Wednesday, January 22, 2014

Việt Nam đã áp dụng “Luật về tình trạng khẩn cấp” suốt nhiều năm qua!?

Nghe rất lạ?! Nhưng đó là thực tế và muốn nói một cách ví von khi so sánh một số quy định trong Luật về tình trạng khẩn cấp mà Thái Lan vừa ban bố với tình hình thực tế Việt Nam nhiều năm qua.
“Sắc lệnh này về lý thuyết sẽ cho phép các cơ quan an ninh áp đặt lệnh giới nghiêm, bắt giữ không cần cáo trạng các đối tượng tình nghi, kiểm duyệt truyền thông, cấm tụ tập quá 5 người vì mục đích chính trị…”
Những quy định tưởng như ghê gớm kia ở Thái Lan, thì quả tình lại quá bình thường, thậm chí quá “nhẹ” so với những thứ “luật” mà nhà cầm quyền cộng sản đã áp dụng ở Việt Nam. Không phải chỉ “bắt giữ không cần cáo trạng (lệnh của công tố), mà còn đánh đập, làm nhục, và tiếp tục truy bức sau khi thả ra v.v.. Không chỉ “kiểm duyệt truyền thông”, mà còn đưa ra đủ cách gây khó như nhắn tin, gọi điện, gửi công văn bắt đưa bài này, không đưa tin kia, … và kỷ luật, đuổi việc tùy tiện nhà báo, đình bản báo nào trái lệnh hay chỉ vì “phạm húy”.  “Cấm tụ tập quá 5 người vì mục đích chính trị” thì ở Việt Nam còn “độc” hơn là chỉ cần Chính phủ quy định thôi, và đã cóquy định bằng nghị định, chứ không thèm để Quốc hội ra luật nữa. Nó còn “oai” hơn khi không cần phải định rõ ra là có “vì mục đích chính trị” hay không, mà phải tự ngầm hiểu.
Một điều còn hơn cả “Luật về tình trạng khẩn cấp” là không có chế tài để kiểm soát sự lạm quyền của cơ quan pháp luật khi áp dụng thứ “luật” này, thậm chí mới đây Thủ tướng còn ra một nghị định, quy định rất sơ sài và mơ hồ, cho phép công an nổ súng khi gặp tình huống “chống người thi hành công vụ”.
Điều khôi hài cho chế độ CSVN là mới đó ngày đầu năm, ông Thủ tướng đưa ra bản gọi là Thông điệp năm mới“, trong đó nhấn mạnh “dân chủ”, “minh bạch”, được một số báo chí tung hô, lại cả vài vị trí thức thường đi đầu đấu tranh cho dân chủ, chống tham nhũng giờ cũng nức nở xuýt xoa như được mẹ cho quà, thì liên tiếp người dân bị trấn áp khi bày tỏ lòng yêu nước, hay đi thăm gia đình cựu tù nhân. Khôi hài thêm vì gần như cùng lúc, nước bạn Thái Lan cho ta biết một văn bản luật, nghe có vẻ khắc nghiệt, vạn bất đắc dĩ mới áp dụng, khi tình hình quá căng thẳng, chỉ trong 60 ngày, chỉ tại thủ đô và lân cận, thì nó lại quá … nhẹ so với thực tế ở Việt Nam suốt hàng chục năm trời, trong cả nước.
Thế thì làm sao lại không dám nói rằng “Việt Nam đã áp dụng ‘Luật về tình trạng khẩn cấp’ suốt nhiều năm qua”?
Mời xem:
22-01-2014
Trước nguy cơ bạo động tiếp tục gia tăng, chính phủ Thái Lan quyết định áp đặt luật tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok và 3 tỉnh xung quanh. 
Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp
Binh sĩ Thái Lan xuất hiện tại Bangkok sau khi chính phủ áp dụng luật tình trạng khẩn cấp – Ảnh: Minh Quang
Theo thông báo của chính phủ đưa ra chiều 21.1, luật tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 22.1 và kéo dài trong 60 ngày. Sắc lệnh này về lý thuyết sẽ cho phép các cơ quan an ninh áp đặt lệnh giới nghiêm, bắt giữ không cần cáo trạng các đối tượng tình nghi, kiểm duyệt truyền thông, cấm tụ tập quá 5 người vì mục đích chính trị… Chính phủ Thái giải thích rằng tình hình bạo động dự đoán sẽ gia tăng nên cần có biện pháp mạnh. Ngay chiều qua, binh sĩ đã xuất hiện tại nhiều khu vực ở Bangkok cũng như 3 tỉnh Nonthaburi, Pathumthani và Samut Prakan. Mặc dù vậy, Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố cảnh sát vẫn giữ vai trò chính trong việc bảo đảm an ninh thay vì quân đội.
Động thái trên được đưa ra sau nhiều vụ xả súng và tấn công bằng lựu đạn khiến ít nhất một người chết và hàng chục người bị thương trong mấy ngày qua. Đến nay, cơ quan điều tra cho biết chưa có thông tin gì mới về các vụ này, ngoại trừ suy đoán ban đầu rằng tất cả đều do cùng một nhóm thủ phạm gây ra.
 Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp 1
Phe biểu tình tuyên bố sẽ không tuân thủ luật tình trạng khẩn cấp – Ảnh: Minh Quang
Ngày 21.1, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố chiến dịch “chiếm Bangkok” vẫn sẽ tiếp tục bất chấp luật tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, phe này đang có dấu hiệu ngày càng đuối sức. Hôm qua là ngày thứ tám của chiến dịch biểu tình phong tỏa thủ đô nhưng số người tham gia giảm mạnh. Ở các điểm người chống đối chiếm giữ không còn đông như những ngày đầu dù ông Suthep vẫn ra sức đi vận động mỗi ngày. Nhiều người từ các tỉnh miền nam kéo lên Bangkok lúc trước đã tỏ ra chán nản và trở về nhà sau nhiều ngày biểu tình không có kết quả rõ rệt. Cảnh sát cho biết giao thông tại nhiều tuyến đường đi qua các khu vực chiếm đóng đã trở lại tương đối bình thường. Trong khi đó phong trào “áo trắng” quy tụ những người chống biểu tình và ủng hộ bầu cử bắt đầu lan rộng khắp Thái Lan. Các đảng cũng đã tiến hành vận động bầu cử, rầm rộ nhất là đảng cầm quyền Puea Thai ở các tỉnh bên ngoài Bangkok.
Minh Quang(VP Bangkok)
—————-
22-01-2014

Hãy đi thăm các cựu tù nhân lương tâm và gia đình các tù nhân lương tâm

Nguyễn Quang A
Chúng tôi định đi thăm các tù nhân lương tâm và gia đình họ ngày 18-1-2014, tôi mắc bận không đi được. Ngày 19-1-2014 khi dự lễ tưởng niệm Hoàng Sa tại tượng đài Lý Thái Tổ mới biết cuộc đi thăm tù nhân được chuyển sang ngày 20. Chứng kiến cảnh chướng tai gai mắt do công an (tôi tin những người mặc thường phục hôm đó cũng là công an mặc thường phục để che mắt thiên hạ) gây ra trong buổi tưởng niệm 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, nhưng tôi đã không nhắc đến sự kiện đau lòng và ô nhục vào buổi sáng đó trong bữa cơm tối với phó thủ tướng Vương quốc Bỉ, một giáo sư về luật hiến pháp và nhân quyền. Giá mà bữa cơm ấy diễn ra sau 20-1-2014 thì tôi đã có thể nói cho vị giáo sư đáng kính về kinh nghiệm bản thân mà tôi tóm tắt sau đây.
Ngày 20 -1-2014 chúng tôi đi thăm và cuộc viếng thăm này đã kéo dài ngoài dự kiến. Đến tận sáng 21-1-2014 lúc 0 giờ 13 phút tôi mới về đến nhà sau hơn 3 giờ bị câu lưu trái pháp luật tại xã Chương Dương, huyện Thanh trì Hà Nội cùng 6 người bạn khác. Trả lời nhà báo Trần Quang Thành xong tôi lên giường đánh một giấc đến hơn 7 giờ sáng, rồi lại phải đi họp ở xa Hà Nội nên chỉ kịp gửi email cảm ơn bạn bè đã quan tâm đến việc xảy ra tối qua ngày 20-1-2014 và hứa sẽ viết lại tóm tắt để mọi người rõ.
Chiều mới quay lại Hà Nội và nhận được rất nhiều điện thoại từ những người quen và các sứ quán trước và trong lúc viết mấy dòng này và quên mất việc mình có lịch đi dự Quốc khánh Australia tại khách sạn Melia (rất xin các bạn Úc thứ lỗi).
A. Vài sự kiện
Chúng tôi gồm nhà thơ, cựu chiến binh Nguyễn Tường Thụy, anh Lê Hùng, anh Vũ Mạnh Hùng, anh Nguyễn Lân Thắng, anh Nguyễn Kim và cô Thảo đã đến thăm cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội tại xã Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội. Cuộc viếng thăm nhân dịp tết sắp đến kéo dài khoảng 20 phút, chúng tôi xin phép ra về vì đã muộn và còn phải đi thăm những người khác nữa.
1. Ra đến đường làng ngay trước cổng nhà anh Trội thì gặp hơn 20 người mặc thường phục vây quanh, cản không cho chúng tôi đi. Họ “mời” chúng tôi đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã để làm việc. Chúng tôi hỏi họ là ai, họ có quyền “mời” như vậy hay không? Và nếu là “mời” thì lời mời đó bị chúng tôi từ chối. Họ không chứng minh được tư cách của họ (thí dụ bằng trương ra thẻ công an của họ; thậm chí có một người được gia đình anh Trội nói là an ninh ở huyện đã từ chối nhận mình là công an mà chỉ nói anh ta là một người dân) nên chúng tôi không đi. Lúc họ nói họ rất tôn trọng chúng tôi nên mới “mời,” lúc họ đe dọa, thậm chí văng tục, và ép mọi người đến ủy ban, sau khi mời không xong họ bảo “tôi yêu cầu chứ tôi đ. mời nữa!”. Giữa chừng hai xe của chúng tôi (trong đó có một taxi) đã bị họ lùa đến sân Ủy ban. Với sức mạnh cơ bắp và bạo lực họ đã áp giải chúng tôi đến Ủy ban. Khoảng thời gian giằng co trước cổng nhà anh Trội đến Ủy ban xã hết khoảng 30 phút và cộng thêm thời gian họ áp tải chúng tôi đến Ủy ban xã tổng cộng hết khoảng 35-40 phút. Chi tiết những lời lẽ trao đổi dọc đường có thể nghe trên 3 clip của Nguyễn Lân Thắng có độ dài 17:54, 13:18 và 10:20.
2. Khi đã vào đến Ủy ban Xã, họ đưa 6 người chúng tôi lên Văn phòng Đảng ủy Đảng Cộng sản Việt Nam xã Chương Dương (!!!). Lúc đó là 20 giờ ngày 20-1-2014. Xuất hiện ba người: Ông Phạm Nhật Cường trưởng công an xã, ông Khánh và ông Hải từ an ninh huyện Thường Tín. Ông an ninh huyện trợ giúp pháp lý cho ông Cường và nói rằng theo quy định trưởng công an xã có quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân của chúng tôi còn họ (từ huyện) thì không có chức năng đó. Họ yêu cầu chúng tôi cho họ xem chứng minh nhân dân (4 người có, 2 người không mang CMT theo người). Tôi bảo anh Cường rằng lẽ ra anh đã phải có mặt 30-40 phút trước ở trước cổng nhà anh Trội, trương thẻ công an của mình ra và với tư cách trưởng công an xã anh giải thích rằng theo quy định luật pháp anh có quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân theo đúng thủ tục thì chúng tôi đã đưa CMT cho anh xem và việc đó hay hơn việc câu lưu chúng tôi rất nhiều. Vì cách làm của các anh là hoàn toàn trái luật và vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Trong suốt quá trình ở Văn phòng Đảng ủy 3 người họ thay phiên nhau ra ngoài hoặc đi xuống tầng trệt (chắc là để trao đổi hay nhận lệnh).
3. Lúc 9h45 có 3 xe nghe nói là từ Bộ Công an đến với nhiều người từ trên bộ. 10h00 anh Cường nói với tôi “mời anh Quang A xuống dưới để mấy anh hỏi vài chuyện”. Tôi bảo anh Cường, anh hãy xuống và bảo mấy anh ở dưới đó “Tôi cám ơn lời mời, nhưng lời mời của họ không được tôi chấp nhận. Tôi không có chuyện gì để trao đổi với họ. Việc anh (Cường) có quyền hỏi CMT thì tôi đã đưa CMT cho anh và thế là xong chuyện, không còn gì để nói hay để bàn nữa. Nếu mấy anh ấy có lên trên này trước mặt 5 người khác và có hỏi tôi bất cứ gì tôi cũng sẽ không trả lời.” Không ai khác được mời xuống để hỏi riêng. Chúng tôi ngồi uống nước suông với cái bụng đói mèm. Anh Trội ra mua được 2 gói bánh, tôi làm 4 chiếc với nước lã và ngồi đợi cùng mọi người.
4. 10h40 xuất hiện 3 người với video camera quay chúng tôi từ mọi góc. Lúc này chúng tôi mới bảo họ rằng “Ngay từ đầu chúng tôi đã hỏi các anh để chúng tôi quay toàn bộ cuộc câu lưu này thì các anh đã không chấp nhận, bây giờ các anh chĩa vào mặt chúng tôi quay mà chẳng thấy xin phép chúng tôi gì cả,” nhưng chúng tôi đã quá quen cảnh bất lịch sự này rồi nên bỏ qua.
5. Anh Cường quay lại và bảo chúng tôi ký biên bản. Chúng tôi nói việc đưa CMT cho anh kiểm tra là đã xong. Chúng tôi không liên quan gì đến cái văn bản do các anh tự viết ra và gọi là biên bản cả và nhất quyết sẽ không ký vào bất kỳ giấy tờ nào. Anh Cường nói thế thì phải làm biên bản rằng các bác không ký. Chúng tôi bảo cái đấy tùy anh và chúng tôi không liên quan. Họ viết một tờ giấy gọi anh lái xe taxi lên ký làm chứng. Chúng tôi không biết hai văn bản đó họ viết gì.
6. Anh Nguyễn Kim đi xuống rồi chúng tôi nghe tiếng ồn lớn và tiếng kêu la rất to. Chúng tôi kéo xuống và thấy anh Kim bị đánh và đang kêu rất đau. Chúng tôi dìu anh lên, anh nói có một tên đánh anh 4 cú và định kéo anh vào phòng riêng, nhưng do anh la to và chúng tôi xuống kịp thời nên nó thôi (cũng tại đây một thời gian trước đã xảy ra việc một khách đến thăm anh Trội đã bị đánh gãy xương).
7. Anh Cường quay lại nói 5 người có CMT (thêm anh Kim người lái xe nên không bị đưa lên Văn phòng Đảng ủy Xã ngay từ đầu, nhưng họ thấy anh nói chuyện thân mật với vợ anh Trội, chứng tỏ anh cũng quen biết anh Trội nên đã bị đưa lên sau và bị hỏi CMT) có thể ra về, còn 2 người không có CMT ở lại chờ xác minh. Chúng tôi nói chúng tôi chờ xác minh xong thì về một thể. Một lúc sau họ nói đã xác minh xong và mời chúng tôi ra về. Lúc này vừa đúng 23 giờ.
8. Xuống sân đèn tối om. Chúng tôi đòi họ bật đèn sân, họ bảo bị mất điện (trong khi trên phòng điện vẫn sáng). Cổng bị khóa chặt từ lúc câu lưu chúng tôi được mở ra. Anh Trội có đèn pin dẫn chúng tôi ra cổng. Anh Kim vạch áo và có thể thấy một vết xước rớm máu dài trên bả vai. Gần 20 bạn hữu đến ứng cứu chúng tôi từ ngoài đường tràn vào sân. Một người hô to “đả đảo công an đánh người” và mọi người hô theo “đả đảo,” “đả đảo”. Hô ba bốn lần thì họ ép được chúng tôi ra khỏi cổng và khóa cổng lại. Chúng tôi lên xe về nhà.
