Monday, November 18, 2013

NGUYỆT SAN TÌNH THƯƠNG

Sau đảo chánh 1/11/1963, chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sụp đổ. Tổng Hội Sinh viên Quốc gia hồi đó do bà Dược sĩ Nguyễn Khoa Thi làm chủ tịch, là tiếng nói của chính quyền cũng bị đổ theo. Tất cả sinh viên của mọi phân khoa tại Sài Gòn như thoát cũi xổ lồng vươn vai đứng dậy và từ đó không khí chính trị đã bắt đầu tràn lan vào khung cảnh học đường. Về mặt tổ chức và tinh thần học tập tại Đại học dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa vẫn chưa thoát khỏi khuôn mẫu của tổ chức giáo dục do người Pháp tạo dựng. Cho nên mặc dù Việt Nam đã độc lập, nhiều người trong giới sinh viên vẫn thao thức một sự đổi mới theo nhãn quan của một xứ sở đã được độc lập. Thao thức đó chỉ chờ dịp, chờ cơ hội  là trào dâng lên. Một trong những biểu hiện của sự khao khát này là sự xuất hiện nhiều cơ quan ngôn luận của sinh viên ngay sau khi đảo chánh 1/11/1963 thành công.
Tại trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn, BS Phạm Đình Vy ngày nay hồi tưởng lại năm đó anh là SVYK năm thứ II đã gặp BS Phạm Văn Lương năm đó là SVYK năm thứ V, hợp ý hợp tình trong việc thai nghén một cơ quan ngôn luận cho Sinh viên Y khoa. Sau đó anh Phạm Đình Vy là chủ nhiệm của tờ báo này.
Gần nửa thế kỷ sau 2009, những người sinh viên năm xưa nay đã qua hoặc sắp tới “thất thập cổ lai hy” muốn nhắc nhở lại những cảm nghĩ và kỷ niệm khi tạo dựng và điều hành Nguyệt San Tình Thương. BS Ngô Thế Vinh nguyên là chủ bút của Tình Thương nhiều năm, đã xúc động đi tìm lại các bạn cũ, tài liệu cũ để in ấn lại. Anh đã không quên tìm tới chúng tôi mà năm xưa là sinh viên của trường Đại Học “Y Dược hỗn hợp”, cũng đã có một Nguyệt San Đất Sống cùng thời với Nguyệt San Tình Thương. BS Vinh muốn tôi có những cảm nghĩ và “cái nhìn khác từ bên ngoài” về tờ Tình Thương. Chúng tôi vui vẻ nhận lời xong tự nghĩ làm gì có cảm nghĩ và cái nhìn khác các anh. Vì chúng tôi đã có một thời, cả ba giới Y-Dược-Nha đều học chung thầy, xử dụng chung phòng thí nghiệm, nghiên cứu chung thư viện, học chung các phòng ốc và hồ sơ lý lịch chung một cơ sở hành chánh. Quá nhiều cái chung thì cái riêng, cái khác tất phải hiếm. Thôi thì tạm thời đóng vai bàng quan để nghĩ và viết lại.
Chúng tôi nhớ lại ban biên tập của Nguyệt San Tình Thương thật đông đảo. Chủ nhiệm là anh Phạm Đình Vy. Chủ bút đầu tiên là anh Nguyễn Vĩnh Đức. Anh Đức học chương trình Pháp thời Trung học, nhưng rất ham mê viết lách tiếng Việt. Do cùng chí hướng nên chúng tôi quen biết nhau. Anh còn lấy bút hiệu là Tô Tam Kiệt. Chúng tôi có nhiều thơ văn in trên các báo vào thập niên 50. Chủ bút kế tiếp là anh Ngô Thế Vinh. Anh Vinh rất tài hoa và là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết dài, tiểu thuyết ngắn và những truyện về Dòng Sông Cửu Long về sau này rất được độc giả hoan nghênh. Anh có hai cuốn tiểu thuyết bằng Anh ngữ xuất bản tại Hoa Kỳ. Các cộng tác viên là sinh viên Y khoa gồm có: anh Phạm Văn Lương, anh Nghiêm Sỹ Tuấn, anh Lê Sỹ Quang, anh Trần Xuân Dũng, anh Hà Ngọc Thuần, anh Trang Châu, anh Trần Xuân Ninh, anh Bùi Thế Hoành, anh Ngô Thế Quý, anh Đặng Đức Nghiêm, anh Đặng Vũ Vương, anh Tôn Thất Chiểu… và còn nhiều tài năng khác mà tôi không nhớ hết.
