Friday, March 14, 2014

Từ 2 vụ chấn động, tới kỳ vọng chống tham nhũng?

Đôi lời: Sự kiện báo Người Cao Tuổi phát hiện tài sản khủng của cựu Chánh Thanh tra Trần Văn Truyền đã làm chấn động cả nước. Đây là cơ hội thuận lợi để cả nước ý thức cần phải làm gì để chống tham nhũng một cách triệt để, nhất là vấn đề nền tảng thể chế pháp lý, hiện đang tạo mảnh đất mầu mỡ cho tham nhũng, cần phải được cải cách. Tiếc thay, đúng vào lúc khí thế đang dâng cao, báo chí đang hừng hực với vô số bài viết hữu ích của các chuyên gia, nhân sỹ, trí thức, giới chức, đã bị buộc phải dừng lại. Xin giới thiệu cùng độc giả một trong những bài viết liên quan đến chủ đề trên.
——
TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức 
26 tháng tính từ khi bị cáo buộc từng trả lời chất vấn quốc hội tiểu bang không trung thực, 2 tháng tiếp đó buộc phải từ chức, chịu điều tra khởi tố tội vụ lợi, tới cuối tháng trước Cựu Tổng thống Đức Wulff  được Toà thành phố Hannnver tuyên trắng án; nhưng Viện Kiểm sát không chấp thuận, kháng án lên Toà phúc thẩm đầu tháng này; cùng lúc tại Việt Nam bùng nổ tin tài sản “khủng“ của Cựu Chánh Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Cả hai vụ chấn động đều khởi đầu bởi truyền thông, ở Đức từ Báo Bild còn được gọi báo “vỉa hè“, chuyên đưa tin ngắn đủ loại chủ yếu bằng hình ảnh, nhằm vào giới bình dân, có số lượng phát hành đứng đầu nước Đức; ở Việt Nam do báo Người Cao Tuổi vốn là tiếng nói các bậc trên tuổi “Tri thiên mệnh“, phần đa cao niên hưu trí hiếm ai còn “hàm hố“ tiền tài danh vọng.
Cả hai nhân vật đều thuộc hàng chính khách tầm cỡ, ông Trần Văn Truyền, 64 tuổi, từng Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Ủy viên Trung ương khóa IX, X, Đại biểu Quốc hội khóa X, XII, Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2007 – 2011. Wulff, 53 tuổi, trở thành Tổng thống thứ 10 CHLB Đức ngày 30.6.2010, trước đó giữ chức Thủ hiến Tiểu bang Niedersachsen 2003 – 2010, Chủ tịch đảng CDU Tiểu bang 1994 – 2008.
*“Dân chủ là để cho dân được mở miệng“
Định nghĩa mộc mạc trên xuất phát từ nguyên lý tạo hóa chỉ ban „miệng“ có chức năng biểu đạt những gì mình ý thức được cho riêng loài người để vượt lên trên động vật, và chỉ rõ điều kiện cần để có thể “mở miệng“ là nhà nước dân chủ. Chỉ khi đó, quyền tạo hoá mới trở thành quyền cơ bản tự do ngôn  luận, được hiểu là quyền phát ngôn đối với mọi hoạt động nhà nước và nhân sự của nó (chứ không phải phát ngôn trong cuộc sống thường nhật vốn diễn ra ở mọi quốc gia dù dân chủ hay không). Quyền đó cả Đức và Việt Nam đều hiến định, được các báo ở ta long trọng ghi nhận bằng tít phụ “Tiếng nói của…“, còn ở báo Đức được mặc định là quyền độc lập chuyển tải tiếng nói, thái độ, của mọi người dân đối với nhà nước họ. Độc lập ở đây hàm nghĩa như „tam quyền phân lập“, còn được gọi là quyền lực thứ 4 giám sát cả lập pháp, hành pháp, tư pháp; nếu nhà nước vi phạm sẽ bị chế tài. Giải thích lý do tại sao Tổng thống đương nhiệm Wulff  dù đã nhắn trước vào máy điện thoại Tổng Biên tập, vẫn không ngăn được bản tin báo Bild mở màn cho quá trình kết thúc sự nghiệp chính trị của mình, công bố ngày 13.12.2011: Wulff, lúc đương nhiệm thủ hiến tiểu bang Niedersachsen, ngày 25.10. 2008, đã vay tiền vợ của người bạn doanh nhân Egon Geerkens 500.000 Euro để mua nhà với lãi suất ưu đãi 4% thay vì 5% như bình thường và không thế chấp, nhưng 2 năm sau khi Nghị viện Tiểu bang chất vấn thì trả lời không dính dáng gì với doanh nhân này và cũng không công bố số tiền vay. Hành vi đó không chỉ liên quan tới uy tín, nhân cách chính khách cần trung thực “nói đi đi đôi với  làm“, mà quan trọng ở chỗ vi phạm Luật công chức Đức; mọi câu trả lời trước Quốc hội đều được coi là tuyên thệ; nếu sai quốc hội có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm. Sự kiện trên có thể đưa đến kết luận, nói tới chống tham nhũng, hay chống bất cứ sai trái gì liên quan tới quan chức đều cần đến tiền đề về quyền độc lập của truyền thông và luật điều chỉnh hoạt động quan chức bao hàm được mục đích đó.
