Sáng mùng 1 tết (31.1), tại nhiều ngôi chùa ở TP.HCM, hàng ngàn người dân đi lễ chùa cầu may mắn và phóng sinh chim mong ước một năm mới tốt đẹp hơn cho mình và gia đình.
Ghi nhận tại các chùa Phổ Quang (quận Tân Bình), chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), Ni viện Phước Long (quận 9)..., sáng đầu năm, có rất đông người dân đến cầu may mắn, cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, sức khỏe...
Nhiều người mua chim phóng sinh và xin lộc may mắn đầu năm mang về nhà.
Sáng mùng 1 tết, người dân đi chùa cầu may mắn đầu năm Người dân phóng sinh chim Xin lộc đầu năm |
Tin, ảnh: Gia Huy
Ngày Xuân lên chùa để lòng lắng lại sau một năm vất vả nhọc nhằn, để mà ước vọng cho một năm mới nhiều thành công.
Việt Nam là đất nước nhiều đình, đền, chùa miếu mạo. Người Việt Nam bao giờ cũng chú trọng đến lĩnh vực tâm linh. Ngày đầu năm họ thường lên chùa, lên đình, đền để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, gia đình mạnh khỏe hạnh phúc.
Chùa, đền và đình tuy có những chức năng khác nhau nhưng đều gắn bó và quen thuộc với người dân Việt Nam. Đình được sử dụng để làm nơi hội họp của làng xã, thờ Thành Hoàng. Lễ lớn của làng sẽ được tổ chức ở đình. Những người có công lớn với làng, xã hoặc gắn bó với một địa danh nhất định nào đó sẽ được phong Thánh và thờ ở đền. Còn lại, Chùa là nơi để thờ Phật và tu tập của các tăng ni Phật tử.
Ngày Xuân vào đền Quán Thánh (Ảnh Đ.T) |
Nét văn hóa của người Việt bao giờ cũng tôn kính thần linh, tôn kính tổ tiên, những người đã giúp họ khai sơn phá thạch, giữ gìn bờ cõi vượt qua khó khăn giặc giã.
Ngày Xuân lên chùa để lòng lắng lại sau một năm vất vả nhọc nhằn, để mà ước vọng cho một năm mới nhiều thành công.
Phật giáo đã gắn bó với dân tộc từ rất sớm. Chính nhiều vương triều phong kiến Việt Nam đều lấy đạo Phật làm quốc đạo. Từ bi hỉ xả phù hợp với nét tâm lý của người Việt Nam ta. Ở hiền gặp lành âu cũng là lời dạy cho con cháu biết làm ăn tử tế, biết tu nhân tích đức để mà truyền lại cho các thế hệ.
Câu đối: Tổ tông công đức muôn đời thịnh; Con cháu thảo hiền vạn kiếp vinh là nói về nét đẹp truyền thống của người Việt từ ngàn năm nay và có nguồn gốc chính từ lời dạy tu nhân tích đức. Đạo Phật xây dựng cõi Niết bàn ngay trên trần thế chứ không phải ở đâu xa.
Cuộc đời âu cũng là những kiếp luân hồi như trong đạo Phật. Ở đây không hề có yếu tố thần linh duy tâm. Con người sinh ra tồn tại và chết hòa nhập vào cây cỏ đất trời nhưng những yếu tố vật chất thì vẫn còn trường tồn. Trong quan niệm của phật giáo bánh xe luân xa vẫn cứ vận động và gặp duyên sẽ trở thành hiện hữu.
Ở quê thường ngày Tết đều tụ tập ở sân đình. Làng nào cũng có đình như là biểu tượng của một vùng quê. Tiếc rằng một thời gian dài chúng ta quan niệm chưa đúng về đình chùa miếu mạo, nhiều vùng quê những đình làng rất đẹp đã bị dẹp bỏ mà không thể nào có thể lấy lại được.
Hà Nội dày đặc những chùa chiền, miếu mạo. Không biết có nơi đâu như Hà Nội mà phong phú chùa chiền, trang trọng đền miếu đến vậy.
Hàng năm nhiều đền chùa đông đúc những người từ tối 30 và sáng mồng một. Ta bắt gặp gương mặt mùa xuân trên mỗi nụ cười. Đành rằng một năm họ vừa trải qua những thăng trầm, gian khó. Gian khó đến từ thiên nhiên, khi ông trời bày đặt ra để thử thách lòng người. Họ đến Tổ đình Phúc Khánh, Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ hay đền Quán Thánh, nơi linh thiêng của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến...
Chùa và miếu như đan xem vào nhau thỏa lòng lựa chọn của người dân về nơi xuất hành đầu xuân của mình. Nơi này là sức khỏe, tiền tài, nơi kia là danh vọng có thần linh che chở... tất cả đều như xuất phát từ nhu cầu của cõi lòng mình.
