Mỗi khi anh vào Sài Gòn dựng vở, tôi lại khăn gói bỏ nhà bỏ cửa ra nằm khách sạn với anh.
Có lần mấy nhân viên khách sạn còn đưa mắt nghi ngờ tôi với anh là hai bố già đồng tính...
Sở dĩ tôi nói mấy mươi năm sống trong cái nghề này... bởi sân khấu không chỉ có những vinh quang hào nhoáng, mà đằng sau nó cũng có rất nhiều chuyện không tử tế như người ta tưởng. Có lần bị rơi xuống đáy của sự chán chường, giữa những trò hề mà người ta tạo dựng, tôi đã nói với anh: “Nếu một ngày nào đó em thấy anh không còn nhân cách, em sẽ bỏ sân khấu...”. Anh chỉ cười. Và rất may tôi không bỏ sân khấu vì anh.
Một cuộc tình đầy nuối tiếc
Doãn Hoàng Giang là một người chơi rất quý bạn và nể bạn. Dường như đó cũng là một nét cá tính của những con người sống hoài cổ. Anh có bộ mặt rất hầm hố, nhưng không biết uống rượu. Tới quán nhậu nào phục vụ bàn cũng hai tay cung kính đẩy chai rượu đặt trước mặt anh. Tôi từng bảo: “Ngồi uống rượu với người không biết uống đúng là phí rượu”. Anh cãi: “Tao không biết uống nhưng tao góp chuyện cũng say như chúng mày...”. Quả có thế thật. Anh có thể ngồi hầu rượu bạn bè vài ba tiếng không uống một giọt và nói chuyện cũng tây tây...
Doãn Hoàng Giang rất sợ ở một mình. Anh sợ sự cô độc, mà anh phải thường trực sống với nó từ khi chia tay vợ anh - chị Nguyệt Ánh. Anh thích vùi mình trong đám đông và luôn đóng vai công tử Bạc Liêu ở bất cứ bữa ăn nào anh có mặt. Thậm chí sáng sáng ở khách sạn anh gọi tất cả các em phục vụ phòng rồi phát tiền boa cho từng em, nhưng đến khi điện thoại xin bình nước sôi pha trà thì người ta bảo ở đây không có, muốn phải xuống căngtin. Đến nước đó anh cũng cười im lặng. Và vẫn không bỏ thói quen cho tiền người khác một cách vô bổ.
Ít ai biết Doãn Hoàng Giang là một nhà thơ... hậu Bút Tre. Anh có thể đọc liền tù tì cả chục bài thơ châm biếm khiến người ta phì cười vì sự chơi chữ thông minh, hóm hỉnh. Nói chung anh là người hoạt ngôn và rất có duyên, thường là tâm điểm giữa các đám đông vây quanh anh.
Doãn Hoàng Giang từng được người trong giới đặt cho biệt danh “máy hút bụi”. Bởi gặp em nào anh cũng nhào tới ôm hôn thắm thiết, bất kể tuổi tác, xấu đẹp, miễn là phụ nữ. Có lẽ chính vì thế mà nhiều người nhìn anh như một gã giang hồ. Tên tuổi, cách sống tay chơi và dáng vẻ cô độc, bụi bặm của anh luôn thu hút phụ nữ. Nhưng họ không hiểu đằng sau dáng vẻ giang hồ bụi bặm ấy là một con người nhút nhát, thuần khiết, sợ sự đổ vỡ trên tình trường và luôn lý tưởng hóa quan niệm về tình yêu, hạnh phúc.
Tôi có cảm giác trong cuộc đời Doãn Hoàng Giang chỉ yêu một người đàn bà mà anh đã chia tay nhiều năm trước. Anh chọn cảnh gà trống nuôi con trong sự bủa vây của các bóng hồng. Khi chị Nguyệt Ánh (một trong những diễn viên kịch đẹp của Việt Nam qua mọi thời đại) nằm trên giường bệnh và mất ở Sài Gòn, anh luôn có mặt, thức trắng cùng với người chồng sau của chị để làm tròn trách nhiệm của những người đàn ông. Sau đêm ngồi với anh ở bệnh viện cùng đạo diễn Văn Thơm, tôi đã viết mấy dòng về anh, về thân phận một người nghệ sĩ như anh.
Chợ đời
Hưu một góc
Môi người
Ta lang thang
NGUYỆT tàn soi ÁNH bạc
HOÀNG GIANG mờ sương tan...
Hưu một góc
Môi người
Ta lang thang
NGUYỆT tàn soi ÁNH bạc
HOÀNG GIANG mờ sương tan...
Đó là một cuộc tình, với anh, đầy tiếc nuối. Tôi chỉ thầm mong anh không còn săm soi chuyện ngày xưa chị đã bỏ anh mà đi và anh hãy xua tan sương mờ quá khứ để dang tay đón nhận những người đàn bà khác.
Một tài hoa bụi bặm
Ai cũng biết Doãn Hoàng Giang đã dựng mấy trăm vở trên các sân khấu VN, từ kịch nói, chèo, cải lương... và từng bị bêu danh như một kẻ phá bĩnh sân khấu chèo cổ. Cụ Đình Quang (GS-TS Đình Quang) từng một lần bĩu môi, rỉ tai tôi: “Thằng Giang cứ hay khoe làm đến mấy trăm vở. Tuyên ngôn như vậy chẳng khác nào tự nhận mình sản xuất hàng chợ”...
