Friday, July 11, 2014

Làm cách nào tòa có thể kết án Basam?

NB Nguyễn Hữu Vinh - Ba Sàm

RFA – Việt Ngữ
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Tòa án Nhân Dân Hà Nội. Photo: AFP
Tòa án Nhân Dân Hà Nội. Photo: AFP
Ngày 5 tháng 5 năm 2014 nhà báo Nguyễn Hữu Vinh được biết rộng rãi dưới cái tên Anh Ba Sàm bị công an bắt và khởi tố tội danh vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự. Ngay sau đó một làn sóng bất bình nổi lên khắp nơi vì nếu ai từng đọc trang Basam đều có một nhận xét chung là trang web này tập trung, chọn lựa và giới thiệu những bài viết tích cực về các mặt mà nhà nước chưa làm được.
Những giới thiệu ấy nói lên một điều Basam muốn đem kiến thức, chuyên môn và lòng tin vào tự do ngôn luận một cách sắc bén của anh và những người cộng sự đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong khi điều hành trang điểm tin nổi tiếng này. Nguyễn Hữu Vinh là nhà báo năng động và nhiều quan hệ với các giới chức cao cấp nên anh có thuận lợi trong việc tìm hiểu và đưa những thông tin đã được kiểm chứng ấy ra trước công luận thông qua trang Basam, khiến trang web này trở thành một danh bạ cập nhật hàng ngày những tin tức, bài viết nóng nhất trong ngày.
Những tin tức, bài viết ấy nếu làm người đọc thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của họ thì ngược lại các cơ quan kiểm soát truyền thông, điển hình là Ban tuyên giáo Trung ương chắc chắn không thể dễ chịu và chấp nhận một sự cạnh tranh bình đẳng giữa một bên là thông tin định hướng còn một bên là thông tin trung thực, tự do.
Có lẽ biết trước những mầm mống khó kiểm soát này mà ngày 21 tháng 12 năm 1999 Quốc hội đã thông qua điều 258 Bộ luật hình sự để từ đó đến nay người có những quan điểm khác biệt, những lên tiếng góp ý hay phản biện, phê bình dù nhẹ nhàng hay gay gắt nhưng phạm đến những khu vực nhạy cảm về chính trị, tham nhũng đặc biệt những vấn đề có yếu tố Trung Quốc đều bị để ý, gán ghép và trước sau gì cũng rơi vào tội danh này.
Hầu hết những người bị bắt như Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, hay Phạm Chí Dũng, đều là những nhà báo do đó việc đàn áp có định hướng này cho thấy Việt Nam rất dị ứng với những ngòi viết kiên cường không sợ hãi cường quyền dám nói lên sự thật.
Vốn xuất thân từ ngôi trường An Ninh Nhân Dân và từng công tác tại Bộ Công an, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh từng có những bài viết phân tích sắc sảo nhất là những thông tin hiếm hoi lộ ra từ nội bộ của cấp cao nhất. Nguyễn Hữu Vinh biết thế nào là khuôn khổ luật pháp và anh cũng biết rõ khi nào thì ngừng lại trước lằn ranh mà nhà nước không thể vượt qua để bắt giữ mình về một vi phạm nào đó. Tuy nhiên dưới chế độ toàn trị, tuy là người am hiểu luật và cách thực thi luật, Ba Sàm vẫn không thể vượt qua được cái bẫy 258, vốn đã và đang bịt miệng cả nước bằng bốn chữ Bộ luật hình sự.
Câu chuyện của Basam đã vượt đại dương đến với những người hoạt động nhân quyền cũng như các chính trị gia của nhiều nước. Trong một động thái mới nhất, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội đã chính thức mời bà Lê Thị Minh Hà, vợ của nhà báo Nguyễn Hữu Vinh đến gặp để họ có thể tìm hiểu thêm về vụ án này. Bà Hà là cán bộ Viện nghiên cứu khoa học công an, cũng từng được đào tạo chung một ngôi trường an ninh với chồng. Chia sẻ với chúng tôi bà nói:
