Trên trang http://www.sggp.org.vn/ xaydungdang/2014/11/366020/, có bài viết tựa đề: “Sự thật về lòng “trung thành” của nhóm thư ngỏ 61”.
Ký tên Tân Vinh, tác giả bài viết cáo buộc “nhóm 61, nhóm 72, nhóm café nhân quyền, nhóm họp mặt dân chủ, nhóm nhà báo, nhà văn độc lập” hoạt động với “mục đích cuối cũng vẫn là tiếp tay cho Việt Tân và các tổ chức phản động lưu vong chống lại sự lãnh đạo của Đảng, chống lại sự phát triển của đất nước, gây chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, cũng như làm tổn hại niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng”.
Nội dung bài viết này cho thấy có dấu hiệu vi phạm vào Bộ Luật Hình sự, Điều 88 “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, bao gồm cả 3 hành vi luật định: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngoài ra với tư cách là cơ quan của Đảng Bộ Nhân dân TP.HCM, Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng phải chịu mọi trách nhiệm về nội dung tư tưởng bài viết, khi tác giả Tân Vinh đã công khai đi ngược lại Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011.
Ở đây, vấn đề đặt ra được hiểu theo chính kiến cá nhân và bảo hộ bởi Hiến pháp 2013. Nếu “Đảng – Nhà nước” không đồng ý, xin trao đổi lại công khai trên các diễn đàn dân sự; không “chụp mũ” bỏ tù với lý do… vi phạm Điều 258 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Xin được trao đổi.
Một.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Hồ Chí Minh cho rằng:
“Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 216, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2000).
Tư tưởng về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân của Hồ Chí Minh thể hiện qua quan điểm Nhà nước là đày tớ chung của dân, cán bộ làm việc không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ.
“Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi” - Hồ Chí Minh, Bài nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, ngày 20/2/1947 (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Bài nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, NXB Sự Thật, trang 60).
Nhà nước phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết; phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân; phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình; phải làm kiểu mẫu: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Nguyên nhân của bệnh quan liêu đã được Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Xa nhân dân: Do đó, không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân. Khinh nhân dân: Cho là “dân ngu khu đen”, bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình. Sợ nhân dân: khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa. Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được.
Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được. Không hiểu biết nhân dân: Họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông. Không yêu thương nhân dân: Do đó, họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân…”
(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tập 6, trang 292 – 293).
Hai.
Ngay phần mở đầu, “Đảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Đảng”, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011), viết:
“Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.
Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Đảng kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, góp phần tích cực vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.
Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng”.
Ba.
Tác giả Tân Vinh trong bài báo (đã dẫn ở trên), viết: “một số nhân vật thời gian gần đây nổi tiếng trên mạng với những ý kiến đi ngược đường lối chủ trương của Đảng, tham gia vào nhiều thư ngỏ khác nhau nhưng cùng một mục tiêu đó là đòi Đảng từ bỏ vị trí cầm quyền, kích động biểu tình gây mất ổn định an ninh trật tự như Kha Lương Ngãi, Hà Quang Vinh, Tương Lai, Lê Công Giàu, Hạ Đình Nguyên... Đặc biệt hơn, trong đó có người đã bỏ sinh hoạt Đảng từ lâu, không còn là Đảng viên nữa như Lữ Phương; có người thì đã đi định cư tại nước ngoài, không tham gia bất kỳ sinh hoạt nào của Đảng là Cao Lập, thế mà họ vẫn tự xưng là Đảng viên, là Đảng viên “trung thành”.
Tác giả Tân Vinh không nêu bất kỳ câu văn, đoạn mô tả hay trích dẫn bất kỳ nội dung nào có trong “Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” cho thấy nhóm 61 công dân này đã có hành động, hoặc biểu hiện vi phạm pháp luật.
“Có đúng thật là vì Đảng, vì sự phát triển của đất nước không, hay là do một thế lực nào đó, một tổ chức nào đó lôi kéo, tập hợp lại, rồi mượn danh Đảng viên, mượn danh “yêu nước” mà tạo nên một sự hỗn loạn về thông tin, gieo rắc những mầm mống độc hại cho xã hội tạo nên sự bất ổn về tư tưởng, an ninh, gây nhiễu loạn, gây bất ổn trong quần chúng nhân dân, chia rẽ mối đoàn kết của dân tộc.
Ngoài 22 người đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, số còn lại của nhóm này phần đông đang ở Hà Nội, vậy trong số đó có trường hợp nào giống như các nhân vật vừa nêu hay không? Đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội sớm công khai để mọi người hiểu rõ bộ mặt thật của nhóm tự xưng là 61 đảng viên “trung thành” này”.
Tác giả Tân Vinh quy chụp và điều này là hành vi xa lạ với tư cách một Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó có ít nhất hai điều cần xem xét về trách nhiệm hình sự của tác giả bài báo.
Thứ nhất, tác giả Tân Vinh cố tình diễn giải vấn đề đưa đến cách hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam đồng nghĩa với Nhà nước cầm quyền. Điều này vi phạm vào Điều 4.3 của Hiến pháp: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Thứ hai, Hiến pháp, Điều 14.1: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”; Điều 28: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Như vậy, với kết luận của tác giả bài báo: “Các nhóm này thông qua nhiều con đường khác nhau, nhiều phương thức khác nhau, nhưng mục đích cuối cũng vẫn là tiếp tay cho Việt Tân và các tổ chức phản động lưu vong chống lại sự lãnh đạo của Đảng, chống lại sự phát triển của đất nước, gây chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, cũng như làm tổn hại niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng”, cho thấy đã vi phạm Luật Hiến pháp.
Có thể xem xét trách nhiệm hình sự của tác giả Tân Vinh ở Điều 88 và Điều 258 của Bộ Luật Hình sự.
No comments:
Post a Comment