Tuesday, November 19, 2013

Địa-danh cũ

Hồi-ký BÌNH-NGUYÊN LỘC

Song-song với những địa-danh tên Tây, các đường phố và nhiều nơi chốn ở Sàigòn đều có tên Việt, được dân-chúng quen dùng.
Đây là những tên tôi còn nhớ lỏm-bỏm:
Bót cảnh-sát quận nhì, có tên là Xi Nho.  Con đường trước bót không bao giờ mang tên Tây Chaigneau hay Signor lần nào cả.  Có lẽ là một ông Tây cảnh-sát đã giữ chức-vụ liên-lạc với dân-chúng chăng?
Đầu đường Hồng-Thập-Tự ngày nay, được gọi là đường Hàng Bàng vì hai bên đường trồng hai hàng cây bàng.  Tây đặt tên đường là Chasseloup Laubat, nhưng ta bất kể.
Đường Mạc-Đỉnh-Chi ngày nay, có tên Tây là Massiges nhưng ta cứ tiếp-tục gọi là đường Hàng Sao, vì hai bên đường trồng hai hàng sao, có lẽ là trồng trước các đường khác chớ về sau thì đường nào cũng trồng sao cả.
Đường Bùi-Quang-Chiêu là đường Cá Hấp thuở trước vì chỗ ấy nằm cạnh chợ Bến-Thành, các vựa cá hấp đóng đô ở đó.
Đường Bùi Chu, thuở ấy tên Tây là Frère Guillerault, nhưng người ta cứ kêu là đường Huyện Sĩ, vì cái nhà thờ cất ở đó do tiền một tư-nhơn, ông Tri-huyện-hàn Lê-Phát-Sĩ tài-trợ.
Đại-lộ Kitchener (Nguyễn-Thái-Học) được gọi là đường Lò Heo vì lò heo cũ ở đó.
Dĩ-nhiên là đường Phó-Đức-Chính, tên Tây là Alsace Lorraine được gọi là đường Chú Hỏa vì con đường ấy nổi danh nhờ cái cư-xá đồ-sộ của họ Hui-Bon-Hoa.
Đường Khổng-Tử nguyên là đường Gaudot và được gọi là đường Đèn Năm Ngọn.
Đường Phát-Diệm, tên cũ cũng là tên Việt, đường Nguyễn-Tấn-Nghiệm, vậy mà thiên-hạ cứ gọi là đường Cầu Kho.  Vậy thì người dân không phải tránh tiếng Tây khó đọc, mà tránh sự bị chỉ-định.  Họ ưa theo thói quen hơn.
Nhưng buồn cười lắm là có hai trường-hợp ngược đời, ta ưa Việt-hóa tên Tây, nhưng trong hai trường-hợp ta lại theo Tây một cách mù-quáng.  Đó là địa-danh Đakao.
Địa-danh ấy nguyên trước là Đất Hộ, bị Tây Pháp-hóa thành Đako, rồi ĐaKao.
Ta lại mù-quáng theo Tây ở một trường-hợp nữa là vùng đất gần cầu Tân-Thuận trước kia là bãi đất hóng mát của dân Sàigòn, tên ta là Láng-Thọ.  Tây Pháp-hóa thành Lanto rồi ta lại Việt-hóa thành Lăng-Tô.  Không biết cái Lăng đó của Tô-Định hay của ai.
Những con đường tên Tây mà ta không có tên Việt, ta Việt-hóa nó một cách buồn cười.
Chẳng hạn đường Eyriaud des Verges (Trương-Minh-Giảng) được đặt là „Ai-vô rờ-quẹt?“, còn đường Léon Combes được đọc là „Lên-ăn-cơm“.
Đường Dixmude (Đề-Thám) là đường Đít-Xơ-Mít.  Đường Blansubé, tức đoạn Phạm-Ngũ-Lão ngay chợ Thái-Bình được đọc là đường Lan-Si-Bê (*).  Chợ Thái-Bình, cho tới năm 1925, còn được dân-chúng gọi là chợ Lan-Si-Bê.
Đường Huỳnh-Thúc-Kháng (Monlaii) là đường Mộng-Lầu.
Dân-chúng ưa đọc tên đường De Lattre (Công-Lý) nhứt vì tên cũ là Mac Mahon, đọc ra là Mặt-Má-Hồng, nghe hay quá.
Nhưng ngộ-nghĩnh số một là đường Phan-Thanh-Giản (Legrand de la Liraye).  Vì tên Tây quá khó đọc, nên đọc ra là „Nhăn răng Rìa ai đi đây?“.
Hiệu bán thực-phẩm tươi (épicier) của Tây ở đường Tự-Do, hiệu Guyenot (ngày nay vẫn còn) cứ được gọi là „Hãng Mỡ“, tôi ngạc-nhiên, điều-tra mãi mới hay vì hiệu ấy chuyên chế-tạo xúc-xích (saucisse) nên thừa mỡ rất nhiều.  Họ bèn rót mỡ nước vào thùng dầu hỏa bán cho người Quảng-Đông là dân-tộc rất thích ăn mỡ nước, mỗi tháng bán ra hằng mấy trăm thùng, nên nổi danh như vậy.
Xóm Máy Đá trong Chợlớn ngày nay, có tên như vậy vì buổi đầu hãng Larue phát-tích ở đó, và ngày nay vẫn còn chi-cuộc Larue ở đó nữa.
Thuở tôi còn học trung-học, mỗi lần trường đưa đi viếng kỹ-nghệ trong thành-phố thì viếng hãng Larue tại đó, hãng Sàigòn chưa xây.
Cái ngã sáu ở đầu các đường Lê-văn-Duyệt, Võ-Tánh, Gia-Long, Phan-văn-Hùm ngày nay, phải gọi là Ngã Sáu Quẹt-Đoong, dân-chúng mới hiểu, vì cái ngã sáu trong Chợ lớn cao-niên hơn tới 30 tuổi, họ quen với tên cũ, tên mới, phải kêu thêm chút gì để phân-biệt.

Chú-thích của BBT:
(*) Theo tài-liệu chúng tôi tìm được thì đường Blansubé được đổi ra đường Duy-Tân, hiện nay là đường Phạm Ngọc Thạch.  Còn đường Phạm-Ngũ-Lão có tên cũ là Colonel Grimaud.  Rất tiếc chúng tôi không tìm được dấu-vết của đường nầy ở đoạn có tên là Blansubé = Lan-Si-Bê và chợ Thái-Bình với tên chợ Lan-Si-Bê như BNL đã kể.

No comments:

Post a Comment