cũng bị.... oan....
Thầy cầm ba tờ bài làm của Hồng, Ngân và em, bước xuống bàn hai. Thầy bảo nhỏ Hạnh :
- Em cho tôi mượn lại tờ bài làm của em.
Nhỏ Hạnh chần chờ, nó nhìn thầy Phiên với ánh mắt van lơn. Nhưng thày đã gắt :
- Em có đưa không, cứ nói ?
Nhỏ Hạnh hoảng hốt, trao tờ bài làm của mình cho thầy Phiên rồi bưng mặt khóc nức nở. Thầy Phiên trở lại bục giảng, nói với cả lớp :
- Cả bốn em cùng chối tội. Được, tôi sẽ trưng bằng cớ. Nhưng trước hết, tôi thấy cần nói cho các em biết rằng ngay khi chấm bài, tôi đã nghi ngờ các em xem bài của nhau rồi. Có điều vì chưa biết chỗ ngồi của các em, tôi chưa thể kết luận. Bây giờ chuyện đã quá rõ ràng. Bốn bài nhiều điểm nhất lớp là của bốn em ngồi cùng bàn !
Cả lớp im lặng. Ba nhỏ Hạnh, Hồng, Ngân cúi gầm mặt chờ xem thầy trưng bằng cớ. Chỉ có em không cúi mặt. Nhưng em chẳng biết phải làm gì trong hoàn cảnh này. Trên kia, thầy Phiên tiếp tục nói :
- Tôi sẽ đọc cho cả lớp nghe bài làm của bốn em này. Câu thứ nhất em Hạnh viết : "Người ta đổ một lít nước vào bình A, có nghĩa là đổ vào bình A một khối nước có thể tích là 1m3, sửa lại thành 1dm3". Bài của em Hồng cũng tương tự thế, chỗ cuối cùng 1m3 sửa thành 1dm3. Em Ngân cũng giống hệt chỗ sửa. Sang câu thứ hai em Hạnh viết : "Vậy chiều cao khối nước trong bình B, bôi đen, sửa lại là bình A" Em Hồng cũng sửa B thành A.....
Em lên tiếng :
- Thưa thầy, xin thầy xem bài của em.
Thầy Phiên lật tờ bài làm của em, đọc :
- Câu thứ nhất của em Hương : Ðổ một lít nước vào bình A tức là ta đổ một thể tích nước là 1dm3.... Câu thứ hai... do đó, chiều cao cột nước trong A là....
Thầy nhỏ giọng dần, xem lại đoạn bài làm của em. Em hồi hộp và hy vọng thầy nhận ra rằng bài làm của em khác hẳn với bài làm của ba nhỏ kia. Thầy nói :
- Bài làm của em Hương... tôi công nhận bài của em không giống bài của ba em kia.....
Em mừng rỡ :
- Xin thầy xét lại cho em.
- Nhưng......
- …
- … tôi vẫn có thể kết luận là em chép bài của bạn.
Em đỏ mặt vì uất ức :
- Thưa thầy.... vì sao ?
- Tôi nghĩ rằng em đã khôn ngoan hơn hai em Hồng và Ngân. Em đã sửa lời văn, cách trình bày, đồng thời biết tránh những chỗ sai. Nhờ vậy bài của em khác với ba bài kia.
- Thưa thày, quả thật em vô tội.
- Em im đi. Em tưởng trò trẻ con của em có thể qua mặt tôi được ! Em tưởng tôi không biết em là một học sinh thế nào sao ? Có phải năm ngoái em xếp hạng gần cuối lớp không ?
Rồi thầy Phiên không để cho em kịp nói gì thêm, thầy gọi lớn :
- Hạnh ! Có phải em làm bài rồi em cho em Hồng chép lại không ?
- Thưa thầy, xin thầy tha cho em....
- Tôi cần nghe em trả lời câu hỏi của tôi đã.
- Dạ... thưa thầy... phải...
- Tốt ! Bây giờ tới em Hồng. Em nói đi, em Hạnh nói có đúng sự thật không ?
Nhỏ Hồng ấp úng đáp :
- Dạ thưa thầy... đúng ...
- Còn em Ngân, có đúng là em chép bài của em Hồng không ?
Nhỏ Ngân đáp, giọng muốn khóc :
- Dạ phải...
- Rồi em cho em Hương chép lại ?
Nhỏ Ngân liếc nhìn em. Em không nhìn lại.
- Em nói thật cho tôi biết coi, Ngân.
- Thưa thầy, em không rõ bạn Hương có chép bài của mình hay không....
- Em muốn bênh vực cho em Hương phải không ? Tôi biết, hai em chơi thân với nhau từ năm ngoái, có đúng không ?
- Thưa thầy đúng. Nhưng chuyện đó và chuyện này không liên quan với nhau....
Thầy Phiên có vẻ giận trước câu trả lời có lý của nhỏ Ngân. Thầy gật gật đầu :
- Được rồi. Em Ánh, em là trưởng lớp, em hãy cho tôi biết em nghĩ gì về việc này ?
Nhỏ Ánh đứng lên, run giọng :
- Thưa thầy... nghĩa là sao ạ ?
- Nghĩa là em có nghĩ rằng em Hương đã chép bài của em Hạnh qua trung gian em Ngân hay không ?
- Thưa thầy... có !
Nhỏ Ánh liếc nhìn em, môi nhỏ mím lại. Em hiểu là nhỏ vừa trả thù em. Hồi đầu năm học, một hôm Ánh đã hỏi mượn tiền em nhưng em không cho và nhỏ đã giận em khá lâu....
Thầy Phiên lại nói với cả lớp :
- Ngoài trưởng lớp ra, trong lớp còn những ai nghĩ như thế, các em cứ mạnh dạn giơ tay lên cho tôi biết ý kiến.
Năm sáu cánh tay rụt rè đưa lên rồi hạ nhanh xuống.
- Những ai cho rằng em Hương vô tội ?
Không một cánh tay nào dám đưa lên sau câu hỏi của thầy Phiên. Thầy nhìn em khá lâu :
- Em Hương ! Tôi nghĩ rằng em nên nhận khuyết điểm của mình thì hơn.
- Thưa thầy, em vô tội.
Nhỏ Ngân nói khẽ với em :
- Sao mày lì vậy ? Mày cứ nhận lỗi đi. Nếu thầy phạt thì cả bốn đứa cùng chịu chớ một mình mày chịu sao mà sợ ?
Em cắn răng, lắc đầu.
Thầy Phiên thấy em không lay chuyển, thở dài nói :
- Thôi được, nếu em không nhận lỗi thì tôi sẽ không phạt em. Nhưng như vậy không có nghĩa là em vô tội. Từ nay trở đi, tôi sẽ đặc biệt chú ý đến em. Em học giỏi, học khá hay học dở, thời gian sẽ trả lời. Và, khi nào tôi có đủ bằng cớ rằng em chỉ là một học sinh kém, chúng ta sẽ trở lại chuyện hôm nay. Khi đó, nếu tôi phạt thật nặng thì em nghĩ sao ?
- Thưa thầy, em chấp nhận mọi hình phạt của thầy.
- Tốt lắm. Em hãy nhớ lời hứa của mình. Em ngồi xuống đi. Cả ba em kia cũng ngồi xuống. Em Hạnh lên lấy các bài làm của các em. Tôi thông báo : tôi trừ mỗi em Hạnh, Hồng, Ngân ba điểm.
Nhỏ Hạnh làm xong việc thầy Phiên giao, nó ngồi tại chỗ ôm mặt khóc. Em nhìn tờ bài làm của mình với con số 10 viết bằng bút bi màu đỏ. Nó là kết quả của công sức chính em, nhưng nó lại bị nghi ngờ. Em bậm môi. Em không muốn khóc. Em muốn thời gian trôi thật nhanh để em có thể chứng minh với thầy Phiên. Em không muốn khóc. Nhưng nước mắt vẫn lăn dài trên má em.
*
Thầy Phiên quát :
- Tôi không bằng lòng cho em ngồi dưới đó. Em nghe rõ chưa ?
Em run giọng :
- Nhưng thưa thầy... em xin đổi chỗ, bà giám thị đã đồng ý.
- Bà giám thị đồng ý ! Nhưng trong giờ học thì tôi có quyền. Em học tôi hay học bà giám thị ?
- …
- Nếu em không nghe lời tôi trở về chỗ cũ thì em có quyền ôm cặp ra về. Sự vắng mặt của em không ảnh hưởng gì đến cả lớp này đâu.
Em cố năn nỉ :
- Thưa thầy, em xin thầy cho em ngồi đây.
- Tôi đã nói không được. Tôi biết, em muốn chứng minh sự vô tội của mình. Nhưng em phải nhớ rằng cho đến giờ phút này, em vẫn còn bị tôi nghi ngờ kia mà. Cho em đổi chỗ chẳng hóa ra tôi minh oan cho em rồi sao ? Tôi đã nói và tôi yêu cầu em chấp hành : em trở về chỗ cũ.
- Thưa thầy, em không muốn ngồi nơi đó nữa.
- Không muốn cũng phải trở về.
- Em van thầy...
- Em có trở về chỗ cũ hay không ?
- Em lạy thầy.....
- Tôi nói lần chót : hoặc là em trở về chỗ cũ, hoặc là em ra khỏi lớp. Tôi không muốn em làm mất quá nhiều thì giờ của cả lớp…
Em tần ngần chưa biết phải tính sao. Dù vậy, em cũng ôm cặp rời khỏi chỗ ngồi. Dường như cả lớp dồn mắt theo dõi từng cử động của em thì phải. Em bước về phía bàn hai, dãy trái, nơi em ngồi trước kia. Nhỏ Phụng mà em đổi chỗ cũng ôm cặp chờ sẵn. Thấy em bước tới gần, nhỏ dợm đứng lên trả chỗ.
Không hiểu vì sao nỗi uất ức dâng lên trong lòng em không ngăn nổi. Em không còn làm chủ được chính mình. Em bước thẳng ra phía cửa lớp.
Tiếng thầy Phiên đầy ngạc nhiên :
- Em đi về thật đó hả ? Hương ?
Em chỉ nói được mấy lời :
- Vâng ! Em xin lỗi thầy.....
Rồi em cắm đầu chạy. Văng vẳng bên tai, em nghe tiếng thầy Phiên gọi :
- Hương ! Trở lại tôi bảo !
Em bịt tai. Tới cuối hành lang, em mới dừng lại, tựa vào lan can mà thở. Em thả ánh mắt lơ đãng nhìn xuống tàn keo lòa xòa bên dưới. Những hình ảnh phía trước chợt nhòa đi. Tại sao màu xanh hy vọng không còn là màu xanh nữa ?
*
Nhỏ Ngân kể :
- Tao thấy thầy rất giận. Mà sao mày gan quá vậy Hương ?
Em lắc đầu :
- Tao cũng không biết vì sao tao lại dám bỏ về như vậy nữa. Lúc ấy, tự nhiên tao thấy ức lòng quá, tao không còn đủ bình tĩnh để suy nghĩ...
- Rồi bây giờ mày tính sao ?
Câu hỏi này đã ám ảnh em không ngớt. Nhiều lúc, em ngơ ngẩn như người mất hồn. Giờ cơm tối hôm qua, vừa ngồi ăn em vừa nghĩ ngợi đến nỗi mẹ em lên tiếng hỏi mấy lần em mới biết.
Em ngập ngừng :
- Chắc tao không đi học giờ Lý nữa.
