Bàn về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, Hoàng Yến đã đánh giá khả năng hiện thực về phương diện nội dung tình cảm. Hoàng Cầm cũng đồng tình với Hoàng Yến về mặt đó và cho là thơ Tố Hữu thiếu ít chất sống thực tế.
Tôi cũng đồng ý với Hoàng Yến và Hoàng Cầm, nhưng tôi không phê bình thơ Tố Hữu về nội dung chính trị. Nội dung chính trị của tập thơ Việt Bắctheo ý tôi nói lên đầy đủ mọi điều cần nói, không chê trách vào đâu được. Tôi chỉ đứng vào phía nghệ thuật để tìm hiểu xem nghệ thuật thơ Tố Hữu đã thành công hay chưa? Và đã trả lời nổi nội dung hiện thực xã hội chủ nghĩa chưa?
Tiêu chuẩn nghệ thuật không phải là chính yếu, nhưng là một tiêu chuẩn quan trọng. Tôi cho rằng nghệ thuật thơ Tố Hữu chưa được phong phú cho lắm nên có ảnh hưởng đến nội dung chính trị, muốn sâu sắc mà không đạt được.
Theo Mác-xim Goóc-ki, “văn chương là nghệ thuật lấy chữ và hình ảnh tạo nên những điển hình, những nhân vật để phản chiếu cuộc đời, phản chiếu thực tế cùng với mọi cảnh vật, mọi tâm tình”. Thơ lại là một thứ nghệ thuật sử dụng hình ảnh và tiếng nói cực kỳ công phu, vì nếu hình ảnh và tiếng nói không có sức truyền cảm kỳ diệu vào tâm tư của con người thì không có gì là chất thơ nữa.
Tâm trạng là những thực thể trừu tượng mà văn chương phải biểu hiện ra bằng những hình ảnh cụ thể. Hình ảnh nếu chỉ được vẽ lên dưới trạng thái tự nhiên hoặc không điển hình thì nó chỉ gợi lên cảm giác mà thôi, do đó người ta muốn xúc cảm thế nào thì xúc cảm.
Với quan niệm như trên, tôi phân tích nghệ thuật thơ Tố Hữu trong tập Việt Bắc.
Bài thơ “Cá nước” có đoạn như sau:
Một thoáng lặng nhìn nhau
Mắt đã tìm hỏi chuyện
Ðôi bộ quần áo nâu
Ðã âm thầm thương mến
Mắt đã tìm hỏi chuyện
Ðôi bộ quần áo nâu
Ðã âm thầm thương mến
Hình ảnh được nêu lên là hình ảnh hai người mặc quần áo nâu giản dị, mới gặp nhau, đứng lặng nhìn nhau, mắt thương mến, âm thầm, kín đáo. Trước hết đôi bộ quần áo nâu không phải là nét điển hình về hình ảnh của anh bộ đội và anh cán bộ. Nếu không có đoạn kể rõ ở trên:
Anh là Vệ quốc quân,
Tôi là người cán bộ
Tôi là người cán bộ
thì đố ai hiểu hai bộ quần áo nâu ấy chỉ rõ ai. Dù nó có gợi lên cho ta thấy cái bề ngoài giản dị chăng nữa, ta cũng không rõ nguyên nhân vì sao mà lại “âm thầm thương mến” nhau.
Nhưng nét vẽ lên bằng tiếng: “lặng nhìn”, “mắt hỏi”, “âm thầm”, cho ta cảm giác hai người quen nhau, thầm nhận nhau rồi thương nhau. Có thế thôi, rồi một mối buồn man mác bao trùm lên lòng người, gợi lên bởi những tiếng “lặng”, “âm thầm”. Hình ảnh và lời thơ chỉ gợi lên được cái cảm giác bên ngoài, tự nó không nói lên được cái mặn nồng giữa hai người, cái rung động của lòng người đọc. Người đọc có cảm thông gì với anh không? Có yêu hai anh không? Tùy ý! Sức sống không toát lên được. Hoàng Cầm cảm thấy bài thơ êm êm rồi thoáng tan đi, chính vì vậy.
