Monday, December 30, 2013

Về quê, lại nhớ Sài Gòn

Có lẽ ở mảnh đất phương Nam trù phú này, người nhập cư còn nhiều hơn cả người sinh ra và lớn lên tại đây. Không biết mảnh đất tạo nên tính cách con người, hay con người tạo nên phong cách sống ở một mảnh đất mà khi nhìn vào cách hành xử cởi mở, thân thiện, phóng khoáng người ta lại phán: “Đúng là dân Sài Gòn”.

Dân thương thì mới dễ sống
Ông Phạm Lành, 50 tuổi, ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vô Sài Gòn bán hủ tíu gõ được 23 năm. Nhớ lại hồi đó, khi vừa xuất ngũ về, ông Lành mở tiệm sửa xe tại nhà. Dân quê nghèo, xe sửa xong lại bị nợ miết khiến ông hết vốn. Nhắm không nuôi nổi một vợ và ba đứa con nhỏ dại, ông Lành dẹp tiệm đi Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm cỏ mướn ở vườn càphê. Công việc cực nhọc đã đành nhưng tiền kiếm không đủ sống, vậy là ông Lành vọt xuống Sài Gòn theo mấy đứa cháu bán hủ tíu gõ. Ông gom góp vay mượn được năm chỉ vàng làm học phí học nghề nấu hủ tíu gõ. Có nghề trong tay rồi vẫn chưa hết gian nan, lớp bị giành chỗ bán, lớp bị ăn giựt... không biết ông Lành đã mất bao nhiêu tiền cho những lần như vậy.
Có lẽ ở mảnh đất phương Nam trù phú này, người nhập cư còn nhiều hơn cả người sinh ra và lớn lên tại đây. Ảnh: Đào Lê

Ông luôn tự trấn an: “Ở hiền gặp lành, có khổ mới thành thân được”.
Chốn thị thành đầy rẫy bon chen nhưng tình người nơi đây cũng không thiếu. Có lần bị tịch thu xe vì buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, ông Lành năn nỉ, kể rõ hoàn cảnh của mình, anh công an thương tình thả cho đi, còn tặng thêm hai bao gạo 10kg, sau này thỉnh thoảng lại ghé thăm ông. Có chị bán nước gần đó, thấy ông chạy tới lui mua bán cực khổ bèn bán cho chiếc xe Honda 78 làm chân đi lại với giá… 50 tô hủ tíu đặc biệt.
Ông nói: “Kiếm tiền ở Sài Gòn phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, làm dễ ra tiền nhưng đồng tiền mắc quá, phải biết giữ thì mới có dư”. Ông Lành chia sẻ thêm: “Sài Gòn có nhiều thứ phức tạp, người dân thương thì mình mới dễ sống. Được thương hay không là do cách sống, tính tình của mình”.
Nhớ lại lúc mới chân ướt chân ráo vô Sài Gòn, ông kể: “Có những lúc nhớ nhà lắm, nhớ vợ nhớ con nhưng phải ôm bụng mà chịu”. Với quyết tâm “Hy sinh đời cha, củng cố đời con, để con có cuộc sống đàng hoàng, ăn học đến nơi đến chốn” nên ông ráng chịu đựng. Hiện tại, ba đứa con của ông: con gái lớn 28 tuổi đã lấy chồng, sống ở quê, hai con trai sinh đôi 22 tuổi đang là sinh viên. Vợ ông Lành là bà Đỗ Thị Hương cũng mới thu xếp xong chuyện nhà cửa rồi vô Sài Gòn phụ bán với chồng được vài năm nay. Mỗi ngày, cứ khoảng 5 giờ chiều, hai vợ chồng đẩy xe hủ tíu ra bán đến sáng. Kế nữa là dọn hàng, đi chợ, nấu nướng đến 12 giờ trưa, rồi mới được đi ngủ đến 4 giờ chiều. Tết đến, vợ chồng ông cũng không về quê vì ngày tết bán được hơn ngày thường. Ông cho biết: “Bây giờ con cái đã lớn, làm để dành tiền sửa nhà, cho có chỗ chun ra chun vô, chết có chỗ cho con thờ”.
Nói là nói vậy, chứ mỗi lần về quê ông lại nhớ Sài Gòn. “Sài Gòn là quê hương thứ hai của tui. Chừng nào hai vợ chồng đẩy xe đi bán không nổi nữa mới về quê sống”, ông Lành tâm sự.
Nhờ có Sài Gòn
Mở đầu câu chuyện, chị khiêm tốn nói, những ai phải rời quê miền Trung vào Sài Gòn mưu sinh đều là những người chịu thương chịu khó, chứ không riêng mình chị. Đó là chị Nguyễn Thị Bảy, quê ở xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, 45 tuổi, một trong hàng trăm người nhập cư vẫn đang đi bán trái cây dạo trên khắp các ngõ ngách Sài Gòn.
Chị kể, nhà làm ruộng nhưng không có nổi miếng nước cháo cho con lót dạ. Khi con gái út được sáu tháng, chị gạt nước mắt dứt áo vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai phụ chồng nuôi bốn đứa con. Chị mạnh mẽ: “Có nhớ, có thương cũng phải chấp nhận”.
Vào Sài Gòn, chị tập tành mua trái cây, quảy gánh đi bán dạo. Một giờ rưỡi khuya, chị thức dậy ra chợ Bình Tây mua trái cây, sau đó gọt rửa dọn dẹp cho tới sáng. Ăn miếng cơm lót dạ, chị quảy gánh đi bán đến 7 giờ tối. Khoảng mười năm trước, trong một đêm khuya đi mua hàng về bán, chị bị đau đến nỗi phải vào bệnh viện cấp cứu. Chị bị phát hiện thoái hoá cột sống, chồng chị phải vào ẵm vợ lên tàu về quê chữa bệnh. Suýt phải nằm luôn một chỗ, nhờ thuốc thang may nhờ rủi chịu, chị may mắn đứng lên đi lại được. Vậy là, chị vào lại Sài Gòn đi bán tiếp. Quảy gánh không nổi, chị đi bán vé số kiếm sống nhưng không bán được. Một chị ở trong khu xóm biết chuyện hỏi han bèn cho chị 500.000 đồng mua xe để đi bán trái cây tiếp.
Có nhiều người thương cái tính của chị Bảy, hay ghé hỏi han, mua ủng hộ.
Đã 20 năm chị xa nhà mưu sinh, con gái út của chị giờ đây đã là sinh viên, còn ba người con lớn của chị đều đã có thể tự nuôi mình. Có lẽ gánh nặng mưu sinh giờ đã nhẹ phần nào, chỉ cần đợi đến khi con gái tốt nghiệp là chị đã có thể trở về quê đoàn tụ với chồng. Nhưng, chị cho biết: “Kế hoạch là vậy nhưng mỗi lần về thăm quê lại nhớ Sài Gòn, chỉ sợ lúc đó không nỡ về”. Nói về mảnh đất sinh nhai, chị cảm kích: “Nhờ có Sài Gòn, nếu không chắc con gái không được đi học”.
MINH CÚC

No comments:

Post a Comment