Ở bên Đại sứ quán Mỹ họ đã mời tôi lên và nói chuyện hai tiếng đồng hồ với bà tên là Jennifer. Bà ấy nói với tôi một câu mà tôi rất cảm động, đó là rất nhiều người ở Hoa Kỳ người ta quan tâm tới việc này vì cho rằng chính sách nhà nước này đối anh Vinh như thế nào thì người ta coi đấy là thái độ của phía Việt Nam có chân thành hay không.
Tội danh mơ  hồ
H2Bản án dành cho anh Basam dù nặng hay nhẹ cũng nói lên được sự lo ngại của nhà nước trước quyền được thông tin của người dân hơn là cầm cân nảy mực gìn giữ trật tự xã hội và quyền lợi của người bị hại như điều 258 quy định.
Điều 258 ghi rõ “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Hai phiên tòa xử Phạm Viết Đào và Trương Duy Nhất không hề có ai đại diện cho người bị hại, tức người bị xâm phạm lợi ích ra đối chất. Bất kể phản đối của luật sư và bị cáo, hội đồng xét xử vẫn im lặng tiếp tục cáo buộc tội danh mơ hồ và không thể chứng minh trước tòa. Thậm chí trong phiên phúc thẩm xử Trương Duy Nhất tòa án đã âm thầm mở ra và đóng lại như một phiên tòa thời trung cổ tại Châu Âu, chuyên xét xử người bị buộc tội tà giáo.
Bà Lê Thị Minh Hà, vợ nhà báo Nguyễn Hữu Vinh cho chúng tôi biết về những cáo buộc vô lý mà gia đình rất quan tâm, đi kèm với đơn khiếu nại gửi cho các cơ quan cao nhất nước bà đã chứng minh trang blog của chồng bà hoàn toàn công khai và minh bạch nó được lập ra để chuyển tải thông tin cần thiết cho người dân và không hề có hại cho bất cứ ai.
Việc thông báo bắt khẩn cấp chồng tôi là vi phạm luật tố tụng hình sự. Tôi đã làm đơn tố cáo lên Viện Kiểm sát và Bộ công an bởi vì anh Vinh không phải là người chống đối chính phủ, chống đối nhà nước. Tôi đã đi tìm từ hôm ấy đến giờ vẫn không thấy có điều luật nào quy định người đăng tải thì bị như thế cả vì thế tôi cho là trái pháp luật.
Tôi đã gửi đơn khiếu nại bằng ấy cơ quan và tôi cho người ta thời hạn 15 ngày phải trả lời bằng văn bản. Bởi vì điều 258 phải có những vi phạm cụ thể và phải cho tôi những nhân chứng vật chứng cụ thể có tính định lượng về mức độ trên mạng. Hơn nữa điều này nó không nằm trong nhóm tội phạm nguy hiểm và việc bắt giam chồng tôi một cách khẩn cấp như thế tôi thấy là sai, ngay cả đối với luật tố tụng hình sự tôi cũng thấy sai.
Khác với Phạm Viết Đào và Trương Duy Nhất bị báo chí lề phải đả kích mà không ai có phản ứng, người cộng sự với trang Basam là bà Đinh Ngọc Thu đã gửi đơn khiếu kiện tờ báo Pháp Luật Việt Nam vào ngày 16 tháng Sáu vừa qua vì đã chụp mũ cho nhà báo Nguyễn Hữu Vinh và bản thân bà là thành viên đảng Việt Tân, một tổ chức bị nhà nước ghép vào hàng khủng bố. Đơn kiện của bà gửi tới Tòa Án Nhân Dân Hà Nội cho tới nay vẫn chưa có văn bản nào trả lời là có thụ lý hay không.
Dù Tòa án Hà Nội có xem xét hay bỏ phế như hàng trăm ngàn đơn thư khác thì người dân Việt khắp nơi cũng biết thêm một lần nữa sự chụp mũ của báo chí và cơ quan an ninh Việt Nam cho cái giá mà những người “vi phạm điều 258” phải trả cho quyền được thông tin của họ.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc 
———————————-
TP.Hà Nội, ngày  05 tháng 06 năm 2014

