So với quãng thời gian chúng ta còn e dè gọi tàu Trung Quốc xâm phạm là... "tàu lạ", thì đây thực sự là một bước tiến dài từ cả phía chính quyền và phía người dân.
Tàu không lạ, người cũng quen
Những ngày qua, câu chuyện về tình hình biển Đông dường như cộng hưởng với cái nắng gay gắt đầu mùa hạ, khiến cho đời sống của mỗi người dân trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.
Từ nơi công sở đến quán nước vỉa hè, từ thành phố đến thôn quê, trên mạng xã hội lẫn ngoài đời sống thực, đâu đâu cũng thấy người dân đang bàn về chuyện Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Sự sốt sắng ấy khiến chúng ta nhận thấy một điều thiêng liêng: người dân Việt Nam dù sống ở thời đại, thuộc tầng lớp xa hội nào cũng luôn có tinh thần yêu nước. Một khi những hành vi của nước lân bang đã vượt quá giới hạn chịu đựng của những con người vốn chỉ mong được yên ổn để làm ăn trong một cuộc sống còn quá chật vật thì tinh thần ấy lại được khơi dậy mạnh mẽ.
Nhìn từ góc độ này, đây là cái phúc của một đất nước. Bởi còn gì đáng sợ hơn nữa khi Tổ quốc đứng trước những thử thách mà người dân thờ ơ, như thể đó là chuyện liên quan tới bất cứ ai trừ mình ra. Khi người dân còn muốn giữ nước thì nước mới còn. Đó là chân lý được rút ra từ lịch sử chống ngoại xâm nhọc nhằn của dân tộc ta từ hàng ngàn năm nay.
Đã lâu, người ta mới lại sống trong cái không khí khi mà hàng triệu người nghĩ về, nói về một nỗi lo chung như thế. Tinh thần yêu nước như thể được cởi trói khỏi một sợi dây vô hình của những e dè, lo ngại. Người dân xuống đường, lên tiếng phản đối kẻ xâm phạm lãnh thổ một cách thẳng thắng. Người đứng đầu Chính phủ cũng công khai phát biểu về hành vi sai trái của Trung Quốc và thể hiện quan điểm không khoan nhượng của Việt Nam.
So với quãng thời gian chúng ta còn e dè gọi tàu Trung Quốc xâm phạm là... "tàu lạ", thì đây thực sự là một bước tiến dài từ cả phía chính quyền và phía người dân.
Thế nhưng, cùng lúc đó nếu nhìn lại, dường như ngay trong những lúc nước sôi lửa bỏng nhất người Việt Nam vẫn đang bộc lộ tính xấu của mình - thói ưa chỉ trích lẫn nhau. Đúng là yêu nước vẫn luôn là mẫu số chung của người Việt, thế nhưng khi nảy sinh vấn đề thì mới biết có rất nhiều cách tiếp cận và giải quyết. Để trưởng thành hơn, người Việt trước hết phải thừa nhận sự đa dạng này, học cách chấp nhận những khác biệt này và dẹp bỏ đi những cuộc khẩu chiến không đáng có.
Đất nước vốn không của riêng ai, vì thế khi bày tỏ tình yêu nước cũng không nhất thiết phải chung một cách.
Tàu Trung Quốc đang bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong
|
Tại sao những người xuống đường biểu tình và những người quyết định không xuống đường lại phải "đá đáp" nhau về sự đúng sai, hay dở của việc này? Thiết nghĩ, đó là điều không cần thiết. Tùy suy nghĩ, tính cách, vị trí của mỗi người, hãy để cho họ được lựa chọn yêu nước theo cách của mình.
Cần nhớ rằng để chiến thắng trong bất cứ một cuộc chiến nào cũng cần kết hợp nhiều hình thức đấu tranh, trong đó không thể thiếu việc nói lên quan điểm, chính kiến của mình. Những ngày qua, tinh thần xuống đường đúng pháp luật của người Việt trong và ngoài nước cùng với những hình ảnh, khẩu hiệu, biểu ngữ đã thể hiện cho Trung Quốc cũng như thế giới thấy được ý chí không khoan nhượng của Việt Nam trong vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của một dân tộc.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần những người Việt trẻ thể hiện tinh thần yêu nước trên báo chí, diễn đàn quốc tế, đặc biệt là trên các mạng xã hội dù họ không muốn hay không thể xuống đường diễu hành. Chỉ cần một bài viết, một thông tin về tình hình biển đảo được chia sẻ, sự lan tỏa của thế giới mạng sẽ giúp cho bạn bè thế giới và ngay cả không ít người dân Trung Quốc hiểu được nguyên nhân khách quan của tình hình để từ đó có thái độ và cách hành xử đúng mực hơn.
Nhìn từ góc độ kinh tế, mỗi người dân hãy yêu nước theo "lợi thế tương đối" của mình. Làm tốt nhất công việc của mình trong bối cảnh hiện nay chính là cách đóng góp hữu ích nhất cho đất nước. Bởi xét đến cùng dân phải mạnh thì mới giữ được nước. Các chiến sĩ trên biển hãy vững tay tay lái. Các nhà báo hãy không ngại hiểm nguy, đưa tin trung thực và cập nhật nhất. Còn các nhà nghiên cứu hãy tiếp tục công việc của mình để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Đó chính là cách chúng ta thể hiện tinh thần yêu nước.
Bên cạnh việc tỏ rõ cho người dân cũng như thế giới thấy lập trường của Việt Nam, nâng cao cảnh giác và chuẩn bị đối phó với mọi tình huống phát sinh, các nhà lãnh đạo trong giai đoạn này cần giữ bình tĩnh để điều hành nền kinh tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân cũng cần được trấn an bởi những người cầm cân nảy mực đất nước. Không để nền kinh tế rối loạn vì lòng dân bất an, đó là cách thể hiện tình yêu nước cấp thiết nhất của người lãnh đạo.
Hãy nhìn nhận tinh thần yêu nước bằng đôi mắt khoan dung bởi nó là hợp âm của hàng triệu con người ở mọi tầng lớp, mọi hoàn cảnh xã hội.
Khương Duy
No comments:
Post a Comment