Các đồng đội F309, F302 và F9 tại Angkor Wat năm 1985 - Ảnh tư liệu
|
Tôi đi bộ đội năm 1984, nay đúng 30 năm từ ngày khoác áo lính theo đoàn quân tình nguyện VN đánh đuổi bọn diệt chủng Pol Pot. Ra quân năm 1987, trở về và vật lộn với những lo toan cơm áo hằng ngày, nỗi đau đáu trở lại nơi bao nhiêu đồng đội ngã xuống vẫn là đau đáu.
May thay, trong chuyến tình cờ về nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Tân Biên (Tây Ninh) thắp hương cho đồng đội ngày 22-12 hôm cuối năm, gặp nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng về đây thắp hương cho người em trai Phạm Xuân Minh ngã xuống ở chiến trường K khi vừa 20 tuổi, Minh cùng sư đoàn 309 với tôi. Anh Nguyên rủ tôi cùng đi Campuchia bởi anh có chuyến đưa các nhà văn đi...
Máu xương tuổi trẻ
9 giờ sáng, xe từ Sài Gòn qua cửa khẩu Xa Mát, Tây Ninh. Đất đỏ, nắng gắt, những đoàn xe tải bám bụi kềnh càng đầy hàng hóa tất tả ngược xuôi. Ngày ấy của chúng tôi, những chuyến xe qua đây chỉ đầy bộ đội...
23 giờ đêm 5-11-1984, lệnh báo động hành quân. Chúng tôi - những tân binh vừa kết thúc khóa huấn luyện mới hai ngày trước - điểm danh, nhận cơm vắt, lên xe! Đến cửa khẩu Mộc Bài đã xế chiều, ai đó lên tiếng kêu xe dừng để ngắm hoàng hôn lần cuối trên quê hương trước lúc đi xa bởi phía trước sẽ là chiến trường, không biết ai còn ai mất. Chúng tôi lăn ra vệ cỏ ven đường, nghĩ đến mặt trận chưa hình dung ra phía trước...
Từ Mộc Bài, chúng tôi đi qua Svay-Riêng đến Phnom Penh rồi Kôngpông - Chinăng. Từ Puốc-Xát lên Bat Đom Boong, hai bên đường rải rác xe quân sự cháy đen. Cầu cống, đường sá hư hỏng. Chiếc Zil 130 dằn xóc, có đứa đã lăn ra thùng xe bởi không còn sức bám nữa. Vài cây số lại thấy bộ đội mình chốt dọc bên lộ, có anh đưa súng bắn chỉ thiên chào tân binh mới đến...
Nay dọc đường 6, từ Kôngpông Chàm lên Siem Reap, cũng những hàng cây thốt nốt xen lẫn ruộng lúa, những nóc chùa uốn cong lên trời xanh rất đỗi quen thuộc nhưng rất bình yên, không như ngày ấy. Đường ngày nay tôi đang đi qua đây đã thấm máu bao nhiêu đồng đội thế hệ chúng tôi. Ở đâu đó vẫn còn xương cốt họ trong lòng đất chưa tìm thấy được... Buổi trưa nắng cháy ở nghĩa trang Tân Biên, anh Phạm Xuân Nguyên khe khẽ đọc câu thơ của Trần Mạnh Hảo, khi tôi đốt nhang cho những đồng đội của mình:
Tôi đi qua cuộc chiến tranh
Để bao đồng đội hóa thành nghĩa trang...
Để bao đồng đội hóa thành nghĩa trang...
Gần 10.000 người lính nằm lại nghĩa trang Tân Biên, hầu hết đều mười tám, đôi mươi. Tôi may mắn chưa có phần được ghi trên mộ chí.
Đó là những năm tháng ác liệt. Nhớ một chiều cuối năm 1986, giờ thể thao anh em đang đá bóng thì ùng... ùng... oành... oành..., mấy trái đạn DKZ 82 và B40 oanh tạc nổ ngay trên sân. Hỏa lực trực của đơn vị chỉ kịp lia theo vài loạt 12,7mm và vài trái cối 82. Kẻ thù không hình dạng. Trên sân bóng máu loang đỏ đất. Chỉ thấy lòng sục sôi!
