Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa (1.1974 – 1.2014), chiều nay 18.1.2014, vào lúc 16h CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức thánh lễ tưởng niệm, tri ân và cầu nguyện cho tất cả đồng bào và chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) tại Phòng họp Phạm Tiên Long, 43 Nguyễn Thông, Quận 3 TP.HCM, dưới sự Chủ tế của Linh mục Nguyễn Trọng Viễn, PCN CLB Phaolo Nguyễn Văn Bình.
Đến tham dự thánh lễ khoảng 100 người, chúng tôi thấy sự hiện diện của NNC Nguyễn Đình Đầu, Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, GS Tương Lai, PGS.TS Hoàng Dũng, TS Nguyễn Thị Phương Anh, TS Phạm Chí Dũng, TS Nguyễn Xuân Nghĩa, Nhà báo Lê Phú Khải, Nhà văn Hoàng Hưng, ông Huỳnh Kim Báu, Nhà báo Thế Thanh… Đặc biệt với sự có mặt của Bà Quả phụ Ngụy Văn Thà (Nhũ danh Huỳnh Thị Sinh), Bà Quả phụ Nguyễn Thành Trí (Nhũ danh Ngô Thị Kim Thanh).
Hàng ghế đầu, từ trái: Nhà văn Phạm Đình Trọng, bà Ngô Thị Kim Thanh, bà Huỳnh Thị Sinh, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu
Mở đầu, NNC Nguyễn Đình Đầu đã ôn lại quá trình bảo vệ tổ quốc trên Biển Đông bằng bài tham luận “Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam”.
“Hòa bình không thể tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý, được hổ trợ bằng sự hy sinh, lòng khoan dung nhân từ và tình yêu thương của con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các quốc gia, nhất là các nước lớn mạnh biết tôn trọng các công ước quốc tế được ký kết, biết đối xử bình đẳng, tôn trọng giữa các quốc gia và biết đối thoại trong sự thật để xây dựng hòa bình trên thế giới và khu vực”, đó là một trong những lời nguyện trong thánh lễ.
Đáp từ, GS Tương Lai bằng bài phát biểu rất nóng, “Nếu tôi không cháy lên, nếu anh không cháy lên, nếu chúng ta không cháy lên, thì làm sao bóng tối có thể trở thành ánh sáng” vì sự tồn vong của quốc gia dân tộc.
Nhà nghiên cứu Phạm Chí Dũng (thứ hai, từ trái)
Tin của Đinh Kim Phúc
Bốn mươi năm qua cứ đến ngày 19.1, ngày giặc Tàu chiếm Hoàng Sa của tổ tiên ta, trong trái tim mọi người Việt Nam lại thầm thì, tha thiết gọi tên Hoàng Sa! Hoàng Sa!
Năm nay tiếng Hoàng Sa không phải chỉ là tiếng thầm thì, tha thiết trong tim mà đã vang lên thành tiếng gọi vang vọng trong không gian, vang vọng trong thời gian, vang vọng từ thế hệ trước sang thế hệ sau, vang vọng ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, vang vọng ở mọi nơi có người Việt sinh sống trên thế giới.
Chiều 18.1.2014, khoảng 100 người Sài Gòn gọi nhau đến Phòng họp Phạm Tiên Long, 43 đường Nguyễn Thông, quận Ba, để được cùng nhau nhắc đến Hoàng Sa, để nghe tiếng Hoàng Sa từ trong lồng ngực vang trong không gian, để tưởng nhớ những dòng máu Việt Nam đã hòa trong nước biển Hoàng Sa. Tại đây, Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức thánh lễ tưởng niệm, tri ân và cầu nguyện cho tất cả đồng bào và chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988), dưới sự Chủ tế của Linh mục Nguyễn Trọng Viễn.
