Thursday, February 6, 2014

Chuyện Mậu Thân 68′ và cung đình cộng sản VN (cập nhật)

Giới thiệu: Nhân những ngày ghi dấu hàng loạt sự kiện, kỷ niệm như Chiến dịch/Thảm sát Mậu Thân 68′, 84 năm thành lập ĐCSVN, tướng Giáp vừa qua đời, tướng Thanh vừa 100 năm ngày sinh … xin trích đăng nội dung liên quan trong một cuốn sách viết về hai phe phái- gọi là “xét lại” và “giáo điều” bên trong Đảng LĐVN/CSVN, chưa được chính thức xuất bản, để có thêm khơi gợi cho việc làm sáng tỏ những bí ẩn, khuất lấp của lịch sử.
Một khi biết thêm những hành động tàn độc, không từ một thủ đoạn nào của các phần tử chóp bu cộng sản VN đối với nhau, thì sẽ dễ lý giải hơn cho nghi án tàn sát dân lành mà họ không tránh khỏi vai trò như kẻ chủ mưu có bàn tay không vấy máu.
Biết thêm những bất hạnh, bất lực của vài nhân vật mà nhiều người vẫn coi như thần tượng, hẳn họ sẽ thấy nhẹ lòng hơn; song nếu suy nghĩ cho kỹ thêm, sẽ nhận ra tất cả chỉ như trong một băng đảng giang hồ, cũng có kẻ gian manh tàn ác, kẻ có chút ít lương tâm … Cái khó cho rất nhiều người còn mơ hồ ở chỗ họ phải nhận diện một “băng cướp vĩ đại”, không chỉ cướp của, mà còn cướp cả chính quyền, không chỉ giết người, mà còn hủy hoại nhiều thế hệ và tương lai cả dân tộc.
Năm 1968, sau những gì xảy ra ở miền Bắc (sai lầm của cải cách ruộng đất, hợp tác hóa, cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh, vụ “nhân văn giai phẩm”,…), người dân đã hiểu rằng tinh thần đoàn kết, quên mình vì sự nghiệp dân tộc trong chiến tranh của họ sẽ được đền đáp bằng đấu tranh giai cấp tàn khốc sau khi cách mạng thành công. Do đó, sự tin tưởng, nhiệt tình tham gia sẵn sàng đóng góp cho sự nghiệp chung chuyển thành thái độ nghi kị, bàng quan của nhân dân trước các biến động xã hội.
Chứng cớ là cho đến năm 1975, tại một số thành phố lớn như Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng, Sài Gòn,… khi lực lượng Việt Nam Cộng hòa rút lui còn diễn ra cảnh di tản thương tâm của gia đình binh sỹ, người tham gia chính quyền Sài Gòn và cả dân thường. Ngay cả khi lực lượng vũ trang chủ lực của quân Giải phóng miền Nam đã hoàn toàn áp đảo quân đội Việt Nam Cộng hòa, các đợt tấn công quân sự đã dành toàn thắng với khí thế thần tốc thì tại các đô thị miền Nam, nhân dân đổ ra đường vẫy chào quân giải phóng nhưng quần chúng không nổi dậy dành chính quyền trên qui mô lớn. Cho đến khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, cả ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, lực lượng vũ trang cách mạng cũng là đối tượng tiếp quản công sở địch mà không do nhân dân nổi dậy dành chính quyền.
Rõ ràng những lập luận duy ý chí để đi đến quyết định tổng tấn công và nổi dậy vào năm 1968 là của nhóm lãnh đạo giáo điều do Lê Duẩn chỉ huy. Hoàng Tùng khẳng định: “Người đưa ra sáng kiến này là đồng chí Lê Duẩn, sau khi đã trực tiếp chỉ đạo mọi mặt công tác ở miền Nam… Đồng chí Lê Duẩn trực tiếp chỉ đạo mọi công tác chuẩn bị chiến dịch này ở cả hai miền cùng với Quân uỷ Trung ương và Trung ương Cục miền Nam” (1). Tạp chí lịch sử Xưa và Nay cho rằng đồng tác giả của chiến dịch này là một số nhân vật khác trong Trung ương Cục Miền Nam như Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh và Trần Văn Trà (2).
Vũ Kỳ cho biết ngay khi họp lần thứ nhất bàn kế hoạch này, Hồ Chí Minh đã không đồng ý tổng tiến công và nổi dậy mà chỉ chủ trương “tập kích chiến lược rồi rút ngay”, Võ Nguyên Giáp cũng chủ trương như vậy (3). Như vậy, để tránh được sự tranh luận gay gắt với những người hiểu biết vả kiên quyết bảo vệ quyền lợi chung như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, mũi tấn công vào nội bộ Đảng phải có thêm nhiệm vụ nữa là loại bỏ mọi đối thủ có ý kiến trái với quyết định tổng tấn công, muốn vậy, mũi này phải đi trước một bước.
Để chuẩn bị cho đòn đảo chính nội bộ, “bộ phận chuyên án X77” bắt đầu gán tội lật đổ, gián điệp,… cho nhóm cán bộ xét lại:
“Nhóm trung tâm lãnh đạo đề ra mục đích đấu tranh làm thay đổi đường lối của Đảng, tiến đến lật đ cơ quan lãnh đạo của Đảng, lập ra Ban chấp hành Trung ương mới theo đường lối xét lại (…) chúng soạn thảo tài liệu ‘Chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam là tài liệu tuyên truyền, là cương lĩnh chng Đảng, chống cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Chúng thường xuyên liên lạc với nước ngoài và cung cấp cho nước ngoài nhiều tài liệu bí mt, tuyệt mật về nội bộ Đảng; các Nghị quyết 9, 10, 11,12, kể cả các văn bản hội đàm bí mật của lãnh đạo Đảng ta với các Đảng anh em,… .(4 – trang 267).
Khoảng giữa năm 1967, Ban Tổ chức Trung ương do Lê Đức Thọ nắm giữ ra chỉ thị cho các cơ quan quan trọng nhất thường làm việc với Hồ Chí Minh rằng vì lý do “bảo vệ sức khoẻ Chủ tịch”, những công việc xưa nay trực tiếp báo cáo và nhận chỉ thị từ Hồ Chí Minh, sẽ chuyển sang làm việc với Lê Duẩn (5).
Tháng 6-7 lan truyền tin đồn trong các cấp lãnh đạo cao cấp rằng các cố gắng thương lượng đã thất bại, Hồ Chí Minh sẽ đi Trung Quốc nghỉ và Nguyễn Chí Thanh sẽ thay Hồ Chí Minh. Một cuộc vận động chính trị được tiến hành tập trung vào bộ phận lãnh đạo cao cấp của quân đội để khẳng định quyết tâm đánh Mỹ đến cùng. Không ai được nói đến chuyện thương lượng (6).
Ngày 6/7/1967, Nguyễn Chí Thanh chết một cách bất ngờ khi chuẩn bị lên đường vào Nam. Theo tin chính thức, nguyên nhân dẫn đến cái chết là bệnh nhồi máu cơ tim. Sau khi tắm ở nhà, thấy mệt, tướng Thanh đến Bệnh viện quân đội 108, và tự đi bộ leo thang gác đến nơi khám bệnh, từ chối mọi người định cáng ông đi. Theo lời kể của bà Cúc, vợ Nguyễn Chí Thanh, ông này không phải chết vì bệnh tim mà chết trong một đêm trở bệnh do những lý do khó giải thích sau một ngày họp liên tục (7).
Lê Trọng Nghĩa, người còn làm việc với Nguyễn Chí Thanh hôm trước kể rằng cách đó hai hôm, để chuẩn bị cho tướng Thanh vào Nam, Võ Nguyên Giáp làm việc với Nguyễn Chí Thanh về chiến lược chiến tranh. Sau rất nhiều năm bất đồng về đường lối, lần đầu tiên hai nhà chỉ huy đứng đầu quân đội tỏ ra thống nhất với nhau. Sau buổi họp thành công, hai người ăn cơm, uống rượu với nhau rất thân thiết, thấy vậy anh em cán bộ mừng rỡ, chạy sang Cục Quân báo gọi sỹ quan chụp ảnh sang ghi lại hình ảnh đoàn kết này (8).
Tướng Đặng Kim Giang lại kể rằng, trong các cuộc tra hỏi ngay sau khi bị bắt, một câu hỏi nhắc đi nhắc lại là có phải ông là người tổ chức giết tướng Thanh không, lập luận là các bác sỹ trong Bệnh viện quân đội 108, vốn là cấp dưới trực tiếp của tướng Giang (phụ trách Tổng cục Hậu cần trước đây) và cho tới khi đến bệnh viện, sức khỏe của Nguyễn Chí Thanh còn rất tốt, mà sau đó lại chết rất nhanh.
Nguyễn Văn Trấn cho hay, Bùi Công Trừng cho rằng Lê Đức Thọ từ trước đó đã có âm mưu lấy Nguyễn Chí Thanh thay thế Hồ Chí Minh (9 – trang 328). Theo ám chỉ của Hoàng Văn Hoan, thì Nguyễn Chí Thanh bị Lê Duẩn tiến hành ám sát (10)a. Điều đáng nói là bác sỹ Thuận, người chuyên chăm sóc ông, sau này đã đảm nhiệm vai trò bác sỹ riêng của Lê Đức Thọ (11).
Nếu sự ra đi của Nguyễn Chí Thanh là không bình thường thì cả hai phía xét lại và giáo điều đều có lí do muốn loại bỏ ông. Vào cuối năm 1966, Võ Nguyên Giáp có vẻ dành ưu thế trong cuộc tranh luận về chiến lược quân sự với Nguyễn Chí Thanh. Tuy nhiên một người thiển cận nhất cũng dễ dàng nhận thấy, cái chết này sẽ làm lệch cán cân lãnh đạo quân sự trong Bộ Chính trị đang do nhóm giáo điều chiếm đa số và nắm quyền lực. Rõ ràng họ không thể để xảy ra nguy cơ tuột khỏi tay quyền chỉ huy quân sự đúng vào lúc cuộc tổng tấn công và nổi dậy mà họ dầy công chuẩn bị sắp nổ ra. Loại bỏ Nguyễn Chí Thanh vào thời điểm này tỏ ra không phải là cách nhóm xét lại muốn làm.
Nhìn ngược lại, từ phía nhóm giáo điều, ván cờ có vẻ đã đi từng bước chặt chẽ: Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp sẽ bị đưa ra nước ngoài, toàn bộ cán bộ ủng hộ họ đã nằm trong vòng ngắm. Kế hoạch tổng tấn công bất ngờ sẽ dành chiến thắng quyết định trên chiến trường. Cả lực lượng vũ trang và quyền định đoạt chiến lược quân sự cũng như lãnh đạo Đảng và chính quyền sẽ nằm trong tay nhóm lãnh đạo của Lê Duẩn, chiến thắng tuyệt đối này không cần chia sẻ với một nhân vật có uy tín cao trong Đảng và có khả năng tranh chấp quyền lực trong quân đội như Nguyễn Chí Thanh.
Đây là cách xử lý của Mao Trạch Đông với Bành Đức Hoài năm 1959 và Lâm Bưu năm 1971. Trong thực tế Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã sát cánh với Lê Duẩn tham gia trực tiếp vào việc xây dựng kế hoạch Tấn công Mậu Thân. Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch trên thì sau đó số phận Võ Nguyên Giáp cũng đã được định đoạt.
Đặng Quốc Bảo kể lại: trước khi vào Nam, cũng là trước khi chết, Nguyễn Chí Thanh có nói về một âm mưu đảo chính đang được nhen nhóm ở Hà Nội. Theo cách diễn giải thì người ta dễ liên tưởng đến nhóm xét lại và vụ án được đưa ra sau đó, tuy nhiên, cuộc “đảo chính” này đã xảy ra ngoạn mục lúc đó lại do chính nhóm giáo điều tiến hành. Những gì xảy ra với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và đông đảo các cán bộ, chiến sỹ, đảng viên thuộc nhóm xét lại cho thấy nhóm giáo điều có thể đi đến đâu trong việc xử lý các “đồng chí” khác quan điểm, hoặc khác lợi ích. Cuộc đảo chính năm 1967 chỉ là một sự kiện bình thường trong lịch sử phong trào cộng sản. Những người giáo điều luôn là những người dám đi tới cùng trong việc “đấu tranh giai cấp” vô nhân đạo và phi pháp với đồng đội và nhân dân ở Liên Xô thời Stalin, ở Trung Quốc với Mao Trạch Đông, ở Cămpuchia với Pônpốt… và trước đây ở Việt Nam trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức của Trường Chinh.
Ngày 18 tháng 7 năm 1967, tại Bắc Kinh, Chủ tịch Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ cùng vợ bị các cán bộ trong Ban thư ký của Hội đồng Tổng lý bắt ra đấu tố đánh đập, cùng bị đấu tố là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và vợ. Mao Trạch Đông và “nhóm bốn người” đã chính thức bật đèn xanh cho cuộc đảo chính lật đổ chính thể hợp hiến ở Trung Quốc, nhân danh cuộc đấu tranh với nhóm 61 cán bộ lãnh đạo đảng can tội “chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội”.