Bỗng nhiên tôi nhớ hình ảnh ông Thiện, ông Ác trong các ngôi chùa, theo triết lý nhà Phật. Thực trạng nhiều năm qua của nền sân khấu Việt Nam, khái niệm sân khấu thánh đường và sân khấu thế tục luôn là đề tài tranh cãi. Nhập thế để tồn tại, để được sống lay lắt với nghề, hay cứ mũ cao áo dài, bỏ công chúng ở phía sau lưng... mới là con đường của làm nghề chân chính? Và bản chất của sự sáng tạo là gì? Phải chăng đó chỉ là sự khinh bạc cực đoan như câu nói của Khuất Nguyên - Đời đục mình ta trong, đời say mình ta tỉnh? Đó cũng chính là nỗi trăn trở, day dứt của giới văn nghệ sĩ trước cái cao cả và tầm thường của đời sống nghệ thuật. Về một lẽ nào đó, Doãn Hoàng Giang chọn con đường thứ hai - con đường không quá ảo tưởng để tồn tại, để lãnh catsê cao ngất ngưởng mà các đoàn hát vẫn phải xếp hàng chờ anh dàn dựng.
Tôi chưa được xem Hà Mi của tôi - vở diễn vang bóng một thời của anh. Nhưng tôi từng xuýt xoa với Nhân danh công lý (Nhà hát Kịch VN) và Người sót lại của rừng cười (Đoàn cải lương Quảng Ninh) mà anh dàn dựng. Anh là một đạo diễn rất giỏi trong những mise en scene - được hiểu như một tổng hòa của các bộ môn nghệ thuật đầy ấn tượng. Ở đó thấp thoáng sự hài hòa hoàn thiện giữa văn học kịch, tâm thế thời cuộc, âm nhạc, phục trang, thiết kế sân khấu... vốn là phép cộng cho sự thành công của một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, dường như trong cái nhìn của tôi, Doãn Hoàng Giang chưa phải là nhà đạo diễn kịch tâm lý. Sân khấu của anh luôn gầm gào như thác đổ mà thiếu đi những giây phút tĩnh lặng để chợt òa vỡ, trồi lên thân phận con người. Tôi cảm thấy anh hơi sa đà với dòng sân khấu thông tấn, mà ở đó bộc lộ những khát vọng công dân nhiều hơn khát vọng nghệ thuật. Sân khấu là chuyện của con người, thậm chí chỉ là những lao xao, vật vã chợt đến rồi đi của từng thân phận hơn là những tuyên ngôn theo dòng thời sự. Có lúc tôi với anh tưởng như xa nhau, sau những cuộc tranh cãi nảy lửa về cá tính sáng tạo và những ngôn ngữ biểu hiện nghệ thuật. Dường như chúng tôi đang trôi đi trong sự hoang mang, bất định, không theo kịp tiếng gọi của thời đại mình đang sống.
Những năm gần đây Doãn Hoàng Giang hay ngồi chánh chủ khảo các cuộc hội diễn sân khấu. Tôi từng nói với anh: “Nếu các anh không đủ dũng cảm và sự công tâm, cả giới sẽ cười các anh”. Anh bảo: “Tao có thèm gì nữa đâu để đánh mất mình”... Đúng là anh không đánh mất mình, nhưng một đôi chỗ anh đã phải bắt tay thỏa hiệp với những góc tối đằng sau nghệ thuật. Không ai có thể vượt qua thân phận và những khúc quanh thời đại để luôn ngẩng cao đầu, tự vỗ ngực mình luôn là người tử tế. Nghĩ đến điều đó lại thấy thương anh - một tài hoa bụi bặm biết lặng im chấp nhận cuộc chơi để được sống theo nghề.
Cách đây hơn một tháng tôi ngồi ăn sáng với anh ở Hà Nội. Anh bất giác thở dài: “Dường như bây giờ không còn các tác phẩm nghệ thuật, mà chỉ có những tay thợ giỏi xào nấu, bưng lên những món ăn giống như nghệ thuật...”. Đó là một buổi sáng chớm thu Hà Nội. Ngồi với nhau một lát xe của nhà hát lại đến đón anh đi dựng vở. Một ngày như mọi ngày...
LÊ CHÍ TRUNG
NSND - đạo diễn Doãn Hoàng Giang là chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ sân khấu VN. Ông từng dàn dựng rất nhiều vở nổi tiếng trên các sân khấu như Hà Mi của tôi, Nhân danh công lý, Bài ca Điện Biên, Nàng Sita, Đêm trắng, Số đỏ... và gần đây nhất làTiếng đàn vùng Mê Thảo (dựa theo Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân). Ở tuổi ngoài 70 - sinh năm 1936 - nhưng ông còn rất sung sức và vẫn được các đoàn sân khấu săn đón mời dựng vở. Với sân khấu TP.HCM nói riêng, khán giả đã được làm quen với ông qua các vở Nhân danh công lý (Đoàn kịch nói Kim Cương), Số đỏ (Sân khấu kịch Phú Nhuận), Đêm trắng (Đoàn cải lương Sài Gòn 1), Tả quân Lê Văn Duyệt (Nhà hát Kịch TP.HCM)... Ông cũng là một đạo diễn luôn đặc biệt chú trọng đến thị hiếu công chúng và coi việc thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật của họ chính là thước đo với một người làm nghề chân chính.
Doãn Hoàng Giang còn là một nhà bình luận bóng đá thường xuyên xuất hiện trên các báo viết, báo hình. Có tạp chí thời trang còn bầu chọn ông là người ăn mặc mốt nhất trong giới văn nghệ sĩ. Nói đến Doãn Hoàng Giang, người ta liên tưởng ngay đến một gã giang hồ nghệ sĩ với nghĩa đẹp của từ này.
L.C.T.
|
No comments:
Post a Comment