Friday, May 2, 2014

Trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa: cần thêm một Quyết định nữa của Chính phủ

Một trong những quyết định mạnh bạo, đáng ghi nhận và cũng hiếm có vị lãnh đạo cộng sản nào làm được ở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi ông mới nhận chức, là ra bản Quyết định Về việc bàn giao đất khu vực nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương – Số 1568/QĐ-TTg, ngày 27/11/2006. Khi đó nó được gọi nôm na là quyết định “dân sự hóa Nghĩa trang Biên Hòa”.
Thế nhưng, cần phải nhìn nhận một cách công bằng, chính xác các lý do của hiện tượng này, cũng như một số cử chỉ khác của ông Nguyễn Tấn Dũng được coi là mạnh bạo, đổi mới, ví như định giải tán các doanh nghiệp công an, quân đội, cũng ngay sau khi ông nhận chức thủ tướng (nhưng rồi đã sớm “quên”, có lẽ là sau khi được vào WTO). Đó là ngoài tư tưởng khá “cấp tiến” có trong ông, thì chủ yếu những động thái đó là nhằm đáp ứng nhu cầu, chủ trương chung của Đảng, đang rất cần phải tranh thủ Mỹ, phương Tây để gia nhập WTO, khi đã quá chậm do lực lượng bảo thủ bên trong cản trở làm lỡ một nhịp, đi sau Trung Quốc.
Ngoài ông Dũng, cũng còn những Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, … đều có ý kiến, tham gia ít nhiều vào “thiện ý” hòa giải hòa hợp này. Nhưng thực tế cho thấy họ cũng chỉ là những thực thể nhỏ nhoi bên trong cơ thể con quái vật khổng lồ, mà câu chuyện tệ hại không chịu trả nhà cho bà quả phụ Trịnh Văn Bô– ân nhân số một của chế độ, đã cho thấy rất rõ bản chất của nó. 
Cho nên, lại phải nhớ tới câu nói để đời của cố TT Nguyễn Văn Thiệu “Đừng tin những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Và không những cần nhớ, mà còn phải hiểu một cách sâu sắc ý nghĩa của lời nhắc nhở này, trong tâm trạng tỉnh táo, có hiểu biết thấu đáo thực tế. Nếu không, sẽ lại như vài ông bà người Việt hải ngoại mấy ngày nay, trở về trong “gánh xiếc” của Thứ trưởng  Nguyễn Thanh Sơn. Thấy ông ta xì xụp hương khói, xỉa ra 2 chục triệu phúng viếng, thế là đã vội nức nở sụt sùi, chịu gục đầu như những kẻ tội đồ nay muốn hoàn lương, mà nghe những lời lẽ đay nghiến, dạy bảo, vừa như ban phát ân huệ, mà lại miệt thị trịch thượng, rằng:
“Chân lý ở đâu, sự thật ở chỗ nào khi các anh cứ hô hào, kêu gọi chống cộng, nói rằng cộng sản không làm gì cho nghĩa trang. Trong khi đồng đội quý vị nằm đây, một cent quý vị cũng không đóng góp.”
“Quý vị hãy dũng cảm nhìn vào sự thật để thấy rằng, những người nằm đây đã bị chính đồng đội của họ lãng quên chứ nhân dân địa phương không quên họ”.
Vòng tròn lịch sử đã lặp lại quá nhanh, trong một chu trình chỉ chưa tới 10 năm, chạy vạy để vào WTO, giờ thì chạy vạy để vào TPP.
Tiếc là, trong những nỗ lực của một số giới chức, trong đó có Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, thì sự thiếu thực tâm, cùng bản chất rất không thống nhất (trong đảng) và kém cỏi nên đã đưa câu chuyện nghĩa trang Biên Hòa vào mớ bùng nhùng. Họ không chịu thừa nhận, lại còn che đậy thực tế đó, để chỉ khoe khoang vài cử chỉ muốn hòa giải hòa hợp của mình. Và đặc biệt là họ không chịu nhận cái lỗi, mà như trong bài phỏng vấn cựu Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh đăng hôm qua đã nêu. Giờ cần (bày tỏ thái độ) xin lỗi đồng bào trong, ngoài nước, để tìm cách sửa sai lầm quá khứ, chứ không phải lên mặt trịch thượng của kẻ ban ơn.