- Chết ! Không được đâu !
- Chớ tao còn biết tính sao bây giờ ? Mày nghĩ đi...
Nhỏ Ngân ấp úng :
- Tao.... tao biết nghĩ thế nào đây.... ?
Em ứa nước mắt :
- Mày thấy chưa ! Tao chẳng còn cách nào khác là nghỉ học giờ thầy Phiên.
Nhỏ Ngân im lặng một lúc. Rồi nó nhìn em như dò xét :
- Hương à.... Tao nghĩ ra một cách....
- Cách nào ?
- Mày.... mày gặp thày Phiên xin lỗi....
- Mày có lý. Nhưng tao không đủ can đảm để gặp thầy. Tao sợ thầy sẽ không tha thứ.
- Nếu mày không dám thì tao chịu thôi.....
Hai đứa chúng em lại im lặng, mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ riêng. Khá lâu, Ngân mới hỏi em :
- Hương nè, tao hỏi thật điều này, mày đừng giận tao nghe.
- Ừ, mày hỏi đi.
- Vậy chớ.... có phải mày tự làm bài được hay là mày.... mày lén chép lại bài của tao ?
Em ngạc nhiên nghe nhỏ Ngân hỏi mình như thế. Em vụt hiểu rõ hơn vì sao thầy Phiên lại nghi ngờ em gian lận. Cho đến nhỏ Ngân, nhỏ bạn thân nhất, hiểu em nhất, lại là người trong cuộc, còn không tin em được thì huống gì thầy.
Không thấy em trả lời, Ngân có vẻ ái ngại :
- Mày giận tao hả Hương ? Tao xin lỗi vậy. Tại vì tao thấy năm ngoái mày học tệ quá, chẳng lẽ năm nay mày thay đổi được mau như thế ?
Em vẫn lặng thinh, miên man suy nghĩ. Ngân tiếp :
- Mày vẫn còn giận tao ? Tao đã xin lỗi rồi mà. Tao chưa tin mày lắm, nhưng nếu mày học tập tiến bộ, thì tao sẽ rất mừng... Đừng giận tao nghe Hương......
Em cảm nhận được tình bạn thắm thiết từ nhỏ Ngân. Em nhìn nó :
- Không ! Tao có giận mày đâu ?
Em quay mặt đi, giấu đôi mắt đang nóng lên, đỏ hoe.
*
Làm mẹ phải lo buồn, em biết, đó là lỗi rất nặng. Nhưng biết sao hơn khi em không đủ can đảm cho mẹ biết sự thật để mẹ giúp đỡ. Nỗi lo lắng ngày một nhiều hơn. Giờ học của thầy Phiên, em không dám vào lớp. Em ở nhà dù đã đến giờ đi học. Mẹ em hỏi, em đáp : "Con thấy khó chịu trong người". Mẹ bắt em vào giường nằm nghỉ rồi đạp xe tới trường xin phép.
Em bệnh thật. Dường như có những lúc em đã lên cơn mê. Trong trí em lởn vởn hình ảnh buổi học hôm ấy. Kia : bốn đứa Hạnh, Hồng, Ngân và em bị đứng lên. Kia : thầy Phiên với vẻ mặt giận dữ. Kia : Cả lớp im lặng chứng kiến. Tiếng thầy Phiên : "Hoặc là em về chỗ cũ, hoặc là em ra khỏi lớp". Và nữa kia : con số bốn mươi lăm trên năm mươi !
Em đưa tay ôm mặt khóc nấc lên.
Mẹ em đang làm bếp, vội chạy lên. Mẹ lay em dậy :
- Hương ! Con tỉnh chưa ? Hương !
Em choàng dậy. Trông thấy mẹ lo lắng, lòng em ân hận vô cùng. Nếu năm ngoái em đừng mãi chơi, lười học ? Nếu em đừng nông nổi, bỏ lớp ra về ? Nếu em đủ can đảm kể cho mẹ nghe mọi chuyện ?
Mẹ ngồi xuống bên em :
- Hương làm mẹ sợ quá. Hương vừa nằm mơ phải không ?
Em gật đầu.
Mẹ than thở :
- Khổ quá ! Ba phải đi xa, Hương lại ốm đau.....
Em thấy thương mẹ quá. Em thu hết can đảm, hy vọng sẽ nói được cho mẹ biết những gì đã xảy ra. Chỉ có mẹ mới giúp được em thôi....
- Mẹ à......
- Gì vậy Hương ?
- Con....
Em nhìn sâu vào mắt mẹ. Trong mắt mẹ, đôi mắt long lanh bao tình thương trìu mến ấy có hình ảnh của em. Trời ơi ! Nếu biết em đã gây ra một lỗi lầm khó tha thứ, chắc mẹ sẽ buồn lắm. Đôi mắt kia sẽ khóc... Mọi dự định trong em tan biến. Em vẫn không nói được gì.........
- Hương định nói chuyện gì với mẹ vậy ? Sao con lại im lặng ?
- Con…
- Sao nào ?
Em nói tránh qua chuyện khác :
- Con định hỏi mẹ câu này....
- Thì con cứ hỏi đi.
- Nhưng mẹ không được cười con.
Mẹ em pha trò :
- Ai cười hở mười cái răng ? Nào ! Con hỏi đi, sao cứ ngập ngừng mãi thế.
- Con.... con muốn hỏi... mẹ có thương ba không ?
Mẹ em bật cười :
- Lạ chưa ! Không thương ba thì sao mẹ sống với ba đầm ấm bao năm nay, sao ba mẹ có Hương......
- Con cũng thương ba nữa....
Giọng em bỗng nghẹn ngào. Nước mắt em ứa ra. Em nghĩ đến ba. Ba ơi ! Con thương ba. Con có lỗi với ba.....
- Kìa Hương ! Con sao vậy ? Con giấu mẹ điều gì phải không ?
- Không đâu mẹ.
- Mẹ biết. Con đang giấu mẹ điều gì.
- Con nói không có mà.... Mẹ không tin con sao mẹ ?
Mẹ em nén tiếng thở dài :
- Mẹ tin con. Thôi, bây giờ con nằm nghỉ đi. Nhưng nằm nghỉ, con đừng nhắm mắt. Nhắm mắt lại, con sẽ thiếp đi rồi lại mê sảng. Mẹ xuống làm bếp....
Em nhìn theo mẹ cho đến khi mẹ khuất hẳn sau cánh cửa nhà bếp. Em gọi khẽ : "Mẹ ơi ! Tha lỗi cho con ! Mẹ ơi !"
*
Rồi mọi chuyện cũng được giải quyết êm đẹp. Cô Thục Viên thuật lại :
- Mãi đến chiều hôm qua cô mới biết. Em Ngân đã kể rõ đầu đuôi câu chuyện và xin cô làm gì đó để giúp Bảo Hương. Ngân nó học tuy không khá nhưng tính tình rất tốt. Nó xin cô giúp bạn mà cứ như xin cho chính mình. Cô đã gặp thầy Phiên để trình bày sự việc và xin lỗi thầy thay cho em. Thầy Phiên nói, thật ra, thầy cũng có ý chờ em ngỏ lời xin lỗi là thầy sẵn sàng bỏ qua. Thầy hoàn toàn bất ngờ khi em bỏ lớp ra về. Nhưng cũng chính hành động đó đã khiến thầy phải suy nghĩ lại về việc thầy nghi ngờ em gian lận. Thầy nói, có lẽ thầy đã kết tội oan cho em....
Em sung sướng không giữ được nước mắt. Cô Thục Viên trách :
- Em tệ lắm nghe chưa Bảo Hương ! Chuyện không đáng gì mà em lại làm liều. Em phải biết rằng nếu muốn, thầy Phiên có thể đưa em ra hội đồng kỷ luật không ? Khi đó, dù có thương em cô cũng khó lòng bênh vực.
- Thưa cô, em biết em có lỗi rất nặng...
- Biết lỗi là đáng quý lắm rồi. Nhưng cô còn muốn từ nay về sau, em không nên có những hành động tương tự nữa.
- Vâng, em xin nghe lời cô.
Mẹ em bước vào :
- Thế nào ? Cô giáo và học trò đã nói chuyện xong chưa ?
Em nắm lấy tay mẹ :
- Con xin lỗi vì đã giấu mẹ mấy ngày nay....
Mẹ em bảo :
- Đáng lẽ mẹ giận Hương lắm. Có chuyện khó xử mà con không cho mẹ biết để mẹ cùng lo liệu. Rồi sợ quá, đổ bệnh. Nhưng thôi, chuyện đã giải quyết xong, Hương đã biết lỗi, mẹ bỏ qua.
- Con cảm ơn mẹ ...
Em gục đầu vào vai mẹ. Mẹ em cảm ơn cô Thục Viên sau khi nói nhỏ với em : "Thôi đi, đừng nhõng nhẽo nữa". Cô Thục Viên tươi cười :
- Bây giờ Bảo Hương vui rồi nhé ! Cô sẽ có một điều bất ngờ dành cho em đây - Cô quay nói với mẹ em - Thưa bà, tôi có chuyện muốn đề nghị với bà và Bảo Hương...
- Thưa cô, xin cô cứ nói.
- Tôi muốn xin bà cho Bảo Hương đến nhà tôi học thêm. Về tiền bạc, mong bà không ngại. Tôi sẽ dạy Bảo Hương mà không nhận thù lao. Một phần, tôi muốn được giúp đỡ em ấy, phần khác, thú thật, tôi muốn được nhìn hình ảnh em gái tôi, bé Ánh Nga tội nghiệp, qua Bảo Hương bây giờ…
Cô Thục Viên nói và cố ngăn xúc động. Em đã hiểu. Có lần, cô đã kể cho cả lớp nghe chuyện nhỏ Ánh Nga. Ba má cô mất đi để lại hai chị em cô sống đùm bọc nhau. Cô rất thương yêu Ánh Nga. Ngược lại, em gái cô cũng ngoan ngoãn, biết vâng lời và yêu mến chị. Chẳng may, sau một cơn bệnh nặng, Ánh Nga qua đời. Còn một mình, cô Thục Viên rất buồn. Cho tới khi gặp em, người có nét dáng hao hao như Ánh Nga....
- Thưa bà, bà nghĩ sao về đề nghị của tôi ?
Cô Thục Viên hỏi và mẹ em lúng túng :
- Tôi... tôi thật khó nghĩ… Hay là chúng ta nên để cho Hương nó quyết định... Hương à, con nghĩ sao ?
Em cúi đầu suy nghĩ một chút rồi đáp :
- Mẹ ơi, con nghĩ là chuyện này nên để ba quyết định...
Mẹ em gật đầu :
- Có lẽ Hương nó nói đúng. Tôi hy vọng nhà tôi sẽ đưa ra ý kiến tốt nhất.
Cô Thục Viên có vẻ không vui. Nhưng cô cũng nói với mẹ con em :
- Tôi đành phải chờ vậy thôi. Nhưng trước hết, tôi muốn hỏi riêng Bảo Hương. Bảo Hương à, em nói thật cho cô nghe đi. Riêng em, em có muốn đến học thêm với cô không ?
Em ngước nhìn cô Thục Viên. Em đọc được trong ánh mắt cô sự trìu mến thiết tha. Em đáp :
- Thưa cô, em muốn.
Cô Thục Viên ôm em :
- Dù sao, cô cũng cảm ơn em...
