Tuesday, November 19, 2013

BÃO LỤT NĂM CON RỒNG 1904 ─ 1952

Xem ra thì miền Nam là miền có phước nhứt trong ba miền của nước ta, về mặt thiên tai.  Có những người miền Nam suốt đời chẳng thấy bão lần nào hết, khác với hai miền kia, mà trong một đời người có thể thấy bão nhỏ hai mươi lần và bão lớn ba, bốn lần.

Về mặt Ðông miền Nam, nước ta được nước Phi-Luật-Tân che chở bớt chút đỉnh.  Những bão phát ra từ Ðông Phi-Luật-Tân thì Phi-Luật-Tân lãnh đủ hết.  Những bão phát sinh từ Tây Phi-Luật-Tân, tức giữa Phi và miền Nam của ta thì lại ít xảy ra, ít đến cái độ mà ta sẽ thấy dưới đây.

Trận bão lớn nhứt, xảy ra năm Thìn 1904.  Ðó là năm sinh của những cụ mà năm nay thọ được tám mươi bốn tuổi.  Những trẻ sơ sinh đâu có biết gì.  Vậy có thể xem như trận bão đó không còn nhơn chứng, bởi phải đã lên sáu, lên bảy mới biết chuyện quanh mình, nhứt là nhớ chuyện quanh mình, mà những cụ lên bảy thuở 1904, thì nay đã thọ đến chín mươi mốt*.  Các cụ 91, chắc còn ở trong nước, chớ quá già, khó lòng mà dám vượt biển vì thiếu sức khỏe.

Những điều kể ra dưới đây là chỉ nghe cha mẹ nói mà thôi, chớ vào năm 1904 thì kẻ viết bài chưa đẻ.

Năm đó là năm Thìn, vào tiết tháng bảy.  Người miền Nam có sợ năm Thìn vì tin tưởng truyền khẩu cho họ biết rằng năm Thìn có thể là năm dữ về mặt thiên tai.  Chắc-chắn là các cụ xưa hơn đã thấy, đã trải qua cái gì rồi:

Năm đó họ sợ, nhưng mà không khỏi.  Theo quyển sách “Khí hậu Việt Nam” mà tôi đã quên tên tác giả, vị nầy nguyên là Giám-Ðốc sở khí tượng, thì bão năm 1904 xuất phát ở biển Ðông giữa Phi-Luật-Tân và miền Nam nước Việt.

Tâm bão vào ngay tại cửa biển Vàm Láng, thuộc tỉnh Gò Công cũ.  Có vùng, có ca dao cho trận bão đó, nhưng tôi chỉ còn nhớ có vài câu:

Ðèn nào cao bằng đèn Châu Ðốc,
Gió nào độc bằng gió Gò Công,

Một trận đông-phong, lạc vợ, xa chồng

Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi**

Nói “lạc vợ, xa chồng” là nói đúng sự thật, chớ không phải nói văn vẻ cho nó ra vè, ra thơ đâu, vì người Gò Công lãnh đủ và bị nước đẩy vào Ðồng Tháp Mười, đẩy xuống tận Sa Ðéc, đẩy lên tận Tây Ninh.

Thuở ấy ông thân sinh tôi làm nghề buôn gỗ với Chợ Lớn, nhưng những người buôn bán với Chợ Lớn, hễ xong việc rồi thì ra Sàigòn chơi.  Và họ chỉ chơi ở  khu chợ Cầu-Ông-Lãnh mà thôi, vì nơi đó là khu rất đông đúc, sinh hoạt suốt ngày lẫn suốt đêm, có đủ trò giải trí, nhứt là rạp hát Cầu Muối là rạp hát diễn xuất một đêm hai vở tuồng, diễn đến năm giờ sáng mới thôi.

Thân phụ tôi kể rằng một số ghe thuyền, những chiếc thuyền mà hàng hóa đã được bốc lên các vựa hàng rồi, những thuyền ấy đều bay lên và rơi xuống giữa đại-lộ Nguyễn-Thái-Học, thuở ấy mang tên là Boulevard Kitchener.  Bão vào Gò Công, rẽ ra như chiếc quạt xòe nên hai vùng Cửu-Long và Ðồng Nai, kẹp Gò Công lại ở giữa, cũng thọ nạn như thường, huống hồ gì là Sàigòn không xa cách Gò Công đáng kể.

Về vùng Ðồng Nai thì mẹ tôi kể rằng tất cả lều tranh đều sập, bị gió thổi bay đi đâu chẳng biết.  Mà nhà tranh thì rất nhiều, vì người nghèo đông hơn người giàu cộng với người khá-giả, thành thử số người vô gia cư không thể đếm cho xuể.  Những nhà ngói xây cất bằng gỗ tạp nhẹ, tuy không bị gió thổi bay đi xa lắm, nhưng vẫn sập, không ở trong đó được, và chính những người ở nhà ngói loại nhẹ chết nhiều hơn người nghèo.  Người nghèo họ bị gió thổi đi cùng với nhà, rồi rơi xuống đất ở đâu đó, có thể sống sót, chớ còn nhà ngói mà sập thì nó đè cả nhà chết hết.

Tất cả các bồ lúa trong vùng Ðồng Nai đều biến mất, chỉ còn lại lẫm lúa của nhà giàu thôi, vì lẫm được xây cất rất to và bằng gỗ quí.  Những nhà giàu không dám bán thóc cho dân vì họ chẳng biết nạn đói sẽ kéo dài đến bao lâu.  Vào năm 1904 thì đừng nghĩ đến chuyện cứu-trợ xã hội do Sàigòn tổ-chức.  Thế là đói dài dài, ai còn tiền cũng phải đói như thường, như gia đình tôi chẳng hạn.  Làm nghề buôn nên cha mẹ tôi không sắm ruộng, vì thế không có dự trữ thóc, hóa ra mua thóc không được, cũng phải đói.  Mỗi ngày cả nhà chỉ dám ăn có một bữa cháo mà thôi.  Nam Kỳ xuất cảng gạo ấy chớ, thế mà lại đói.

Ăn cháo mãi, nuốt không trôi, nên ai mua được vài lon gạo thì nấu cháo môn mà ăn.  Danh từ Môn, miền Bắc nói là Khoai sọ đó.  Nhưng môn dùng nấu cháo là môn đặc biệt, không có củ, nhưng cọng của nó dùng luộc ăn như ăn rau, và nó rất ngọt, không phải ngọt như đường, mà ngọt như thịt và cá.  Ăn cháo môn được hai cái lợi lớn.  Cháo ngọt như cháo cá thì dễ ăn hơn.  Những cọng môn lại thủ vai chất độn, ăn một chén cháo môn, no hơn ăn một chén cháo thường.

Nói tóm lại, cả ba vùng miền Nam, bắt từ trên kể xuống là vùng Ðồng Nai, vùng Vàm Cỏ, vùng Cửu Long đều đói, dĩ nhiên đói nhứt là vùng Vàm Cỏ, vì bão vào thẳng giữa vùng đó, lẫm lúa kiên cố nhứt, cũng tan tành.

Tác giả quyển sách nói trên cho rằng theo nghiên cứu thì trận bão năm 1904 ở Nam Kỳ thuộc vào loại bão lớn nhứt của nước Việt Nam, nhưng nó có chu-kỳ và chu-kỳ nầy là “Non một trăm năm” mới đáo lại một lần.

Nhưng nghiên cứu sai chăng vì mới có bốn mươi tám năm qua mà bão đã đáo lại, vào năm 1952, cũng cứ là năm Thìn.  Người miền Nam sợ năm Thìn là có căn-cứ, và lời truyền khẩu quả thật không sai, còn đúng hơn là nghiên cứu khoa-học nữa.

Trận bão dữ năm 1952 khác xa với trận bão năm 1904, là nó không xòe ra như cây quạt khi đổ bộ lên đất liền, cứ đi thẳng một đường hẹp chừng 40 cây số thôi, thế nên sự thiệt hại ở các vùng ngoài tâm bão không đáng kể, nhưng cuộc tàn phá ở những nơi bão đi qua thật là khủng khiếp.  Hễ cây quạt gió không xòe ra thì bao nhiêu sức mạnh của gió đều được tập trung lại ở cái hành lang bốn mươi cây số đó mà tất cả đều bị hủy diệt

Lần đó, bão vào tỉnh Bình Thuận (Phan Thiết) chớ không vào Gò Công đâu.  Lộ trình của bão là Ðông-Tây-Nam.  Vậy bão vào Bình Thuận rồi qua tỉnh Long Khánh, vào tỉnh Thủ Dầu Một (về sau ông Diệm đổi tên là tỉnh Bình Dương), rồi chết trong nước láng giềng Cam bu chia.

