Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an
đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm
lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” xảy ra tại
TP Hà Nội và một số địa phương khác, quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Liệu bị can sẽ khởi tố trong vụ án có
là cựu nhà báo Kim Quốc Hoa?
Đâu có ai khiếu nại
Trong 5 bài viết đăng trên báo Người
cao tuổi mà Đoàn Thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng có dấu hiệu
tiết lộ bí mật Nhà nước, gồm: 3 bài về Kết luận Thanh tra tại Tập đoàn Điện lực
Việt Nam; bài về ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra có tài sản khổng lồ và
bài về ông Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Thanh tra Chính phủ,
thì bài đăng lâu nhất ngày 15-1-2014, bài gần nhất ngày 18-6-2014.
Ông Kim Quốc Hoa cho biết đến nay tòa
soạn Người cao tuổi không nhận được thư khiếu nại của các cơ quan và các cá
nhân có liên quan, khiếu nại theo Luật Báo chí và Luật Khiếu nại.
Giao ban báo chí hàng tuần, hàng
tháng của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chưa lần nào đề cập những nội dung có
dấu hiệu tiết lộ bí mật Nhà nước. Đến nay cả ông Khánh và ông Dương cũng như cơ
quan Thanh tra Chính phủ cũng không có văn bản nào khiếu nại về việc báo Người
cao tuổi làm lộ bí mật Nhà nước trong 5 bài báo này.
Tuy nhiên theo nguyên tắc “hình hoãn
hộ”, tức là khi giải quyết một vụ việc dân sự mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm
thì tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự và chuyển vụ việc cho cơ quan điều
tra giải quyết theo hướng hình sự.
Thời gian qua, báo Người cao tuổi đặt
vấn đề chống tham nhũng qua việc nghi vấn: “Vì sao cán bộ lại sở hữu khối tài sản
quá lớn?”. Các bài báo cũng hướng đến nghi vấn tài sản quá lớn thì nguồn gốc sẽ
bất minh, và có dấu hiệu tham nhũng.
Trong bối cảnh Việt Nam, đó là lựa chọn
thiếu khôn ngoan trong báo chí điều tra vì mục tiêu tấn công quá rộng. Quá nhiều
người có cảm giác mình cũng nằm trong diện bị Người cao tuổi “dòm ngó” – ngoại trừ
những cán bộ về hưu nghèo, tài sản không có gì. Vấn đề tài sản cán bộ là vấn đề
lịch sử chỉ có thể giải quyết từng bước, chưa thể làm rõ và giải quyết trong
giai đoạn này.
Báo Người cao tuổi chủ yếu dựa trên
đơn thư và lời của nhân chứng để thực hiện các bài viết, và những nội dung này
khó hoặc không thể chuyển hóa thành chứng cứ buộc tội. Khi nhiều cá nhân, cơ
quan bị “tấn công” trong bối cảnh ấy sẽ không khó khi “lật thế cờ” bằng những
khởi kiện dân sự, hay hình sự từ vận dụng nguyên tắc “hình hoãn hộ”.
Căn cứ để khởi tố bị can?
“Người
nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng,
tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các
quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của
Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt
cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm
hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba
năm”. Điều 258, Bộ Luật hình sự.
Luật Báo chí (sửa đổi) 1999, Điều 6.
Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí: “2. Tuyên
truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,
thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân
trí, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền
thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng
cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa;
3. Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn
luận của nhân dân”.
“Để quyền tự do ngôn luận trên báo
chí được sử dụng đúng đắn, báo chí phải tuân theo những điều sau đây: 1- Không được kích động nhân dân chống Nhà nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; (…) 3-
Không được tiết lộ bí mật Nhà nước: bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại
và những bí mật khác do pháp luật quy định”.
Điều 10, Luật Báo chí 1989.
Những câu chữ in nghiêng là khả năng
sẽ được cơ quan tố tụng vận dụng để cáo buộc cho hành vi bị cấm của Điều 258, Bộ
Luật hình sự. Như vậy, gần như khó thể “cãi” khi cơ quan tố tụng nhân danh cho
lợi ích của Nhà nước chứ không phải là nguyên tắc “các quyền con người, quyền
công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng,
bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14, Hiến pháp 2013).
Tự do báo chí ở Việt Nam: cần nhưng chưa đủ
Luật Báo chí hiện hành đang được lấy
ý kiến sửa đổi. Giả dụ tư nhân cũng được quyền sản xuất tất cả các khâu của báo
chí (hiện nay, tư nhân chỉ được quyền ở khâu phát hành, quảng cáo), mà không có
sự thay đổi tương ứng khác như cách hiểu và vận dụng quy định luật như nói ở
trên, có lẽ sự thay đổi đó chưa thể gọi là “tự do báo chí”.
Trong một nền dân chủ, báo chí phải
được hoạt động tự do không chịu sự kiểm soát của chính phủ, mà chỉ tuân thủ
theo quy định của pháp luật. Báo chí tự do không có những yêu cầu đòi các phóng
viên phải bị nhà nước kiểm soát, hoặc buộc phóng viên phải tham gia các tổ chức
do chính phủ kiểm soát.
Nói một cách khác, một cơ quan tư
pháp độc lập, xã hội dân sự với pháp quyền, và tự do ngôn luận tất cả đều hỗ trợ
cho báo chí tự do. Báo chí tự do phải được bảo vệ về mặt luật pháp.
Với xã hội dân chủ, công dân phải được
biết về những quyết định mà các chính phủ đưa ra nhân danh họ. Báo chí thúc đẩy
“quyền được biết” này, với tư cách là cơ quan giám sát chính phủ, giúp công dân
bắt chính phủ phải chịu trách nhiệm và chất vấn các chính sách của chính phủ.
Các chính phủ dân chủ cho phép các phóng viên tiếp cận các hội nghị và các tài
liệu công khai. Các chính phủ không hạn chế trước (bằng cách này hay cách khác)
những gì các nhà báo có thể nói hoặc viết.
Bản thân báo chí cũng phải hành động
đáp lại. Thông qua các hiệp hội chuyên môn, các hội đồng báo chí độc lập và “cơ
quan giám sát”, các nhà phê bình trong ngành-những người tiếp thu khiếu nại của
công chúng, báo chí phải có phản hồi trước những khiếu nại về sự thái quá của
mình và chịu trách nhiệm nội bộ.
Các nền dân chủ thúc đẩy một cuộc chiến
không bao giờ kết thúc giữa hai quyền: Nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia của
chính phủ và quyền được biết của nhân dân, dựa trên khả năng tiếp cận thông tin
của phóng viên.
Như vậy, chỉ khi nào “quyền được biết
của nhân dân” đặt cao hơn yêu cầu “bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước”, thì mới thật sự có nền báo chí tự do.
Lẽ ấy, nếu ông Kim Quốc Hoa bị khởi tố
trong vụ án nói trên là điều không ngạc nhiên.
No comments:
Post a Comment