 ĐƠN KHIẾU NẠI

V/v:  khởi tố bắt oan sai đối với chồng tôi là Nguyễn Hữu Vinh,  
đề  nghị trả tự do ngay.
                       
Kính gửi:
-         Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban cải cách tư pháp;
-         Ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an;
-         Ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng ban nội chính Trung ương;
-         Ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao;
-         Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm ủy ban tư pháp Quốc Hội.
Tôi là Lê Thị Minh Hà, sinh 1958. Trú tại: 5/2/4D phố Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Đống Đa, TP.Hà Nội; là vợ của anh Nguyễn Hữu Vinh đang bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam theo điều 258 Bộ luật hình sự: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Kính thưa các Quý vị đại diện của các Cơ quan có thẩm quyền
Tôi nguyên là: học sinh khóa D8 – Đại học an ninh nhân dân,  cán bộ Viện nghiên cứu khoa học Công an; là người vợ tuy tôi không tham gia vào các công việc của chồng tôi đã và đang làm nhưng tôi hiểu tấm lòng của chồng tôi là một người yêu nước, hết lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân. Chồng tôi, nguyên là học sinh khóa D6 – Đại học an ninh, đã từng công tác tại Bộ Công an; Ban Việt kiều Trung ương -Bộ Ngoại giao; xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có nhiều công lao với Nhà nước và nhân dân (bố đẻ là ông Nguyễn Hữu Khiếu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Giám đốc Công an khu IV, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Cộng hòa Liên bang Nga).
Theo tôi, trang thông tin Anh Ba Sam của chồng tôi chỉ là trang thông tin cá nhân, ghi nhận thông tin từ các trang thông tin báo chí chính thống và thông tin công khai bên ngoài với tính chất như điểm tin với mong muốn cung cấp cho Bạn đọc có được nhiều luồng thông tin khác nhau về một vấn đề để có nhìn nhận khách quan, trên cơ sở đó đưa ra ý kiến đóng góp thiết thực hữu ích cho đất nước và cho nhân dân.
Các nội dung chính trang thông tin này tập trung đăng tải là:
Cảnh báo về tình hình biển Đông, biên giới để Nhà nước, nhân dân nêu cao cảnh giác đối phó với tình hình Trung Quốc xâm lấn, thôn tính đất nước.
Các vụ việc tiêu cực, tham nhũng thực tế xảy ra  trên nhiều lĩnh vực để Nhà nước và nhân dân được biết  góp phần làm trong sạch Bộ máy Nhà nước, trả lại niềm tin cho nhân dân.
Cung cấp những bài viết liên quan đến việc thực thi đúng Hiến pháp về nhân quyền, tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng; chống bè phái, cục bộ địa phương đơn vị; chống lợi ích nhóm; chống bè phái độc quyền; chống đàn áp nhân dân, cần lắng nghe ý kiến nhân dân; quan tâm hơn nữa đời sống nhân dân (nhất là các vùng nông thôn, miền núi, dân tộc).
Nêu và kiến nghị về đường lối đối ngoại của đất nước phải rõ ràng, rành mạch, không được lấp lửng, không dĩ hòa vi quý, không định kiến. Trang thông tin như muốn nói rõ : cần  hợp tác toàn diện với nước Mỹ, các nước trong cộng đồng Châu Âu, các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Âu (cũ, mới) và Ấn Độ;… Có như vậy mới không lệ thuộc kinh tế của Trung Quốc , bảo vệ được chủ quyền của đất nước.
Do đó, việc chồng tôi làm là hoàn toàn hợp hiến và hợp pháp, trong khuôn khổ pháp luật cho phép (pháp luật không cấm) về quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền tự do ngôn luận; quyền được đưa ra và thể hiện chính kiến của mình. Đồng thời quán triệt lời dạy của Bác Hồ: “Dân chủ là để cho dân được mở miệng ra nói”.
Như vậy: buộc tội và bắt giam chồng tôi, một người thực hiện đúng pháp luật, đúng lời dạy của Bác của Cơ quan ANĐT có đúng người, đúng tội và đúng luật không?
Yêu cầu Cơ quan ANĐT khi áp Điều 258 Bộ luật hình sự để bắt chồng tôi phải đưa ra các chứng cứ chứng minh: chồng tôi lợi dụng cái gì? Lợi ích bị xâm phạm cụ thể là  gì? Định lượng ra sao? Nhà nước, tổ chức, công dân nào tố cáo chồng tôi với tư cách chủ thể bị hại? Cơ quan tổ chức nào giám định thiệt hại để lượng hình? Ngoài ra, những việc chồng tôi đăng tải các bài định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho công cuộc bảo vệ đất nước, đối ngoại, chống bè phái, lợi ích nhóm, chống tham nhũng,… thì tại sao lại bỏ qua? Thành tích và thiếu sót (nếu có) phải được xác định rõ ràng, minh bạch.
Từ những nội dung nêu trên, tôi tin rằng chồng tôi hết lòng hết dạ vì Tổ quốc và dân tộc,  không vì động cơ cá nhân, không làm thiệt hại quyền lợi ích hợp pháp của bất cứ  ai kể cả tổ chức hay cá nhân.
Tôi đề nghị trả tự do ngay cho chồng tôi và đình chỉ vụ án !
Kính mong các vị đại diện cao nhất của Nhà nước và của các Cơ quan hành pháp có liên quan nhanh chóng giải quyết yêu cầu chính đáng nêu trên của tôi.
Đề nghị trả lời kết quả xử lý thỏa đáng cho tôi bằng văn bản trong vòng 15 ngày theo luật định từ Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Kính đơn.
Người làm đơn  
Ký tên
LÊ THỊ MINH HÀ
___________
Nơi nhận:
-  Như trên;
-  Ông Tô Lâm (Thứ trưởng Bộ Công an);
-  Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I và II;
-  A83, A87,A92 Bộ Công an;
-  Luật sư Hà Huy Sơn;
-  Lưu  
H1H2













H3


No comments:

Post a Comment