Đầu năm đi lễ chùa để lòng mỗi người đều hướng thiện. Tuy nhiên mấy năm gần đây những nét văn hóa đó bị biến tướng ít nhiều. Sự lộn xộn, chen chúc, vàng tiền nhét khắp mọi nơi, hòm công đức ban thờ nào cũng có đã làm xấu đi hình ảnh của một ngôi đền linh thiêng.
Lễ hội khai ấn đền Trần năm nào cũng “đến hẹn lại lên”, song dư luận vẫn còn bức xúc khi nghi thức đó đã bị biến tướng đi ít nhiều. Nhiều nhà văn hóa, nhà sử học đã lên tiếng góp ý hòng giữ lại những nét đẹp vốn có. Thật ra Nam Định hay Thái Bình là nơi phát tích của triều Trần vẫn còn ghi đậm nét trong lịch sử. Tuy nhiên hai địa phương ấy giờ cũng song trùng làm lễ “khai ấn” gây cảm giác của sự ganh đua.
Mùa xuân, mùa của lễ hội, mùa của tụ tập lòng người và mùa của những ước vọng, hãy để những ước vọng đẹp đó bay xa.
Đ.T
Những lời chúc, cho một năm mới hạnh phúc an vui đã lại vang lên trong các cuộc gặp gỡ từ khoảng giữa tháng 11 đến tết âm lịch. Người người, nhà nhà cầu mong bình an, sức khoẻ, sự phát đạt và sinh sôi nảy nở cho nhau. Loài người cổ kim luôn có những mẫu số chung về hạnh phúc và bình an, cho những tháng ngày cùng tồn tại trên cõi nhân gian này.
Câu đối ngày tết hàng năm của miếu Thành Hoàng trên đường Cao Thắng dành tặng người hữu tâm. Ảnh: Trần Việt Đức
|
Chân thành và cay đắng
Người Âu Mỹ đã phát thiệp với lời chúc chung Season Greetings bởi giai đoạn này là mùa Thanks Giving, đến Noel, tết dương lịch và rồi tết âm lịch của nhân loại châu Á. Một lời chúc chung không dành cho chỉ một hoặc hai mùa vui mà thôi. Giáng sinh có lời chúc vui vẻ (Merry Xmas), cho cả một năm mới thì lời lẽ ở mức độ cao hơn, đó là “hạnh phúc” (Happy New Year). Chúc nhau một mùa vui nhưng không hẳn chỉ là một mùa mà kéo dài đến bốn mùa và xa hơn nữa. Chúc nhau sự sinh sôi nảy nở như một lời nguyện phồn thực và bền vững của giống nòi.
Người Trung Quốc và nhiều nước Á Đông treo chữ Phúc, chữ Cát hay Ngũ phúc lâm môn (phúc lộc thọ khang ninh) cũng là một ước nguyện viên mãn nhất có thể. Có phúc, lộc, thọ nhưng không khoẻ mạnh (khang) mà bệnh rề rề thì cũng không được, song nếu có phúc lộc thọ khang mà tâm hồn không ninh tĩnh, “ăn thịt bò mà lo ngay ngáy” thì cũng khó coi.
Thật hạnh phúc cho những ai còn giữ được cho mình một vài tấm thiệp úa màu thời gian nhưng lời chào, lời chúc vẫn tươi như hoa xuân.
Về tâm lý học, lời chúc có giá trị tự kỷ ám thị, vực dậy những tâm hồn nản chí trong những cuộc đua tranh, buộc họ phải quan tâm tới chính họ trong những ngày nhân quần vui vẻ bên nhau. Những lời chúc mà dân Do Thái lạc nước từ năm 70 (CN) đến năm 1948 dành cho nhau quả nhiên đã thành hiện thực: “Sang năm về Jerusalem!”
Tuy nhiên lời chúc tụng hay khẩu hiệu có khi đi bên lề hiện thực, khiên cưỡng, không phát từ thành tâm dễ trở thành sáo rỗng và mỉa mai.
Những cờ phướn chúc tụng quá sự thật hay tấm thiệp Season Greetings sặc sỡ sẽ bị gỡ bỏ khỏi vách thời gian. Chỉ có ước muốn của con người về một miền an hoà, ninh tĩnh, yên vui và chân thật vẫn còn đó.
|
An bình và ninh tĩnh
Liên quan đến an ninh vật chất và sự bình an trong tâm hồn thì không thể không bàn về sự bất an từ bên ngoài tác động vào một cá thể. Thucydides từ cổ xưa đã xác định một trong những lý do tiến hành chiến tranh của cổ nhân chính là sự mất an tĩnh của tâm hồn: nỗi sợ hãi.