B. Vài bình luận sơ bộ
1. Những người tự xưng là công an trong đoạn A.1 kể trên đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, không hiểu chút gì về quyền con người và rất hách dịch với dân. Chúng tôi đòi công khai ngân sách nhà nước chi cho lực lượng công an, giành một phần thích đáng kinh phí đó để dạy công an về pháp luật, về nhân quyền, về việc không được vi phạm pháp luật và hỗn láo với dân những người đã đóng thuế để nuôi họ và toàn bộ bộ máy nhà nước này.
2. Chỉ có đi thực tiễn mới thấu hiểu được sự vi phạm nhân quyền, sự lạm dụng quyền lực tràn lan đến thế nào, nhất là ở vùng nông thôn nơi người dân chưa hiểu rõ quyền của mình và thường xuyên bị những người nhân danh nhà nước hành hạ, đối xử một cách hỗn láo và thô bạo. Chính vì thế tôi cầu mong càng nhiều người (nhất là các trí thức) hãy đi thăm các cựu tù nhân lương tâm, gia đình các tù nhân lương tâm (đang ở trong tù) để hiểu hoàn cảnh của họ và những âm mưu thâm độc của một số người lạm dụng quyền lực (mà chủ yếu là lực lượng công an) đã và đang tìm mọi cách cô lập họ về mọi mặt, triệt phá mọi kế sinh nhai của họ (hầu hết việc sản xuất kinh doanh hay công việc kiếm tiền của họ bị triệt hạ một cách hết sức tinh vi và hiểm độc). Việc thăm viếng này là quyền của chúng ta và không một thế lực nào có thể cản chúng ta. Chúng ta cũng nên tổ chức đi thăm các tù nhân lương tâm; việc này cần được phép của cơ quan chức năng vì các tù nhân lương tâm đang trong nhà tù. Và tất nhiên chúng ta phải liên tục lên tiếng đòi thả hết các tù nhân lương tâm.
3. Chúng ta có thể đọc và tưởng là hiểu rất nhiều. Tôi có thể khẳng định một giờ mà quý vị đến thăm họ để biết hoàn cảnh thật của họ tại gia đình họ, thì một giờ đó có thể giúp quý vị hiểu nhiều hơn một năm chỉ đọc và chỉ nghe. Hãy thường xuyên đến với họ, bày tỏ sự đoàn kết với họ và đấy là một trong những cách phá vỡ sự cô lập chết người mà một số kẻ lạm dụng quyền lực đã và đang gây ra một cách hết sức tinh vi và dã man cho các tù nhân lương tâm và gia đình của họ.
N. Q. A.
———————–
20-01-2014

Một buổi sáng giàu kịch tính tại vườn hoa Lý Thái Tổ

Nguyễn Huệ Chi
Đọc những lời “có cánh” của ông Dương Danh Dy trên BBC người ta cảm thấy có quyền hy vọng rằng năm nay buổi lễ tưởng niệm chẵn 40 năm Hoàng Sa mất về tay cướp biển Trung Cộng chắc phải có cái gì khác. Sao lại không nhỉ, dầu không nói ra thì như thông lệ, ai mà chẳng biết Nhà nước đã bật “đèn xanh” cho các báo được đề cập đến câu chuyện Hoàng Sa. Mà gì chứ động đến những điều đã từng ứa máu trong trái tim mỗi người về quyền bảo vệ độc lập thiêng liêng của Tổ quốc thì phải biết, nói bao nhiêu và trong bao nhiêu ngày cho vơi cạn được! Bài vở phong phú mấy đi nữa cũng không thể nào gọi là vừa. Vì thế mới có hiện tượng các tờ báo đã rộ lên đưa tin, viết bài, khiến một người từng trải như ông Dương Danh Dy không khỏi khấp khởi trong bụng. Chúng tôi đều trong tâm trạng đó. Rồi lại có lá thư tha thiết của ông Nguyễn Khắc Mai gửi đến các vị lãnh đạo đất nước, mong một lễ tưởng niệm được diễn ra suôn sẻ và đầy xúc động trong sự “đồng thuận” giữa hai bên, dân chúng và nhà cầm quyền. Ai có lòng với dân với nước mà không mong như thế, không tưởng tượng trước trong đầu mình một hình ảnh “mỹ mãn” như thế. Một lễ tưởng niệm thật trang nghiêm, lại có sự góp mặt của ít ra cũng một vị lãnh đạo ở cấp nào đó, thôi thì không phải tối cao đi nữa ít ra cũng là đại biểu cho Hà Nội chẳng hạn, sẽ giải tỏa đi biết bao điều gây nên hố ngăn cách ngày càng sâu từ mấy chục năm qua, và là cơ hội ngàn vàng để thực hiện cái điều mà Hà Nội từng tuyên ngôn cao giọng cũng đã suốt mấy chục năm, kể từ đầu thập niên cuối thế kỷ XX cho đến tận hôm nay, nhưng vẫn chỉ là chuyện “bọt mép”: chuyện hòa giải hòa hợp giữa những lực lượng khác chính kiến với nhau do cuộc chiến bi thảm gây nên song chưa có cơ hội hàn gắn, trái lại càng thêm nứt rạn bởi những chính sách tệ hại mà “bên thắng cuộc” đã độc đoán thi hành.