Cũng bài ấy, hình ảnh ở một đoạn khác như sau:
Giọt giọt mồ hơi rơi
Trên má anh vàng nghệ.
Trên má anh vàng nghệ.
Hình ảnh mồ hôi rơi giỏ giọt, má anh bộ đội vàng như nghệ, gợi lên cho ta cái cảm giác anh đội [2] mệt, khó nhọc, ốm yếu. Còn người đọc có cảm thông gì với anh bộ đội thì tác giả nói lên hộ bằng lời, sau hình ảnh trên:
Anh Vệ quốc quân ơi!
Sao mà yêu anh thế!
Sao mà yêu anh thế!
Hình ảnh gợi cảm giác bề ngoài, bất lực, không nói lên được sức sống tình cảm bên trong lòng người Vệ quốc, người cán bộ, người đọc, người nghe.
Ăng-ghen có viết: “Khuynh hướng phải do tình thế và hành động mà bật ra, không nên nói trắng ra một cách bộc lộ”.
Ở đây hình ảnh không tự nói lên được mà toàn là phải dựa vào lời của tác giả:
Anh người đâu, tôi đâu
Gần nhau là thân thiết
………..
Ðã âm thầm thương mến
…………
Chắc có lúc lòng anh
Nhớ nhà, anh nhớ lắm.
Gần nhau là thân thiết
………..
Ðã âm thầm thương mến
…………
Chắc có lúc lòng anh
Nhớ nhà, anh nhớ lắm.
Nếu thơ mà cứ phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần những lời “thân thiết”, “thương mến”, “yêu anh”, “lòng anh nhớ nhà”, “anh nhớ lắm” v.v… mà không để hình ảnh, hành động tự nó nói lên thì sức truyền cảm của thơ kém hẳn đi. Lời nói chỉ truyền cảm được khi nào chính bản thân lời nói có hình ảnh hoặc hoạt động.
Rồi câu kết luận của bài thơ:
Rồi lát nữa chia đôi,
Anh về xuôi, tôi ngược.
Lòng anh và lòng tôi
Mang nặng tình cá nước
Anh về xuôi, tôi ngược.
Lòng anh và lòng tôi
Mang nặng tình cá nước
vẽ ra cảnh chia ly, kẻ xuôi người ngược, gợi một nỗi buồn man mác. Hai câu sau, “lòng anh và lòng tôi mang nặng tình cá nước“, không vớt lại được cái dư âm buồn để lại phút cuối cùng sau khi đọc xong bài thơ.
Trong một bài thơ khác, bài “Phá đường” cũng có những cách cấu tạo hình ảnh chỉ gợi cảm giác và dùng lời nói hộ tình cảm như vậy.
Ðoạn mở đầu:
Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng Ðèo Khế, gió sang
Gió qua rừng Ðèo Khế, gió sang
Hình ảnh gió, rét, ở chiến khu Việt Bắc. Rét thế nào, có ai cảm thấy không? Tác giả phải vận dụng cảm giác bằng óc liên tưởng cho những ai đã từng sống ở Thái Nguyên, Yên Thế, Ðèo Khế. Rét thế nào cảm giác chưa rõ lắm thì cảm xúc chắc là không có.
Em là con gái Bắc Giang
Rét thì mặc rét, nước, làng em lo
Rét thì mặc rét, nước, làng em lo
Ðã không biết rét đến mực độ nào thì chữ “mặc” dùng ở đây cũng không có tác dụng lắm. Hãy lắng tai nghe người phụ nữ Bắc Giang kể lể:
Nhà em phơi lúa chưa khô,
Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong
Nhà em con bế, con bồng
Em cũng theo chồng đi phá đường quan.
Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong
Nhà em con bế, con bồng
Em cũng theo chồng đi phá đường quan.