Có mặt ở đây, bên nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu 95 tuổi là hai người vợ góa của hai chỉ huy chiếm hạm chiến đấu và ở lại mãi mãi với Hoàng Sa, bà Ngô Thị Kim Thanh vợ liệt sĩ Nguyễn Thành Trí, Thiếu tá hạm phó hộ tống hạm Nhựt Tảo và bà Huỳnh Thị Sinh vợ liệt sĩ Ngụy Văn Thà, Trung tá hạm trưởng hộ tống hạm Nhựt Tảo. Những trí thức: bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, GS Tương Lai, nhà khoa học Huỳnh Kim Báu, kỹ sư Đỗ Thái Bình, PGS TS Hoàng Dũng, TS Vũ Thị Phương Anh, TS Nguyễn Xuân Nghĩa, các nhà thơ Nguyễn Duy, Hoàng Hưng, nhà văn Phạm Đình Trọng, các nhà báo Lê Phú Khải, Lê Công Giàu, Thế Thanh, Nguyễn Quốc Thái, các nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Thị Khánh Trâm,… bên cạnh những gương mặt của tuổi trẻ Sài Gòn.
Từ trái qua: Các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu
Nhà thơ Nguyễn Duy
Nhà thơ Hoàng Hưng (trái)
Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái (giữa)
Từ trái qua: bà Ngô Thị Kim Thanh và bà Huỳnh Thị Sinh
Mở đầu buổi lễ, Linh mục Chủ tế nêu rõ: “Chúng ta nhớ lại lịch sử Hoàng Sa không để oán thù mà để khơi dậy lòng yêu nước, yêu hoà bình và công lý”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã đọc bài luận văn quan trọng “Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam”, trong đó ông lược thuật diễn biến lịch sử của việc quản lý liên tục Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam từ các chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945), Bảo Đại (1949), Việt Nam Cộng hoà (1955) cũng như quá trình Trung Quốc (Cộng sản) xâm chiếm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Kết thúc bài nói, ông chân thành bộc lộ tâm sự của một trí thức công giáo Sài Gòn đã từng ủng hộ miền Bắc trong cuộc “kiến tạo độc lập – thống nhất”: “Sau tháng 4/1975, dần dần tôi mới thấy ý đồ của TQ đã từ lâu vẫn giữ não trạng “đại Hán” xâm chiếm từng mảng lãnh thổ hay lãnh hải của nước ta mỗi khi có nguy cơ ngoại xâm hay nội chiến. Nói ra quá đau lòng, nhưng đó là sự thật”.
Linh mục Lê Quốc Thăng, người con của một sĩ quan hải quân Sài Gòn (tàu HQ 5) bảo vệ Trường Sa và cháu của hai sĩ quan tham gia chiến đấu trên HQ 10 trong trận chiến bi hùng 17-19/1/1974, đã kết thúc phần giảng lễ với lời nguyện: “Hòa bình không thể tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý, được hỗ trợ bằng sự hy sinh, lòng khoan dung nhân từ và tình yêu thương của con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các quốc gia, nhất là các nước lớn mạnh biết tôn trọng các công ước quốc tế được ký kết, biết đối xử bình đẳng, tôn trọng giữa các quốc gia và biết đối thoại trong sự thật để xây dựng hòa bình trên thế giới và khu vực”.
Linh mục Lê Quốc Thăng
Thay mặt những người dự lễ, GS Tương Lai có bài phát biểu đầy nhiệt huyết và mạnh mẽ nói lên tâm tình của trí thức nhân sĩ và nhân dân luôn đau đáu nỗi đau Hoàng Sa, Trường Sa, kiên trì lên tiếng đòi Nhà nước thể hiện quyết tâm bảo vệ biển đảo của đất nước ở những việc làm rõ ràng, cụ thể. Một trong những việc ấy là: sớm chính thức biểu dương lòng yêu nước của các chiến sĩ bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 (xem toàn văn bài Và rồi hôm nay cánh cửa đã hé mở đăng ngay sau bài này).
GS Tương Lai và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu
Sau buổi lễ, một số anh em đến nhà của bà Ngô Thị Kim Thanh, một căn hộ ở chung cư Trần Quốc Toản, để thắp nhang cho liệt sĩ Nguyễn Thành Trí. Vừa đến cầu thang chung cư, thì gặp hai nhà báo Huy Đức và Mạnh Quân đang ôm một giỏ hoa quả đi lên.
