Saturday, October 25, 2014

Thềm hoang - kỳ 12

Chương 9

Huệ chưa khỏi hẳn nhưng đã đi lại được ở mấy nhà quanh ngách. Nàng hay bắc ghế ra ngồi ngoài thềm cửa. Một vài lần có người quen đi qua, Huệ lại kéo vào nói chuyện bâng quơ. Nàng bô bô cả chuyện chồng con của mình khi nhác thấy bác Tốn thấp thoáng ở đằng xa:
"Chồng tôi đấy! Chồng ơi..."
"Rõ nỡm chửa kìa! Cưới chồng ở đâu ra mà nhanh thế.”
Huệ chỉ về phía căn nhà lụp xụp của bác Tốn:
"Nhà chồng tôi đấy... chồng tôi cưng tôi, tôi ốm thì mua cả bánh đem cho nữa.”
Có tiếng cười rích lên:
"À! Thằng khỉ gió!"
Huệ phát bẳn lên:
"Nỡm cái nhà bác này! Nói chồng người ta!"
Rồi Huệ cười rúc rích, cổ nàng ngoẹo sang một bên, mái tóc rũ xuống trán và má. Nàng có vẻ thích thú khi nghĩ rằng trong đời sống của mình có một nhân vật mới. Thật là giản tiện, vừa có chồng để nói sướng mồm, vừa không vướng víu, thiệt thòi gì cả. Mà dân trong xóm Cỏ cũng mặc nhiên công nhận tình trạng vợ chồng trời ơi đất hỡi ấy bằng một sự vui thích. Họ không từ bỏ cơ hội nào để có thể được cười đùa. Thỉnh thoảng một người đi qua ngưỡng cửa nhà Huệ lại ngứa miệng hỏi một câu:
"Chồng đâu? Cô Huệ ơi!"
Huệ đáp:
"Chồng không có nhà.”
"Có "đi" không?"
"Khỉ gió đùng lăn nhà bác lắm nữa! Chồng tôi nó ghen lắm đấy biết chưa!"
Sự bông đùa khiến Huệ thấy gần gũi với bác Tốn hơn. Những ngày khỏi ốm, lúc đánh phấn bôi môi đi qua nhà bác, Huệ bắt đầu chú ý đến túp lá tồi tàn nằm im lìm trong bóng tối. Bác Tốn đi hát từ chiều. Cánh cửa bằng nan tre xộc xệch khép hờ hững vào sát thân cây xoan tây mới lớn. Khoảng sân đất nhỏ hẹp trơ trụi mấy ngọn cỏ mọc hoang. Một lu nước thấp lè tè kê trên mấy hòn gạch đặt ở đầu hiên. Căn nhà im lặng đến hoang vắng. Qua khung cửa nhỏ, bóng lối hun hút như một lỗ mắt có chiều sâu. Huệ nghĩ đến sự mù loà của bác Tốn. Một đôi lần Huệ đã định ngắm kỹ khuôn mặt trắng xanh của bác. Nhưng tròng mắt đỏ ngầu lẫn lộn những sợi thịt xanh tím của bác khiến Huệ thấy ghê sợ. Nàng bất giác quay đi để khỏi ghi lại trong đầu cái hình ảnh ấy. Huệ chỉ thấy thích nụ cười nhếch nửa miệng và giọng hát ỡm ờ đáng yêu của bác:
"Cô Huệ ơi...
Nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng..."
Huệ nghĩ rằng nếu bác không mù loà thì nàng chẳng ngần ngại gì mà không về với bác. Còn thực tế thì bao giờ cũng chua chát hơn. Huệ chỉ thấy như mình đang nắm giữ một trò đùa thích thú. Thỉnh thoảng đứng trước mọi người, Huệ lại réo tướng lên khi nhác nom thấy bác:
"Chồng tôi đấy! Chồng ơi..."
