Ký ức về Chợ Lớn xưa.
Nhiều người Sài Gòn năm cũ, vẫn nhớ Chợ Lớn trước biến cố 1975 trong hình ảnh cái đèn lồng khổng lồ, các con đường Đồng Khánh, Tổng Đốc Phương, Nguyễn Trãi...luôn sặc sỡ sắc màu của một cái tổ Long-Lân Qui -Phụng. Thậm chí ở ngay những con đường nhỏ như Trần Quí, Tạ Uyên, Lò Siêu... từng cửa nhà đều chung sắc màu chữ Hoa đỏ, đuôi công xanh... Từ người Minh hương trốn Thanh Triều đến người Lưỡng Quảng, Hải Nam... chạy nạn Trung cộng đã biến Chợ Lớn thành phố Tàu có thời xếp vào hàng lớn nhất thế giới.
Thật khó mà nói hết hay hiểu thấu chiều rộng và chiều sâu của nhịp sống Chợ Lớn ngày ấy. Ví như tôi kể rằng, chính mắt tôi đã nhìn thấy một lão cao thủ võ lâm, ông họ Lai, ông ở tầng một lô chung cư Nguyễn Văn Thoại, lúc cao hứng ông nhún chân một cái từ dưới mặt đường phi thân tót lên hành lang nhà ông để khỏi mất công leo cầu thang chi cho mệt.
Lúc tôi nhìn thấy cảnh ông già Chợ Lớn phi thân, tôi có cảm giác được lọt vô không gian truyện chưởng Kim Dung đăng báo thường kỳ, hoặc phim kiếm hiệp của Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long... chiếu thường trực ở các rạp.
Đã kể để nhớ đến không gian Giang hồ võ hiệp thì phải kể luôn không gian chuyện tình Quỳnh Dao. Tuổi Thanh niên của tôi lúc ấy có quen một thằng bạn người Hoa tên là Tô . Tay này có giới thiệu cho tôi một cô em họ tên là Cẩm Nguyên. Đó là vào năm thứ hai ở Chợ Lớn có bóng dáng nón cối - dép râu, nhưng cái phần tâm hồn rực rỡ sắc đèn kéo quân, hoa thượt dượt của Chợ Lớn chưa bị xóa.
Vào cái ngày tôi được "tuyên đọc quyết định" đi Thanh Niên Xung Phong, là lúc Cẩm Nguyên chờ chuyến xuống Rạch Sỏi- Rạch Giá đi vượt biên bán chính thức. Ngày chia tay Cẩm Nguyên tặng cho tôi một cuốn truyện Dòng sông ly biệt bằng chữ Hoa và hát bằng tiếng Quan Thoại cho tôi nghe cả bài Mùa thu Lá Bay.
Có thể bạn không tin nhưng quả thật có chuyện trớ trêu là tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy đi vào thế giới ăn bo bo trầy cuống họng hoặc phó thác sinh mạng cho biển dữ mà vẫn mang theo nguyên vẹn tâm hồn yêu đương lãng mạng của người Chợ Lớn - Sài Gòn.
Nếu bạn có dịp về ở Chợ Lớn lúc này thì mời bạn ghé qua một tiệm cà phê vợt, tôi tin đó là một trong vài tiệm hiếm hoi còn bán thứ cà phê pha bằng vợt và giữ một phần ký ức Chợ Lớn. Tiệm này nằm trên đường Tân Phước, đoạn phía sau chợ Thiếc, cái chợ Thiếc chuyên bán đồ gia dụng bằng thiếc này không còn bán thùng thiếc, máng xối... nữa, thế nhưng cà phê vợt của ông già người Quảng Đông vẫn thơm ngát mùi hương kỷ niệm.
Quán cà phê vợt không có tên, toàn bộ quán là một căn nhà gỗ mục, nơi ba thế thệ đang sinh sống. Cái kệ pha chế cà phê đặt ở phía trái cửa quán, phía bên phải là xe bán hủ tíu mì của con ông chủ cà phê.
Nhiều thế hệ người Việt sống ở các đô thị trước đây đã có những lúc sảng khoái với ly cà phê pha bằng vợt. Dù là công chức hạng sang hay dân thợ, dân chợ đều cùng đồng điệu khi vô tiệm nước làm một ly phé nại ( cà phê đen) hoặc một tách xây chừng ( cà phê sữa). Nhưng ngày nay, ở quán cà phê vợt còn sống sót này bạn sẽ bắt gặp một không gian buồn hiu hắt.
