“Không ở chế độ nào tôi làm người đối lập!”
ĐỖ QUYÊN thực hiện
Lời dẫn của Người thực hiện:
Lâu nay, ở trong và ngoài nước, chắc hẳn nhiều người đã có nhiều "nhận định" về ông - cha đẻ của bút ký triết học nhiều tập mang tên NHẬN ĐỊNH nổi tiếng một thời. Riêng tôi thiết nghĩ, nên chăng dùng chữ "hiện tượng Nguyễn Văn Trung" và có các nghiên cứu, tìm hiểu về tác phẩm cũng như con người của ông? Không kể với những nhân vật khoa học và nghệ thuật, thông thường việc nghiên cứu, tìm hiểu như thế chủ yếu cốt là để "phong thánh" cho những con-người-thực vốn được ít nhất một tập thể nào đó đề cao (và đương nhiên có thể bị một tập thể nào đó hạ thấp). Người ta rất muốn né tránh những nhân vật có góc cạnh tới mức "không giống ai", mặc dù chính họ mới tạo nên sự phức hợp đầy hấp dẫn ở trên trần gian này của những con-người-thực.
Với việc tìm hiểu "hiện tượng Nguyễn Văn Trung", điều quý hơn cả là chúng ta có thể ghi nhận thêm được não trạng của trí thức Việt Nam, nhất là trí thức miền Nam, và ảnh hưởng của nó lên bộ mặt đất nước từ thời 1954 đến nay. Bởi vì giáo sư Nguyễn Văn Trung là một trong số những trí thức nổi bật giữa các sinh hoạt học thuật về chính trị, văn hóa và báo chí miền Nam, là một tác gia triết lý Mácxít - Hiện sinh - Nhân vị từng làm chuyển động nhiều lớp thanh niên, sinh viên thành thị miền Nam trước 1975 và vẫn còn gây nhiều tiếng động trong giới nghiên cứu, phê bình trong và ngoài nước từ sau 1975. Nhưng điểm gai góc hơn cả là dưới bất cứ chế độ nào Nguyễn Văn Trung đều “nhận định” ra tính chất sống còn của chế độ đó bằng lối nhìn và thái độ rất không giống ai của ông. Sau biến cố 30.4.1975 ông tiếp tục ở lại Sài Gòn cho đến cuối 1993 thì qua Montréal (Canada ) ở với những người con của ông đã vượt biên từ trước. Từ đó đến nay [1997] thỉnh thoảng ông lại về Việt Nam .
Buổi phỏng vấn của tôi không hề (vì không thể!) có ý đặt ra vấn đề gì đáng kể xung quanh "hiện tượng Nguyễn Văn Trung". Giữa vô số các chủ đề về chính trị, xã hội, văn nghệ... của Việt Nam từ cổ đến kim do ông viết gần 40 năm nay, tôi nhận thấy, cần thiết và trước hết, đưa đến cho các bạn đọc như tôi - sinh ra và lớn lên trong chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc - chủ đề CỘNG SẢN & TÔN GIÁO (hai chương đầu và cuối của tập “NHẬN ĐỊNH – VII” mang tên CÁCH MẠNG VÀ HƯ VÔ được viết từ năm 1988-1993 và chưa được công bố chính thức). Nội dung chính của cuộc hỏi chuyện giáo sư Nguyễn Văn Trung tại nơi ông đang sống trong thành phố Montréal, chiều 6.6.1996, được hình thành như vậy.
Khi viết ra thành bài cuộc phỏng vấn được chia làm 5 phần:
I. NGƯỜI CỘNG SẢN NHƯ MỘT NGƯỜI ANH EM THÙ ĐỊCH
II. TỤC HÓA ĐẢNG VÀ THỂ CHẾ HÓA CHỨC NĂNG TRÍ THỨC
III. NGƯỜI LÀM CHỨNG TÁ CHO MỘT LÝ TƯỞNG KHÁC
IV. NHỮNG BÀN TAY BẨN - NHỮNG BÀN TAY SẠCH
V. LỐI TIẾP CẬN - "TÔI LUÔN LUÔN BỊ HIỂU LẦM!"
*
I. NGƯỜI CỘNG SẢN NHƯ MỘT NGƯỜI ANH EM THÙ ĐỊCH
+ Đỗ Quyên: Đọc mấy bài anh viết gần đây, tôi chưa hiểu hết ý anh lắm ở việc phê phán đảng Cộng sản Việt Nam . Hình như anh đặt ra vấn đề nên phê bình đảng Cộng sản ra sao?