Tiền đề trên ở ta có thể kỳ vọng, khi lần đầu tiên tài sản một cựu lãnh đạo cao cấp tầm cỡ, ông Trần Văn Truyền, được báo Người Cao Tuổi công bố có 1 biệt dinh cùng 4 căn nhà gỗ đặc biệt, giường đôi nhiều tỉ đồng ở Bến Tre, rộng trên 16.000m2 ước tính 24 tỷ riêng tiền đất, 1 căn nhà 300m2 được cấp hồi làm bí thư tỉnh ủy, 1 nhà 200m2 cấp 4  trước cổng chùa Bạch Vân, 3 cơ ngơi ở khu đô thị „5 sao“ Phú Mỹ Hưng, TP Hồ Chí Minh, nơi có giá tiền triệu đô la Mỹ, do người thân quản lí. Chênh lệnh quá vô lý giữa lương bổng, tài sản khai báo lúc đương chức và các nguồn cho tặng hợp pháp có thể có, so với tổng tài sản hiện tại khủng tới vậy, người dân không thể không ngờ vực vụ lợi tham nhũng.
*Nguyên lý “tôi và chúng ta“; chế tài đào thải
Phản ứng đầu tiên trước tin tức truyền thông, lẽ tự nhiên không ai trước người trong cuộc, và đó cũng là quyền bình đẳng trong tự do ngôn luận, không phụ thuộc chức quyền. Ông Truyền giải thích nguồn gốc tài sản, đất của con mua khi giá rẻ, đồ đạc do tích cóp nhiều năm, được giúp đỡ tài chính từ người thân, nhất là em gái nuôi. Wulff cũng vậy, phủ định tin tức cáo buộc trên báo Bild. Tuy nhiên mục đích nhắm tới của 2 nhân vật hoàn toàn khác nhau; ông Truyền sau khi khẳng định phần lớn nội dung tờ báo đưa không chính xác, không đúng sự thật, liền nâng quan điểm, “có thể sẽ gây kích động và khiến người dân mất niềm tin vào cán bộ“. Nghĩa là đồng nhất uy tín cá nhân ông Truyền (tôi) với danh tiếng đội ngũ cán bộ (chúng ta), rộng hơn nữa với cả chế độ. Hoàn toàn trái với thực tế được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, không hề gây kích động: “Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ đang bị suy giảm do tệ tham nhũng, lãng phí… của một bộ phận cán bộ, đảng viên“. “Trước đây chỉ một con sâu…, nay thì nhiều con sâu lắm… Tất cả là sâu hết thì chết cái đất nước này“. Không thể diệt được bất cứ bầy sâu nào cả khi không thể vạch lá tìm sâu từng con một. Vì vậy, điều kiện tiếp theo để chống tham nhũng, phải loại trừ được nguyên lý ngụy biện đồng nhất “tôi“ với “chúng ta“ bằng chế tài: Mọi cá nhân quan chức bất kể ai đều phải chấp nhận bị giám sát và trả lời trước công luận, nếu không sẽ bị đào thải thay thế bởi người đủ bản lĩnh đương đầu vốn trong hàng ngũ “chúng ta“ không thiếu.
