Tuesday, December 3, 2013

Xóm bệnh nhân giữa Sài Gòn

Cả dãy lán và ghế đá đối diện trại 25 đều ken kín người nằm, phía lối đi cũng được tận dụng để trải những chiếc chiếu nhỏ. Đó là nơi thân nhân người bệnh tá túc đợi chờ tin tức người thân trong phút giây sinh tử ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.

Xóm bệnh nhân giữa Sài Gòn
Người nhà bệnh nhân tranh thủ chợp mắt trong những ngày chống chọi tại bệnh viện - Ảnh: Hà Minh
Từ sáng sớm, trại 25 (tên gọi về lán tạm bợ được Bệnh viện Chợ Rẫy dựng lên) đã nóng hầm hập bởi không khí ngột ngạt. Người đứng kẻ ngồi chật cứng trên dãy lán và dãy ghế đá. Từng ánh mắt mệt mỏi, lo lắng sau một đêm thức trắng vì chờ tin về người bệnh. Một số người tìm phút ngả lưng chốc chốc lại giật mình tỉnh giấc.
Đi mời đám cưới... vào luôn bệnh viện
Ngồi trên chiếc chiếu trải giữa khoảng hẹp của 2 ghế đá, bà Nguyễn Thị Lệ (49 tuổi, ở Bình Dương) vẫn chưa hết thất thần sau vụ tai nạn của con mình. Đôi mắt bà mọng nước vì khóc quá nhiều khi nhận hung tin. Chị H.T.T.Th và anh N.T.G (cùng 27 tuổi, ở Bình Dương) đã yêu nhau gần chục năm nay. Khi công việc hai người ổn định, họ tính đến chuyện làm đám cưới. Và trong buổi chiều định mệnh đó, anh G. đang chở chị Th. đi đến nhà bạn đưa thiệp mời thì bị xe của 2 thanh niên va vào. Chiếc xe của anh G. bị hư hỏng nặng, cả chị Th. và anh G. bị hất văng xuống đường.
Cả hai anh chị được đưa vào bệnh viện gần đó cấp cứu. Anh G. bị dập não và phải tiến hành mổ ngay còn chị Th. cũng được chuyển vào phòng cấp cứu. Chị Th. được bác sĩ thăm khám qua loa rồi cho về. Đến trưa hôm sau, thấy con ói quá nhiều và đập tay vào ngực kêu khó thở, bà Lệ tức tốc thuê xe đưa Th. lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bị dập phổi nặng và gãy xương chân. Anh G. cũng được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy ngay sau đó vì tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi.
Bà Lệ không giấu được nước mắt khi kể lại: “Hai đứa nó gắn bó với nhau lâu rồi, khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đám cưới mà lại ra nông nỗi này. Lúc chưa hôn mê con bé cứ liên tục túm lấy áo tôi mà hỏi: Chồng con sao rồi? Khi nào con khỏe má đi mời đám cưới cho con và anh ấy nha má…”.
Vì vết thương quá nặng anh G. đã tử vong sau một ngày được chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong khi đó, nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), Th. vẫn tiếp tục hôn mê và bác sĩ bảo chưa nói trước được điều gì. Bà Lệ lấy ảnh của con gái bảo: “Cô thấy nó xinh thế này. Nó bảo nếu chồng mất thì cho nó đi cùng luôn vì có qua khỏi lúc này nó cũng không sống được”.
Đang ngồi tâm sự với chúng tôi, nghe đọc tên mình, bà Lệ vội lật đật đi ra phòng lấy phiếu vào thăm bệnh nhân. Con bà nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt nên bà được vào thăm một lần lúc 2 giờ chiều.
Đợi chờ trong phút sinh tử