Sau khi thắp nhang, kỹ sư Đỗ Thái Bình và nhà báo Huy Đức thông báo cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Thành Trí và cả bà quả phụ Ngụy Văn Thà về kết quả cho đến nay của chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa. Hai anh nhấn mạnh chương trình sẽ là một điểm nối kết Nam Bắc, thúc đẩy tình cảm hòa giải hòa hợp dân tộc. Hoàng Sa – đó là nơi chúng ta thấy rõ kẻ xâm lược. Mà xâm lược thì thời nào cũng vậy, là kẻ thù chung của con dân nước Việt, bất kể Nam hay Bắc.
Từ trái qua: kỹ sư Đỗ Thái Bình, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà báo Huy Đức, nhà báo Mạnh Quân, nhà văn Phạm Đình Trọng và hai người con của liệt sĩ Nguyễn Thành Trí – Nguyễn Thị Thanh Thảo và Nguyễn Thanh Triết.
Kỹ sư Đỗ Thái Bình thắp nén nhang lên bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Thành Trí
Nhà văn Phạm Đình Trọng thắp nhang
TS Phạm Chí Dũng thắp nhang
PV BVN
Thời điểm này, đúng 40 năm trước, 74 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh sau những nỗ lực chiến đấu cuối cùng trước sự xâm lăng từ Trung Quốc. Trận hải chiến Hoàng Sa 1974 vẫn luôn được người Việt khắp nơi, trong đó có đông đảo người dân Nam California, tưởng nhớ.
Ðoàn người lập tức hô to các khẩu hiệu tranh đấu ngay khi đến nơi. Một nhóm nhỏ đứng ngay sát cổng lãnh sự quán, với loa, cờ hướng thẳng vào cửa. Ða số người còn lại tập trung phía bên kia con đường trước mặt tòa nhà, nơi rộng hơn và có thể chứa đủ số người biểu tình. Một hàng dài người đứng dọc phía trước, giăng cao các biểu ngữ lớn nhất viết bằng Anh ngữ, cáo buộc Trung Quốc cướp Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Rất đông người tham dự đến từ thành phố Westminster và các nơi quanh khu vực Little Saigon.
Một số người khác ở xa hơn, có người rời nhà đi từ 6 giờ sáng, chia sẻ với phóng viên như sau:
Hôm nay (18.01.2014), từ 14 – 15 giờ 30, trước cửa LSQ CHND Trung Hoa tại Hamburg, đã diễn ra Lễ tưởng niệm 40 Năm hải chiến Hoàng Sa và cuộc Biểu tình phản đối những hành động xâm lược của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam suốt mấy chục năm qua.
Chứng kiến cuộc biểu tình từ đầu chí cuối, chúng tôi ghi nhận có khoảng gần 100 người gồm đủ các lứa tuổi. Thành phần tham gia là các anh chị em khách thợ xuất xứ từ các nước Đông Âu, hiện đã an cư lạc nghiệp tại Landkreis Harburg – CHLB Đức.
Cũng giống như cuộc biểu tình lần trước (xem ở đây), lá cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH; cờ đỏ sao vàng CHXHCN VN và cờ ba màu đỏ-đen-vàng của CHLB Đức đều hiện diện.
Theo lời giải thích của đại diện cho Ban tổ chức - ông Hoàng Mạnh Tiến và ông Hoàng Tuấn, buổi lễ hôm nay là chủ yếu là để tri ân 74 anh hùng vị quốc vong của VNCH đã anh dũng hy sinh cho Hoàng Sa của nước ta đúng 40 năm trước. Nhưng nhân dịp này cũng tri ân luôn 64 liệt sỹ đã ngã xuống trước họng súng xâm lăng của kẻ thù ở bãi đá Gạc Ma vào tháng 14.03.1988. Tất cả các anh, dù khác nhau về màu cờ sắc áo hay chính kiến. Nhưng đều chiến đấu dũng cảm và hy sinh như những anh hùng cho Hoàng Sa-Trường Sa, lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam. Các anh xứng đáng được tổ quốc ghi công và toàn dân Việt Nam tri ân tưởng nhớ! Đó là chân lý mà không ai, dù với lý do nào có thể phủ nhận.
