Friday, November 15, 2013

Nước không chưn sao kêu nước đứng?

Nam bộ là vùng sông nước, nhiều kênh rạch, nhiều loài cá tôm, phương tiện giao thông quan trọng là ghe xuồng nên rất nhiều câu ca dao nói tới sông nước, ghe xuồng và những sản vật sông nước.

Với tư duy hồn nhiên và thích chơi chữ, người dân Nam bộ phát hiện những “mâu thuẫn” thú vị về tên gọi của nhiều đồ vật, sản vật, con vật và đặc biệt là loài cá:
Nước không chưn sao kêu nước đứngCá không giò sao gọi cá leo?Ghe không tay sao kêu ghe vạchBánh không cẳng sao gọi bánh bò?
Trong câu ca dao trên, các từ cá leo, ghe vạch, bánh bò là tên gọi. Leo, vạch, bò không phải là động từ mà là danh từ nhằm gọi tên. Đứng đúng là động từ nhưng đã được dùng chuyển nghĩa tạo ra ẩn dụ.
Cách dùng ẩn dụ cho từ đứng
Con trâu đứng ở bờ tre. Trúc xinh trúc mọc bờ ao/Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh (ca dao). Ðó là những cách dùng thông thường. Nhưng “trời đứng gió”, “mặt trời đứng bóng”, “Nước không chưn cớ sao nước đứng?” là những cách dùng ẩn dụ của từ đứng.
Người Việt có kiểu dùng ẩn dụ “đứng” cho những trạng thái hoạt động nào giống tính chất mà con người hoặc động vật đứng. Ði là chuyển động còn đứng là ngừng lại, không chuyển động nữa. Khi đang đi mà đứng lại, ấy là chúng ta không chuyển động nữa, về cơ bản coi như bất động. Những hiện tượng nào đang thay đổi mà chuyển sang trạng thái trong nhận thức của người Việt coi là bất động hoặc gần như bất động sẽ được xem là đứng. Ðó là những trạng thái đứng. Ðây là cách dùng ẩn dụ của từ đứng.
Chiếc đồng hồ đang chạy, hết pin nên đồng hồ đứng lại. Trời không gió, là gió không thổi. Chúng ta gọi là trời đứng gió. Lúa đang phát triển chuyển sang giai đoạn ngừng đẻ nhánh, thân và láđứng thẳng và đang chuẩn bị làm đòng, nhà nông gọi là lúa đứng cái. Mặt trời di chuyển, bóng các vật cũng chuyển động theo, tới lúc mặt trời ở ngay đỉnh đầu, bóng không di chuyển nữa. Lúc đó chúng ta nói mặt trời đã đứng bóng. Trong bài thơ Tiếng hát sông Hương, nhà thơ Tố Hữu đã dùng ẩn dụ “trăng đứng” theo cách này: “Trăng lên trăng đứng trăng tàn/Ðời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng”.
Khi còn trẻ, bề ngoài con người thay đổi rất nhanh. Tới một tuổi nào đó, một người không còn trẻ nhưng cũng chưa già, hình thức giai đoạn này hầu như không thay đổi nên được gọi là “một người đã đứng tuổi”. Một người khi số phận đã ổn định, không còn thay đổi nữa thì người đó được gọi là đã đứng số.
Tới đây, chúng ta giải thích được vì sao nói nước đứng. Con nước đang lên, tới đỉnh điểm thì dừng lại hoặc đang xuống tới hết mức thì dừng lại. Ðó là lúc nước đứng..
Câu chuyện về sự “bất động”
Quy tắc khái quát: Con người, loài vật khi đứng, ngủ, nằm im, nằm bẹp hay chết đều bất động. Có thể dùng những động từ này theo cách ẩn dụ cho những người, những vật, những đối tượng đang hoạt động mà chuyển sang trạng thái “bất động”, trong đó đáng chú ý là cách mở rộng nghĩa từ bất động thể xác sang bất động trong đời sống, hoạt động tinh thần. Ví dụ:
Những con tàu của Vinashin thành những đống sắt vụn nằm bẹp ở cảng.
Thành phố cần lao này suốt đêm không ngủ. Trời mùa đông, thị trấn heo hút miền núi này đi ngủ sớm. Thời buổi nhiễu nhương này, có trùm chăn ngủ kỹ cũng không yên. Ðoàn thanh niên tổng công ty này ngủ cả năm nay. Con quay quay tít, em bé reo lên “Con quay của tao đang ngủ kìa!”
Ðồng hồ chết là đồng hồ không chạy được nữa mà đứng lại. Chiếc xe đang đi bị chết máylà máy không nổ nữa, xe không chạy được nữa. Nếu mực nước trong hồ thủy điện xuống tới mức thấp nhất khiến không quay được tuôcbin nữa. Nhà máy thủy điện ngừng hoạt động coi như bị chết. Ấy vậy là nước trong hồ thủy điện đã xuống tới mực nước chết. Ngồi chết một chỗ là ngồi một chỗ bất động rất lâu. “Ông ấy rầu lắm, ngồi đâu là ngồi chết một chỗ”.
Khi nền kinh tế ngừng trệ, nhiều doanh nghiệp khó bề hoạt động. Nhiều doanh nghiệp lách luật để tồn tại, nếu không sẽ phá sản tức là “chết”. Người ta nêu câu hỏi: “Lách” luật hay là “chết”?
Sống mà không hoạt động gì nữa coi như đã chết. Một nhà văn Pháp đã nói: “Trên bia mộ của nhiều người đáng lẽ phải chữa lại là chết lúc ba mươi tuổi, chôn lúc sáu mươi tuổi”.
NGUYỄN ĐỨC DÂN

No comments:

Post a Comment