Tội cho những cố gắng của nhiều bà con kiều bào hải ngoại, trong đó đáng kể là tổ chức VAF (trong bài dưới đây), họ đã làm được rất nhiều trong những năm qua, giờ lúng túng khi tưởng chừng như đã tới ngày hoàn tất. Họ không hiểu nhiều, hoặc khó tìm ra cách “lách” được qua những rối rắm của hệ thống đảng, chính quyền trong nước.
Vấn đề ở đây, thuộc bản chất của hệ thống cộng sản, đó là bởi …”thằng cơ chế”. Nếu không dẹp được nó, thì sẽ uổng công lao bao người.
Cụ thể, đã có Quyết định “giải phóng” nghĩa trang khỏi tay Quân đội NDVN từ 8 năm trước, nhưng “giải phóng” rồi thì làm gì, chưa rõ ràng gì trong cái văn bản còn sơ sài đó. Giờ rất cần phải có một văn bản Quyết định khác tiếp theo của thủ tướng, để tổ chức một bộ máy rõ ràng, trong đó phải nêu được những nguyên tắc mang tính pháp lý, nhiều chi tiết cần có để không bị tình trạng mơ hồ như lâu nay, thì mới thực hiện được việc tôn tạo dứt điểm Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa.
Có thể từ bộ máy này sẽ cho một gợi ý để suy nghĩ về một Hội đồng hòa giải – hòa hợp Dân tộc trong tương lai, mới may ra tìm thấy đường thoát khỏi tình trạng cứ mãi đối đầu, nghi kỵ và phân biệt đối xử. 
Còn nếu như tất cả những gì diễn ra gần đây, từ thả tù nhân chính trị cho tới tranh thủ kiều bào, cũng vẫn là diễn lại màn kịch “chạy chọt vào WTO” ngày nào, xong rồi đâu lại vào đấy, thì cũng chẳng ngạc nhiên. Quá dễ hiểu khi chuyện nghĩa trang Biên Hòa này được xới lên 8 năm trước rồi diễn ra trong âm thầm, chậm chạp, giờ lại được khơi lên rộn rã. Nếu thực tâm, hãy có một Quyết định nữa của Thủ tướng. 
Từ đây, lại có lời khuyên cho Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, rằng khi ông chưa xử lý được “thằng cơ chế”, thì đừng làm kiểu nửa vời, tổ chức “gánh xiếc rong” cho xong chuyện, chỉ để khoe với đồng bào, với Tây, Mỹ, “thu hoạch” xong là hạ màn. Mấy năm qua, ông chạy đôn chạy đáo, rồi khoe là đã dám vượt qua cả những lời phản đối mà ông ám chỉ là “giáo điều bảo thủ”, thậm chí cả đe dọa ở trong nước. Kiểu đó chỉ có thể đề cao cá nhân ông, nhưng ngược lại thành ra … bêu xấu chế độ, chứng tỏ nó chỉ như một thứ hội kín, chẳng có quy định gì rõ ràng, toàn những quyết định, chỉ đạo miệng nhăng nhít và mờ ám, thử hỏi làm sao kiều bào tin được.
-
-
THỨ TƯ 30 THÁNG TƯ 2014
Dự án trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa
Trọng Thành
Đài tưởng niệm Nghĩa Dũng Đài của Nghĩa trang Biên Hòa, sau khi được trùng tu, đầu năm 2013. (DR)
Đài tưởng niệm Nghĩa Dũng Đài của Nghĩa trang Biên Hòa, sau khi được trùng tu, đầu năm 2013.
(DR)
Nghĩa trang Biên Hòa, nơi yên nghỉ của gần hai mươi nghìn quân nhân quân đội Việt Nam Cộng Hòa, trong thời gian ít năm gần đây đã bắt đầu được chăm nom sang sửa, sau hàng chục năm hoang lạnh, tiêu điều. Việc trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa có ý nghĩa hệ trọng đối với tiến trình hòa giải giữa chính quyền Việt Nam hiện nay với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, để hướng tới một sự hòa hợp dân tộc thực sự.
Kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975, trong một thời gian dài không ai được vào thăm nơi chôn cất các quân nhân chế độ cũ, bởi nghĩa trang thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Cuối năm 2006, Thủ tướng Việt Nam ra quyết định chuyển việc « quản lý khu nghĩa địa Bình An » (tên hiện nay của Nghĩa trang Biên Hòa), cho chính quyền địa phương, ngoài phần 58 hécta đất của khu nghĩa địa được chuyển sang sử dụng vào các mục đích dân sự khác.