Cố nhiên việc các báo đột nhiên im re từ hai ngày trước lễ kỷ niệm cũng đã cho ta ngửi thấy một cái gì đó có vẻ là bất thường. Dù sao, đã là hy vọng ấp ủ trong ngần ấy năm trời ai mà chịu để nguội tắt. Đó chính là những gì ám ảnh trí óc tôi trong buổi sáng mát lạnh ngày Chủ nhật 20-1 tôi ngồi trên xe ôm đi ra bờ Hồ Gươm. Dúng 8 giờ rưỡi tôi xuống xe sát mép vườn hoa Chí Linh. Nhìn về phía tượng đài Lý Thái Tổ thấy người đã tập hợp rất đông, dàn thành một hàng về phía trái bức tượng, còn khắp công viên thì người đứng lố nhố và khuôn mặt nào như cũng có vẻ tươi tỉnh, trong lòng đột nhiên thấy bừng lên một niềm vui rạng rỡ. Lại thêm có cái gì như khói trắng từ dưới tượng đài bốc lên che mờ cả pho tượng. Ô, thế ra người ta đốt nhang nhiều đến thế kia ư? Hay đây là một thứ pháo xịt mua của các cửa hàng Tàu, đốt lên cho thêm long trọng? Nghĩ thế, tôi náo nức bước nhanh lên các bậc cấp và đi về phía tượng đài.
Và tôi đã… hoàn toàn vỡ mộng. Người biểu tình quả đến rất đông, mới 8 giờ rưỡi mà đã có trên một trăm, đủ cả mặt quen và lạ. Nào Nhóm Cánh Buồm với nhà giáo Phạm Toàn dẫn đầu, có các đệ tử đi sát theo sau. Nào nguyên Viện trưởng IDS Nguyễn Quang A với chiếc blouson nhung nâu vàng cũ quen thuộc và khuôn mặt quắc thước bởi một vết sẹo ở dưới gò má trái rất đặc trưng cho tính cách của anh. Nào nhà văn Dương Tường đôi mắt long lanh và lớp râu cằm trắng lởm chởm sáng nay chưa kịp cạo. Nào Ba Sàm cầm một cây sào inox trên là chiếc camera treo lủng lẳng nhằm thâu tóm tất cả quang cảnh đang sôi động trước mắt. Nào Thượng tá Nguyễn Văn Cung hai tay hai máy, không nói chỉ cười vì bận bịu tác nghiệp. Nào Nguyễn Xuân Diện chạy hết phía này sang phía nọ, mắt nhìn như muốn điểm xem có thiếu ai không. Rồi Nguyễn Lân Thắng, Đào Tiến Thi, Lê Anh Hùng, Bích Phượng, Hà Thị Xuân, Lã Việt Dũng…, đặc biệt Phan Châu Thành, người bạn cao lớn khỏe mạnh hôm trước còn tặng tôi cuốn cẩm nang Hoàng Sa Trường Sa hôm nay đã phải chống gậy đi rất khó khăn nhưng dáng bộ vẫn mạnh mẽ. Hai anh em ôm lấy nhau, cái ôm nồng nhiệt như đang ôm Hoàng Sa trong tay mình. Còn anh chị em đội bóng NoU thì đứng khắp nơi, đâu cũng nhìn thấy. Lại có cả rất nhiều dân oan với ảnh cụ Hồ đen trắng thời kháng chiến chống Pháp vừa đi vừa giơ lên ngang ngực như cho người ta biết mình không bao giờ quên câu khẩu hiệu “Người cày có ruộng” ông cụ nói thuở nào – có bà ở tận Bình Dương xa xôi cũng ở trong đoàn người này – mà điểm phân biệt họ với dân Hà Nội là cái dáng lam lũ, lếch thếch, nước da đen xạm vì dầu mưa dãi nắng. Đoàn người còn tiếp tục lũ lượt kéo tới, lát sau đã thấy vợ chồng GS toán học Nguyễn Đông Yên, anh chị ấy bị chậm chân một chút vì cứ tưởng buổi lễ sẽ cử hành trước tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” nên quanh quẩn đàng ấy khá lâu.