Chế tài đào thải đó ở Đức đã buộc Wulff dù quyền lực đang đứng đầu đất nước vẫn phải tự chứng minh mình khi bị truyền thông ngờ vực  (nếu không muốn bị bỏ phiếu bất tín nhiệm kèm rủi ro khôn lường), chứ không phải ngược lại buộc người dân phải chứng minh ngờ vực vốn bất khả thi và lộn vai trò dân là chủ, quan chức là “đầy tớ“. Sau khi phủ định cáo buộc trên báo Bild, Wulff tỏ ra ân hận nhận lỗi cách mình hành xử gây cho người dân hiểu sai. Trước dư luận cáo buộc tiếp từng được các bạn doanh nhân bao đi du lịch, Wulff cho mời giới truyền thông tới văn phòng luật sư của mình xem hồ sơ các chuyến nghỉ phép và vay tín dụng đang bị ngờ vực; cho công bố trên Internet 6 trang tổng hợp ý kiến của mình trả lời 400 câu hỏi giới truyền thông gửi tới đòi giải trình. Khi báo “Berliner Zeitung” và “Frankfurter Rundschau”, đưa tin chiếc ô tô Audi thuộc thế hệ mới đưa ra thị trường do vợ chồng Wulff sử dụng không phải trả tiền từ hè 2011, Wulff cho luật sư riêng giải trình đó là tiêu chuẩn hãng Audi ưu đãi cho những nhân vật nổi tiếng không chỉ riêng mình. Trước thông tin của báo NDR, năm 2005, Wulff sử dụng máy điện thoại cầm tay của nhà làm phim Groenewold, lập tức luật sư của Groenewold cho công bố hoá đơn các cuộc gọi được chuyển đến Wulff thanh toán.
*Thực tiễn và nguyên lý đảng lãnh đạo
Trước tin tức chấn động truyền thông, “ngày 27/2 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre thống nhất sẽ có văn bản báo cáo gửi Văn phòng Trung ương Đảng. Tỉnh ủy cũng đã tập hợp các thông tin bước đầu, chờ ý kiến chỉ đạo từ  Trung ương (PLO/Khampha.vn)“. Lý do được ông Nguyễn Quốc Bảo, phó Bí thư Tỉnh ủy giải thích, ông Truyền sinh hoạt Đảng tại địa phương nhưng là đối tượng thuộc trung ương quản lý. Do vậy, Ban thường vụ Tỉnh ủy có văn bản đề nghị Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo trung ương sớm cho ý kiến chính thức để chấm dứt dư luận (TTO). Ở đây có 2 vấn đề, thứ nhất, ông Truyền là cựu cán bộ Đảng, nếu có vấn đề về Đảng sẽ thuộc thẩm quyền tổ chức đảng giải quyết. Hai, ông Truyền nguyên Chánh thanh tra Chính phủ thuộc hành pháp, nếu sai phạm, phải được pháp luật chế tài và do cơ quan công quyền xử lý. Hai nguyên tắc đó đều xuất phát từ nguyên lý ở ta là Đảng lãnh đạo (“quyết định chính sách“, “không thay nhà nước giải quyết từng vụ việc cụ thể“), nhà nước quản lý bao gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp, được phân nhiệm phối hợp; ở Đức cũng vậy nhưng trách nhiệm cụ thể hơn, đảng cầm quyền nhưng nằm trong và cùng tạo nên quốc hội, nhà nước vẫn quản lý với 3 nhánh quyền lực như ta nhưng phân lập trách nhiệm. Từ nguyên lý đã nêu, xem xét các phát biểu trên, dư luận sẽ nghĩ tới 2 khả năng cần được giải toả: hoặc Tỉnh không đủ năng lực tự quyết định, tự chịu trách nhiệm cả về đảng lẫn chính quyền, đành đẩy lên trên (chính quyền điạ phương bất lực); hoặc thẩm quyền thuộc trung ương Đảng quyết định, các cấp cả đảng lẫn chính quyền chỉ thi hành, (vi phạm nguyên lý Đảnh lãnh đạo không làm thay nhà nước); và giả sử đúng như thế thì đồng nghĩa với đảng là một cơ quan quyền lực trên nhà nước, vi phạm nguyên lý nhà nước pháp quyền chỉ gồm 3 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cả 2 khả năng, với giả định qủa thực như thế, đều sẽ bất khả thi trong chống tham nhũng, nếu như  đâu cũng chờ „chỉ đạo từ trung ương“, trong lúc tham nhũng đã trở thành “giặc nội xâm đe doạ chế độ“, không phải một con sâu mà “cả một bầy sâu“, “người ta ăn của dân không từ một cái gì nữa“. Vì vậy, phân định, lượng hoá nội hàm khái niệm đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý trong thực tế điều hành đất nước ở mọi cấp bằng chế tài là điều kiện cần, nếu muốn tham nhũng được phòng chống tự động, kịp thời ở mọi cấp đảng và nhà nước.