Thật bất ngờ lớn với tôi, hôm nay có một thuyền nhân hiện đang cư ngụ tại TP Hamburg. Anh tới đăng ký với BCT xin được tham gia đứng chung dưới cả ba lá cờ, cùng hát và hô vang các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc, khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam. Tâm sự với mọi người anh thẳng thắn nói: “Tôi đã từng nhiều lần đi biểu tình chống lại lá cờ của người CS. Nhưng nay tôi muốn tới đây để nói với mọi người rằng, sau 40 năm, kể từ ngày Hoàng Sa bị Tàu Cộng cướp trắng, người Việt Nam mình đã dần tìm được tiếng nói chung.”
Trước lúc chia tay ra về, anh còn bày tỏ:
- Tại sao người Việt mình không biết dẹp bỏ những bất hòa trong qúa khứ để đoàn kết chống lại kẻ thù chung?”.
Rằng:
- Tại sao phải đợi tới 40 năm, các anh hùng vị quốc vong thân ở Hoàng Sa mới được ngồi chung trên ban thờ cùng với 64 chiến binh dũng cảm đã hy sinh ở Trường Sa như thế này?…
Biết trả lời với anh bạn đồng hương thân thiện, đã mở lòng mình ra sao đây? Xin nhường lại cho những người có trách nhiệm (hay tự nhận thấy thế) trả nhời dùm!
Với cương vị con ong cái kiến, chỉ có chút xíu cỏn con tấm lòng son với quê cha đất tổ, tôi không dám giải thích hay an ủi với anh bất cứ điều gì. Mong anh và mọi người lượng thứ cho!
Để chuộc lại phần nào thiếu sót, xin post lên đây những tấm hình ghi được ở buổi lễ tưởng niệm đáng nhớ này!
*
* *
Lời phát biểu của Ban Tổ chức Lễ Tưởng niệm 40 Năm Hải chiến Hoàng Sa
Kính thưa toàn thể Quý đồng hương!
Đúng 40 năm về trước, lợi dụng nước ta đang có chiến tranh, Trung Quốc đưa hải quân chiếm đóng các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh. Sau đó đưa chiến hạm và đổ quân chiếm toàn bộ nhóm đảo Lưỡi liềm của Quần đảo Hoàng Sa. Trong cuộc chiến không cân sức diễn ra từ ngày 17 đến ngày 19 tháng Giêng, 74 chiến sỹ VNCH đã ngã xuống, trúng đạn ở đầu hay ngực, thân thể cháy thành than, hay rã tan vào sóng nước. Tất cả, anh dũng chiến đấu, hiên ngang tử trận, gởi lại cho đời lời khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Rằng Trung Cộng chính là kẻ xâm lược!
Không dừng lại ở đó, bọn Bành trướng Bá quyền Đại Hán tiếp tục lấn chiếm xuống Quần đảo Trường Sa. Ngày 14 tháng 3 năm 1988 trên bãi đá Gạc-ma, các chiến sỹ hải quân của QĐND Việt Nam đã kết nên bức tường thành bảo vệ lá cờ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng như 74 liệt sỹ Hoàng Sa, 64 liệt sỹ Trường Sa đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển khơi của Tổ quốc.
Sự hy sinh vì toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam của 138 chàng trai con Lạc cháu Hồng ở Hoàng Sa – Trường Sa dù dưới màu cờ sắc áo nào cũng đều vì đất mẹ Việt Nam. Máu của các anh hòa cùng biển xanh dì dào sóng vỗ và kết tinh thành các cột mốc sừng sững trên biển khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Linh hồn của các anh theo những con tàu vượt đại dương, nói với toàn thế giới rằng HS-TS mãi mãi là của VN.
