Tất cả nội dung việc khởi tố, xin mời độc giả đọc dưới đây. Chỉ nêu mấy điều xem ra rất “gợn”, cần suy nghĩ:
1. Bài viết trên mục blog Nguyễn Hùng của BBC chỉ mới xuất hiện hôm qua, vậy mà rất nhanh, Thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công an đã có ngay quyết định khởi tố vụ án.
Hiện tượng này như thể họ đã biết sẽ có bài viết đó trước khi nó được đưa lên mạng.
Không biết có tính tới khả năng vụ việc sẽ thành to chuyện một cách không cần thiết, dễ Lợi bất cập hại?
2. Một trong những cái Lợi bất cập hại đáng ngại nhất là bỗng nhiễn lôi ông doanh nhân Ngô Xuân Tiệc nào đó vào cuộc, trong lúc toàn bộ hai phiên tòa xử Dương Chí Dũng chưa hề đề cập và làm rõ có hay không nhân vật này, thay vì “anh Tiệc” nào đó mà Dương Chí Dũng khai. Vậy thì liệu vị lãnh đạo cơ quan điều tra, mà ở đây là tướng Hoàng Kông Tư có vi phạm khi để lộ bí mật điều tra hay không? Tại sao toàn bộ quá trình điều tra xác minh này không được đưa vào hồ sơ vụ án để xét xử trước tòa, làm rõ có phải Dương Chí Dũng đã khai man để chạy tội?
Lợi bất cập hại thứ hai là ông Ngô Xuân Tiệc có thể kiện vì đã bị tiết lộ bí mật đời tư, nhân thân của ông, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của ông, gây dư luận nghi ngở không đáng có với ông là có liên quan tới tội trạng của Dương Chí Dũng.
Lợi bất cập hại thứ ba, có ý nghĩa “chính trị” là bỗng nhiên đặt ra một khả năng sẽ phải diễn ra một phiên tòa gồm Dương Chí Dũng, ông Thiếu tướng Trần Quang Tiệp – Trợ lý của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và ông Ngô Xuân Tiệc kia. Và cho dù phiên tòa đó chưa hoặc không diễn ra, thì vụ này sẽ được thổi bùng lên trên hệ thống báo chí, mạng xã hội. Cái “án” chưa được làm rõ này sẽ treo lở lửng trên đầu thầy trò Thiếu tướng Trần Quang Tiệp rất lâu, có thể qua cả Đại hội 12. Bất lợi vô cùng cho “công tác nhân sự”!
3. Thế nhưng, nếu như đằng sau vụ này là những mục tiêu lớn, sâu xa và bí ẩn hơn chứ không phải là với phóng viên Nguyễn Hùng của BBC thì chẳng dám bàn. Ví dụ, liệu vụ việc có liên quan tới tình tiết mới, khi phiên tòa chiều nay bỗng nhiên chưa tuyên án Dương Chí Dũng, mà chuyển sang xét hỏi lại một số bị cáo, rồi tạm nghỉ tới thứ Hai tuần sau.
Có nghĩa, với bề ngoài việc khởi tố có vẻ như để bảo vệ danh dự cho Thiếu tướng Trần Quang Tiệp, và đương nhiên là cả ông Bộ trưởng Công an, nhưng bên trong thì … lại khác?
4. Cũng nhanh không kém, hàng loạt “trang web giả mạo” của các lãnh đạo, trong đó có trang nguyentandung.org,chỉ sau khi bài phỏng vấn trên báo Công an nhân dân Online lên mạng 2 tiếng, đã có một bài khá công phu về vụ việc (xem dưới đây). Hiện tượng này cũng góp phần trả lời phần nào câu hỏi mà loạt bài “Những trang web giả mạo” và “trò chơi quyền lực” đã nêu ra.
Càng rõ hơn khi bài phỏng vấn trên báo Công an nhân dân đã được các “trang web giả mạo” này đăng lại chỉ sau đúng 1 phút.