Khác ta, ở Đức theo nguyên lý phân lập trách nhiệm, quy trình giải quyết ngờ vực Wulff diễn ra hoàn toàn tự động. Về lập pháp, chẳng chờ trung ương nào chỉ đạo, ngay khi vụ việc xuất hiện trên báo,  trưởng Đoàn nghị sỹ đảng Xanh đệ trình lên nghị viện tiểu bang Niedersachsen một bản danh mục 100 câu hỏi yêu cầu điều trần Tổng thống Liên bang Wulff liên quan tới các mối quan hệ kinh tế với giới doanh nhân. Đoàn nghị sỹ đảng SPD tiểu bang đòi đưa Wulff ra Toà án Tối cao Tiểu bang. Ở cấp Liên bang,  đoàn nghị sỹ đảng SPD gửi tới Ủy ban pháp luật Quốc hội 60 câu hỏi điều trần Wulff về những chi tiêu tài chính liên quan được dư luận phản ảnh. Chủ tịch CDU, Thủ tướng Merkel cảnh báo, sẽ còn nhiều câu hỏi nữa đặt ra cho Wulff, chờ đợi ông công khai thoả đáng. Còn Chủ tịch SPD tuyên bố: “Những gì các đời Tống thống đã hoàn thành trong lịch sử Đức 60 năm qua, Wulff hiện không thể tiếp tục“.


***Chính trị không thể thay công nghệ hành pháp
Đòi hỏi chính trị chỉ mới ở chủ trương diễn ra tại cơ quan lập pháp, vấn đề rốt cuộc được giải quyết hay không lại nằm ở chế tài trách nhiệm pháp lý đối với các cơ quan hành pháp và tư pháp. Chống tham nhũng thắng hay thất bại không nằm ngoài nguyên lý đó. Ở Đức, do tính độc lập tự chịu trách nhiệm, các cơ quan hành pháp buộc phải tự hành động, nếu không sẽ bị chế tài tội bỏ mặc không hành xử. Cùng lúc với những cáo buộc xuất hiện trên truyền thông, Viện Kiểm sát Tiểu bang nhận được 4 đơn tố cáo Tổng thống tội đó, lập tức cho lục soát văn phòng và nhà riêng của phát ngôn viên Tổng thống để truy tìm manh mối. Wulff cũng hy vọng, Viện kiểm sát điều tra độc lập sẽ đưa ra được quyết định pháp lý thích ứng. Tới vụ cáo buộc ngờ vực vụ lợi tại lễ hội tháng 10.2008 ở Müchen, Wulff được nhà làm phim  Groenewold trả chi phí khách sạn cho cả 2 vợ chồng, đổi lại hứa bảo lãnh cho hãng của Groenewold vay 4 triệu Euro; do lời hứa liên quan tới chính phủ tiểu bang, lập tức thủ hiến đương nhiệm David McAllister đòi Wulff thủ hiến hồi đó, phải giải trình. Còn Viện kiểm sát Hannover không phải chờ bất cứ chỉ thị của ai, đệ đơn ngay lên Quốc hội Liên bang đòi hủy quyền miễn trừ đối với tổng thống để điều tra vì có đủ chứng cứ nghi vấn phạm pháp. Rốt cuộc ngày 17.02.2012, Wulff phải tuyên bố từ chức với lý do không còn được dân chúng tin tưởng để hoàn thành sứ mệnh tổng thống (nghĩa là không cần biết mình sai hay đúng, chỉ cần mất tín nhiệm trước dân chúng là phải từ chức). Mất quyền miễn trừ Wulff bị Viện kiểm sát cho điều tra, lục soát văn phòng, nhà riêng, khởi tố vụ án bị can, với cáo buộc tham nhũng khi tham dự lễ hội 2008 tại München được Groenewold nhận thanh toán tiền khách sạn, tặng quà, tổng cộng 759,30 Euro. Ngày 27.08.2013, Toà án Landgericht Hannover quyết định truy tố Wulff tội vụ lợi. Sau 22 phiên xét xử, nghe 45 nhân chứng, ngoài các liên đới, còn có cận vệ, nhân viên khách sạn Müchen, các cộng sự với Wulff hồi thủ hiến, và vợ;  ngày 27.2.2014, Toà tuyên Wulff vô tội và được bồi thường những thiệt hại do Viện Kiểm sát khám xét gây ra cho ông, với bằng chứng, số tiền bị cáo buộc quà tặng là số tiền phòng cho người trông con nhỏ của Wulff nằm ngoài hoá đơn phòng của Wulff, được Groenwold thanh toán nhưng Wulff đã trả lại khi nhận thấy.
