Kiến thiết quốc giaGiúp đồng bào taXây đắp muôn ngườiÐược nên cửa nhà
Tô điểm giang sanQua bao lầm thanTa thề kiến thiếtTrong giấc mộng vàng
Triệu phú đến nơiNăm, muời đồng thôiMua lấy xe nhàGiàu sang mấy hồi
Kiến thiết quốc giaGiúp đồng bào taẤy là thiên chứccủa người Việt Nam
Mua số mau lênXổ số gần đếnMua số mau lêXổ số… gần… đến…
Kiến thiết quốc gia..Giúp đồng bào ta..
Tiếng ca quen thuộc tôi nghe mỗi tuần từ năm 1952 cho đến Tháng Tư năm 1975. Vang tiếng một thời. 60 mùa lá vàng bay qua đời tôi, tôi vẫn nhớ tiếng ca Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia của Trần Văn Trạch.
Tôi không biết người Pháp đem trò chơi Xổ Số vào nước ta năm nào, chắc vào khoảng năm 1935, 1938. Những năm 1940 tôi mười tuổi, ở tỉnh lỵ Hà Ðông bên hông Hà Nội, tôi nghe người lớn nói đến chuyện Xổ Số.
Xổ Số thời xưa ấy tên tiếng Pháp là Lotterie, bán trên toàn cõi Ðông Pháp, tức bán trên cả ba nước Việt, Miên, Lào, 1 đồng bạc Ðông Dương một vé số, mỗi năm – 12 tháng – xổ số một kỳ, vé số trúng độc đắc 10.000 đồng bạc Ðông Dương, tiếng Nam là Mười Ngàn đồng, tiếng Bắc là Một Vạn đồng.
Chiến tranh nổ trên khắp nước năm 1946, Xổ Số bị dẹp. Năêm 1952 tôi thấy Xổ Số sống lại ở Sài Gòn. Giá mỗi vé là 10 đồng. Số tiền khá lớn thời đó. Năm ấy Sài Gòn có hai sòng bạc mở cửa hành nghề suốt ngày đêm, quanh năm không đóng cửa nghỉ một ngày, là Kim Chung và Ðại Thế Giới. Hai sòng bạc có trò Sổ Ðề mỗi chiều. Dân nghèo chỉ có hai, ba đồng cũng đánh Ðề được, biết được mất, tức trúng đề – đề xổ đúng con số mình mua, hay không trúng – biết ngay trong ngày. Dân Sài Gòn mê chơi Số Ðề phần đông là dân nghèo. Như đã nói chỉ hai, ba đồng cũng chơi Số Ðề được. Lại có những người gọi là Huyện Ðề nhận bán Số Ðề ở ngay trong xóm, chi tiền đàng hoàng, việc mua số chỉ bằng miệng.
Nên ít người mua sổ xố do Nhà Nước bán. Xổ Số những năm đầu bị ế. Cảnh sát Sài Gòn phạt người đi xe vi phạm luật giao thông bằng cách bắt mua vé số Kiến Thiết. Tôi không nhớ trong những năm 1952, 1953, xổ số xổ mỗi tuần hay xổ mỗi tháng. Dường như thời xưa đó mỗi tháng Xổ Số một kỳ.
Tôi cũng không biết chắc những năm đó Xổ Số đã có tên là Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia hay chưa. Căn cứ trên bài ca Kiến Thiết Quốc Gia của Trần Văn Trạch làm năm 1952, tôi chắc cái tên Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia đã có từ năm 1952.
Năm 1955 hai sòng bạc Kim Chung, Ðại Thế Giới bị chính phủ – Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm – đóng cửa. Hết trò Số Ðề. Xổ Số bắt đầu được dân mua. Ðến năm 1960 tình trạng Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia, vì bán chạy, nên có trò tăng giá. Giá một vé xổ số chính thức là 10 đồng, người mua phải mua với giá 14, 15 đồng. Rồi có tin tổ chức Chợ Ðen Xổ Số KTQG bị bắt, người thầu vé số và bán vé số tăng giá là bà Ðức Lợi. Bà này bị bắt. Tên bà Ðức Lợi Chợ Ðen Vé Số Kiến Thiết được nhiều người Sài Gòn biết.