5. Tuy nhiên, trở lại nguyên nhân khởi tố nêu ban đầu, thì không biết có phải vì quá nhanh nên cơ quan công an không xem xét kỹ lời văn trong bài báo của Nguyễn Hùng, hay vì lý do nào đó, bởi yếu tố hình sự, pháp lý để buộc tội là rất yếu.
Lời văn đó là “Các nguồn tin nói đây là ám chỉ Thiếu tướng Trần Quang Tiệp, trợ lý Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.”
Xin lưu ý hai chi tiết “các nguồn tin” và “ám chỉ”. Như vậy phóng viên Nguyễn Hùng hoàn toàn không khẳng định tướng Tiệp là người mà Dương Chí Dũng khai ra, mà chỉ nhắc lại có nguồn tin cho là vậy thôi; và lại càng không phải Nguyễn Hùng đã “vu khống” cho tướng Tiệp ăn hối lộ, mà nói lại nhận xét của “nguồn tin”, cho là Dương Chí Dũng “ám chỉ” tướng Tiệp.
Vậy nếu như muốn “khởi tố” phóng viên Nguyễn Hùng, thì chỉ với tội “bôi nhọ” lãnh đạo là cùng, dù là chứng cứ rất yếu. Còn tội “vu khống” thì chính Dương Chí Dũng mới có khả năng bị buộc tội đó, thế mà chẳng hiểu sao cơ quan công an lại không làm rõ tiếp lời khai của Dũng, không đúng là ông doanh nhân Ngô Xuân Tiệc thì là ai, “Tiệc” hay là “Tiệp”. Tại sao họ lại “dễ dãi” tới độ chỉ cần dựa vào “bản tường trình cam đoan” của ông này là xong chuyện? Ông ta khẳng định “hoàn toàn không có sự việc như Dương Chí Dũng khai“, thế nhưng họ có mối quan hệ hay không, ở thời điểm Dũng khai có đưa tiền, ông doanh nhân này đang ở đâu? v.v..
Cuối cùng là … nếu như nghe âm thanh trong đoạn video Dương Chí Dũng khai trước tòa dưới đây, thì sẽ rõ cái tên “Tiệp” được nhắc đến khá nhiều, và theo logic của câu chuyện thì đó không thể là một ông doanh nhân Ngô Xuân Tiệc lạ hoắc nào cả. Ngoài ra Dương Chí Dũng còn khai có đến nhà “anh Quang” nói chuyện, v.v..
Về bài báo “Dương Chí Dũng và những triệu đô la” trên BBC tiếng Việt:
Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an trả lời phỏng vấn Báo Công an nhân dân
11:29:00 25/04/2014
Ngày 25/4/2014, Trung tướng Hoàng Kông Tư, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Công an nhân dân về bài báo “Dương Chí Dũng và những triệu đô la” của phóng viên Nguyễn Hùng, BBC tiếng Việt, ngày 24/4/2014, như sau:
Phóng viên Báo Công an nhân dân: Xin đồng chí Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết quan điểm về việc ngày 24/4/2014, trong bài báo “Dương Chí Dũng và những triệu đô la” của phóng viên Nguyễn Hùng, BBC tiếng Việt, ngày 24/4/2014 có nêu nội dung: “Theo ông Dũng, người đưa tiền của bà Lan cho ông tên là Tiệp. Các nguồn tin nói đây là ám chỉ Thiếu tướng Trần Quang Tiệp, Trợ lý Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang”.
Trung tướng Hoàng Kông Tư: Trước hết, tôi khẳng định thông tin này là hoàn toàn bịa đặt, vì trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng có khai người đưa tiền của bà Lan cho ông tên là Tiệc. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã xác minh, làm rõ và xác định người tên Tiệc như Dương Chí Dũng khai là ông Ngô Xuân Tiệc, sinh năm 1961, thường trú tại 277 Phạm Văn Hải, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã làm việc với ông Ngô Xuân Tiệc và ông Ngô Xuân Tiệc đã viết bản tường trình cam đoan, khẳng định hoàn toàn không có sự việc như Dương Chí Dũng khai.