Chúng tôi cũng là người sáng lập và chủ bút tờ Nguyệt San Đất Sống của Sinh viên Dược khoa. Một số cây bút của tờ báo này có bài vở trên tờ Tình Thương. Riêng cá nhân chúng tôi được anh Trang Châu“thương” nên đăng nhiều bài thơ trên Tình Thương. Tôi chỉ còn nhớ tên một bài là “Trường Ca Sinh Viên”. Bài thơ khá dài nói về tinh thần yêu dân yêu nước của thế hệ đàn anh năm 1945-1946 tại Hà Nội và năm 1963 tại Huế và Sài Gòn.
Về cảm nghĩ chúng tôi thấy tờ Tình Thương rất đẹp. Nội dung gồm có nhiều bài của các giáo sư rất hay. Nhưng cảm nghĩ chính mà chúng tôi chú ý tới là sinh viên rất có lý tưởng. Đa số sinh viên chúng tôi sinh trưởng trong các  gia đình bình thường, nhưng có lẽ vì giáo dục gia đình và hoàn cảnh xã hội mà hình như chúng tôi luôn luôn suy nghĩ về trách nhiệm mang sự hiểu biết của mình phổ biến để nâng cao dân trí. Nguyệt San Tình Thương đã cống hiến sự nghiệp này.
Một cảm nghĩ nữa là chúng tôi thao thức lo âu về một cuộc chiến tàn khốc kéo dài trên quê hương. Chúng tôi động lòng thương xót về bao điều mình trông thấy, nghe thấy. Một xã hội từ thành thị đến nông thôn bi thảm, chết chóc và nghèo đói. Các bi thảm sinh ra từ sự bất lực của chính mình. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.  Văn chương của Nguyệt San Tình Thương gom góp bao lời bi thương nhân ái. Văn chương của Tình Thương có những giọt nước mắt buồn tủi khóc cho những thân xác vô tội phải nằm xuống quá sớm. Trong thơ văn, truyện, kịch nhiều bài trong Nguyệt San Tình Thương, các tác giả đã ký thác, gửi gấm rất nhiều tâm sự. Đó là tâm sự đau đớn của những thân phận bất hạnh, số phận hẩm hiu và chịu đựng mọi tàn nhẫn.
Cảm nghĩ tiếp theo, chúng tôi là những thanh niên sinh viên vừa độ trưởng thành, chúng tôi thấy rõ những trói buộc, những cản trở của bao đầu dây mối nhợ của một xã hội chậm tiến. Những bất công thối nát, những gian manh thủ đoạn mọc lên từ tổ chức xã hội, từ hệ thống chính trị, từ yếu kém giáo dục, từ văn hóa đồi trụy. Chúng tôi muốn phá bỏ ràng buộc, muốn đổi mới, muốn hít thở một bầu không khí trong lành. Muốn bay bổng lên cao theo những ước muốn đã thu thập được từ từng trang sách học. Nhưng những trói buộc từ lâu đời quá chặt, đã khó cởi bỏ mà đôi khi còn có khả năng trì kéo và dìm sâu chúng tôi xuống. Từng trang báo Đất Sống và báo Tình Thương đã nói lên những ước vọng thầm kín của lớp tuổi chúng tôi tin tưởng ở một tương lai hy vọng, dù ở trong điều kiện khó khăn. Niềm tin đã đẩy lùi thất vọng. Nhưng cơn sóng dữ dội của lịch sử đôi lúc đã che mờ hình ảnh chúng tôi khiến độc giả quần chúng chỉ thấy những bóng hình mờ nhạt, không tưởng.
Cảm nghĩ cuối cùng về báo Đất Sống và báo Tình Thương là những dòng mạch văn chương chứa đầy tình yêu đất nước, yêu dân tộc, yêu tập thể nhưng vẫn trang trọng với cá tính bẩm sinh và tôn trọng tha nhân. Vì trọng mình và trọng người nên chúng tôi yêu dân chủ và quý nhân quyền. Chúng tôi chống đối độc tài dưới mọi hình thức, chúng tôi ước vọng một đất nước Việt Nam hòa bình, hạnh phúc, tự do và độc lập. Để tiến tới những mục đích này, chúng tôi cố lách mình qua các vỏ bọc văn hóa khép kín, chủ quan và thiếu óc suy luận khoa học.

