Bối cảnh lịch sử
Cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh 1946 -1954 đã được 8 năm , hai bên đều mệt mỏi thiệt hại nhiều nhân mạng. Điện Biên Phủ, trận đánh lớn nhất trong cuộc chiến này bắt đầu ngày 13-3-1954, quân Pháp yếu thế rõ rệt so với Việt Minh
Gần cuối tháng 3 Pháp chính thức yêu cầu Mỹ cho oanh tạc ồ ạt cứu nguy mặt trận, Tổng thống Eisenhower và Bộ tham mưu, các cố vấn tòa Bạch ốc nghiên cứu kế hoạch rồi tham khảo ý kiến các vị đại diện Quốc hội. Giới Lập pháp đòi Hành pháp phải thực hiện 3 điều kiện để được Quốc hội ủng hộ: (1)
-Phải có sự tham gia các nước Đông nam Á, các nươc Liên hiệp Anh
-Pháp phải trả độc lập cho Việt, Mên, Lào
-Pháp phải ở lại chiến đấu chống CS
TT Eisenhower theo yêu cầu các vị đại diện Quốc hội cử ngoại trưởng Dulles vận động Anh, Pháp và các nước Đông nam Á tham gia liên minh quân sự. Mặc dù khẩn khoản xin Mỹ oanh tạc cứu nguy nhưng Pháp không chịu tham gia Liên minh và đi tìm hòa bình vì bị trong nước chống đối. Người dân, báo chí Pháp cho rằng cuộc chiến nay chỉ là đánh thuê cho Mỹ. Pháp tin tưởng vào Hội nghị Genève sẽ khai mạc ngày 26-4-1954, họ cho biết trường hợp nếu không ký được Hiệp định sẽ tiếp tục cuộc chiến. Người Anh bác bỏ lời mời của Mỹ tham gia Liên minh và tin tưởng vào Genève, chỉ tham gia chiên tranh nếu Hội nghị trở ngại. Mỹ khuyên Pháp tiếp tục cuộc chiến không tham gia Hội nghị, họ coi Genève là sự thất bại vì sẽ phải nhường đất cho Cộng Sản, họ biết rằng các cường quốc Tây phương cũng như Cộng sản chủ trương chia đôi Việt Nam, trong lúc này Anh và Nga đã ngầm chủ trương như vậy.
Mỹ thất bại không cứu được ĐBP vì Anh không chịu tham gia Liên minh mà Quốc hội yêu cầu.
Hiệp định Genève
Ngày 26-4 Hội nghị Genève (2) khai mạc để giải quyết các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Cuộc thảo luận Triều Tiên tại Genève không đạt kết quả. Ngày 7-5-1954 ĐBP thất thủ, phái đoàn Pháp bị mất mặt tại Hội nghị, cuộc họp thảo luận về Đông Dương thực sự bắt đầu ngày 8-5-1954. Các nước tham dự và đại diện gồm Anh, ngoại trưởng Eden; Pháp, Bidault, sau ngày 19-6 là Chauvel; Mỹ, Thứ trưởng ngoại giao Smith; Nga, ngoại trưởng Molotov; Trung cộng, Thủ tướng Chu ân Lai; Quốc gia Việt Nam, Nguyễn Quốc Định, đầu tháng 7 là Trần Văn Đỗ; Việt Minh Thủ tướng Phạm văn Đồng.
Hiệp định được ký kết ngày 20-7-1954 gồm 4 văn kiện
1- Hiệp định đình chiến tại Việt Nam
2- Hiệp định đình chiến tại Lào
3- Hiệp định đình chiến tại Cao Mên
4- Tuyên bố cuối cùng, không có chữ ký
Phái đoàn Quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ không ký vào bất cứ văn kiện nào của Hiệp định.
Hiệp Định Genève đình chiến ở Việt Nam gồm 6 chương 47 điều
Xin sơ lược
Chương I – Giới tuyến quân sự tạm thời, khu phi quân sự.
Thời hạn rút quân không quá 300 ngày từ 20-7
Chương II- Nguyên tắc và cách thức thi hành Hiệp định
Điều 14- Trong khi chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước, mỗi bên phụ trách quản trị hành chánh khu vực của mình. Thời hạn rút Hà nội 80 ngày, Hải dương 100 ngày, Hải phòng 300 ngày.
Chương III- Cấm đem thêm quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí đạn dược mới vào căn cứ quân sự.
Chương IV –Tù binh và thường dân bị giam giữ
Thời hạn 30 ngày để trao trả tù binh
Chương V- Điều khoản linh tinh
Chương VI Ban Liên Hợp và Ủy hội quốc tế ở Việt Nam
Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến gồm Ấn độ (chủ tịch), Gia Nã Đại, Ba Lan.
