Friday, September 5, 2014

Thủa mơ làm văn sĩ - KỲ 17

Như ở trên tôi đã nói, kịch là bộ môn khó viết nhất, ít ai muốn bước chân vào. Tôi biết như vậy, và thực tâm tôi cũng chẳng mong muốn mình đi theo cái ngành khó khăn ấy. Vậy nếu có viết kịch lần này thì cũng chỉ là để giỡn chơi cho thỏa cái sự ấm ức của tôi trong đôi lúc, mỗi khi nghĩ đến tờ quảng cáo của Nguyễn Đông Tây mà thôi. Vả lại, nhìn tờ quảng cáo ấy dưới khía cạnh hài kịch thì không còn thể văn nào thích hợp hơn.
Ngày hôm sau tôi tức tốc đem lại tòa soạn báo Cải Tạo do ông Phạm văn Thụ làm Chủ Nhiệm để gửi đăng.
Vào thời kỳ ấy, cụ Đào Trinh Nhất đã thôi cộng tác với tờ Cải Tạo là tờ tuần báo có trụ sở ở đường Mongrand sau đổi là Nguyễn Thượng Hiền, gần hồ Halais tức hồ Thuyền Quang Hà Nội. Bộ biên tập sau đó nằm trong tay các cây bút trẻ hơn như Nhị Lang (bút hiệu của Thái Lân, một nhà chí sĩ cách mạng sau này), Văn Bình, Kim Sinh và Phạm văn Thụ. Tôi không rõ lắm về sự phân công trong tòa soạn nhưng hình như công việc chọn lựa bài vở nằm trong tay ông Kim Sinh và ông Văn Bình tức Chàng Thứ Mười Lăm (in trên báo là Chàng thứ XV).
Hai ông này chắc có máu tếu cùng mình nên bản thảo của tôi vừa gửi đi tuần trước thì ở số báo tuần sau nó đã được chọn đăng, chiếm nguyên vẹn một trang báo khổ lớn, nom rất trịnh trọng và xôm trò.
Vở kịch tung ra gây một trận cười vỡ bụng trong làng văn chương choai choai mới lớn. Tôi còn nhớ anh Toàn (bây giờ là nhà văn Nguyễn đình Toàn), hồi đó nhà ở bên Gia Lâm, cách Hà Nội khoảng vài cây số. Nhà Toàn ở rất đơn sơ, mái tôn, vách gỗ, nhiều chỗ phô ra nhiều khe hở nên bà Cụ mẹ Toàn lấy giấy báo trám vô những lỗ thủng. Chính trang báo Cải Tạo có đăng vở kịch của tôi lại cũng được đóng cái vai che chắn đó. Nó lại nằm ngay ở trước bàn nước, nơi xếp ly tách, chai lọ nên một hôm Toàn đứng rót nước uống, vô tình để mắt lên trang báo. Tuy đã đọc từ trước rồi, thế mà chợt nhìn lại, Toàn cũng không nhịn được nên cười phá lên làm nước bắn tung tóe ra mọi người chung quanh. Giai thoại ấy, Toàn đem kể lại cho bạn bè. Thế là nghiễm nhiên tôi đâm ra "nổi tiếng" trong đám văn nghệ choai choai về ngành viết kịch và đám văn nghệ trẻ phong cho tôi là …kịch sĩ !
Thừa thắng xông lên (chữ dùng bây giờ), tôi đình chỉ viết truyện ngắn và chỉ miệt mài sáng tác kịch vui.
Cứ khoảng hai, ba  tuần tôi lại cho ra lò một vở hải kịch và vở nào thì tuần báo Cải Tạo cũng dành chỗ trịnh trọng để đăng lên. Điều mà tôi và Tắc vẫn hằng mơ ước  bây giờ đối với tôi đã thành sự thật. Nghĩa là cứ gửi bài đến đến đi, gửi thật nhiều, thật bền bỉ, gửi vô điều kiện thì sẽ có lúc mình giành được một mục thường xuyên trên tờ báo. Thế là mình …nổi tiếng, mình đã trở thành "văn nghệ sĩ" và trong ngăn bóp có quyền mang theo một cái các vi-dít đề tên mình với hàng chữ in nghiêng ở dưới : Thi sĩ, Tiểu thuyết gia, Kịch tác gia hoặc muốn cho nó có vẻ khiêm tốn thời thượng hơn thì đổi lại là làm thơ, viết văn, soạn kịch..
Riêng tôi thì chưa có dịp làm cái công việc này, lý do vì in một cái các vi-dít cũng tốn kém lắm, ngót trăm bạc như chơi. Nhưng ngoài "các" ra, chúng tôi còn ưa chuộng một thứ khác gọi là triện son. Triện son có công dụng nhiều hơn là các vi-dít nên hầu như bọn trẻ chúng tôi, anh nào cũng chịu chi cái khoản đi thuê khắc triện có tên của mình ở trên gỗ. Mà giá cả lại rẻ hơn, khoảng bẩy đồng một cái triện hình vuông, mười đồng một cái hình tròn hay bầu dục. Chưa kể hộp mực dấu, phải bỏ thêm tiền nhưng chúng tôi tự xoay xỏa lấy bằng cách lấy cái hộp đựng viên thuốc nhện, tức viên thuốc nhức đầu hồi đó có tên hiệu là Kalmine, nhét đầy bông và đổ mực đỏ vào. Thế là đầy đủ đồ nghề cho một cái triện son.

