Thursday, October 9, 2014

Thềm hoang - Kỳ 6

Chương 4
Vào những lúc buổi chiều sâm sẩm tối, mọi người trong xóm Cỏ mới trở về đông đủ. Nhất là lão Hói thì không hôm nào vắng mặt. Lão đi đâu ít ai biết ngay từ lúc trời còn sương lạnh buổi sáng và trở về rất đúng giờ khi thành phố mới lên đèn. Nhác trông từ xa, người ta đã nhận ra ngay cái hình thù kỳ dị của lão. Lão đi lom khom, cái đầu nhẵn bóng giơ ra phía đằng trước. Khuôn mặt của lão tóp lại, choắt choeo. Mũi lão đỏ ửng như một quả cà chua. Cặp lông mày rậm, lốm đốm bạc rủ xuống hai con mắt lúc nào cũng đục ngầu lên, tráo trưng vì men rượu. Tứ thời lão bận một cái quần tây vàng, mất một khúc gấu, vừa bẩn vừa rách, thắt lưng chẳng có, lão đã thay bằng một sợi dây gai luồn qua cạp quần, buộc túm lại ở phía đằng trước. Lão bận một cái sơ mi lụa nhuộm màu nâu già, lúc nào cũng bốc ra mùi hôi khét lẹt và chua như mẻ. Vai lão đeo một cái túi vải. Trong túi, lúc dốc ra, người ta nom thấy có một cỗ bài tây cáu ghét, một cái khăn tay nhầy nhụa mũi dãi và mồ hôi, một gói giấy đựng thuốc lá sợi đen và một cái bật lửa cũ kỹ vừa nặng, vừa thô, đã phai bóng cả nước mạ bên ngoài. Đó là cả cơ nghiệp của lão.
Lão kiếm ăn bằng gì, không ai rõ. Nhưng lúc nào lão cũng ra vẻ phong lưu. Thuốc lá sâu kèn lão phì phèo luôn trên miệng. Rượu lão nốc hàng chai. Và buổi chiều khi trở về lão say sưa sung sướng như một người không vướng víu nợ đời. Lần cháy nhà trên phố, lão khiêng về được một cánh cửa cháy dở. Lão đem kê nhờ dưới mái hiên nhà gã Hai Hào làm chỗ ngủ. Những hôm trời mát, lão vừa đập muỗi vo vo trên mặt, vừa chõ mồm qua lỗ hổng của vách đất nói chuyện huênh hoang với gã chủ nhà. Có hôm lão đọc cả thơ cho Hai Hào nghe nữa. Thơ lão thì lẩm cà lẩm cẩm, vừa đọc lão vừa giảng:
"Ngọc xuất thiên cung thủ quả châu. Ngọc đây là Ngọc Hoàng Thượng Đế đó. Ông trời mà... ông trời xuất ngai ngó xuống tụi mình.”
Hai Hào hỏi:
"Vậy chớ quả châu là quả gì?"
"Châu là châu báu. Vàng bạc châu báu ông trời thiếu gì. Người ta đây ổng còn sinh ra biết bao nhiêu nữa mà..."
Rồi lão ngâm tiếp:
"Ngọc xuất thiên cung thủ quả châu. Hoàng thiên thương mến quả địa cầu. Ông trời bình đẳng mà, ổng không về phe một ai hết, ổng thương mến hết ráo trọi mọi nơi, mọi người... cùng khắp địa cầu này. Vậy mới xứng bực ông trời chớ.”
"Ổng thương hết mọi người sao tụi mình khổ mãi vậy cà?"
Lão Hói cười ha hả:
"Vậy mới có thơ chớ! Phải biết... thơ này "sâu" lắm mà. Nghe nốt coi nè:
Hoàng thiên thương mến quả địa cầu
Giáng tạo thay đời không tranh đấu
Thế giới thanh bình khỏi thuế sâu.
Rồi coi nghen, ông trời sẽ thay đổi tuốt hết cái thế gian này. Vì trên đời này thì nhất hết thẩy là ổng mà. Ổng sinh ra mình, sinh ra cây cỏ, sinh ra mọi thứ lu bù. Tây, Tầu, Anh, Mỹ gì cũng thua ổng ráo trọi..."