Thứ trưởng quốc phòng Tạ Quang Bửu đại diện Việt Minh ký
Thiếu tướng Henri Deteil thay mặt Tư lệnh Đông dương ký
Bản tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 gồm 13 điểm (3)
Bản tuyên bố cuối cùng về tái lập hòa bình Đông Dương không mang chữ ký của bất cứ phái đoàn nào tham dự hội nghị, trong đó điều 7 nói nguyên văn:
“Hội nghị tuyên bố, giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức tháng 7-1956”
Sau khi Hội nghị khai mạc được một tháng và một tuần, vào ngày 4-6-1954, người Pháp đã trao trả độc lập hoàn toàn cho chính phủ Quốc gia Việt Nam
“Thủ tướng Bửu lộc dồn nỗ lực vào việc điều đình nhằm mục đích kiện toàn độc lập cho Việt Nam. Sau ba tháng vận động và thảo luận, ông đi tới kết quả là ký kết với chính phủ Pháp hai hiệp ước ngày 4-6-54. Như thế ông đã hoàn tất sứ mạng được giao phó và thỏa mãn ý nguyện mà Quốc Trưởng Bảo Đại đã ấp ủ từ 1949” (4)
Việt Nam được độc lập hoàn toàn một tháng rưỡi từ 4-6 cho tới 20-7 thì bị chia đôi
Dưới đây là nhận định, ý kiến của các nhà bình luận Tây phương
Jean Lacouture, ký giả lão thành người Pháp nói trong “Kết Thúc Một Cuộc Chiến, Đông Dương năm 1954” chương 23 (5)
Xin sơ lược
Tám năm chiến tranh, 400,000 người chết, ba tháng thảo luận từ 26-4 tới 21-7, ông Trần Văn Đỗ chống lại sự chia đôi đất nước. Tuyên bố sau cùng ngày 21-7 định ngày Tổng tuyển cử cho Việt Nam vào tháng 7-1956, cần có sự tham khảo giữa hai miền từ 20-7-1955 về trước.
Tại VN, thời hạn 300 ngày để hai bên rút quân về trên hoặc dưới vĩ tuyến 17, sau 30 ngày trao trả tù binh
Tại Lào từ tháng 6 tới tháng 8 có hiệu lực
Tại Mên từ tháng 7 tới tháng 8 có hiệu lực
“Nói về quan điểm người Việt nam, thái độ hoàn toàn bác bỏ (Hiệp định) của chính phủ Bửu Lộc và chính phủ Ngô Đình Diệm rất đáng kính trọng. Người Việt chân chính Quốc gia hay Cộng sản không ai có thể chấp nhận chia đôi đất nước dù chỉ là trong một khoảng thời gian” (6)
Việc chia đôi VN do hai mục đích chính của Pháp: cứu Quân đoàn viễn chinh; để cho Quốc gia Việt nam thiết lập cơ sở sau một biên giới vững chắc. Từ cuối tháng 6 Pháp ủng hộ việc chia đôi, từ ngày 10-6 Pháp đòi chia VN tại vĩ tuyến 18. Cuối tháng 6, đồng minh Anh Mỹ đề nghị tại vĩ tuyến 17.
Phía Việt Minh mới đầu đòi chia tại vĩ tuyên 13, mười hai ngày sau họ chuyển tới vĩ tuyến 14. Ngày 13-7 Phạm văn Đồng nhượng bộ lên tới vĩ tuyến 16 dưới áp lực Chu Ân Lai và Dulles khi ngoại trưởng Mỹ này tới Paris đã tạo áp lực lên phía CS. Thủ tướng Mendes-France đòi đưa lên xa hơn. Đêm 19-7 đưa lên cao hơn một một ít dặm và trưa 20-7 Molotov, ngoại trưởng Nga đồng ý quan điểm của Anh-Mỹ (ngày 29-6) lấy vĩ tuyến 17.
Một viên chức ngoại giao cao cấp của Pháp đã tham dự hội nghị cho rằng: Thỏa thuận ngày 20-7 khiến phía Pháp có lợi. Ông ta lý luận tình hình quân sự lúc đó rất nguy kịch, ta khó mà giữ được Hà nội cho dù gửi thêm hai sư đoàn tuyển mộ cũng không giúp gì được. Hà Nội có thể bị cắt khỏi Hải phòng chỉ trong một ngày. Nếu rui lui trong lửa đạn sẽ thiệt hại nặng. Hải phòng cũng sẽ phải rút….miền Nam sẽ bị đe dọa vì ta tập trung lực lượng ở miền Bắc.
Từ những thông tin đó ta thấy chia đất nước tại vĩ tuyến 13 đúng với thực trạng hơn là tại vĩ tuyến 17 mà chúng ta đã làm được.
Có nghĩa là người Pháp đã đòi được nhiều hơn thực trạng chiến trường
Về ngày bầu cử người Pháp ấn định nó thật xa hay không xác định ngày càng tốt và giao trách nhiệm cho Ủy hội quốc tế. Vào ngày 15-7 Nga đề nghị cuối năm 1955. Lúc 5 giờ chiều ngày 20-7, mọi người đồng ý với Molotov đề nghị hai năm, Mỹ và Pháp muốn hoãn lại ít nhất 18 tháng.
Về thời hạn rút quân Pháp đề nghị 380 ngày, Việt Minh đề nghị ba tháng, sau cùng thỏa thuận 300 ngày. Khác với Munich tháng 9-1938 để tránh chiến tranh, Genève tháng 7-1954 vì Pháp quá mệt mỏi sau tám năm khói lửa.