Thưa toàn thể quý đồng hương
Suốt 2 thế kỷ qua, cha ông chúng ta đã khai khẩn và thực thi chủ quyền một cách liên tục đối với hai quần đảo HS-TS, khi chưa có bất cứ quốc gia nào tới chiếm hữu. Các thư tịch cổ của nhiều nước lớn trên thế giới (kể cả của các triều đại phong kiến Trung Hoa) đã chứng minh điều đó. Vậy mà mấy chục năm trở lại đây, các thế lực hiếu chiến Trung Hoa ngang nhiên dùng vũ lực xâm lấn. Lại vẽ ra cả đường lưỡi bò đòi chủ quyền một cách trái phép trên 80% lãnh hải trên Biển Đông. Ngăn cản và cướp bóc, thậm chí bắn giết ngư dân của Việt Nam ngay trên ngư trường truyền thống từ hàng ngàn năm nay. Cùng với các hành động gây căng thẳng như thành lập Khu hành chính Tam Sa bất hợp pháp; cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam… Nay Trung Quốc còn leo thang ra qui định ngang ngược về đánh bắt cá mới đây ở Biển Đông, đòi ngư dân ta phải xin phép chính quyền TQ mới được làm ăn sinh sống trên chính vùng biển của mình. Hành xử như vậy, không những phỉ báng đối với lời hay ý đẹp của TQ bấy nay về “tam tương tứ tốt“ về “16 chữ vàng“. Mà còn trà đạp thô bạo lên “Công ước Luật Biển 1982“, trong đó TQ đã tham gia ký kết. Dưới con mắt của dư luận yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Trung Quốc đang hiện nguyên hình là “nhà nước cướp biển“ hay “cướp biển đội lốt nhà nước“! Là tác nhân chính gây bất ổn trong khu vực và hòa bình trên thế giới!
Nhân ngày giỗ lần thứ 40 của 74 các anh hùng vị quốc vong thân ở Hoàng Sa, chúng ta nghiêng mình dâng hương để tưởng niệm các anh. Trong khói nhang linh thiêng này, chúng ta còn thấy 64 anh hùng liệt sỹ ở bãi đá Gạc-ma tháng 3 năm 1988 đã hiện về. Thì ra, ở dưới ấy các anh đâu còn phân biệt bên này bên kia nữa. Các anh cùng vị quốc vong thân như bao lớp cha ông đã ngã xuống cho sự tồn vong của quê hương đất nước mình…
Hướng về biển đảo quê hương, chúng ta hãy chung tay làm tất cả những gì hữu ích cho một thế giới Hòa Bình. Chỉ khi nào Công lý – Sự thật và Luật pháp Quốc tế được thượng tôn, tất cả các quốc gia, các dân tộc mới mong có được ổn định để cùng thăng tiến trong hội nhập và phát triển bền vững. Sự nỗ lực của chúng ta hôm nay cũng không nằm ngoài mục đích ấy!
Cộng đồng người Việt LK Harbug xin cảm tạ tất cả quý đồng hương cùng bạn bè Quốc tế đã không quản đường xá xa xôi, tới đây để góp tiếng nói chung!
Xin chân thành cám ơn!
TM Ban Tổ chức:
Hoàng Mạnh Tiến
Đánh dấu 40 năm ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, trưa thứ Sáu 17-1-2014 một số người Việt vùng San Francisco đã tụ họp biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc và Việt Nam.
(c) 2014 Buivanphu
LOS ANGELES (NV) - Khoảng 300 người Mỹ gốc Việt tại Nam California, đa số từ các thành phố quanh khu vực Little Saigon, biểu tình vào trưa Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng, ngay trước cửa tòa lãnh sự Trung Quốc ở Los Angeles.
Cùng loa, biểu ngữ, cờ vàng, người biểu tình hô to khẩu hiệu đòi Trung Quốc trả lại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cho Việt Nam.
Khoảng 300 người gốc Việt biểu tình trước Tổng Lãnh Sự Trung Quốc tại Los Angeles ngày 17 Tháng Giêng, 2014. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) |
Thời điểm này, đúng 40 năm trước, 74 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh sau những nỗ lực chiến đấu cuối cùng trước sự xâm lăng từ Trung Quốc. Trận hải chiến Hoàng Sa 1974 vẫn luôn được người Việt khắp nơi, trong đó có đông đảo người dân Nam California, tưởng nhớ.
Tại Little Saigon, khoảng 200 người tập trung tại Ðền Hùng từ 9 giờ sáng. Nhiều người mặc áo viết đầy các chữ lớn đả đảo Trung Quốc, hình bản đồ với chiếc lưỡi bò bị gạch chéo, dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”... Người tham dự tại đây để xe lại, cùng lên các chiếc xe du lịch lớn đang đợi sẵn, tiến về tòa lãnh sự Trung Quốc.