Bác Tốn tuy nghe thấy nhưng không bao giờ ngoái cổ lại. Bác có cảm giác như tất cả mọi người đang chú ý đến mình. Những tiếng cười rúc rích như xoáy vào lưng, khiến bác thấy xấu hổ muốn chết được. Mặt bác đỏ lên ở dưới nắng. Hai hàm răng của bác cười nhe ra như để chữa thẹn với mình. Hình như bác cũng biết rõ là Huệ cũng chỉ nói đùa. Phải duyên phải nợ thì cả hai đã "bén" từ lâu rồi ấy chứ, đã bao lần bác tự nhủ thầm với mình như vậy! Bây giờ, bác lại tìm ra được mấy câu hát mới, và bác chỉ hát mỗi khi nghe thấy tiếng Huệ léo xéo với mọi người ở ngách trong:
Tôi trông thấy cô...
Tôi buồn...
Tôi chán...
Tôi chuồn...uồn...
Tiếng Huệ lại rít lên ở trong những tiếng cười của chòm xóm làm bác thích chí. Sợi dây đàn bác bật một cách rất ẩu ở trên ngón tay, và bác cũng bật lên cười nghe khì khì có vẻ khoái trá. Ấy cứ chọc qua chọc lại với nhau như thế cũng đủ khiến cho lòng bác thấy ấm áp và trong trái tim thổn thức, bác đã thấy Huệ rất gần gũi với mình. Bác yêu sự chanh chua, kiêu kì của Huệ. Bác nghĩ rằng không lấy nhau mà được đùa với nhau như thế thì cũng đã là sướng lắm rồi. Mà hình như Huệ cũng chia sẻ chung với bác cái cảm nghĩ ấy. Một đôi lần, lúc về khuya đi qua cửa nhà bác, Huệ thấy bác Tốn bắc ghế ngồi ngoài sân. Nàng làm như hai người đã thân thiết với nhau lắm nên nói trước:
"Hát đi bác Tốn!"
Bác Tốn ngẩng lên:
"Ai đấy?"
"Ai chả được!"
"À! Cô Huệ..."
"Hát đi một bài nghe chơi..."
Bác Tốn cười một mình trong bóng tối, mùi phấn thơm thoang thoảng theo gió đưa vào mũi bác. Mặt bác ngửa lên, ngón tay bác gõ vào bầu gỗ:
"Tôi trông thấy cô..."
Huệ dẫy nẩy lên:
"Khỉ gió!"
Bác Tốn tủm tỉm cười, nghiêng mặt về phía có tiếng Huệ nói:
"Hát thế chứ hát làm sao?"
"Ca cải cách đi!"
Bác Tốn liền cất giọng:
"Đêm qua mơ dáng em nâng cung đàn gieo muôn tiếng tơ..."
Bài hát chưa dứt được một câu thì Huệ đã đi thẳng vào trong xóm tự lúc nào. Tiếng guốc lóc cóc của nàng vang lên mặt đá khấp khểnh, âm thanh khô ròn và ngắn gọn vang vọng trong lòng bác một nỗi niềm lưu luyến. Bác ước gì chạy được ngay tới bên Huệ, cầm lấy tay nàng, hôn lên má và trán nàng, rồi ngỏ lời xin lấy nàng làm vợ. Nhưng bao giờ thì những chuyện ấy cũng chỉ là niềm ước vọng. Nó khắc khoải không nguôi trong khoảng tối đen mù mịt như khoảng trời trong đôi mắt của bác. Như đêm dài mịt mùng và mãi mãi bác chỉ hình dung thấy bóng Huệ, thon nhỏ, mặc áo đỏ quần trắng, đánh má hồng đi ở dưới ánh sáng rực rỡ của những ngọn đèn hắt từ ngoài phố