- Nguyễn Văn Trung: Anh nên hiểu tôi coi đảng Cộng sản là gì? Tôi coi đảng Cộng sản như một tổ chức tôn giáo, lý thuyết Cộng sản như một lý thuyết tôn giáo. Khi phê bình đảng Cộng sản cần phải lưu ý là phê bình với tư cách nào, với tư thế nào và để làm gì. Thêm nữa, đối tượng phê bình là ai: nói với người Cộng sản hay với người khác. Vấn đề là ở chỗ đó.
Theo lối nhìn của tôi về triết học và tôn giáo thì đảng Cộng sản là một tổ chức chính trị mang tính chất tôn giáo, như tôi đã trình bày trong tập bài vừa đưa anh ("Đảng Cộng sản Là Tôn Giáo Hay Chính Trị", Nhận Định - VII, tài liệu đã dẫn - Đ. Q. chú thích). Theo đó, chủ nghĩa Cộng sản và lý thuyết Cộng sản cũng mang tính chất tôn giáo. Thể hiện rõ nhất là ở những người theo đảng và những người vào đảng trong thời kỳ đảng chưa cầm quyền, hay gọi là thời kỳ đi làm cách mạng. Cái cung cách chiến sĩ của họ là cái cung cách của các tu sĩ đi giảng đạo, của các Thừa sai bên Thiên Chúa giáo. Đó là những người bỏ hết mọi sự theo lời Chúa: "Ai muốn theo ta thì bỏ hết!", và ngay cả khi đang có người chết cũng bỏ đi theo Chúa: "Người chết để lại cho người sống chôn, bỏ lại hết đi theo thầy!" Có nhiều Thừa sai ra đi còn không nói cho cha mẹ, không một lời từ giã người thương. Đó là những người có lý tưởng và muốn truyền bá tư tưởng đó, nên phải hy sinh cuộc đời mình, không đòi hỏi gì hết và sẵn sàng theo một tổ chức truyền giáo nào đó đưa họ đi. Thế thì những người đi theo đảng Cộng sản cũng vậy thôi. Cụ thể như những người đi vào Nam hồi 1954-55 nằm trong các đường dây tình báo chiến lược, họ theo lệnh của đảng mà bỏ hết lại ngoài Bắc gia đình, vợ con, thậm chí còn không nói cho người thân biết mình sắp đi đâu. Họ không đòi hỏi gì hết và đảng thì đòi hỏi họ tất cả, kể cả sự sống. Tôi đã trao đổi nhiều với những người đó khi họ bị nghi kị, bị mất đảng. Họ rất thú về sự so sánh như trên.
+ Tức là những cựu đảng viên Cộng sản ấy chấp nhận với anh rằng họ như những người Thừa sai Thiên Chúa giáo?
- Nguyễn Văn Trung: Chấp nhận chứ! Họ coi như thế mới hiểu họ. Nếu so sánh với những người phía bên kia của ông Diệm trong các chiến dịch ném biệt kích ra ngoài Bắc, thì những người này có ra đi theo tâm trạng thế đâu? Những người biệt kích này cũng phục vụ lý tưởng của họ thật đấy nhưng họ nằm trong các tổ chức cụ thể có pháp lý bảo đảm. Ví dụ, trước khi ra đi họ ký một khế ước với chính quyền và vợ con họ là những người đại diện lãnh lương của họ hằng tháng, nếu họ bị tù, bị mất tích thì được tiền đền bù. Đấy! Nếu tham gia một tổ chức chính trị thật sự thì lý tưởng chỉ đến thế thôi, chứ không thể như lý tưởng của một tổ chức chính trị mang tính tôn giáo là đảng Cộng sản Việt Nam . Như vậy, với những người theo đảng có cung cách như thế, muốn xét họ đúng hay sai, có thất vọng với đảng không mà nếu anh là người đứng ngoài thì hãy phê bình làm sao để người ta phục anh.
+ Vậy phê bình cách nào?
- Nguyễn Văn Trung: Đấy mới là vấn đề! Nếu họ vào một đảng chính trị bình thường thì chuyện vào đảng rồi ra đảng chẳng có tính cách phản bội gì cả. Không bị coi như một sự phản đạo, chỉ là một sự sai so với “khế ước” mà thôi.
Những người Cộng sản ở trong Nam thường nói với tôi: "Đối với tôn giáo càng đàn áp chỉ càng làm cho nó mạnh hơn, càng làm cho các giáo dân tử vì đạo. Thế thì đối với người Cộng sản cũng vậy: đế quốc thực dân càng đàn áp, càng tra tấn càng làm Cộng sản mạnh hơn". Điều tôi muốn nói với anh hôm nay là bao lâu đảng Cộng sản Việt Nam còn niềm tin mang tính chất tôn giáo thì chừng đó còn có những đảng viên tin theo (tôi chưa muốn nói việc tin đó là đúng hay sai) và mọi cách phê phán thô bạo chỉ làm niềm tin đó mạnh lên.