Lòng em rộn vui. Sao em không thể có một người chị đáng yêu như cô Thục Viên nhỉ ?
Chương 3

Ít khi ba em ở nhà được lâu. Mà có ở nhà đôi ba ngày, ba cũng chẳng chịu nghỉ ngơi. Thấy tường nhà đã cũ, ba đi mua vôi về pha, hì hục quét lại. Thấy giường, tủ, bàn ghế, cái nào hư hỏng, ba sửa chữa. Ba còn leo lên dặm lại viên ngói vỡ, xoay lại cột ăng ten lệch hướng... Rất hiếm ngày ba có mặt ở nhà là ngày nghỉ ngơi hoàn toàn.
Lần này, ba ghé thăm nhà hai ngày sau khi đã thu xếp xong công việc nhân chuyến công tác. Về nhà buổi chiều, ba lao vào ôm chầm lấy em, nhấc bổng lên. Ba bảo ba nhớ em lắm. Ba tiếc là không có mặt ở nhà ngày em tựu trường để chính ba được đưa em đi học.
Bữa cơm tối hôm ấy, mẹ em kể cho ba em nghe chuyện xảy ra giữa thầy Phiên và em. Ba chăm chú nghe. Tới đoạn em bỏ lớp học ra về, ba tròn mắt nhìn em. Em nhận được trong ánh mắt như thế sự không hài lòng. Ánh mắt chỉ dịu đi khi mẹ kể rằng em đã xin lỗi thầy trước cả lớp.
Ba bảo em :
- Hương đáng phạt lắm. Cũng may là thầy Phiên hiền, chớ như ba, ba đã đưa con ra hội đồng kỷ luật. Nhưng thôi, lần đầu ba chấp nhận sự biết lỗi của con. Ba thấy cần nói thêm điều này. Là đối với người trên, cho dù người đó có nghi oan mình, mình cũng không được phép tỏ ra vô lễ…
- Con hứa nghe lời ba...
Mẹ em lại kể chuyện cô Thục Viên muốn dạy thêm cho em. Kể xong mẹ hỏi :
- Bây giờ quyền quyết định là ở ông.
Ba em trầm ngâm suy nghĩ một lúc mới thong thả nói :
- Đây chỉ là chuyện tế nhị trong đối xử giữa hai bên thôi. Chúng ta không nên, không thể từ chối thiện ý của cô giáo, nhưng chúng ta phải nghĩ cho được cách nào để cô giáo không bị thiệt thòi... Tuy vậy, trước hết, ba muốn biết Hương có thích học với cô Thục Viên hay không đã ?
- Thưa ba, con rất thích.
- Ba còn muốn biết thêm, liệu chừng Hương có giữ được ý thích đó lâu dài hay không ? Ba rất sợ con học được ít lâu rồi chán. Lúc đó, quả thật chúng ta rơi vào một hoàn cảnh rất khó xử...
- Thưa ba, con biết cô Thục Viên mến con, và con, con cũng thương cô ấy nữa. Con tin chắc là con không bỏ học dở dang. Con chỉ lo là mình học kém, phụ lòng mong đợi của ba mẹ, uổng công kèm cặp của cô Thục Viên...
- Tốt lắm. Hương đã nói được như vậy thì ba yên lòng rồi. - Ba em nói với mẹ em
- Tôi tính thế này, chúng ta sẽ cho Hương đi học thêm nơi cô giáo, giờ học, buổi học là do cô giáo ấn định. Bù lại, chúng ta mời cô giáo sau mỗi buổi sáng dạy học, ghé lại gia đình chúng ta dùng cơm trưa, khỏi về nhà nấu nướng mất thì giờ...
- Ông tính hay lắm. Nhưng biết cô Thục Viên có đồng ý hay không ?
- Tôi tin là cô giáo đồng ý. Một cô giáo tất phải hiểu sự khó xử của người khác và sẵn sàng giúp họ giải tỏa những điều ái ngại trong lòng họ chớ...
Ngay sáng hôm sau, mẹ em đã gặp cô Thục Viên, mời cô đến dùng cơm trưa với gia đình em. Trong bữa cơm, chính ba em đã nói với cô ý định của mình. Ba nói rất khéo. Ba xác định ngay vị trí của cô trong gia đình mình. Ba nói : ở trường lớp, cô Thục Viên là cô giáo của Hương, dạy thêm cho Hương, cô là chị, nhưng đối với ba mẹ, cô như một người em. Ba kết luận trong tiếng cười : "Nghĩa là, cô giáo là một thành viên trong gia đình này với rất nhiều vai trò và quyền hạn".
Cô Thục Viên chớp chớp mắt nói :
- Tôi hiểu nỗi ái ngại của ông bà, hiểu tình cảm của gia đình mình đối với tôi. Xin cho tôi được gọi ông bà là anh chị. Nhưng cũng xin cho tôi được gọi Bảo Hương là... em ?
Mọi người đều cười vui vẻ.
Em bước tới bên cô Thục Viên :
- Cô…
Cô Thục Viên vuốt tóc em nói :
- Không. Bây giờ và ở đây, Hương phải gọi cô là chị.
- Vâng. Thưa chị, em hứa sẽ cố gắng học giỏi...
Em gục mặt vào vai cô Thục Viên. Em nghe giọng cô rất khẽ :
- Chị cũng mong sẽ giúp em học giỏi, Ánh Nga của chị.
*
Em nghe có tên mình trong câu chuyện. Biết nghe lén là xấu, nhưng sự tò mò khiến em đứng nép bên cửa lớp rình nghe.
Trong lớp, nơi bàn đầu, bọn nhỏ Ngân, Điệp, Thu, Nga không biết có em đang nghe lén, tiếp tục câu chuyện. Nhỏ Ngân :
- Tao cũng nghi như tụi mày. Nhưng tao không tìm thấy bằng cớ nào chứng tỏ là nó ăn gian cả. Không chừng, nó học giỏi thật đó.
Nhỏ Điệp :
- Mày nói vậy mà nghe được à ? Đây nhé ! Nếu nó học giỏi thì tại sao nó không giỏi từ năm ngoái đi ? Học giỏi gì mà xếp hạng bốn mươi lăm !
- Năm ngoái nó lười còn năm nay nó chăm !
- Tao không tin. Mày làm như muốn chăm học, dễ lắm !
- Chớ mày nghĩ sao ?
- Tao hả ? Tao cho là nó nhờ cô Thục Viên mới được điểm lớn hơn tụi mình.
- Tao đồng ý. Cô Thục Viên cưng nó nhất lớp. Cô lại cho nó học thêm mà không lấy tiền.
Nhỏ Ngân vẫn cố bênh vực em :
- Tụi mày cũng đi học thêm như nó vậy…
- Biết đâu cô còn chỉ riêng cho nó những "bí quyết".
- À, còn chuyện này nữa. Tụi mày để ý mà coi. Từ sau khi xảy ra vụ con Hương bỏ lớp thầy Phiên, rồi nó xin lỗi thầy, nó cũng được thầy cưng nữa...
Vẫn nhỏ Ngân bênh vực em :
- Cưng hả ? Tao không ham được cưng kiểu đó. Cưng gì mà tuần nào cũng kêu lên bảng trả bài, làm bài. Tụi mày quên rồi chắc ? Có mấy lần con Hương bị quê vì không làm bài được...
- Mày ngu quá ! Nhờ vậy nó mới giỏi.
- Vậy đâu phải nó giỏi vì được thầy Phiên cưng.
- Sao không ! Bởi vì tao biết lý do vì sao thầy Phiên lại cưng nó.
- Vì sao ? Vì sao ?
Nhỏ Thu ra vẻ quan trọng :
- Tao nói, tụi mày không được tiết lộ bí mật nghe chưa. Tụi mày biết tại sao không ? Tại vì thầy Phiên và cô Thục Viên là... bồ của nhau đó !
- Thật không ?
- Sao lại không ? Bữa trước tao thấy thầy Phiên tới nhà cô Thục Viên. Rồi bữa khác tao thấy hai người đi ăn kem với nhau ngoài phố nữa...
Em bỗng thấy nhỏ Thu thật đáng ghét. Bọn Điệp, Nga và cả nhỏ Ngân nữa. Nói xấu em đã đành, các nhỏ ấy còn nói xấu cả thầy Phiên và cô Thục Viên. Vậy mà năm ngoái, em đã nhập bọn với các nhỏ ấy…
Dù sao, với nhỏ Ngân, em vẫn còn hy vọng. Em nhớ đến ý nghĩ của mình ngày tựu trường : "Ngồi cạnh nhỏ Ngân, nếu em không lôi kéo được nhỏ theo mình, chắc em sẽ bị nhỏ ấy ảnh hưởng". Bây giờ em có thể vững tin là mình không sợ bị nhỏ Ngân lôi vào những trò tinh nghịch, ham chơi và biếng học nữa rồi. Nhưng em còn muốn hơn thế nữa. Em muốn nhỏ Ngân không kết bạn với Thu, Điệp, Nga nữa, để chơi thân và học tập với em. Em có ích kỷ không ?
*
Em làm lạc đề bài luận nên chỉ được điểm năm. Em buồn lắm nhưng biết lỗi do mình nên không than vãn gì. Bọn bạn em, em nghĩ lẽ ra phải thông cảm với em mới phải. Trái lại, các nhỏ ấy đã khiến em buồn hơn.
Nhỏ Ánh được cô giao nhiệm vụ ghi điểm vào sổ. Giờ chơi, cả lớp ở lại, đọc điểm cho nhỏ Ánh ghi. Đến lượt em, nhỏ Ánh gọi lớn :
- Hoàng Bảo Hương !
Em đáp :
- Năm !
Nhỏ vờ như nghe không rõ :
- Bao nhiêu ?
- Năm !
- Năm hay mười lăm ?
Em hiểu ra là mình bị trêu chọc. Em không thèm trả lời, đứng dậy ra khỏi lớp. Nhỏ Ánh quay sang nhỏ Châu ngồi bên cạnh nói riêng với nhỏ này nhưng lại lớn giọng để tất cả cùng nghe :
- Con Hương sao chỉ có năm điểm thôi hả Châu ? Tội nghiệp quá nhỉ !
Ánh còn tắc lưỡi vẻ thương hại. Em tức nghẹn mà không biết phải phản ứng ra sao ?
*
Giờ Lý tuần trước, vì bận việc riêng, thầy Phiên có nhờ một thầy khác dạy thay. Người thầy này cho làm bài góp. Chẳng may, em làm sai câu cuối cùng. Em bị điểm thấp trong khi hầu hết lớp đều được điểm khá cao.
Em thừa biết vì sao cả lớp được điểm cao. Trừ những nhỏ bạn học lực khá, số còn lại đã quay cóp trong sách vở, hoặc chép lại của nhau. Người thầy dạy thay thầy Phiên đã quá dễ dãi không bắt phạt mà chỉ nhắc nhở chung chung. Trong khi đó em tự tin ở mình và tự làm bài theo hiểu biết của mình.
Em nghe những tiếng xầm xì :
- Tao biết ngay mà. Không phải là thầy Phiên thì làm sao nó lớn điểm được.
- Lần này hết lên mặt với tụi mình.
Nhỏ Ngân bảo em :
- Tụi nó nói xấu mày đó Hương.
Em lắc đầu nói :
- Kệ tụi nó.
Nhỏ Ngân nhìn em với ánh mắt ái ngại. Nhỏ lại nhìn vào tờ bài làm của em để trước mặt. Em hiểu là Ngân đang nghi ngờ em. Em không trách Ngân mà chỉ trách mình...