Đúng lúc ấy, ở Việt Nam, đòn mở màn cho chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy diễn ra dành chính quyền không phải ở Sài Gòn mà ở Hà Nội. Chiến dịch đàn áp nhóm “xét lại-chống Đảng” lần này không những rộng hơn nhiều so với chiến dịch thanh trừng phái hữu và vụ báo Quân đội Nhân dân năm 1964 mà còn làm thay đổi kết cấu tổ chức và hệ thống quyền lực của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 27 tháng 7 năm 1967, Viện trưởng Viện Triết học Hoàng Minh Chính và một nhóm giáo sư và nhà báo bị lực lượng công an bắt. Tài liệu của bộ Công an viết: Phát hiện họ lấy cắp biên bản hội đàm Việt – Trung để chuyển cho nước ngoài, Bộ Chính trị quyết định cho bắt 4 tên Hòang Minh Chính, Trần Kim Châu, Phạm Việt, Hoàng Thế Dũng (trung tá quân đội). Khám xét nơi ở của những tên bị bắt, ta thu được nhiều tài liệu chống Đảng, trong đó có bản gốc ‘Chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam do nhóm trung tâm lãnh đạo soạn thảo (12- trang 267-268).
Cuộc vận động học tập chính trị trở thành vụ án “Xét lại chống đảng”. Đảng ra thông báo số 1 về nhóm chống Đảng và tiến hành đợt kiểm điểm lớn trong Đảng.
Ngày 5 tháng 9 năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh và thư ký riêng Vũ Kỳ được đưa sang Bắc Kinh “dưỡng bệnh”. Mới trước đó ít lâu, ông vừa kiểm tra sức khỏe và điều dưỡng ở Tùng Hóa, Trung Quốc (từ ngày 14 tháng 4 năm 1967 đến tháng 6 năm 1967 trở về Hà Nội) (13). Tài liệu của Hungary cho biết Võ Nguyên Giáp ở Hung sớm nhất từ 14 tháng 10, cùng với con trai của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm để điều trị y tế (14), ông đã nghỉ luôn việc chỉ đạo công việc ở Việt Nam (15). Đại diện cho cánh xét lại đã ra đi. Thực tế Bí thư Lê Đức Thọ đã vào làm việc trực tiếp với Tổng quân ủy (16).
Hồ Chí Minh sang Trung Quốc lần này từ 10 tháng 9 năm 1967 đến 23 tháng 12 năm 1967 lần này không điều trị ở suối nước nóng Tùng Hóa như mọi khi, mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ông về Bắc Kinh. Với lý do Trung Quốc đang xảy ra biến động lớn với cuộc “Đại cách mạng văn hóa”, họ không bố trí ông ở trong nội thành Bắc Kinh, mà nghỉ tại “khu nghỉ dưỡng của Trung ương” ở ngoại thành Bắc Kinh, cách Bắc Kinh 70 km.
Trương Đức Duyb, nhân vật được giao làm “thư ký của nhóm bác sĩ Trung Quốc chăm sóc Chủ tịch Hồ Chí Minh”từ 1967 đến 1969 kể: “để bảo đảm an toàn, Bác phải hạn chế đi lại. Tâm trạng Bác lúc đó buồn lắm, Bác cảm thấy như thiếu thốn một điều gì rất ghê gớm. Lúc đó Bác hỏi tôi: “Đồng chí Trương Đức Duy này, cổng trước thì kín rồi, cổng sau có gì không”.
Đồng chí Trương Đức Duy trả lời: “Thưa Bác, cổng sau cháu cũng chưa đi, không biết có gì không?”.
Nghe đồng chí Trương Đức Duy trả lời xong, Bác nói: “Chiều nay tôi với chú và mấy anh em ta cùng đi luôn xem thế nào”.
… Lệnh của Trung ương là phải giữ an toàn tuyệt đối cho Bác. Thế nhưng Bác lại là người mà ông vô cùng ngưỡng mộ. Chẳng biết làm thế nào, cuối cùng ông cũng chiều theo ý Bác.
Khi Bác và ông Trương Đức Duy ra cổng phía sau ngôi nhà, thấy cỏ cây um tùm rậm rạp, Bác nói: “Ta cứ đi chú à”.
Sau khi đi hết một quãng cây cối um tùm rậm rạp, trước mắt Bác và đồng chí Trương Đức Duy mở ra một cánh đồng rất đẹp, không xa là một ngôi làng của người bản địa. Trước cảnh đẹp nên thơ như vậy, Bác liền đọc hai câu thơ:
“Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”
(Dịch nghĩa: Nơi sơn cùng thủy tận này tưởng rằng không còn đường nữa. Trong khung cảnh bị cây liễu che phủ, tối mờ mờ có điểm một vài bông hoa, bỗng phía trước xuất hiện một thôn nhỏ) (17).”
Bị đưa đến một nơi “sơn cùng thủy tận không còn đường ra”, không phải là cơ sở y tế, nằm trong bốn bức tường khóa chặt, không được ra ngoài, không giao tiếp, suốt hơn 2 tháng chỉ có một số bác sĩ giỏi như Tôn Chấn Hoàn, Dương Khắc Cần, Quách Trung Hòa đến khám sức khỏe (18) là cách “chữa bệnh” cho Hồ Chí Minh ở Trung Quốc năm đó.
Cuối tháng 7, khi kế hoạch tác chiến Đông Xuân đã được chuẩn bị lại, một số cán bộ thân cận của Võ Nguyên Giáp được điều ra mặt trận. Nguyễn Văn Vịnh vào miền Nam, Đại tá Đỗ Đức Kiên đi cùng để phổ biến kế hoạch tổng tấn công và nổi dậy. Nguyễn Chí Thanh nếu còn sống, theo kế hoạch, cũng sẽ vào Nam lúc này, Phạm Hùng được cử đi thay. Các tướng lĩnh phụ trách chiến trường như Lê Đức Anh, Trần Văn Trà, Cao Văn Khánh, Nguyễn Năng, Lê Chưởng,… được triệu tập ra Hà Nội bàn kế hoạch mới. Một tài liệu của bài nói chuyện của tướng Vịnh bị đối phương bắt được ở khu 5 nói về chủ trương vừa đánh vừa đàm khiến cho phía Mỹ cân nhắc phải chăng lãnh đạo Việt Nam tính đến việc chuyển hướng (19) ?
Vẫn dưới danh nghĩa được Bộ Chính trị cho phép, lực lượng công an tiến hành đợt bắt bớ lần thứ 2 ngày 18 tháng 10 năm 1967 nhắm vào một số quan chức cao cấp như Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Nông trường Quốc doanh Đặng Kim Giang, Vụ trưởng vụ Lễ tân Bộ Ngoại Giao (cựu thư kí của Hồ Chí Minh) Vũ Đình Huỳnh, Trần Minh Việt, Phạm Kỳ Vân, Nguyễn Kiến Giang, Phùng Văn Mỹ. Họ được coi là “những tên cầm đầu tổ chức và cung cấp tài liệu (20- trang 268). Lúc này thông báo số 2 của Đảng được ban hành và học tập rộng rãi.
Những người bị bắt bị đưa vào giam ngay tại nhà tù Hỏa Lò nằm ở giữa Hà Nội. Các biện pháp khủng bố như giam cấm cố trong bóng tối, cùm chân tay liên tục,…, được áp dụng trong các cuộc thẩm vấn đầu tiên cho những nạn nhân của cả hai đợt bắt bớ trên để tìm cho ra lời khai cho một kịch bản ám sát Nguyễn Chí Thanh, liên hệ với sứ quán Liên Xô để tổ chức đảo chính,… và đều phải có mối liên hệ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhóm giáo điều muốn nhanh chóng xác lập chứng cớ để loại bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn ngay lập tức các nhà lãnh đạo xét lại ở cấp cao nhất.
Ngày 20 đến 25 (có tài liệu ghi là 24) tháng 10 diễn ra cuộc họp của Bộ Chính trị bàn cụ thể chủ trương và kế hoạch Tổng tấn công năm 1968. Có 2 ủy viên Bộ Chính trị vắng mặt là Võ Nguyên Giáp, trong biên bản ghi “vì lý do sức khỏe, chữa bệnh ở nước ngoài và Lê Duẩn (đi dự lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười tại Mascơva (21). Hồ Chí Minh cũng không có mặt vì đang ở Trung Quốc. Các ủy viên Bộ Chính trị tham dự có: Trường Chinh (chủ trì), Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ. Các ủy viên trung ương và Quân ủy Trung ương tham dự có: Tố Hữu, Lê Văn Lương, Song Hào, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Quí Hai. Tại cuộc họp, Văn Tiến Dũng đã trình bày Kế hoạch chiến lược Đông-Xuân-Hè năm 1968 (22- trang 89), Bộ Chính trị đã quyết định chọn thời điểm mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy là tết Mậu Thân 1968.
Tháng 12, năm 1967, diễn ra đợt bắt bớ lớn thứ 3 do lực lượng bảo vệ trong quân đội tiến hành nhắm vào những sỹ quan thân cận của tướng Giáp trong tổ chức quyền lực nhất của quân đội – Quân ủy Trung ương. Lúc này công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã chuyển vào triển khai tại Ban chỉ huy các chiến trường.
Trong khi Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp không có mặt, tướng Nguyễn Văn Vịnh đóng vai trò thường trực Quân ủy bị cách ly ngay khi từ chiến trường về. Toàn bộ cán bộ thân cận nhất của Võ Nguyên Giáp bị quét sạch trong đợt này gồm có đại tá Lê Trọng Nghĩa cục trưởng Cục Quân báo là người phụ trách tình báo của Trung ương Cục miền Nam, đại tá Đỗ Đức Kiên phó tư lệnh quân chủng Phòng không – Không quân, đại tá Lê Minh Nghĩa chánh văn phòng Bộ Tổng tham mưu, đại tá Nguyễn Văn Hiếu chánh văn phòng quân ủy trung ương, Trung tá Nguyễn Hoàng, thư ký văn phòng Quân ủy Trung ương và là thư kí riêng của Võ Nguyên Giáp… Đại sứ Liên Xô tại Hà Nội Shcherbakov nói với quyền đại sứ Hungary rằng những cuộc bắt bớ trong năm 1967 là kết quả của “sự suy yếu dần tính dân chủ trong Đảng; quá trình suy yếu này diễn ra rất nhanh sau khi chiến tranh bùng nổ mặc dù thực tế đã bắt đàu trước đó“c (23).
Sau 6 tháng ráo riết chuẩn bị và khi chiến dịch bắt bớ nội bộ đã gần hoàn tất (chỉ còn lại nhóm cán bộ quân sự cần để lại chuẩn bị cho các cuộc họp cuối cùng của Bộ Chính trị về chiến dịch Mậu Thân), sáng 21 tháng 12, văn phòng Trung ương mời Hồ Chí Minh về dự họp để rà soát lại mọi công tác và hạ quyết tâm chiến lược cho cuộc “Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt”(d). Chiếc máy bay chở Chủ tịch Đảng trở về đã vượt qua một nguy cơ tai nạn khó hiểu.
(Còn tiếp)
CHÚ THÍCH:
a Hồi ký của Hoàng Văn Hoan đặt câu hỏi về sự chậm chễ trong việc xử lý Nguyễn Văn Vịnh trong vụ Xét lại – chống Đảng: “Vì sao vụ án phát hiện từ năm 1967 mà để mãi đến mười năm sau là năm 1977 mới giải quyết? Là vì trong vụ anh Nguyễn Chí Thanh bị ám hại, Nguyễn Văn Vịnh là người được biết tất cả mọi chi tiết, nếu xử lý Nguyễn Văn Vịnh đúng theo kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước thì Nguyễn Văn Vịnh sẽ bươi ra hết cả, như vậy bộ mặt của bọn Lê Duẩn sẽ bị bóc trần, tội ác của bọn Lê Duẩn sẽ phơi bày trước Đảng và trước dư luận nhân dân.”
b Sau này là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam trong giai đoạn Trung Quốc tấn công Việt Nam (1989 -1993), có vai trò đặc biệt tác động đến một số lãnh đạo cao cấp của Việt Nam như Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Lê Đức Anh trong vấn đề Cămpuchia và bình thường hóa quan hệ Việt – Trung.
c Kho Lưu trữ Quốc gia Hungary (Magyar Orszagos Leveltar), XIX-J-l-j, Vietnam SZT 1968.87.doboz, 001051/1968. Báo cáo từ ĐSQ Hungary tại VNDCCH, ngày 17 tháng Một năm 1968.
Có lý do để cho rằng có thể lần trở về này là theo yêu cầu cùa Hồ Chí Minh, nằm ngoài dự kiến của nhóm lãnh đạo trong nước.
-
1. Hoàng Tùng. Những kỷ niệm về Bác Hồ. hao.com/kktd/su_that__lich_su/hcm_nhung_ky_nien_ve_hcm.html
2. Hoàng Minh Thảo. Tết Mậu Thân (Xuân 1968). Xưa và Nay số 301+302 tháng 2 năm 2008.
3. Bài nói chuyện của nhà văn Sơn Tùng ngày 11/4/2001 tại trường Quản Lý Giáo dục của Bộ Giáo dục – đào tạo.
4. Biên niên sự kiện lịch sử lực lượng an ninh nhân dân 1954-1975. NXB Công an Nhân dân. Hà Nội. 1997.
5. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa công bố.
6. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa công bố.
7. Nguyệt Tú. Chuyện tình của các chính khách Việt Nam. NXB Phụ nữ. Hà Nội 2006, 58-84.
8. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa công bố.
9. Nguyễn Văn Trấn, Viết cho mẹ và quốc hội, NXB. Văn Nghệ, Califonia, 1995.
10. Hoàng Văn Hoan. Giọt nước trong đại dương: hồi kí cách mạng của Hoàng Văn Hoan. Nhà xuất bản Ngoại văn Bắc Kinh, 1988, trang 420.
11. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa công bố.
12. Biên niên sự kiện lịch sử lực lượng an ninh nhân dân 1954-1975. NXB Công an Nhân dân. Hà Nội. 1997.
14. Sophie Quinn Judge. The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti Party Affair, 1967-1968. Journal of Cold War History 5, issue 4. 11-12/2005. Cuộc đấu tranh hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà & ý nghĩa của vụ chống Đảng 1967- 1968. Duy Tân Trẻ dịch. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt đăng trên talawas.
15. Vũ Kỳ. Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy. Văn Nghệ tết Mậu Dần 1998.
16. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa công bố.
19. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa công bố.
20. Biên niên sự kiện lịch sử lực lượng an ninh nhân dân 1954-1975. NXB Công an Nhân dân. Hà Nội. 1997.
21. Biên niên sự kiện lịch sử lực lượng an ninh nhân dân 1954-1975. NXB Công an Nhân dân. Hà Nội. 1997.
22. Hồ Khang. Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB Chính trị Quốc gia 2008.
23. Sophie Quinn Judge. The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti Party Affair, 1967-1968. Journal of Cold War History 5, issue 4. 11-12/2005. Cuộc đấu tranh hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà & ý nghĩa của vụ chống Đảng 1967- 1968. Duy Tân Trẻ dịch. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt đăng trên talawas.
Chuyên cơ đưa Hồ Chí Minh về do cơ trưởng Nhị, phi công Công Doãn Đường của đoàn bay 99, giàu kinh nghiệm, rất quen thuộc đường bay điều khiển. Tối thứ bảy ngày 23 tháng 12 năm 1967, máy bay đi vào vùng trời của sân bay Gia Lâm Hà Nội. Mùa đông, trời nhanh tối, việc hạ cánh phải dựa vào đèn tín hiệu, khi xuống thấp, quan sát bằng mắt thường, phi công nhận thấy đèn tín hiệu đường băng chệch 15 độ. Không dám hạ xuống, phi công tiếp tục bay vòng và điện xuống hỏi lại để kiểm tra tín hiệu mặt đất.
Sau hai vòng lượn, thấy chỉ báo dưới đất vẫn chệch, phi công trưởng quay sang báo cáo với nhóm hành khách (chỉ có 2 người là thư ký Vũ Kỳ và Hồ Chí Minh). Vũ Kỳ hỏi lại có chắc là đèn báo không chính xác không, phi công khẳng định là tín hiệu chỉ đường sai và thông báo nhiên liệu sắp hết, thời gian cho phép của phòng không cũng sắp hết. Trong hoàn cảnh chiến tranh, hành lang bay và khoảng thời gian bay đã được thông báo cho lực lượng phòng không, không được phép kéo dài thời gian bay quá qui định. Vũ Kỳ hỏi tiếp: có thể hạ cánh trực tiếp bằng mắt thường, không theo đèn không, phi công đáp làm được. Thư kí Vũ Kỳ quyết định hạ lệnh cho tổ lái hạ cánh bằng định hướng bằng mắt mình trong đêm tối, không theo hướng đèn báo. Máy bay đáp xuống đường băng an toàn. Phi công reo lên: “Atoàn rồi, anh ơi, mừng quá!”. Hồ Chí Minh ngồi yên lặng hút thuốc như không nghe thấy gì. Ra khỏi sân bay mới thấy Lê Duẩn, Lê Đức Thọ ra đón, một lúc sau có thêm Phạm Văn Đồng xuất hiện (24,25).
Ngay tối trở về nước, mặc dù vừa thoát hiểm trên đường và đã nghe Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Duẩn báo cáo công việc đến khuya, trước khi đi ngủ Hồ Chí Minh gọi điện sang Văn phòng quân ủy hỏi thăm sức khỏe Võ Nguyên Giáp đang ở nước ngoài và nhắc gửi thiếp và quà cho hai vợ chồng Đại tướng đang ở Hungary: “Dịp Noel và Tết dương lịch bên ấy như Tết ta ở bên mình. Tâm lý của người xa quê hương rất mong có một món quà của Tổ quốc.” (26). Đây chắc chắn không phải việc tối quan trọng mà Chủ tịch Đảng phải trực tiếp chỉ đạo quân đội làm vào đêm khuya ngay khi về nước. Đây hoặc là giải pháp kiểm tra sự an toàn của tướng Giáp hoặc là lời nhắn gửi để khẳng định thái độ quan tâm bảo vệ của đích thân Chủ tịch trong hoàn cảnh rất hiểm nghèo lúc đó.
Ngày 28 tháng 12 năm 1967. Bộ Chính trị tiến hành họp tại nhà riêng Hồ Chí Minh khi mọi quyết định cho cuộc Tổng tấn công gần như đã xong, ông ngồi đầu bàn chủ trì họp nhưng Lê Duẩn báo cáo toàn bộ vấn đề và quán xuyến việc thảo luận. Theo lời Vũ Kỳ, cuộc họp diễn ra “kéo dài và căng thẳng”. Sau cuộc họp, Hồ Chí Minh vẫn tỏ ra lo lắng nhưng Bộ Chính trị (không có Võ Nguyên Giáp) đã đề ra “nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những n lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để dành thắng lợi quyết định (27).
Lê Trọng Nghĩa có mặt tại chỗ kể lại: trong cuộc họp Bộ Chính trị có nội dung chuẩn bị cử Lê Duẩn đi Liên Xô, Trung Quốc tranh thủ ý kiến lãnh đạo các đảng anh em về cuộc tấn công sắp tới. Vào giờ nghỉ giữa giờ, Trung – Chánh Văn phòng Trung ương báo cáo: “Anh Văn (Võ Nguyên Giáp) gửi điện về báo cáo với Bác và Bộ Chính trị tha thiết xin về nước làm việc vì sau vài tháng nghỉ ngơi, sức khoẻ đã tốt, mà công việc ở nhà thì nhiều”. Lê Đức Thọ thủng thẳng nói: Về làm gì? Mọi việc đã xong cả rồi.” Lê Duẩn khéo léo đề nghị: Nhân dịp tôi được cử đi làm việc ở Liên Xô, Trung Quốc có lẽ cũng nên cử anh Giáp làm phó đoàn đ làm việc với họ. Không có ông Giáp, Liên Xô họ không nói chuyện với tôi đâu”.
Cách đề nghị như vậy vừa kết tội tướng Giáp liên kết với Liên Xô, vừa chính thức duy trì tình trạng cách ly ông này ngoài Việt Nam. Quả thực khi đoàn công tác kết thúc đợt làm việc ở nước ngoài, Lê Duẩn về nước, để lại Võ Nguyên Giáp ở nước ngoài (cũng như Hồ Chí Minh lúc đó), bị cô lập trong lúc cuộc tổng tiến công bắt đầu diễn ra quyết liệt. (28)
Ngay sau khi bị bắt, đại tá Lê Trọng Nghĩa, người nắm mọi bí mật quan trọng nhất của hệ thống tình báo chiến lược yêu cầu được liên lạc với đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ huy trực tiếp của ông lúc đó đang đi nghỉ. Đại tá Lê Tiên – cục phó Cục Bảo vệ là người trực tiếp tiến hành bắt giữ trả lời: Ông Giáp đi nghỉ không phải để dưỡng bệnh mà là nghỉ hẳn rồi(29). Quân ủy Trung ương- cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng trong quân đội đã bị xóa sổ đúng vào lúc chiến dịch quân sự quyết định sắp diễn ra, là giải pháp dứt điểm giành quyền chỉ huy quân sự để hoàn tất việc chuẩn bị cho đợt tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt. Tháng 1 năm 1968, Bộ Chính trị ra quyết định loại Nguyễn Văn Vịnh ra khỏi Quân ủy trung ương.
Ngày 14 tháng 11 năm 1968, Bộ Chính trị thành lập “Ban chỉ đạo điều tra” gồm 8 người: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ, Bộ trưởng bộ Công an Trần Quốc Hoàn, Bí thư Trung ương Lê Văn Lương, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Song Hào, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Lương Bằng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Hoàng Quốc Việt, Thứ trưởng bộ Công an Lê Quốc Thân, Nguyễn Khai. “Ban có nhiệm vụ giúp Bộ Chính trị chỉ đạo điều tra, dự thảo kết luận, đề xuất xử lý các đối tượng” (30 – trang 269). Hợp pháp hóa việc kết tội cho nhóm đối tượng mới, ngày 30 tháng 10, ủy ban Thường vụ Quốc Hội do Chủ tịch Trường Chinh chủ tọa thông qua sắc lệnh qui định hình phạt cho các tội trạng phản quốc, gián điệp, và cung cấp bí mật quốc gia.
Lực lượng tham gia bắt giữ và tra hỏi đối với các đối tượng dân sự do Bộ Công an do Trần Quốc Hoàn chỉ huy với sự tham gia trực tiếp của Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị Bộ – Nguyễn Tài, việc bắt giữ các quân nhân do tướng Song Hào chỉ đạo với sự thực hiện của lực lượng bảo vệ quân đội do đại tá Kinh Chi chỉ huy.
Cuối năm 1967, Lê Đức Thọ đã ban hành trong nội bộ hai báo cáo kết tội những nhóm người bất đồng chính kiến. Bản thông báo thứ nhất được đưa ra sau đợt bắt bớ thứ nhất, thông báo tội trạng của những người bị bắt và được sử dụng ngay để mọi thành viên trong Đảng “tự kiểm điểm”. Giống như bài bản các đợt thanh trừng từng diễn ra ở Liên Xô dưới thời Stalin và ở Trung Quốc trước đây, nội dung các kiểm điểm này được dùng để kết tội và bắt một số người trong đợt đàn áp thứ hai.
Tiếp theo đó, biện pháp tương tự cũng được áp dụng, tội trạng của những người mới bị bắt đợt hai được dùng để “học tập”, “kiểm điểm” trong Đảng và quân đội và những lời phát biểu, nhận xét trong thảo luận lại được dùng làm căn cứ để bắt và kết tội những nạn nhân mới (31).
Cũng theo đúng bài bản các chiến dịch thanh trừng nội bộ diễn ra ở Trung Quốc, các “tài liệu học tập” mặc dù được tuyên truyền rộng rãi trong đảng nhưng văn bản được giữ bí mật tuyệt đối để sau này không thể truy cứu trách nhiệm.
Tài liệu tuyệt mật, ghi chép bài nói chuyện của Lê Đức Thọ với cán bộ cao, trung cấp về tình hình nhóm chống Đảng sau vài tháng diễn ra cuộc đàn áp cho thấy có các ý kiến khác nhau của cán bộ xung quanh chiến dịch này:Trước đây nhiều anh em chỉ cho đơn giản là do bất đồng quan điểm rồi có quan hệ với nước ngoài (…) Vì có ý kiến cho rằng vấn đề của tụi này mới chỉ là vấn đề nội bộ trong đảng, chưa phải là vi phạm pháp luật của nhà nước. Cho rằng chúng chống đảng nhưng vẫn còn yêu nước. Có anh em thì nói đây là trao đổi tin tức giữa nước bạn với nhau chứ đâu phải là tình báo,.. (32). Lê Đức Thọ nêu ra các tội trạng chính của nhóm chống Đảng là: “phản động, phản tổ quốc” với chứng cớ chính là bản tài liệu “Chủ nghĩa giáo điều của Việt Nam” do Minh Việt chấp bút dầy gần 40 trang đánh máy. Trong đó nêu lên những ý kiến phê phán các chủ trương được coi là giáo điều của Đảng trong chỉ đạo phát triển kinh tế ở miền Bắc và tổ chức chiến đấu ở miền Nam.
Một số phần được ông đọc để dẫn chứng là tài liệu “phản động” như sau: về chiến tranh chống Mỹ, Minh Việt viết:“Chủ nghĩa giáo điều tả khuynh đã dẫn đến việc đánh giá không đúng đắn tương quan lực lượng giữa ta và địch ở Việt Nam cũng như trên trường quốc tế. Đề ra những mục tiêu chiến đấu, phương châm chiến lược thiếu thực tế, bỏ lỏng các cơ hội chấm dứt chiến tranh vào lúc có lợi nhất cho nhân dân Việt Nam, cũng như cho phong trào cách mạng quốc tế, đưa lại cuộc chiến tranh ngày càng đi vào nguy hiểm, và ngày càng đi vào bế tắc, càng không có lợi cho nhân dân Việt Nam… điều này thể hiện trong sự phá sản của các nghị quyết 11, 12 của Trung ương Việt Nam. Nói tóm lại đánh cũng khó mà hòa cũng khó. Thôi thì đành đánh thêm nữa. Đó là cái thế lúng túng của Trung ương Việt Nam trong vấn đề trung tâm, cơ bản nhất, nóng hổi nhất ở Việt Nam”.