Tỉnh Long Khánh thuở đó rất ít dân, nên chỉ có rừng là bị thiệt hại lớn.  Rừng bị hủy diệt trong vòng 40 cây số bề ngang, 60 cây số bề dài thì cũng là tai nạn lớn cho khí hậu và tài nguyên của xứ sở, nhưng vẫn ít hại hơn là sự hủy diệt trong một vùng đông dân.

(Việt Minh ở trong rừng cũng vì thế mà chịu thiệt hại rất nặng.  Quân Quốc gia ở Long Khánh, Ðồng Nai, kể rằng các đồn bót ở vùng đó đều đói vì bị nước vây khổn, không ai được tiếp tế lương thực cả.  Mỗi ngày họ thấy lính Việt Minh ôm tre trôi sát đồn bót, nhưng đôi bên chỉ nhìn nhau mà cười thôi.  Sức mấy mà ai đủ can đảm bắn ai.  Ðói đến bủn-rủn tay chơn thì còn đánh chác gì được.  Việt Minh xin cơm, Quốc gia chỉ cười trừ, vì họ cũng rỗng ruột.  Có lẽ vì trận lụt nầy mà Chiến-khu Ð của Lê Duẫn, sau đó phải dời sang tỉnh Thủ Dầu Một, ở một vùng đất thật cao, tên là Thị-Tính mà họ gọi là Chiến-khu thép vì Thị-Tính được bảo vệ bằng một hàng rào mìn sâu 10 cây số và dài chẳng biết bao nhiêu mà nói.  Sau năm 1975, Cộng sản bắt Thanh-niên xung phong phải gỡ bãi mìn khổng lồ đó.  Lính của họ là chuyên viên, nhưng khỏi phải làm công việc đó.  Thanh-niên xung phong chưa hề biết bắn súng, lại phải gỡ mìn.  Họ chết như rạ.  Thế nên sau hai ba ngày nhảy chơi với mìn, Thanh-niên xung phong đã bày ra một trò đề kháng rất ngộ nghĩnh.  Họ chia ra làm hai phe rồi đánh lộn với nhau tối ngày sáng đêm, không làm gì hết.  Cộng sản bắt tội họ, thì phe nầy đổ cho phe kia gây sự trước.  Cộng sản phải chào thua, đuổi họ về hết.  Chẳng rõ số phận của bãi mìn đó rồi ra sao.)

Xin trở về sự thiệt hại của ta.  Người Phan Thiết bị nước sông cuốn ra biển, người thoát được thấy bà con bạn bè trôi đi như gió, mà cũng đành nhìn để khóc thôi.  Lụt sau bão là lụt rất dữ, nước chảy mạnh kinh hồn.  Ðó là những người đã thoát chết vì sập nhà, vì gió đẩy, nhưng mà rồi cũng chẳng thoát.

Hàng triệu mẩu Tây cây cao su ở đồn điền Ðất Ðỏ phía Bắc tỉnh Thủ Dầu Một ngã rạp.  Nhơn chứng về Sàigòn kể cho tôi nghe những chi tiết sau đây.  Ðồn điền chia ra thành nhiều khu, mỗi khu đều có bồn chứa nước cao (Château d´eau).  Những bồn nước nầy đều được đúc bằng bê-tông cốt sắt.  Nhưng hết tám mươi phần trăm bồn nước đều bay đi cả.  Tất cả những bồn nước cao còn sót lại đều gãy đầu (đầu là chính cái bồn nước) gãy đầu nhưng đầu không lìa mình, chỉ nghiêng xuống thôi, trông như những ông khổng lồ nghiêng đầu để chào ai.

Tại huyện lỵ của huyện Bến Cát trong tỉnh đó, có một khám đường khá lớn, lớn theo cấp huyện; nhân viên khám đường, cảnh sát và quân đội bị nước vây khổn trước rồi nên khi nước bò lên tới khám đường thì chẳng còn có ai có cách nào để mở cửa khám đường hầu cứu tù nhân cả.  Hằng trăm tội nhân trong đó, chánh-trị phạm có, thường phạm có, đều chết đuối hết thảy, không sót lấy một người.