Địch tập kích bất kể giờ giấc. Riêng mìn, thứ vũ khí sát thương đáng sợ, luôn rình rập trên các đường mòn. Một lần, ở đoạn từ phum Cọ-xoai-vay đến phum Cà-pơ, vài cây số băng ngang giữa đồng trống có cây cầu gỗ. Một sáng anh em đại đội đi thông đường, phát hiện có mìn và gỡ... Huế - quê Bình Trị Thiên, lính 1984 - đã không may khi trái mìn 652b nổ trên tay! Hai bàn tay chỉ còn lại hai ngón và hai con mắt đầy máu. Ở bệnh viện, đồng đội đến thăm, Huế đưa hai bàn tay băng kín mít ôm mặt khóc: “Trời ơi... Về rồi mình biết làm cái chi khi tay cụt,mắt đui! Sao tui không chết đi để ba mạ khỏi khổ!”. Anh em ôm nhau khóc ròng.
Ray rứt chuyện xưa và nay
Những người lính chúng tôi ai cũng khao khát về lại nơi mình đã gửi gắm một phần thịt xương tuổi trẻ. Nhưng nỗi lo cơm áo đè nặng trên đôi vai thường nhật, kiếm miếng ăn còn khó. Năm 2012, kỷ niệm 30 năm ngày nhập ngũ của lính 82 Bến Tre, tôi tìm đến và liên lạc được với bốn người bạn cùng đơn vị. Lần đến nhà hai bạn ở xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách thăm mà lòng tôi se thắt. Vẫn “thuốc rê vạn tuế, rượu đế muôn năm”, lời của anh Nữa nói khi mời tôi! Lứa chúng tôi khi tham gia quân ngũ có mấy ai được học hành đến nơi đến chốn. Nên sau khi ra quân, người may mắn có công việc tốt không nhiều, đa số đều vất vả mưu sinh, đủ ăn là mừng.
Trong buổi chiều nắng đã sắp tắt, khí trời se lạnh của ngày Noel, dưới chân Đài tưởng niệm quân tình nguyện VN tại Phnom Penh, đoàn Hội Nhà văn Hà Nội đến thắp nhang cho những đồng đội tôi đã hi sinh ở bên ngoài Tổ quốc. Riêng tôi thì thầm cầu xin các anh có linh thiêng, hãy giúp tất cả đồng đội của mình ngày trước, ai cũng đến được nơi này ít nhất một lần để hành hương trong phần đời ngắn ngủi còn lại của mình...
Tháng 12-1987 lứa chúng tôi xong nhiệm vụ, rời tay súng chia tay chiến trường. Từ tỉnh Bát Đom Boong cho đến Mộc Bài, đoàn đi mất hơn mười ngày vì những nơi đi qua đồng bào Campuchia đổ ra đường đưa tiễn. Những giọt nước mắt ngày chia tay với đồng đội còn ở lại, những vòng hoa của người dân Campuchia quàng lên cổ cùng những lời chúc của các bà mẹ: “Con tâu vinh sốc xà bay. Me nức côn chà rơn... - Con về mạnh khỏe. Mẹ nhớ các con nhiều...”.
Tôi không thể nào quên hình ảnh cuối trên đất bạn khi xe dừng ở cửa khẩu Bà Vẹt, gần 30 người lính chung xe cùng tôi - những gương mặt sạm nắng, bụi đường - đã ràn rụa nước mắt khi xe dừng nơi cửa khẩu, nghe trên loa ở vùng biên giới văng vẳng lời bài hát ấm áp quê nhà: Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày...
Bài hát nghe thật thanh bình...
LÊ THANH HOÀNG
(Đơn vị: D30 F309 MT 479/ HT: 9R 771 TP.HCM)
(Đơn vị: D30 F309 MT 479/ HT: 9R 771 TP.HCM)
No comments:
Post a Comment