Phóng viên Báo Công an nhân dân: Thông tin trên của phóng viên Nguyễn Hùng, BBC tiếng Việt được xử lý thế nào?
Trung tướng Hoàng Kông Tư: Ngày 25/4/2014, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về tội Vu khống theo Điều 122 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quá trình điều tra, nếu xác định phóng viên Nguyễn Hùng đang làm việc ở Ban Việt ngữ đài BBC ở Vương quốc Anh là tác giả bài báo thì Cơ quan An ninh điều tra sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết yêu cầu cơ quan tư pháp Vương quốc Anh hỗ trợ triệu tập phóng viên Nguyễn Hùng về Việt Nam để điều tra làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ án Vu khống và xử lý theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phóng viên Báo Công an nhân dân: Xin cảm ơn đồng chí Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an
Công Gôn (thực hiện)
—————-
Thứ sáu, 25/04/2014, 13:55 (GMT+7)
Lợi dụng vụ Dương Chí Dũng, BBC và Nguyễn Hùng cố tình đánh lận con đen
(An Ninh Quốc Phòng) - Vừa mới đây, BBC đã cho đăng tải bài viết với nội dung xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn: “Dương Chí Dũng và những triệu đô la” mà người chấp bút là Nguyễn Hùng, một kẻ phản động lưu vong, tư tưởng phá hoại đặc sệt. Điều nguy hại là, khi bài viết này đăng tải, người ta “rất tin” vào những gì được “đẻ” ra từ tay Nguyễn Hùng.
Trong khi, Dương Chí Dũng khai “người đưa tiền của bà Lan cho ông tên là Tiệc” thì Nguyên Hùng đã cố tình đánh lận tên Tiệc thành tên Tiệp. Nguyên Hùng cố tình dẫn dắt để dư luận hiểu tên “Tiệc” thành tên “Tiệp” để làm gì? Người trong ngành công an và quan tâm đến vụ án Dương Chí Dũng dễ dàng hiểu, ý đồ của Nguyễn Hùng chính là muốn ám chỉ tên của Thiếu tướng Trần Quang Tiệp (Trợ lý Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang). Mục đích của Nguyễn Hùng chính là muốn kích động, bôi nhọ Lãnh đạo nhà nước Việt Nam thông qua việc vu khống, bịa đặt Thiếu tướng “ăn hối lộ”!
Trước thông tin đầy ác ý mà Nguyễn Hùng tự đạo diễn trong bài viết, Trung tướng Hoàng Kông Tư đã tuyên bố: “Tôi khẳng định, thông tin này là hoàn toàn bịa đặt”. Đồng thời Trung tướng Hoàng Kông Tư cũng đưa ra bằng chứng đanh thép được ghi âm, điều tra công khai trước tòa hẳn hoi. Đó là thông tin: “Trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng có khai người đưa tiền của bà Lan cho ông tên là Tiệc. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã xác minh, làm rõ và xác định người tên Tiệc như Dương Chí Dũng khai là ông Ngô Xuân Tiệc, sinh năm 1961, thường trú tại 277 Phạm Văn Hải, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã làm việc với ông Ngô Xuân Tiệc và ông Ngô Xuân Tiệc đã viết bản tường trình cam đoan, khẳng định hoàn toàn không có sự việc như Dương Chí Dũng khai”.
Rõ ràng cái tên mà Dương Chí Dũng khai là Ngô Xuân Tiệc chứ không phải cái tên mà Nguyễn Hùng tự ý đặt ra! Tư cách, phẩm chất đạo đức của người cầm bút Nguyễn Hùng như thế nào, có lẽ thông qua việc này đã rõ!