Vì bão không xòe quạt, nên thiệt hại ở Sàigòn không đáng kể. Tôi thấy chỉ có vài chục cây me vỉa hè bị trốc gốc ngã xuống ngăn trở sự lưu-thông thôi, và đâu chừng ba, bốn chiếc ô tô bị cây đè phải, xe bị xẹp xuống, nhưng người trong xe, không rõ ra sao, vì khi tôi đi xem qua các phố, thì thấy xe đã trống, có lẽ họ thoát được, hoặc được Hồng-Thập tự chở họ vào bịnh viện, hoặc nhà xác.

Vậy là chu-kỳ không phải là non một thế kỷ mà là non nửa thế kỷ.  Nhưng cái chu-kỳ năm Thìn theo lời truyền khẩu thì còn đúng.

Năm nay là năm Thìn, nhưng chỉ mới có 36 năm đã qua thôi, tức chu-kỳ chưa đáo hẹn.  Chưa, nhưng cũng gần:  chắc chắn là hiện nay đồng bào ta ở miền Nam đang lo sợ.  Không bão lụt mà đã đói rồi từ hơn mười năm nay, nếu thiên tai lại xảy ra, chắc dân số miền Nam sẽ teo lại, có thể mất đi nhiều trăm ngàn hoặc thậm chí cả triệu người, chẳng những vì bão lụt mà chủ yếu còn vì đói kém sau bão lụt nữa.

Dầu sao, miền Nam cũng đỡ khổ hơn miền Trung, Bắc.  Non nửa thế kỷ mới phải ăn cháo một lần thì tạm chấp nhận số phận được.  Phi-Luật-Tân và Trung, Bắc Việt tồn tại được, thì miền Nam cũng tồn tại được.  Chỉ tồn tại mà thôi, chớ thịnh vượng đã tiêu mất thì gặp một trận bão nữa là trắng tay, nhứt là lần nầy, chẳng còn mong trung ương Hànội hay quốc tế cứu trợ nữa được. Trung ương dân đói dài dài, có đâu dư khoai để cứu miền Nam.  Còn cứu trợ của quốc tế ư?  E không nhận được dồi dào như mong muốn.  Các nước Ðông Âu, tuy là quốc gia “anh em” với Việt Nam, nhưng chắc họ không giúp đỡ ta được bao nhiêu, bởi lẽ họ đang phải đương đầu với nhiều khó khăn kinh tế cũng như nhiều biến chuyển chính trị nội bộ, còn  Tây Âu hay Huê kỳ, thì chắc cũng chỉ cứu trợ tới chừng mực nào đó thôi chớ không thể bù đắp đầy đủ cho ta tất cả tổn hại do bão lụt gây ra.

                                                                  ***

Chắc là cũng cần nghĩ xa về hậu quả của bão lụt, xa hơn nạn đói nửa năm, hay một năm sau bão lụt.

Ta không thấy Chiêm Thành thua sút ta ở điểm nào cả.  Trong trận chiến nào, ta thấy đôi bên cũng ngang ngửa như nhau.  Võ khí thì cũng vậy thôi.  Nhưng mà rồi rốt cuộc họ đã mất nước.  Có phải chăng là tiềm năng của họ đã bị hao mòn từ ngàn năm qua bỡi những trận bão liên tiếp thổi vào miền Trung?

Cứ vài ba năm là phải đón rước bão lụt lớn một lần, không ở Bình-Trị-Thiên thì cũng ở Nam Ngãi, không ở Nam Ngãi thì cũng ở Bình Ðịnh.  Và mỗi lần như vậy, thiên tai đã hao mòn tiềm năng của một dân tộc đến mức nào?

Một ông cố đạo danh tiếng, cố đạo L. Cadière đã viết trong tạp chí Bulletin des amis du vieux Huế, do ông chủ trương : “Trước, tôi từng mơ ước được chứng kiến một trận bão.  Nay đến phục vụ tại xứ Annam, tôi đã toại nguyện, nhưng mà tôi quá kinh sợ và đau lòng nên tôi cầu Chúa cho loài người không bị bão lụt nữa.”

Trận bão mà vị cố đạo ấy ám chỉ đến là trận bão thổi vào tỉnh Quảng Bình tại khu vực đạo ở Tam-Tòa, trước năm 1945 khá lâu.  Vị cố đạo ấy đã thấy nhà sập, đã thấy người, trâu, bò, lợn gà, bị nước cuốn đi, đã thấy ngôi nhà thờ là công trình kiến trúc kiên cố nhứt trong tỉnh rung rinh, nên ông ấy sợ hãi và thương xót là phải.