Về phát triển kinh tế, tài liệu viết: Rõ ràng là chúng ta đã phạm sai lầm là đã không coi trọng đúng mức việc xây dựng vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp. Chúng ta đã đặc biệt chú trọng hợp tác hóa trước khi có điều kiện cần thiết cho việc đó. Việc hp tác hóa không có cơ sở vật chất và kỹ thuật cần thiết cho nó không phải là một sáng tạo, mà là một sai lầm xuyên tạc chủ nghĩa Mác- Lê Nin. Sai lầm đó cộng với sai lầm trong chính sách thu mua, giá cả, cộng với việc quản lý thiếu kinh nghiệm do không đào tạo kịp cán bộ đã tạo cho nông dân thiếu phấn khởi sản xuất,… Đại hội III của chúng ta đã đặt vấn đề phát triển nông nghiệp là tin đề cho công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Đôi quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp ở đây được đặt đầu lộn xuống đất (33).
Thực sự, các nội dung trong tài liệu này cho thấy sự bất đồng chính kiến trong Đảng chứ không thể minh chứng cho hành động “phản quốc”.
Ghi chép của một sỹ quan chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam do quân Mỹ thu được trên chiến trường cho thấy nội dung của một trong những tài liệu phổ biến về vụ Chống đảng như sau: “Những kẻ phản bội này gieo rắc mối bất hòa trong Đảng và làm suy yếu thống nhất trong quân đội chúng ta. Mục tiêu của những hành động lén lút của chúng rõ ràng là hình thành các phe nhóm chống Đảng ta, Đảng Lao động Việt Nam. Chúng cố ý phân tích sai, phê phán thiên lệch, và đánh giá có hại trong Bộ Chính trị để gây chia rẽ trong Lãnh đạo Đảng. Chúng đã tạo được lòng trung thành của một số cán bộ cao cấp của một số Bộ ngành, kể cả ở nước ngoài… Chúng cố ngăn cản cuộc phản công của chúng ta với quân thù. Chúng cố ngăn cản Đảng bộ Miền Nam triển khai Nghị quyết 9. Chúng cho rằng trong 20 năm qua, đường lối chủ trương của Đảng ta bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa giáo điều và kế hoạch chống M cu nước là thiển cận.” (34).
Một tội danh khác mà Lê Đức Thọ kết cho những người trong vụ án này là hoạt động tình báo: Có thể nói tổ chức tình báo này là một tổ chức chính trị nằm trong Đảng. Người hoạt động cho tổ chức đó lại là một số cán bộ, đảng viên. Nó là một tổ chức phản động, đồng thời lại là một mạng lưới tình báo, hai cái đó gần như không có ranh giới. Mọi tin tức nó đều lấy rất dễ, khác với mọi tình báo của bọn đế quốc (…) Còn đây là một tổ chức chính trị có cơ sở tư tưởng gồm một số là cán bộ, đảng viên nằm trong Đảng nên hoạt động tình báo rất dễ (…) Có thể nói yêu cầu của họ là tìm hiểu toàn bộ tình hình về chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tìm hiểu những quan hệ của Đảng ta với Đảng này, Đảng kia. Từ nghị quyết 9 cho đến nghị quyết 13 không còn cái nào là không lọt ra bên ngoài... (35).
Lời buộc tội này cũng vu vơ từ nội dung đến chứng cớ nhưng trong bầu không khí chiến tranh, các tội danh gián điệp, phản bội, tiết lộ bí mật quân sự là đòn tâm lý quan trọng dồn sự thù hận, nghi ngại của nhân dân để cô lập những người vốn là đồng đội, là cấp trên họ.
Thông báo về vụ án cho biết: “Chúng (nhóm xét lại – chống đảng) tìm cách lấy cắp tài liệu mật của chúng ta. Chúng lợi dụng sự mất cảnh giác của cán bộ ta để thu thập thông tin mật về kế hoạch quân sự, đề án kinh tế, và về viện trợ quốc tế của các nước anh em cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (36).”
Tài liệu “Những hoạt động của một số thế lực phản động và thù địch”, của Trung ương Đảng phổ biến tháng Tư năm 1994 giải thích rằng vào tháng Bảy 1967, Hoàng Minh Chính và những người dính líu đến vụ chống Đảng bị phát hiện là tìm ra cách gửi biên bản mật về một cuộc hội đàm Việt-Trung ra nước ngoài, vì lí do này, bộ phận an ninh bắt Hoàng Minh Chính và ba người khác (37, 38). Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm ủy ban Thống nhất TW Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh trong cuộc thảo luận với Đại sứ Liên Xô Secbacob ngày 13/6/1967 cũng bàn về qui mô viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam (39). Nguồn tài liệu từ Đông Đức cho thấy nguồn tin từ Việt Nam đã cho Liên Xô biết về tiến trình đàm phán Trung Quốc – Việt Nam (40).
Trần Quỳnh trợ lý của Lê Duẩn kể về nội tình lúc đó: “Tình báo của Trung Quốc cũng như của Liên Xô đầy dẫy khắp nơi. Ngoài ra nhiều đảng viên không làm tình báo cho Trung Quốc và Liên Xô vô tình, vì tình cảm của mình mà lộ ra cho biết việc nhà của Đảng ta. Mạng lưới tình báo ấy có hiệu quả đến nỗi những cuộc họp của Bộ chính trị ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân diễn ra thì trong ngày tin tức về nội dung cuộc họp đã đến tai Liên Xô và Trung Quốc. Nếu là vấn đề quan trọng thì trong ngày trên bàn làm việc của lãnh đạo mỗi nước đều có báo cáo” (41).
Tuy những người quan hệ mật thiết với Trung Quốc ở Việt Nam cũng thường xuyên trao đổi các thông tin về quan hệ Việt Nam Liên Xô cho Trung Quốc nhưng tội trạng này chỉ nhắm vào những người cung cấp thông tin về Trung Quốc cho Liên Xô.
Trong điều kiện Liên Xô đang đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Việt Nam, theo báo cáo của sứ quán Liên Xô tại Hà Nội cuối năm 1967, có tới 1.165 chuyên gia quân sự của Liên Xô tại Việt Nam có trách nhiệm bảo trì các loại vũ khí hiện đại. Ngoài việc vận hành máy bay, tên lửa, còn có một nhóm đặc biệt chuyên nghiên cứu và thu thập mẫu vũ khí của Mỹ và đánh giá hiệu quả vũ khí của Liên Xô. Từ tháng 5 năm 1965 đến đầu năm 1967, các tình báo viên kỹ thuật này đã gửi về Liên Xô 700 mẫu trang thiết bị quân sự Mỹ và đưa ra nhiều phương án cải tiến trang bị của Liên Xô cho phù hợp với vũ khí của đối thủ (42).
Các hoạt động trên không thể không dựa trên sự phối hợp chặt chẽ của các đồng nghiệp Việt Nam, nhất là những chuyên gia kỹ thuật, sỹ quan được đào tạo từ Liên Xô. Vì vậy, không khó khăn để thu thập chứng cứ qui kết tội “liên hệ, cung cấp thông tin quân sự bí mật cho nước ngoài” cho các đối tượng này.
Việt Nam phải dựa hẳn vào các nguồn cung cấp từ bên ngoài cho cả hoạt động kinh tế lẫn quốc phòng, việc trao đổi thông tin về tình hình viện trợ với các đồng minh thân cận là điều thực sự bình thường. Ngay cả việc trao đổi thông tin tình báo chiến trường cũng là nghĩa vụ giữa các đồng minh.
Trần Quỳnh kể lại lý do đợt đàn áp này như một chiến dịch chống lại âm mưu của những người thân Liên Xô đang đào tạo tại Liên Xô định thay đổi lãnh đạo của Đảng với mục tiêu đưa Võ Nguyên Giáp lên:
“Không tán thành đường lối chống xét lại của Đảng ta, một số cán bộ cao cấp và trung cấp theo học ở trường Đảng cao cấp Liên Xô và trường quân sự cao cấp Liên Xô bàn kế hoạch chống lại đường lối của Đảng. Họ lập một nhóm vận động thành lập một tổ chức lấy việc thay đổi Bộ chính trị làm mục tiêu. Họ nhắm vào những người không đồng tình với Nghị quyết 9, trước hết là những sĩ quan cao cấp trong quân đội và những ủy viên trong Trung ương. Trong tổ chức đó có Đặng Kim Giang, Lê Liêm. Theo lời khai của Đặng Kim Giang thì linh hồn của tổ chức là Võ Nguyên Giáp. Họ liên lạc với Đại sứ Liên Xô hồi đó là Secbacốp, một sĩ quan tình báo hướng dẫn họ. Khi nghe Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn báo cáo về vai trò của Võ Nguyên Giáp cho tổ chức chống Đảng này, Lê Duẩn nói trước đây Giáp là người không đáng tin cậy lắm tuy được Bác Hồ rất cưng vì khéo nịnh” (43).
Theo lời kể này, thì hai nhân vật tổ chức chiến dịch đàn áp là Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn đã báo cáo với Lê Duẩn nội dung vụ án như sau: kẻ thủ mưu chính là Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh che chở, lực lượng lật đổ sẽ từ bên ngòai vào do tình báo Liên Xô xúi dục, thông qua tay trong là cán bộ quân đội cao cấp Việt Nam. Điều đáng chú ý nhất, theo lập luận của Thọ và Hoàn thì mục tiêu chính của âm mưu này là dành quyền hành của Lê Duẩn, do Liên Xô (đồng minh thân cận mà Duẩn muốn dựa vào) hỗ trợ. Liên Xô muốn lật đổ Duẩn thay bằng Giáp. Vì vậy mọi hành động đàn áp của họ đều nhằm bảo vệ quyền lực cho Lê Duẩn. Muốn xử lý vụ này tất phải đánh từ trên đánh xuống, chí ít cũng phải bao vây cô lập sự hỗ trợ của cấp trên và từ bên ngoài.
Lập luận này rất thiếu căn cứ. Tất cả những nhân chứng, vật chứng đều ở nước ngoài, căn cứ chính là các “lời khai” do cán bộ điều tra chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên đúng lúc Lê Duẩn đang rối bời trong Chiến dịch Tổng tiến công diễn ra bất lợi, trong tâm lý nghi ngại, bất đồng sẵn có của Lê Duẩn với tư tưởng xét lại của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, trong khi biết rằng cả Liên Xô và Trung Quốc không ai thực sự ưa mình, Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn không phải thuyết phục nhiều cũng được Lê Duẩn giao cho toàn quyền hành động. Vũ Thư Hiên trong hồi ký cũng cho rằng Lê Đức Thọ đã lái Lê Duẩn đi chệch hướng với câu chuyện về âm mưu của Liên Xô (44 – trang 297).
(Còn tiếp)
—-
Chú thích:
24. Vũ Kỳ. Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy. Văn Nghệ tết Mậu Dần 1998.
25. Bài nói chuyện của nhà văn Sơn Tùng ngày 11/4/2001 tại trường Quản Lý Giáo dục của Bộ Giáo dục – đào tạo.
26. Vũ Kỳ. Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy. Văn Nghệ tết Mậu Dần 1998.
27. Vũ Kỳ. Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy. Văn Nghệ tết Mậu Dần 1998.
28. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa công bố.
29. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa công bố.
30. Biên niên sự kiện lịch sử lực lượng an ninh nhân dân 1954-1975. NXB Công an Nhân dân. Hà Nội. 1997.
31. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa công bố.
32. Đồng chí Lê Đức Thọ Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Thông báo với cán bộ cao, trung cấp về tình hình nhóm chống Đảng chiều 17/2/1968.
33. Đồng chí Lê Đức Thọ Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Thông báo với cán bộ cao, trung cấp về tình hình nhóm chống Đảng chiều 17/2/1968.
34. “Allegd Coup d’Etat plot in Hanoi: 1967, December 1967” Folder 20, Box 1, DP: Unit 06, VA. Đoạn trích trong so tay của một trung đội trưởne tên là Trường thuộc đại đội 11, tiểu đoàn 30, Trung đoàn Thủ Đô, QĐNDVN, ghi lại nội dung cuộc họp của Trường tại Hà Nội 21/12/.
35. Nicholas V. Riasanovsky, A History of  Russia, Oxford: Oxford University Press, 2005, 530-1
36. “Allegd Coup d’Etat plot in Hanoi: 1967, December 1967” Folder 20, Box 1, DP: Unit 06, VA. Đoạn trích trong so tay của một trung đội trưởne tên là Trường thuộc đại đội 11, tiểu đoàn 30, Trung đoàn Thủ Đô, QĐNDVN, ghi lại nội dung cuộc họp của Trường tại Hà Nội 21/12/.
37. Sophie Quinn Judge. The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti Party Affair, 1967-1968. Journal of Cold War History 5, issue 4. 11-12/2005. Cuộc đấu tranh hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà & ý nghĩa của vụ chống Đảng 1967- 1968. Duy Tân Trẻ dịch. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt đăng trên talawas.