"Thôi đi cha... Thời buổi nguyên tử mà cha tính nói những chuyện đâu đâu.”
"Chèn ơi... Cha biết một mà không biết mười. Qua hỏi nhen, ừ thì các cha có tàu bay hoả tiễn tùm lum, thử hỏi không có khí trời của ổng trên đầu thì các cha có nghẹt léc không. Ông nội ơi, cứ là rơi rụng tuốt luốt hết! Thế cho nên mới:
Giáng tạo thay đời không tranh đấu.
Thế giới thanh bình khỏi thuế sâu... mà!"
Thấy Hai Hào làm thinh, lão nói tiếp:
"Lúc đó nghen, không còn có cái nước chiến tranh um sùm bậy bạ như bây giờ. Không tranh đấu mà. Chiến tranh không còn thì thế giới thanh bình, người người ấm no. Đến cái nước ấm no cả rồi thì còn ai thâu thuế mần chi. Chèn ơi...hay thiệt hay..."
Rồi lão lại cất giọng ư ử ngâm bài thơ tuyệt tác của lão mãi đến khi trăng lên quá đỉnh đầu. Nhiều hôm nằm ngủ quên, mưa đổ xuống ướt không còn một sợi tóc. Ấy vậy mà lão chẳng hề bao giờ ốm. Sức lực lão dai như đỉa. Cứ sáng tinh mơ là đã thấy lão thức dậy, ngồi bó gối hút thuốc một mình trong góc tối. Môi lão bậm lại, mũi hếch ra, hai bên gò má tóp lại làm nhô lên cái lưỡng quyền cao và nhọn. Đến khi trời bắt đầu hửng sáng là lão lại xách cái bị lên vai ngất ngưởng đi ra ngõ để mãi đến tối mới trở về với hơi men sặc sụa.
Hôm nay lão đi khật khưỡng qua lề đường. Ống chân nhún nhẩy trên đôi giầy ba ta rách lòi cả ngón chân. Hai tay lão múa may. Miệng lão lẩm bẩm. Có khi lão ca vọng cổ một mình. Bọn trẻ trong xóm mê cái tính khôi hài của lão nên hễ nhác thấy lão về là chúng bu lại. Một đứa chổng mông vào mặt lão, đít cong lên, ngực ưỡn ra phía trước, hai chân nó đi khệnh khạng, miệng nó hét to:
"A lê! Đi nào... ắc ê... ắc ê..."
Lão Hói cũng vội vàng khuỳnh hai đầu gối xuống, đít lão ngoe nguẩy, hai tay lão vung lên bắt chước kiểu đi của thằng bé, miệng lão kêu theo nó:
"Ắc ê! Ắc ê!"
Bọn trẻ khoái chí vỗ tay reo ầm ĩ. Chúng nó theo lão đi mãi vào mạn trong xóm Cỏ. Đám người đi qua nhà ông Phó Ngữ. Đào ở trong ngứa miệng hỏi ra:
"Mấy cút rồi lão Hói?"
Lão Hói đứng dừng lại. Cặp mắt của lão hấp him. Lão nhìn hai cái bụng chân trắng nhẫy của Đào lúc nàng đang xắn quần tưới những gáo nước lên gánh rau đầy tú hú. Rồi chẳng chờ Đào hỏi thêm một tiếng, lão sà ngay vào bực cửa. Đào chu chéo lên:
"Khắm chửa! Vô đây làm gì? Đừng có ám quẻ người ta, bố già..."
Lão Hói bật lên cười, giọng lão lè nhè sặc men rượu:
"Qua dô uống nước, ăn trầu mà..."