Ta thấy có những hình ảnh gì? Lúa, ngô, sắn bề bộn khắp nơi. Con bế, con bồng ríu rít. Người đọc cảm thấy cái cảnh neo đơn, một thân một mình của người đàn bà nông dân. Nhưng cũng lại cảm thấy rằng nhà đủ ăn, không đau khổ, chỉ bận rộn thôi. Ngoài cái cảm giác ấy ra, còn cảm thông gì với người phụ nữ nữa không, cũng là tùy sự suy luận của người đọc. Nhà đủ ăn, nhưng bận rộn tíu tít, thế mà “em cũng theo chồng đi phá đường quan“. Hình ảnh đi phục vụ chưa có hào hứng vì hai chữ “theo chồng” và chưa được quyết tâm bởi chữ “cũng” gượng gạo.
Với tám câu mở đầu kể lể: Nào rét, nào lo việc nước, nào bề bộn việc nhà, nào hy sinh, hình ảnh chỉ tả bên ngoài không tự nó gợi lên được cho người đọc cái tình cảm sâu sắc của người đàn bà nông dân căm thù giặc, quyết tâm khắc phục khó khăn, quyết tâm hy sinh. Chính bản thân người đọc, người nghe, cũng không có xúc cảm gì thấm thía trước hình ảnh ấy.
Hì hà hì hục
Lục cục lào cào
Anh cuốc em cuốc
Ðá lở đất nhào
Nào anh bên trai
Nào em bên nữ
Ta thi nhau thử
Ai nào hơn ai!
Lục cục lào cào
Anh cuốc em cuốc
Ðá lở đất nhào
Nào anh bên trai
Nào em bên nữ
Ta thi nhau thử
Ai nào hơn ai!
Tác giả sử dụng những âm thanh bắt chước tự nhiên diễn đạt cảnh lao động khó nhọc, có tiếng thở, có tiếng cuốc, có tiếng đất rơi, đá lở. Diễn tả cái cảnh lao động khó nhọc bằng những âm thanh bắt chước đúng sự thực như vậy là một kỹ thuật của chủ nghĩa tự nhiên, bởi vì chính âm thanh không gợi cảm xúc gì cả.
Mác-xim Goóc-ki nói: “Chủ nghĩa tự nhiên ghi chép một cách máy móc, nó giữ nguyên những sự việc. Chủ nghĩa tự nhiên là nghề chụp ảnh, thí dụ người thợ chụp ảnh có thể chụp bộ mặt của một người với nụ cười ta cho là buồn chẳng hạn, đến khi hắn ta muốn có một bộ mặt ấy với nụ cười chế nhạo hoặc vui tươi, thì hắn phải chụp một cách khác. Tất cả đều là sự thực ít hay nhiều, nhưng là sự thực một giây phút của con người sống buồn rầu hay giận dữ, vui tươi. Còn nói đến trình bày sự thực của con người trong sự sống phức tạp, thì cả người thợ ảnh lẫn nhà văn theo chủ nghĩa tự nhiên đều không thể làm được”. [3]
Tám câu thơ sử dụng kỹ thuật âm thanh và nhịp điệu rất khéo léo bắt chước tự nhiên chỉ là chụp được cái cảnh đông người đang cuốc, đào, khó nhọc, vui tươi, hăng hái. Trước cảnh ấy, ai muốn cảm xúc thế nào cứ cảm xúc theo chủ quan của mình.
Tôi nghĩ rằng hình ảnh phá đường ghi theo lối chụp ảnh như vậy có thể là hình ảnh phá đường, đắp đường ở bất cứ một thời gian nào, một giai đoạn lịch sử nào, nếu nó không được giải thích bằng mấy câu nói ở cuối cùng bài thơ:
Thằng Tây mà cứ vẩn vơ
Có hố này chờ chôn sống mày đây
Ớ anh ớ chị nhanh tay
Nhanh tay ta cuốc chôn thây quân thù
Có hố này chờ chôn sống mày đây
Ớ anh ớ chị nhanh tay
Nhanh tay ta cuốc chôn thây quân thù
Tình cảm thực của người nông dân phá đường giết giặc trong giai đoạn kháng chiến phòng ngự chưa được hình ảnh tự nó làm nổi bật hẳn lên. Nguyên nhân chính của sự thất bại trong bài này là thiếu chất sống cho nên phải dùng hình ảnh tự nhiên, không hồn.