38. Judy Stowe, “Revisionisme” au Vietnam. Communisme, no. 65-66 2001.
39. Liên Hằng T. Nguyễn. The war politburo: North Vietnam’s Diplomatic and Political Roard to the Tết Offensive.
40. Gossheim, “Revisionism in the Democratic Republic of Vietnam” 451-452.
41. Hồi ký Trần Quỳnh: Những Kỷ niệm về Lê Duẩn (http://danchuonline.multiply.com/journal/item/47).
42. Ilya V. Gaiduk Liên bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam.
43. Hồi ký Trần Quỳnh: Những Kỷ niệm về Lê Duẩn (http://danchuonline.multiply.com/journal/item/47).
44. Vũ Thư Hiên. Đêm giữa ban ngày; hồi ký chính trị của một người không làm chính trị Westminster, CA Văn nghệ 1997.


Phần 3
Lời buộc tội chính thức cho “vụ án xét lại-chống Đảng” được đưa ra 4 năm sau đó, tại Hội nghị 20 Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 1 năm 1972, Lê Đức Thọ tuyên bố đã có âm mưu lật đổ sự lãnh đạo của Đảng. Trong âm mưu đó, Đại sứ Liên Xô, Ilia Shecherbakov và Bí thư thứ hai, Rashid Khamidulin có liên hệ với những người lập mưu. Với lý do “do tình hình quốc tế và tình hình cách mạng trong nước lúc đó, Bộ Chính trị quyết định không đưa ra truy tố trước pháp luật, mà chỉ quyết định thi hành kỷ luật 48 đảng viên, trong đó khai trừ 25, lưu đảng 14, cảnh cáo 7, khiển trách 2″ (45 – trang 268-269). Những người này không bao giờ được xét xử và đã phải chịu nhiều hình thức tù đày, hành hạ không phải kỷ luật của đảng.
Sophie Quinn Judge viết: “Một trong những lời buộc tội chính đối với “nhóm chống Đảng” là họ đã chống lại Nghị quyết 9 của ủy ban Trung ương, được thông qua năm 1963. Họ cũng bị kết tội là chống lại chính sách đấu tranh vũ trang chống Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. [46] Cuối cùng, họ bị buộc tội là tuồn tài liệu mật cho một nước khác. Như chúng ta đã biết, những lời buộc tội này không được chính thức hoá cho đến 1972, khi uỷ ban hoàn thành cuộc điều ưa (47).” Oberdorfer(e) cho rằng những người bị bắt trong vụ án chống Đảng là những đảng viên chống việc chủ trương leo thang chiến tranh và tổ chức cuộc Tổng tấn công Tết để dập tắt mọi ý kiến bất đồng trong nội bộ (48).
Thực sự, chiến dịch thanh trừng nhóm “xét lại chống Đảng” năm 1977 là bước xử lý cuối cùng của những người giáo điều đối với những người xét lại, tiếp theo các đợt cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, nhằm loại bỏ những người cộng sản, những người lãnh đạo muốn phát huy đoàn kết mọi tầng lớp xã hội trong mặt trận chung dưới ngọn cờ dân tộc. Đây là chiến dịch dựa trên tinh thần của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc lúc đó đang chỉ huy lực lượng giáo điều tiến hành “tạo phản” (lật đổ chính quyền) cũng với mục đích như trên.
Trong cuộc thảo luận giữa Chu Ân Lai, Trần Nghị, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Bắc Kinh ngày 12 tháng 4 năm 1967, Chu Ân Lai thông báo tình hình cách mạng Văn Hóa ở Trung Quốc: “Từ đầu năm nay, mục tiêu của cuộc đấu tranh là cướp chính quyền, bằng cách kết hợp các lực lượng nhân dân cách mạng, cán bộ cách mạng, và đại diện các lực lượng vũ trang. Họ tố cáo bất kỳ mối quan hệ nào với các nhà lãnh đạo tư bản chủ nghĩa, thành lập các ủy ban cách mạng, các chính phủ lâm thời, trong các văn phòng chính phủ và các nhà máy (49).”
Chu Ân Lai cũng không dấu diếm ý định lan truyền tư tưởng lật đổ này cho Việt Nam để giới thiệu về hệ thống “sở hữu công cộng”, các ông dựa vào ai? Dựa vào kinh nghiệm 17 năm sau giải phóng, đồng chí Mao Trạch Đông cho rằng, sau khi cướp chính quyền, giai cấp vô sản sẽ loại bỏ các “quyền sở hữu tư nhân” của giai cấp tư sản. Nhưng quá trình này sẽ bị bỏ dở nửa chừng nếu dựa vào phương thức lãnh đạo “từ trên xuống”. Chu thẳng thắn tuyên bố: “Cuộc Cách mạng Văn hoá của chúng tôi là nhằm lật đổ một nhóm lãnh đạo trong Đảng muốn theo con đường tư bản chủ nghĩa”, và giải thích. “Trong một bài phát biểu năm ngoái, đồng chí Lâm Bưu đã nói: trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải tiêu diệt “tư hữu” của tư sản, và xây dựng “công hữu” của vô sản”.Hơn nữa, “như tôi đã nói với các đồng chí, trong xã hội của chúng tôi, “tư hữu” vẫn còn tồn tại… Và vẫn còn đó sở hữu tư nhân, đất tư, thị trường tự do, kinh doanh tự do. Cho nên, chủ nghĩa tư bản có thể tái diễn bất kì lúc nào… Tất cả các yếu tố vừa nói đó là mảnh đất màu mỡ cho sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản và sự xuất hiện của chủ nghĩa xét lại” (50).
Ngoài vấn đề đấu tranh ý thức hệ, trong vụ án xét lại – chống Đảng dường như còn có yếu tố cá nhân khác. Có nhiều người bị liên lụy đến vụ án ở mức độ khác nhau nhưng nhiều cán bộ lão thành và các nhà nghiên cứu lịch sử nhận xét rằng hầu hết những người đã từng bị Pháp bắt giam tại nhà tù Sơn La, trong vụ này đều bị bắt và hành hạ quyết liệt. Vũ Thư Hiên giải thích rằng Lê Đức Thọ muốn loại trừ những chiến sĩ là đồng chí từng ngồi tù với ông ta ở Sơn La, những người biết chuyện ông được chúa ngục người Pháp biệt đãi cho làm hầu cận (51 – trang 176). Thực tế là hai người bạn tù rất gắn bó và ủng hộ ông lúc đó, sau giai đoạn này được đưa vào Bộ Chính trị và các vị trí quan trọng khác của Đảng là Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Cơ Thạch. Mối quan hệ giữa việc hành xử đồng đội cũ và quá khứ của Lê Đức Thọ trong nhà tù Sơn La là có thật.
Theo Liên Hằng Nguyễn, mỗi nhà lãnh đạo chính trong Bộ Chính trị vào thời điểm đó, có ý định riêng của mình khi quyết định tổ chức đàn áp. Lê Duẩn muốn khẳng định vai trò lãnh đạo trong Đảng và dành tuyệt đối quyền chỉ đạo cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam; Lê Đức Thọ muốn thanh trừng mọi kẻ đối chọi trong nội bộ để đảm bảo xây dựng quyền lực tương lai; Trường Chinh muốn củng cố và hình thành hệ tư tưởng chính thống lâu dài trong Đảng, nhưng tất cả họ đều thống nhất tiến hành một chiến dịch đàn áp triệt để các lực lượng đối lập trong Đảng để gạt bỏ những trở ngại trước khi Tổng tiến công và giải quyết dứt điểm mối đe dọa tiềm tàng khi dành được thắng lợi tương lai.
Về mặt thể hiện quan điểm, tháng 5 năm 1967, Lê Duẩn trình bày trên tạp chí Học tập: “Nếu chúng ta muốn giành thắng lợi cho cuộc cách mạng vô sản, giai cấp công nhân ở mỗi nước phải nắm chắc và giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc và dân chủ – chỉ bằng cách này chúng ta mới đoàn kết được dân chúng trong tùng nước nơi cuộc đấu tranh đang bùng nổ”… “Ngày nay, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư bản trên toàn thế giới được tiến hành dưới khẩu hiệu “hoà bình, độc lập, chủ nghĩa dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.”Như vậy, trong khi thỏa hiệp với lực lượng của Lê Đức Thọ để gạt bỏ những người chống đối, dành quyền lực, có vẻ Lê Duẩn vẫn không chủ trương áp dụng khẩu hiệu đấu tranh giai cấp, chống tập đoàn đi theo con đường tư bản chủ nghĩa trong Đảng để tiến hành đảo chính “tạo phản” như đang diễn ra ở Trung Quốc.
Chỉ mấy tháng sau bài viết của Lê Duẩn, trên cùng tạp chí Học Tập(f), nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh Các Mác tháng 9 năm 1968, Trường Chinh đã thể hiện tư tưởng quyết liệt hơn về đấu tranh giai cấp trong mặt trận thống nhất, khẳng định “Đảng phải tiếp tục nắm “quyền kiểm soát không tranh cãi đối với mặt trận thống nhất trong mọi giai đoạn của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và không vì bất kỳ lí do gì mà để nó rơi vào tay của “giai cấp tư sản” – Đảng phải luôn luôn bảo toàn bản sắc độc lập của mình trong mặt trận; mục đích duy nhất của cương lĩnh tối thiểu (độc lập và cải cách xã hội) của mặt trận là để thúc đẩy việc hiện thực hoá cương lĩnh tối đa của Đảng (xây dựng một nhà nước cộng sản). Đảng “phải tuyệt đối không cho phép tư sản dân tộc lãnh đạo mặt trận dân tộc thống nhất” ” (52).
Ông khẳng định lại những quan điểm giáo điều tả khuynh về áp dụng chuyên chính vô sản để chống lại những đòi hỏi về dân chủ và cả về dân tộc: “Về chuyên chính, rõ ràng là chuyên chính của đại đa số nhân dân lao động sẽ được hiện thực hoá, và ngược với những thế lực phản cách mạng và bọn bóc lột, những kẻ là thiểu số và không chịu tự cải tạo… dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, những kẻ thù của nhân dân và của chủ nghĩa xã hội sẽ không được phép hưởng các quyền dân chủ. Nhà nước chuyên chính vô sản kiên quyết ngăn chặn việc sử dụng các khẩu hiệu dân chủ hoá chế độ để làm suy yếu hay xoá bỏ chuyên chính vô sản, coi nhẹ hay phủ nhận quyền lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân và của Đảng Cộng sản, hay từng bước thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” và đẩy đất nước tiến dần đến hệ thống tự do tư sản và cuối cùng trở lại chủ nghĩa tư bản. Cùng lúc đó, việc đấu tranh chống mọi biểu hiện của tư sản dân tộc, kẻ thù của tinh thần quốc tế vô sản, cái cô lập và đẩy đất nước vào vòng tay của chủ nghĩa tư bản thế giới là rất cấp bách” (53).
Đồng điệu với Trường Chinh, trên tạp chí Xây dựng Đảng số 1 năm 1968, Lê Đức Thọ viết: “cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước và cuộc đấu tranh giữa hai con đường phải kết hợp chặt chẽ với nhau và thực chất là một cuộc đấu tranh giai cấp để xác lập phương hướng chính trị của giai cấp công nhân.
Khắc phục mọi biểu hiện không vô sản trên các lĩnh vực đó. Không có cuộc đấu tranh đó thì không thể nào phân rõ được đúng sai, và giành thắng lợi chính trị cho đường lối của Đảng, của giai cấp”.
Đặc biệt, ông khẳng định tính giai cấp trong công tác cán bộ như những gì Lê Văn Lương đã tuyên bố trong vụ Chỉnh đốn tổ chức trước đây: “Đảng cũng đã vạch ra đường lối giai cấp trong công tác cán bộ. Tức là phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ công nhân và những người trí thức cách mạng. Trong trí thức, chúng ta chú ý những người trí thức lớp dưới, tức là những con em công nông tất cả những điều đó là sự thể hiện tính chất giai cấp trong đường lối tổ chức của Đảng. Có như vậy mới bảo đảm được sự vững vàng về chính trị và tư tưởng.”
Lê Đức Thọ trắng trợn phê phán lại việc sửa sai cải cách ruộng đất: “Trong sửa sai cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, chúng ta lại phạm hữu khuynh, khôi phục lại cho cả những người bị xử trí đúng. Tình hình đó làm cho ở trong Đảng có một số thành phần không trong sạch. Cho đến nay vẫn còn tồn tại những hậu quả đó” (54). Quả thật Lê Đức Thọ đã rất tự tin về thắng lợi trong cuộc tranh dành quyền lực sắp tới nên dám công khai lật lại việc thanh lọc Đảng còn làm dở dang trong chỉnh đốn tổ chức. Thực chất không khác gì kêu gọi tiến hành cuộc cách mạng Văn Hóa đang diễn ra ở Trung Quốc.