Đào buông cái gáo xuống đất, lấy cả hai tay tì lên vai lão, đẩy ra ngoài. Lão Hói lùi lại loạng choạng. Mùi mồ hôi chua loét xen lẫn với hơi thở nặng nề của lão khiến mũi Đào chun lại. Nàng "xì" mấy cái thật mạnh và dúi hắn lão ra khỏi bực cửa. Lão Hói ngã ngồi ngay xuống những viên gạch lổn nhổn. Hai chân lão duỗi ra, người lão vặn đi mấy cái. Xương lão rão ra, kêu ục ục. Lão khoan khoái cười nhăn cả mấy cái răng cải mả móm mém. Lão không giận Đào mà chỉ lẳng lặng lục cái túi lấy ra bao thuốc lá, nhón một dúm đặt lên miếng giấy mỏng rồi vê tròn trong hai bàn tay. Quấn xong điếu thuốc, lão châm lửa hít một hơi thật dài. Miệng lão phà mạnh những sợi khói khai và khét lẹt vào mặt lũ trẻ. Bọn chúng nó túa lên, thi nhau nhẩy thật cao để bắt những sợi khói xanh lơ bay tản mạn. Mọi người đi ngang qua bị nghẹn ứ lại, chen chúc chật cả lối đi trong tiếng cười nói loạn xạ.
Chợt một cái xích lô từ xa lăn khấp khểnh vào lối ngõ. Tiếng vành xe nẩy lên xọc xạch, xen lẫn với tiếng chuông bóp ầm ĩ. Gã Hai Hào vừa đập vào thùng xe vừa hét:
"Dô... Dô..."
Bọn trẻ túa ra hai bên rìa đường rồi lại ùa tới. Chúng nó bỏ lão Hói để trèo lên chiếc xe. Đột nhiên cái xe nặng trĩu những người. Có đứa trèo phắt lên đệm, có đứa đánh đu ở đằng trước, ở đằng sau, nom xúm xít như một chùm sung, lố nhố hàng chục cái đầu cạo nhẵn, đầy chốc và lở. Hai Hào nói lớn:
"Tụi bây rút chân nên, không kẹp chết đừng kêu!"
Nói rồi gã đứng lên đạp. Bắp thịt của gã nổi cuồn cuộn ở trên hai vồng tay. Mồ hôi loang loáng thấm ướt cả lần áo thung rách lỗ chỗ. Đít gã cong lên, ngoáy bên nọ, ngoáy bên kia. Nhắc trông thấy Đào đứng trong khung cửa, gã cất tiếng hát:
"Đào thơ niễu yếu em ơi!
Kén gì cho đặng bằng nơi anh hào!"
Cho rằng mình dùng được chữ "anh hào" mấy nghĩa, Hai Hào cất tiếng cười khoái trá. Tay gã lại gõ vào thùng xe, đít gã lại ngúng nguẩy, gã hò không ngớt miệng:
"Dô... Dô..."
Ở trong khung cửa, Đào liếc gã một cái thật dài, rồi nàng hắt theo cái xe ọp ẹp một gáo nước lã. Gáo nước văng lên tung toé khiến lão Hói nhỏm phắt dậy, chu chéo lên:
"Ý trời đất ơi... Bộ đui hả?"
Đào trông ra, vội vàng nói:
"Ấy chết... xin lỗi! Tưởng lão đi rồi.”
Lão Hói vừa cằn nhằn vừa phủi những giọt nước dính đầy cả cổ lẫn má, rồi lão nói:
"Đàn bà đâu có thứ đàn bà..."
Đào dẩu môi lên, hỏi xẵng:
"Khắm chửa... đàn bà làm sao?"
"Đàn bà đẹp quá cỡ chứ làm sao!"
Đào bật lên cười, hắt nốt gáo nước cặn về phía lão rồi lại cúi xuống vục nước tưới lia lịa lên gánh rau. Lão Hói lèm bèm một lúc rồi cũng xách túi lên vai. Mồm lão lại cất tiếng ư ử:
"Ngọc xuất thiên cung thủ quả châu
Hoàng thiền thương mến quả địa cầu... Có ông trời! Có ông trời thiệt mà..."