Ngồi cạnh chúng tôi là một cụ bà người Hoa tóc bạc màu tuyết sương. Ông chủ quán nói bà cụ đến Chợ Lớn năm 19 tuổi, nay tóc đã đầy tuyết trắng bên Tàu rồi, 94 tuổi rồi mà bà chưa chịu về với ông bà bên đó. Chúng tôi muốn hỏi chuyện bà nhưng tiếng Việt bà nói được chỉ hai tiếng cám ơn.
Nhìn bà cụ trong quán cà phê vợt, tôi nhớ đến bà ngoại của thằng Tô bạn tôi. Lúc tôi trốn Thanh niên xung phong về lại Chợ Lớn ở tạm trong nhà của Tô, lúc đó bà ngoại của bạn tôi tóc cũng trắng màu núi tuyết, ở nhà bạn, tôi là người bà thường thích bắt chuyện. Câu chuyện giữa một người già và người trẻ thiệt là trớ trêu đến cười ra nước mắt vì tôi chỉ biết mỗi hai tiếng Quảng Đông, "hủ leng"; còn bà ở Việt Nam gần hết đời cũng chỉ nói được hai tiếng Trời ơi. Tôi không thể hiểu bà muốn kể với tôi điều gì về quê hương, về cuộc đời của bà, nhưng tôi nhớ mãi giọng kể với giai điệu trầm bỗng của bà. Nhiều khi tôi tự hỏi không biết bà có hiểu thân phận biệt xứ của người lưu vong không? Nhìn cách bà lên giọng thánh thót như chim sơn ca tôi đoán mò rằng, chắc là với cố quốc bà chỉ cần giữ nguyên vẹn trong trí nhớ là đủ; nghe cách nói như hát của bà tôi tin tâm hồn bà tìm được sự bình yên ở xứ bà lưu vong!
Hớp một ngụm cà phê vợt, tôi quay sang bắt chuyệt với thiếm xẫm đang ăn hủ tíu mì. Thiếm xẩm khoản năm mươi tuổi đang ăn rất ngon miệng một tô mì cở lớn. Thiếm nói, "Ngộ ăn ba tô cũng được, thiếu ăn mới chết hà." Thiếm cho biết thiếm không có chồng, mười một anh em với con cháu sống chung trong một căn nhà nhỏ. Ban ngày đi kiếm ăn tối về ngủ, mệt quá ngủ khò thì nằm hóc kẹt nào cũng được; nên theo thiếm có đẻ lủ khủ thêm nhà thiếm cũng chứa hết hà. Thiếm nói, "Nhà ngộ như hang chuột lắt, mà Chợ Lớn bây giờ giống như hang chuột cống, đâu có như hồi xưa." Người bạn đi cùng tôi nói. "Chợ Lớn hồi xưa bảnh như Hong kong, Singapo... Anh Có biết ngôi sao giải trí tầm thế giới như đạo diễnTừ Khắc, diễn viên gạo cội Châu Nhuận Phát, Lương Gia Huy... là dân gốc Chợ Lớn không, chưa kể những doanh nhân cở bự từ Chợ Lớn ra đi đã góp phần làm nên những con rồng kinh tế Châu Á." Tôi gật gật đầu với anh bạn cùng đi, vì ai mà chẳng biết thời mấy tay nón cối dép râu chiếm miền Nam thì Chợ Lớn đâu phải là nơi duy nhất trên miền Nam tinh hoa bị xua đuổi hủy hoại.