Để hiểu thêm về đạo đức nghề nghiệp của tác giả Nguyễn Hùng, thì chúng ta có thể thấy, lợi dụng cái chết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sáng ngày 5/10/2013, BBC đã cho đăng bài “Đảng vẫn để Đại tướng sống thêm” của Y, nhưng đã bị các độc giả từ Việt Nam lên án mạnh mẽ. Ai ai cũng thống nhất rằng BBC nên cho ông phóng viên Nguyễn Hùng nghỉ việc ngay để vãn hồi thể diện vì xúc phạm đến Đại tướng và Nhà nước Việt Nam.
Thời gian qua, có rất nhiều ngòi bút như Nguyễn Hùng đưa ra nhiều thông tin xuyên tạc trên BBC nhằm phá hoại Việt Nam, bôi bẩn đất nước hình chữ S. Việt Nam không chấp nhận điều này và kiên quyết không để những con người như thế này nhởn nhơ, rắp tâm phá hoại Việt Nam thêm nữa. Trung tướng Hoàng Kông Tư đã nhấn mạnh: “Trong quá trình điều tra, nếu xác định phóng viên Nguyễn Hùng đang làm việc ở Ban Việt ngữ đài BBC ở Vương quốc Anh là tác giả bài báo thì Cơ quan An ninh điều tra sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết yêu cầu cơ quan tư pháp Vương quốc Anh, hỗ trợ triệu tập phóng viên Nguyễn Hùng về Việt Nam để điều tra làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ án Vu khống và xử lý theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Hiện nay, thế lực thù địch và những thành phần bất hảo luôn rình rập phá hoại đất nước Việt Nam, nếu như lãnh đạo đất nước, Cơ quan An ninh, Bộ Công an không hành động rắn thì sắp tới đây, những thành phần như Nguyễn Hùng sẽ dựng, bịa ra hàng tá chuyện vu khống Việt Nam.Việc “yêu cầu cơ quan tư pháp Vương quốc Anh” chính là hành động mạnh, rắn mà thay mặt Cơ quan An ninh điều tra, Trung tướng Hoàng Kông Tư đã cương quyết và thực hiện.
Đây cũng chính là lý do vì sao, suốt thời gian qua, những việc ngành công an, chiến sĩ công an làm được cho đời rất nhiều thì người dân trong nước ít khi biết đến nhưng chỉ cần một số công an làm đen ngành, dù một việc nhỏ thôi thì cả làng, cả tổng và cả biển người biết đến. Vì sao vậy, vì hiện tại, đối tượng mà thế lực thù địch đang hướng đến để phá hoại chính là lực lượng nồng cốt của đất nước Việt Nam mà ngành công an luôn là đầu tàu!
Một sự thật mà hiện nay, đa phần người dân không nhận ra, đó chính là một số cơ quan truyền thông trong nước không hiểu vì lý do gì mà đang “tiếp tay” cho “giặc” khi hùa nhau nói xấu công an. Việc tốt mà các chiến sĩ công an làm được mười thì chỉ đăng tin có một trường hợp, có nhiều báo không đăng. Nhưng công an mà làm sai việc nhỏ thì “cả nhà” truyền thông hầu như từ báo mạng, báo hình, báo nói, báo giấy đều đăng tất tần tật với lý do ngụy biện là “đưa tin tiêu cực để đẩy lùi tiêu cực”. Nếu như yêu nước, có lương tâm thật sự thì cần truyền tải khách quan cho người dân biết, ngành công an tốt cái gì, chưa làm tốt cái gì còn đằng này chỉ chú trọng đến “mãng đen” thế thì làm sao người dân không nhìn công an dưới con mắt “đen ngòm” cho được. Người ta nói “tiên trách kỷ, hậu trách truyền thông” là vậy. Chính các nhà đài trong nước, chính các vị lãnh đạo cơ quan truyền thông, Biên tập viên, phóng viên trên danh nghĩa là yêu nước nhưng đang “hại nước” – nhưng có mấy ai trong số này sớm thức tỉnh, nhận ra?