Hai câu kết luận:
Ðêm nay gió rét trăng lu
Rộn nghe tiếng cuốc chiến khu phá đường
Rộn nghe tiếng cuốc chiến khu phá đường
nêu lên hình ảnh đêm khuya, rừng núi, gió rét, trăng mờ cộng với âm điệu êm êm của văn lục bát gợi lên một nỗi buồn man mác. Một tiếng “rộn” không thể đủ đem lại cái vui tươi phấn khởi cho lòng người sau khi đọc.
Những cách cấu tạo hình ảnh gợi lên cảm giác bên ngoài và cách dùng lời nói hộ tình cảm rải rác rất nhiều trong tập thơ Việt Bắc, nhất là những bài nói về nông dân, bộ đội đang hoạt động.
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo
Hình ảnh của anh bộ đội thật là đẹp: Anh đang hăm hở trèo lên dốc, không ngại nhọc mệt, nắng chiều, bóng dài, đỉnh cheo leo, vai vươn tới, gió reo…
Nhưng cái đẹp bên trong lòng anh lúc đang trèo hăng hái lên dốc như vậy lại không được diễn tả bằng một hình ảnh cụ thể nào. Những lời nói “dốc cheo leo”, “không đè nổi”, “vai vươn tới”, “reo với gió” dù ý nghĩa súc tích, tế nhị đến đâu cũng không gợi lên được tình cảm bên trong lòng người bộ đội. Vật giới và tâm giới chưa hoà được vào nhau. Cái đẹp của cảnh vật tự nhiên chỉ mô tả được cái đẹp bóng dáng bề ngoài của con người mà thôi.
Anh đi tìm giặc, tôi tìm anh
Ðọc xong câu đó, tôi tự hỏi tác giả đi “tìm” anh bộ đội để ngắm, để yêu ư? “Tìm anh” và “tìm giặc”, hai sự việc, hai tình cảm khác nhau một trời một vực mà lại chung nhau một tiếng “tìm” gọn lỏn, khô khan. “Tìm” giặc thì thực là yếu ớt. Sao không “giết” giặc, “lùng” giặc, “săn” giặc mà lại “tìm” giặc? Tiếng “tìm” không làm cho người nghe căm thù giặc và cái quyết tâm tiêu diệt giặc một chút nào.
Lại những ngày đi vắt với sương
Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương
Ðêm mưa rình giặc, tai thao thức
Mùa lại mùa qua, rét nhức xương
Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương
Ðêm mưa rình giặc, tai thao thức
Mùa lại mùa qua, rét nhức xương
Bốn câu này gợi lên hình ảnh gian khổ, nào vắt, nào sương, nào ngô bung, nào nước bương, nào đêm rình giặc, rét nhức xương. Toàn thấy khổ là khổ, còn anh bộ đội nghĩ gì, cảm gì, không có. Người đọc cảm thông ra sao, cái đó cũng lại tùy.
Ðoạn cuối bài này có hình ảnh:
Anh nằm sưởi nắng mắt lơ mơ
Nhưng hình ảnh ấy làm cho người đọc không mến mà cũng không phục anh bộ đội. Vì mặc dầu trong thực tế lúc nghỉ ngơi anh có quyền lơ mơ, nhân dân vẫn không thích anh hiện lên trong văn nghệ với cái vẻ lơ mơ như vậy.
Ðọc “Em bé Triều Tiên”, người ta thấy nhiều hình ảnh rùng rợn quá:
Xác ai nằm ngổn ngang
Bãi tuyết lặng quanh làng
Phố đổ nhà hoang vắng
……………
Cái thân trắng lắc lư
Ðầu giây treo lủng lẳng
…………..