Người Sài Gòn - Chợ Lớn ngày xưa thức giấc sớm, cứ tầm bốn, năm giờ sáng là bếp ở tiệm nước hoặc bếp ở quán hẻm phố đỏ lửa nấu nước pha cà phê. Hình ảnh phổ biến nhất của cà phê vợt lại là cái siêu đất, loại siêu nấu thuốc bắc và cái vợt bằng vải dài như chiếc vớ của người đi giày bốt. Nhưng sâu đậm hơn chính là không gian văn hóa lưu vong gói gọn trong các tiệm nước với mùi cà phê vợt, mùi tốp mở, mùi bánh bao, nước lèo... Người bạn nhà ở đường Hậu Giang quận 6 kể với tôi rằng, cái ngày mà cô chứng kiến cảnh cô con gái của ông thầy thuốc Trương Quốc Cường về nhà chổng với mấy trăm bộ quần áo và đủ thứ vật dụng hồi môn không làm cô kinh ngạc bằng chuyện trong mỗi con hẻm người Hoa nghèo ở quận 6, 8,11... là một xí nghiệp thu nhỏ với hàng ngàn công nhân gia công thập cẩm hầm bà lằng các loại hàng hóa. Theo cô bản sắc của văn hóa Chợ lớn không chỉ ở chùa miếu, lễ hội sáng rực ánh sáng thánh đăng hay những khu ăn chơi nhất dạ đế vương, mà ở bài học: Văn hóa đùm bộc thân phận lưu vong.
Ở các tiệm nước của người Hoa còn có kiểu uống cà phê vợt chấm giò quảy hoặc bánh tiêu. Nhiều người lớn tuổi, dân lao động nghèo, kiểu uống cà phê này có thể thay thế phần ăn điểm tâm sáng. Thật là ngon lành biết bao khi cầm nguyên cả cái bánh giò quảy chấm vào ly cà phê hoặc ngắt từng miếng bánh nhỏ rồi dùng muỗng vớt chung với cà phê lên nhâm nhi. Một ông già người Hoa ngồi chồm hổm trên cái ghế đẩu hỏi chuyện với tôi. "Lị biết bữa nay xố sổ con gì không? Ngộ hôm qua nằm mơ thấy tiền cột thành xấp cao như núi, tính nhịn ăn một bữa mua vé số. Có trật thì đói một chút cũng không chết à." Vậy rồi mấy người trong quán cùng lên giọng lơ lớ bàn số đề với ông già ngồi chồm hổm, duy chỉ có người đàn ông tuổi trung niên ngồi đọc báo Hoa ngữ là không nói gì. Ngày nay, bắt gặp được hình ảnh người Hoa Chợ Lớn đọc báo hay đọc sách bằng hoa ngữ là chuyện hiếm, vì từ ngày nón cối dép râu làm chủ Sài Gòn, các trường Hoa ngữ đều bị quốc doanh và đương nhiên tiếng Quảng, tiếng hẹ, tiếng Tiều... đôi khi còn nghe trẻ con bập bẹ ở chợ ở quán, nhưng hỏi đến thơ Đường với Lý bạch, Đỗ Phủ hay Sử Ký Tư Mã Thiên... mà ai còn biết thì đúng là trúng số. Đa số những người Hoa biết chữ Hoa và có vàng Trái Núi đều đã vượt biên, người biết chữ còn lại chỉ là mấy ông già viết liễn, vẻ tranh kiếng mỗi dịp Tết.
Tôi chắc là do quen uống cà phê đậu nành đậm đen nên kêu thêm một ly phé nại nữa mới đã ghiền. Nói đến cà phê vợt mà không nhắc đến ngón nghề rót cà phê của các tay pha chế thì có khi thiếu sót. Cái hình ảnh đưa siêu cà phê lên cao rồi để cho dòng cà phê chảy ra từ cái ống siêu làm tràn miệng ly cà phê đọng lại trong cái dĩa. Cái ngón nghề rót tràn ly này sao khéo quá, tràn chút xíu, để dư cà phê cho khách chút xíu thôi, vậy mà thành một phong cách uống kề môi miệng vô cái dĩa vừa thổi vừa húp.
Có người giải thích về phong cách húp chút cà phê dư trong dĩa là: Cà phê mới rót nóng hổi, hương cà phê tràn trên mặt cái dĩa, kề mủi, miệng vô là cách tận hưởng hương cà phê. Cách giải thích đó không hề suy diễn vì chỉ với món cà phê vợt người ta mới có phong cách húp cà phê trong dĩa, cũng như chỉ ở Chợ Lớn người đời nay và người đời sau mới cảm nhận được mùi vị các giai thoại về ban hội nhất thống giang hồ, truyền kỳ về các ông vua ve chai, vua ấp hột vịt, vua bột ngọt, vua chiếu bóng... nhưng trên hết là mở ra không gian văn hóa của những người Hoa lưu vong.