Đến đầu lối rẽ, lão ngừng lại trước tiếng khóc như ri của ba đứa trẻ. Chúng nó là con nhà mụ Năm Trà. Năm Trà đi lính từ mấy năm nay. Gã để vợ một mình nuôi mẹ già và bầy trẻ. Hàng năm gã chẳng gửi về nhà lấy một đồng xu. Mụ Năm Trà vất vả ngược xuôi lo lắng mãi rồi cũng đâm chán. Mụ coi cái bổn phận của mình là một món nợ lớn. Bà cụ lẩm cẩm và già nua chẳng giúp cho mụ được gì hơn là dò dẫm ra vào với ba đứa cháu nội. Một đứa gái lên sáu, môït đứa gái lên năm và một thằng bé lên ba. Chị em chúng nó là hiện thân của sự nghèo đói. Quần áo không được lấy một cái lành lặn. Mặt mày nhem nhuốc, bẩn thỉu và lúc nào cũng vêu vao vì bữa có bữa không. Mụ Trà thì đi lên phố tối ngày. Một vài hôm mụ đổ vào thùng dăm ba chục lon gạo. Vại dưa trong nhà ủng lên, đóng váng dầy đặc, chưa ăn hết đùm này đã ấn vào đùm khác. Thỉnh thoảng lắm mụ mới mang về cho mấy khúc xương bò, thứ xương vớt ra ở thùng phở. Lũ trẻ nhôi nhai gậm nhá hàng buổi. Tuy vậy không phải mụ ta nghèo đến độ ấy đâu. Mụ có vàng đeo ở hai tai. Cổ tay còn có đôi xuyến. Mỗi lúc ra đường, mụ toàn bận quần mỹ a với cái áo bà ba may bằng phin nõn. Mụ mới ngoài ba mươi nên trông vẫn còn xuân sắc lắm. Hai gò má hồng hào, cặp môi bôi son đỏ chót. Bộ ngực thỗn thện của mụ kín hở trong cái áo nịt bằng sa tanh đen, thít hằn lên lớp da in rõ sau lần áo mỏng. Ra ngoài thì mụ tươi tỉnh như hoa. Nhưng ở nhà thì mụ không ngớt gầm gừ với mẹ chồng và các con. Cặp mắt sắc như dao của mụ lườm chúng nó như muốn giết. Đối với chúng, mụ ít lòng thương. Mụ cầm đầu đứa này đập vào đầu đứa nọ. Có khi mụ bóp cổ chúng nó rồi lắc lia lịa khiến mắt đứa bé cứ trợn lên. Bà cụ chẳng oai quyền gì chỉ biết ngồi cúi mặt làm thinh. Thật ra cụ cũng sợ mụ ta nốt.
Lúc lão Hói đi qua thì ba đứa trẻ đang khóc lóc hò hét với nhau ở đầu hè. Con bé Ba ỉa đùn, phân vãi từ đầu đến chân. Bát cơm đổ vung ra khắp mặt đất. Thằng Út lê từ góc này sang góc kia, phân cũng dính đầy cả lên mặt và tóc. Bà cụ Nết vừa chửi, vừa quơ lấy dúm lá chuối, vét cả cơm lẫn phân đùn đống lại. Ruồi và nhặng bu đen, bay vo vo loạn xạ. Lão Hói đứng lại, miệng lão vê điếu thuốc bằng hai bờ môi, lão kè nhè:
"Ỉa rồi còn khóc! Trời ơi, tụi bây bộ muốn làm lớn hả?"
Giọng ồm ồm của lão làm mấy đứa sợ hãi im thít. Mắt chúng nó giương lên nhìn lão, nhưng cái mồm thì vẫn còn như mếu dở. Bà cụ bèn nhân dịp nói gióng:
"Thôi đấy cho ông già bế tuốt tụi bây đi... Chèn ơi! Cực với tụi bây bao giờ mới hết chớ.”
Lão Hói cúi xuống, vừa quệt tay lên má thằng út, vừa nói:
"Kêu làm chi cho mất công, bà cụ. Có ông trời... có ông trời thiệt mà!"
Nói rồi lão giơ tay bẹo lên má thằng bé khiến nó lùi lại, mắt sợ hãi nhìn lên. Chợt có tiếng hỏi ở đằng sau:
"Có trời thật không, lão Hói?"
Lão Hói quay lại. Lão nhận ra Huệ đang tới gần. Nàng bận áo đỏ, quần trắng, đánh môi hồng, cặp mắt bôi đen, sâu hõm xuống. Tay lão xòe ra, lão cười sung sướng như được người ta gãi trúng chỗ ngứa của mình:
"Thiệt chớ. Nói thiệt đấy chớ. Bộ không có ông trời làm sao có được cô.”
Huệ đáp:
"Thôi đi dấm dớ! Dễ thường ông già bà già nhà tôi không "ấy" thì dễ có được tôi đấy chắc.”