*
Từ hạng năm vào tháng đầu năm học; em bị xuống hạng bảy chỉ vì hai điểm văn và lý quá kém. Em mất tinh thần, học tập chán nản. Mẹ em an ủi :
- Thì tháng sau Hương cố lên vậy. Mà Hương kỳ ghê vậy đó. Hạng bảy cũng là hạng khá rồi chớ bộ !
Em lắc đầu khó hiểu. Làm sao mẹ hiểu được hết tâm trạng của con. Sự chán nản của con đâu chỉ vì sự xuống hạng. Con không chịu đựng được những lời ganh tị, bàn tán nọ kia của các nhỏ bạn. Tụi nó nặng thành kiến về con thì phải. Tụi nó không tin được rằng con đã quyết tâm học giỏi. Mẹ ơi ! Làm sao con thản nhiên được trước những lời lẽ nghi ngờ con được điểm cao là nhờ cô Thục Viên, nhờ thầy Phiên...
*
Chỉ vì viết lầm dấu cộng thành dấu trừ trong bài toán đặt thừa số chung mà em làm sai đáp số. Cô Thục Viên nói với cả lớp :
- Đáp số của Bảo Hương đúng với đề mà em ấy đã chép sai. Nhưng lại sai với đáp số của đề đúng. Vì thế, cô kết luận rằng em ấy có cách giải đúng, cô cho một phần ba tổng số điểm gọi là an ủi. Có em nào không đồng ý thì cứ giơ tay lên cho cô biết.
Không nhỏ nào trong lớp giơ tay có ý kiến cả.
Nhưng đến giờ về, các nhỏ ấy bàn tán. Nhỏ Châu nói :
- Cô thiên vị ! Nếu như đứa khác, tao chắc chắn là cô sẽ cho không điểm ở câu ấy chớ đừng nói an ủi với khoan hồng...
Nhỏ Phương tán đồng :
- Ừ, rõ ràng là cô thiên vị.
Em biện hộ cho cô Thục Viên :
- Vậy sao lúc cô hỏi, tụi mày không có ý kiến ?
Nhỏ Châu bĩu môi :
- Ai dám ! Nói khác ý cô rồi cô trù ẻo thì sao ?
Nhỏ Phương còn ác hơn :
- Cô mà trù ẻo thì tới cuối năm, có mà xếp hạng... bốn mươi lăm !
Em rất bất bình nhưng cố dằn lòng :
- Tụi mày đã nói vậy, tao sẽ xin cô cho tao điểm không ở câu ấy...
Nhỏ Châu lại bĩu môi :
- Làm mặt anh hùng hoài ! Tao đố mày dám làm đó !
Nhỏ Phương vẫn độc ác :
- Mày mà dám xin cô bớt điểm à ? Chuyện khó tin của thời đại ! Nói mày xin cô thêm điểm thì dễ tin hơn.
Em tức nghẹn :
- Tụi mày đừng bịa chuyện nói xấu tao. Tao xin cô thêm điểm hồi nào ?
- Kỳ chưa ! Hồi nào thì mày tự biết chớ sao lại hỏi tao.
Thấy cuộc đối thoại có vẻ căng thẳng, nhỏ Châu nắm tay nhỏ Phương kéo đi :
- Thôi, mày gây với nó làm gì. Coi chừng nó kể lại với cô rồi cô trù ẻo bọn mình thì khốn !
- Mày có lý...
Nhỏ Phương thở khì một tiếng rồi nói với em :
- Tao xin lỗi mày nghe Hương. Tao quên là mày được cô Thục Viên bảo trợ !
Hai nhỏ Châu, Phương kéo nhau đi. Hai nhỏ đã đi xa rồi mà em vẫn tưởng như cả hai còn đứng đó với những lời mỉa mai cay độc. Em mím chặt bờ môi để khỏi bật ra tiếng khóc.
*
Cô Thục Viên cho em làm một bài toán khó ở nhà, phải mất một buổi, em mới giải được. Cô khen em đã có nhiều cố gắng. Em rất vui và cảm thấy tự tin.
Đến lớp, cô Thục Viên ra đề toán tương tự. Phần lớn các nhỏ bạn em không làm được hết bài. Chính nhỏ Hạnh cũng phải bí một câu. Tất nhiên bài của em hoàn chỉnh nhất.
Nhỏ Hạnh hỏi em :
- Mày giỏi quá. Chắc là mày đã làm bài này rồi phải không ?
Em thành thật :
- Ừ. Cô Thục Viên có cho tao làm một bài tương tự ở nhà.
Thế là nhỏ Hạnh đi nói với các nhỏ khác :
- Con Hương được cô cho làm trước ở nhà rồi. Hèn chi nó lớn điểm hơn tụi mình.
Cả lớp xì xào vì thông tin ấy. Nhỏ Ngân cũng hỏi em :
- Con Hạnh nói đúng không hả Hương ?
Em gật đầu xác nhận. Ngân phân bì :
- Mày sướng thật. Cô Thục Viên cho làm trước ở nhà thì mày sẽ nhất toán thôi.
Em muốn khóc vì những lời của nhỏ Ngân mà em biết là không có ác ý gì. Bỗng dưng, em đâm ra nghi ngờ mình. Phải ! Như vậy có phải em thực sự giỏi hơn các bạn không ? Chỉ vì được làm trước, em mới hơn bạn bè. Vậy nếu không được làm trước thì sao ? Các bạn em không phải không có lý. Trời ơi ! Bây giờ tới chính em cũng nghi ngờ mình...
*
- Cô hiểu hoàn cảnh của em. Cô khuyên em nên bỏ ngoài tai những lời bàn tán của bè bạn thì mới có thể học tập được.
Em nghẹn ngào :
- Thưa cô, em đã hết sức cố gắng. Nhưng...
Em không nói thêm được nữa. Dù đã kể cho cô Thục Viên nghe hết những nỗi khổ tâm của mình trước những lời xầm xì và thái độ của bạn bè, lại được cô khuyên nhủ, em vẫn thấy chán nản.
Cô Thục Viên kiên nhẫn động viên em :
- Em cần cố gắng hơn nữa. Em quên là cạnh em còn có ba mẹ em và cô, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đó em sao ?
- …
- Ba tháng qua, em đã cố gắng học. Từ những hạng cuối lớp năm ngoái, em đã vượt lên hạng năm ở tháng đầu năm học này, rồi hạng bảy, rồi lại hạng ba... Thứ hạng tuy có cao thấp, lên xuống, nhưng đều là hạng cao trong lớp cả. Chừng đó chưa đủ cho em tự tin sao, Bảo Hương ?
- Em rối trí quá cô ơi.
- Em phải bình tĩnh lại. Em còn nhớ em hứa gì với cô không ? Em cũng hứa với ba mẹ nữa. Thời gian qua, em đã thực hiện được lời hứa ấy. Bây giờ, kỳ thi học kỳ sắp đến, chẳng lẽ em để bạn bè ảnh hưởng rồi không giữ được lời hứa với gia đình và với cô sao ?
Em im lặng suy nghĩ. Những lời của cô Thục Viên đã khơi dậy lòng tự tin của em. Em tự thấy mình không thể để cho những người thân thất vọng. Em nói với giọng cương quyết không ngờ :
- Vâng, thưa cô, em sẽ cố gắng hơn. Em sẽ cố không để ý đến những gì bạn bè nói không đúng về mình nữa. Em sẽ được xếp hạng cao trong học kỳ này...
- Cô tin lời Bảo Hương. Em ngoan lắm... Ánh Nga ạ ?
Em tựa đầu vào vai cô Thục Viên, nũng nịu :
- Vâng, Ánh Nga sẽ làm vui lòng chị...
*
Mẹ em có vẻ lo lắng vì trong thời gian học thi học kỳ một, em thức khuya, người có sút đi đôi chút. Nhưng đâu phải chỉ có một mình em. Nhiều nhỏ bạn em cũng gầy đi vì lo học. Những nhỏ hay ganh tị, nói xấu em cũng chuẩn bị cho kỳ thi, tạm tha cho em. Chính điều ấy lại tạo thuận lợi cho em yên tâm học. Em tự ra đề thi và làm thử ở nhà. Em ôn lại tất cả những bài toán đã làm từ đầu năm và thấy lòng rộn vui mỗi khi giải xong một bài toán với thời gian ngắn nhất.
Những ngày thi học kỳ đến. Em hồi hộp và trở nên bình tĩnh hẳn sau khi đọc đề thi. Em làm bài thi gần như hoàn toàn. Mẹ em nghe em kể chuyện, vui ra mặt. Mẹ nói :
- Mẹ sẽ may cho Hương một bộ quần áo mới để con mặc Tết.
- Nhưng còn chưa có kết quả thi học kỳ mà mẹ...
- Chưa có nhưng mẹ tin chắc Hương sẽ được xếp hạng cao. Con nói đi, con thích màu áo gì nào ?
Em sung sướng ôm lấy mẹ :
- Con thích màu áo nào mẹ thích !
Em nhớ đến ba. Hôm nào ba về, biết em học tập tốt, ba cũng sẽ rất vui. Ba sẽ dẫn em đi phố ăn kem, sẽ mua tặng em một món quà gì đó, sẽ...
*
Ngày vui đến với em, một ngày vui trọn vẹn. Điểm thi học kỳ một, trong lớp em chỉ kém nhỏ Hạnh một chút xíu. Nhỏ Hạnh vẫn là vô địch, thật đáng phục. Có lẽ nhỏ đã tin là em tự tạo được kết quả học tập cho mình, nhỏ đã nói với em :
- Mày giỏi lắm ! Tao sẽ phải cố gắng hơn...
Còn nhỏ Ngân, nó vui như một đứa trẻ lên năm :
- Đi, đi theo tao, tao sẽ đãi mày một chầu chè đậu xanh. Rồi mày nói cho tao nghe coi, mày có bí quyết gì để học giỏi ?
Em nghĩ rằng mình đã thay đổi được thành kiến của bạn bè với mình...

Chương 4

Em đã lầm khi nghĩ rằng các bạn cùng lớp không còn hoài nghi mình. Bởi vì chỉ không lâu sau kết quả thi học kỳ một, lại xuất hiện những lời làm em phải buồn lòng.
"Con Hương đứng hạng cao nhờ điểm môn toán của cô Thục Viên và điểm môn lý của thầy Phiên".
"Con Hương mà học giỏi hơn con Châu, ai tin cho được. Chẳng qua vì con Châu bị bệnh trước kỳ thi chớ không thì con Hương đừng có mong..."
"Hay không bằng hên. Hãnh diện gì."
Tại sao vậy ? Con Hương hạng năm. Con Hương hạng bảy. Con Hương hạng ba. Con Hương hạng nhì... Tại sao vậy ? Tại sao bất cứ chuyện gì có liên quan đến em, thì dù chỉ là chuyện nhỏ nhặt, cả lớp cũng chú ý đến. Những lời nghi ngờ khi em được điểm cao. Những lời chê bai khi em bị điểm kém... Em chỉ muốn yên thân để học. Chừng đó thôi. Em có phải là một diễn viên trên sân khấu đâu mà mọi người cứ nhìn vào em rồi bình phẩm ?
Em từng hứa với cô Thục Viên sẽ bỏ ngoài tai hết thảy những lời nọ kia của bạn. Nhưng em không thể... Em lại bị ảnh hưởng rồi... Em lại trở về tình trạng tự hoài nghi...