Khi xẩy ra vụ bà Ðức Lợi, tôi là nhân viên nhật báo Sàigònmới. Nhưng tôi chẳng biết gì nhiều về cái sì-căng-đan này. Như nhiều người Sài Gòn, tôi chỉ biết Nhà Thầu Vé Số KTQG là người đàn bà tên là Ðức Lợi, bị bắt vì bán vé số quá giá. Vậy thôi.
Tháng 12 năm 2013 tôi tìm được vụ Bà Ðức Lợi trong tập “Ký Ức Huỳnh Văn Lang.” Tôi xin phép ông Huỳnh Văn Lang cho tôi trích mấy trang về vụ Bà Ðức Lợi Chợ Ðen Xổ Số trong Ký Ứùc của ông để gửi đến bạn đọc. Tôi chắc chỉ những công dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa tuổi đời năm nay Bẩy Bó, Tám Bó mới chú ý đến vụ này. Tôi trích đăng vì theo kinh nghiệm của tôi, chuyện gì tôi muốn đọc, nhiều người Việt cũng muốn đọc.
o O o
Ký Ức Huỳnh Văn Lang. Từ trang 120 đến trang 124.
Vụ Vé Số Kiến Thiết (Tháng 7, 1962)
Một buổi tối đầu tháng 7, năm 1962, trời đang mưa tầm tã, tôi đang dậy một lớp kế toán ở trường Bách Khoa Bình Dân, khoảng 8 giờ, thình lình vợ tôi đến bảo tôi về ngay, vì nhà có chuyện gấp. Ra xe vợ tôi nói cho tôi biết lý do:
Mợ bị Hiến Binh bắt, hiện bị giam giữ với 13, 14 bà nữa. Anh về xem có giúp gì được không?
Có biết lý do gì không?
Không biết, anh ghé Hiến Binh hỏi xem.
Sở Hiến Binh lúc bấy giờ ở trên đường Gia Long, ngay trước Bộ Kinh Tế và sau Bộ Tài Chánh, tôi biết Tư Lệnh Hiến Binh là Ðại Tá Lê Nguyên Phu, người từ miền Trung được đưa vào thay thế Ðại Tá Nguyễn Quang Sanh, một người bạn của tôi ở Liên Kỳ Bộ. Tôi lái xe đến đậu ngoài đường Gia Long, để vợ tôi ngồi trong xe chờ.
Văn phòng của Tư Lệnh Hiến Binh ở từng trên, tôi lên lầu, nhờ tùy viên vào báo và được Tư Lệnh Hiến Binh cho vào ngay. Tôi ngồi xuống ghế và xin vào đề:
Bà Ðức Âm mẹ vợ tôi bị Hiến Binh bắt giữ hồi chiều này, xin Ðại Tá cho tôi biết lý do và nếu được xin cho phép vào thăm bà mươi phút.
Bà Ðức Aâm và mười mấy bà bị bắt giam để điều tra về vụ chợ đen bán vé số Kiến Thiết quá giá chính thức do bà Lê Thị Tuất tổ chức. Khi khám nhà bà Lê Thị Tuất, tức bà Ðức Lợi, Hiến Binh có bắt gặp một cuốn sổ tay trong ghi tên bà Ðức Aâm và mười mấy bà khác với những số tiền mỗi bà hai, ba trăm ngàn đồng. Có thể là những số tiền hùn hạp làm ăn đấu thầu vé số Kiến Thiết với nhau, phải đợi điều tra thêm mới biết rõ được. Ông muốn đi thăm bà Ðức Aâm, đi theo tôi.
Xuống từng dưới, Tư Lệnh Hiến Binh bảo người lính gác mở cửa một cái phòng lớn không bàn ghế và để tôi bước vào. Bà Ðức Aâm và mười mấy bà ( tôi không nhớ rõ là bao nhiêu) mặc áo dài đàng hoàng, ngồi trệt trên sàn. Tôi lại ngồi kế bà Ðức Aâm, các bà khác xúm lại ngồi chung quanh, bà Ðức Ââm giới thiệu bà Ðức Lợi đang ngồi kế bên , bà Ðức Lợi còn trẻ và xem khỏe mạnh hơn bà Ðức Âm. Tôi hỏi chuyện bà Ðức Âm ngay:
Mợ có sao không? Mợ nên nói cho con rõ tất cả họa may con có giúp gì được chăng? Khi khám nhà bà Ðức Lợi, Hiến Binh bắt được một cuốn sổ tay, trong đó có ghi tên tuổi của mợ và các bà ở đây, mỗi người hai, ba trăm ngàn đồng! Vậy tiền này là tiền gì? Tiền hùn đấu thầu vé số?