Từ đó đến nay, một số thay đổi quan trọng đã diễn ra. Chính quyền đã dần dần cho phép thân nhân các tử sĩ được chăm sóc, sửa sang mộ phần. Đặc biệt là phần trung tâm của Nghĩa trang, đài tưởng niệm Nghĩa Dũng Đài, đã được trùng tu. Việc vận động cho việc trùng tu toàn bộ Nghĩa trang Biên Hòa được âm thầm xúc tiến từ năm 2006-2007. Trong thời gian này, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, đã có nhiều tiếp xúc với Sáng hội Việt-Mỹ (VAF), trong mục tiêu chung là tôn tạo toàn bộ Nghĩa trang Biên Hòa. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần đã đến thắp hương tưởng niệm tại Nghĩa trang.
Cho đến nay, chưa có số thống kê chính thức về số lượng và tình trạng các mộ phần tại Nghĩa trang Biên Hòa. Theo một ước đoán, khoảng 2.000 mộ phần đã được chuyển về quê nhà an táng, vì có tin bị di dời, vào thời điểm sau khi Nghĩa trang mới được « dân sự hóa », và trong số hơn 10.00 ngôi mộ còn lại, có đến phân nửa bị mất bia. Nhiều cựu quân nhân hy vọng hài cốt tử sĩ, người chết trong trại cải tạo nằm rải rác ở nhiều nơi, được quy tập về Nghĩa trang.
Việc trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa có ý nghĩa hệ trọng đối với tiến trình hòa giải giữa chính quyền Việt Nam hiện nay với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, gắn bó với chế độ Việt Nam Cộng hòa, để hướng tới một sự hòa hợp dân tộc thực sự. Xung quanh dự án trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa, theo sáng kiến của Sáng hội Việt-Mỹ, được sự ủng hộ về nguyên tắc của chính quyền Việt Nam, còn nhiều quan điểm khác nhau. Được sự tán đồng của rất nhiều người, việc làm của VAF cũng như của một số hội nhóm có chủ trương tương tự, cũng bị không ít nhóm hay cá nhân người Việt ở hải ngoại nghi ngại, coi như bị “mắc bẫy chính quyền“, muốn thao túng cộng đồng người Việt tỵ nạn. Về phía trong nước, cho đến nay, chính quyền cũng chưa đưa ra quyết định sau cùng về kế hoạch trùng tu tổng thể Nghĩa trang.
Để chuyển đến quý vị các thông tin về quá trình trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa, đặc biệt liên quan đến những biến cố mới đây, cũng như các khó khăn trong công việc này, RFI có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Đạc Thành, một cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa, Chủ tịch Sáng hội Việt-Mỹ (VAF).
RFI : Thưa ông, như ông biết rõ, trong thời gian gần đây, tại Việt Nam, Nghĩa trang các tử sĩ Việt Nam Cộng hòa đang trong quá trình được trùng tu. Xin ông cho biết về tình hình cụ thể ?
Ông Nguyễn Đạc Thành : Tôi xin tóm tắt một phần nào đó về chương trình trùng tu Nghĩa trang. Nghĩa trang Biên Hòa là điều thao thức cho tất cả anh em cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa, cũng như đồng bào miền Nam, chứ không phải riêng cá nhân tôi, hay Hội VAF. Nhiều người, nhiều đoàn thể, nhiều tổ chức đã liên tục xin phép bên chính phủ Việt Nam để trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa.
Đầu 2007, tôi đã trở qua Việt Nam để xin phép chính phủ Việt Nam, để tìm mộ tù cải tạo, tìm hài cốt chiến sĩ mất tích, và xin phép trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa. Và trong lần đầu tiên tôi về, tôi đã được gặp ông cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Và chính ông Võ Văn Kiệt là người đầu tiên hứa với tôi sẽ vận động cho việc trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa.
Sau đó, vào năm 2008, tôi đã gặp ông Nguyễn Thanh Sơn, và ông Nguyễn Thanh Sơn đã tỏ ý ủng hộ chương trình trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa. Chính ông Nguyễn Thanh Sơn đã giới thiệu tôi vào liên lạc với Bình Dương, để xin trùng tu.