Liên kết với nhóm giáo điều cực tả để chống những người xét lại, Lê Duẩn đã “dấy âm binh lên và không kiềm chế nổi”. Không còn đối trọng, lực lượng thân Trung Quốc thả sức hoành hành đến mức gây nguy hại cho bản thân Lê Duẩn. Trần Quỳnh kể: “Lúc bấy giờ đối với Liên Xô tha hồ mà nói xấu, mà chửi rủa, không chỉ trong nội bộ mà cả ở chỗ công khai. Còn nói động đến Trung Quốc là điều cấm kỵ. Ai nói mà lọt đến tai mấy ông uỷ viên Bộ chính trị thì sẽ bị đặt “thành vấn đề” bị điều tra, “hỏi thăm sức khỏe (…) Trong trào lưu thân Trung Quốc và bài Liên Xô, Lê Duẩn thấy mình thuộc về phía thiểu số trong Bộ chính trị (…) Lê Duẩn thấy trào lưu thân Trung Quốc trong Đảng là một mối nguy lớn.
Lê Duẩn nói: “Sự chia rẽ và chống đối giữa hai Đảng và hai nước đã gây cho ta lắm phiền toái rồi, sự không nhất trí về lập trường trong Bộ chính trị lại làm cho hoàn cảnh của ta thêm phức tạp.” Tuy đã gọi Tố Hữu và Trần Quang Huy đến phê bình nhưng ông vẫn thấy bất lực và đành tự mình đi đến một số địa phương nói chuyện cho cán bộ cấp tỉnh nghe (55).
Như vậy, tuy khác nhau về quan điểm nhưng cùng liên kết trong chiến dịch lật đổ và thanh trừng, Trường Chinh, Lê Đức Thọ phải thống nhất với quyết định tiến hành cuộc Tổng tiến công do Lê Duẩn thiết kế, mặc dù chưa chắc thực sự đã ủng hộ triệt để. Trong cuộc họp Bộ Chính trị tháng 10, Trường Chinh chủ trì đã kết luận: “ta tranh thủ giành thắng lợi cao nhất, song cũng có thể đạt được mức độ thôi”.
Hai mươi năm sau, Lê Đức Thọ đặt lại câu hỏi: “Ngày đó, nếu mục đích trong cuộc Tổng tiến công-Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân mà chúng ta đã đề ra chỉ là đánh thất bại nặng nhất là nhắm vào những vị trí ở trung tâm đầu não địch để buộc chúng ngồi vào bàn đàm phán thì ta có cần mở cuộc Tổng tiến công-Tổng khởi nghĩa giành chính quyền như chúng ta đã đề ra để đến nỗi bị tiêu hao quá nhiều lực lượng như thế không? Cái giá ấy đắt quá!” (56 – trang 56).
Các đối tượng bị thanh trừng bị giam tại Hỏa Lò Hà Nội để lấy khẩu cung, trong thời gian đó, Lê Đức Thọ kể rằng ông ta và Trần Quốc Hoàn trực tiếp hỏi cung: “Trong những buổi chúng tôi gặp họ suốt hai ba tiếng đồng hồ, trực tiếp hỏi những vấn đề mấu chốt nhất (…) những bản cung, không bản nào là tôi không đọc. Tôi đã đọc rất nhiều. Chưa bao giờ tôi đọc nhiều tài liệu như thế với vụ này. Đọc các bản khai cung của từng anh trong vòng hai tháng, tôi lại tổng kết lại, nhận định xem anh này khai thực chỗ nào. Đối chiếu kỹ lưỡng, đánh giá cho thật đúng (…) Vụ này là một vụ án chính trị. Nên phải có lý lẽ rất dữ, phải đấu lý với số đối tượng bị bắt. Đấu lý là một cuộc đấu tranh mệt óc lắm, chưa lúc nào phải động não nhiều như thế này. Vì là vấn đề quan hệ nội bộ, không làm như thế này thì không ra vấn đề “(57).
Qua bài nói chuyện của Lê Đức Thọ với cán bộ cao cấp, trung cấp trên vào ngày 17 tháng 2 năm 1968, khi vụ án đang trong thời kỳ sôi động, có thể thấy các biện pháp khai thác, đe dọa, mua chuộc để có được các lời khai là rất quyết liệt, gây sức ép lên đối tượng bao gồm cả sự đối xử, đàn áp đối với cả gia đình, bạn bè của họ. Và thái độ đối với họ được Lê Đức Thọ thẳng thắn tuyên bố: “Bây giờ số này tất nhiên không phải là đồng chí nữa rồi. Sau này nếu có người còn trở lại giúp ích gì được cho cách mạng thì cũng còn phải lâu dài, thậm chí có anh hỏng luôn, không cải tạo được. Nói như vậy để chúng ta thấy chúng ta có thể cải tạo được con người, nhưng việc đó không phải đơn giản và không tùy thuộc ở ta, chúng ta cần nhận định cho rõ vấn đề đó” (58). Tuyên bố như vậy, thực sự Thọ đã chủ trương hành hạ, loại bỏ các đối tượng này triệt để.
Trong hoàn cảnh bị cách ly, thật khó mà tìm hiểu thái độ của Hồ Chí Minh với nhóm lãnh đạo đang tiến hành dành quyền lực. Trong những ngày căng thẳng sau hội nghị Bộ Chính trị, chiều 29 tháng 12 năm 1968, Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ cuối năm. Ông nói: “Chúng ta là những người tham gia cách mạng lâu, đã chống Pháp thắng lợi, cứ tưởng chúng ta có kinh nghiệm rồi, nhưng bây giờ phải học tập chiến sỹ, học tập thanh niên.. .Trong Chính phủ ta, tuy đã cố gắng, nhưng phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải luôn tự nhận xét mình về mọi hành động, về công tác cũng như về đạo đức cách mạng, chú ý tự phê bình và phê bình hơn nữa, có như vậy mới theo kịp quần chúng, theo kịp chiến sỹ.” Trong chỉ thị của ông cho chiến trường miền Nam đang bước vào trận chiến đấu quyết định được viết trong mấy ngày này, câu cuối cùng là “cán bộ phải thật gương mẫu.” (59) Bằng cách đề cao vai trò quần chúng, có lẽ ông muốn gián tiếp nhắc nhở các cán bộ lãnh đạo đang hành xử ngạo mạn, chủ quan trong các quyết định sống còn của đất nước. Trong thời gian làm việc 8 ngày ở Việt Nam với 3 cuộc họp Bộ Chính trị về những vấn đề căng thẳng của cuộc tổng tấn công, không cho phép Hồ chí Minh nắm lại, chứ đừng nói đến việc can thiệp vào các cuộc thanh trừng nội bộ đang diễn ra. Mặc dù vậy rõ ràng ông lo lắng đến số phận các đồng chí của mình. Trước hết là cho Võ Nguyên Giáp đang vắng mặt. Trong tình hình biến động đang diễn ra, Hồ Chí Minh lo lắng cho Võ Nguyên Giáp hoàn toàn có lý. Nguyễn Chí Thanh đã chết bất ngờ ngay buổi tối sau cuộc họp cuối cùng buổi chiều với Hồ Chí Minh, chỉ 2 tháng trước khi Chủ tịch phải sang Trung Quốc “dưỡng bệnh.” Nỗi đau đớn này chưa nguôi, trong mấy ngày được về nước ngắn ngủi Hồ Chí Minh thu xếp để ăn cơm với vợ con Nguyễn Chí Thanh (60) (61). Sau này, năm 1986, Đại tướng Hoàng Văn Thái cũng chết đột ngột trước ngày được đề bạt lên chức Bộ trưởng bộ Quốc phòng, ngay sau cuộc gặp Lê Đức Thọ.
Sáng chủ nhật 31 tháng 12 năm 1967, Hồ Chí Minh ghi âm lời chúc Tết đồng bào cả nước (sẽ phát trên đài phát thanh đêm giao thừa làm hiệu lệnh tấn công) tại Phủ Chủ tịch. Chiều ngày hôm sau, sau khi họp lần cuối với Bộ Chính trị, bốn giờ chiều, ông lên máy bay trở lại Bắc Kinh “tiếp tục đi nghỉ” “theo quyết định của Bộ Chính tri và Hội đồng bác sĩ”(62), giữa lúc nội bộ và cục diện chiến tranh đang diễn ra những thay đổi mang tính quyết định. Rõ ràng đây là biện pháp cách ly bắt buộc ông khỏi vị trí chỉ huy cao nhất. Tháng 1 năm 1968, đến sát ngày mở màn cuộc Tấn công, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới được triệu tập để thông qua quyết định thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa. Cuộc họp vô cùng quan trọng bàn việc giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mà lại vắng mặt nhiều nhân vật hàng đầu như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Lê Duẩn mở đầu hội nghị bằng thông báo không bình thường: “Trước hết, tôi xin báo cáo với các đồng chí lần này Hội nghị Trung ương chúng ta họp có một số đồng chí Trung ương bị ốm không đến được. Có một số đồng chí bận việc không đến được. Trong Bộ Chính trị cũng có đồng chí bận việc không đến được, một số đồng chí sẽ đến, mai có đồng chí Thọ, đồng chí Dũng sẽ đến báo cáo” (63). Tuy nhiên, Hội nghị này không có mục đích thảo luận, mọi việc đã được quyết định, nghị quyết chỉ còn là thủ tục hình thức cho quyết định Tổng tấn công.
Một trong những căn cứ quan trọng được Lê Duẩn viện dẫn để thuyết phục Hội nghị Trung ương 14 về khả năng thắng lợi là câu chuyện lực lượng cách mạng nổi dậy và chiếm giữ Đà Nẵng trong 70 ngày đêm mùa hè năm 1966. Lê Duẩn nói: “Trước kia phong trào bật khởi; do mấy lần thất bại, phong trào đã chuyển hóa thành dưới quyền lãnh đạo của ta. Vụ vừa rồi, mấy vạn thợ, quần chúng công nhân đấu tranh, giai đoạn này do ta lãnh đạo. Và như vậy quần chúng đã khởi nghĩa, đã dùng bạo lực, quần chúng đã chín muồi, muốn nắm chính quyền. Hàng triệu người ra đường phố, quần chúng đó xưa nay chỉ chờ sức mạnh quân sự của ta. Hiện nay ở đô thị, đã có từng chòm, phường ta làm chủ. Hầu hết đô thị đều sôi nổi, coi như bây giờ không còn con đường nào khác, phải đánh đổ Mỹ; chỉ có khởi nghĩa, cứu nước, cứu mình, không còn con đường nào khác “(64). Nhưng thực tế của sự kiện Đà Nẵng khác xa với kịch bản của một cuộc khởi nghĩa:
Tháng 3 năm 1966, Chính quyền Sài Gòn cách chức Tư lệnh vùng I của Nguyễn Chánh Thi. Người của tướng Thi tại sở tuyên úy phật giáo, Quân đoàn 1 và Quốc Dân Đảng tổ chức mít tinh chống lại và nêu khẩu hiệu ly khai chế độ tham nhũng của Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ. Tổ chức Đảng ở Đà Nẵng nhân cơ hội đưa người vào ủy ban lãnh đạo phật giáo, thành lập “Hội đồng Nhân dân tranh thủ cách mạng”, kêu gọi nhân dân xuống đường đấu tranh. Ngày 19/3 “ủy ban nhân dân tranh thủ vùng I” đổi tên thành “Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng” với sự chỉ đạo trực tiếp của cán bộ Đảng của Thành ủy Đà Nẵng.
Lực lượng này chiếm đài phát thanh, đảm bảo an ninh trong thành phố, tổ chức các phong trào của các tầng lớp quần chúng như học sinh, thợ máy, tiểu thương,…tiến hành tổng đình công, bãi khóa, bãi thị. Khi chính quyền Sài Gòn đưa quân đến đàn áp, nhân dân được vũ trang và thành lập ban chỉ đạo tác chiến của quân địa phương ly khai cùng tổ chức chiến đấu chống quân đội Trung ương của địch. Chiến sự diễn ra từ giữa đến cuối tháng 5 năm 1966 thì cuộc nổi dậy bị dập tắt (65).
Cuộc nổi dậy ở thành phố Đà Nẵng là một trường hợp đặc biệt do lãnh đạo Đảng bộ địa phương nhanh nhạy nắm bắt cơ hội mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, tiến hành sử dụng lực lượng tôn giáo và làm công tác binh vận, huy động nhân dân tham gia nổi dậy làm chủ địa phương. Tuy nhiên, đây không phải là một cuộc nổi dậy có kết hợp với hoạt động tấn công quân sự của lực lượng vũ trang cách mạng. Các cuộc chiến đấu chủ yếu do chính quân Việt Nam cộng hòa ly khai tiến hành.
Khẩu hiệu đấu tranh nhắm vào chống lại chính quyền Thiệu Kỳ tham nhũng, tranh thủ trung lập lực lượng Mỹ, hạn chế họ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Cuộc nổi dậy không nhằm mục đích đánh đuổi quân đội Mỹ, lật đổ chính quyền miền Nam và thành lập chính quyền cách mạng. Vì vậy, dù có chiến đấu bảo vệ địa bàn nhưng trong khuôn khổ “hợp pháp hóa”, không nhằm tiêu diệt sinh lực địch, không đối đầu với quân đội Mỹ. Tuy thế, cuộc nổi dậy cũng chỉ diễn ra trong 76 ngày đêm.