Thủ tướng Mendes-France trình bầy kết quả trước Quốc hội ngày 22-7 cho biết kết quả Hiệp Định không tốt đẹp. Chính phủ không bị chỉ trích nhiều, đối lập cũng không đả phá, cả chủ bại và chủ chiến cũng tỏ vẻ ủng hộ. Quốc hội chấp thuận với đa số phiếu lớn sau ba lần biểu quyết ngày 23-7
Báo Le Figaro ngày 21-7 viết: Chúng ta đau buồn vì quyền lợi của chúng ta ở Viễn đông mất một nửa, phần còn lại cũng bị lung lay. Thế giới Tự do phải nhường đất cho CS, cũng đau buồn nhưng dù sao cũng cám ơn Thủ tướng Mendes-France đã khiến cho máu của người Pháp không còn chẩy cho một cuộc chiến vô vọng.
Ngày 21-7, Tổng thống Eisenhower trả lời phỏng vấn nói ông không chỉ trích những gì đã làm ở Genève vì ông không có giải pháp nào hay hơn để đề nghị. Ngoại trưởng Pháp Chauvel nói: “không có kết thúc tốt đẹp cho một việc tồi tệ” Eden nói cùng một ý nghĩ nhưng mang vẻ lạc quan “Chúng tôi đã cố gắng hết mình”
Tôi xin đề cập nhận định về Genève của Fredrik Logevall, Giáo sư sử Mỹ, nói trong cuốn Tro Tàn Cuả Chiến Tranh, Sự Suy Tàn Của Một Đế Quốc Và Sự Thành Hình Một Việt Nam, phần năm (7)
Logevall nói hòa ước đình chiến giữa Pháp và Việt Minh chia đôi (VN) tại vĩ tuyến 17, và khu phi quân sự chiều ngang 6 dặm dọc theo vĩ tuyến. Pháp rút vào Nam, Việt Minh ra Bắc, Hiệp định cấm hai bên không được liên kết quân sự với nước khác và nhận viện trợ quân sự. Thành lập Uỷ hội quốc tế do Ấn độ làm chủ tịch để kiểm soát, Hiệp định công nhận đường phân chia chỉ là tạm thời như trong tuyên bố sau cùng, một văn kiện không có chữ ký mà chỉ được xác nhận bằng miệng (8) trong phiên họp cuối cùng trưa 21-7. Ranh giới chỉ là tạm thời không được coi là biên giới quân sự hay chính trị. Tuyên bố cuối cùng dự trù một cuộc tổng tuyển cử bằng phiếu kín trên toàn cõi VN vào tháng 7-1956 với sự tham khảo đại diện hai miền trước đó một năm (tháng 7-1955).
Mỹ và chính phủ QGVN không ưng thuận kết quả Hiệp định. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Smith nói chúng tôi sẽ tiếp tục tìm sự thống nhất bằng bầu cử có Liên hiệp quốc giám sát để bảo đảm dân chủ.
Thủ tướng Mendes-France nói: tối 20-7 một khó khăn đè nặng lên mọi cố gắng của chúng ta mà ta không thể chống lại, ông nói người dân Pháp đòi phải tìm hòa bình, không có gì sai lầm tối đó (20-7). Tôi đã thấy tận mắt ý muốn của đại chúng mà ta đã thấy rõ, vâng tôi đã thấy định mệnh hướng về ý muốn ấy.
Từ 1945 tới tháng 7-1954 Pháp đã đưa sang tổng cộng 489,560 người lính tại Đông Dương gồm 233,467 người Pháp, 72,833 người Lê Dương, 122,920 Bắc Phi, 60,340 Phi châu. Ngoài ra còn hằng trăm ngàn quân bản xứ Đông Dương hoặc các nước Liên kết (Việt, Mên, Lào) khi kết thúc Hội nghị Genève, khoảng 110,000 người thuộc Liên hiệp Pháp bị thiệt mạng
Logevall nói: Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Việt Minh không đòi được nhiều hơn? Hay nói khác đi tại sao người Pháp đàm phán giỏi hơn là đánh trận? Trước đó Bidault nói Pháp yếu thế hơn Việt Minh trong ván bài, Điện Biên Phủ thất thủ, Hải Phòng, Chấu thổ bị đe dọa, Quân đội QGVN đào ngũ nhiều, tám trăm người một ngày. Người dân trong vùng thuộc Pháp tại Bắc kỳ (châu thổ) mất tinh thần, trong khi đó người dân Pháp đòi tìm hòa bình, đáng lý phải chia ở vĩ tuyến 13.
Một nhà ngoại giao Pháp tham dự hội nghị nói đúng ra chia ở vĩ tuyến 13 chứ không phải 17 vì Pháp yếu thế tại mặt trận. Nhưng sự thật lại không thế, câu châm ngôn xưa “Ta chỉ thắng tại bàn hội nghị nếu thắng tại chiến trường” lại không đúng trong trường hợp này. Các sử gia giải thích kết quả của Genève là do áp lực của Sô viết và Trung cộng đối với Việt Minh, đó là điểm quan trọng nhất.
Các siêu cường Cộng sản không muốn leo thang chiến tranh để tránh Mỹ can thiệp trực tiếp. Nga, Tầu muốn tỏ sự sống chung hòa bình tại Á châu và trên thế giới để tăng uy tín, Trung cộng muốn củng cố ảnh hưởng tại Đông Dương và ngăn cản tham vọng bành trướng của Việt Minh. Mấy tuần trước khi có Hội nghị người ta đã trao đổi nhau chủ trương phân chia, Trung Cộng đóng vai chính trong việc kết thúc cuộc chiến Đông Dương. Các viên chức Việt Minh buồn phiền vì áp lực quan thầy Cộng Sản là điều rõ ràng. Sau phiên họp chót Phạm Văn Đồng nói với người phụ tá: Họ phản bội chúng ta (ám chỉ Chu Ân Lai). Việt minh đàm phán giữa năm 1954 vì sợ Mỹ can thiệp.