vào. Bất giác, một nỗi buồn thấm thía ùa đến xâm chiếm lòng bác. Bác ngồi xuống, ngả lưng vào thành ghế, hai chân duỗi thẳng, mặt ngửa lên trời. Một luồng gió mát thoang thoảng thổi qua cổ và má mơn man. Bác nghĩ đến một khoảng trời bao la và đầy sao sáng. Ngày xưa ở quê nhà, những đêm mùa thu phải đi coi lúa ngoài đồng, hay nằm ở trên gò cao hóng mát thì bác cũng có những giây phút được các làn gió mơn man như thế. Bác còn nhìn thấy những vì sao lấp lánh trên đỉnh đầu xếp với nhau thành những hình thù rõ rệt. Bầy vịt bơi trong giải sông Ngân kéo dài mãi xuống cuối trời. Những chòm sao Mục Phu, Thất Nữ, Thần Nông, Đại Hùng lấp lánh ngang tầm mắt. Ôi! Cái thời còn sáng mắt sao mà hạnh phúc đến thế! Bác vụt thấy lòng khao khát một tia sáng, dù chỉ một tia sáng thôi thì bác cũng đủ hình dung ra được khung cảnh thật sự đang diễn ra ở chung quanh bác hàng ngày. Đã sống quen với bóng tối, lâu lắm hôm nay bác mới lại thấy lòng vụt trỗi lên những cảm giác khổ sở, ray rứt, đớn đau, dằn vặt, giống như cái thời bác mới bị lâm vào cảnh mù loà. Bác Tốn chợt rưng rưng khóc. Từng giọt nước mắt ứa ra ở hai bên bờ mi. Bác châm cho mình một điếu thuốc rồi im lặng ngồi hút trong bóng tối. Đêm về khuya nên cảnh vật yên tĩnh lạ. Chỉ có tiếng xe cộ từ giữa phố vọng về ù ù trong gió. Tiếng võng kẽo kẹt đưa buồn nản vang lên từ mấy nhà chung quanh. Thỉnh thoảng có một chiếc xích lô uể oải đạp qua, lăn khấp khểnh vào lòng ngõ. Mấy người đàn bà bán quà đêm trở về lê dép quèn quẹt trong bóng tối. Bác Tốn ngồi thiu thiu như thế cho đến khi có tiếng người gọi mình ở hàng rào, mới choàng dậy.
"Tốn đấy à?"
"Ai đấy?"
"Tám đây!"
"À! Dượng thằng Ích. Đi đâu về khuya thế?"
Có tiếng ngáp bên tai, tiếp theo là giọng nói uể oải:
"Buồn thì đi làm một quắn xóc đĩa!"
"Được hay thua?"
"Thua! Mà thua cay chứ lị! Mình khát nước hoài.”
"Thôi thì còn canh này, canh khác.”
Dượng Tám chép miệng:
"Ừ! Thì sông có khúc, người có lúc chứ. Này!"
"Gì cơ?"
"Cho mượn mấy trăm nhớ!"
"Có đếch đâu.”
"Thôi đi! Cậu cứ vờ! Tẩm ngẩm tầm ngầm mà giầu nhất xóm đấy!"
Bác Tốn giẫy nẩy lên:
"Gớm! Có mà của đi hót được. Đủ ăn hai bữa là may.”
"Sao bảo cậu có bạc nghìn cơ mà.”
"Đứa nào độc mồm vậy? Tớ mà có bạc nghìn thì chó có váy lĩnh!"
"Ôi dào, người ta nói thiếu gì! Không có lửa sao có khói?"
"Chẳng có đâu.”
Mắt dượng Tám long lên. Giọng nói của dượng đượm sự giận dỗi:
"Thôi thì một trăm cũng được.”
Bác Tốn cười hề hề:
"Nói thật mà, có thì tiếc đếch gì anh em.”