Tại Hội nghị Trung ương 14, Lê Duẩn đưa ra nhận định chủ quan rằng khả năng lực lượng cách mạng giữ vững Đà Nẵng trong 70 ngày đêm trong cuộc nổi dậy mùa hè năm 1966 đã chứng minh các thành phố trung tâm đã chín muồi cho các cuộc nổi dậy (66) (67). Từ đó, Hội nghị nhận định “điểm cơ bản của tình hình vẫn là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn.”
Trung ương Đảng hạ quyết tâm “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”. Thật ra, các chủ trương này đã được nhóm lãnh đạo giáo điều đứng đầu là Lê Duẩn quyết định từ nửa năm trước nhưng chỉ đến khi gạt bỏ mọi bộ phận trong nội bộ có khả năng ngăn cản mới đưa ra thông qua chính thức để tránh sự chống đối như đã từng xảy ra với Nghị quyết 9 năm 1963. Chính vì thế các ý kiến chủ quan duy ý chí đã không bị phản biện.
Mục tiêu chiến lược của tổng công kích, tổng khởi nghĩa rất tham vọng là nhằm tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân nguỵ, đánh đổ nguỵ quyền các cấp, đưa chính quyền về tay nhân dân; đồng thời tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm cho quân Mỹ không thể triển khai được âm mưu chính trị và quân sự của chúng ở Việt Nam; từ đó đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà.
Nguyên tắc của cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa là tập trung lực lượng quân sự và chính trị đến mức cao nhất, một cách hợp lý nhất, tiến công mãnh liệt vào những hướng chiến lược chính; kiên quyết tiến công, liên tục tiến công nhằm vào những nơi xung yếu của địch mà đánh những đòn quyết định, giành cho kỳ được thắng lợi ở những nơi quyết định; phải tuyệt đối giữ cho được nhân tố bất ngờ; phải biết giành thắng lợi từng giờ, từng phút và không ngừng mở rộng thắng lợi; kiên quyết chống trả và bẻ gãy các cuộc phản công của địch và truy kích địch đến cùng để giành thắng lợi cao nhất.
Sau khi Hồ Chí Minh trở sang Trung Quốc. Ở Bắc Kinh, có liên lạc hàng ngày. Ngày 20 tháng 1, Lê Đức Thọ sang làm việc 2 tiếng. Ngày 25 tháng 1, Võ Nguyên Giáp (từ Hungari về) sang làm việc hơn 1 tiếng. Hôm sau là giao thừa Mậu Thân. Trong suốt thời điểm mở màn quyết định nhất của trận đánh, Chủ tịch Đảng không có thông tin và công cụ điều hành gì. Vào lúc 6 giờ chiều ông chỉ nhận được điện chúc tết của Bộ Chính trị và Trung ương.
Sau đó suốt đêm, vào khoảnh khắc giao thừa khi cuộc tấn công bắt đầu cho đến sáng ngày mùng một Tết, Hồ Chí Minh chỉ nghe tin qua đài phát thanh. Vũ Kỳ kể “phải đến gần hết sáng mùng một Tết Mậu Thân” (tức là lúc các mũi tấn công chủ chốt vào sứ quán Mỹ, Dinh Độc lập,.. .đã bị đẩy lùi), “mới có tin chiến thắng báo cáo Bác Hồ: “Đánh khắp miền Nam”. (68) Trong hai ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, mỗi ngày chỉ nhận được tin từ mặt trận 1 lần, đến ngày 4 Tết Hồ Chí Minh phải yêu cầu Lãnh đạo Đảng và Nhà nước báo cáo ngày 2 lần về tình hình cuộc tấn công (69).
Những gì trình bày trong Hội nghị Trung ương 14 tháng 1 năm 1968 và thực tế chiến dịch có thể hình dung ý tưởng phương án tấn công của Lê Duẩn đại ý như sau:
Các đơn vị quân chủ lực chính qui tiến hành một số chiến dịch tại các chiến trường quan trọng để kéo binh lực chủ lực của địch ra ngoài đô thị, tạo điều kiện đánh gục các đơn vị chủ lực địch sau đó đánh địch phản kích.
Mũi chính của chiến dịch là các cuộc tấn công vào các thành phố Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Biệt động, ém sẵn đánh trước, các tiểu đoàn chủ lực mũi nhọn và thanh niên sinh viên sẽ tiếp quản và hỗ trợ chiếm lĩnh trận địa để đánh địch phản công.
Phát động quần chúng đô thị nổi dậy khởi nghĩa với qui mô hàng triệu người và vận động binh lính, nhân viên đối phương để nhanh chóng phát triển lực lượng vũ trang tại chỗ trong thời gian ngắn. Đánh sập bộ máy quân sự và hành chính đầu não của địch, làm rối loạn và tê liệt bộ máy chiến tranh của địch. Chiếm lấy dự trữ chiến lược của địch để phát triển thật nhanh cả lực lượng cả chính trị và quân sự. Lập chính quyền cách mạng của cộng sản ở địa phương và chính quyền liên hiệp dân tộc ở trung ương.
Trên toàn miền Nam, ở cả thành thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi cũng tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt để phối hợp và trợ lực cho mũi ở các thành phố chính. Đánh phá các hậu cứ, cơ sở hậu cần, trung tâm thông tin, phương tiện giao thông vận tải, phá tan hệ thống ấp chiến lược ở nông thôn, dành chính quyền ở cơ sở.
So với kế hoạch trên, thực tế của đợt 1 chiến dịch Mậu Thân diễn ra khác hẳn. Phần đầu có vẻ thuận lợi: từ Thu-Đông 1967, các chiến trường đã mở các hoạt động tạo thế cho Tổng tấn công. Nổi bật nhất là chiến dịch Lộc Ninh – đường 13 đánh vào quân Mỹ, chiến dịch Đắc Tô đánh vào quân chủ lực Sài Gòn và quân Mỹ tiếp viện, mở chiến dịch Bắc Lào, bao vây tấn công cứ điểm Khe Sanh. Các cuộc tấn công này đã hướng được sự chú ý của đối phương ra các vùng xa đô thị, mục tiêu chính của Tổng tấn công.
Phần tiếp theo bắt đầu trục trặc: do sai khác về lịch âm của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (đêm giao thừa là 30 tháng 1 năm 1968), và Việt Nam Cộng hoà (đêm giao thừa là 31 tháng 1 năm 1968) nên nhận được lệnh tấn công “đêm giao thừa”, đêm 29 rạng ngày 30 tháng 1 năm 1968, cuộc tổng tấn công và nổi dậy bắt đầu nổ ra ở các tỉnh Duyên hải trung Bộ và Tây Nguyên. Trong khi ở các tỉnh thành cuộc chiến diễn ra thuận lợi thì ở Đà Nẵng cả các mũi bộ đội và quần chúng bị đánh chặn ngay trên đường tiến vào thành phố. Một trong 3 mục tiêu chủ chốt của cuộc Tổng tấn công đã thất bại ngay từ bước đầu.
Giai đoạn chủ chốt thì thất bại: đêm 30 tháng 1, đợt tấn công nhắm vào các tỉnh lỵ, thành phố lớn và thị trấn huyện lỵ còn lại. Không mở đường được cho các cuộc khởi nghĩa nổi dậy đồng loạt của nhân dân tại các đô thị như dự định của Lê Duẩn, lực lượng quân giải phóng gây cho quân địch những choáng váng và thiệt hại ban đầu rồi nhanh chóng bị đẩy ra khỏi các mục tiêu quan trọng.
Tại Huế, lực lượng cách mạng đánh chiếm được hầu hết các mục tiêu đầu não của địch và cố thủ trong thành cổ cho đến 24 tháng 2 với thiệt hại to lớn cho cả nhân dân và các kiến trúc lịch sử. Ở Sài Gòn, 7/9 mục tiêu đề ra bị tấn công, nhưng ngoài 2 mũi đánh vào đài phát thanh và sứ quán Mỹ đánh được vào trong và chiếm giữ một thời gian, các mũi khác không đạt được mục tiêu. Hầu hết lực lượng biệt động ở các mũi đột phá bị chết và bị bắt trên chiến trường. Cuộc chiến đấu trong các khu phố và ngoại ô còn kéo dài ít lâu gây tổn thất cho cả 2 phía và nhân dân. (70, 71).
Sau mấy ngày tấn công, tối ngày 4 tháng 2 năm 1968, Thường vụ Trung ương Cục nhận định tình hình: “Cuộc tấn công ở khu trọng điểm Miền chưa đạt yêu cầu về quân sự và chính trị. Nhiều tiểu đoàn mũi nhọn chưa vào được nội thành để tiếp sức cho các đội biệt động, do đó chưa dứt điểm các mục tiêu chính. Quân sự phối hợp chưa chặt, đánh chưa tốt nên chưa trở thành đòn xeo mạnh để phát động quần chúng đứng lên khởi nghĩa, làm biến đổi căn bản cục diện ở thủ đô. Rõ ràng ta đã mất một thời cơ cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang do trung ương giao cho” (72).
Các chỉ đạo tiếp theo của Trung ương Cục như “giải phóng toàn bộ vùng nông thôn từ phía sau ra phía trước, quét sạch toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền cơ sở và bộ máy tề điệp, thành lập chính quyền cách mạng,… triệt phá đường xá, cầu cống, chiếm giữa các nơi hiểm yếu,… đánh cướp lấy hoặc phá triệt để các kho đạn dược, vũ khí, chất đốt, lương thực, các nhà máy gạo trong và ngoài thành phố,… kiên quyết chiếm và khống chế sân bay Tân Sơn Nhất, thường xuyên đánh phá sân bay Biên Hòa,.. .chủ lực phía sau phải móc thật chặt với phía trước, tạo thời cơ tiêu diệt từng đơn vị lớn quân ngụy về ứng cứu hoặc diệt thật gọn từng đơn vị quân Mỹ bung ra phản kích,…” (73) đều không thực hiện được, cuộc tấn công đã nhanh chóng hụt hơi.
Đến đây kế hoạch bắt đầu bị thay đổi nghiêm trọng. Trong kế hoạch tiến công chiến lược đã thông qua các Hội nghị Bộ chính trị trước đó chỉ có “giai đoạn 2” là đợt chính cao điểm là Tết Mậu Thân, tiến hành tổng công kích – tổng khởi nghĩa ở các đô thị và vùng nông thôn cả ở đồng bằng và miền núi mà không có tiến hành tiếp các đợt tấn công bồi thêm (74 – trang 127). Nhưng đứng trước một phần thành công chính trị và thất vọng trước thất bại hoàn toàn của nổi dậy ở đô thị, Lê Duẩn kiên trì chỉ đạo tiến hành cuộc tấn công thứ hai và thứ ba trong hoàn cảnh không còn yếu tố bất ngờ, và thực lực chưa được củng cố.
Đợt tổng tấn công và nổi dậy lần hai bắt đầu ngày 4 tháng 5 nhắm vào 119 căn cứ quân sự, thành phố và đô thị. Tại Sài Gòn, quận 8 bị hủy hoại, một số cơ sở cách mạng và nhân dân tham gia chiến đấu nhưng cư dân đô thành không xuống đường khởi nghĩa. Tháng 8 năm 1968, Bộ Chính trị ra Nghị quyết: “Về tổng khởi nghĩa, tổng công kích ở miền Nam.”
Đợt tổng tấn công và nổi dậy chịu nhiều thiệt hại nhất cho phía quân giải phóng là đợt thứ 3 bắt đầu ngày 17 tháng 8 và kết thúc cuối tháng 9 năm 1968. Để tạo sức ép đàm phán và tác động đến chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vừa bắt đầu, lực lượng quân giải phóng nã pháo vào các kho tàng khí tài của quân Mỹ và phối hợp tấn công trên toàn miền Nam. Để bảo vệ Sài Gòn khỏi các đòn tấn công liên tiếp, Mỹ rải bom B52 trên diện rộng ở các vùng phụ cận.
Một tháng sau khi đợt tấn công thứ 3 chấm dứt, Tổng thống Johnson tuyên bố ngừng ném bom bắt đầu cuộc đàm phán bốn bên vào đầu tháng 11 năm 1968. Tháng 8 năm 1968 Bộ Chính trị họp kiểm điểm lại tình hình cuộc Tổng tấn công và đề ra nhiệm vụ mới, lúc này quyết tâm đã xẹp xuống hẳn, không còn thấy nói đến những mục tiêu dứt điểm như “đánh đổ nguỵ quyền các cấp, đưa chính quyền về tay nhân dân… đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà” mà nhiệm vụ đưa ra mang tính khẩu hiệu hơn, thậm chí đã nói đến chuyện chiến đấu lâu dài.
Với việc Nghị quyết này coi “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa là một quá trình tiến công chiến lược rất quyết liệt và phức tạp, kết hợp tiến công quân sự và khởi nghĩa của quân chúng, vận dụng ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược và có phối hợp với tiến công ngoại giao” đã đánh dấu chấm hết cho hết câu chuyện làm “một cú bombarde cho các yếu tổ chính trị tung tóe ra”của Lê Duẩn (75).