Trại 25 là nơi tá túc chủ yếu của người thân bệnh nhân ở các khoa Hồi sức cấp cứu, Hồi sức ngoại thần kinh, ICU và một số thân nhân chờ bệnh nhân đang phẫu thuật. Ở đây, đêm là khoảng thời gian thân nhân người bệnh nặng thấp thỏm mỗi khi nghe tiếng loa truyền vào: “Xin mời người nhà của bệnh nhân…”. Cứ nghe đến tên ai là người ấy như giật bắn bởi gọi giữa đêm thường là báo tin không lành.
Tá túc ở trại gần chục ngày, bà Phụng (ở Đồng Tháp) kể, nhiều đêm đang thiu thiu ngủ thì bỗng nghe tiếng khóc ré lên từ một người nào đó là biết người nhà họ đã không qua khỏi. Ở đây, ngoài những người nhận được tin vui khi bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và chuyển lên các khoa phòng khác tiếp tục điều trị, cũng có không ít trường hợp phải nhận tin đưa người thân về lo chuyện hậu sự. Sự sống và cái chết trong gang tấc, những con người đau khổ vẫn ngồi lại bên nhau chia sẻ nhọc nhằn để cùng vượt qua. 
Hôm chúng tôi đến, ông Lê Văn Toàn (44 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tuyết (43 tuổi, ở Bình Thuận) đang ngồi bên ngoài bóc từng hạt đậu phộng ăn. Biết hoàn cảnh của ông bà nên người bán đậu phộng không lấy tiền. Ánh mắt khắc khổ, hai vợ chồng gầy rộc đi vì cuộc sống vốn đã khó khăn giờ còn chưa biết xoay đâu ra tiền để bám trụ lại bệnh viện chạy chữa cho con là Lê Văn Phong (18 tuổi) qua cơn nguy kịch. Suốt ngày đầu tắt mặt tối, vợ chồng này cũng chỉ đủ sống với nghề làm mướn. Sinh được đứa con trai, tiền cũng không có cho nó ăn học, chưa đầy 10 tuổi, Phong cũng phải đi làm thuê phụ kiếm tiền với cha mẹ. Hôm ấy trên đường về nhà thì Phong bị một chiếc xe chở hàng va vào. Trong lúc hốt hoảng vì lo cho tính mạng của con, ông Toàn đã ký vào tờ giấy “không khiếu nại” mà chủ xe đề nghị để đối lấy 15 triệu đồng đưa Phong đi cấp cứu tại bệnh viện huyện. Nhưng vì tình trạng quá nặng, Phong được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Phong bị vỡ gan, phải tháo một chân và thêm tình trạng thận yếu. Tình cảnh của con cứ dồn dập đè nặng lên đôi vai hai vợ chồng bà Tuyết. Hết vay mượn đến xin từ thiện, ông bà vẫn rất chật vật chạy tiền điều trị cho con.
Đêm, chúng tôi rời khỏi trại 25 khi nhiều người đã tìm một chỗ để chợp mắt. Nhưng vẫn không ít người không thể ngả lưng mà ngồi trầm ngâm nhìn xa xăm suốt đêm... 
Sẽ xây dựng nhà chờ khang trang
Ông Nguyễn Quốc Tường, Phó phòng Quản trị - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết có 78% bệnh nhân điều trị tại bệnh viện là đến từ các tỉnh mà mỗi bệnh nhân lại có 1 đến 2 người nhà đi cùng nên số lượng thân nhân rất đông. Bệnh viện đã xây dựng nhà chờ thân nhân ở trại 25, phát cơm sáng miễn phí nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, nghỉ ngơi để chờ tin bệnh nhân của người nhà. Chính vì vậy, việc xây dựng khu nhà nghỉ lớn hơn cho thân nhân là rất cấp thiết. Bệnh viện đã hoàn tất bản kế hoạch xây dựng khu nhà chờ với quy mô 250 - 300 giường, khi được phê duyệt sẽ tiến hành xây dựng.
Hà Minh

Quanh Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có hàng chục nhà trọ dành cho bệnh nhân ở xa đến điều trị ung thư. Tuy giá phòng chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng/người/ngày đêm nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có đủ tiền thuê để tá túc.