Dượng Tám muốn chửi tục một câu. Dượng đá hòn gạch cho lăn lông lốc vào lối đi để tỏ sự tức giận của mình. Vừa lúc ấy có tiếng người đi vào trong ngõ xen lẫn với tiếng chuyện trò lao xao. Dượng bỏ bác Tốn, hậm hực bước đi, chân nện đôi guốc lên nền đất nghe thậm thịch. Khi tới cổng nhà, con chó đang nằm bỗng chồm lên sủa loạn xạ. Dượng mắm môi nhằm bụng nó đá một cái thật mạnh. Con vật bé nhỏ tung lên cao rồi lăn lông lốc vào bờ rào. Tiếng sủa của nó vang lên, phá tan bầu không khí tĩnh mịch. Sự tăm tối, thản nhiên ở mọi ngách quen thuộc trong nhà khiến dượng có ý nghĩ muốn xòe một que diêm châm đốt cho mọi thứ bùng lên cháy hết. Những ngọn lửa nóng và dữ dội bốc cao phải nóng hơn cái nóng giận đang âm ỉ trong lòng thì lúc đó chắc dượng mới thấy hả dạ. Dượng tiến lại chum nước ngửa cổ tu một gáo đầy. Mồ hôi vã ra lấm tấm ở trán và hai bả vai. Lòng dượng dịu bớt lại. Dượng phanh áo vắt lên xà ngang rồi mò mẫm đi trong bóng tối. Tay dượng chạm phải u Tám nằm ngủ trên phản giữa. Dượng nghĩ đến hình ảnh mũm mĩm của u ngày xưa với làn da thớ thịt mềm mại. Bất giác dượng cúi xuống mò mẫm. Rồi những tiếng cằn nhằn vang lên. Sau đó là một sự im bặt!
Một lát dượng ra đứng quạt ở đầu hè. Bóng dáng cao lớn của dượng che lấp một khoảng trời sáng đục bên ngoài. Chợt có tiếng nói rụt rè từ trong góc tối:
"Thưa dượng đã về.”
Dượng Tám giật mình quay lại. Dượng vụt gắt lên:
"Cái Ngoan đấy à?"
Ngoan rụt rè:
"Dạ..."
"Con chết tiệt không ngủ hay sao mà ngồi làm mẹ gì ở đấy?"
Ngoan không đáp, vội vàng đứng dậy. Nó len lén bước xuống sân đất để đi vòng lên cửa giữa. Nhưng dượng đã gọi giật nó:
"Ngoan!"
Ngoan vội vàng đứng dừng lại, tim nó đập mạnh như một kẻ tội phạm đang chờ người ta tuyên án. Nhưng giọng dượng chợt trở nên dịu dàng như chưa bao giờ thấy:
"Hàng họ của mày ra sao?"
Ngoan đáp:
"Vẫn như thường đấy ạ..."
"Thường là thế nào, có nổi dăm đồng một ngày không?"
Ngoan cãi lại một cách sung sướng:
"Hơn chứ, hôm nào khá thì cũng được hai, ba chục.”
Dượng nói giọng ngạc nhiên:
"Hai, ba chục cơ! Vốn mày những bao nhiêu mà lãi nhiều thế?"
"Vốn thì chả cần nhiều, lắm khi mua được đồ rẻ đem bán đắt là thường.”
"Chả cần nhiều thì là bao nhiêu?"
"Mỗi ngày con cũng chỉ cầm đi tám, chín chục.”
"Sao ít thế? Dạo đầu mày có vốn ba, bốn trăm cơ mà?"
"Vốn thì còn nguyên đấy nhưng con lại gửi u cả.”
Dượng nói to:
"Mày nói láo! Tao có thấy u mày có nổi đến một trăm đâu?"
Ngoan nhanh nhẩu:
"U để dành tiền sắm tết đấy.”
"Dành dụm gì, u mày tiêu riêng hết rồi, còn chó đâu mà để.”
Cái Ngoan thấy tức thay cho u nó. Nó cãi lại như chính nó bị dượng nghi ngờ một cách oan ức:
"Thật mà! U không tiêu một cái gì đâu. Tiền để dành hình như vẫn để dưới chân bát hương trên bàn thờ.”
Dượng Tám gật gù:
"Thế à! Tao lại cứ nghĩ u mày phung phí đi hết rồi. Thôi thế cũng phải. Khuya rồi, mày đi ngủ đi.”