Trong khi đó, tỉnh Bến Tre chỉ dừng lại ở trả lời báo chí, “anh Ba Truyền chỉ còn có 2 chỗ ở tại Bến Tre thôi, một căn nhà dưới phường 1, mua theo Nghị định 61. Còn chỗ thứ hai ở xã Sơn Đông, như báo chí phản ảnh…“ (lời Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng).
*Trách nhiệm cá nhân
Tương tự vụ Wulff, một khi có dấu hiệu ngờ vực, đương nhiên sẽ trở thành tâm điểm theo dõi của truyền thông, ông Truyền được đưa tin tiếp là vị “Tư lệnh ngành”, trước khi nghỉ hưu, từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, đã ký quyết định bổ nhiệm kỷ lục gần 60 cán bộ cấp vụ, riêng ngày 3/8/2011 ký bổ nhiệm 22 người; trong khi nạn mua bán quan chức đang bức xúc xã hội, người dân không thể không đặt câu hỏi.
Khác với cách xử sự của Wulff, trả lời tờ Tri thức trẻ, từ chỗ đồng nhất “tôi“ với “chúng ta“ ở vụ thông tin tài sản khủng, ông Truyền đồng nhất tiếp trách nhiệm mình ký bổ nhiệm cán bộ thuộc về tập thể: “Tôi làm việc có nguyên tắc. Bổ nhiệm cán bộ là việc tập thể chứ tôi ở vị trí Tổng Thanh tra khi đó cũng chỉ là người thực hiện nhiệm vụ của mình theo pháp luật. Một mình tôi thì không thể làm gì được”. Thực tế này liên quan  tới công nghệ hành chính vốn quyết định trực tiếp tương lai một đất nước ổn định hay bất ổn, bất kể thể chế gì. Với công nghệ hành chính hiện đại, bất kỳ quyết định hành chính nào, trước đó đều phải lấy ý kiến mọi cơ quan công quyền, tổ chức có liên quan, cả chiều ngang lẫn chiều dọc, trên, dưới. Nhưng trách nhiệm thuộc về người ký quyết định hành chính đó, hoặc bị cách chức, hoặc truy tố tùy quyết định đó sai phạm tới đâu. Trong nhà nước pháp quyền không có khái niệm trách nhiệm pháp lý tập thể, bởi tập thể nào cũng có người đại diện chịu trách nhiệm pháp lý. Toà chỉ có thể tuyên phạt người chịu trách nhiệm pháp lý đó chứ không thể tất cả mọi người trong tập thể được. Chưa nói, tham nhũng lớn ngày nay 1 cá nhân không thể làm nổi. Vì vậy, nếu luật pháp không lấy cá nhân đại diện pháp lý làm đối tượng chịu trách nhiệm hình sự thì khó có thể chống nổi tham nhũng.