Xóm bệnh nhân đặc biệt
Dọc đường Nơ Trang Long, Trần Văn Kỷ, Nguyễn Huy Lượng... cứ cách vài ba mét lại xuất hiện một nhà trọ treo bảng cho thuê phía trước. Không tách biệt thành khu vực riêng mà phần lớn các phòng trọ đều nằm chung nhà dân, được các chủ nhà phân nhỏ không gian sống của mình để cho bệnh nhân thuê. Riêng trên con đường Trần Văn Kỷ khá nhỏ hẹp, có đoạn trong bán kính khoảng chục mét đã có tới 5 - 6 nhà trọ giá bình dân. Mỗi phòng riêng có giường, quạt máy hoặc máy lạnh, giá cho thuê khoảng 150.000 đồng/ngày đêm. Nếu ở phòng chung đông người, ngủ giường sếp thì mức giá phổ biến 30.000 - 50.000 đồng/người/ngày đêm.
Đến Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM mới thấy rất nhiều trường hợp bệnh nhân quá cơ hàn. Giá thuê phòng là vậy nhưng vẫn vượt quá khả năng chi trả của họ. Để bám trụ chữa bệnh, nhiều người chen chúc nhau suốt ngày đêm dưới những tán cây phượng già nua. Họ gọi nơi mình tá túc là “xóm bệnh nhân đặc biệt” vì cảnh sống như thế kéo dài tháng này qua tháng khác và mọi người đều biết khá rõ về nhau.
Xóm bệnh nhân đặc biệt này nằm bao quanh tiểu công viên ngay giữa BV. Cư dân phần lớn là những bệnh nhân ở xa đến tái khám và ở lại chờ điều trị. Vì không có tiền thuê trọ và không có ai thân quen nên “nhà” của mỗi người chỉ là một chiếc chiếu nhỏ. Tối ngủ không có nơi treo màn, gối là những túi xách đựng tư trang cũ kỹ hoặc vài bộ quần áo buộc lại. Mỗi khi giặt giũ hay tắm rửa, họ được sử dụng nhà vệ sinh của BV. Cơm nước của xóm đều trông cậy vào các bếp ăn từ thiện.
Ai nhìn cũng rất thương cảm
Khi nói về xóm bệnh nhân đặc biệt, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, chia sẻ: “Ai nhìn cũng rất thương cảm”. Theo bác sĩ Dũng, trước đây BV có một khu vực để người bệnh và thân nhân nấu nướng và ở lại khi cần, nhưng bệnh nhân ngày càng quá tải nên khu vực này không còn nữa vì phải lấy mặt bằng xây dựng khu xạ trị cao tốc. “Bệnh nhân ngoại trú và thân nhân đông quá, giờ xây cả một chung cư cũng không đủ chỗ. Chuyện này (đáp ứng chỗ ở cho bệnh nhân ngoại trú và thân nhân) cũng đã được đặt ra rồi nhưng lực bất tòng tâm, trước mắt phải lo giải quyết quá tải bệnh nhân nội trú trước”, bác sĩ Dũng cho biết.
Ở “giữa trời bao la” nhưng cư dân của xóm hiếm khi bị mất đồ đạc. Áo quần ai cũng tơi tả nên phơi ở các góc khuất ngày này qua ngày khác vẫn còn nguyên. Cái dễ bị kẻ xấu bên ngoài lẻn vào lấy trộm nhất là tiền thì lại là “của rất hiếm” của đa phần mọi người...
Khát vọng sống vượt qua nỗi đau