Nga Tầu đề nghị hoãn tổng tuyển cử 6 tháng mà Phạm Văn Đồng đã đề nghị, Việt Minh tin là họ sẽ thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc. Người Tây phương nghĩ là Hồ Chí Minh sẽ thắng cử nên đã muốn định ngày xa hơn hoặc không định ngày. TT Eisenhower nói có thể 80% người dân muốn bỏ phiếu cho ông Hồ Chí Minh CS hơn là bỏ cho Quốc trưởng Bảo Đại. Cả Chu Ân Lai và Molotov đều không muốn thúc dục bầu cử sớm, ngày 23-6 trong một phiên họp tại Berne Thủ tướng Pháp nói tổng tuyển cử khi nào dân hai miền đã bình tâm trở lại. Chu Ân Lai nói đàm phán thỏa thuận chính trị sẽ do hai chính phủ VN trực tiếp bàn với nhau, ông không hề nói họ cần thương thuyết ngay. Ngày 16-7-1954 Molotov đề nghị tổng tuyển cử tháng 6-1955, sau đó ông nói tháng nào trong năm 1955 cũng được. Tây phương từ chối, Molotov đề nghị tháng 7-1956 tức hai năm sau.
Người Mỹ chỉ mong Hội nghị Genève tan vỡ không ký kết, Logevall khen Mendes-France hứa tìm hòa bình trong một tháng, nếu thất bại ông sẽ từ chức và ông đã thành công, ông ta cương quyết vừa hoàn thành sự thỏa thuận và đạt được sự nhượng bộ (bên VM) cho Pháp. Tại Mỹ Eisenhower họp báo cùng ngày nói một Hiệp định được ký kết ngăn chận đổ máu, nhưng ông nhấn mạnh Mỹ không tham gia, không bị ràng buộc gì với Hiệp định vì nó có những điều mà Mỹ không ủng hộ (mất đất). Nhiệm vụ chúng ta là thành lập Liên minh chống bành trướng tại Đông Nam Á. Ông cũng biết là Hiệp định tốt đẹp hơn là Pháp và Tây phương mong đợi. Ông cảm thấy những lời cứng rắn của Mỹ qua bài diễn văn tháng 9-1953 của Dulles đã có kết quả, ngoại trưởng Mỹ đã đe dọa trừng phạt Trung cộng nếu họ trực tiếp can thiệp cuộc chiến.
Mỹ đe dọa can thiệp Đông Dương bằng quân sự khiến Nga, Trung cộng e ngại và ép Việt Minh phải nhượng bộ sau cùng.
Trước cuộc tổng tuyển cử dự trù tháng 7-1956, Mỹ có hai năm để xây dựng chính phủ miền nam VN khi không còn thực dân.
Cuộc Di cư vĩ đại
Như đã nói ở trên, thời hạn để quân Pháp và Chính phủ Quốc gia VN rút xuống dưới vĩ tuyến 17 được ấn định: Hà nội 80 ngày, Hải dương 100 ngày, Hải phòng, 300 ngày, đây là địa điểm tập trung di cư. Người dân tại hai bên vĩ tuyến có quyền đi theoquân đội của mình. Trước ngày ký Hiệp định, tại Hà nội đã có nhiều nhà khá giả, trí thức mua vé máy bay vào Nam. Khi Hiệp định Genève vừa được ký kết và có hiệu lực, tại các thành phố lớn châu thổ sông Hồng: Hà Nội, Hà Đông, Hải Dương, Hải Phòng…các gia đình trí thức, trung lưu hoặc làm việc cho chính phủ Quốc gia đã vội vã khăn gói lên đường vào Nam ồ ạt.
Tại Hà Đông, Hà Nội giới trí thức, các trường trung học, đại học cũng vội đi Nam, họ bán tống tang đồ đạc, máy móc để lên đường, một cái máy hát quay đĩa giá mấy ngàn đồng chỉ bán năm, sáu trăm, đĩa hát, tiểu thuyết rẻ như bèo. Những người đi đợt đầu được nhiều ưu đãi, có khi Ủy hội quốc tế cho xe đến tận nhà đón đi, hàng ngày có bốn năm chục chuyến bay Dakota chở hàng ngàn dân di cư vào Sài gòn cũng như các tầu Mỹ tại Hải phòng liên tục chở người di cư. Những người này hoặc đã có kinh nghiệm Việt Minh Cộng sản, hoặc sống sung túc, tự do quen không thể ở lại được. Đối với họ Việt Minh là biểu tượng của nghèo nàn đói khổ, hà khắc, Việt Minh đi tới đâu chỉ đem tới toàn là cảnh khốn cùng sơ xác mà tâm lý con người ai cũng muốn tìm nơi sung túc, đất lành chim đậu.