Nhưng tất cả cái khối người đông đảo ùn ùn kéo đến và hăm hở từ xa đều đột nhiên vỡ mộng như tôi, vì ai cũng như ai, bị ách cả lại chừng 20 mét trước tượng đài Lý Thái Tổ. Một tốp thợ đá đang chia nhau ngồi lầm lỳ cưa xẻ những phiến đá lớn nhỏ xung quanh tượng đài (mà chốc sau, khi đã vãn cuộc tôi đi quanh nhìn ngó mới biết các phiến đá họ cưa chỉ là cưa để lấy bụi nên ném vương vãi khắp nơi, hằn sâu lằn ngang lằn dọc như những chú chó đá há miệng cười trong truyện cổ tích, đến là khôi hài). Thì ra đám bụi bốc lên rất cao che mờ cả bức tượng mà vừa đến đầu đường tôi cứ tưởng là khói hương nghi ngút, chính là đám bụi đá do những người thợ đá “hành nghề không đúng lúc” này đây. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau: một mưu kế đáng gọi là “kịp thời” nhưng cũng đáng gọi là “cùng kế” của đám bộ máy chức năng, cốt để cản trở buổi lễ mà họ cầm chắc là sẽ rất xúc động – mà sự xúc động của lòng dân thì chính là điều bất lợi với nhà cầm quyền nếu nó được tổ chức trọng thể. Dĩ nhiên, với người đã đến đây tưởng niệm thì bụi đá đâu có thấm gì. Người nào cũng hăng hái bước tới, sẵn sàng xông qua đám bụi không ngại lấm lem quần áo để áp sát tượng đài. Thì đã có đây rồi: một đám người mặc thường phục chờ sẵn làm thành hàng rào đẩy họ bật trở lại. Tôi nhìn lướt đám người lặng thinh mà bặm trợn: áo xanh cứt ngựa, áo xanh lá cây năm nay không có nhiều, có thể nói so với mọi năm là một con số không đáng kể, ngay trên khu vực tượng đài chỉ độ mươi lăm cậu là cùng. Nhưng kẻ khoác áo thường phục thì đông vô kể, đông hơn hẳn người biểu tình. Mới vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc có khác, bộ mặt của đội quân chức năng đã được cố tình “trang trí” lại cho hợp với tình thế mới, tuy rằng các xe cảnh sát vẫn đậu nhan nhản ở các ngả đường và vẫn phát oang oang những lời không có gì khác trước: “Đồng bào hãy giải tán ngay, không tụ tập đông người ở vườn hoa… lợi dụng vấn đề nhân quyền làm cho tình hình phức tạp…”.
clip_image002
“Chúng cho thợ mang máy cưa xẻ đá ngồi ngay trước tượng đài, gây tiếng ồn và bụi bay mù mịt, bảo là khu vực đang thi công… mặc dù chả có cái gì cần xây sửa ở chỗ này!”.
clip_image004
“Đây là một khối đá mà chính quyền Hà Nội cho mang vào ngay dưới chân tượng đài vua Lý, rồi dùng máy xẻ đá cắt ngang cắt dọc để gây tiếng ồn và bụi khói bay mù mịt, hòng ngăn cản lễ tưởng niệm được diễn ra trong sự trang nghiêm, thành kính”.
Cuộc xô lấn đã diễn ra liền ngay đó, kèm theo một “sự cố” có thể nói là mới mẻ: có những kẻ cầm sẵn nơi tay một chiếc loa to với âm lượng phát hết cỡ, đứng lẫn vào đám đông chĩa thẳng tận tai bà con và nói một câu lặp đi lặp lại: “Mời đồng bào giải tán ngay không tụ tập ở đây để thợ đá còn thi công cho kịp tổ chức lễ Tết nguyên đán”. Người nói không thay đổi âm lượng và khuôn mặt lạnh tanh không biểu cảm, nói liên miên lặp đi lặp lại có mỗi một câu, nhưng âm thanh phát ra thì xói vào tai với một cảm giác rởn người, nghe không ai chịu nổi. Chính tôi cũng đã bị chiếc loa ấy đẩy bật mình đi mặc dù không có ai đẩy cả. Chắc đây là một mưu kế mới học được của “ông anh” rồi, ngay cả chiếc loa cũng rất đáng ngờ là họ mới thửa được của Tàu và đề thêm chữ CAND vào đấy. Nhưng điều mà kẻ sinh sự không ngờ tới lại chính là chiếc loa tội nợ đó, bởi nó là nguyên cớ làm bùng lên một cơn giận dữ đột nhiên không ai có thể lường. Lập tức những tiếng hô: “Đả đảo bọn tay sai bán nước”, “Đả đảo bọn tay sai của Tàu Cộng” vang dội lên, muôn người như một chĩa miệng trở lại sát vào mặt kẻ cầm loa hô tiếp theo nhau, và dồn dập không ngớt, khiến tôi quan sát thấy rõ kẻ này có lúc đã phải chùn. Sự nhục nhã hình như đã bắt anh ta dao động trong giây lát. Anh Dương Tường ghé tai tôi nói: “Tôi thấy thương cho anh ta quá anh ạ, anh ta phải muối mặt làm một việc mà chắc trong thâm tâm cũng tự thấy tởm cho chính mình, nhưng lại không thể không làm”. Tôi gật đầu với anh, nhưng chưa kịp nói câu gì đã phải quay mặt lại ngay vì sau một lúc có vẻ như bị ứ nghẹn, tiếng loa lại tiếp tục cất lên với cái giọng đều đều rởn người như trước. Người đọc loa vẫn không có động thái nào tỏ ra giận dữ song loa thỉ vẫn chĩa sát vào tai đám người đối diện một cách thách thức, buộc họ phải né người hoặc lui một bước. Giữa tình thế “giáp mặt” đang căng như vậy, kịch tính bỗng nhiên đã nảy sinh. Khi chiếc loa chĩa vào J.B. Nguyễn Hữu Vinh thì anh đứng thẳng ngay người lại, nghiêm trang lật chiếc mũ phớt xuống, vểnh tai lên và nói: “Nào cứ phát lên, phát to lên, tôi sẵn sàng nghe đây”. Chiếc loa lần này đã không làm lay đảo được anh và mọi người nhìn anh hân hoan, cứ như một Lệnh Hồ Xung đang hiên ngang lâm trận và chiến thắng, đến nỗi một kẻ trẻ tuổi đi sát bên kẻ phát loa đã phải sấn đến cố dùng sức để ẩy con người gang thép đứng trước mình làm cho anh ta xốn mắt, và đành giải quyết bằng sức mạnh cái điều mà anh phát loa bất lực hoàn toàn.