Dẫu cảnh sống tạm bợ nhưng nhiều người đều xem đó là chuyện thường. Khao khát vượt qua được bệnh nan y để sống đã giúp họ chịu đựng tất cả, bất chấp khổ cực trăm bề và không một lời than vãn. Bệnh nhân Phạm Thị Lọt (53 tuổi) và chồng Trần Duy Vinh (57 tuổi) là trường hợp điển hình. Bà Lọt rụng rời khi biết mình bị ung thư buồng trứng. Từ vùng biển nghèo khó và heo hút thuộc thôn Hải Đông, xã bán đảo Hải Minh, TP.Quy Nhơn (Bình Định), bà liên tục phải khăn gói vào Sài Gòn điều trị suốt 2 năm qua “mà không biết đến bao giờ lành bệnh được”. Hoàn cảnh quá cơ hàn, 2 con của bà (một đang học cao đẳng và một đang học lớp 10) phải nghỉ học giữa chừng để lo đỡ đần công việc gia đình. “Vợ chồng tui ở dưới tán phượng này được hơn nửa tháng nay rồi. Bác sĩ nói cho về, hẹn 3 tuần sau vào lại. Không có tiền đi tàu xe nên đành phải ở lại. Bao nhiêu tiền đổ vào cũng không hết bệnh. May mà ở đây còn có cơm từ thiện để ăn”, bà Lọt rưng rưng.
Vợ chồng bà Lọt cũng như nhiều trường hợp khác ở xóm bệnh nhân đặc biệt, trời nắng thì còn có chỗ ngả lưng, nhưng mỗi lần mưa trút xuống thì tất tả tìm nơi trú. “Trời mưa thì phải ngồi ngủ ở hành lang, cầu thang BV, chờ mưa ngớt ra quét nước, lá cây để lót chiếu nằm. Ướt và lạnh lắm nhưng nhiều người cùng cảnh như mình nên thấy cũng đỡ tủi thân”, ông Vinh tiếp lời vợ và nở nụ cười như để xua tan bao nhọc nhằn phải chịu đựng mỗi ngày.
Xem nhau như người một nhà
Cũng tại xóm bệnh nhân đặc biệt dưới tán những cây phượng, tôi gặp chị Trương Thị Nhiễm (33 tuổi, quê Bến Tre) và con gái Nguyễn Thị Thanh Nhàn (6 tuổi). Cháu Nhàn rất dễ thương nhưng không may bị ung thư máu. Chị Nhiễm đưa con lên Sài Gòn điều trị, bám trụ tại Khoa Nhi suốt 5 năm qua nên hầu hết các bác sĩ đều biết rõ mẹ con chị.
Đối với các bệnh nhi, BV đều bố trí giường bệnh để nằm điều trị, nhưng phòng bệnh luôn chen chúc bệnh nhân và người nhà nên nhìn đâu cũng thấy chật chội. Dù vậy, mọi người đùm bọc thương yêu nhau như trong một gia đình. Mỗi lần có cháu không thể qua khỏi, mọi người dù điều kiện ai cũng eo hẹp vẫn đều ít nhiều góp tiền giúp thuê xe đưa về quê. Thức ăn từ thiện xin được hằng ngày cũng san sẻ cho nhau.
Ngày đầu từ quê lên Sài Gòn, chị Nhiễm mua một cái điện thoại để tiện liên lạc. “5 năm ở BV, điện thoại đã lưu đầy số mà hầu hết là số của những người cùng cảnh ngộ. Cùng đợt vào với cháu Nhàn có mấy chục cháu, sau đó có thêm nhiều đợt nữa nhưng giờ đã đi hết. Ở các phòng bệnh chưa bao giờ thấy ai lớn tiếng. Cháu Nhàn bị ung thư máu nhưng còn may mắn được sống lâu hơn. Lâu lâu bác sĩ cho về thăm nhà vài hôm, mừng lắm”, chị Nhiễm kể và chia sẻ thêm: “Ở BV này mọi người rất ngại nói đến chuyện sinh tử. Cháu nào không thể vượt qua được số phận thì mọi người nói là đi rồi. Ai cũng nói như thế để phần nào cảm thấy vơi bớt nỗi lòng. Mỗi lần về thăm nhà, hễ cứ nghe điện thoại đổ chuông là giật mình, rơi nước mắt vì biết có cháu cùng điều trị không còn nữa”.
Dưới tán những cây phượng của BV, nhìn mọi người cùng nhau “chiến đấu” với bệnh tật nan y để hy vọng giành giật sự sống, tôi thầm nghĩ có được sự bình thường trong cuộc sống này là điều vô cùng quý báu.
Đình Phú

No comments:

Post a Comment