Làm thế nào để phê phán họ? Ngay với cả những người Cộng sản không còn xác tín đó nữa và đã coi lý tưởng của họ là ảo tưởng, sai lầm thì họ cũng không phản bội lại lý tưởng đó. Con người ta có sự tự trọng, mà sự tự trọng ở một tín đồ là không chửi lại tôn giáo cũ và chỉ từ bỏ nó một cách im lặng... Ở Đông Âu dễ nhận ra sự thật đó vì người theo Cộng sản sống với khuôn khổ văn hóa Thiên Chúa giáo. Còn ở các nơi khác, ở Việt Nam khó nhận ra.
+ Nhưng những người “không Cộng sản” muốn phê phán Cộng sản để mọi người tránh xa Cộng sản...
- Nguyễn Văn Trung: Thì họ phải phê sao cho những người Cộng sản nghe được, chấp nhận được phương pháp phê phán đó, chứ chưa nói đến chuyện phê đúng hay sai. Điều đó nằm ở tư cách của người phê bình. Anh có là người xứng đáng để phê bình người ta không? Thí dụ, anh là người không có một lý tưởng nào hết thì làm sao anh phê được một người dám hy sinh vì lý tưởng?
Lấy ví dụ, các trí thức Công giáo trẻ, các tu sĩ Thiên Chúa giáo rất có trình độ ở miền Nam đã "tham gia cách mạng" sau 1975. Đơn giản là họ tham gia những gì mà nhà nước Cộng sản yêu cầu ở toàn dân. Thí dụ, như đi bộ đội ở Campuchia. Tôi có các chứng từ do những tu sĩ đó viết về cho tôi. Thoạt đầu người chính ủy Cộng sản không thể hiểu được tại sao những người có tôn giáo (tức là phản động, theo quan điểm của Cộng sản) vừa đi tu lại vừa đi bộ đội Cộng sản được. Dần dần cuộc sống chung chỉ cho người chính ủy thấy, đứng về mặt con người, thì các tu sĩ - bộ đội đó không khác gì họ cả. Các tu sĩ đó làm cho họ hiểu đúng hơn về tôn giáo. Đó! Khi hai người có hai lý tưởng mà cảm thông được nhau thì họ sẽ chịu nhau. Những người tu sĩ mà tôi biết đó lại chính là những người được các chính ủy tin tưởng nhất, như khi cần người về Sài Gòn làm gì các tu sĩ này thường được đi vì họ không bao giờ trốn cả! Tôi rất muốn nhấn mạnh rằng khi anh muốn người Cộng sản thay đổi niềm tin của họ, hay ít ra họ tôn trọng niềm tin của anh, thì hãy làm sao để anh có một tư cách nào đó đối thoại được với sự "dám hy sinh" của họ.
+ Thế ra, theo anh, vấn đề phê bình nằm ở tư cách người phê bình! Sao lại thế được nhỉ?
- Nguyễn Văn Trung: Ở đây thì là thế! Nếu anh là một thằng hèn nhát, anh bỏ trốn đi, từ trước 1954 đã là một kẻ tào lao ở miền Bắc, vào Sài Gòn suốt 20 năm cũng bê bối, sau 1975 qua bên này cũng tào lao nốt, thì làm sao phê bình Cộng sản được; ngay cả những người không Cộng sản cũng còn không chịu được.
+ Song ngay cả ở trường hợp "tào lao" đó nếu có nội dung phê bình đúng thì sao? Anh cũng dư biết, đôi khi, tác phẩm và con người thực không cần là một.
- Nguyễn Văn Trung: Vâng, nhưng việc phê bình đó khó có thể đúng. Phê bình Cộng sản không phải là chuyện lý thuyết. Muốn nói đúng Cộng sản anh phải đi vào trong thế giới Cộng sản để chia sẻ tâm tư với họ. Còn chỉ nói về chuyện chủ nghĩa Marx không thôi thì lại là chuyện khác.
+ Là một người theo học, nghiên cứu và tuyên truyền Mácxít anh có thấy đảng Cộng sản là một trường hợp độc nhất vô nhị về hình thức hoạt động nếu so sánh giữa các tổ chức chính trị?
- Nguyễn Văn Trung: Không có đảng chính trị nào như đảng Cộng sản cả: hình thái sinh hoạt của đảng Cộng sản giống với tôn giáo. Tôi đã nói hôm nọ với anh rồi, "cái lầm than của đảng Cộng sản nằm ở cái cao cả của nó" là vì thế!
