Sunday, January 5, 2014

Tiễn biệt ký giả Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn

(Người sinh viên khí khái trong “Hàng Ngũ Sinh Viên Quốc Gia Chống Cộng” giữa thập niên 1960 tại Sài gòn.)
vinhbiet
Liên tục trong hai ngày cuối năm, 29 và 30.12.2013, đại diện hầu hết các hội đoàn tại Bắc Cali và đông đảo đồng nghiệp, thân hữu , bạn bè từ khắp nơi đã đến Oak Hill Funeral Home&Memorial tại thành phố San Jose để nhìn mặt lần cuối, nói lời từ biệt và tiễn đưa Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn trở về với cát bụi, hư vô.
Rất nhiều người lên nói lời chia tay. Ngoài những bạn bè một thời thân thiết, từng cùng sống chết, thăng trầm, cùng chén thù chén tạc bên nhau, còn có cả những vị đã từng đụng chạm, ngộ nhận, tiếng bấc tiếng chì, bởi bản tính bộc trực, sôi nổi của Cao Sơn. Tất cả đã dành cho Cao Sơn lời ngợi ca, niềm cảm thông, thương tiếc.
Tình cảm ấy chắc chắn đã làm ấm lòng người ra đi, dù xác thân anh và cả đất trời San Jose đang trong những ngày giá lạnh.
Người nói lời tiễn biệt ngắn nhất, nhưng cảm động nhất hôm ấy, có lẽ là người bạn chí thân của Cao Sơn, từ thuở còn là sinh viên cho đến bây giờ, gần như lúc nào cũng có bên nhau: Nhà văn Thư Sinh. Anh không nói bằng lời mà bằng sự xúc động đến nghẹn ngào, sụt sùi với những dòng nước mắt. Thư Sinh Phạm Tài Tấn là người đã cùng hoạt động với Cao Sơn trong hàng ngũ sinh viên chống Cộng, từng chứng kiến nhiều hành động can đảm, khí khái của Cao Sơn. Thuở ấy họ đều là những sinh viên trẻ yêu nước bằng trọn trái tim đầy nhiệt huyết
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống chống Cộng, Từ nhỏ, Nguyễn Văn Tấn đã cùng với anh em theo cha bôn ba lánh nạn khắp nơi. Khi còn sinh viên, Tấn là một trong những khuôn mặt tích cực và nổi tiếng trong “Hàng Ngũ Sinh Viên Quốc Gia chống Cộng”. Một tổ chức ra đời vào giữa thập niện 1960 nhằm chống lại đám sinh viên phản chiến và bọn Việt cộng nằm vùng tìm mọi cách thao túng các phân khoa thuộc Viện Đại Học Sài Gòn, cũng như các trường đại học khác, quyết cướp lấy Ban Đại Diện Tổng Hội Sinh Viên.
Sau biến cố “cách mạng 01.11.63”, mặt trận sinh viên Sài gòn ngày càng diễn ra quyết liệt. Cộng Sản đưa súng đạn vào tận học đường. Đám sinh viên thân cộng toan tính thành lập một lực lượng để hổ trợ “ Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc” của Lê Khắc Quyến tại miền Trung.
Ban đại diện của các phân khoa thuộc Viện Đại Học Sài gòn bèn họp bàn thành lập “Ban Bảo Vệ Tổ Quốc Và Dân Quyền”, do Trần Lam Giang làm chủ tịch và Nguyễn Văn Tấn (Cao Sơn) làm tổng thư ký. Trong một cuộc hội thảo của sinh viên ở Đại Học Dược Khoa, Trần Lam Giang bị một nhóm sinh viên thân Cộng đánh gục và đóng một cái đinh nhỏ từ phía sau ót. Nguyễn Văn Tấn nghe tin liền xông vào cứu bạn. Trong tay chỉ có cái dao găm tự vệ, chiếc áo sơ mi trên người đẫm cả máu, phải khó khăn lắm Nguyễn Văn Tấn mới cõng được Trần Lam Giang ra đường đưa đi cấp cứu.(*)
“Hàng Ngũ Sinh Viên Quốc Gia Chống Cộng” đã cản trở mạnh mẽ, gây cho bọn chúng nhiều khó khăn và thất bại, đến nỗi bọn họ đã tuyên bố “bản án tử hình” cho gần 20 thành viên, trong đó có các sinh viên Phạm Quân Khanh, Phạm Phúc Hưng, Phạm Tài Tấn (Thư Sinh), Nguyễn Văn Tấn (Cao Sơn), Phạm Bằng Tường, Nguyễn Tường Quý, Khổng Trọng Hinh, Bùi Hồng Sĩ, Ngô Vương Toại. Hồng Nguyên Sĩ, Phạm Quốc Bảo.