Đến ngày 15/10/2012, ông Nguyễn Thanh Sơn, do sự sắp đặt của tòa đại sứ Việt Nam, chính thức có cuộc họp với Ban chấp hành VAF tại lãnh sự quán Việt Nam ở Houston. Trước đó, lãnh sự quán Việt Nam tại Houston đã đề nghị chúng tôi chuyển cho ông Nguyễn Thanh Sơn trước chương trình trùng tu đài tưởng niệm Nghĩa trang Biên Hòa, và gửi bản vẽ dự kiến trùng tu để ông tham khảo trước với chính phủ. Trong buổi họp này, chúng tôi có đưa ra đề nghị phá ngay cái cầu tiêu, được xây trong đài tưởng niệm Nghĩa Dũng Đài. Ông Nguyễn Thanh Sơn không tin điều này. Ông đồng ý trên nguyên tắc việc trùng tu… Sau đó, khi trở về Việt Nam, một tuần sau ông tới Nghĩa trang Biên Hòa, ông chứng kiến quả thật có cái cầu tiên, một ngày sau, ông ra lệnh phá và cho trùng tu liền Nghĩa Dũng Đài. Chi phí cho việc trùng tu đài tưởng niệm do bên Bình Dương, chính quyền địa phương huy động tài chánh từ các cơ sơ thương mại ở tỉnh. Chúng tôi đề nghị xin bồi hoàn số tiền đó, vì chúng tôi đã đưa ra lời đề nghị và xin phép thực hiện việc trùng tu này. Bộ Ngoại giao chưa trả lời.
Ngày 18/03/2014, ông Nguyễn Thanh Sơn qua Mỹ, và đã họp với Ban chấp hành VAF chúng tôi lần nữa, sau khi đài tưởng niệm đã hoàn thành, chỉ còn chưa sơn « Vành khăn tang ». Chính ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã cùng với tôi đã lên thăm Nghĩa trang và chính ông đã thắp nhang cầu nguyện cho tử sĩ Việt Nam Cộng hòa. Chính vào ngày 18/03, ông Nguyễn Thanh Sơn đã nói với chúng tôi, chính phủ đã có “văn thư cho phép” trùng tu.
Nhưng trùng tu như thế nào, sẽ làm ra sao ?
Thì việc này còn cần phải thảo luận giữa các bộ, ngành, và đồng thời chúng tôi còn phải làm việc rất nhiều với Bộ Ngoại giao, cũng như với chính quyền tỉnh Bình Dương. Trong buổi họp này, ông Nguyễn Thanh Sơn nói với chúng tôi là kể từ khi trùng tu Nghĩa Dũng Đài cho đến nay, ông cho rằng đó là « giai đoạn một ». Giai đoạn này chính quyền địa phương tỉnh Bình Dương đã xuất tiền ra trùng tu. VAF chưa đóng góp gì. Bắt đầu từ hôm ấy, ông nói bắt đầu «giai đoạn hai ». Ông nói : « giai đoạn hai, thì các bác phải lo trùng tu nghĩa trang, vì đó là nơi yên nghỉ của đồng đội các bác ».
Tôi trả lời VAF sẵn sàng, khi nào có “giấy phép” của chính phủ, thì VAF sẽ bắt tay ngay. VAF sẽ không gây quỹ, mà kêu gọi sự bảo trợ của tất cả các anh em cựu quân nhân, cũng như các đồng bào, và những người hảo tâm, sẽ đóng góp.
Việc trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa có nhiều cái khó khăn trong đó và có nhiều cái rất là tế nhị. Cho nên, chính ông Lê Thành Ân, nguyên tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã giải thích, nói rõ mục tiêu của VAF, nên mới giải tỏa được những khó khăn để bắt đầu việc trùng tu. Tuy nhiên, sau đó, cũng có những người, bên trong nước, còn những người rất là quá khích, còn rất nhiều người thù hận với những người bên đây ; cũng như người bên đây, bên hải ngoại, cũng có những người quá khích với những người ở trong nước. Cả hai bên đều có những lời lẽ, những điều gọi là « chống đối ».
Sự cho phép của chính phủ Việt Nam đã nói lên một sự thay đổi trong cái nhìn đối với Nghĩa trang Biên Hòa. Nói chung là như vậy.
Làm thế nào để cho Nghĩa trang được tươm tất ?
