Sunday, January 19, 2014

Hải chiến Hoàng Sa: Tư liệu phiên họp Thượng Nghị viện VNCH ngày 14/3/1974

Hôm nay, tròn 40 năm ngày hải chiến Hoàng Sa, 19/1/1974, tôi xin công bố một tư liệu vừa tìm được, thể hiện quan điểm của một nhóm Nghị sĩ trong Thượng Nghị viện Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) về việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Tư liệu này là một phần nội dung thảo luận được ghi trong Biên bản phiên họp Thượng Nghị viện số 1/74-TNV ngày 14/3/1974, tức gần 2 tháng sau khi xảy ra vụ cưỡng chiếm.
Trong nội dung Biên bản phiên họp trên, Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu (nhà luật học nổi tiếng, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) thay mặt Liên Danh Hoa Sen và Nhóm Dân Tộc (phe đối lập) trong Thượng Nghị viện VNCH đã lên án gay gắt hành động Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, ông cho rằng đó là "một hành vi xâm phạm chủ-quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt-nam", từ đó kêu gọi "ngoại quốc" (tức Trung Quốc) tôn trọng luật quốc tế và chấm dứt ngay các hành vi có tính chất đế quốc đe doạ nền hoà bình. 

Phát biểu của Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu tập trung chỉ trích Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, cũng như cơ quan hành pháp đương thời, vì đã không đề cập đến vấn đề Hoàng Sa trong bản Thông điệp của Tổng thống ngày 23/1, tức 4 ngày sau vụ cưỡng chiếm. "Sự yên lặng này tố cáo một sự khiếm khuyết, một lỗ hỗng [hổng], một sự không tiên liệu, một sự lúng túng hiển nhiên của Hành-pháp trong chính sách đối ngoại liên hệ đến quần đảo Hoàng-sa", trích lời Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu.

Để phản bác hành động của cơ quan hành pháp "dùng các cơ quan tuyên truyền phê bình rằng đối lập không lên tiếng trong vấn đề Quần-đảo Hoàng-sa", ông Mẫu nhắc lại sự việc xảy ra gần 3 năm trước đó, ngày 19/7/1971, Liên Danh Hoa Sen và Nhóm Dân Tộc đã tuyên bố một bản Thông cáo "với tất cả các lý lẽ về quốc tế Pháp, về luật biển và địa chất học" để phản đối hành động đương thời, khi "Trung-hoa và Phi-luật-tân tranh chấp hai quần đảo Hoàng-sa (Paracels) và Trường-sa (Spratley) của Việt-nam". Ông Mẫu chỉ trích cơ quan hành pháp của VNCH ngay từ tháng 7/1971 đã không ý thức được sự quan trọng của vấn đề biển đảo trước nạn ngoại xâm, không tích cực vận động ngoại giao hay phản kháng và tố tụng trước Liên Hiệp quốc hoặc Toà án Quốc tế. Theo ông Mẫu, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc lãnh thổ bị xâm chiếm là do sự thụ động của cơ quan hành pháp cũng như ngoại giao:

"[...] nói tóm lại Hành-pháp đã thiếu một chính sách đối ngoại thích nghi để bảo vệ Quần đảo Hoàng sa và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.  
Hành pháp đã thụ động.  
Bộ ngoại giao đã thụ động.  
Các vị Đại sứ của Việt-nam Cộng-hoà cũng ngồi yên vì không có chỉ thị của Trung-ương".  
Phần sau lời phát biểu của Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu là nguyên văn bản Thông cáo ngày 19/7/1971 của Liên Danh Hoa Sen và Nhóm Dân Tộc.

Lưu ý, nội dung trên đây chỉ thể hiện quan điểm của một nhóm Nghị sĩ thuộc phe đối lập trong Thượng Nghị viện.

Xin công bố tư liệu này để mọi người cùng biết và sử dụng một cách hữu ích. 

Harvard, 19/1/2014
Nguyễn Tuấn Cường

-----------

Nguồn tư liệu: Công báo ViệtNam Cộng Hoà (Ấn bản Quốc hội - Thượng Nghị Viện) ra ngày 2/1/1975, tr. 1-6. Nguồn lưu trữ: Hộp tư liệu kí hiệu "VIE 201 1975:Jan", barcode 32044097339634, Thư viện Trường Luật (Law School Library), Đại học Harvard, Mỹ. Trong các ảnh chụp dưới đây, xin phép bỏ đi những nội dung không liên quan đến vấn đề Hoàng Sa. Xin bấm trực tiếp vào ảnh để phóng to.














Nguồn tư liệu: Công báo ViệtNam Cộng Hoà (Ấn bản Quốc hội - Thượng Nghị Viện) ra ngày 2/1/1975, tr. 1-6. Nguồn lưu trữ: Hộp tư liệu kí hiệu "VIE 201 1975:Jan", barcode 32044097339634, Thư viện Trường Luật (Law School Library), Đại học Harvard, Mỹ. 


Nguồn thông tin khác liên quan:






No comments:

Post a Comment