*
V
ề kỷ niệm với báo Tình Thương, chúng tôi có nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm đặc biệt nhất là năm 1964, chúng tôi in báo Đất Sống cùng với báo Tình Thương tại nhà in Trường Sơn trên đường Nguyễn An Ninh kế bên chợ Bến Thành. Nhà in này của bà Nguyễn Thị Vinh. Chúng tôi vì lo cho tờ Đất Sống của Dược Khoa nên có cơ hội gặp gỡ một số anh em Y khoa bên Tình Thương. Nhiều nhất là với anh Nghiêm Sỹ Tuấn và anh Nguyễn Vĩnh Đức. Trong dịp này, chúng  tôi được đọc truyện ngắn  “Những người đi tìm muà xuân” của Nghiêm Sỹ Tuấn. Văn của anh cứng cỏi, trong sáng, ý tứ sắc bén và sâu sắc. Xin quý vị đọc trong TSYS này truyện của Nghiêm Sỹ Tuấn để thấy những phán đoán của anh đi trước sự suy nghĩ bình thường của nhiều người đọc. Buồn thay, sau khi ra trường rồi nhập ngũ vào binh chủng Nhảy Dù, anh đã tử trận vì bị pháo kích tại mặt trận Khe Sanh. Chúng tôi không bao giờ quên được ngày ấy, bốn anh em chúng tôi gồm hai người là dược sĩ và hai người là bác sĩ, đó là các anh: Vũ Văn Tùng, Bùi Khiết, Trần Xuân Dũng, Lê Sỹ Quang đã chia nhau canh gác linh cữu của anh Nghiêm Sỹ Tuấn tại Bệnh viện Cộng Hoà, sau đó chúng tôi ném từng bông hoa xuống huyệt mộ tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để vĩnh biệt anh.
Nghiêm Sỹ Tuấn, Nguyễn Vĩnh Đức, Lê Sỹ Quang là ba bác sĩ tài hoa, những con người lý tưởng đã khuất núi quá sớm. Viết tới đây chúng tôi lại rớt nước mắt tưởng chừng như ngòi bút không thể di chuyển được nữa.
Tôi nhớ tới những lời đầy luyến nhớ của cô Nghiêm Mậu, là em gái của Nghiêm Sỹ Tuấn. Hồi sinh thời của Tuấn, Mậu còn rất nhỏ nên hầu như bạn của Tuấn ít người biết Mậu. Sau này tôi có cơ duyên được gặp Mậu. Năm 1998, tôi hành nghề tại Dược phòng của riêng mình. Đó là KB Pharmacy tại đường Marlborough, San Diego. Một hôm tôi tiếp đón một nam bệnh nhân khoảng 40 tuổi, sau khi trao thuốc và dặn dò cách xử dụng, tôi lại bận rộn tiếp bệnh nhân khác. Điều mà tôi hơi ngạc nhiên là thấy người bệnh nhìn tôi đăm đăm định nói điều gì nhưng rồi lại thôi và quay đi gấp. Ít hôm sau người bệnh quay trở lại với người vợ, và người vợ tự giới thiệu em tên là Nghiêm Mậu, em ruột của anh BS Nghiêm Sỹ Tuấn. Nghe tới đó tôi rụng rời. Mậu giới thiệu tiếp đây là nhà em, anh Trần Tuấn Vỵ. Tôi mừng rỡ chào đón hai người và tôi hứa sau buổi gặp gỡ này, tôi sẽ tới thăm cô chú. Những buổi họp mặt sau đó, tôi được biết thêm nhiều điều về Tuấn. Tôi đã không còn cầm được nước mắt khi Mậu cho biết, sau khi Tuấn tử trận thì hai người em trai của Tuấn cũng tử trận. Gia đình Tuấn mất mát quá nhiều. Cô Nghiêm Mậu và chồng là Trần Tuấn Vỵ đến Mỹ thật muộn màng. Nửa năm sau, Vỵ mất. Ngôi nhà thờ làm tang lễ rất gần Dược phòng của tôi. Tôi đã đóng cửa để đi dự tang lễ và cầu kinh cho Vỵ. Vỵ mất đi để lại Mậu chơ vơ với hai cháu gái nhỏ khoảng 9 và 5 tuổi. Mậu rất buồn. Vợ tôi, sau khi bị stroke nặng phải dùng wheelchair, nghe chuyện về Mậu đã buồn rầu nói rằng:  _ Em tưởng mình đã quá sui sẻo, ai ngờ cô Mậu lại khổ hơn. Cả gia đình tôi đôi khi tới thăm Mậu. Vợ tôi muốn nhận hai cháu gái về nuôi một thời gian để Mậu khỏi vất vả. Mậu rất cảm động nói cám ơn. Sau đó Mậu báo tin sẽ di chuyển về Texas để sống với chị.
Anh Ngô Thế Vinh rất quý mến Nghiêm Sỹ Tuấn nên đã đề nghị tôi xin Mậu một tấm ảnh của Tuấn để in lên báo. Tôi vội gọi điện thoại cho Mậu. Vinh lại giục tôi phải viết bài ngay, đừng có chậm trễ. Tôi lại vội vã viết ngay, nhưng tôi báo cho Vinh biết, đừng quên tôi đã quá thất thập cổ lai hy rồi. Cứ vội vã như thế này lỡ tôi nằm xuống sớm anh có đền được không. Nói dỗi chơi như vậy đó. Tôi sẽ gọi điện thoại nhắc Mậu về tấm hình, Mậu và hai cháu đều bận bịu. Trong khi chờ đợi hình của Tuấn, tôi lại nghĩ tới ngày xa xưa, ngày sinh viên đẹp nhất của chúng tôi, ngày của Đất Sống, của Tình Thương  đã vùi nhanh vào dĩ vãng.

BÙI KHIẾT
Little Saigon 06/ 11/ 2009

No comments:

Post a Comment