Nói cho đúng ra, triện son là thú chơi tao nhã của những nhà văn nghệ đã nổi danh, vốn đã có nhiều tác phẩm xuất bản rồi. Mỗi khi in một tác phẩm mới, lúc ký tặng bản bè thì bên cạnh chữ ký, tác giả còn áp thêm một cái triện son mang bút hiệu của mình (thường là khắc theo kiểu chữ Hán) ở ngay bên cạnh. Những trang sách mà có lời đề tặng cùng chữ ký và triện son của tác giả thì nom rất hấp dẫn, trang trọng và ….."văn nghệ" vô cùng !
Dĩ nhiên bọn chúng tôi thì chưa đứa nào có tác phẩm ra đời để viết lời đề tặng và ký tên có triện son bên cạnh cả. Nhưng cần gì phải theo đúng nguyên tắc của các bậc đàn anh. Nghĩa là khi có triện rồi thì chúng tôi đem "ịn" lung tung lên đủ mọi chỗ. Từ tập vở cho đến sách học, từ tờ nháp cho đến sổ tay. Nhất là khi viết thư cho ai thì khỏi nói, cuối thư thế nào cũng áp một con dấu đỏ chói bên cạnh cái chữ ký loằng ngoằng. Nom cũng oách ra phết !

***

Thấm thoắt đã hơn ba tháng trời, tôi "cộng tác" với tòa soạn Cải Tạo được 8 vở kịch vui. Đó là một thành tích phi thường mà bạn bè tôi ít ai sánh được. Bởi thông thường thì tỷ lệ số bài của bọn trẻ chúng tôi được chọn đăng chỉ bằng khoảng một phần năm số bài gửi đi. Mà được như thế cũng đã là quý hóa lắm rồi.
Trong các bạn bè tôi, chỉ có một người gửi bài nào là dính bài đó. Lại dính ở một tờ báo sáng giá nhất hồi đó là tờ Tia Sáng, ấn bản đặc biệt ngày Chủ Nhật. Đó là anh chàng Nguyễn Thanh Đạm tức nhà thơ Song Hồ bây giờ. Đạm làm nhiều thơ. Thơ của Đạm mới mẻ, tân kỳ. Anh lại có tài tưởng tượng rất phong phú. Chẳng hạn như những ngày hè nóng chẩy mỡ, Đạm chui xuống quầy hàng, chổng mông ra, húc đầu vào, lụi hụi làm thơ trời lạnh có tuyết rơi và ở dưới không quên ghi chú "Paris ngày…."
Tòa soạn Tia Sáng Chủ Nhật chọn đăng thơ của Đạm đều đều. Người ngoài không biết tưởng nhà thơ này đã đi Tây, đã yêu nhiều, đã thất tình và từng lang thang lê gót giang hồ tứ xứ. Ai có ngờ đâu,  đó chỉ là một cậu học trò đang mài đũng quần ở bậc trung học đệ nhất cấp !
Một nhân vật khác cũng có tài tưởng tượng hết sức phong phú mà tôi còn nhớ được là anh bạn  tên Nguyễn Đức Cầu, tức ký giả Hùng Phong của giới báo chí Sài Gòn bây giờ. Tôi quen Cầu từ năm học lớp Nhất trường Hàng Vôi. Nhà của Cầu ở phố Hàng Than, gần chợ Đồng Xuân Hà Nội. Anh ta chuyên đi một chiếc xe đạp mà cái tay lái (guidon) không hiểu vì sao lại gẫy mất phần bên trái, chỉ còn một bên tay phải, nên Cầu chỉ lái xe bằng có một tay. Cầu chơi đàn Banjo rất giỏi, tiếng đàn gọn, lại chắc qua từng nốt nhạc và lúc "vê" cho âm thanh kéo dài thì nghe rất ròn rã, điệu nghệ. Đã thế, Cầu còn viết cả phóng sự được in hàng ngày trên tờ Liên Hiệp của ông Soubrier Văn Tuyên nữa thì mới "chúa" chứ !
Đó là cái phóng sự nổi tiếng "Con Cò mày đi ăn đêm" chuyên sưu khảo về những chuyện buôn hàng lậu từ Hà Nội ra vùng Kháng Chiến mà hồi đó hay gọi là ra "hậu phương". Thật, cho đến bây giờ tôi cũng vẫn không hiểu anh chàng có cái trán hói, mắt hơi lồi to và thân hình khá loắt choắt này moi tài liệu ở đâu ra mà viết được những thứ đề tài hiếm hoi như thế. Chính tôi cũng đã chịu khó hàng ngày cuốc bộ ra tòa báo Liên Hiệp ở góc phố Hàng Trống và con đường đối diện Nhà Thờ Lớn để đọc "cọp" thiên phóng sự này tại cái bảng treo báo trước cửa tòa soạn. Nội dung thiên phóng sự quả là hấp dẫn với nhiều pha sôi nổi, hồi hộp, gây cấn từ các nhóm đi buôn. Cầu lấy bút hiệu là Hùng Phong mà cho tới bây giờ bút hiệu ấy anh vẫn còn dùng khi viết báo ở Sài Gòn.

