Saturday, June 21, 2014

Sẽ không còn tờ báo, chỉ còn bài báo

Mới mấy năm trước, cũng nhân ngày nhà báo, anh em bàn tán chuyện báo in các nước đang lâm vào khủng hoảng rồi điểm mặt các tên tuổi lớn trong làng báo phải lần lượt đình bản hay chuyển sang làm phiên bản điện tử mà lo cho làng báo Việt Nam.

Nay không ngờ xu hướng độc giả rời bỏ báo in, chuyển sang đọc báo mạng đang diễn ra rất mạnh ở nước ta, mạnh và nhanh hơn dự báo của nhiều người. Có lẽ nguyên nhân vì tỉ lệ người sử dụng internet ở nước ta cao hơn hẳn các nước láng giềng như Thái Lan; cũng có lẽ tỉ lệ người sử dụng điện thoại thông minh ở mình tăng nhanh nhờ giá ngày càng rẻ, phí 3G cũng tạm ổn, các loại máy tính bảng ngày càng phổ biến.
Dù sao đi nữa, xu hướng này đang làm biến dạng làng báo theo những hướng bất ngờ.
Đó là với bạn đọc. Dường như họ không còn quan trọng hóa chuyện họ đọc tin từ báo nào nữa mà chỉ quan tâm tin nói cái gì. Điều này có nghĩa họ không vô từng trang chủ của từng tờ báo nữa; ví dụ họ quan tâm đến ông huấn luyện viên vừa đem chiến thắng về cho một đội bóng họ yêu thích, họ sẽ tìm tin tức liên quan đến ông này và sẽ đọc theo kết quả trả lại. Ngày nay, đa phần người đọc báo trực tuyến vào đọc tin bài theo giới thiệu, có thể là do bạn bè đưa đường dẫn trên mạng xã hội, có thể do trang tin tổng hợp dẫn tựa lôi cuốn...
Như vậy, đơn vị của làng báo không còn là tờ báo, không còn là cơ quan báo chí mà là từng bài báo - nói cách khác, trang chủ không còn đóng vai trò quan trọng như ngày xưa, từng trang tin là trang chủ hiểu theo nghĩa nó là lối vào của độc giả. Khả năng giữ chân họ không còn là tên tuổi tờ báo nữa mà là thông tin.
Nhìn ở góc độ nhà báo, tưởng đâu hiện tượng nói trên không quan trọng vì dù sao người đọc vẫn cần đến họ để đưa tin, dù dưới hình thức giấy hay điện tử, dù trên tờ này hay ở tờ khác.
Thật ra, xu hướng đó tác động đến cách các tờ báo chuẩn bị món ăn tinh thần cho độc giả. Nếu mỗi tin bài chỉ giữ chân họ được vài ba phút, thử hỏi làm sao các tòa soạn đầu tư cho các loạt bài công phu, các tuyến bài nhiều người thực hiện, các phóng sự cần nhiều thời gian và công sức. Từ đó mới hiểu vì sao báo lá cải, hay nói đúng hơn tin tức lá cải sinh sôi nảy nở, lấn chỗ tin bài nghiêm túc đến thế.
Xu hướng chuyển từ báo giấy qua báo mạng làm các tờ báo đang chới với vì mô hình kinh doanh chưa chuyển theo kịp. Nhà quảng cáo vẫn còn ở lại với báo giấy nhưng đã có dấu hiệu dợm chân bước đi. Một khi nhà quảng cáo được trao công cụ giúp họ đo lường được cái thông điệp họ tung ra đến mắt bao nhiêu người, họ là ai, có phải khách hàng tiềm năng không; một khi nhà quảng cáo được quyền lựa chọn chỉ quảng cáo đến những ai đang quan tâm đến sản phẩm của họ hay tương tự của họ - kết cuộc như thế nào cũng đã rõ.
Ở đây mạng lưới quảng cáo toàn cầu Google Adsense đang làm mưa làm gió và nó đang ngày đêm đẩy nhanh quá trình chuyển biến nói trên. Quảng cáo kiểu Google sẽ xuất hiện bất kể đó là trang tin của một tờ báo nổi tiếng có uy tín hay là trang chuyên đăng video hài hước hay blog cá nhân. Trong bối cảnh đó, phân biệt cho được tờ báo điện tử với trang tin điện tử là chuyện “bất khả” và chỉ mang tính hình thức cho vui mà thôi. Cho nên, khái niệm tờ báo dần nhường bước cho nội dung cụ thể là thế.
Do sự chuyển dịch nói trên, sự chuyên nghiệp của từng tờ báo không còn quan trọng bằng tính chuyên nghiệp của từng người viết. Sự dễ dàng đăng lên, rút xuống của báo mạng đang phá vỡ tính chuyên nghiệp đó. Sự cẩn trọng làm nên uy tín của nhiều nhà báo thế hệ trước giờ thiếu vắng ở các nhà báo chuyên viết cho báo điện tử - họ cứ nghĩ có gì sẽ sửa được liền. Câu chữ thì sửa được nhưng uy tín không sửa dễ dàng thế đâu!

Nguyễn Vạn Phú

No comments:

Post a Comment