Ngoan lẳng lặng lần đi trong bóng tối. Nó thấy đây là lần đầu tiên dượng nói với nó được một câu chuyện dài như thế. Lúc trèo lên giường Ngoan nghe thấy tiếng ngáy nặng nề của u Tám ở bên tai. Khung cửa phía ngoài in nền trời đục trắng nhờ của một đêm mùa hạ. Có tiếng dượng Tám đi guốc xuống sân đất và tiếng dượng múc nước tắm lịch kịch ở chỗ mấy cái chum. Ngoan nằm một lúc thì hai mắt díu lại. Giấc ngủ êm đềm đến với nó trong những niềm vui nhỏ. Hình ảnh những ánh đèn rực rỡ như đêm hoa đăng chập chờn trong ý nghĩ. Giọng nói êm dịu của dượng Tám thoáng qua mơ hồ bên tai. Ngoan mơ thấy cuộc đời tươi sáng, tràn đầy tình yêu thương, ở đó thằng Ích ăn no rồi đánh đu trên một cành cây cao đầy bóng mát. Miệng u Tám hé một nụ cười. Mặt u tươi tỉnh như chưa bao giờ Ngoan được nom thấy u như thế. Còn dượng Tám thì bận quần áo trắng là phẳng nếp đứng khoanh tay nhìn Ích. Tiếng cười của dượng ròn giã vang lên nghe thành những âm thanh chói buốt. Hàm răng vàng của dượng lộ ra lóng lánh dưới ánh nắng. Ngoan chăm chú nhìn những tia sáng phản chiếu hắt lên mặt đường một mầu vàng ối. Mầu vàng ấy trước sáng, rồi dần dần thành nhạt, rất nhạt, cuối cùng Ngoan có cảm giác như trông thấy dượng đứng bên những ánh lửa héo úa và mặt dượng vụt trở nên hung dữ và độc ác. Nó chợt nghĩ đến những lần dượng xoắn lọn tóc của u Tám vào lòng bàn tay rồi giật đi giật lại. U Tám bấy giờ chỉ như một con vật nhỏ bé, hai tay ôm chặt lấy hai bên mang tai, tiếng khóc của u không bật ra khỏi cổ họng mà chỉ thành những tiếng rên rỉ. Hình ảnh hãi hùng ấy khiến tim Ngoan thốt nhiên đập rất mạnh và nó bàng hoàng như đang đứng trước cảnh thật. Ngoan bừng mở mắt, lưng ép xuống phản gỗ. Nó nhìn ra chung quanh. Đêm đã khuya, căn buồng chật hẹp oi bức và ngột ngạt. Muỗi bay vo vo loạn xạ ở bên tai. Tiếng ngáy của u Tám vẫn đều hoà. Chợt Ngoan vụt nhận ra rằng căn buồng còn sáng lên một thứ ánh sáng khác, héo úa, vàng vọt. Nó xoay người trở lại, nhìn xuống cuối buồng. Ngoan trông thấy dượng Tám đang bưng một cây đèn dầu, đứng lúi húi trên cái ghế gỗ trước bàn thờ. Sự ngạc nhiên và sợ hãi khiến Ngoan nín thở. Nó không hiểu được hành động kỳ quặc của dượng. Mắt nó mở to, tim hồi hộp, chân tay nó như muốn dính liền với tấm phản. Ở đằng này, dượng Tám hình như không biết cái Ngoan đã thức dậy. Dượng vẫn lặng lẽ giơ cây đèn lên soi vào những chỗ ngóc ngách. Mắt dượng long lanh sáng, hai bên lông mày nhíu sát vào nhau nom thật dữ tợn. Ánh sáng của ngọn đèn hắt lên soi rõ hẳn cái trán cao và gồ. Mái tóc bóng nhẫy xoã xuống một bên má. Một tay dượng cầm đèn, một tay dượng khẽ lấy cái que chọc vào những khe nhỏ. Ngoan vụt nghĩ đến món tiền u Tám giấu ở trên ấy. Nó nhận ra rồi, dượng ăn cắp tiền của u nó. Ngoan muốn kêu to lên cho u nghe thấy, nhưng phần vì sợ dượng đánh, phần sợ u Tám cũng bị đòn lây nên hai hàm của Ngoan cứ cứng lại không sao cất được thành lời. Bây giờ thì dượng Tám đã nhấc được cái bát hương sang một bên và mặt dượng lộ rõ vẻ vui mừng. Dượng moi được những tờ giấy bạc mới nguyên nằm sâu dưới chân đế. Sự lúi húi của dượng làm cây đèn chao đi. Bóng tối được dịp đảo đi một vòng che lấp hẳn khuôn mặt dễ ghét của dượng. Ngoan tiếc tiền nên vụt bật dậy. Nó hét lên như vừa nhận được một sức mạnh nào đến giúp nó:
"Dượng... Tiền của u đấy!"