Điều chúng tôi lo ngại, thứ nhất là do sự tuyên truyền của một số người ở ngoài này, khiến ở một vài nơi đồng bào đã lấy hài cốt đi, thành ra nó còn lồi lõm lắm. Điều thứ hai là, tình trạng là chính phủ Việt Nam cho phép trùng tu tự do mộ phần của người thân. Đây là quyền chính đáng của họ, chính phủ không thể bắt buộc phải xây thế này, hay thế kia. Và chính vì đó, mà chúng tôi chưa thuyết phục được đồng bào và thân nhân trong cách trùng tu. Nếu theo ý mình, cái cao, cái thấp, cái đỏ, cái trắng, cái đen…. Rồi làm cho nghĩa trang của quân đội không còn là một nghĩa trang quân đội nữa, mà sẽ trở thành một nghĩa trang dân sự, giống như Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, hay là Nghĩa trang của người Triều Châu… Nó không còn nét đặc biệt, đặc thù của nghĩa trang quân đội, được trang nghiêm và thẳng tắp như những nghĩa trang khác.
Cho nên chúng tôi cần phải có sự chấp thuận ở bên phía Việt Nam, mới đưa ra một kế hoạch toàn bộ, để thảo luận, để làm sao các ngôi mộ trong nghĩa trang được trùng tu cùng một kiểu mẫu, như vậy, sự trang nghiêm của Nghĩa trang vẫn còn tồn tại. Nó là một biểu tượng của Nam Việt Nam, cũng như biểu tượng của một quốc gia Việt Nam bây giờ. Trong cái khó khăn đó, thì cần phải thảo luận giữa chúng tôi, những người làm trực tiếp công việc này, với đại diện Chính phủ, chính quyền Bình Dương, để sao có kế hoạch chung.
Chúng tôi rất mong muốn, nếu đồng bào nào, không có thân nhân, hoặc vì lý do gì đó, mà không có ủng hộ việc trùng tu mộ phần của anh em chúng tôi, thì cũng xin im lặng, để chúng tôi làm được công việc của tình đồng đội với nhau. Đó là tình người, hoàn toàn là mục tiêu nhân đạo, không để chính trị nào ảnh hưởng đến vấn đề này. Riêng về những mộ không có thân nhân, chúng tôi đang cố gắng và đang nhờ anh Lê Thành Ân, làm sao giúp chúng tôi, hướng dẫn chúng tôi cách làm. Chúng tôi cũng thảo luận để xin phép được trùng tu những ngôi mộ không có thân nhân, vì đó là đồng đội của chúng tôi.
RFI : Thưa ông, cái mốc chính sắp tới của VAF là chờ đợi sự trả lời từ phía chính phủ Việt Nam, về dự án trùng tu Nghĩa trang, có đúng không ạ ?
Ông Nguyễn Đạc Thành : Đúng như vậy. Sau khi họp với ông Nguyễn Thanh Sơn, ngày 18/03/2014. Như ông Nguyễn Thanh Sơn đã nói rằng, chúng tôi cứ về trùng tu, bên trong Nghĩa trang, không ai ngăn cản cả. Nếu có ngăn cản, thì gọi ông.
Nhưng tôi nghĩ rằng, chánh quyền địa phương Bình Dương đang quản lý Nghĩa trang, thì chúng tôi phải nhận được sự chấp thuận của tỉnh. Tôi có đề nghị với ông Nguyễn Thanh Sơn, là làm việc với chính quyền Bình Dương, để thành lập một ban đại diện của địa phương, để làm việc với chúng tôi. Chúng tôi đang chờ.
Tôi nghĩ rằng, đây là việc làm rất thiết thực, và đồng thời, khi một ông Thứ trưởng Ngoại giao của Việt Nam đã hứa, thì tôi nghĩ trước sau gì cũng thực hiện được. Chúng tôi đang chờ.
RFI : Vậy, xin ông cho biết tương lai sắp tới của dự án trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa như thế nào, nếu kế hoạch được chính quyền chấp thuận ?