Đêm 20 tháng 12 năm 1967, vào khoảng 9 giờ tối, tại giảng đường lớn nhất của Đại Học Văn Khoa Sài gòn, sinh viên Ngô Vương Toại, ứng viên chức vụ Phó chủ tịch Nội vụ của Liên danh gồm những sinh viên chống Cộng, đứng ra tổ chức đêm văn nghệ , với sự tham dự của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. Trong giờ giải lao, một đôi nam nữ thuộc đội ám sát biệt động thành CS giả dạng sinh viên trà trộn. Người con gái mặc áo dài mang mắt kiếng, tay ôm chiếc cặp lớn căng phồng, bước lên sân khấu cầm máy vi âm lớn tiếng “ chào mừng bảy năm ngày thành lập MTGPMN” và công bố “bản án tử hình Ngô Vương Toại”. Sau đó kéo khóa mở cặp, rút súng bắn vào bụng Ngô Vương Toại. Toại bị thương nặng nhưng thoát chết, nhờ Nguyễn Văn Tấn ( Cao Sơn) can đảm và nhanh trí phản ứng kịp thời, cúp hệ thống âm thanh,cầm chiếc ghế ném vào kẻ nổ súng, nhào lên cứu bạn. Tấn bị tên nam đặc ông bắn vào chân ngã quỵ, trước khi lẩn vào đám đông hổn loạn và tẩu thoát trong bong đêm.(*)
“Hàng Ngũ Sinh Viên Quốc Gia Chống Cộng” ngày một lớn mạnh. Ngay tại Đại học Vạn Hạnh, sào huyệt của CS , một lần khi tên Lê Văn Nuôi (học sinh trường Cao Thằng) đến xách động biểu tình, đã bị đánh gục ngay tại cầu thang. Tại Tổng Hội Sinh Viên Sài gòn, đám sinh viên thân cộng bị đánh bại trong các cuộc bầu cử. Thành đoàn CS hết sức cay cú nên đã ra quyết định hạ sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật. Nhật bị bắn chết ngay tại đại học Luật Khoa Sài gòn lúc 10 giờ sáng ngày 28.6.1971.
Sau này Nguyễn Văn Tấn phục vụ tại Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, đặc trách sinh viên học sinh Sài Gòn. Có thời làm tùy viên báo chí cho Tướng Ngô Du, Tư Lệnh Quân Đoàn II và phụ trách báo chí cho Phái Đoàn VNCH trong Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên. Ngoài ra Tấn còn tham gia Liên Minh Thanh Niên Thế Giới Chống Cộng (hoạt động song song với Liên Minh Á Châu Chống Cộng của bác sĩ Phan Huy Quát), Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam…
Sau 1975 bị CS bắt cầm tù nhiều lần, tổng cộng đến gần 16 năm. Năm 1995, cùng vợ con sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO, Cao Sơn tiếp tục nghiệp báo chí và nỗ lực đấu tranh cho đến ngày nhắm mắt.
Bào huynh của Tấn, ông Nguyễn Văn Tần, trước 75 là là một sĩ quan Hải Quân trong QLVNCH, cũng là một khuôn mặt chống Cộng có tiếng tăm tại hải ngoại. Ông đã từng giữ chức vụ Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Vùng Hoa Thịnh Đốn trong nhiều nhiệm kỳ, và hiện nay là Chủ Tịch Hội Đồng Giám sát Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ.
Suốt cả một đời Cao Sơn làm báo và chống Cộng. Luôn xông pha trên bất cứ trận tuyến nào. Tính tình hào phóng, sống chí tình với bè bạn anh em. Bản tính nóng nảy nhưng rất bộc trực ngay thẳng. Thương ai cứ bảo là thương, ghét ai cứ bảo là ghét. Vì vậy không tránh được những đụng chạm, những tiếng bấc tiếng chì, kể cả những lời chụp mũ và đôi lần xô xát nữa. Nhưng dường như Cao Sơn không hề khuất phục trước bất cứ một áp lực nào. Trong các tổ chức cứu trợ TPB/VNCH hay bão lụt tại Phi Luật Tân anh luôn là ngọn cờ đầu.
