Trương Nhân Tuấn
Đến hôm nay, lịch sử lặp lại, một ông tướng võ biền lại được tôn thờ, được phong thánh. Dưới chân ông tướng này là 4 triệu người Việt đã đổ máu xương.
Một cách ngoại lệ, ở Việt Nam, người ta luôn tôn thờ những võ tướng, nhất là những võ tướng lập chiến công lừng lẫy, đánh thắng giặc ngoại xâm. Có lẽ do lịch sử, thường xuyên phải lo chống nạn ngoại xâm, những trang sử VN luôn là những trang sử viết bằng máu.
Chúng ta thờ Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống với trận Như Nguyệt cùng với bản tuyên ngôn độc lập “Nam quốc sơn hà”.
Chúng ta tôn thờ Trần Hưng Đạo vì có công đánh thắng giặc Nguyên Mông.
Chúng ta tôn thờ Lê Lợi vì có công dánh giặc Minh. Thờ Nguyễn Huệ vì có công đánh tan quân Thanh và thống nhất đất nước qua hàng thế kỷ phân tranh Trịnh-Nguyễn…
Ta có thể viết hàng giờ với những vị anh hùng như thế.
Trong khi ở những nước Tây phương, những nước có nền văn minh khác, ít khi nào họ tôn thờ những võ tướng.
Đền thờ danh nhân Panthéon ở Pháp, nơi thờ những người “có công với đất nước Pháp”; ngoài Napoléon là “võ biền”, hầu như tất cả những người khác đều là những nhà tư tưởng, triết gia, nhà văn, nhà khoa học… tức là những người thuộc phái “văn”.
Đến ông tướng De Gaulle cũng chưa được nhận vào đây. Ông này là một nhà quân sự lỗi lạc, một chính trị gia tài ba của Pháp, không những có công dành lại độc lập cho nước Pháp, mà còn đưa nước này thành một trong ngũ cường, chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, mặc dầu nước Pháp bị thua trận nước Đức và bị tàn phá sau Thế chiến II.
Ta hiểu rằng vấn đề “có công với đất nước” không phải là đánh đông dẹp bắc, mà là làm cho đất nước càng văn minh, càng giàu đẹp hơn.
Vấn đề đánh đông dẹp bắc, công lao của một anh lính quèn hy sinh tại mặt trận so với một danh tướng thì ai hơn ai? Ở VN ta có câu trả lời. Nhưng các nước Tây phương như Mỹ, Pháp, Anh… họ thờ “người anh hùng vô danh” chứ không thờ ông tướng nào hết. Nơi thờ vinh quang nhất của nước Pháp là nơi thờ chiến sĩ vô danh. Nơi đó có ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt.
Công của vị tướng, trước hết là sự hy sinh của người lính chết trận. Người ta ghi ơn, tôn thờ là thờ người lính chết trận chứ không ai thờ ông tướng. Người ta thờ ông tướng chỉ khi nào ông chết trận.
Làm cho đất nước giàu hơn, đẹp hơn, nền văn minh rạng rỡ hơn… là phải nhờ đến những nhà trí thức, triết gia, những thuơng gia, những văn nghệ sĩ, nhà giáo…
Để đào tạo ra những lớp người có khả năng đóng góp cho đất nước như vậy, trước hết đất nước phải được dìu dắt bởi nhà lãnh đạo tài ba, những chính trị gia lỗi lạc, những nhà tư tưởng nồng nàn yêu nước…
Chúng ta không có thói quen tôn thờ những người “cầm viết” mà chỉ tôn thờ những người “cầm súng”.
Người “cầm súng” lãnh đạo thì tâm lý, văn hóa xã hội là tâm lý, văn hóa cầm súng.
Một xã hội sống trong cảnh thanh bình từ hơn 3 thập niên vẫn còn quán tính tôn thờ bạo lực, vẫn còn nặng nề đầu óc “địch ta”, là do tâm lý và văn hóa “cầm súng”.
Những người “cầm viết”, những người làm việc bằng trí tuệ vì vậy bị gạt qua bên lề xã hội.
Đất nước làm sao tiến bộ?
Đến hôm nay, lịch sử lặp lại, một ông tướng võ biền lại được tôn thờ, được phong thánh. Dưới chân ông tướng này là 4 triệu người Việt đã đổ máu xương.
Với núi xương sông máu đó ông đã xây dựng được cái gì cho nước Việt?
Một nước Việt độc lập tự do hay một nước Việt đang cô lập trong vũng bùn nghèo hèn và chậm tiến?
Nước Việt mà ông tướng này góp công xây dựng đang là một nước Việt nghèo hèn, một nước Việt mồ côi niềm tin, kiệt quệ tài nguyên, môi trường hủy hoại và lòng người thì ly tán.
Nếu người dân Việt tiếp tục lầm lẫn phen này, thì chắc phải lâu lắm mới thoát ly được vũng lầy tối tăm nghèo đói.
No comments:
Post a Comment