Rất đáng thương cho một dân tộc đã chọn lầm đất để dựng nước.  Thật là mười hai bến nước, trong nhờ, đục chịu.  Khi đến một nơi mới lạ, một dân tộc nào đó, đâu có kịp thám hiểm để biết rõ Ất, Giáp gì.  Thấy ở được thì họ cứ ở, về sau thì không còn ly dị được nữa vì đã trót bỏ công khai hoang để trồng trọt, đã trót cất nhà và thương yêu nếp nhà, nếu có ông cha chết chôn ở đó thì lại càng bận bịu vì nơi đó hơn.

Nhưng liệu dân ta có may mắn hơn dân Chiêm-Thành hay chăng?  Xưa kia, chắc tỉnh Quảng Bình không có ốm nhom ốm nhách như ngày nay.  Nhưng cuộc tang điền biến vi thương hải đã qua đó, bờ biển bị lở mòn lần, nay thì tỉnh đó đã lép xẹp như con khô hố, như chiếc đồng hồ Omega, năm trăm năm sau, có thể nước ta sẽ bị đứt đoạn nơi đó.  Sẽ chỉ còn lại, phía trên là cửa Nam-quan sắt đá, phía dưới là cổ thành Quảng Trị, đồng bào miền Bắc phải giỏi bơi lội hết thảy mới mong vào Nam được.  Bà Huyện Thanh Quan có sống lại, đến đèo Ngang, chắc phải làm thơ khác hơn:

Bước tới Ðèo Ngang, hổng có phà
Tìm hoài không thấy động Phong Nha

Lơ-thơ dưới biển, thuyền vài chiếc

                                                            ***

Bão, người Tàu gọi là Tật phong, có nghĩa tương tự như cuồng phong, nghĩa là Gió điên.  Không chắc chắn là nó điên đâu.  Nó chỉ ác thôi.  Chỉ có dân bị bão chiếu cố mới là phải điên thôi, không điên vì đói sau đó, mà điên vì sợ hãi.  Ai có ở trong trung-tâm bão mới là biết cái nỗi kinh hoàng ấy nó to tát đến đâu, mặc dầu có người cũng thoát chết được.

Năm 1972 có một anh bộ đội cộng sản thoát chết sau một trận dội bom bằng B.52, và bị binh cộng hòa bắt làm tù binh.  Bắt xong, người ta mới biết là anh ấy đã hóa điên vì khiếp sợ.  Ðưa anh ấy vào nhà thương điên Biên Hòa, anh ấy được cho uống thuốc an-thần liều mạnh, và nằm tịnh dưỡng đến non một tháng mới tỉnh trở lại được.  Nhưng bom của B.52 tuy quả có to thật sự, mà sức hại cứ còn yếu hơn trung-tâm bão, thì đủ biết kẻ đã nằm trong trung-tâm bão mà thoát chết, có điên hay chăng..

                                                                                                              (1987)


Chú thích của tác giả.-  Tật phong, Tàu phát âm là Ta phúng, khiến có người tưởng đó là Ðại phong.  Á Rập vay mượn và phát âm sai là TÊFAN.  Anh vay mượn lại của Á Rập và đọc sai là Typhun, nhưng viết là Typhoon.  Pháp cũng vay mượn lại của Á Rập và đọc sai là Typhon (Phong, đọc như Phong Việt Nam)
                                        
Chú thích của BBT
* BNL viết bài nầy trước ngày từ trần không lâu, vào khoảng tháng 2 hay đầu tháng 3 năm 1987, nhưng dựa theo cách tính tuổi tác của những cụ già sanh năm 1904 thì bài phải viết vào năm 1988.  Chúng tôi suy đoán là tác giả đã dự định dành bài “Bão lụt năm rồng” cho báo Xuân năm Thìn 1988, do đó mà ngày tháng phải ghi đề cho tương ứng.

** Những bài ca dao về bão lụt năm Thìn:

Gặp mặt mình mới biết mình còn
Năm Thìn bão lụt, anh khóc mòn con ngươi.

Năm Thìn trời bão thình lình
Kẻ trôi  người nổi, hai đứa mình còn đây.

Từ ngày bão lụt năm Thìn
Đến nay trôi nổi mới nhìn được em

No comments:

Post a Comment