BANGKOK—
Cơ quan Liên hiệp quốc có nhiệm vụ chống tội phạm quốc tế cảnh báo là vấn đề du lịch liên hệ đến tình dục trẻ em tại Đông Nam Á càng ngày càng tệ hại với sự hội nhập của các nền kinh tế trong vùng dự trù diễn ra trong những năm tới. Từ Bangkok, Thông tín viên Đài VOA Steve Herman gửi về bài tường trình.
Hai bé gái người Việt 8 tuổi và 10 tuổi ngồi trên một chiếc giường trong một nhà thổ ở tại làng Svay Pak, gần Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh tư liệu). |
Việc hội nhập kinh tế được dự trù của các nước Đông Nam Á đang được quảng bá như là một bước quan trọng để đẩy mạnh mức sản xuất trong vùng và thích nghi đầy đủ hơn với nền kinh tế toàn cầu.
Các rào cản thương mại và kinh tế sẽ được bãi bỏ. Các doanh gia và những công nhân có kỹ năng dự trù sẽ có điều kiện dễ dàng hơn để vượt qua các biên giới làm việc trong các ngành công nghiệp đang cần đến họ.
Du lịch cũng hy vọng phát triển mạnh với con số các du khách nước ngoài đến Đông Nam Á dự trù tăng gấp đôi trong năm năm tới.
Sự kiện này có thể kèm theo những mặt trái, theo như Văn phòng Liên hiệp quốc về Ma túy và Tội phạm UNODC.
Trong một phúc trình mới về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em, UNODC nói những tội phạm tình dục nhằm vào các trẻ em sẽ lợi dụng sự di động ngày càng tăng và sự kiện các giới hữu trách ngày càng mất khả năng giải quyết những tội phạm như vậy.
Bà Margaret Akullo là một trong những tác giả của phúc trình có tên là “Bảo vệ Tương lai: Cải thiện việc Đối phó với những Tội phạm liên hệ đến Tình dục trẻ em tại Đông Nam Á.”
Bà Akullo nói: “Kinh tế tăng trưởng dựa vào du lịch không phải luôn luôn cung cấp những cơ hội tốt nhất cho những người sống trong những vùng du lịch. Do đó trẻ em tại các vùng này có thể được nhận làm việc trong ngành giải trí này. Hay trẻ em sống hay làm việc trên đường phố dễ dàng bị các khách du lịch lạm dụng.”
Phúc trình, không được công bố công khai, dù Đài VOA có được một bản sao, cho biết những hình thức cam kết mới được đòi hỏi để truy quét việc khai thác tình dục trẻ em tại Đông Nam Á. Phúc trình ghi nhận là cảnh sát hoạt động theo cách thức cổ truyền - có thể không đủ tại các khu vực nông thôn - không hữu hiệu.
Bà Akullo, là người điều phối chương trình nói với Đài VOA là ONODC tiến hành một cuộc thăm dò về cảnh sát, công tố viên và thẩm phán trong vùng để biết được tại sao có quá ít tội phạm được đưa ra trước công lý.
Bà Akullo cho biết: “Trở ngại chính trong việc truy tố thành công những trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em là thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng và các nguồn lực của cảnh sát để có thể nhận diện hữu hiệu, điều tra và truy tố những trường hợp như vậy.”
Vấn đề này trở nên trầm trọng thêm do tình trạng thiếu tinh vi trong viêc đối phó với những tội phạm liên hệ đến máy vi tính.
Tại một số quốc gia như Philippines chẳng hạn, có một con số đáng kể những trẻ em bị khai thác tình dục bằng cách bắt các em này có những hành vi tình dục được các khách hàng trả tiền để xem trên mạng tại các nước khác qua Internet.
Một thách thức khác là tham nhũng-và trong một số trường hợp, nhất là tại Thái Lan, chính các nhân viên thi hành công lực dính líu đến việc chào mời trẻ em cho khách du lịch hay được hối lộ để ngoảnh mặt làm ngơ.
Phúc trình của UNODC ca ngợi Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan vì có sáng kiến hợp tác trong vùng để theo dõi và ngăn ngừa việc vào các nước này những người nước ngoài có thành tích về những tội phạm liên hệ đến tình dục. Các nước này cũng sử dụng kho dữ liệu quốc tế về những hình ảnh khai thác tình dục trẻ em do INTERPOL thiết lập để nhận diện những nghi can.
Bà Akullo và các chuyên gia khác trong lãnh vực này công nhận là phạm vi thực sự của vấn đề này chỉ có tính cách phỏng đoán.
Bà Akullo nói tiếp : “Vì bản chất bị che giấu của vấn đề này nên khó có con số cụ thể. Tuy nhiên việc này không phải là lực đẩy chính yếu. Lực đẩy chính yếu là nếu trẻ em bị lạm dụng chúng ta cần sự hợp tác của các chính phủ, xã hội dân sự, cộng đồng tặng dữ, cộng đồng quốc tế để bảo vệ các trẻ em này.”
Nhưng giới hữu trách chắc chắn là với việc có nhiều người đi du lịch vùng này hay di chuyển trong vùng, việc khai thác tình dục trẻ em sẽ tệ hại hơn trong những năm tới.
Steve Herman
No comments:
Post a Comment