Cái đầu lâu rũ tóc
Máu chảy dài thân cọc
Bãi tuyết lặng quanh làng
Phố đổ nhà hoang vắng
……………
Cái thân trắng lắc lư
Ðầu giây treo lủng lẳng
…………..
Cái đầu lâu rũ tóc
Máu chảy dài thân cọc
Tuy ở những đoạn dưới có nêu lên những hình ảnh dân công, cứu thương, anh “chí nguyện quân”, đồng hoa, bãi lúa, v.v… nhưng người ta vẫn không quên được cái cảm giác rùng rợn đó. Nhưng lại có người thấy cảm giác đó đưa đến tình cảm căm hờn giặc. Thành ra cái đó cũng lại tùy.
Ðến đây, chúng ta không thể không so sánh những chỗ thành với những chỗ bại của nghê thuật gợi cảm trong tập thơ Việt Bắc.
Trong tập thơ Việt Bắc, nếu hình ảnh và chữ nhiều khi không diễn tả được tình cảm khỏe của người nông dân, người bộ đội trong kháng chiến mà phải dựa vào lời nói thường, thì trái lại, hình ảnh và chữ đã thành công trong những đoạn diễn tả tình cảm yếu của bà mẹ già, của người vợ trẻ, của đồng bào ở hậu phương.
Cái hình ảnh “Mưa phùn ướt áo tứ thân” gian khổ quyện vào hình ảnh bầm chân lội bùn vừa cấy vừa run, gợi lên tình thương vô hạn. Hình ảnh áo chàm, cầm tay nhau, quyện vào những chữ bâng khuâng, bồn chồn, truyền một nỗi buồn ngậm ngùi vào lòng người.
Hình ảnh “trám bùi để rụng, măng mai để già” gợi lên tình cảm quyến luyến, nhớ nhung đến tái tê trước cảnh biệt ly hầu như tuyệt vọng. Hình ảnh trong câu “hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son” tự nó đã gợi lên cái buồn, cái thắm thiết, không cần một lời nào nói hộ.
Có thể trích ra rất nhiều hình ảnh và chữ thành công như thế, nhưng phần đông chỉ là gợi lên cái tình buồn, tình yêu thương thắm thiết mà thôi. Nếu nghệ thuật sử dụng hình ảnh chỉ đạt được về phương diện gợi lên tình buồn mênh mông, tình thương yêu nhớ nhung buồn buồn mà không đạt được về phương diện gợi lên lòng căm hờn, vui tươi, hăng hái bừng bừng sức sống mạnh mẽ đang tiến lên, thì nội dung hiện thực (cách mạng) hiển nhiên là ít và những rơi rớt lãng mạn tiểu tư sản cũng không ai chối cãi được. [4]
Một yếu tố trong vấn đề sáng tác là cấu tạo tứ thơ, dàn xếp ý niệm để xây dựng văn phẩm. Cấu tứ là một phương diện độc đáo của nghệ thuật. Một là nhà thơ có thể căn cứ theo lý luận mà phân tích, mô tả tình cảm. Hình ảnh và tứ thơ được dàn xếp theo trật tự lý luận minh bạch rõ ràng, nhưng rất dễ rơi vào chỗ công thức khô khan.
Hai là nhà thơ đứng hẳn trên cơ sở tình cảm mà xây dựng thi phẩm. Thực tế tự nhiên, cảnh vật phải đượm màu sắc của tâm tình, của lòng người. Lý trí ở đây phải nhường bước cho tình cảm, và áng thơ dễ trở nên lâm ly, lãng mạn tiểu tư sản.
Ba là nhà thơ không thả lỏng tâm tình chủ quan, cũng không đưa lý luận ra để bắt tình cảm phải gò ép phụ thuộc. Nhà thơ phối hợp lý tính và cảm tính. Chất sống chính là ở nơi hình ảnh và tứ thơ được cấu tạo trên cơ sở thống nhất giữa lý tính và cảm tính. [5]
Ðứng trên quan điểm thứ ba, tôi tìm hiểu cách cấu tạo tứ thơ của tập Việt Bắc xem đã đạt được như thế nào?