clip_image006
clip_image008
Cuộc mít tinh trước tượng đài thế là không tổ chức được. Anh Toàn rút ra một tờ giấy bảo: “Có mấy câu tưởng niệm liệt sĩ đây định để anh đọc, nhưng còn làm thế nào mà đọc bây giờ”. Tôi cười bảo: “Cứ cất vào túi làm kỷ niệm cái ngày lịch sử hôm nay. Biết đâu đấy, sách giáo khoa Cánh Buồm sẽ in nó”. Vậy mà, người Việt thật là dẻo dai và ứng biến thật linh động. Trong khi nhiều người “tai mắt” đang bận ứng phó với những kẻ phát loa cùng một đám lầm lầm đi theo với khí thế của vai và cơ bắp ở phía gần bức tượng thì ở một phía xa hơn, bà con đã nhân cơ hội tụ tập lại rất đông trước những bậc thềm đi xuống khoảng sân rộng nhìn ra mặt Hồ Gươm. Và thế là khẩu hiệu ở đâu rút ra liền, đủ loại đủ cỡ, trắng đỏ như bươm bướm: “Tẩy chay 16 chữ vàng và 4 tốt”, “Sang năm tới Hoàng Sa”, “Tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sĩ”, có cả một băng rôn dài in hình liệt sĩ Ngụy Văn Thà trẻ trung với những lời trân trọng: “Đời đời nhớ ơn anh hùng Ngụy Văn Thà và đồng đội”… Phan Châu Thành đặt gậy sang một bên tay, rút từ trong xắc một tấm băng rất to màu xanh: “Đả đảo Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam – Quyết giành lại biển đảo của Tổ quốc” và mọi người cầm lấy giương cao lên. Không khí trang nghiêm của cuộc mít tinh bắt đầu. Mỗi tiếng hô dõng dạc “Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam”; “Các liệt sĩ Hoàng Sa đời đời bất diệt” thì tiếng hô đế theo rền vang làm chấn động cả quảng trường kèm theo mỗi người một cành hoa trắng bọc nilon từ đâu giơ cao lên đều tăm tắp. Cứ như thế có đến 15 phút và sự phấn khích lan tỏa trên nét mặt của hầu như tất cả những ai đang hiện diện. Có lẽ đây chính là cao trào của buổi sáng hôm nay và chắc chắn cái thông điệp nén trong lòng người dân Việt giờ đây đã có dịp phụt ra, bay đến tận tai Bắc Kinh.
clip_image010
clip_image012
1
clip_image016
clip_image018
clip_image020
clip_image022
clip_image023
clip_image025
Không ngờ phía những người biểu tình lại có được một thành công ngoài ý muốn, đám người cầm loa và những kẻ hộ vệ lật đật bỏ ngay việc đứng chắn trước tượng Lý Thái Tổ để phát loa, chia nhau chạy tới dẹp những người đang tụ tập và hô khẩu hiệu. Nhưng họ chỉ phí công. Mọi sự đã xong rồi. Người ta tản ra, người thì quay trở lại phía tượng Lý Thái Tổ để dâng hoa, bấy giờ đám thợ cưa đá cũng đã biến đâu mất tăm không còn một bóng nào nữa, tha hồ cho đồng bào tự do đặt hoa và khấn vái; người thì kéo ra phía con đường bao quanh Hồ Gươm chuẩn bị một cuộc biểu dương lực lượng như mọi lần. Đi đầu là các bà dân oan tay cầm ảnh cụ Hồ, dấn bước với gói bị lếch thếch. Chàng Ba Sàm cầm chiếc gậy inox lêu đêu đã kịp đi trước để quay cuộc diễu hành của bà con. Nhưng thế này thì gay go to cho các chú chức năng. Đã thua trong cuộc đọ sức vừa qua, vì sơ hở để cho đám đông vẫn cứ tập hợp để hô vang khẩu hiệu được, bây giờ mà lại để cho cuộc diễu hành thực hiện nữa thì rõ là hai bàn thua trông thấy. Thế là kẻ cầm loa cùng đội ngũ bỏ luôn loa, kêu gọi nhau tất lực chạy theo đám diễu hành. Họ chạy băng giữa đường Đinh Tiên Hoàng, hùng hổ xông lên trước đoàn, đẩy bật đoàn trở lại. Sức mạnh cơ bắp vốn được dùng quen thuộc mọi lần nay mới có dịp phô ra không còn giấu giếm. Đối tượng bị co kéo trước tiên và có lẽ cũng là chủ yếu chính là đám các dân oan. Người nào cũng bị những bàn tay to lớn lôi giật, làm cho dúi dụi, cướp phá cả đồ đạc trên tay, phải hai ba người hè nhau co kéo với họ kể từ chiếc dép mới thoát.
clip_image027
Một đám côn đồ với trật tự xúm vào đánh mấy phụ nữ.