Cô Thục Viên biết hết. Một hôm, cô kể cho em nghe một câu chuyện ngày xưa. Ðó là chuyện cha con nhà nọ đi bán lừa. Họ dắt lừa ra chợ. Một người qua đường nói : "Cha con nhà anh thật ngốc, có con lừa mà lại chịu đi bộ". Nghe vậy, hai cha con bèn leo lên lưng lừa bắt nó chở đi. Một người qua đường khác nói : "Có mỗi con lừa mà tới hai người cởi, nó kiệt sức thì bán với chác gì nữa". Người cha bèn nhường cho con ngồi, mình xuống đi bộ. Người qua đường thứ ba dèm xiểm : "Ở đời sao có chuyện kỳ khôi, con thì ngồi ung dung trên lưng lừa để cha già yếu đuối phải đi bộ". Rốt cuộc, hai cha con cùng xuống cuốc bộ như trước. Người cha ngửa mặt mà than thở : "Biết làm sao cho vừa lòng mọi người được".
Em hiểu ngụ ý của câu chuyện. Cô Thục Viên muốn khuyên em bền chí trong việc học. Nhưng... cô Thục Viên ơi ! Chị Thục Viên của Ánh Nga ơi ! Em cảm nhận như trong lòng mình còn thiếu một cái gì đó, cái gì đó giúp em chịu đựng, giúp em vững vàng...
*
Chủ nhiệm lớp em là cô Oanh. Cô dạy văn lớp em năm nay và cũng từng dạy năm ngoái, nên cô rất hiểu bọn em. Vì thế khi cô đề cử nhỏ Phụng làm trưởng ban tổ chức buổi tất niên, cả lớp bằng lòng ngay.
Nhỏ Phụng lên bục giảng để sắp xếp công việc. Trước hết, nhỏ hỏi cả lớp :
- Năm nay các bạn muốn ăn mặn hay ăn ngọt xin cho biết ý kiến để tôi ước tính chi phí.
Cả lớp đưa ý kiến hỗn loạn :
- Đồ ngọt !
- Đồ mặn !
- Mặn ngọt đi ! Cổ kim hòa điệu !
Cô Oanh gõ thước giữ im lặng. Nhỏ Phụng lớn giọng :
- Ai muốn ăn mặn thì giơ tay lên ?
Hơn nửa lớp đưa tay. Nhỏ Phụng lại hỏi :
- Thế còn những ai muốn ăn ngọt ?
Chỉ có hơn mười cánh tay giơ cao.
Nhỏ Phụng viết lên bảng : "Quyết định của lớp : ăn đồ mặn". Sau đó, nhỏ tính toán gì đó ở một góc bảng. Cuối cùng, nhỏ quay xuống lớp tuyên bố :
- Theo ước tính của tôi, thì mỗi bạn sẽ đóng góp ba ngàn.
Cả lớp nhao nhao phản đối :
- Sao nhiều thế ? Mày có tính sai không hả Phụng ?
- Mỗi đứa ba ngàn, nhân cho năm chục đứa, vị chi một trăm năm chục ngàn. Mày tính mua bán gì mà nhiều vậy ?
- Mày có tính bớt xén "công quỹ" hay không đó ?
Nhỏ Phụng "hứ" một tiếng :
- Tiền nào của nấy ! Ăn mặn, tối thiểu cũng phải hai ngàn.
- Nó bớt xuống rồi tụi mày ơi.
- Thôi, ngàn rưỡi đi.
- Ngàn sáu cũng được !
Cô Oanh can thiệp :
- Cô nghĩ rằng ta nên liệu cơm gắp mắm. Phụng cho biểu quyết xem những ai bằng lòng đóng góp hai ngàn đi.
Nhỏ Phụng ra giá "Ba ngàn" trước. Chỉ có năm đứa đồng ý. Phụng hạ "Hai ngàn rưỡi". Được mười hai đứa. Phụng hô : "Hai ngàn", cũng chỉ được hai mươi đứa, chưa quá nửa lớp. Nó than :
- Đứa nào cũng muốn ăn ngon mà tiền thì không chịu đóng góp cho đủ. Biết làm sao bây giờ ?
Em đề nghị :
- Nếu vậy mình sẽ ăn đồ ngọt. Tôi đề nghị mỗi người đóng một ngàn thôi.
Vài nhỏ đồng ý :
- Con Hương nói có lý. Thôi, ăn đồ ngọt đi.
- Đóng góp một ngàn là vừa túi tiền rồi.
- Hoan hô con Hương. Hoan hô !
Nhưng lập tức có những ý kiến phản đối :
- Hoan hô cái gì ? Ăn ngọt để bị đau bụng ấy hả ?
- Ăn ngọt thì thà không ăn tất niên còn hơn. Hứ !
- Cả lớp đã quyết định ăn đồ mặn rồi. Ăn mặn. Ăn mặn !
Nhỏ Thu nói rồi la lớn, kéo theo một nhóm cùng la rập khuôn :
- Ăn mặn ! Ăn mặn !
Nhỏ Phụng rất khôn. Nhỏ nắm ngay thời cơ và hỏi :
- Tôi xin hỏi lại. Ai bằng lòng góp hai ngàn ?
Thật lạ lùng, lần này, gần hết cả lớp giơ cao tay. Nhỏ Ngân, một tay giơ cao, tay kia tát nhẹ lên má em, nói :
- Mày thua rồi Hương ơi !
Câu nói hồn nhiên của Ngân lại khiến em chạnh nghĩ tới mình. Em tự hỏi phải chăng chỉ vì em phát biểu ý kiến mà cả lớp có thái độ khác với trước đó. Các nhỏ ấy thà chịu đóng hai ngàn đồng còn hơn chịu theo đề nghị của em ?
Em chẳng muốn góp ý gì nữa khi cả lớp bàn tiếp các việc khác. Nhưng cô Oanh gọi đến tên em. Cô giao cho em phụ trách phần văn nghệ vì năm ngoái em đã từng làm việc đó. Cô hỏi cả lớp :
- Các em có đồng ý không ?
Các nhỏ im lặng, nhìn nhau dò ý. Nhỏ Thu nói trước :
- Em phản đối.
Kế đó là nhỏ Hạnh :
- Em cũng vậy.
Các nhỏ khác nhao nhao lên :
- Giao cho đứa khác, thay đổi không khí đi cô.
- Năm nay cho con Hương "về vườn".
Thật lòng, em chẳng ham gì công việc tổ chức văn nghệ cho buổi tất niên. Nhưng thái độ của bạn bè khiến em thấy mình bị cô lập. Em nhớ lời khuyên của cô Thục Viên, cố dàn lòng... Hương ơi ! Hãy bỏ ngoài tai tất cả...
*
Thấy em không dự tiệc tất niên, cô Thục Viên đến nhà để hỏi. Bởi vậy, mẹ em biết mọi chuyện. Cô Thục Viên thấy không thể tiếp tục giấu mẹ em, đành kể hết những gì em từng thố lộ vớt cô. Mẹ em nhìn em thật lâu, tưởng như muốn đọc thấu ý nghĩ của em trong tận đáy tâm hồn. Em ôm lấy mẹ :
- Mẹ đừng giận con nghe mẹ !
Mẹ em nói :
- Không, mẹ không giận Hương đâu. Vì cho dù mẹ có biết cớ sự, mẹ cũng không thể làm gì hơn những gì cô Thục Viên đã làm cho con. Mẹ chỉ biết khuyên thêm : con đừng quan trọng hóa những chuyện ấy nữa. Bạn bè con nói gì, đối xử với con thế nào, con cứ lo cho việc học của mình. Mẹ tin rồi thời gian sẽ giúp bạn bè hiểu con...
Em gục mặt :
- Vâng, con xin nghe lời mẹ. Nhưng... con muốn... mẹ đừng cho ba biết chuyện này... Lâu lâu ba mới về nhà dăm ngày, con muốn thấy ba vui.
Mẹ em gật đầu :
- Được, mẹ hứa sẽ không cho ba biết.
*
Mấy ngày Tết trôi qua. Ba em chỉ về thăm nhà một ngày trước tết rồi trở lại công trường. Ba hẹn, hết mấy ngày tết lo cho công nhân, ba sẽ được nghỉ bù, về ăn tết muộn. Nhờ có cô Thục Viên, không khí những ngày tết trong nhà em không đến nỗi hiu quạnh lắm.
Ba em về, cả nhà ăn tết muộn. Ba dành hết thì giờ cho mẹ con em. Ba đưa hai mẹ con đi chơi phố, đi xem phim, ăn kem, nghe nhạc. Tối đến, ba trải chiếu trước sân, ngồi nói chuyện với mẹ con em bên ấm nước trà nóng, gói đậu phộng rang và vài cái bánh kẹo. Ba hay pha trò trong các câu chuyện. Một lần, em kể lại giấc mơ của mình hôm trước :
- Con thấy mấy con rắn to đuổi theo con. Con sợ quá, chạy tuốt lên gác xép. Vậy mà chúng vẫn không buông tha, phóng theo sau. Bỗng nhiên, con thấy mình bay bổng, thoát ra khỏi mái nhà...
Ba em thêm :
- Hèn chi ba nghe tiếng ngói vỡ !
Mẹ con em cười vui.
Em tạm quên đi những lo lắng, ưu phiền về việc học của mình. Có lẽ mẹ em đã giữ lời hứa không cho ba em biết chuyện gì, nên xem ba thật vui. Không nghe thấy ba nhắc chuyện học hành. Đôi khi, mẹ em hoặc chính em có nói đến chuyện này, ba gạt đi ngay :
- Thôi, ai chẳng biết Hương học giỏi. Chắc lại muốn khoe điểm, khoe hạng chứ gì ? Ba thuộc hết rồi. Ta nói chuyện khác đi.
Tận đến tối cuối cùng, trước khi trở về công trường vào sáng hôm sau, ba em mới nói với em về việc học hành. Ba mở đầu :
- Dạo này Hương học hành thế nào, kể cho ba nghe đi nào.
Em cười :
- Ba nói ba biết hết rồi mà !
- Đúng. Ba biết hết. Thôi, để ba nói cho Hương nghe xem có gì sai hay không nhé !
- Ba nói đi.
- Hương đã vượt lên những hạng đầu lớp.
- Đúng rồi.
- Hương đã phải gắng sức ghê lắm. Trước khi thi học kỳ, Hương đã học ngày học đêm ?
- Vâng.
- Nhưng Hương vẫn chỉ xếp hạng nhì. Vẫn kém một bạn học trong lớp.
- Vâng, con đã cố gắng hết sức mình nhưng vẫn không vượt được nhỏ Hạnh. Nó giỏi quá.
- Vậy Hương có muốn học bằng rồi vượt bạn Hạnh không ?
- Có chứ ba !
- Ba sẽ giúp Hương.
Em hỏi đùa :
- Bằng cách làm bài hộ con ?
Ba tát nhẹ lên má em :
- Muốn vậy thì Hương phải gọi điện báo bài tập cho ba, rồi ba gửi điện báo bài giải về !
- Nhưng ba nói đi. Ba sẽ giúp con bằng cách nào ?
Ba em đứng lên :
- Hương ngồi yên đây, đợi ba một chút.