Tôi lấy thí dụ bài “Phá đường”. Theo ý tôi bài này đã xây dựng trên cơ sở lý tính như sau:
- Vấn đề phá đường đặt ra tất phải mâu thuẫn với vấn đề việc nhà bề bộn, đời sống nghèo khổ.
- Nhân vật vì vậy phải lấy điển hình ở người nông dân, mà phải là người phụ nữ thì việc nhà việc cửa mới tăng thêm phần bề bộn.
- Thời gian phải là mùa rét thì mới càng tăng thêm phần gian khổ.
- Khung cảnh phải ở rừng núi heo hút thì gian khổ càng cao hơn một bực nữa.
Vấn đề nhân vật, thời gian, khung cảnh như vậy thì tứ thơ phải làm nổi bật lên mọi hình ảnh hy sinh, quyết tâm phá đường, vui vẻ thi đua, hăng hái, phấn khởi, căm thù giặc.
Nhưng lúc cấu tạo tứ thơ, thì các hình ảnh và chữ không đạt được như trên đã nói. Tất cả tâm trạng của người phụ nữ nông dân chỉ được diễn tả hời hợt bên ngoài. Các tình cảm rời rạc, riêng rẽ từng đoạn không quyện vào nhau. Cảm giác lại nhiều hơn tình cảm. Mãi đến gần cuối mới nói lên mấy lời căm thù, nếu không thì nội dung chính trị rất yếu. Hai câu kết luận gợi lên một dư âm buồn man mác, làm cho bài thơ không đạt được kết quả.
Lý luận một đằng nhưng lại cấu tạo tứ thơ bằng những hình ảnh bên ngoài nên các tình cảm tích cực, tình cảm thực đương lên trong lòng người nông dân không nổi bật lên được. Lý tính và cảm tính không thống nhất. Bài thơ trở nên khô khan, vì nặng về khái niệm, có tính cách chung chung, không nêu được khía cạnh cá tính trong điển hình, khía cạnh con người trong một nội dung chính trị đầy đủ. Căn bản là thiếu tính chất sống thực. [6]
Tôi lấy thêm thí dụ bài “Việt Bắc” mà Xuân Diệu cho là hay nhất trong tập thơ. Bài “Việt Bắc” được cấu tạo tứ thơ trên cơ sở tình cảm. Trong bài này tình nhớ thương Việt Bắc làm chủ đề. Tất cả mọi sự vật, mọi hành động đều phải được biểu hiện trong nỗi niềm thương nhớ ấy, Việt Bắc, lòng người Việt Bắc, lòng người ra đi, nhớ lúc hoạt động đánh giặc, nhớ Chính phủ, nhớ Trung ương, nhớ Bác, trở về xuôi với trăm nghìn cảnh tươi vui miền xuôi mà không quên Việt Bắc, hẹn hò ngày gặp người Việt Bắc ở thủ đô tưng bừng, dự tưởng Việt Bắc mậu dịch với các nơi, nhớ và biết ơn Bác đời đời. Nhớ nhưng không buồn, từ giã nhau vui vẻ.
Nói tóm lại tình cảm ấy được sắp xếp theo một trật tự lý luận từ tình người Việt Bắc đến tình người cán bộ ra đi, từ tình của Việt Bắc đến tình của trung châu, từ tình của cảnh vật đến tình của lòng người, từ tình của nhân dân đến tình của Trung ương, Chính phủ, của Bác, và cái mức độ của nó là từ quyến luyến nghĩa là có hơi buồn đi đến phấn khởi, vui tươi.