Nhìn những người thấp bé mặt đen đủi, nhễ nhại mồ hôi, tôi cứ thầm hỏi: “Vì sao họ lại là đối tượng hàng đầu của an ninh trong một cuộc biểu dương lực lượng nhẳm bày tỏ lòng yêu nước và mối thù không đội trời chung đối với lũ Tàu Cộng tàn bạo và vô cùng thâm hiểm thế nhỉ?”, “Họ là mối đe dọa thực sự của Đảng và Nhà nước đấy sao?”. Vừa đi vừa bần thần suy nghĩ mà thú thực tôi vẫn không sao tìm được lời giải cho mình. Chốc sau, khi cuộc diễu hành đã bị giải tán, một thanh niên đã bị hai kẻ thường phục ép sát giải đi ngược trở lại phía vườn hoa Lý Thái Tổ, các bà dân oan mệt nhọc lê gót trở về, đi qua chỗ tôi và các anh Phạm Toàn, Dương Tường đang ngồi nghỉ trên một chiếc ghế đá quay mặt ra Hồ Gươm, một bà dừng lại than thở với chúng tôi: “Các anh ơi, mẹ còn gì nữa đâu. Con mẹ chết trận, nhà mẹ chúng cướp rồi. Bây giờ mẹ lấy đường làm nhà đi khắp từ Nam ra Bắc. Tiện gặp biểu tình đây thì mẹ tham gia thôi”. Các anh Toàn và Tường an ủi mẹ, riêng tôi không hiểu sao chợt liên tưởng tới những cái chợ tại trung tâm Thủ đô Hà Nội, chúng cũng bị cướp đi một cách trắng trợn và thương tâm như cuộc đời của mẹ vậy. Chúng bị bán sạch, để cho những tay doanh nhân hám lời chiếm lấy làm của riêng xây trung tâm thương mại, không chừa một cái nào; còn dân thì tất tật phải ra náu tạm tại các đường phố Phùng Hưng, hai bên bờ sông đường Láng, một vườn hoa gần đường Linh Lang, v.v. Nói chung cứ nơi nào náu được thì náu với lời hứa rất ngon lành của những kẻ đứng đầu thành phố, rằng đấy chỉ là trú tạm, ít lâu nữa sẽ trở về khi khu chợ đã “đàng hoàng to đẹp hơn”. Nhưng rồi có bao giờ người buôn bán lại được trở về chốn cũ nữa đâu vỉ chợ đã biến thành của riêng, còn đường phố Hà Nội thì vốn đã nhếch nhác lại nhếch nhác thêm một tầng nấc nữa. “Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng…”, sau này chắc khi viết lịch sử Thủ đô các ông Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc… sẽ phải tính điểm cho mấy ngài Phạm Quang Nghị, Nguyễn Thế Thảo, nhất định là thế. Họ đã có công giảm bớt đi được những đường phố vốn trước rất đàng hoàng mà nay thì không bao giờ tìm thấy lại, trừ phi đẩy đám người buôn bán gọi là “tiểu thương” đang náu tạm ở những mái nhà lụp xụp kia gia nhập vào đám dân oan. Dám thế lắm. “Đất nước ngày nay có những người cứ phải đi phiêu lưu cùng trời cuối đất mà không biết đi đâu”, câu nói ấy của anh Hoàng Ngọc Hiến trong hội thảo kỷ niệm 35 năm văn học cách mạng ở đâu bỗng hiện ra ám ảnh tâm trí tôi.
Sau khi đám dân oan ghé lại tâm sự vài câu rồi đi được một chốc, bỗng chúng tôi lại nghe tiếp một giọng nói quen thuộc phát ra từ phía sau lưng: “Mấy người đứng dậy đi ngay đi, đừng ngồi ở nơi này mà mất trật tự. Và nhớ là đừng có nghe Nguyễn Quang A. Trong khi tôi đây đi bộ đội thì anh ta đi học nước ngoài”. Cái giọng không có loa mà không lẫn vào đâu được, đúng là anh cầm loa đối diện với bà con lúc nãy trước tượng đài. Bây giờ anh ta mới bộc lộ cá tính thật. Anh Dương Tường cười bảo: “Cậu ta cứ tưởng mấy bố này không đi bộ đội mà chỉ có mình cậu ta chắc. Thế mà lúc nãy cứ thương cho cậu ta bị dân hành”. Các cô gái trẻ đệ tử anh Toàn vẫn giọng nhỏ nhẹ nói: “Đây là vườn hoa mà anh ta ăn nói cứ như ông tướng”. Còn Anh Toàn đưa mắt nhìn theo bóng cậu ta: “Cậu ta đi nhanh quá chứ không thì bảo ngồi ghé xuống đây chơi với bọn mình ta đối thoại một lúc. Biết đâu có một mẫu người hay cho cuốn giáo khoaCánh Buồm lấy làm đề tài được đấy”.
Nhân anh Nguyễn Đông Yên và vợ đi qua chào, tôi cũng đứng lên gọi xe taxi, kết thúc một buổi sáng được chứng kiến những vở chính kịch và hài kịch xen lẫn nhau trong cái ngày cách đây đúng 40 năm 74 người con chân chính của đất nước Việt Nam đã ngã xuống giữa biển khơi vì Tổ quốc. Chắc ngày ấy họ không thể đoán được 40 năm sau cái chết của họ lại có lắm chuyện đến là trớ trêu: kẻ hô hào rất nhiều về độc lập tự do – “không có gì quý hơn độc lập tự do” – thì  có hay đâu từ mình lại nảy nòi ra một “đàn hậu sinh” trở thành phường quyết liệt chống phá người yêu nước đến là trơ trẽn, còn người dân bên phía chiến tuyến đối lập với họ – những “ngụy quân” trong cách nói đầu cửa miệng một thời của các ông lãnh đạo –, thì cũng có hay đâu nay lại tìm thấy ở họ một niềm an ủi làm cho mình thấy ấm lòng.
N.H.C.
Chú thích: Ảnh không ghi nguồn là lấy từ FB của Nghiêm Việt Anh

No comments:

Post a Comment