Hai tháng rưỡi đã trôi qua từ ngày đình chiến, bọn trẻ tại các làng Đào Nguyên, La Dụ, Đông Lao.. kéo nhau lên đê đón các anh bộ đội chiến thắng Điện Biên trở về tiếp thu Hà Đông, Hà Nội. Các anh vui vẻ tử tế khiến mọi người thấy một niềm vui lâng lâng của cuộc sống mới lạ do những người từ hậu phương mang lại. Những người di cư hồi ấy phần nhiều dân thành thị, ít người thôn quê, người dân quê không có ý thức Quốc gia, Cộng sản, đối với họ, chính phủ nào, chế độ nào cũng vậy và họ chọn ở lại. Thế rồi ngày vui qua mau, một tương lai u ám đen tối đã bắt đầu hiện rõ, chính sách thuế nông do chính phủ ban hành khiến mọi người kinh hoàng.Từ thời phát xít, thực dân chưa bao giờ người dân phải đóng thuế và bị bóc lột xương tủy như thế. Thuế đánh gấp bốn, gấp năm lần thu hoạch, nhiều nhà dâng hiến ruộng nương cho chính phủ cũng không được chấp nhận, người ta không hiểu VM muốn gì, muốn đưa trung lưu, phú nông vào con đường chết?
Chính phủ tiến hành làm đường tầu hỏa Mục Nam Quan sang Tầu để chở thóc gạo đền ơn. Tại miền quê, nhiều nhà đã âm thầm lên đường “đi Nam”, nay có tin nhà ông Năm đi Nam, mốt có tin nhà bác Cả đi Nam….Hà Nội đã được tiếp thu tháng 10-1954, cờ đỏ sao vàng rợp phố nhưng vẫn được thông thương với Hải Phòng, nơi sẽ được tiếp thu sau cùng. Người dân Hà Nội vẫn được xuống Hải phòng nhưng phải làm giấy thông hành, nếu họ muốn vào Nam thì vẫn chưa muộn,nhưng người nhà quê muốn di cư thì không phải là chuyện dễ, trước hết phải có giấy thông hành mà giấy này chỉ cấp cho người Hà Nội. Người miền quê muốn xuống Hải phòng nếu trên 18 tuổi phải mượn, hoặc xin giấy thông hành của người Hà Nội rồi cạo sửa, dán ảnh của mình vào, lấy củ khoai làm con dấu, triện giả đóng lên để lên tầu hỏa xuống Hải phòng hiện vẫn thuộc chính phủ Quốc gia và Pháp. Tuy khó khăn gian nan như thế nhưng nhiều người vẫn âm thầm ra đi trót lọt.
Tại thành phố có tai mắt quốc tế, người dân tương đối đỡ sợ nhưng tại thôn quê không khí ngột ngạt bắt đầu, người ta khuyến khích gây căm thù giai cấp, đó là động lực thúc đẩy người dân rời bỏ quê cha đất tổ tha phương cầu thực. Trên thực tế chỉ những tỉnh thuộc phạm vi châu thổ sông Hồng như đã nói trên mới có cơ hội và điều kiện xuống Hải phòng ra đi, còn nhưng tỉnh xa xăm như Nghệ An, Hà Tĩnh hoặc những vùng hậu phương như Yên Bái, Lạng Sơn người dân dù muốn đi cũng không có cơ hội. Ngoài ra đồng bào Thiên Chúa Giáo tại Ninh Bình, Phát Diệm cũng ra đi tập thể vô cùng đông đảo.
Hai tuần sau khi ký Hiệp định, ngày 4-8-1954 chính phủ Pháp và Mỹ thiết lập cầu không vận dài nhất thế giới lúc đó khoảng 1,200 cây số nối liền phi trường Tân sơn Nhất Sài Gòn và các sân bay miền Bắc như Gia Lâm, Bạch Mai Hà Nội và Cát Bi Hải phòng. Trung bình 6 phút có một máy bay hạ cánh tại Tân Sơn Nhất, mỗi ngày có vào khoảng từ 2,000 tới 4,200 người di cư tới. Tổng kết là 4,280 lượt hạ cánh đưa vào Nam 213,635 người (9)
Nhưng phương tiện chính đưa dân di cư vào Nam là tầu thủy, các tầu há mồm của Pháp tại cảng Hải Phòng đưa dân từ trong bờ ra vịnh Hạ Long để lên những tầu lớn của Mỹ có sức chuyên chở khoảng 5,000 người. Những tầu này chạy vào Nam vài ngày tới Sài Gòn, hầu hết các tầu chuyên chở là của Mỹ.
Tổng cộng 555,037 người di cư đã được chuyên chở bằng tầu thủy vào Nam, vì số người di cư quá đông, Cao ủy Pháp đã xin gia hạn thêm ba tháng, phía Việt Minh đã thỏa thuận nên ngày di cư cuối cùng thay vì là 19-5 được rời lại 19-8, chuyến tầu thủy cuối cùng cập bến Sài Gòn ngày 16-8-1954. Ngoài ra khoảng 103,000 người di cư bằng đường bộ hoặc ghe thuyền, phương tiện riêng. (10)
Sau khi bức màn sắt đã buông xuống , nhiều người đã dùng thuyền vượt tuyến vào Nam bằng đường biển, tổng cộng có hơn một triệu người rời bỏ quê cha đất tổ lánh nạn Cộng sản vào Nam. Nếu cuộc di cư kéo dài thêm một năm thì số người tỵ nạn có thể tăng lên vài triệu nhưng trên thực tế chính phủ Quốc gia Việt Nam không đủ khả năng tiếp đón quá nhiều người di cư như vậy.