Tình xưa nghĩa cũ nhắc đi nhắc lại từ đầu đến cuối bằng những hình ảnh khêu gợi nhớ thương và hứa hẹn thủy chung, rất thành công. Trái lại tình cảm vui tươi, phấn khởi, qua nỗi nhớ thương và lời hứa hẹn ấy không làm nổi bật lên được: một không khí chia ly bao trùm cả bài thơ và cái ngậm ngùi tràn ngập lòng người đọc.
Hai câu cuối:
Cầm tay nhau hát vui chung
Hôm sau mình nhé, hát cùng thủ đô.
Hôm sau mình nhé, hát cùng thủ đô.
vẫn còn thấy bịn rịn, “vui là vui gượng kẻo mà” đấy thôi.
Lý tính ở đây không thống nhất với cảm tính và đã hoàn toàn nhường bước cho cảm tính. Những đoạn nói về Chính phủ và Trung ương Ðảng Lao động, nói về mậu dịch tuy lý luận dài dòng nhưng nôm na, khô khan, gò ép nên bất lực không cứu vãn nổi. Nếu đứng về phương diện nghệ thuật của toàn bộ bài thơ này mà xét chứ không “rung đùi” về một số câu điêu luyện hay từng đoạn thắm thiết, tinh vi thì phải nói là, về căn bản, Tố Hữu đã thất bại. [7] Còn về âm thanh và nhịp điệu, tôi nghĩ rằng thơ hiện nay tìm nguồn tài liệu trong thơ ca bình dân xưa, nhưng không phải là giữ nguyên âm thanh và nhịp điệu như vậy. Âm thanh và nhịp điệu ấy phải được cấu tạo theo với sức sống mới đương lên cuồn cuộn của thời đại chúng ta ngày nay.
Ai cũng biết lập trường vững chưa đủ, còn cần phải có nghệ thuật. Phần nghệ thuật tuy không phải là tiêu chuẩn chính yếu nhưng nó tạo ra sức gợi cảm và do đó quyết định tác dụng của nội dung chính trị trong thơ.
Trong tập thơ Việt Bắc, nội dung chính trị có nhiều ưu điểm, nhưng nội dung ấy chưa thật thấm vào xương máu, thớ thịt, đường gân của người đọc, người nghe. Chính là vì sức sống mạnh mẽ, dạt dào của thời đại chúng ta ngày nay chưa thể hiện đầy đủ bằng hình ảnh, tứ thơ âm thanh và nhịp điệu của tập thơ, nghĩa là chưa nhập vào tâm hồn Tố Hữu. Giá trị hiện thực của tập thơ vì vậy bị hạn chế rất nhiều. [8]
Vấn đề này liên quan chặt chẽ với vấn đề giai cấp tính (tiểu tư sản) trong thơ Tố Hữu mà kỳ trước, ở đây, Lê Ðạt đã phân tích rất rõ.
6-4-55
Chú thích
[1]Ðây là lời tòa soạn báo Văn nghệ.
[2]Có lẽ đúng ra là “anh bộ đội”; bản gốc in thiếu từ “bộ” (?)
[3]Thư gửi Grosman ngày 7-10-32 (nguyên chú).
[4]Ðoạn này bản gốc in chữ nét đậm (NST).
[5]Câu này bản gốc in chữ nét đậm (NST).
[6]Ðoạn này bản gốc in chữ nét đậm (NST).
[7]Ở bản gốc đoạn này in chữ nét đậm (NST).
[8]Ở bản gốc đoạn này in chữ nét đậm (NST).
[2]Có lẽ đúng ra là “anh bộ đội”; bản gốc in thiếu từ “bộ” (?)
[3]Thư gửi Grosman ngày 7-10-32 (nguyên chú).
[4]Ðoạn này bản gốc in chữ nét đậm (NST).
[5]Câu này bản gốc in chữ nét đậm (NST).
[6]Ðoạn này bản gốc in chữ nét đậm (NST).
[7]Ở bản gốc đoạn này in chữ nét đậm (NST).
[8]Ở bản gốc đoạn này in chữ nét đậm (NST).
Nguồn: Văn nghệ, số 69 (21.4.1955)
No comments:
Post a Comment