Em ngạc nhiên trước sự bí mật của ba. Một chút xíu sau, ba em trở lại với một cuốn tập trong tay. Cuốn tập bao bìa xanh lá cây còn mới tinh. Ba ngồi xuống đưa cuốn tập ra trước mặt em và nói :
- Đây, ba giúp Hương đây. Ba tặng Hương cuốn tập này, một món quà mà ba tin chắc không có món quà nào quý hơn với Hương.
Em thấy vui vui :
- Ba không quảng cáo với con đó chớ ? Cuốn tập này mà quý giá đến vậy sao ?
Ba em giải thích :
- Đúng, nó rất quý. Vì nhờ có nó, Hương sẽ học giỏi bằng bạn Hạnh của con.
- Ba không đùa con đó chớ ?
Ba em nghiêm giọng :
- Ba không đùa đâu.
Em ngạc nhiên hết sức. Không hiểu trong cuốn tập có gì mà ba bảo là quý giá. Ba em đã kịp giải thích :
- Thực ra thì cuốn tập này chẳng có gì là quý. Nhưng vật có trong cuốn tập mới là đáng quý. Hương thử đoán xem vật gì ?
Em lắc đầu. Ba em lấy tay lật nhẹ cuốn tập từng tờ một. Em ngạc nhiên thấy ngay trang đầu là những trang giấy trắng. Sau đó em thấy một cái bóng mờ mờ hiện lên giữa một trang khác. Cái bóng mờ ấy có hình trái tim. Ba em dừng tay, nhìn em mỉm cười, rồi ba lật tờ giấy lên. Em kêu lên :
- Cây gì vậy ba ?
Ba em cười :
- Hương lầm rồi. Một chiếc lá đó chớ.
Em nhắc lại :
- Một chiếc lá ?
Em nhìn chăm chăm vào chiếc lá lạ. Quả đúng là một chiếc lá thật. Có điều, một chiếc lá không có phiến mà chỉ gồm những nhánh nhỏ, hệt như một chiếc lá bình thường đem ngâm bùn lâu ngày chỉ còn gân lá. Nhưng những nhánh của chiếc lá lạ này lại được xếp đặt rất đều đặn. Ngoài nhánh chính với đoạn dưới lớn, màu nâu nhạt của thân cây, đoạn trên màu xanh đọt chuối, em còn đếm được tất cả sáu nhánh khác chia đều hai bên nhánh chính đó. Sáu nhánh này xếp xen kẽ nhau thật đều.
Chiếc lá với những nhánh màu xanh lục, phân chia chi chít đó làm em liên tưởng tới hình dáng của những cây thông mà chưa một lần em nhìn tận mắt. Em hỏi ba :
- Có phải lá thông không ba ?
Ba em lắc đầu :
- Không ! Chiếc lá này Hương chưa nghe nói đến bao giờ đâu.
- Lá gì vậy ba ?
Ba em đáp chậm rãi và rõ ràng :
- Lá thuộc bài !
- Lá thuộc bài ?
Em lặp lại rồi cầm cuốn tập lên, nhìn cho rõ hơn chiếc lá thuộc bài. Ba em nói :
- Ai có chiếc lá thuộc bài này, người ấy sẽ học giỏi. Đấy, Hương đã biết vì sao ba nói nó quý chưa ?
Em vẫn còn ngờ vực lời ba em :
- Ba nói thật ?
- Ba biết là Hương chưa tin. Nhưng rồi sau này, Hương sẽ phải tin. Bây giờ, Hương nghe lời ba dặn đây. Hương cất cuốn tập này vào cặp thật kỹ. Khi nào học bài hay làm bài thì Hương để cuốn tập này dưới cuốn tập bài học hoặc bài làm và cầu xin. Ba cam đoan Hương sẽ học bài chóng thuộc, làm bài có kết quả tốt.
Em bị lôi cuốn dần vào những lời nói của ba. Có cái gì huyền bí nơi chiếc lá thuộc bài vậy ? Ôi ! Tới một lúc nào đó em được chứng nghiệm sự linh ứng của chiếc lá, chắc em sung sướng lắm !
Có tiếng mẹ em gọi ngoài cổng. Ba nói thêm với em :
- Chút nữa ba quên mất. Ba dặn Hương điều quan trọng nhất là muốn cho chiếc lá thuộc bài còn linh ứng, Hương không được cho người thứ ba nào được biết, kể cả mẹ. Hương nhớ lời ba dặn chưa ?
Em gật đầu. Ba bảo :
- Thôi, Hương cất tập đi. Ba ra mở cổng cho mẹ.
Em cầm cuốn tập chạy nhanh vào phòng. Trước khi bỏ vào cặp, em còn mở cuốn tập ra, đưa chiếc lá thuộc bài lên hít hít mấy hơi. Sau đó, như một tín đồ ngoan đạo, em đặt cuốn tập xuống nhìn chăm chăm vào chiếc lá thuộc bài đặt trên ba chữ : "Hoàng Bảo Hương" do chính tay ba em đề tặng. Em lẩm nhẩm :
- Cầu xin thần lá thuộc bài giúp con học giỏi !
Cầu xin xong, em bỗng cười một mình. Em nghĩ : Phải chăng mình đang tin dị đoan ?
*
Ba em lại ra đi. Em cũng đi học lại.
Ngay buổi học đầu năm, thầy Phiên đã cho cả lớp một lô bài tập Lý để gọi là lì xì. Ngay chiều hôm ấy, về nhà, em lấy ra làm ngay. Em làm một lúc xong ba bài đầu, đến bài thứ tư thì phải cắn bút. Bài toán rất ngắn, chỉ có một câu hỏi mà em nghĩ mãi không ra cách giải. Em loay hoay với tờ giấy nháp có đến mười lăm phút vẫn bí !
Chợt, em nhớ đến chiếc lá thuộc bài. Từ khi ba em đi, em cũng quên bẵng nó. Ba có nói rồi, khi làm bài thì lấy cuốn tập ba tặng để dưới tập bài làm rồi cầu xin, thế nào cũng làm được. Đây chính là lần thử thách đầu tiên.
Em lấy cuốn tập có chiếc lá thuộc bài, mở ra, nhìn chiếc lá một chút rồi chắp tay lại, thầm nói : "Con cầu xin…"
Gấp cuốn tập để dưới cuốn bài tập lý, em lấy giấy nháp ra làm. Dù hoài nghi, em vẫn thầm mong những gì ba em nói là sự thật. Em tập trung suy nghĩ. Em nghiền ngẫm từng câu chữ trong bài tập khó đang thách thức mình.
Phép lạ đã xảy ra ! Không bao lâu em đã nghĩ ra cách giải bài tập khó kia. Em chép sạch vào tập và ngồi ngẩn ra trước thành quả của mình. Chiếc lá thuộc bài quả linh ứng. Nó giúp em vượt qua bài tập khó, lại giúp em giải nốt những bài còn lại khá dễ dàng.
*
Dù không muốn tin, nhưng những sự việc liên tiếp diễn ra đã buộc em phải tin là chiếc lá thuộc bài có tác dụng. Em quý chiếc lá vô cùng. Những bài toán khó, những bài tập Lý rắc rối, những bài học khó nhớ... nhờ chiếc lá thuộc bài, hết thảy, em đều vượt qua được. Em thầm cảm ơn ba đã tặng em một vật báu. Em không còn mặc cảm trước một nhỏ Hạnh, em bình thản trước sự ganh tị của bạn bè. Mà dường như cả lớp cũng đã bớt đi cái nhìn soi mói vào em, thay vào đó một nỗi ngạc nhiên.
Cô Thục Viên cũng phải hỏi em :
- Dạo này cô thấy Bảo Hương vui hẳn ra. Cô mừng lắm. Nhưng nhờ cái gì mà em được như vậy, nói cho cô biết được không nào ?
Em cười lắc đầu không trả lời câu hỏi của cô Thục Viên. Ba em đã dặn rồi : không được cho người thứ ba biết chuyện, nếu không, chiếc lá sẽ không còn linh ứng nữa.
Mẹ em thì nói với em :
- Thấy Hương không còn buồn rầu như trước, mẹ sung sướng lắm. Nếu con cứ được như thế này, ba mẹ chẳng còn gì phải lo lắng nữa. Thế nào ba mẹ cũng phải thưởng cho con một món quà gì đó. Hương đã tự cố gắng vượt qua được những khó khăn...
Em bật thốt :
- Không phải vậy đâu mẹ...
May mà em kịp dừng lại. Suýt chút nữa em đã nói ra sự thật, rằng không phải em đã tự cố gắng vượt khó như mẹ nghĩ, mà chính nhờ chiếc lá thuộc bài thần diệu.
Mẹ em hỏi :
- Hương định nói gì ?
- À không. Con chỉ định nói với mẹ một chuyện vui... Mẹ biết không, tháng này, con đã được đồng hạng nhất với nhỏ Hạnh rồi...
- Ôi ! Hương được nhất à ?
Mẹ em ôm chầm lấy em. Mẹ hôn lên trán, lên má em. Nỗi mừng của mẹ khác nào niềm vui đang rộn rã lòng em. Em lại nhớ đến ba. Khi ba em ghé thăm nhà, em cũng sẽ báo tin vui cho ba biết. Chắc ba sẽ hỏi : "Sao ? Bây giờ Hương đã tin lời ba chưa ?" Em sẽ gật đầu và nói : "Con tin rồi. Chiếc lá thuộc bài linh lắm". Em không ngại dù lúc ấy có mặt mẹ bên cạnh hai cha con. Chắc mẹ chẳng đoán được chuyện gì rõ ràng...
*
Bỗng dưng nhỏ Ngân tìm đến em để xin lỗi. Em ngạc nhiên hỏi :
- Nhưng mày xin lỗi việc gì ?
- Cái vụ tao nghi ngờ mày chép bài hồi đầu năm ấy mà.
Em cười lớn :
- Tao quên chuyện ấy rồi. Mà tao cũng đâu có giận mày.
Nhỏ Ngân mở lớn đôi mắt :
- Mày nói thật hả ?
Bẵng một dịp khá lâu, em với nhỏ Ngân có vẻ xa cách nhau dù hai đứa vẫn ngồi cạnh nhau, vẫn trò chuyện với nhau. Bây giờ Ngân xin lỗi em chuyện đầu năm, chắc chắn nó muốn nối lại tình thân năm ngoái. Quả vậy, nó nói :
- Tao nghĩ là tụi mình nên chơi thân với nhau như trước. Nói tụi mình là tao với mày thôi. Tao nghỉ chơi với tụi con Thu, con Điệp, con Nga rồi. Bây giờ tao đã tin chắc là mày học giỏi. Mày học giỏi thật đó Hương. Mày đã là kỳ phùng địch thủ của con Hạnh rồi...
Em cầm tay nhỏ Ngân :
- Mày hiểu được tao, tao mừng lắm.
- Chưa hết đâu. Mày nghe tao nói thêm điều này nữa. Tao đã quyết định sẽ cố học như mày. Rồi mày coi. Tao sẽ vươn lên nhóm dẫn đầu lớp.
Em reo lên :
- Mày nói thì phải giữ lời nghe chưa.
Em vui quá. Điều em mong muốn từ đầu năm học, mong nhỏ Ngân cũng chịu chăm học như mình, nay không ngờ em lại được chính đứa bạn nói với mình. Ngân tâm sự :
- Ba má tao mới rầy tao dữ lắm. Tao nhất định sẽ học hành đàng hoàng để theo kịp mày tao mới chịu.
Em vẫn cầm tay Ngân :
- Rồi mày sẽ đuổi kịp tao Ngân ạ.