Theo sử liệu phía CS, có khoảng 140,000 người di cư ra Bắc hầu hết là cán bộ, kháng chiến quân tập kết và gia đình. Họ băng rừng Trường Sơn hoặc đi tầu Ba Lan, Nga, Pháp.
Phủ tổng Ủy di cư Quốc gia VN cho biết có 4,358 người di cư vào Nam đổi ý xin về Bắc.
Nhận xét và kết luận
Trước hết tôi xin nói về Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Như trên Hiệp định Genève 1954 gồm 6 chương, 47 điều chủ yếu nói về đình chiến, mang lại hòa bình, không có điều nào nói về cuộc Tổng tuyển cử nhưng nó được nhắc tới tại điều 7, trong Bản tuyên bố cuối cùng ngày 21-7. Bản tuyên bố này chỉ là nói miệng với nhau (oral statements) và không có chữ ký (unsigned document) của bất cứ phái đoàn nào, nó không giá trị về mặt pháp lý. Trên thực tế cuộc tổng tuyển cử tại VN 1956 không được các cường quốc quan tâm kể cả Nga, Trung Cộng, người ta chỉ muốn một hiệp định chấm dứt chiến tranh.
Như đã nói trên, tại Hội nghị, Việt Minh đề nghị Tổng tuyển cử sau 6 tháng vì nghĩ là họ sẽ thắng, Anh Mỹ và Molotov thỏa thuận 2 năm. Phía Việt Minh (VN Dân Chủ Cộng Hòa) mới đầu tưởng người dân sẻ ủng hộ họ nhưng ngay khi Hiệp định có hiệu lực thì hàng triệu người ùn ùn bỏ miền Bắc vào Nam theo Pháp và Chính phủ Quốc gia. Cuộc di cư vĩ đại y như một cái tát vào mặt Bác và Đảng khiến họ không hy vọng vào tổng tuyển cử tự do có quốc tế giám sát. Theo tài liệu Quân sử của Bộ Trung Hoa Quân Mưu thì sự thất bại của Cải cách ruộng đất đã khiến cho CSVN không thể thực hiện Tổng tuyển cử được, cái hy vọng thống nhất bằng lòng dân qua bầu cử của CSVN sụp đổ nên họ quay lưng với Hiệp định để gây chiến tại miền nam (11)
Việt Minh mới đầu tràn trề hy vọng, ai dè người dân bỏ chạy vào Nam hàng hàng lớp lớp, cuộc bỏ phiếu bằng chân vĩ đại cho thấy họ thất nhân tâm, chẳng có tí chính nghĩa nào. Miền Bắc đổ lỗi cho chính phủ Ngô Đình Diệm không thực hiện tổng tuyển cử, thi hành Hiệp định Genève nhưng thực ra họ thừa biết sẽ thất bại nếu bầu cử tự do có Liên Hiệp Quốc giám sát. Người dân miền Bắc sau hai năm nếm mùi đấu tố, đói cơm rách áo đã hoàn toàn tuyệt vọng ở Bác và Đảng không thể bầu phiếu cho họ. Năm 1956 miền Bắc còn bận rộn với chiến dịch đấu tố, chôn sống địa chủ theo lệnh Nga, Trung Cộng. Năm 1957 Thủ tướng Phạm văn Đồng gửi thư cho Tổng thống Diệm xin hiệp thương thống nhất nhưng bị từ chối.
Sở dĩ chính phủ Ngô Đình Diệm không thực hiện bầu cử thống nhất vì
-Chính phủ Quốc gia VN đã không ký kết vào bất cứ văn kiện nào của Hiệp định.
-Bản tuyên bố cuối cùng tự nó không có giá trị pháp lý, chỉ là lời nói miệng của các phái đoàn, “lời nói theo gió bay đi tất cả” (12) nó chỉ là một điều khoản mơ hồ.
-Bầu cử thống nhất như thế nào? theo chính thể nào? trong khi miền Bắc theo CS, miền nam không CS, vậy nếu miền Bắc thắng cử thì miền Nam sẽ phải theo CS, hoặc ngược lại miền Nam thắng, miền Bắc sẽ từ bỏ CS? thật là chuyện không tưởng.
-Năm 1956 các cường quốc Anh, Mỹ, Nga, Trung Cộng không lên tiếng về Tổng tuyển cử, họ muốn hai bên cứ ở yên như thế.
Một số người khuynh tả hải ngoại chỉ trích chính phủ Diệm đã không thi hành Hiệp định Genève. Vấn đề ở đây không phải là để bênh vực hay chê trách ông Diệm mà nằm ở chỗ chính Hà Nội không muốn vậy vì họ thừa biết sẽ thảm bại trong một cuộc bầu cử tự do, nay người ta đã biết rõ cái tẩy của họ. Trước khi rút quân tập kết ra Bắc năm 1954, họ đã để lại nhiều cán binh nằm vùng chuẩn bị cho cuộc nổi loạn sau này và 20 năm sau, năm 1973 khi Hiệp định Paris vừa ký kết xong, CSBV đã vội mở xa lộ Đông Trường Sơn chuyển vũ khí đạn dược vào Nam để chuẩn bị xâm lăng ồ ạt. Trong cả hai trương hợp họ đều không muốn bầu cử và không thể bầu cử mà chỉ chiếm được miền nam bằng con đường vũ lực.