Không! Con biết khi còn ở Hà Nội chị em buôn bán quen biết với nhau thường hay cho vay, cho mượn khi có chị nào cần một số tiền lớn để lấy hàng hay thế chân đấu thầu, đấu giá. Chị em giúp nhau là chuyện thường, ở Sài Gòn vào đây cũng vậy. Nhưng không có hùn hạp chung vốn, vì mỗi người mỗi chuyện buôn bán làm ăn khác nhau. Mợ chỉ có cho vay, cho mượn thôi, chuyện ai nấy lo. Ðó là sự thật! Mợ cho vay để chị Ðức Lợi thế chân thầu vé số. Mợ không có hùn hay chung vốn gì hết. Các chị em đây cũng vậy.
Bà Ðức Lợi và các bà ngồi chung quanh xác nhận lời bà Ðức Âm nói.
Tôi sang qua hỏi bà Ðức Lợi:
Có đúng vậy không?
Ðúng vậy.
Lãi xuất bao nhiêu?
4% mỗi tháng hay 11% mỗi ba tháng.
Cũng hơi cao! Nhưng làm sao, giá chính thức vé số có 10 đồng mà lâu nay, nhứt là gần đây lại nhẩy vọt lên đến 15, 16 đồng mà người ta giành nhau mua? Có thể nào bà cho tôi biết nguyên do?
Ðến đây thì thấy bà Ðức Lợi lúng túng! Rồi bà đứng lên làm dấu bảo tôi ngồi xa các bà khác một chút và nhỏ tiếng lại nói với tôi:
Ông Lang, ông biết muốn được thầu tôi phải đấu cao, 9 đồng 6, 9 đồng 7 tôi mới trúng được. Bán giá chính thức 10 đồng, tôi chỉ còn 30, 40 xu để trang trải mọi chi phí phát hành ở Sài Gòn, Chợ Lớn, xuống các tỉnh, ra cả miền Trung. Có khi đủ, có khi còn thiếu. Và mỗi kỳ thầu tôi còn phải chi cho ở trên nữa.
Bà nói thật à? Cho ai ở trên?
Mỗi bận trúng thầu, tôi phải đóng cho người của ông Nguyễn Ðình Thuần , người của ông Nguyễn Lương và người của Bs Tuyến, mỗi người 300.000 đồng, không thiếu một xu. Như vậy nếu tôi không bán trên giá chính thức thì tôi làm sao có lời, sống làm sao?
Bà nói thật chứ?
Tôi thề với ông Lang và các bà ở đây làm chứng. Tôi không nói dối đâu, ông Lang.
Bà nhớ, tôi sẽ báo cáo lên trên như bà nói.
Bà Ðức Lợi nói nhỏ tôi nghe, nhưng tôi chắc nhiều bà khác cũng nghe được. Tôi sang qua bà Ðức Aâm:
Mợ yên trí. Con sẽ trình nội vụ với TT liền! Mợ có cần mùng mền gì không?
Không cần, phòng này cũng khá nóng.
Sau đó tôi lên từng trên cám ơn Ðại Tá Lê Nguyên Phu, rồi đi xuống lái xe về ngay. Vợ tôi ngồi chờ, mặt buồn xo, trời còn đang mưa, khá lạnh.
(.. .. .. )
Tôi viết một phúc trình cho TT Diệm, trên một carte postale như xưa nay, từ lúc ông còn là Thủ Tướng, khi gửi tôi qua Bộ Tài Chánh ông có bảo tôi: (10. 10. 1954)Tuy anh không làm trong văn phòng bí thư nữa nhưng anh thấy có gì lợi cũng như hại cho chính quyền thì anh nên biên note cho riêng tôi, anh Hải sẽ lo điều đó, khỏi phải qua tay ai khác, như vậy là anh giúp tôi.
Và lần này, cũng như mọi lần trước, tôi rất ý thức khi viết cái note, một mặt tôi viết: Khi Hiến Binh khám nhà chủ thầu vé số kiến thiết là bà Ðức Lợi Lê Thị Tuất có lấy một cuốn sổ tay, trong đó có ghi tên bà Ðức Âm, mẹ vợ tôi và nhiều bà khác mỗi bà có cho bà Ðức Lợi vay hai, ba trăm ngàn đồng. Bà Ðức Âm và các bà khác nhìn nhận là tiền cho vay, không phải là tiền hùn thầu vé số. Ðó là chuyện thường trong giới buôn bán, chị em họ giúp nhau, nhưng chuyện làm ăn của ai nấy lo. Mặt hai tôi viết: Chính bà Lê Thị Tuất – bà Ðức Lợi – nói và thề với tôi là nói sự thật. Mỗi lượt trúng thầu là phải đóng cho người của ông Thuần, người của ông Lương và người của Bs Tuyến mỗi người 300.000 đồng. Nếu không bán 5, 6 đồng hơn giá chánh thức, thì làm gì có lời, làm sao sống được. Ðó là lời bà Ðức Lợi nói với tôi, nhiều bà ngồi đó có nghe.
Tôi lái xe vào Dinh Gia Long và trao tờ thư cho anh Hải ngay trong đêm đó, nhớ là khoảng 10, 11 giờ gì đó. Chắc chắn là thể nào cũng tới tay TT, trễ lắm là trước 8 giờ sáng ngày hôm sau. (.. .. .. )
Ðến trưa thì được tin Hiến Binh đã cho bà Ðức Aâm và các bà khác tự do đi về nhà, trừ bà Ðức Lợi còn bị giữ ở đó để điều tra thêm.
Chiều lại, khoảng 4 giờ tôi được anh Hải gọi vào Dinh gặp TT ngay. Tôi vẫn được TT tiếp như thường lệ, cũng ở trong phòng làm việc vừa làm phòng ăn,, phòng ngủ, cũng trước cái bàn tròn, cũng ngồi trên một ghế bành đã bạc mầu.
Thưa TT, tôi chào ông như xưa nay.
TT bảo tôi ngồi xuống bên cạnh, ông đang cầm trên tay cái note phúc trình của tôi và đang đọc. Ông lấy từ đĩa lên, 1 điếu thuốc lá, đã đốt rồi và đưa lên miệng phì phà hai ba cái, nhả khói và nhìn theo, tôi thấy ông rất buồn, tôi cảm nhận ông đã mất tinh thần từ bao giờ, có thể cuộc đảo chính bất thành ngày 11 – 11 – 60 và vụ bỏ bom Dinh Ðộc Lập mới 5 tháng trước đây ( 27 – 02 – 62 ) đã để lại trên mặt ông một nỗi buồn khó tả, làm tôi cũng buồn lây.
Ðến chuyện vé số này, liên lụy đến những người ông tin tưởng nhứt, tôi tin chắc là ông cũng phải tin tôi, khi ông cho lệnh Hiến Binh thả bà Ðức Aâm và các bà khác, trừ bà Ðức Lợi ra! Tôi tin chắc TT biết tôi không có lý gì mà bày chuyện, ích gì cho tôi. chỉ có thiệt thôi. Có thể ông đang suy nghĩ ghê lắm!
Sau bốn, năm phút im lặng, tôi thấy ông đau buồn lộ ra vẻ mặt, rồi như cố gắng lắm, như nói với mình, hơn là với tôi:
Làm gì ông Thuần lấy tiền của người ta..Vây mà ông nói với tôi chỉ có 2 cái áo sơ-mi để thay đổi thôi.
Làm gì ông Thuần lấy tiền của người ta..Vây mà ông nói với tôi chỉ có 2 cái áo sơ-mi để thay đổi thôi.
Ðến đây tôi không cầm lòng được nữa, nên phải nói ngay:
Thưa TT, tôi ghi lại gần từng tiếng bà Ðức Lợi nói. TT biết tôi không thêm bớt gì hết, tôi không tố cáo ai hết.
TT Diệm không nói gì thêm, phì phà thuốc, rồi chậm chậm điếu thuốc trên đĩa, ông ngó lên trên.
Bỗng chốc tôi sinh ra bối rối, tôi nhít người lên, như muốn đứng dậy, thấy thế TT bảo như người than thở:
Thôi, anh về đi!
Tôi đứng dậy, cúi đầu chào ông và lẳng lặng ra về, cũng không biết phải nói gì bây giờ, tôi sợ làm phiền ông thêm. Ngồi trên xe, đầu óc tôi vẫn bối rối, lòng tôi bất an, không phải cho tôi mà chính là cho TT. Tôi thấy ông hoàn toàn như bị đè bẹp, hoàn toàn thất vọng. Cái hình ảnh sau cùng đó sẽ đeo đuổi tôi rất lâu về sau, dù sau đó trong hội đồng TTTCTD tôi còn gập ông mấy lần nữa nhưng thấy ông xa vắng.
( .. .. .. )
Tôi cũng không theo dõi cho sát chuyện của bà Ðức Lợi. Tôi chỉ biết sơ qua là bà bị đưa ra tòa và bị phạt ba, bốn năm tù ở gì đó về tội tổ chức chợ đen bán vé số Kiến Thiết. Hoàn toàn tôi không nghe ai nói đến chuyện hối mại quyền thế hay tham nhũng gì cả. Thành ra theo tôi nghĩ làm gì cũng có những bí ẩn sao sao đó? Tại sao bà Ðức Lợi nói với tôi như thế mà lại không thấy nói đến chuyện ba ông Thuần/Lương/Tuyến gì hết, dù tôi đã phúc trình đến tận tay TT.
Ông Huỳnh Văn Lang viết về Nguyễn Ðình Thuần: Nguyễn Ðình Thuần. Ký Ức Huỳnh Văn Lang. Trang 111
Khi viết về người quá cố (anh Trần Kim Tuyến và ông Nguyễn Lương,) tôi có vấn đề lương tri. Tôi phải hết sức cẩn thận, vì họ không còn sống để biện hộ cho mình mà người ta nói: “Les absents ont toujours tort,” thì danh giá gì phải tố cáo người ta. Nhưng ông Nguyễn Ðình Thuần còn sống chui nhủi đâu đó ở Paria. ( .. .. .. )
Trông sao tập sách này được đến tay ông Thuần trước khi ông nhắm mắt không còn đọc được nữa. Ðể ông có cơ hội biện hộ cho ông và đồng lõa của ông.
CTHÐ: Cám ơn ông Huỳnh Văn Lang đã cho tôi biết một chuyện tôi chỉ biết mù mờ 60 năm về trước.
CTHÐ bàn loạn: Sau ngày báo với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm việc ba nhân vật quan trọng trong chính phủ: Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống Nguyễn Ðình Thuần, Bộ Trưởng Bô Tài Chính Nguyễn Lương, Bác sĩ Trần Kim Tuyến – người cả nước nghe tên mà không biết mặt – can tội tham những: mỗi lần thầu Xổ Số Kiến Thiết, bà Chủ Thầu Ðức Lợi phải nộp cho ba ông trên đây mỗi ông 300.000 đồng, Tổng Thống Diệm làm lơ. Ba nhân vật tham những vẫn tại chức, ông Huỳnh Văn Lang bị cất chức Tổng Giám Ðốc Viện Hối Ðoái. Viết rõ hơn là ông Huỳnh Văn Lang bị đuổi ra khỏi chính quyền. Người “đuổi” ông là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Trước ông Huỳnh Văn Lang, hai ông Bộ Trưởng sáng giá trong chính phủ Ngô Ðình Diệm là ông Trần Chánh Thành, Trần Trunf Dung đã bị bọn Nguyễn Ðình Thuần, Trần Kim Tuyến đẩy ra khỏi chính phủ.
Tổng Thống Ngô Ðình Diệm từng được ca tụng là “anh minh.” Riêng trong vụ Xổ Số Ðức Lợi, tôi thấy ông không được “anh minh” gì nhiều.
Nếu sự thật và sự thể do ông Huỳnh Văn Lang kể đúng chăm phần chăm, tôi thấy trong vụ Ðức Lợi Chợ Ðen Vé Số, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm không những chỉ không anh minh mà còn ngốc nghếch. Khi Bộ Trưởng Nguyễn Ðình Thuần nói với ông Y “chỉ có hai cái áo sơ-mi thay đổi,” người ngu nhất Bắc Kỳ, ngu nhì Ðông Dương” là tôi cũng biết là Y nói láo, Y nói dối. Kẻ nói láo thường cho người nghe mình nói láo là ngu, ngu và sẽ tin lời mình nói láo là thật, nên mới dám nói láo. Tôi lấy làm lạ: Sao ông Ngô Ðình Diệm lại không biết Nguyễn Ðình Thuần nói láo với ông?
Nguyễn Ðình Thuần trạc tuổi ông Huỳnh Văn Lang. Rất có thể hiện nay Nguyễn Ðình Thuần còn sống ở Pháp. Ông Thuần có người anh ruột là Nguyễn Ðình Thái. Ông Thái từng được coi như con nuôi của ông Ðốc Phủ Nguyễn Văn Tâm. Năm 1950 ông Nguyễn Ðình Thái từ Pháp về Hà Nội, làm Giám Ðốc Nha Cảnh Sát – Công An Bắc Việt. Khi ông Nguyễn Văn Tâm làm Thủ Tướng Chính Phủ, ông Thủ Hiến Bắc Việt Phạm Văn Bính trình ông Thủ Tướng một hồ sơ tố cáo Giám Ðốc Công An Nguyễn Ðình Thái tội hối mại quyền thế, ăn hối lộ. Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm cất chức Giám Ðốc Công An Nguyễn Ðình Thái, ra lệnh cho ông Thái và gia đình đi khỏi Hà Nội trong 48 giờ đồng hồ.
Tôi – CTHÐ – théc méc: Chuyện nhỏ thôi: Năm 1952 tôi là Lính Tuyên Truyền đóng ở Trại Tù Binh Cây Dừa Ðảo Phú Quốc. Ðại Úy Trương Vĩnh Ðắt là Phó Tư Lệnh Chi Khu Phú Quốc, ông đặc biệt phụ trách giữ an ninh Trại Tù Binh. Nay tôi đọc thấy ông Huỳnh Văn Lang viết năm 1965 ông bị đưa vào giam ở Trung Tâm Cải Huấn Tam Hiệp:
Ký Ức Huỳnh Văn Lang. Trang 472:
Năm phút sau, Ðại úy Giám Ðốc Trung Tâm – sau này tôi biết tên là Trương Vĩnh Ðắt – bước ra, có hai người lính của Trung Tâm ôm hai quyển sổ lớn đi theo và đặt lên bàn. Người lính của Tổng Nha Cảnh Sát trao một phong thư mầu vàng. Ðại Úy Giám Ðốc mở thư xem liền. Theo thủ tục thì phạm nhân có quyền biết mình bị giam giữ vì tội gì, nên Giám Ðốc Trung Tâm đọc ngay cho tôi nghe:
“Giam giữ đương sự Huỳnh Văn Lang về tội “làm kinh tế cho gia đình họ Ngô.” Ký tên: Tổng Giám Ðốc Công An Cảnh Sát. Ðại Tá Phạm Văn Liễu.
CTHÐ: Năm 1952 người quân nhân Trương Vĩnh Ðắt là Ðại Úy, năm 1965 – 13 năm sau – ông vẫn là Ðại Úy?
Théc méc thứ hai dzui dzui tôi viết để tặng ông Huỳnh Văn Lang.
Trong Ký Ức, trang 110, ông viết:
“.. Ðến bây giờ, sau 50 năm, có ai nhắc đến chuyện gian dối cũ đó, nhiều thày, nhiều Phật tử nhẩy đổng lên như gái ngồi phải cọc..”
Thành ngữ của dân Bắc Kỳ: “Thin thít như gái ngồi phải cọc..” Gái ngồi phải cọc thì im thin thít, không có gái Bắc nào ngồi phải cọc mà nhẩy đổng lên cho người ta biết mình ngồi phải cọc.
Théc méc cuối: Ông Huỳnh Văn Lang đến Sở Hiến Binh lúc 8 giờ tối. Vào giờ này Ðại Tá Tư Lệnh Hiến Binh vẫn làm việc ở văn phòng?
No comments:
Post a Comment