"Vậy chớ ai sinh ra ông già, bà già nhà cô?"
"Ông nội bà nội chớ còn ai.”
"Vậy ông nội bà nội thì ai sinh?"
"Khỉ gió đùng lăn nhà lão lắm nữa. Hỏi vậy thì có đến hàng đời không nói hết.”
"Hết chớ sao không hết. Bộ nhiều lắm là ngàn vạn ức đời chớ bao nhiêu. Vậy trước đó hết thẩy thì ai?"
Huệ hỏi lại:
"Vậy thì ai, lão nói thử coi?"
Lão Hói rúc lên cười, hai hàm răng của lão nhe ra, hở hết cả lợi:
"Ông trời chớ ai! Ông trời chớ ai!"
"Vậy ai sinh ra ông trời kia chớ.”
"Ý trời đất ơi! Đã là ông trời thì còn ai sinh ra được ổng nữa cơ chớ! Ổng là nhứt hết thẩy mà..."
Huệ phản đối lão bằng cách lấy chân đá một viên sỏi nhỏ về phía lão rồi bỏ đi. Mùi nước hoa thoang thoảng trong gió mát làm mũi lão hếch lên. Lão lim dim nhìn cái mông của nàng ngúng quẩy theo nhịp bước. Lão nhớ đến câu hát của bác Tốn vẫn thường gẩy đàn, giọng vọng ra:
"Cô Huệ ơi
Nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng...
Tôi mua ô tô cho cô ngự, mua váy đầm cho cô thay.”
Bất giác lão bật lên cười.
Về đến nhà, lão móc cái túi lên vách rồi nằm dài trên cánh cửa. Trời đã tối hắn. Mấy vì sao long lanh ướt trên mấy nóc nhà tranh. Qua những khung cửa gỗ của dẫy nhà hai bên lối đi, ánh đèn dầu đỏ úa bắt đầu le lói. Men rượu thấm dần làm hai mắt lão díu lại. Lão thoáng nghĩ đến những hình ảnh ban ngày. Buổi sáng, lão lang thang ở những vườn hoa, gạ bói bài tây cho mọi người. Buổi chiều, lão trở về khung cảnh quen thuộc trong xóm Cỏ. Lão thấy mình sống đủ một ngày sung sướng.
°
Nội xóm Cỏ, Hai Hào chỉ thích có mỗi Đào. Gã cảm Đào mê mệt và chẳng để lỡ dịp nào để có thể ghẹo nàng dăm ba câu chuyện vu vơ. Đào không đẹp nhưng có duyên. Một phần cũng là do cái tính lẳng lơ của nàng. Đứng ở đâu, Đào cũng cười được. Tiếng cười rích lên như chuột rúc. Cái cổ nghẹo sang một bên. Hai gò má núng nính thịt rung rinh, cặp mắt tít lại. Những hôm Phó Ngữ say rượu đi ngủ sớm, Đào lẻn cha ra đứng túm năm túm ba ở ngoài giếng nước. Mấy cô chụm đầu vào nhau nói chuyện nhảm rồi rũ lên cười.Tiếng phát đùi, phát bẹn đôm đốp trong bóng tối. Mà bao giờ người ta cũng nghe thấy tiếng Đào to nhất. Nàng "chí" bạn rõ đau rồi chu lên:
"Ý cha mẹ ơi! Bộ mày "muốn" hả..."
"Khỉ gió, "cấu" chết thịt người ta đây này. Về nhà mà cấu nó có được không?"
"Nó là đứa nào. Không khai được tao rút lưỡi.”
"Bộ tưởng người ta đui cả đấy hẳn. Hai Hào chớ ai!"
Đào giẫy nẩy lên, phát đen đét vào lưng bạn:
"Khắm chửa! Khắm chửa! Ai thuê mà nói..."
Một cô bắt chước giọng gã đàn ông:
"Đào thơ niễu yếu em ơi!
Kén gì cho đặng bằng nơi cái anh Hai Hào.”
Tiếng cười lại choé lên như tuột nắp và năm sáu cô lại ôm nhau rũ ra như những người không có xương sống.

No comments:

Post a Comment