*
Em định sẽ dành cho nhỏ Ngân một ngạc nhiên. Em sẽ tặng nhỏ ấy một cuốn tập có chiếc lá thuộc bài như ba đã tặng em. Em mong nhỏ ấy học giỏi như mình.
Nhưng có một điều khó khăn là em không biết phải tìm chiếc lá thuộc bài ở đâu. Nếu hỏi xin ba thì chiếc lá của nhỏ Ngân đã có ba người biết, liệu nó có linh ứng không ?
Cuối cùng, em nghĩ ra một cách. Em sẽ ngắt một nhánh chiếc lá thuộc bài của mình để tặng nhỏ Ngân. Em đã cẩn thận hỏi ba : "Nếu con lỡ làm gẫy một nhánh lá, nó có mất linh ứng không hả ba ?". Ba em đáp : "Không sao đâu Hương ạ. Chiếc lá chỉ mất tác dụng khi có người thứ ba biết được".
Em lấy một cuốn tập mới, cũng bao tập bằng giấy bóng màu xanh lá cây. Gài nhánh lá thuộc bài vào tập rồi, em nắn nót viết ba chữ "Lê Thị Ngân" xuống bên dưới. Em tin là nhỏ Ngân sẽ vui mừng và ngạc nhiên khi nhận món quà này.
Em tưởng tượng : đôi mắt nhỏ Ngân sẽ mở thật lớn mà nhìn nhánh lá thuộc bài. Có thể, cái miệng nó sẽ há tròn. Sau đó, em sẽ nói cho Ngân biết công dụng kỳ diệu của chiếc lá thuộc bài :
- Ai có chiếc lá thuộc bài, người ấy sẽ học giỏi.
Chương 5

Im lặng giữa em và nhỏ Ngân. Có lẽ nhỏ ấy cũng hồi hộp như em vậy. Em thì hồi hộp đợi xem phản ứng của nhỏ ấy, còn nhỏ hồi hộp vì không biết có vật gì trong tập.
Nhỏ Ngân đã lật đến trang có nhánh lá thuộc bài. Em nhìn Ngân, chờ nghe tiếng kêu ngạc nhiên, đôi mắt mở tròn. Nhưng lạ quá, Ngân không một chút ngạc nhiên. Nhỏ nhìn em cười mỉm và nói :
- Cảm ơn mày. Tao hiểu ý mày rồi.
Người ngỡ ngàng lúc này lại là em. Nhỏ Ngân đã phản ứng khác hẳn với ước tính của em. Lại nữa, câu nói của nhỏ khiến em phải phân vân khó hiểu "Tao hiểu ý mày rồi". Em có ý gì đâu ? Nhỏ ấy hiểu gì ?
Nhỏ Ngân nói :
- Mày cho tao chiếc lá thuộc bài này là có ý khuyên tao cố chăm học để trở thành học sinh giỏi trong lớp phải không ?
Nhỏ Ngân lại biết cả tên chiếc lá thuộc bài ! Lạ quá !
Em hỏi :
- Mày cũng biết chiếc lá thuộc bài à ?
Nhỏ Ngân chu môi :
- Chớ chẳng lẽ tao là người trên cung trăng xuống nên không biết !
Em mới là người từ cung trăng rớt xuống !
Nhỏ Ngân vui miệng kể :
- Mày biết không, hồi tao còn nhỏ xíu, anh Hai tao đã từng cho tao chiếc lá này rồi. Ảnh nói : muốn thuộc bài nào cứ để chiếc lá vào trong tập có chép bài ấy, khỏi cần học cũng thuộc. Tao nghe lời làm thử. Rốt cuộc, tao bị lãnh trứng vịt vì không thuộc bài. Vậy đã hết đâu, tao còn bị cô bắt quỳ cả buổi nữa chớ...
Nhỏ Ngân kể mà em chỉ nghe loáng thoáng. Em tưởng như tai mình đang ù đi. Nhỏ Ngân vẫn vô tư tiếp :
- Lớn lên tao mới biết anh Hai tao nói dối. Người lớn họ ưa bày đặt nói nọ kia để con nít tin ghê !
Ba em đã lừa dối em đó sao ? Phải rồi. Đúng là ba đã lừa dối em. Chính vì thế ba không muốn em cho người thứ ba được biết. Ba khéo bịa đặt thì thôi : "Nếu để người thứ ba biết được, chiếc lá sẽ hết linh ứng".
Em thấy mặt mình bừng nóng.
Nhỏ Ngân hỏi :
- Kìa ! Mày sao vậy Hương ?
- Tao... tao hơi nhức đầu.
Nhỏ Ngân mở cặp lấy chai dầu khuynh diệp trao cho em :
- Nè, bôi dầu đi. Chắc mày bị trúng gió độc rồi.
Em nhận chai dầu :
- Cảm ơn mày.
Ánh mắt của em lại chạm phải cuốn tập của nhỏ Ngân với nhánh lá thuộc bài em tặng nhỏ. Em muốn hờn trách ba. Không hiểu sao, em bật khóc. Nhỏ Ngân hốt hoảng :
- Chuyện gì vậy Hương ? Mày giận tao à ?
Em lắc đầu. Em nghĩ đến ba em. Ba ơi ! Sao ba nở lừa dối con gái của ba ?
*
Em đem chiếc lá thuộc bài ra hỏi nhiều nhỏ bạn khác. Cũng có nhiều đứa không biết, nhưng những đứa khác chẳng lạ gì. Chúng còn kể cho em nghe những kỷ niệm thuở nhỏ của chúng với chiếc lá thuộc bài. Những câu chuyện đều tương tự như chuyện của nhỏ Ngân : tin lời người lớn để lá thuộc bài vào tập bài học mà chẳng thuộc gì cả.
Nhỏ Hiếu còn cho em biết tên thật của chiếc lá thuộc bài nữa. Nhỏ khoe, nhà nhỏ có trồng một cây làm cảnh. Ba má Hiếu gọi là cây trắc bá diệp.
Em ngồi thẫn thờ trước cuốn tập có chiếc lá thuộc bài. Không, chiếc lá cây trắc bá diệp mới chính xác.
Sau những khoảnh khắc ban đầu ngỡ ngàng trước sự thật và oán trách ba, em đã thấy lòng mình lắng hơn. Em tự hỏi : "Ba nói dối mình với dụng ý gì ?"
Em phăng dần manh mối.
Đầu tiên, em gặp cô Thục Viên và hỏi cô có biết lá thuộc bài không ? Cô đáp :
- Lá trắc bá diệp chớ gì.
Vậy là cô biết rất rõ. Em lại hỏi :
- Thưa cô, tại sao người lớn lại bịa đặt với trẻ con rằng ai có chiếc lá thuộc bài sẽ học giỏi ?
- Đâu phải vậy. Người ta nói là ai có chiếc lá thuộc bài để vào bài học nào sẽ thuộc bài học ấy mà khỏi phải học chớ.
- Sao vậy cô ?
- Hương không biết thật à ?
- Vâng.
- Thế Hương có biết chuyện chuồn chuồn cắn rốn ba lần thì biết bơi không ?
- Em biết.
- Thì đấy, chuyện ấy hay chuyện lá thuộc bài đều nhằm tạo cho đứa trẻ một niềm tin...
- Tạo một niềm tin ?
- Đúng vậy. Theo cô, đáng lẽ người ta nói như thế này mới đúng : "Nếu để chiếc lá thuộc bài nơi bài học, sẽ học bài dễ thuộc hơn", hoặc là : "Cho chuồn chuồn cắn rốn ba lần, sẽ mau biết bơi hơn"...
Cô Thục Viên lại cho em biết thêm nhiều chuyện khác :
- Cô đố Bảo Hương chớ tại sao người ta lại bảo trẻ con mà ăn chân gà thì tay run, viết chữ xấu ?
- Viết chữ xấu thật đó cô.
Cô Thục Viên cười ngặt nghẽo :
- Đó, thấy chưa. Bảo Hương mà còn tin thì khỏi nói những đứa trẻ ít tuổi hơn. Sự thật là thế này : Chân gà có rất nhiều xương nhỏ, ăn không khéo có thể bị hóc xương. Vì sợ trẻ con bị hóc xương, người ta mới nói "Ăn xương gà tay run, viết chữ xấu". Đứa trẻ nào đi học mà không sợ viết chữ xấu, thành ra chẳng đứa nào dám ăn chân gà cả...
- Thì ra vậy...
- Lại còn chuyện ăn ốc nói mò nữa...
- Cô giải thích đi cô.
- Cô đoán là thế này. Khi ăn ốc, người ta thường dễ bị dị ứng như nổi mề đay, nếu cơ thể không hợp. Một lý do khác có thể là ăn ốc, người ta dễ bị... nhột bụng. Bởi vậy mới bịa ra câu "ăn ốc nói mò".
Cô Thục Viên dừng lời một chút rồi hỏi em :
- Nhưng mà Bảo Hương chưa cho cô biết tại sao bỗng dưng em lại hỏi cô chuyện lá thuộc bài ?
Em chưa muốn cho cô Thục Viên biết chuyện ba em cho em chiếc lá thuộc bài. Em nói :
- Tại... em nhặt được một chiếc lá thuộc bài. Em hỏi nhỏ bạn, nó nói tên và công dụng của chiếc lá. Em chưa tin nên phải hỏi cô cho rõ...
- Phải đó. Tin làm sao được mà tin. Nếu quả đúng ai có lá thuộc bài thì học giỏi, thì làm gì có người phải xếp hạng... bốn mươi lăm trong lớp !
Em cười khúc khích theo cô Thục Viên.
Về nhà, em gặp mẹ đang ngồi vá áo. Em ngồi xuống bên mẹ và rồi em đã kể cho mẹ nghe hết mọi chuyện. Từ chuyện ba tặng em cuốn tập tới chuyện em bắt chước ba tặng nhỏ Ngân để rồi biết được sự thật. Nghe em kể xong, mẹ em lặng thinh một lúc mới nói :
- Mẹ không ngờ... Thì ra chỉ với một chiếc lá thuộc bài mà ba đã giúp Hương thoát khỏi tâm trạng buồn chán...
- Vậy là mẹ cho ba biết chuyện con bị dao động tinh thần vì bạn bè trong lớp sao ?
Mẹ ôm em vào lòng :
- Hương bỏ lỗi cho mẹ. Mẹ đã hứa sẽ giấu ba nhưng rồi mẹ lại nói cho ba biết hết. Với ba, mẹ không thể giấu giếm bất cứ chuyện gì...
Em nhìn mẹ hỏi :
- Mẹ có biết ba nói dối con chuyện chiếc lá thuộc bài với dụng ý gì không ?
Mẹ em nói thật dài, giọng hồi tưởng, thiết tha :
- Mẹ biết. Tuy ba không cho mẹ biết chuyện ba cho Hương chiếc lá thuộc bài nhưng mẹ vẫn hiểu. Hương nhớ lại đi nào. Ngày xưa, ba mồ côi, không thân bằng quyến thuộc. Ba vừa đi làm cho một cửa hàng nọ, vừa đi học thêm. Sự cố gắng của ba không tránh khỏi những khó khăn như Hương đã gặp thời gian qua. Nhiều người đã mỉa mai ba là không biết an phận, là học đòi, là thế này thế kia... Những lời bàn tán, dè bỉu như thế đã có lúc khiến ba chán nản, định bỏ học. Nhưng rồi nhờ có nghị lực, ba đã vượt qua tất cả. Ba thi đậu vào đại học, trở thành một kỹ sư xây dựng... Mẹ tin rằng dựa vào kinh nghiệm bản thân, ba biết rằng chỉ có nghị lực mới giúp Hương trong tình cảnh tương tự ba ngày xưa. Ba nói "Ai có chiếc lá thuộc bài, người ấy sẽ học giỏi" để giúp Hương tự tin, vững tâm mà học tập...