Tác hại của truyền thông, tác hại của sự thêu dệt như thế nào, có lẽ đến giờ phút này, những người đầu ngành đã rõ. Thế nên, ngay giờ phút này đây, cần lắm những quyết định mạnh mẽ để đầy lùi “dịch bệnh” mà những thành phần phá hoại cố ý rắp tâm, thực hiện. Người dân Việt Nam, hơn lúc nào hết, chúng ta cần cảnh giác cao độ với các nguồn tin và cấn đặt niềm tin vào lãnh đạo nhà nước. Chỉ cần xao lãng, lơ là và không làm chủ bản thân một phút thôi, chúng ta rất có thể trúng kế chia rẽ, ly gián của thế lực thù địch. Chưa bao giờ, truyền thông lại “đen đúa” như hôm nay khi bạn đọc, người dân Việt Nam “đi đâu” cũng toàn được “cho ăn”, được “mớm ăn” những thông tin bịp bợm, ăn mòn tinh thần, đánh cắp niềm tin của lãnh đạo trong dân như ngày hôm nay.
————–
Dương Chí Dũng và những triệu đôla
Cập nhật: 15:04 GMT – thứ năm, 24 tháng 4, 2014
Trong những ngày xét xử phúc thẩm ông Dương Chí Dũng và ‘đồng phạm’, người ta không thấy tin tức gì về vụ xử khi vào trang nhà của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Đây cũng không phải là điều gì khó hiểu khi Vinalines đang muốn quên đi những vụ việc do các lãnh đạo cũ gây ra trong quá trình “vươn ra biển lớn”.
Nhưng di chứng vẫn có thể thấy đâu đó ngay cả trong sự hiện diện ảo của công ty trên Internet.
Một ô quảng cáo phía bên tay phải sẽ dẫn người ta tới ‘đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tham nhũng’ vốn có vẻ chỉ hoạt động trong giờ hành chính.
Gọi tới số 84 949 791 688 sau giờ làm việc người ta sẽ chỉ nghe thấy trọn quảng cáo của một công ty điện thoại với khẩu hiệu “cùng nhau cuộc sống thêm ý nghĩa”.
Đường dây được lập ra từ mùa hè năm ngoái này gợi ý cho người ta đôi điều về cố gắng chống tham nhũng của Vinalines nói riêng và Việt Nam nói chung nhân vụ việc liên quan tới ông Dương Chí Dũng.
Thứ nhất, người ta thậm chí không chọn một số điện thoại dễ nhớ giống như số 84 973 306 306 của Bộ Y tế, một bộ vốn cũng không được đánh giá cao.
Thứ hai, dường như đường dây không được trực 24/24 và cũng không có thông tin qua hộp thoại nào để người ta liên hệ khi không ai trực máy.
Thứ ba, trang web không nói gì về chuyện thông tin sẽ được bảo mật ra sao, sẽ được chuyển tới đâu và việc bảo vệ danh tính của những người cung cấp thông tin như thế nào.
Nó có mọi chỉ dấu của một việc làm cho qua và thiếu quyết tâm của những người khó có thể nói là thiết tha với việc chống tham nhũng dù đây từng được coi là “giặc nội xâm”.
Đồng đô la và sự bình đẳng
Và những gì người ta thấy qua quá trình xét xử ông Dương Chí Dũng cùng những người khác về tội tham ô và bỏ trốn cũng đưa ra những chỉ dấu tương tự.
Thứ nhất, mượn ý của George Orwell, nhà văn và nhà báo người Anh, mọi đồng đôla đều bình đẳng nhưng có những đồng đôla bình đẳng hơn những đồng đôla khác trong những vụ xét xử liên quan tới ông Dũng và người em, Dương Tự Trọng.
Ông Dũng bị buộc tội tham ô 10 tỷ đồng, một phần của khoản 1,6 triệu đôla nhưng trong phiên xử ông Trọng, vị cựu lãnh đạo Vinalines cũng lại đề cập tới 30 tỷ khác có trị giá chừng 1,5 triệu đôla.
Đó là khoản nửa triệu đôla mà ông khai tại tòa là đã đưa cho cố Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ để nhờ ông Ngọ giúp đỡ nhằm thoát khỏi các bê bối liên quan tới Vinalines.