Tiếng hét làm dượng Tám giật nẩy mình, và lần này thì ngọn đèn lộn hẳn qua cái thành gỗ rồi rơi vỡ tan tành trên mặt đất. Bóng tối vụt bưng lấy tất cả mọi vật. Có tiếng u Tám nhỏm phắt dậy và giọng của u hỏi một cách hốt hoảng ở bên tai:
"Ngoan! Ngoan! Cái gì thế?"
Ngoan bật lên khóc. Tiếng khóc của nó làm giọng u lạc đi hơn:
"Sao? Cái gì thế? Ngoan!"
Ngoan giơ tay ra quờ quạng trong bóng tối. Nó sờ thấy vai áo của u. Ngoan ôm chầm lấy u mếu máo:
"Dượng lấy tiền ở trên bát hương!"
Người u Tám bật lên như bị điện giật, u hốt hoảng bổ nhào xuống đất. Có tiếng u vấp phải cái ghế lăn đổ loảng xoảng, đồng thời u kêu thất thanh trong bóng tối:
"Giời đất ơi là giời! Vốn lưng cả nhà còn có ngần ấy.”
Rồi u lăn xuống cuối phòng. Tiếng Ngoan hét lên:
"Đèn vỡ! Đèn vỡ u ơi!"
Nhưng bàn chân u Tám đã dẫm lạo xạo trên mặt đất. Tiếng cạnh sắc của thuỷ tinh vỡ vụn kêu ròn tan dưới sức ép nặng nề của hai gan bàn chân. Cái đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần làm cho cổ họng u như tắc lại. U kêu lên một tiếng "giời" rất nhỏ rồi ngã ngửa ra đằng sau, hai chân u giơ lên cao đạp loạn xạ. Ngoan lật mạnh chiếu lên tìm được bao diêm, nó vội vã xòe một que. Ánh sáng đỏ úa bừng lên yếu ớt nhưng cũng đủ để cho Ngoan trông thấy dượng Tám đứng bối rối ở trên ghế. Mặt dượng hơi tái đi nhưng hai con mắt thì càng long lên dữ tợn. Ở dưới mặt đất còn đẫm dầu, nó thấy U Tám nằm ngửa trong cái thế như còn đang chới với, hai gan bàn chân của u giơ lên cao, dẫy dụa liên hồi và có từng tia máu đỏ lòm ứa ra ở kẽ chân rồi nhỏ xuống mặt đất. Thế là Ngoan oà lên khóc. Que diêm mà nó vừa vứt ra, đảo lên thành một vệt đỏ lừ rồi teo lại. Bóng tối lại bưng kín lấy căn buồng. Dượng Tám tụt nhanh xuống đất, quơ được đôi guốc mộc. Tiếng chân của dượng giẫm phũ phàng lên những mảnh chai. Chỉ một phút, dượng đã ra đến cửa ngoài. Con chó nằm ở bờ giậu hực lên sủa loạn xạ. Ngoan trông thấy dượng mở then cổng hàng rào và lẻn ra vội vã như một con cáo ôm mồi chạy đi mất biệt!

No comments:

Post a Comment