*Cơ sở pháp lý
 Tham nhũng được gọi là “giặc nội xâm“, nhưng không thể chống bằng súng đạn như chiến trường, thắng sống, thua chết, mà phải tuân thủ luật pháp. Liên quan  tới hành vi tham nhũng, ở Đức, thủ tướng, bộ trưởng bị giới hạn bởi Luật Bộ trưởng Liên bang BminG, gồm 24 điều, trong đó có điều 5 yêu cầu phải trình báo khi được tặng qùa và do chính phủ quyết định. Các Tiểu bang cũng vậy, như Luật Bộ trưởng Tiểu bang Niedersachsen, cấm nhận thưởng công, quà cáp liên quan tới chức vụ. Bộ trưởng cả Liên bang lẫn Tiểu bang còn bị điểu chỉnh bởi Bộ luật quan chức Đức, dài tới 147 điều, điều 71 quy định, kể cả sau khi mãn nhiệm, không được phép hay ủy quyền cho người khác nhận quà, hay lợi ích từ những người có liên quan đến chức vụ của mình. Như vậy cũng chưa đủ để chống tham nhũng, bởi đối tượng để tham nhũng là tài sản công có khắp nơi mọi lúc. Luật kê khai tài sản là cần  thiết, nhưng cũng chỉ có giá trị như 1 căn cứ pháp lý khi điều tra, tự nó không chống trực tiếp được tham nhũng, bởi người ta có thể mượn tên chủ sở hữu. Vấn đề nằm ở chỗ, tài sản tham nhũng để sử dụng chứ không phải chất kho, vì vậy pháp luật phải giám sát được mọi vận động tài sản có thể ngờ vực tham nhũng. Chẳng hạn, ở Đức tiền nằm im trong tài khoản cả tỷ Euro chẳng sao, nhưng chỉ cần rút hoặc cho vào tài khoản từ 10.000 Euro trở lên, ngân hàng phải tự động chuyển thông tin cho cảnh sát kinh tế lưu trữ. Đất đai sở hữu phải khai báo đóng thuế đất, Sở Tài chính biết ngay được số tiền đầu tư, và nếu ngờ vực sẽ kiểm tra những hoạt động làm ăn có số tiền đầu tư đó. Tiền đầu tư mở doanh nghiệp, mua bán chứng khoán, gửi tiết kiệm, cho tặng, thừa kế… đều phải báo cáo thuế, nghĩa là nếu tiền đó có nguồn gốc tham nhũng dù qua bao người vẫn để lại chứng cứ (lẽ dĩ nhiên còn tùy độ lớn). Sở Tài chính có trách nhiệm kiểm tra thuế, áp dụng phương pháp cân đối tài sản sẽ biết được nguồn gốc của nó sạch hay bẩn do tham nhũng hay lậu thuế…
Trường hợp tài sản ông Trần Văn Truyền, nếu ở Đức sẽ áp dụng biện pháp cân đối tài sản của ông, của những người tặng ông, của người bị nghi đứng tên tài sản, khi đó ngờ vực sẽ được khẳng định sai hay đúng. Phục vụ cho biện pháp đó cần văn bản luật thích ứng. Ở ta có văn bản lập pháp, Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11, và văn bản lập quy Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg, về kê khai tài sản. Nhưng chỉ riêng không quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc toàn bộ khối tài sản, không đưa ra chế tài đối với khối tài sản bất minh, thì việc điều tra tham nhũng với tài sản bất minh vẫn bất khả thi. Trong khi đó Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng đã coi tài sản bất minh là hành vi tham nhũng, lẽ ra phải được điều chỉnh bằng Bộ luật hình sự.
Tham nhũng chỉ xảy ra khi quan chức thực thi công vụ, nảy sinh trong bất cứ cấp ngành lĩnh vực nào, chứ không đặc thù ở đâu cả để có thể chỉ cần một văn bản luật là có thể giải quyết được. Vì vậy chống tham nhũng dù kêu gọi ý chí tư tưởng cao tới đâu, hay chỉ bằng một văn bản luật dù soạn thảo công phu tới mấy, cũng sẽ chỉ dừng trên giấy tờ, nếu không tạo lập được một hệ thống pháp luật tự nó có khả năng lấp mọi kẽ hở tham nhũng vụ lợi. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về Quốc hội khi thông qua bất cứ văn bản lập pháp nào đều phải tính đến nguy cơ vụ lợi tham nhũng ! Hy vọng vụ chấn động về tài sản khủng của cựu Chánh Thanh Tra Trần Văn Truyền đủ tạo nên cú hích cần thiết cho một cuộc đột phá cải cách thể chế hướng tới một bộ máy nhà nước trong sạch !

No comments:

Post a Comment