Ngoài việc viết phóng sự, Cầu còn chủ trương riêng một mình một tờ tuần báo chuyên dành cho trẻ em. Tôi nói "một mình" là bởi từ Chủ Nhiệm, Chủ Bút đến nhân sự cộng tác viết bài, đi phân phối báo…tất cả chỉ có một mình Cầu ôm tuốt luốt. Anh chàng lại còn vẽ lấy, trình bầy lấy trang báo, tự xoay sở tiền bạc để có thể ra được mỗi tuần mốt số báo dầy 16 trang, khuôn khổ bằng nửa tờ Thiếu Nhi bây giờ.
Chỉ đáng tiếc là tờ báo sống không được lâu vì sau 5 số báo khá chạy, nó bị mấy tờ báo hùng mạnh hơn ra cạnh tranh trong thị trường báo chí con nít. Có thể kể sự xuất hiện của tờ cậu Ấm Cô Chiêu (loại mới) do nhà Văn Hồng Thịnh xuất bản,  tờ Ngày Xanh (sau đổi tên là Thiếu Nhi) do nhà văn Anh Hợp chủ trương và tờ Tuổi Ngọc của  họa sĩ Thy Thy Tống Ngọc. Một mình cầm cự với ba ê-kíp chuyên nghiệp như thế, lại chỉ là một cậu học sinh chưa qua hết bậc trung học, Cầu dù tài năng cách mấy cũng không thể kéo dài, mặc dù nỗ lực của anh thật đáng khâm phục.
Trường hợp "đơn thương độc mã" ra báo kiểu này, lại một lần nữa xẩy ra trong lịch sử "bọn trẻ có ước mơ trở thành văn sĩ". Đó là trường hợp của nhà văn Lê Tất Điều, thưở ông còn là một học sinh lớp Nhất bậc tiểu học. Vào thời kỳ đó (sau 1954, ở Sài Gòn), cậu học sinh tên Điều cũng tự đảm đương lấy một tờ báo với đủ mọi nhiệm vụ: Chủ nhiệm, Chủ bút, Họa sĩ, Ký giả kiêm luôn cả Thầy cò sửa bản in và nhân viên giao báo. Báo của Điều in tới 2.000 số, bán cũng khá chạy. Điều kể rằng hôm đến nhà phát hành để thu tiền báo, ông giám đốc nhăn mặt nói:
- Cậu về nói với Ba cậu tới đây tính toán. Chuyện tiền nong phải người lớn nói với nhau mới được.
Báo hại, ông chủ nhiệm tí hon phải móc bóp lấy thẻ học sinh có dán ảnh đàng hoàng ra để chứng minh rằng mình tên là Lê Tất Điều mà tên chủ nhiệm in trên báo cũng rành rành là Lê Tất Điều nốt. Cuối cùng ông giám đốc nhà phát hành phải nhượng bộ, thanh toán tiền bạc¸nhưng hẳn vẫn mang trong lòng một nỗi ấm ức không nguôi :"'Chủ nhiệm báo gì mà nhãi ranh như thế nhỉ !!".


                                                   (còn tiếp)

No comments:

Post a Comment