Năm 1956 Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tháu cáy chính phủ Ngô Đình Diệm khi họ lên tiếng đề nghị bầu cử thống nhất mà chính họ đã biết là sẽ thảm bại để đổ lỗi cho miền nam VN và có cớ dùng vũ lực xâm lăng. Chính phủ Ngô Đình Diệm không tin tưởng sẽ có cuộc bầu cử tự do vì miền Bắc sẽ dùng biện pháp hăm dọa người dân bỏ phiếu cho CS, họ chỉ có thể thắng cử được nhờ họng súng. Sự thực như chúng ta đã thấy, chính VM là kẻ đã chia đôi đất nước, họ đã chủ trương chia cắt đất nước ngay từ đầu.
Tại sao phải thống nhất? tại sao mỗi bên không tự lo xây dựng cho đất nước mình giầu đẹp mà phải bắt ép những người khác theo mình? Trên thế giới có ba nước bị phân chia: Triều tiên, Việt Nam và Đức quốc. Nước Đức thống nhất năm 1990 nhưng hơn mười năm sau trên thực tế vẫn là hai nước, người Tây Đức chê Đông Đức lười biếng, hủ lậu, đầy thói hư tật xấu, Đông Đức thì trách Tây Đức cai trị, khinh rẻ họ…
Ngay sau khi bức màn sắt vừa buông xuống, miền Bắc đất chật dân đông, thiếu thực phẩm đã phải nhập cảng gạo của Miến điện và xin viện trợ các nước CS anh em. Họ không còn con đường nào khác là chiếm cho được vựa lúa miền Nam
Như trên TT Eisenhower nói nếu có Tổng tuyển cử có thể 80% người dân sẽ bỏ phiếu cho ông Hồ Chí Minh hơn là bỏ cho ông Bảo Đại. Walter Robertson, Phụ tá Bộ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách Viễn đông sự vụ nói người VN ghét thực dân Pháp, Mỹ lại giúp vua bù nhìn Bảo Đại (13).
Các nhà chính khách và sử gia Tây phương không biết rõ thực trạng xã hội, chính trị VN hồi ấy nên nhiều người nhận định sai lạc. Họ không biết rằng ngay từ 1950 khi người Pháp lập chính phủ Bảo Đại thì người dân tại hậu phương bỏ Bác Đảng ùn ùn kéo về thành phố. Họ không biết rằng khi Việt Minh về tiếp thu các thành phố lớn miền Bắc thì người dân cũng lũ lượt kéo nhau theo thực dân vào Nam, chẳng thà sống với thực dân còn hơn nền độc lập của CS. Họ không biết rằng khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Cộng năm 1997 thì nhiều người đã nhẩy lầu tự tử để phản đối, người ta muốn sống với thực dân Anh hơn là độc lập. Vấn đề đặt ra là các nhà chính khách, sử gia Tây phương không biết hoặc giả vờ không biết? tôi nghĩ có thể cả hai trường hợp đều đúng.
Hiệp định Genève là kết quả của cuộc chiến tám năm khói lửa đẫm máu mệt mỏi, hai bên đều muốn đình chiến. Người Pháp tìm hòa bình để rút khỏi Đông Dương, còn Việt Minh tạm nghỉ một thời gian dưỡng sức để tiếp tục chiếm nốt phần đất còn lại.
Người Pháp cho rằng vì yếu thế trên chiến trường đúng ra phải chia cắt ở vĩ tuyến thứ 13 chứ không phải vĩ tuyến 17 và như thế họ đã được lời. Phía Việt Minh qua lời Phạm Văn Đồng cho thấy họ bị Nga, Trung Cộng ép phải nhận chia đôi tại vĩ tuyến 17 vì sợ Mỹ vào can thiệp
Đối với Mỹ thì dù chia tại vĩ tuyến 13 hay 17 cũng là thất bại, là nhường đất cho CS, họ không muốn có Hiệp định Genève mà chỉ muốn tiếp tục cuộc chiến ngăn chận CS bành trướng. Tuy nhiên người Mỹ đã mâu thuẫn với chính họ, mặc dù lo sợ cuộc chiến tầm ăn dâu của địch nhưng lại sợ tốn tiền.Thượng nghị sĩ Kennedy năm 1954 không ủng hộ cuộc chiến Đông Dương mà ông cho là vô cùng tốn kém, nước Mỹ chỉ đổ tiền của một cách vô ích vào rừng núi miền bắc VN, quan điểm của ông đã được đa số Thượng viện ủng hộ (14).
Chính vì Mỹ không viện trợ đầy đủ cho Pháp bằng Trung Cộng cho Việt Minh đã đưa tới thất thủ Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève.
Tướng Navarre, Tư lệnh Đông Dương 1953-1954 nói chúng ta có thể ra đi nhường lại phần đất cho những người mà họ có nhiều quyền lợi tại tại Đông nam Á hơn chúng ta (15). Nhưng khi nói về đình chiến, l’Armistice ông ta có phần mâu thuẫn:
“Chính tại Genève chứ không phải Điện Biên Phủ là ngày đánh dấu nước Pháp hạ mình. Trách nhiệm ở các nhà chính trị gia chứ không phải ở quân đội” (16)
Sự thực không phải vậy, người dân Pháp đã quá ghê sợ cuộc chiến đẫm máu tại Đông dương và mong mỏi khao khát hòa bình.