Và khoản 20 tỷ ông Dũng nói ông đưa hộ cho một người khác và để chạy cho một vụ việc khác nhưng người nhận cũng là ông Ngọ.
Cho tới nay khoản 30 tỷ này cũng như những khoản hàng chục ngàn đôla mà ông Dũng khai đưa cho một vài quan chức công an khác đều không được công khai điều tra.
Thứ hai, vẫn mượn ý của Orwell, mọi lời khai đều bình đẳng nhưng có những lời khai bình đẳng hơn những lời khai khác.
Ông Dũng bị kết án tử hình tại phiên sơ thẩm chủ yếu dựa vào lời khai của một cựu thuộc cấp nhưng một số lời khai của ông về những nhân vật ở Bộ Công an đã gần như bị bỏ qua, ít nhất cho tới thời điểm này.
Ông Dũng khai đã nhận của bà Lan (chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, TP.HCM) 20 tỷ đồng để chuyển cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an.
Theo ông Dũng, người đưa tiền của bà Lan cho ông tên là Tiệp. Các nguồn tin nói đây là ám chỉ Thiếu tướng Trần Quang Tiệp, trợ lý Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Trong phiên xử ông Trọng hồi đầu năm nay, ông Dũng khai:
“Việc 20 tỷ tôi đưa cho anh Ngọ là tiền của chị Lan, chứ không phải của tôi. Mà chị Lan chuyển qua một người. Khi chị Lan điện thoại cho tôi, chị Lan bảo là: “Sẽ có một người ở Hà Nội chuyển cho anh, người đó thì anh đừng trao đổi về số tiền này để đưa cho ai làm gì. Đấy, chị còn dặn vậy. Và cái anh Tiệp là người đưa cho tôi. Thì là có 2 người biết việc, chứ không phải một mình tôi.
“Anh Tiệp có nói là “Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an, để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ. Và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa”.
“Thì sau đó ít ngày, sau một thời gian tôi không nhớ bao nhiêu ngày, tôi có đến thăm gia đình anh Quang. Và ngồi ở phòng khách có hai anh em, anh Quang rất tình cờ tự nói ra những chuyện đó. Chính anh Quang bộ trưởng nói ra và tôi cũng báo cáo lại với anh Quang là “Anh Ngọ có giới thiệu công ty như thế…”
“Anh Quang bảo chú cứ làm đúng nguyên tắc, đúng luật. Chọn đơn vị nào có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín tham gia. Không phải ngại ai can thiệp cả.”
Ngoài ra ông Dũng cũng khai đã đưa tổng cộng 30.000 đôla cho hai sỹ quan công an của Cục C48.
Chưa có bất kỳ tuyên bố nào về chuyện lời khai của ông Dũng có được điều tra không và kết quả điều tra ra sao.
Cuộc chiến hay trận đánh?
Một số nhân vật bị khai tên đã bác bỏ chuyện họ nhận hối lộ.
Nhưng không thể có kết luận rõ ràng nào nếu không có cuộc điều tra và xét xử hoàn toàn độc lập.
Người ta đều nhớ khi Tổng thống Bill Clinton của Hoa Kỳ bị dính vào bê bối tình dục với cô thực tập sinh Monica Lewinsky khi ông còn tại nhiệm, người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ nói rằng ông “không có quan hệ tình dục nào” với cô cả.
Nhưng kết quả điều tra của công tố viên đặc biệt lại chứng minh điều ngược lại và ông đã bị Quốc hội luận tội.
Thật khó tưởng tượng một nhân vật tầm cỡ như Bill Clinton ở Việt Nam có thể trở thành mục tiêu của bất kỳ cuộc điều tra độc lập nào và bị Quốc hội luận tội sau đó.
Và khi những đồng đôla đen khác nhau còn được đối xử khác nhau ở Việt Nam thì cuộc chiến chống tham nhũng sẽ chỉ còn là những trận đánh rời rạc và có giới hạn.
No comments:
Post a Comment