Ngày 9 tháng 11 năm 1968, Bộ Chính trị ra chỉ thị “Bổ xung một sổ điểm cho Nghị quyết tháng 8 năm 1968 về Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định”. Điểm lạ kỳ là chỉ thị này có câu nhắc lại rằng “Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 8 -1968 đã đề ra nhiệm vụ trước mắt là: “Tiếp tục đẩy mạnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa nhằm giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn, đồng thời có sự chuẩn bị mọi mặt để kiên trì kháng chiến đánh địch và thắng địch trong tình hình chiến tranh kéo dài, thực hiện quyết tâm của Đảng ta là kháng chiến cho đến khi thực hiện được những mục tiêu cơ bản đã đề ra là độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà ” (76).
Thực ra nhiệm vụ trước mắt trong nghị quyết tháng 8 đề ra khác hẳn: “Nhiệm vụ trước mắt của ta là động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên cả hai miền, phát huy thắng lợi đã đạt được, ra sức tăng cường lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang của ta, tiếp tục đẩy mạnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa, đẩy mạnh thế tiến công toàn diện bằng quân sự và chính trị, bằng ba mũi giáp công, kết hợp với tiến công ngoại giao, làm cho địch thua to hơn nữa trên tất cả các mặt, đạt cho được những mục tiêu chiến lược đã đề ra, giành thắng lợi quyết định về ta, đồng thời tạo mọi điều kiện và luôn luôn sẵn sàng về mọi mặt để đánh thắng địch nếu chúng kéo dài hoặc mở rộng chiến tranh.
Trước mắt, nếu âm mưu của địch là Mỹ rút khỏi miền Nam mà lực lượng nguỵ quân, nguỵ quyền vẫn mạnh, hoặc bị bức bách phải rút quân nhanh khỏi miền Nam vì những lý do quan trọng nào đó, trong lúc lực lượng nguỵ quân, nguỵ quyền cơ bản như hiện nay; thì nội dung cơ bản nhất của thắng lợi quyết định về phía ta là: Mỹ phải rút hết quân đội khỏi miền Nam mà lực lượng chính trị và quân sự của ta phải mạnh hơn lực lượng còn lại của nguỵ quân, nguỵ quyền. Lực lượng quân sự và chính trị của ta phải làm chủ đại bộ phận nông thôn, các vùng chiến lược quan trọng, các vùng xung quanh đô thị và làm chủ một phần các đô thị, chủ yếu là ở cơ sở” (77).
Như vậy, với nghị quyết Bộ Chính trị tháng 8, nhiệm vụ đã dãn ra, rộng hơn. Đến Chỉ thị của Bộ Chính trị tháng 11, thì mục tiêu lại mở ra mênh mông, không còn trong phạm vi một chiến dịch nữa mà là của cả một cuộc chiến tranh. Thực sự, đây chỉ là cách tháo dần ra khỏi các cam kết quá tham vọng từ khi lên kế họach tổng tấn công, nổi dậy.
Kết cuộc cả ba cuộc tổng tấn công ác liệt không đạt được mục tiêu mà nhóm lãnh đạo giáo điều trong Bộ Chính trị mong đợi là lật đổ chính quyền Sài Gòn bằng phong trào đồng khởi của nhân dân đô thị, cũng không đánh sụp sống lưng quân đội Mỹ bằng các đòn hiểm đánh vào đầu não chỉ huy và căn cứ quân sự.
Thành công đạt được thật trớ trêu lại chính là những gì mà nhóm xét lại, đã bị đàn áp ngay trước cuộc tấn công, kiên quyết yêu cầu, đó là ngồi vào bàn đàm phán. Trong khi đòn tấn công làm choáng váng chính quyền Mỹ và thúc giục nhân dân Mỹ ủng hộ giải pháp kết thúc chiến tranh Việt Nam thông qua đàm phán thì chính những nỗ lực đến cùng của những người lãnh đạo Hà Nội cũng buộc họ hiểu ra rằng với tương quan lực lượng lúc đó, chưa thể dùng vũ lực dành thắng lợi quyết định thông qua tấn công trực diện và chớp nhoáng ở đô thị. Vì vậy, đàm phán là giải pháp có triển vọng nhất.
Thắng lợi chính của đợt Tổng tấn công là đánh vào tâm lý, tư tưởng của Mỹ. Trong khi lãnh đạo Việt Nam trông đợi chính quyên Sài Gòn sụp đổ khi nhân dân nổi dậy thì điều xảy ra lại là tinh thần chính quyền Mỹ suy sụp trước các đòn công kích quân sự. Một tháng sau khi đợt tấn công đầu tiên chấm dứt, ngày 31 tháng 3 năm 1968, Tổng Thống Mỹ Johnson đọc diễn văn trên đài truyền hình đơn phương tuyên bố giới hạn ném bom miền Bắc đến vĩ tuyến 20 và không tham gia vận động tranh cử khi hết nhiệm kì. Ông nói: “Mỹ sẵn sàng phái các đại diện của mình đến bất kì diễn đàn nào, vào bất kì lúc nào để đàm phán về các biện pháp đưa cuộc chiến tranh bẩn thỉu này đến kết thúc.”
Hơn một tuần sau đợt tấn công thứ hai mở màn, nhóm lãnh đạo giáo điều ở Hà Nội cũng phải tự chấp nhận điều mà họ từ chối trước đây là ngồi vào bàn đàm phán. Nhà nghiên cứu người Nga Gaiduck viết: “Ngày 3 tháng 4 năm 1968, khi đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát đi lời tuyên bố với Chính phủ Mỹ: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố sẵn sàng phái các đại diện của mình đến bàn đàm phán, với điều kiện Mỹ chấm dứt vô điều kiện việc ném bom và các hoạt động chiến tranh chống Bắc Việt Nam để các cơ hội đàm phản có thể bắt đầu”. Ngày 13 tháng 5, đại diện của Việt Nam DCCH và chính quyền Mỹ gặp nhau ở khách sạn Majestic ở Pari, bắt đầu cuộc đàm phán gay go và kéo dài.
Hoàng Văn Hoan cho rằng: “Lê Duẩn tự ý tuyên bố sẽ cử Đại biểu đàm phán với Mỹ. Lúc này Hồ Chủ tịch đang dưỡng bệnh ở Bắc Kinh, Thủ tướng Chu Ân Lai được biết tin này, liền đến hỏi Hồ Chủ Tịch, Hồ Chủ tịch cũng ngẩn cả người ra và nói là không biết gì về việc này. Đàm phán với Mỹ để giải quyết vấn đề Việt Nam là một việc cực kỳ quan trọng, đáng lẽ Lê Duẩn phải đích thân đến Bắc Kinh báo cáo với Hồ Chủ tịch để cùng trao đổi ý kiến với Trung Quốc, nhưng Lê Duẩn không làm như thế, mà lại tự tiện trả lời Giôn- xơn một cách vội vàng như vậy là vì sao?” (78)
Không chỉ Trung Quốc ngạc nhiên, mà dường như còn cả Washington mà Mascơva cũng bất ngờ trước mức độ phản ứng nhanh của Hà Nội đối với các sáng kiến vì hoà bình của Mỹ (79). Đương nhiên một người hãnh tiến như Lê Duẩn không bao giờ mất mặt đi bàn với Hồ Chí Minh về một quyết định mà trước đây ông ta đã phản đối đến cùng, nhất là sau khi đã ép buộc Hồ Chí Minh phải chấp nhận cuộc tổng tấn công mà Lê Duẩn tin chắc sẽ đem lại cho ông thắng lợi quân sự vẻ vang nhưng kết cục lại ngược lại. Thế thì dám chủ động quyết định đánh, cũng phải tự động quyết định hòa đàm mà thôi.
(Còn tiếp)
45. Biên niên sự kiện lịch sử lực lượng an ninh nhân dân 1954-1975. NXB Công an Nhân dân. Hà Nội. 1997.
46. Hồ Chí Minh. Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa 1 trường Nguyễn Ái Quốc. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập II, 1957. Trang 67-78 NXB. Chính trị Quốc gia 2009.
47. Sophie Quinn Judge. The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti Party Affair, 1967-1968. Journal of Cold War History 5, issue 4. 11-12/2005. Cuộc đấu tranh hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà & ý nghĩa của vụ chống Đảng 1967- 1968. Duy Tân Trẻ dịch. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt đăng trên talawas.
48. Sophie Quinn Judge. The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti Party Affair, 1967-1968. Journal of Cold War History 5, issue 4. 11-12/2005. Cuộc đấu tranh hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà & ý nghĩa của vụ chống Đảng 1967- 1968. Duy Tân Trẻ dịch. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt đăng trên talawas.
49. Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Trần Nghị, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Bắc Kinh ngày 12 tháng 4 năm 1967.
50. Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Trần Nghị, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Bắc Kinh ngày 12 tháng 4 năm 1967.
51. Vũ Thư Hiên. Đêm giữa ban ngày; hồi ký chính trị của một người không làm chính trị Westminster, CA Văn nghệ 1997.
52. Sophie Quinn Judge. The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti Party Affair, 1967-1968. Journal of Cold War History 5, issue 4. 11-12/2005. Cuộc đấu tranh hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà & ý nghĩa của vụ chống Đảng 1967- 1968. Duy Tân Trẻ dịch. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt đăng trên talawas.
53. Sophie Quinn Judge. The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti Party Affair, 1967-1968. Journal of Cold War History 5, issue 4. 11-12/2005. Cuộc đấu tranh hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà & ý nghĩa của vụ chống Đảng 1967- 1968. Duy Tân Trẻ dịch. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt đăng trên talawas.
54. Lê Đức Thọ, xây dựng Đảng kiểu mới Mác-Xít – Lê Nin – Nít vững mạnh của giai cấp công nhân. Tạp chí xây dựng Đảng số 1 năm 1968.
55. Hồi ký Trần Quỳnh: Những Kỷ niệm về Lê Duẩn (http://danchuonline.multiply.com/journal/item/47).
56. Lê Đức Thọ. Một số vấn đề về tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân đội. NXB Sự Thật Hà Nội 1989.
57. Đồng chí Lê Đức Thọ Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Thông báo với cán bộ cao, trung cấp về tình hình nhóm chống Đảng chiều 17/2/1968.
58. Đồng chí Lê Đức Thọ Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Thông báo với cán bộ cao, trung cấp về tình hình nhóm chống Đảng chiều 17/2/1968.
59. Vũ Kỳ. Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy. Văn Nghệ tết Mậu Dần 1998.
60. Hồ Khang. Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB Chính trị Quốc gia 2008.
61. Vũ Kỳ. Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy. Văn Nghệ tết Mậu Dần 1998.
62. Vũ Kỳ. Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy. Văn Nghệ tết Mậu Dần 1998.
63. Bài nói chuyện của đồng chí Lê Duẩn tại hội nghị TW lần thứ 14 Đảng Lao động Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội 2003, Tập 29.
64. Bài nói chuyện của đồng chí Lê Duẩn tại hội nghị TW lần thứ 14 Đảng Lao động Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội 2003, Tập 29.
65. Trương Minh Dục. Cuộc nổi dậy làm chủ 76 ngày của nhân dân thành phố Đà Nẵng – đỉnh cao của phong trào đô thị thời kỳ “chiến tranh cục bộ”. Tạp chí Lịch sử Quân sự 6/1996.
66. Lê Duẩn. Thư vào Nam. Thư gửi Đảng Bộ Sài Gòn – Gia Định 1/7/1967.
67. Bài nói chuyện của đồng chí Lê Duẩn tại hội nghị TW lần thứ 14 Đảng Lao động Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội 2003, Tập 29.
68. Vũ Kỳ. Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy. Văn Nghệ tết Mậu Dần 1998.
69. Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà, Lao động số 19+20. Ngày 23/01/2009.
70. Hồ Khang. Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB Chính trị Quốc gia 2008.
71. Elliott, the Vietnamese War, 2:1101-1119; 2:1126-1145.
72. R. Adzubey, B. Evreinob, S. Khruseb. A. Sevelenco, E. Venchinski, Hồi Ký Khrutsốp NXB Vagriuus. 1997.
73. R. Adzubey, B. Evreinob, S. Khruseb. A. Sevelenco, E. Venchinski, Hồi Ký Khrutsốp NXB Vagriuus. 1997.
74. Hồ Khang. Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB Chính trị Quốc gia 2008.
75. Trần Bạch Đằng Mậu Thân – Cuộc tổng diễn tập chiến lược. Tạp chí Lịch sử quân sự số 2, 1988.
76. Chỉ thị của Bộ Chính trị ngày 9 tháng 11 năm 1968 Bổ xung một số điểm cho Nghị quyết tháng 8 năm 1968 về Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định. Văn kiện Đảng Toàn tập. Tập 29. NXB Chính trị quốc gia. 2003.
77. Nghị quyết của Bộ Chính trị về Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa ở miền Nam tháng 8 năm 1968. Văn kiện Đảng Toàn tập. Tập 29. NXB Chính trị quốc gia. 2003.
78. Hoàng Văn Hoan. Giọt nước trong đại dương: hồi kí cách mạng của Hoàng Văn Hoan. Nhà xuất bản Ngoại văn Bắc Kinh, 1988, trang 420.

79. Ilya V. Gaiduk Liên bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam.

No comments:

Post a Comment