Thursday, October 17, 2013

Tự truyện của Hoàng Linh – Bài 3: Khát vọng tự do!

Tự do là khát vọng thiêng liêng của tất cả mọi người. Với những người tù, tự do còn có giá trị mãnh liệt hơn! Đó là lý do mà các phạm nhân tự khép mình trong kỷ luật, để mong được hưởng tự do trước thời hạn.
Trong suy nghĩ của tôi, đây là cách quản trị tốt, nếu bỏ việc này tình hình các trại giam sẽ xấu đi. Hãy thử nghĩ, một người có án 19 – 20 năm mà không có bất kỳ một niềm tin vào sự tự do thì làm sao tồn tại được trong môi trường đầy thử thách như trại giam.
Thầy Đại – một phạm nhân thuộc tổ tổng hợp. Ngoài giờ lao động, tranh thủ dạy văn hóa cho bạn tù. Một hôm, ông xin cán bộ gọi điện thoại về gia đình. Ông nói như hét:
- Em ráng chờ anh nhé, anh làm được 71 điều tốt rồi.
Đó là khi tôi mới về tổ tổng hợp, tuần sau khi cùng cán bộ trực phòng điện thoại, tôi lại nghe ông điện thoại về nhà:
- Em ráng chờ anh nhé, anh làm được 72 điều tốt rồi…
Tôi hỏi cán bộ, ông lắc đầu không hiểu. Hỏi thầy Đại, ông nói:
- Tôi chỉ nói nhảm thôi, anh Linh và cán bộ đừng quan tâm mà làm gì!
Thầy Đại là giáo viên ngoại ngữ cấp 2, là một giáo viên song chẳng hiểu vì sao lại sa vào chốn tội tù. Tôi không tiện hỏi.
Người nhà thăm nuôi khá đều, nhưng đồ thăm nuôi thì ít, do đó ông sống dè xẻn và khép kín. Phải vài tháng tôi mới phá vỡ sự “đề phòng” của ông và biết thêm đôi điều. Vợ ông bệnh nặng từ hai năm nay và chỉ có ước vọng duy nhất là được nhìn thấy ông lần cuối trước khi nhắm mắt. Bà nhắn vào trại, khuyên ông phải làm đúng 99 việc thiện thì mới trả hết nghiệp chướng!
- Ngoài đời việc thiện có đầy, còn trong tù kiếm đâu ra việc thiện để mà làm. Tôi suy nghĩ mãi mới quyết định dạy đọc, dạy viết cho 99 anh. Cốt là để cho bà xã tôi ở nhà hoàn thành tâm nguyện
Hoàng Linh (thứ hai từ trái sang) trong một lần đi tác nghiệp
Hai năm sau biết ông, vào một buổi tối sau giờ điểm danh, ông bảo muốn được gặp tôi ít phút:
- Chú Hoàng Linh ở lại giữ gìn sức khỏe, tôi sắp được tự do rồi.
- Thầy Đại hết án ?
- Không, án tôi hơn 12 năm, chỉ mới ở trên 7 năm thôi.
- Vậy, tự do là sao?
- Tôi đã dạy cho 99 anh em biết chữ, tôi sẽ được tự do.
Tôi thầm tội nghiệp cho ông, có lẽ khát vọng đoàn tụ gia đình quá lớn đã làm cho ông hóa rồ rồi chăng?
Tuy nhiên, hai tháng sau ông được tự do thật. Ông được đặc xá.
Tôi không hình dung được sự đoàn tụ của họ sẽ có kết cục như thế nào – một người tù già yếu và người phụ nữ sắp lìa đời vì bạo bệnh. Nhưng câu chuyện của ông làm tăng thêm niềm tin của tôi về sự nhân quả và về nghị lực vô biên của con người trên con đường hướng thiện!
Lân – một phạm nhân khác đang thụ án 15 năm, đã ở được gần 10 năm. Lân được lao động ở khâu tự giác, một hôm Lân gặp tôi để đăng ký gặp cán bộ.
- Anh Lân gặp cán bộ để trình báo điều gì? Anh có thể cho tôi biết trước nội dung để báo với cán bộ. Anh có thể viết ra giấy hoặc nói cho tôi ghi lại.
- Tôi xin đi lao động ở đội hồ, Lân bảo.
- Tôi sẽ báo lại cán bộ nguyện vọng của anh, nhưng tôi nghĩ cán bộ phân công anh lao động tự giác là chiếu cố cho anh….
- Tôi cũng biết như vậy nhưng tôi muốn lao động ở đội hồ. Tôi muốn … học nghề. Mai này khi về đời có việc để mà làm ngay, mẹ tôi thăm nuôi tôi mười năm nay. Đồ đạc trong nhà đã bán sạch. Giờ chỉ còn căn nhà, bà nhất quyết không bán để tôi về có chỗ mà ở.
Do việc chuyển đội lao động là rất quan trọng nên mãi 2 tuần sau, tôi mới có dịp báo cán bộ:
- Thầy ạ, phạm nhân Lân xin đi lao đông ở đội hồ…
Sau khi nghe tôi trình bày nguyện vọng của Lân, cán bộ đồng ý ngay:
- Việc lao động ở trại giam là bắt buộc nhưng đồng thời cũng có ý nghĩa giáo dục. Ý thức của anh Lân như vậy là tốt!
Bảy năm sau, tôi gặp lại Lân khi đi khám bệnh ở bệnh viện đa khoa Hóc Môn. Hôm đó, anh ta cũng đưa mẹ đi khám bệnh, nhìn dáng vẻ bề ngoài tinh tươm, tôi đoán Lân đã có cuộc sống vật chất khá dễ chịu.
- Đặc xá về xã giới thiệu cho tôi làm ở một công trình gần nhà, nhờ siêng năng nên chủ thương trả lương cao. Tôi đã sửa nhà, lấy vợ…
Trở lại vụ án 15 năm trước, trong đám giỗ Lân bị ép uống rượu. Thấy anh liên tục từ chối, một người đàn ông bên cạnh đổ rượu lên đầu:
- Gội đầu đi đồ Nguyễn Thị!
Không kềm chế được, người đàn ông chết ngay tại chỗ. Vậy là vào tù. Số phận là vậy…
Lân cũng chỉ là một trường hợp trong số trường hợp con người đánh mất tuổi thanh xuân của mình trong trại giam chỉ vì một phút nông nổi. Nhà tù thật sự khắc nghiệt và quá sức chịu đựng đối với những người như Lân, nhưng, nhà tù cũng chính là nơi đã dạy cho Lân cái chữ và nghề lương thiện để kiếm sống.
Anh Trần Phúc Lộc phụ trách chăm sóc kiểng cho trại giam với gần 20 “lính” trong tay. Là nghệ nhân, đã từng viết sách nên anh Lộc hết lòng dạy bảo những phạm nhân giúp việc cho mình. Mặc dù vậy, có lúc anh cũng phải nổi nóng vì sự chểnh mảng của “học trò”
- Mình hết lòng truyền nghề cho các em mà các em lại lười biếng làm mình thất vọng quá. Ở ngoài đời học được nghề đã khó đừng nói trong trại giam…
Do án ngắn, anh Lộc ra tù trước tôi, mới đây tôi gặp anh chạy xe tay ga bóng loáng trên đường Nguyễn Oanh, không trò chuyện song tôi đoán Lộc có một cuộc sống ổn định.

No comments:

Post a Comment