Ðại diện ban tổ chức, gồm nhiều hội đoàn tại Nam California, tuyên bố trước giờ khởi hành ba ý nghĩa chính trong cuộc biểu tình: “Trong thời điểm này, cuộc biểu tình mang tính lịch sử. Thứ Nhất, chúng ta xác định lại cho toàn thể thế giới thấy rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Thứ hai, chúng ta phản đối, đả đảo Trung Cộng vì thái độ bành trướng của Trung Cộng, cái mộng bá quyền thế giới mà điển hình là chúng muốn biến Biển Ðông thành cái ao nhà của chúng... Thứ ba, ngay ngày hôm nay, ở trong nước có các cuộc biểu tình phản đối Trung Cộng, cuộc biểu tình của chúng ta sẽ tác động tinh thần, làm thức tỉnh những người lơ là với vận mệnh của đất nước và khích lệ người dân trong nước hăng say, cương quyết bảo vệ lãnh hải, lãnh thổ của cha ông để lại.”
Ðoàn biểu tình rời Little Saigon vào 10 giờ, đến Los Angeles đúng 11 giờ sáng. Tại đây, hàng chục người Việt khác đi xe riêng cũng đã có mặt, hòa chung vào đoàn người cầm cờ vàng ba sọc đỏ.
Tòa Lãnh Sự Trung Quốc tọa lạc trên con đường nhỏ, kín cổng với nhân viên bảo vệ túc trực nghiêm ngặt. Khi đoàn người biểu tình đến, họ lập tức khiến nhân viên lãnh sự quán và người dân địa phương phải chú ý. Khoảng 5, 6 cảnh sát sau đó xuất hiện, quan sát sự việc.
Cùng loa, biểu ngữ, cờ vàng, người biểu tình hô to khẩu hiệu đòi Trung Quốc trả lại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cho Việt Nam. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) |
Ðoàn người lập tức hô to các khẩu hiệu tranh đấu ngay khi đến nơi. Một nhóm nhỏ đứng ngay sát cổng lãnh sự quán, với loa, cờ hướng thẳng vào cửa. Ða số người còn lại tập trung phía bên kia con đường trước mặt tòa nhà, nơi rộng hơn và có thể chứa đủ số người biểu tình. Một hàng dài người đứng dọc phía trước, giăng cao các biểu ngữ lớn nhất viết bằng Anh ngữ, cáo buộc Trung Quốc cướp Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Mọi người đứng suốt cuộc biểu tình, dưới trời nắng nóng, không ngưng vẫy cờ, hô vang: “Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam,” “Tổ quốc Việt Nam muôn năm,” “Red China get out of Vietnam”...
Phóng viên nhật báo Người Việt có dịp hỏi chuyện một số người tham dự. Có người cho biết đến tham dự với tư cách cá nhân, có người đi cùng các hội đoàn lớn. Họ là cựu quân nhân từng chiến đấu tại Hoàng Sa, là những người vợ lính, hay chỉ là một người dân thường muốn góp tiếng nói đòi lại quyền làm chủ biển đảo cho Việt Nam.
Ông Phạm Văn Hồng, cựu thiếu tá VNCH từng bị Trung Quốc bắt giữ, cho biết: “Vào thời điểm đó tôi là thiếu tá phục vụ tại Phòng 3, Quân đoàn 1, chức vụ là sĩ quan lãnh thổ. Cũng vì chức vụ này, tôi hướng dẫn phái đoàn công binh cùng một nhân viên tòa lãnh sự Mỹ từ Ðà Nẵng ra Hoàng Sa thực hiện một phi trường cỡ nhỏ...”
Về nhà cầm quyền Việt Nam, ông nói: “Ðã là con người thì hãy tôn trọng sự thật, hãy nghĩ lại những gì mà chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã làm thì phải tôn trọng và ghi nhận. Những gì là của Việt Nam thì bằng mọi giá phải trả về cho Việt Nam. Bằng mọi giá phải lấy lại Hoàng Sa.”
Ông Phan Như Hữu, chủ tịch Hội Ðồng Việt Nam Tự Do Tây Nam Hoa Kỳ, nói: “Tôi phải đi biểu tình dù được hay không tôi cũng phải chống Trung Cộng đến cùng vì tụi nó là một nước lớn, bành trướng, muốn xâm chiếm Việt Nam... Ðây (cuộc biểu tình) sẽ là một dữ kiện để lịch sử sau này phê phán Trung Cộng và chúng ta có thể lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa.” Ông cho biết tổ chức của ông là một trong “rất nhiều hội đoàn” cùng tổ chức buổi biểu tình hôm nay.
