Thursday, September 26, 2013

GIẤC NGỦ CHẬP CHỜN ( KỲ 4 )



Bình băn khoăn:

- Tui trốn đi rồi, mai mốt trở về ông già ổng đập chết.

Há phá lên cười:

- Đ M. Coi thằng nói chướng anh ách. Tao biểu cho mày hay, mày đi đây là đi vì dân, vì nước, không phải mày đi chơi bời, ăn trộm, ăn cướp mà lo. Tới lúc mày về rồi đó nghen, mày le gấp ngàn lần ông già tía nhà mày đó. Ổng dám lôi thôi kí gì. Lôi thôi thì đem bắn bỏ, ăn nhằm gì đâu. Ổng phong kiến quá cỡ, tao biết mà!

Bình ngập ngừng:

- Mà điều còn má tui, tui thương bả.

Há cướp lời:

- Mày càng thương má bao nhiêu mày càng phải đi bấy nhiêu chớ! Mày thấy hôn, má mày hiện giờ đâu có sướng? Vài bữa một lần, tía mày đập cho thấy bà, thiếu điều ói máu ra mà chết, ăn nhằm kí gì. Nay mày vô vùng giải phóng, mai mốt mày về giải phóng cho má mày luôn, như thế còn ngon bằng mấy ở nhà phải nghe đánh, nghe chửi hoài mà có giải quyết được gì đâu. Tin tao đi. Tao kinh nghiệm cuộc đời rồi mà. Tới chừng mày trở về, tía mày không lót chiếu hoa đón mày, tao cứ đi bằng đầu. Thiệt đó, tao nói thiệt đó.

- Tôi bé thế nầy, người ta nhận chớ?

- Ý! Bé mới quí. Càng bé càng quí. Người ta chỉ cần mỗi cái có tinh thần cao thôi. Có tinh thần cao mần việc gì cũng tốt hết. Tới chừng mày ra, lại mang thêm được cây súng nữa đó nhen, ăn cái giải thi đua lập công là cái chắc. Người ta sẽ kiệu mày lên, hoan hô mày hết mình. Mày lại có cả giấy ban khen nữa. Le quá cỡ mà!

Bình hớn hở:

- Vậy để tôi lấy trộm súng của anh Thành. Ảnh cho tôi cầm súng của ảnh hoài.

Há vỗ tay:

- Vậy là số dách rồi! Tao thua mày luôn đó!

Ba hôm sau, quả nhiên thằng Bình chớp được khẩu garant và theo thằng Há trốn biệt ra khu. Báo hại bà già của nó khóc hết nước mắt.

Ít lâu sau thằng Bình trở về. Nó không được người ta trải chiếu hoa tiếp đón như viễn tượng tốt đẹp mà thằng Há đã vẽ từ hồi dụ nó ra khu. Con đường dẫn vô ấp Vĩnh Hựu xơ xác và tiêu điều hơn là ngày nó ra đi. Nhiều thân cây bị trốc rễ. Những bức tường xám lỗ chