Thursday, December 12, 2013

Con nhà nòi

Nguyễn Mộng Hoài 

Việt Nam ta, nhất là thời kỳ "miền Bắc bắt đầu tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là trước và sau cuộc "Cải cách ruộng đất" long trời lở đất, hầu như tất cả các việc về tổ chức nhân sự từ cơ sở đến cấp cao đều phải hết sức chú trọng đến thành phần. Thành phần lý lịch hơi có vẫn đề, hoặc "nghe nói" có vẫn đề, là y như bị để ý và thậm chí "gạch toẹt" không chú ý gì đến tài năng, trí tuệ bằng cấp của từng cá nhân được tuyển chọn hoặc được đề bạt.


 Dạo ấy, trước khi có Luật Nghĩa vụ quân sự (1958), việc huy động thanh niên vào bộ đội chủ yếu là động viên tinh thần tự nguyện. Không phải chỉ có bộ đội ta tình nguyện chiến đấu giúp bạn Lào và Căm-pu-chia mới gọi là "bộ đội tình nguyên" mà ngay trong các đơn vị bộ đội được xây dựng từ năm 1944 đến năm 1954, đều gọi là "bộ đội tình nguyện". Gọi như thế cho có vẻ "cách mạng tự nguyện", thật ra, từ lâu lắm rồi, ở nước ta, nhất là ở "miền Bắc xã hội chủ nghĩa" mọi phong trào "quần chúng" đều có gắn hai chữ tình nguyện hoặc tự nguyện, tức là không bắt buộc hoặc bị ai bắt buộc. Đã là tình nguyện thì công tác chiến đấu cũng phải tự giác, tự nguyện. 

Tuy vậy, trong cái "phong trào tự nguyện ấy" người ta không bao giờ quên tính đến "thành phần giai cấp, thành phần xuất thân của mỗi cá nhân khi được tuyển chọn vào bộ đội hoặc vào tổ chức nào đó của cách mạng. Một dạo, học xong trường trung học phổ thông, em nào muốn thi vào đại học, hoặc đỗ vào đại học rồi mà muốn nhập trường tiếp tục học lên thì phải là thành phần "trong sạch". Mà trong sạch bậc nhất là "thành phần cơ bản". 
Thành phần cơ bản phải là con em công nhân, nhân dân lao động ở thành thị, con em nông dân, nhất là con em thành phần bần cố nông được quy theo chính sách cải cách ruộng đất. Xuất thân từ thành phần bần nông chẳng hạn, trình độ học vấn không có gì hoặc mới chỉ "thoát nạn mù chữ, vẫn được bố trí vào cấp lãnh đạo, ít nhất là từ cơ sở, sau đó được "đi bồi dưỡng" một thời gian, nhờ tinh thần công tác cần cù, hoặc chiến đấu dũng cảm thì lên vù vù. Hồi đầu chưa có cụm từ "thành phần chủ nghĩa" mà chỉ chú trọng "thành phần cơ bản" công nông.

 Thậm chí con cái những người buôn bán nhỏ được gọi là "con buôn' cũng bị liệt vào hạng "có vấn đề" có được tuyển thì cũng còn "xơi" mới được đề bạt hoặc giao công tác quan trọng. Càng về sau, nhất là thời kỳ các thập kỷ 60, 70, "chủ nghĩa thành phần" rất được coi trọng, nó quán triệt mọi khía cạnh của công tác tổ chức, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ. Đôi khi những người thuộc thành phần lớp trên có được tuyển dụng thì vẫn phải "điều tra ba đời, năm đời" không liên quan đến "đế quốc và phong kiến" và khi làm thật tốt công tác, tỏ ra rất trung thành với cách mạng, vẫn bị "tổ chức để ý", con đường hoạn lộ vì thế mà cứ tắc tỵ.

 Dạo ấy, người ta hay gọi là "chủ nghĩa thành phần, hay thành phần chủ nghĩa" ! Chao ôi, chủ nghĩa thành phần, người ta đã tuyển vào bộ máy cơ man nào là cán bộ, nhân viên "thường thường bậc trung", phần lớn "nghèo rớt mông tơi" nên có chức có quyền, là cơ hội để "vươn lên cho bằng chị bằng em". Càng về sau này, nhất là sau khi thống nhất nước nhà, những con em hoặc những người có dây mơ rễ má với những người đã từng là "ngụy quân, ngụy quyền" ở miền Nam thì không bao giờ hoặc hiếm được tuyển công tác, đi bộ đội.

 Ở quê tôi, ngày Pháp chiếm đóng, có một người "Thành phần trên" tên là Phán, đi lính ngụy rồi được thăng làm sếp một cái đồn binh nhỏ đóng quân tại một vùng quê nông thôn đặc sệt. Trong điều kiện "ra oai nhất vùng" lão "sếp bốt" này đã tâng công với cấp trên của hắn bằng cách tích sực lùng sục Việt Minh và dĩ nhiên là đối với hắn "ai cũng là Việt Minh" mang về bốt tra khảo đến chết. Nghe nói hắn đã cùng với đồng bọn, chôn sống một số Việt Minh bị hắn bắt rồi cho trâu bừa lên đầu họ. Quan trọng là toàn bộ gia đình hắn từ con trai, con gái đến cháu chắt đều không được tham gia vào bộ đội ta và không được tham gia công tác gì ở địa phương.