Uống rượu và hút thuốc là niềm vui không thể thiếu, nên Cao Sơn bị bênh ung thư gan. Số phận nghiệt ngã có thể lấy đi mạng sống bất cứ lúc nào, nhưng không quật ngã được ý chí của anh. Biết mình không còn bao nhiêu thời gian nữa, viết chúc thư cho vợ con từ bốn tháng trước, nhưng Cao Sơn vẫn sống bình thản như không hề có điều gì, vẫn hăng say hoạt động , luôn bá vai nở nụ cười với bạn bè. Những ngày cuối cùng, trong tiết trời đông giá lạnh, anh vẫn luôn có mặt , vẫn năng nổ hô hào, đi khắp nơi kêu gọi quyên góp giúp nạn nhân của cơn bão Haiyan đã tàn phá và gây chết chóc khổ đau cho hàng triệu người dân Phi Luật Tân, quốc gia đã từng giúp đỡ cưu mang người Việt tị nạn CS trong những năm 70- 80.
Dường như để bù lại cả một đời vất vả và cái tính nóng nảy bất cần của Cao Sơn, ông Trời đã cho Cao Sơn một người vợ tuyệt vời và một cô con gái xinh đẹp, nết na, thành đạt.
Trần Thị Thu, người vợ xinh xắn, chung tình và hiền thục của Cao Sơn, cũng là người chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Tin Viet News của hai vợ chồng. Thu quả là một người đàn bà can đảm và nhiều nghị lực. Bởi chỉ làm vợ Cao Sơn thôi cũng đã cần có can đảm và nghị lực rồi, huống hồ phải làm báo với Cao Sơn. Thu thường tâm sự với bạn bè, khả năng và ước muốn của mình có thể làm những công việc khác, nhẹ nhàng hơn và có lợi tức cao hơn, nhưng vì Cao Sơn nhất định theo đuổi nghề báo chí, và ngoài báo chí ra, ông chồng của mình khó có thể làm được một việc gì, vì vậy mà Thu phải chấp nhận theo “nghiệp” báo của chồng, cho dù biết trước, sẽ phải gánh chịu bao nhiêu thứ hệ lụy từ bản tính nóng nảy, bộc trực của ông chồng. Nhờ đức tình trầm tỉnh, vui vẻ, hiền lành, Thu đã hóa giải khá nhiều xung đột, phiền muộn do Cao Sơn tạo ra.
Tờ báo Tin Việt News đã trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng như phải đình bản, nhưng Thu nhất quyết phải giữ cho bằng được, cho dù cả cô con gái Việt Hà nhiều lần phải hỗ trợ mẹ, bù vào chi phí in ấn, bởi vì đó là niềm vui và cũng là lẽ sống của Cao Sơn.
Ngày xưa, Cao Sơn xông xáo, can đảm không khuất phục trước súng đạn của kẻ thù, khi trong tay không hề có một tấc sắt. Bây giờ người vợ hiền của Cao Sơn cũng can đảm trước bao hệ lụy từ “nghiệp báo” của chồng mình, cũng chỉ với một tấm lòng sắt son, nhân hậu.
Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn, chàng sinh viên văn khoa khí khái, từng một thời sống chết với đám sinh viên phản trắc, mê muội chạy theo CS, vừa từ bỏ thế gian ta bà ra đi với lòng thanh thản, trong niềm tiếc thương của mọi người. Trong khi đám Huỳnh Tấn Mẫm, Hạ Đình Nguyên, Lê Hiếu Đằng, Đào Hiếu…, và bọn phản thầy hại bạn để được làm một thứ đảng viên CS hạng hai, một thứ vỏ chanh sau khi đã bị vắt khô hết nước, đã đau đớn tủi hổ nhận ra mình bị lợi dụng, cuối cùng cũng chỉ là những kẻ “Lạc Đường” (**); Lê Hiếu Đằng tuyên bố bỏ đảng, khi đang thoi thóp trên giường bệnh. Có lẽ cho đến khi chết cũng khó mà nhắm mắt bởi trong lòng còn đầy những xót xa ân hận.
San Jose, ngày cuối năm 2013
Phạm Tín An Ninh
© Đàn Chim Việt
———————————————————-
(*) Theo “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” của tác giả Song Nhị và lời kể của nhà báo Thư Sinh
(**) Tên một tự truyện của Đào Hiếu

No comments:

Post a Comment