Việc quản lý báo sách và báo trước 1975 được qui định trong luật báo chí mang tên Luật 007 (lúc đó nhiều người gọi đùa là luật James Bond 007). Trên nguyên tắc, sách báo ở miền Nam chỉ bị cấm loan tin đồn thất thiệt và đăng những bài vi phạm thuần phong mỹ tục (điều 35 Luật Báo Chí 007), nhưng trong thực tế, việc kiểm duyệt nhằm ngăn các thông tin bất lợi cho chính quyền lúc đó, như các thông tin bất lợi về chiến sự và các thông tin có lợi cho CS. Vi phạm thuần phong mỹ tục chỉ là một cái lý do bề ngoài rất thuận tiện (vì bới ra thì lúc nào cũng có) để "tịch thu" những tờ báo đăng tin "không thuận lợi" về phương diện chính trị.
Theo một người rất thân trong gia đình làm việc tại bộ phận "kiểm duyệt" báo trước 1975 ở Saigon cho biết, việc "kiểm duyệt" được đạt dưới sự điều khiển của ê-kíp Hoàng Đức Nhã (đặc trách Nha Báo Chí Phủ Tổng Thống và có thời phụ trách Bộ Thông Tin Chiêu Hồi) trong đó có cả Giám Đốc Báo Chí Bộ Thông Tin Chiêu Hồi. Địa điểm là căn nhà số 1 Lê Quí Đôn, sát cạnh văn phòng Thông Tấn Xã Việt Nam và bên kia đường là Phủ tổng thống.
Buổi sáng, một nhóm chuyên viên có khả năng ngoại ngữ đọc tất cả các bản tin của các hãng thống tấn nước ngoài đặt ở Việt Nam đã gởi đi trong ngày hôm trước và dịch ra tiếng Việt để phổ biến cho tất cả các viên chức cao cấp trong chính phủ. Ê-kíp của TT Thiệu, trong đó có ông Nhã, đọc những bản tin ấy và nếu thấy có thông tin nào thuộc loại "bất lợi" thì sẽ ngăn các báo VN đăng lại (báo VN thường mua lại thông tin của các hãng thông tấn).
Đến khoảng khoảng 1 giờ trưa, các báo đem nộp bản thảo ở số 1 Lê Quí Đôn để "xin" kiểm duyệt. Các tờ báo được giao cho 4 hay 5 nhân viên kiểm duyệt đọc theo sự phân công, như tin chiến sự, tin về hoạt động của tổng thống và các cơ quan chính phủ, tin về văn hoá, giáo dục, xã hội, v.v... Các nhân viên này sẽ báo cáo nếu thấy có những thông tin cần được "lưu ý".
Đích thân ông Nhã sẽ được tham khảo để quyết định có cho đăng hay không. Nếu quyết định không cho đăng, thì sẽ thông báo cho chủ bút hay tổng thư ký của báo bằng điện thoại. Nếu tờ báo đồng ý với khuyến cáo của của ban kiểm duyệt, phần tin đó sẽ được đục bỏ, và khi báo phát hành sẽ có hàng chữ "TỰ Ý ĐỤC BỎ." Sở dĩ như vậy, vì việc in báo thời đó xử dụng kỹ thuật xếp chữ, nên chỉ có thể bỏ khuôn chữ trong khúc đó cho nhanh, chứ không thể xếp chử lại cả tờ báo.
Nếu chủ bút không đồng ý và quyết định cứ đăng, thì bộ thông tin sẽ hợp tác với Bộ Nội Vụ để làm thủ tục tịch thu và truy tố theo Luật 007 vì trên nguyên tắc, chỉ được tịch thu nếu báo vi phạm luật báo chí, và phải có lệnh tịch thu của biện lý toà, rồi sau đó phải đưa ra toà (có nhiều trường hợp báo kiện ngược lại và bộ thông tin bị thua). Lúc đó, một chuyên viên pháp lý của bộ thông tin phải viết một bản yêu cầu tích thu gởi Bộ Nội Vụ nêu rõ lý do vi phạm (thường là lý do thuần phong mỹ tục ở các truyện dài nhiều kỳ tả cảnh yêu đương vớ vẩn). Căn cứ vào lý do từ bộ thông tin, Bộ Nội Vụ yêu cầu biện lý toà án (hình như là toà Sơ thẩm) Sài Gòn ra lệnh tịch thu và cảnh sát cầm lênh tịch thu đến nhà in để tịch thu báo.
Trên nguyên tắc, chỉ được tịch thu khi báo đã phát hành (để đúng với tội danh tuyên truyền tin thất thiệt hay vi phạm thuần phong mỹ tục), nhưng nếu để phát hành rồi thì rất khó tịch thu cho hết, nên cảnh sát chực sẵn ngoài cửa, chờ cho báo vừa đưa ra khỏi cửa nhà in là xùy lệnh tịch thu để "hốt". Theo bản tin trên tờ Chính Luận thì báo Sóng Thần không những không đồng ý với khuyến cáo "tự ý đục bỏ" và cũng không cho tịch thu để phản kháng lề lối kiểm duyệt lúc đó.
Mạc dù báo chí ở miền Nam trước năm 1975 có chịu phần nào kiểm duyệt, nhưng so với sự bóp nghẹt thông tin của chính quyền hiện nay thì còn có nhiều tự do hơn rất nhiều lần. Do đó cũng không khó hiểu việc ông Hồ Ngọc Nhuận trước đây phản kháng chế độ chính trị ở miền Nam thì bây giờ cũng chống lại sự áp bức của chính quyền hiện tại.
No comments:
Post a Comment