Em đã hiểu ra. Ngày nào đó, em đã nghĩ rằng mình còn thiếu một cái gì đó. Bây giờ, em biết đó chính là nghị lực.
Mẹ em hỏi :
- Hương còn thắc mắc gì nữa không ?
- Có mẹ à.
- Hương nói mẹ nghe nào.
- Con vẫn chưa hiểu về sự linh ứng của chiếc lá thuộc bài. Nếu nó không linh ứng thì tại sao khi con gặp bài toán khó hoặc bài khó thuộc, con nghe lời ba cầu xin "thần lá" thì sau đó con lại làm bài, học bài được như ý ?
Mẹ em giải thích :
- Đó là một hiện tượng tâm lý. Sở dĩ Hương làm toán, học bài chóng thuộc, một phần do niềm tin trong lòng con, phần khác, con đã vô tình tự kỷ ám thị mình...
- Nghĩa là sao hả mẹ ?
- Tự kỷ ám thị là một phương pháp luyện ý chí. Chẳng hạn, Hương muốn uống một viên thuốc đắng, Hương sẽ tự nhẩm trong trí rằng : "Tôi sẽ uống được viên thuốc dễ dàng", thế là Hương uống dễ dàng được thật. Tương tự, trong lúc tin tưởng vào chiếc lá thuộc bài, Hương đã tự bảo mình : "Mình sẽ làm ra bài này," hoặc "Mình sẽ học thuộc bài học này". Kết quả là sự việc đã diễn tiến tốt đẹp...
- Con hiểu hết rồi. Mẹ giải thích hay lắm. Và ba nữa, ba cũng hay ghê vậy đó…
Mẹ em vui vẻ hỏi :
- Vậy Hương sẽ đền ơn ba thế nào đây ?
- Con tính thế này. Ba có về, con cũng không nói cho ba biết là con đã hiểu sự thật về chiếc lá thuộc bài. Con chờ tới cuối năm học sẽ...
- Mẹ đề nghị Hương hãy làm thế này. Con cố học sao dành được một trong ba thứ hạng đầu lớp để được lãnh thưởng. Về nhà, con sẽ trao gói phần thưởng của mình lại cho ba, kèm theo cả cuốn tập có chiếc lá thuộc bài. Trong cuốn tập, Hương ghi thêm dòng chữ này : "Ba ơi ! Con đã biết hết sự thật rồi. Ba nói dối con bấy lâu nay. Con bắt đền ba đó".
Em vỗ tay :
- Hay lắm. Con sẽ làm y như lời mẹ.
Em ngồi ôm gối, cười một mình...
*
Nhỏ Ngân lên được hạng mười hai. Đó là điều em không ngờ. Phần em, em vẫn đồng hạng với nhỏ Hạnh. Tuy đã biết chiếc lá thuộc bài không có tác dụng gì cả, em cũng đã vững tâm học tập. Nghị lực đã tràn đầy trong em.
Nhỏ Hạnh không còn ganh tị với em nữa. Giữa hai đứa em bây giờ chỉ có sự ganh đua học tập. Em hỏi Hạnh những bài mình chưa hiểu rõ. Ngược lại, đôi lần nó cũng hỏi em về một bài toán hóc búa. Nhỏ Ngân thường rủ em và Hạnh đi uống nước vào giờ ra chơi, vô tình tạo nên bộ ba mà cô Thục Viên rất hài lòng.
Thi học kỳ hai lại đến. Tuần lễ thi qua mau. Nhỏ Hạnh học đến xanh xao. Nhỏ Ngân thức khuya mắt có quầng thâm. Em cũng gắng hết sức mình.
Kết quả cuối năm học khiến em rất vui : ba đứa dẫn đầu lớp và được nhận thưởng lần lượt là nhỏ Hạnh, em và nhỏ Châu. Nhỏ Ngân cũng làm được kỳ tích : xếp hạng tám trong lớp !
Mẹ em nhận tin, sung sướng đến không cầm được nước mắt. Em ôm mẹ mà nhớ lại buổi sáng ngày tựu trường. Mới đó mà một năm học đã qua đi...

Chương 6

Lớp chúng em được lãnh thưởng xong đã lâu. Nhưng bà giám thị không cho chúng em về trước. Bà bảo khi nào lễ phát thưởng chấm dứt, tất cả mới được về một lượt.
Đợi lễ phát thưởng xong xuôi thì biết đến chừng nào ? Bởi vì sau mỗi lần phát thưởng cho một liên lớp, lại là một màn văn nghệ. Em nóng ruột lắm. Nhận được điện báo của em, ba em lập tức điện trả lời sẽ thu xếp về nhà vào đúng ngày em đi lãnh thưởng và sẽ có quà đặc biệt cho em. Em liều đến bên bà giám thị :
- Thưa cô, cô cho em về trước đi cô.
Bà giám thị lừ mắt hỏi :
- Có việc gì ?
Em ấp úng rồi đáp liều :
- Thưa cô... nhà em có ... giỗ !
Em rùng mình khi nói điều dối trá ấy. Nhưng, bà giám thị lại tin là sự thật và em được cho về.
Chỉ có mẹ em đứng đợi em trước hiên. Em ôm gói phần thưởng bao giấy bóng kiếng màu vàng, cột nơ đỏ trao cho mẹ và hỏi :
- Ba về chưa hả mẹ...
Mẹ lắc đầu :
- Chưa Hương à. Từ sáng tới giờ, mẹ chờ cả ba lẫn con. Thôi, mình vào nhà đi Hương...
Em vừa đi bên mẹ vừa nói :
- Nếu ba không về thì buồn ghê phải không mẹ. Hư cả dự định của mẹ con mình...
Em đến bên bàn học, lấy ra cuốn tập có chiếc lá thuộc bài. Theo lời bàn của mẹ, em đã viết sẵn dòng chữ : "Ba ơi ! Con đã biết sự thật rồi. Ba nói dối con bấy lâu nay. Con bắt đền ba đấy."
Không có ba, hàng chữ trở nên vô nghĩa !
*
Ba hôm sau ngày hẹn, ba em vẫn chưa về. Mẹ em bồn chồn lo lắng, định nhờ cô Thục Viên coi chừng nhà giúp để hai mẹ con lên công trường hỏi thăm ba.
Nhưng, một chiếc xe díp của công trường xây dựng đã dừng lại trước cổng nhà em vào buổi sáng hôm ấy. Mẹ con em cùng chạy ra. Không thấy ba em mà chỉ có bác Kiên, giám đốc công trường cùng hai chú nữa. Nét mặt ba người như đang suy nghĩ ghê lắm. Mẹ em hỏi :
- Có tin của nhà tôi phải không anh Kiên ?
- Vâng.
Giọng bác Kiên giám đốc như hụt hơi. Em thấy bác lấy khăn tay ra thấm mồ hôi trên trán. Mẹ em cũng nhận ra điều khác thường nơi bác Kiên. Mẹ hỏi dồn :
- Anh làm tôi lo quá. Có chuyện gì xảy ra cho nhà tôi phải không ? Anh ấy đã hứa về ngày con Hương lãnh thưởng. Anh ấy có thất hứa bao giờ đâu...
Bác Kiên đứng lại giữa sân. Em thấy hai chú đi theo bước tới phía sau lưng mẹ em như chuẩn bị làm gì. Bác Kiên nuốt khan, giọng nghẹn lại :
- Thưa chị, tôi rất buồn phải báo tín với chị và cháu Hương là... anh nhà bị tai nạn...
Mẹ em chỉ kêu được hai tiếng "Trời ơi" rồi ngất đi. Hai chú đi theo bác Kiên vội đỡ mẹ em vào nhà, còn bác Kiên thì ôm lấy em khi bác ngồi thụp xuống :
- Tội nghiệp cháu ! Các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng ba cháu vẫn không qua khỏi...
Em mở to đôi mắt. Bác Kiên vừa nói gì ? Không ! Bác nói dối. Ba cháu sẽ về với mẹ con cháu...
*
Ba em đã trở về.
Ba em về nhà, nằm đó, rồi đi.
Đồng nghiệp, bạn bè, bà con... tới tiễn ba em đi lần cuối trong đời. Mẹ em ngất đi, tỉnh lại mấy lần trong tay cô Thục Viên. Lúc sắp hạ huyệt, khi bác Kiên đọc điếu văn, mẹ em lại ngất.
Em không hiểu nổi mình. Bỗng dưng em bình tĩnh hơn bao giờ hết. Trong khi mọi người lo cứu tỉnh mẹ em, em ôm gói phần thưởng của mình đến bên quan tài ba, đặt lên đó. Cho tới lúc này em mới khóc được.
Ba ơi ! Con không có vinh dự trao tận tay ba phần thưởng của con, thì thôi vậy, con trao đến ba vào giờ phút cuối cùng này. Ba ra đi, ba linh thiêng xin phù hộ cho mẹ con được khỏe mạnh, phù hộ cho con có nhiều nghị lực vượt qua mọi khó khăn. Con hứa lần cuối cùng với ba : con sẽ là một học sinh giỏi như ba mong muốn.
Em ngước lên nhìn tấm ảnh của ba em đặt gần đó. Nụ cười của ba trong ảnh tươi và rạng rỡ hẳn lên. Ba đang cười với con phải không ba ?
Mẹ em đã tỉnh lại. Người ta cũng bắt đầu hạ huyệt quan tài ba em. Em bốc một nắm đất đặt vào bàn tay gầy guộc, run rẩy của mẹ em...
*
Phần Cuối Truyện

Cô nữ sinh ấy nổi tiếng là học giỏi và ngoan. Liên tiếp nhiều năm, năm nào cô cũng đoạt giải thưởng học sinh xuất sắc nhất trường.
Thế nhưng trong giờ thi học kỳ hôm nay, giáo viên gác thi bắt gặp cô nữ sinh ấy mở tập lén xem. Ông hỏi khi tới bên cô :
- Em đang làm gì vậy ? Đưa ngay cuốn tập cho tôi coi !
Cả phòng thi ngừng làm bài, nhìn sững cô nữ sinh. Ai nấy đều không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến người học giỏi nhất trường lén mở tập trong giờ thi.
Giáo viên gác phòng thi cầm cuốn tập lên xem. Cuốn tập được bao một lớp giấy bóng mờ màu xanh đã cũ. Ông lật tập ra, ngạc nhiên thấy cuốn tập toàn giấy trắng đã ngả vàng. Ở một trang gần giữa tập có một chiếc lá trắc bá diệp, một dòng chữ "Ba ơi ! Con đã biết sự thật rồi. Ba nói dối con bấy lâu nay. Con bắt đền ba đấy !"
Dòng chữ cuối trang có nét cứng của đàn ông. Dòng chữ ghi một cái tên : Hoàng Bảo Hương !
Cô nữ sinh Hoàng Bảo Hương đang ôm mặt khóc nức nở !

Biên Hòa 1970
(Viết lại 1993)
N.T.H. 

No comments:

Post a Comment