Đến thời buổi hiện đại này, nỗi sợ hãi, sự đe doạ vẫn đến từ nhiều nơi, không chắc ít hơn ngày xưa vì tiến bộ khoa học cho phép con người loại bỏ nhiều nỗi sợ hãi nhưng cũng mang đến nhiều âu lo khác. Cơn bão quái ác Haiyan là lời nhắc nhở của tự nhiên đến sự mong manh của con người. Lúc này, những lời chúc trở nên ít có ý nghĩa hơn một hành động cụ thể hay một cái bắt tay thân ái. Ngoài thiên tai, nỗi bất an dễ thấy nhất đó là cái đói ăn trên 870 triệu dân toàn thế giới (2) và đi kèm là lạc hậu và bị cách ly khỏi những tiện ích mà thế giới đang được thụ hưởng. Công việc bảo đảm an ninh lương thực thường được nhắc đến thời gian gần đây. Khi đói, khi lạnh hay bị ngược đãi, những lời chúc lành sẽ nâng con người vượt qua khổ sở. Và khi vượt qua khó khăn vật chất, con người đòi hỏi quyền của mình được nâng lên như những nấc thang Maslov cao dần và trên cùng là những nhu cầu về quyền tinh thần, tâm linh. Sự bình an trong tâm hồn cũng đến từ quyền được thờ phượng và an trú trong không gian tâm linh của cá nhân. Những câu chúc an ổn trong tâm thường nghe như: “Chúc thân tâm an lạc”, “Chúc thường lạc” cũng rất là hiện thực và cụ thể.
Nhân tai như vụ xả lũ để gây ra cái chết hàng chục người, nhiều án oan sai và sự chai đá của công bộc, sự lạnh lùng của công dân đối với nhau chẳng phải là mất an ninh sao?
Để định nghĩa sự bình an, người đọc có thể thấy hàng loạt thể hiện cho sự bất an: từ tảng thiên thạch cho đến con vi khuẩn từ nước sạch đến mưa axít, từ khủng bố đến biến đổi khí hậu, từ đổ vỡ hệ thống gia đình đến biến tướng của những tôn giáo, từ láng giềng ba trợn đến tên xâm lược trâng tráo, từ truyền thống đến phi truyền thống (3). Những sự an ổn ngắn hạn phải đánh đổi bằng những cuộc biến động máu lệ. Sự bình an đôi lúc đầy miễn cưỡng kiểu như “thôi thì hy sinh cho thế hệ sau” với một niềm tin vu vơ rằng chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, nhân hoạ sẽ chỉ là chuyện của ai đó, của xứ nào đó.
Chưa kịp điều chỉnh mình theo tầm nhìn của Rachel Carson, nhà đấu tranh bền bỉ về môi trường, thì con người lại vẫn hứng chịu nhiều bất an hơn nữa, không giới hạn bởi vùng miền hay quốc gia, tiến bộ hay lạc hậu. Bom tự sát của Al Qaeda hay hô hoán giành biển bằng chữ U tưởng tượng chẳng những làm nhân loại bất bình mà còn không giảm đi bất an cho các tác giả tham lam, bạo lực. Tôi dám cá!
Bởi vậy, tết và ước mong bình an vẫn luôn xoay vần đến với nhân gian mỗi năm một bận. Bởi vậy, những lời chúc an bình dù có phần chua chát của hai cụ Nguyễn, Trần vẫn sáng tươi hơn những lời tụng hoà mà không bình, an mà không ninh của cờ hoa, phướn liễn.
Năm mới, bên cạnh những lời chúc tốt đẹp, có lẽ chọn làm một điều lành sẽ khiến cho lời chúc được hiện thực hơn. Những lời chúc sẽ như một sức mạnh tinh thần dẫn dắt con người đến bình an và hạnh phúc, chứ không phải dìm cho con người mê mẩn và mê tín đi. Những cờ phướn chúc tụng quá sự thật hay tấm thiệp Season Greetings sặc sỡ sẽ bị gỡ bỏ khỏi vách thời gian. Chỉ có ước muốn của con người về một miền an hoà, ninh tĩnh, yên vui và chân thật vẫn còn đó. Những lời chúc ấm lành, sáng tươi như bãi mía nương dâu, như bát cơm manh áo thoát kiếp cơ cầu trong một mùa xuân vĩnh cửu.
LÊ LÃM THÔNG
(1) Lời trong ca khúc Cánh thiệp đầu xuân của Minh Kỳ – Lê Dinh
(3) Peter Hough, Understanding Global security, Routledge-Third Edition 2013