+ Hình như anh chưa định tính hóa xem phần tôn giáo là thế nào, phần chính trị là sao trong cung cách sinh hoạt của đảng Cộng sản. Hay ta xem đó giống như sự lưỡng tính trong... vật lý lượng tử!?
- Nguyễn Văn Trung: (Cười hà hà) Không thể làm vậy được đối với tính chất của đảng Cộng sản! Cũng không phải là lưỡng tính như anh muốn so sánh, dù để làm vui. Đây là một sự lẫn lộn với nhau, không cái nào ra cái nào và chính thế nó mới kẹt.
+ Một lần anh đề cập đến chuyện rằng chỉ sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc, đánh đổ đế quốc thực dân thì với người Cộng sản mới dễ phê bình hơn...
- Nguyễn Văn Trung: Tôi chỉ muốn nói rằng sau khi người Cộng sản nắm chính quyền họ mới thấy những chuyện xấu xa và tệ hại của họ lộ ra. Nhưng ngay khi đó lại có khó khăn khác; đó là vấn đề "esprit de corps", tức là cái "tinh thần tập thể", cái tự ái tập thể trong các tôn giáo. Ví dụ, tôi là Phật tử, anh là người Công giáo, thì chúng mình rất biết các chuyện bê bối trong mỗi giáo hội của mình. Nếu có thằng cha nào đó cũng là tín đồ mà phê thì tôi và anh đều chịu, dù các phê bình của nó là đau xót. Còn như nó ở ngoài tôn giáo mà lại đòi phê bình thì chúng ta sẽ không chịu, chúng ta sẽ cố tìm cách bênh vì tình tự trọng, tự ái tập thể. Anh có nhớ dạo năm 1980 gì đó có đợt học tập về Marx-Lenin, phê bình đảng một cách công khai? Rất nhiều người đã nói. Ông Trần Văn Giàu cũng nói hết cả. Đến khi ông Lý Chánh Trung lên tiếng trên báo thì bị các ông Lê Đức Anh và Nguyễn Văn Linh phản ứng. Về sau tôi hiểu ra ý của các ông ấy như thế này: "Mẹ kiếp! Cái đảng của chúng tôi, cái Mác-Lê của chúng tôi thì chúng tôi biết chứ! Đau xót lắm chứ! Nhưng chúng tôi mới nói được! Anh là cái thằng ngoài đảng thì anh không nói được!" Đây là vấn đề tâm lý mà thôi. Mình không thể phủ nhận. Tất nhiên, quyền anh phê, anh cứ phê; quyền chửi cứ chửi. Làm sao để mà, thứ nhất người ta cảm nhận lời phê bình (chưa nói là đồng ý), và thứ hai là cảm hóa được người ta.
+ Ừ thì tạm chịu anh ở mặt tôn giáo của đảng Cộng sản, nhưng về mặt chính trị: đảng nào cũng muốn có tính dân chủ, mà dân chủ lại là ở sự phê bình và tự phê bình. Nếu theo anh lý luận thì về nguyên tắc (tôn giáo) đảng Cộng sản độc đoán trong sinh hoạt đảng.
- Nguyễn Văn Trung: Nó chỉ không thể độc tài, độc đoán được khi là một đảng chính trị bình thường. Một ví dụ: kể cả trong đảng người ta cũng muốn dẹp các tổ chức "cây kiểng" như Mặt Trận Tổ Quốc đi. Nhưng khi những đối thủ của Cộng sản, những người không Cộng sản ở nước ngoài đòi dẹp thì họ không những không dẹp mà lại còn làm mạnh các tổ chức đó lên. Lại cũng là vấn đề tâm lý!
Người Cộng sản độc đoán thường nghĩ: "A! Anh là kẻ thù của tôi, anh lại dạy tôi à?" Các chuyện ở Vatican cũng như vậy. Một nguyên tắc phong Giám mục của Vatican là nếu có vị nào đó có tên trong danh sách sắp được phong mà tên đó bị lộ ra dư luận bên ngoài trước khi phong chính thức, thì lập tức vị đó bị loại ngay ra khỏi danh sách. Vatican không thể chấp nhận làm một điều như thế là vì dư luận bên ngoài mà họ phải phong chức Giám mục cho vị đó. Họ muốn hoàn toàn tự làm các việc của họ! Tôi không nói rằng việc đó là đúng hay sai, tôi chỉ ghi nhận có một sự việc như vậy. Tóm lại, muốn phê bình người Cộng sản thì phải có một tư cách nào đó, bằng không thì việc phê cứ phê và người ta sẽ không để ý.
No comments:
Post a Comment