Thầy Cù An Hưng, gốc người Bắc di cư năm 1954 kể. "Tôi cũng xếp tôi vào lớp dân lưu vong, nên sống với người Hoa Chợ Lớn thấy dễ chịu. Thật ra người Việt mình phải sau biến cố 1975, với hàng triệu thuyền nhân lưu lạc khắp thế giới. Lúc đó người Việt mới lâm vào thân phận lưu vong để rồi có ý thức tạo dựng cộng đồng văn hóa người Việt lưu vong." Theo ông, dù muốn dù không, cách tổ chức cộng đồng lưu vong của người Hoa Chợ Lớn cũng là một bài học đáng để người Việt quan tâm. Quan tâm ở đây trong giá trị lớn là làm sao duy trì được sâu bền tinh hoa văn hóa - văn minh người Việt tại trú quốc. Rồi ông tâm tình với riêng tôi. "Cậu là người Việt lớp sau, và cậu nói với tôi là cậu thấy hạnh phúc khi có ký ức về văn hóa người Hoa Chợ Lớn trong cuộc sống. Người Việt mình dù lưu vong ở quốc gia nào, nếu sống để cho các thế hệ dân chính quốc họ thấy hạnh phúc với văn hóa và văn minh của dân tộc mình là mỹ mãn."
Trước biến cố 1975, ở khắp Sài Gòn - Chợ Lớn, ai có dịp đi trong buổi tinh mơ ngang qua các tiệm nước hay quán cà phê đều rộng ngực hít lấy khói hương thơm cà phê. Hương cà phê hòa quyện cùng mùi sương sớm tỏa ra, tạo nên những không gian đô thị an vui êm đềm cho mọi thị dân. Với bạn thì không biết sao chớ với riêng tôi cái món cà phê vợt ở Chợ Lớn chấm chút bơ chính là thức uống bình dân mà huyền bí,; chính món cà phê này đã biến tôi từ một cậu bé miền tây thành một người có quá nửa cuộc đời luôn có trạng thái tò mò-trẻ thơ về không gian sống của đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn. Và bài thơ dưới đây coi như là một phần kỷ niệm của tôi với đất và người Chợ Lớn.
Gió Tháng Giêng Phố Tàu
Chợ Lớn
Chỉ là nơi mở cho tôi mọi cái Tết trẻ thơ
và cắm cổ chạy theo tiếng cười của đồng xu lì xì
Chỉ là nơi tôi chọc phá mấy bà xẩm,[*]
đang thắp nhang cúi lạy mâm đồ cúng
cầu cho mọi con đường đều thẳng tới ông Trời
Xóm tôi ông Tàu lấy mười hai bà xẩm
Xóm tôi ánh sáng có màu da con vịt quay
Ai cũng có tuổi thơ để chơi chim và cá
Ai cũng có cùng tiếng than “ngộ mụ lúi hà!”
Và ai cũng được đốt giấy tiền vàng mã
để giàu sangtrên đường về với ông bà tiên tổ
Chợ Lớn có những con chó lùn liếm tay các a muối[**]
Con chó đực vàng khè đái vào lưng các ông già Tàu đánh cờ
Bàn cờ có bốn chân trẻ con không mang dép
Những đôi chân không sợ răng loài chó
Rồi bà già cầm cán chổi đi tìm ông già
Ông già mang tội đèo bồng thêm đờn bà
Tiếng khóc của người già bị đòn nghe như tiếng chuông xe cà-rem
Làm cách nào mà tôi biết tôi đang đội trên đầu bầu trời xuân Chợ Lớn
Chỉ là lúc tôi để cho cơn gió tháng giêng nhẹ hều giật mất màu tóc đen
Chỉ là lúc tôi khóc ò-í-e-o-í-è
Tôi khóc thương cho những mái đầu lưu vong quanh tôi đã bạc
Mắt tôi hứng mãi sắc hường hường kiểu "Chuyện tình Thượng Hải"
Tôi có thể chờ bông thược dược Chợ Lớn ve vuốt
Có thể chờ được nhìn thấy mình trở lại nhà
Được chăn dắt trong vòng tay một thím xẩm
Hỡi ơi trăng vàng và mùi thức ăn chiên xào Chợ Lớn
Đâu ai còn biết phương viễn mộng và hoa ngô đồng
Trần Tiến Dũng
_________________________
[*]Xẩm: Tiếng thường gọi đàn bà người Hoa
[**]A Muối: Tiếng thường gọi các cô gái người Hoa
No comments:
Post a Comment