Ông Nguyễn Đạc Thành : Giai đoạn hai này, khi chúng tôi chấm dứt, có nghĩa là chúng tôi thảo luận xong với chính phủ Việt Nam, chính quyền cho phép VAF trùng tu, thì chúng tôi sẽ có kế hoạch, có bản vẽ, để hợp tác với bên chính phủ, chính quyền địa phương, để có chương trình và bản đồ rõ ràng. Trong bản đồ đó, chúng tôi sẽ thuyết phục thân nhân, cũng như những ngôi mộ vô chủ, là tất cả mộ phải được bằng nhau, không cao, không thấp, cùng màu, nằm thẳng hàng.
Điều thứ hai, khi chúng tôi có (sự cho phép) rồi, chúng tôi sẽ giao cho một ủy ban đặc biệt, phụ trách việc trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa. Ủy ban này gồm có bên Pháp, bên Đức, bên Úc, bên Hoa Kỳ…, có thể có một vài nơi khác nữa. Tất cả những người tham gia sẽ họp lại, để thành lập một ủy ban đứng ra trùng tu. Về tiền bạc, thì VAF cũng như ủy ban này không gây quỹ. Ví dụ những người ủng hộ như « Biệt động quân » ở Washington DC, hay bên Úc đứng ra bảo trợ, gây quỹ được 50.000 đô la chẳng hạn, thì số tiền này ủy ban sẽ nhận và bỏ trong account (tài khoản), để chuyển thẳng cho bên ủy ban đặc trách trùng tu ở tại Việt Nam. Số tiền này, ủy ban sẽ dùng để chi trả cho công ty đã ký hợp đồng trùng tu với chúng tôi. Bên gây quỹ có quyền đưa người về Việt Nam quản lý số tiền họ đóng góp, để yên tâm rằng số tiền này không bị ăn chặn. Bên gây quỹ có quyền kiểm soát, kiểm tra khu mộ mà họ gửi tiền để trùng tu xem có đúng như hợp đồng hay không.
Việc trùng tu mộ hiện nay ông Nguyễn Quang Hạnh, hội Nạng gỗ bên Pháp, đã đồng ý sẽ đứng ra thực hiện chương trình thay thế cho VAF. Người chỉ huy trực tiếp việc trùng tu là cựu đại tá của Việt Nam Cộng hòa đứng ra, đại tá Trần Điền, nguyên làm việc tại Phủ Tổng thống. Tôi xác nhận rằng việc trùng tu này là do tất cả anh em cựu quân nhân, đồng bào, đứng ra đóng góp, bảo trợ, (điều hành, kiểm soát) trùng tu chứ không phải là VAF nữa. VAF chỉ đứng ra trông coi và đồng thời nếu có khó khăn, thì chúng tôi, những cố vấn của chúng tôi sẽ thảo luận với phía chính quyền Việt Nam để tháo gỡ các khó khăn đó, để cho ủy ban nói trên tiếp tục công việc trùng tu. Nhiệm vụ của ủy ban này là thảo luận với chính quyền địa phương để làm sao đạt kết quả như mong muốn. Xin quý vị hiểu cho, đây là công việc chung của mọi người, tiền đóng góp của mọi người, công sức của mọi người, VAF chỉ là người đứng ra thực hiện chương trình.
RFI : Trước khi chia tay với thính giả, ông có thêm chia sẻ nào không ?
Ông Nguyễn Đạc Thành : Tôi xin có chút xíu ý kiến với đồng bào. Thưa quý vị, cuộc chiến của Việt Nam xẩy ra là 40 năm rồi. Biết bao nhiêu là đau thương, hàng triệu người của Nam Việt Nam đã ngã gục, cũng như hàng triệu người miền Bắc đã ngã gục. Về đau khổ, không có nỗi đau nào khác nỗi đau nào, người con mất cha, người vợ mất chồng… Vậy thì tại sao lại hận thù những người đã nằm xuống ?
Chúng tôi tin rằng gia đình của những người đã chịu nhiều thiệt thòi đó đã quá đau khổ rồi. Nếu hai bên còn có những người còn thù hận với nhau, thì xin dành riêng cho những người nằm xuống một đặc ân, đó là đừng có động chạm đến họ nữa, và để cho những người con, người vợ, người bạn, người đồng đội của họ đem lại sự bình yên cho những người đã hy sinh vì chính nghĩa. Bên phía Bắc, cũng có chính nghĩa của họ ; bên phía Nam cũng có chính nghĩa của họ. Và bên nào cũng có sự hy sinh cao cả, và bên nào cũng làm nhiệm vụ của mình đối với Tổ quốc của mình. Cho nên xin để cho những người đã nằm xuống được bình yên, và gia đình những người đã hy sinh được yên lành trong phút tưởng nhớ đến người thân của họ. Hãy để họ được bình yên, được an nghỉ nơi chín suối, và để cho gia đình những tử sĩ Việt Nam Cộng hòa, cũng như liệt sĩ miền Bắc, họ được một chút an ủi, vì chiến hữu của họ, đồng đội của họ, chồng họ, cha họ không quên họ. Đây là điều mong mỏi của chúng tôi.