Ðoàn biểu tình đến Los Angeles đúng 11 giờ sáng. Tại đây, hàng chục người Việt khác đi xe riêng cũng đã có mặt, hòa chung vào đoàn người cầm cờ vàng ba sọc đỏ. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) |
Rất đông người tham dự đến từ thành phố Westminster và các nơi quanh khu vực Little Saigon.
Ông Phạm Mười, cư dân Westminster, nói: “Năm nào ngày này tháng này tôi cũng đến tham dự tưởng niệm cùng đồng bào. Chúng tôi là biệt động quân Ðà Nẵng, hồi đó thường đưa mấy anh em công binh ra ngoài tu bổ Hoàng Sa, Trường Sa vào những năm 62, 63, một năm vài ba lần, để xác định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Thời Việt Nam Cộng Hòa chẳng thấy tranh chấp gì hết. Mà năm 1974, Tàu nó vô chiếm để đến bây giờ, tôi thấy sự hèn yếu của Việt Cộng.”
“Nhân kỷ niệm 40 năm, ngày 19 Tháng Giêng 1974, chúng tôi đến đây vừa tưởng niệm ngày Hoàng Sa, và để lên án Trung Quốc.” Ông Nguyễn Văn Thành, cư dân Santa Ana, ngắn gọn cho biết lý do ông cũng như nhiều người Việt khác tham dự cuộc biểu tình.
Ông Phạm Hợp, một cư dân khác cũng từ Westminter, cho biết: “Tôi đến đây cùng với cộng đồng để phản đối hành vi của Trung Cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa cách đây 40 năm, một hành vi côn đồ của nước mạnh đem quân ức hiếp một nước yếu, một hành động bị cả cộng đồng quốc tế lên án.”
Bà Ngô Thị Chung, một người vợ có chồng là cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, hiện sống gần Bolsa, nói: “Việt Nam là của người dân Việt Nam. Trung Quốc cứ âm thầm lấn chiếm dần, biển của ta mà không cho người dân đánh cá của ta đánh cá nữa. Trung Quốc phải ra khỏi Việt Nam.”
“Mình phải đến đây để nói lên tiếng nói của đồng bào. Nghe có biểu tình chống Trung Cộng là tôi đi thôi. Ðến để cho 'nó' biết sức mạnh của cộng đồng,” và “hành động côn đồ của Trung Quốc trên vùng đất của tổ tiên Việt Nam phải bị lên án.” Anh Kiên Phạm và ông Thọ Phạm, cư dân Westminster, chia sẻ.
Hình cờ VNCH và Mỹ phản chiếu trước tấm bảng Tòa Lãnh Sự Trung Quốc tại Los Angeles. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) |
Một số người khác ở xa hơn, có người rời nhà đi từ 6 giờ sáng, chia sẻ với phóng viên như sau:
“Mình phải bảo vệ quê hương mình. Nước Tàu rất mạnh, mình cần tiếng nói của quần chúng, của các chính quyền như Hoa Kỳ để giúp quốc gia chúng ta, một nước nhỏ, để thế giới biết rằng chúng ta cần tự do, cần sự can thiệp của các chính phủ.” Anh Soạn Lê, lái xe từ Rosemead đến tham dự, bày tỏ.
Cô Ngô Thị Thu, từ San Diego đến, chia sẻ: “Hôm nay là ngày đi làm, nhưng tôi đóng cửa tiệm, đề bảng là 'Tôi đi chống Trung Cộng', vì Trung Cộng đang lấy nước của chúng tôi, đồng hóa nước của chúng tôi như Tây Tạng. Tôi đi biểu tình bữa nay để nhắn gửi với tất cả những người ở trong nước là hãy cố gắng đứng lên chống lại Trung Cộng. Chúng tôi, những người Việt tị nạn cộng sản ở ngoài này, sẵn sàng ủng hộ cho những người Việt trong nước đứng lên để chống lại Việt Cộng và đuổi Trung Quốc, lấy lại đất nước của mình, lấy lại Hoàng Sa và Trường Sa.”
No comments:
Post a Comment