 Do đó, tất cả anh em con trai nhà ấy đều "không phải đi bộ đội" ở nhà tha hồ sản xuất và làm giầu từ rất lâu, ai cũng có cơ ngơi khá giả, nhưng vẫn phải úp úp mở mở, mãi cho đến sau đổi mới mới "bung ra". Trong số các con cụ Phán có một người hiện rất giầu có ở địa phường, con cái đều có vốn lớn mở siêu thị, cửa hàng vàng bạc...Họ bảo, nhờ có "thành phần" mà chúng em khá lên một chút chứ có gì gọi là đâu !

Từ "chủ nghĩa thành phần, chuyển biến sang "chủ nghĩa "con ông cháu cha" Đây là sáng kiến không biết có từ bao giờ, và do ai đề xuất, song cũng là "lưỡng tiện". Bố mẹ tham gia công tác, tham gia lãnh đạo cơ quan xí nghiệp, con cái trưởng thành đều được nhận vào làm mà không cần qua khâu "xét lý lịch" một cách chặt chẽ, khắt khe nữa, mặc dù quá trình học tập của anh hoặc chị chỉ là "học giả vờ" bằng giả vờ nhiều hơn bằng thật. Khá đông những người giỏi giang, học hành đến nơi đến chốn có bằng cấp xịn lại không phải là "con ông cháu cha" do đó không phải dễ dàng được tuyển, hoặc được vào đảng, hoặc trúng cấp ủy và leo lên càng cao cái ghế danh vọng. 

Nước ta có cái "phong trào" sáp nhập, tách đơn vị hành chính, lúc thì nhập to đùng để "làm ăn lớn", khi thì lại xé nhỏ để "vừa với khả năng lãnh đạo quản lý".Gần đây là có phong trào "xây dựng các khu công nghiệp" tha hồ quy vùng quy hoạch vì đất đại là sở hữu toàn dân, nên ai cũng có quyền, chỉ có người dân là mất quyền làm chủ đất đai mà thôi. Đấy cũng là một trong những điều kiện để người ta có thể cài hàng loạt con cháu vào các cơ quan đảng, chính quyền và các cơ quan "làm ăn" tốt, chóng giầu, những cái chiếc ghế thơm tho, thu nhập ngày càng bự.

 Ấy là chưa nói "ưu tiên cán bộ" nữ (tất nhiên cũng là con gái ông nọ bà kia), nhất là phải "xinh xinh một chút" chứ "đen như củ súng" thì tuyển làm gì. Trong số cán bộ nữ ấy, có nhiều chị giỏi giang thật sự, nhưng cũng có nhiều cô lợi dụng cái "vốn tự có". Tiêu chuẩn đề ra cho một cán bộ lãnh đạo huyện, nhất là bí thư chủ tịch huyện nhất thiết phải có Bằng đại học chính quy, nhưng ở huyện tôi, tốt nghiệp trương "vừa học vừa làm" trong chống Mỹ, cứu nước hoặc không có bằng tốt nghiệp cấp ba, vẫn nghiễm nhiên làm bí thư chủ tịch rất đúng quy trình và đúng tiêu chuẩn !.

 Chị nữ chủ tịch hiện nay, đúng là mạnh về cái "vốn tự có" nên đã là một nhân vật luôn trang điểm cho những cuộc họp quan trọng. Tại xã, có cô nhân viên con một đảng viên được kết nạp đảng khi 18 tuổi, sau lấy chồng, đã làm đến ba khóa chức văn phòng chính quyền cơ sở và trong tay hiện có nhiều xuất đất béo bở, nhà cao tầng giữa phố. Được biết, cô văn phòng ấy đã được mấy đời chủ tịch xã "ưu ái", trong đó có một chủ tịch ưu ái nhất, gọi là "em nuôi" và cuộc nghỉ mát nào ở Cửa Lò em cũng được ưu tiên đi xe xon với chủ tịch và tất nhiên được bố trí phòng sang ở khách sạn. Còn họ có làm gì nhau không thì có ông trời mới biết.

Lan man thế, để thấy công tác tuyển chọn cán bộ của ta, hết thành phần chủ nghĩa lại đến "con ông cháu cha", nhất là cán bộ, đảng viên con nhà nòi. Bố mẹ đã là đảng viên lâu năm thì tất nhiên con cái cũng phải là đảng viên. Có đảng viên rồi thì dễ được "bồi dưỡng, cất nhắc" và chẳng mấy lại được chễm trệ trên ngôi cao. Vì thế nên mới có nhiều gia đình cha truyền con nối làm cán bộ cấp này cấp nọ, thậm chí cấp cao ngất ngưởng nữa. Vì thế mới có Dương Chí Dũng, nghe nói làm đến chức tước to lắm, và cũng tham nhũng to lắm, khi bị phát hiện và bị lôi cổ tống vào trại giam thì có em ruột là đại tá công an tổ chức đường dây cho "ông anh ruột" trốn ra nước ngoài, nhưng trời lại có mắt, vẫn bị tóm cổ.

Bao nhiêu "đường dây" cán bộ từ "truyền thống con ông cháu cha" này nắm nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước. Chúng nó là đảng viên thật nhưng chúng nó coi đảng chẳng ra cái quái gì nên chúng nó rắp tâm phá từ bên trong khi có điều kiện và cơ hội. Các vị cho con cái vào các hệ thống này nên suy nghĩ lại một chút cho dân nhờ./.

No comments:

Post a Comment