Còn sau đây là tiếng nói của ông Nguyễn Quang Hạnh, Chủ tịch hội Nạng gỗ (Pháp), một hiệp hội chuyên giúp đỡ các thương phế binh. Từ năm 2007, Hội Nạng gỗ của ông Nguyễn Quang Hạnh cũng tham gia rất nhiều vào công việc tu sửa các mộ phần tại nghĩa trang Biên Hòa. Ông Nguyễn Quang Hạnh được Sáng hội Việt-Mỹ trông cậy nhiều trong việc thiết kế kế hoạch trùng tu tổng thể Nghĩa trang, nơi yên nghỉ của các tử sĩ Việt Nam Cộng hòa.
Ông Nguyễn Quang Hạnh : Nghĩa trang hồi mới được vào làm trong đó mồ mả bị sụp đổ, bị đủ chuyện hết chứ không phải như bây giờ. Tình hình bây giờ khá hơn, vì có nhiều người tu sửa. Ngay từ đầu năm 2007, tôi xây một cái bàn bằng đá đầu tiên tại khu G7, quý vị coi trên mạng, thì thấy mỗi lần có ai vào thắp nhang hay mua hoa quả, thì đều để chỗ bàn này. Bây giờ, mỗi khu có một cái bàn. Theo ông Nguyễn Đạc Thành nói, chính quyền tỉnh Bình Dương họ xây. Thứ hai là chỗ tượng đài được sơn phết lại, được làm lại bằng gạch, rồi cũng có trồng hoa, trồng kiểng rất khang trang. Nói chung như vậy, nhưng mộ phần đa số còn sụp đổ.
Công việc trùng tu Nghĩa trang quân đội Biên Hòa, thì đã nhiều lần tôi trả lời phỏng vấn quý đài, từ năm 2007, sau khi chính quyền cho vào tu sửa. Với hội chúng tôi, trong việc giao tế với ban quản trị nghĩa trang, đã vào đắp được trên 2.800 ngôi mộ, đắp đất, dựng bia, làm cỏ và xây trên 300 ngôi mộ mới. Nhưng kể từ năm rồi, khi ông Nguyễn Đạc Thành vào đó, với ông Thứ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, cũng như ông Tổng lãnh sự Lê Thành Ân ở Sài Gòn, thì từ đó chương trình của tôi cũng tạm ngưng. Điều thứ nhất, ông Đạc Thành nói là để thảo luận với tỉnh Bình Dương, để có một việc làm thống nhất về mẫu mã, cũng như số tiền chi phí cho việc xây dựng, thì tôi tạm ngưng việc đó.
Nhưng tới bây giờ, tôi thấy công việc này (việc trùng tu) bị đứng lại, vì giữa việc giao thiệp của ông Nguyễn Đạc Thành, cũng như là với chính quyền tỉnh Bình Dương, chưa đi đến ngã ngũ nào hết. Tôi nghĩ rằng, nếu nhà cầm quyền Việt Nam thật sự để cho tu sửa Nghĩa trang Biên Hòa, thì cần có một thông báo rõ ràng để cho những cá nhân làm từ thiện, cũng như hội đoàn làm từ thiện được vào làm những ngôi mộ không có thân nhân. Nếu được như vậy, thì tôi nghĩ việc tu sửa Nghĩa trang Biên Hòa không khó, và cũng không lâu, nếu thực sự có sự muốn hóa giải, muốn đi đến hòa hợp, hòa giải, thì chuyện đó là chuyện đầu tiên. Phải đối xử công bằng với người chết, cũng như người sống, để cho những người có lòng nghĩ đến người chết trong cuộc chiến vừa rồi, như vậy, thì tôi thấy không khó.
RFI xin cảm ơn ông Nguyễn Quang Hạnh và ông Nguyễn Đạc Thành. 

No comments:

Post a Comment