Dù sao xương máu của gần 80 ngàn người linh Liên Hiệp Pháp và QGVN đã giữ được một nửa nước Việt Nam tự do. Người Pháp bỏ Đông Dương nhưng vẫn có chút trách nhiệm và lương tâm với người ở lại, với chính phủ Quốc gia VN. Họ đã dàn xếp cho quân dân Quốc gia vào Nam yên ổn rồi mới rút, không bỏ chạy trong hỗn loạn như 20 năm sau.
Trở lại cuộc di cư vĩ đại, những người lìa bỏ quê cha đất tổ vào miền nam không phải vì bị Pháp-Mỹ cưỡng ép tuyên truyền như phía CS rêu rao, cũng không phải vì đấu tố, cải cách ruộng đất vì hồi đó chưa có đấu tố, mà vì người ta không mê nổi cái chính sách “bần cùng hóa nhân dân” ghê tởm của Bác và Đảng. Những người đã sống trong vùng Quốc gia không thể sống nổi dưới chế độ bần hàn đói khổ, tàn ác của CS. Người dân đã có kinh nghiệm Việt Minh, họ chỉ biết một cách đơn giản Việt Minh đồng nghĩa với hà khắc, đói khổ, rách rưới, thiếu cơm ăn áo mặc và tâm lý chung con người không ai muốn sống trong cảnh bần hàn đói khổ.
Sau ngày tiếp thu, Việt Minh vội thu vét thóc gạo của nhân dân bằng chính sách sưu cao thuế nặng mà họ gọi là thuế nông. Trong lịch sử nước nhà chưa bao giờ người dân bị bóc lột xương tủy đến thế. Cán bộ giải thích đó là để đền ơn Trung Quốc vì họ đã giúp đỡ chúng ta giành độc lập, bởi thế tại sân ga Hải phòng, những người di cư đổ về đây đều đã đọc thấy những biển ngữ.
“Đường tầu hỏa Mục Nam Quan
Vơ vét thóc gạo đem sang cúng Tầu”
Việt Minh hối hả làm đường xe lửa, vơ vét thóc gạo nhân dân chở sang Trung Cộng.
Lạ thay cuộc di cư vĩ đại hàng triệu người lại không được Tây phương nói tới, không thấy các nhà sử gia hay chính khách nào đề cập, nhắc nhở. Họ không biết hay giả vờ không biết?
Khoảng một tháng sau ngày 30-4-1975, Trường Chinh tuyên bố khẳng định trên đài phát thanh:
“Sau hai chục năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã đem lại nhiều hạnh phúc cho nhân dân, nhà nhà đều có cơm ăn áo mặc, trẻ em đều được cắp sách đến trường…đó là điều mà trong lịch sử nước nhà từ xưa tới nay chưa có ai thực hiện được…”
Đáng lý ra ông ta phải nói
“Chúng ta đã mang lại cho nhân dân một cuộc sống đói khổ nhất trong lịch sử nước nhà từ xưa tới nay….”
Vào dịp tháng 4-1985, đài VOA nói: “Sau mười năm giaỉ phóng miền nam VN, đảng CS đã mang lại cho người dân VN cái nghèo vào bậc nhất trên thế giới…”
Tới nay cuộc di cư 1954 đã được 60 năm qua nhưng người dân vẫn tiếp tục di cư ra nước ngoài bằng nhiều đường, nhiều cách. Tại miền Bắc nhiều người đã âm thầm trốn qua châu Âu tìm một cuộc sống no ấm hơn dù gian khổ khiến nhiều người phải bỏ mạng. Tại miền Nam những cô gái nghèo lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn để được thoát ly ra ngoại quốc kiếm tiền gửi về cho cha mẹ, họ thường nói:
“Cứ ra khỏi Việt Nam là thiên đường….”
Trọng Đạt
——–
Chú Thích
(1) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place, The Siege of Dien Bien Phu trang 301
(2) Nguyển Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 930-943
(3) Wikipedia, Hiệp định Genève 1954
(4) Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, Quyển Thượng 1939-1954, trang 224,225
(5) Kết Thúc Một Cuộc Chiến, Đông Dương Năm 1954, End of a War, Indochina 1954, in năm 1969. (nguyên bản tiếng Phap La Fin d’une La Fin d’une Guerre). Chương 23 từ trang 301-313.
(6) Sách kể trên, trang 307
(7) Tro Tàn Cuả Chiến Tranh, Sự Suy Tàn Của Một Đế Quốc Và Sự Thành Hình Một Việt Nam Của Mỹ, Embers of War, The Fall of An Empire And The Making of America’s Vietnam, in năm 2012, trang 605-611
(8) Oral statements, sách kể trên, trang 605
(9) Wikipedia, Cuộc Di Cư Việt Nam,1954
(10) Wikipedia, Cuộc Di Cư Việt Nam,1954
(11) Diễn Đàn Việt Thức, Vai Trò CS-Trung Quốc trong Chiến Tranh Việt Nam , Nhất Thanh lược dịch, Chinese Military Advisory Group-CMAG
(12) La parole s’envole toute
(13) Embers of War, trang 495
(14) Sách kể trên, trang 478
(15) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine, trang 68
(16) Sách kể trên, Chương IX, l’Armistice , trang 315
No comments:
Post a Comment