Wednesday, June 4, 2014
An ninh và thinh lặng 25 năm sau vụ Thiên An Môn
Cảnh sát Trung Quốc võ trang đứng cạnh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. 3/6/14
Làm ký giả dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của luật truyền thông Trung Quốc có thể khiến người ta hết sức bực bội, đặc biệt vào lúc mà chính quyền gọi là "thời điểm nhạy cảm." Thông tín viên VOA William Ide nhận định rằng trong dịp kỷ niệm cuộc đàn áp đẫm máu của chính phủ đối với những sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn năm nay, chúng tôi cảm giác như không chỉ đang trong "thời điểm nhạy cảm" mà là "cực nhạy cảm."
Mỗi năm, chính quyền cảnh cáo các nhà hoạt động và gia đình những người thiệt mạng trong cuộc đàn áp chớ nói chuyện với giới truyền thông. Một số người thậm chí gần như bị giam lỏng.
Năm nay, luật sư nhân quyền Phổ Chí Cường và một số người khác đã bị bắt giữ chỉ vì tổ chức một buổi thảo luận riêng về những gì đã xảy ra một phần tư thế kỷ trước. Ông Phổ bị buộc tội gây sự, giống như nhiều người khác dám bàn luận về chủ đề này.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết hàng chục người bị công an quản thúc tại gia, câu lưu hay thẩm vấn trong những tuần gần đây.
Nhà chức trách cũng làm căng với giới ký giả, cảnh báo một số hậu quả nghiêm trọng trong một nỗ lực nhằm thuyết phục họ không tường trình về Thiên An Môn.
Nhiều hãng tin ở Bắc Kinh đã được cảnh báo chớ đến quảng trường Thiên An Môn để tường thuật và một số nhà báo thậm chí còn bị sách nhiễu trên đường phố cách xa quảng trường trong khi tìm cách trò chuyện bình thường về Thiên An Môn và sự kiện ngày 4 tháng 6 năm 1989.
Nhà chức trách nói vụ việc quá nhạy cảm và đã cố chặn hoạt động đưa tin bằng việc sách nhiễu các nhà báo và những người mà họ sẽ tìm cách phỏng vấn.
Trong các cuộc họp với các nhà báo, nhà chức trách nhắc nhở phóng viên rằng những trợ lý tin tức địa phương của họ, trong nhiều trường hợp, lẫn vào đám đông ở đây - tốt hơn nhiều so với ký giả nước ngoài - không thể tự mình tường trình tin tức được. Và dù luật pháp Trung Quốc nói ký giả có thể phỏng vấn bất cứ ai chấp nhận yêu cầu được phỏng vấn, họ nói một số nơi như Quảng trường Thiên An Môn cũng cần phải có giấy phép đặc biệt.
Tôi làm việc tại Trung Quốc chưa đầy 2 năm và cũng đã đối mặt với chính quyền vài lần. Nhưng hoạt động kiểm soát vi mô quanh kỷ niệm Thiên An Môn trong những tuần gần đây làm người ta không thể không bắt đầu tự hỏi tại sao, bất kể những tiến bộ to lớn khác của Trung Quốc, chính phủ vẫn đáp lại bằng một một phản xạ tự nhiên trong việc dập tắt những quan điểm bất đồng. Tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại có vẻ rất sợ người dân của chính họ như vậy?
Chắc chắn chính quyền Trung Quốc phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng tăng.
Kể từ tháng Mười năm ngoái, an ninh đã được tăng cường đều đặn ở Bắc Kinh sau những gì mà nhà chức trách gọi là tấn công khủng bố trên Quảng trường Thiên An Môn. Tại giao lộ gần nơi tôi sống và làm việc ở Bắc Kinh, việc xe cộ hướng về Quảng trường Thiên An Môn bị tấp vào lề kiểm tra biển số vào ban đêm đã trở nên quá phổ biến.
Cường độ đã gia tăng trong những tuần gần đây, sau vụ tấn công bằng dao tàn bạo và bi thảm tại nhà ga Côn Minh và hai vụ tấn công chết người khác ở Tân Cương. Chính phủ quy trách những vụ tấn công này cho những phần tử vũ trang đòi ly khai.
Vào chiều ngày 3 tháng 6, cùng thời điểm mà căng thẳng bắt đầu dâng lên cách đây 25 năm trong đám đông sinh viên và quân đội được đưa vào Bắc Kinh để dẹp quảng trường, tôi phóng xe đạp xuống Đại lộ Trường An, con đường cao tốc rộng lớn ở Bắc Kinh dẫn thẳng đến Quảng trường Thiên An Môn.
Tại mỗi ngã tư và dọc theo mỗi đoạn đường ở giữa, cảnh sát đứng khắp mọi ngả hướng. An ninh đặc biệt thắt chặt quanh lối vào những ga tàu điện ngầm to rộng gần đó của thành phố. Lối vào Tử Cấm Thành đầy ắp khách du lịch và mỗi đầu hàng đều được chốt chặn, nơi những cuộc kiểm tra an ninh gắt gao được thực hiện.
Một số người dạo bước trên Quảng trường Thiên An Môn, nhưng có nhiều cảnh sát và ngưởi bán dạo hơn so với du khách. Khi tôi đạp xe trở về văn phòng, tôi dừng lại ở một ngã tư và ngước nhìn Khách sạn Bắc Kinh, nơi mà tấm hình mang tính biểu tượng Tank Man [người chặn đường xe tăng] được chụp.
Ngồi đó khi xe hơi và xe đạp vụt qua và ánh nắng thiêu đốt rọi xuống, thật khó tưởng tượng được giây phút đó như thế nào với tiếng rền của xe tăng và một người đàn ông đứng ngáng đường.
Cách đó vài đoạn đường tại một cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Hồng Lỗi một lần nữa nêu ra lập trường của chính phủ về sự kiện Thiên An Môn, nói rằng chính phủ Trung Quốc đã đưa ra kết luận về biến loạn chính trị này từ lâu. Ông cũng nói như sau về những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc.
"Ở Trung Quốc chỉ có người vi phạm pháp luật - không có người gọi là bất đồng chính kiến."
William Ide
Labels:
Thời sự
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment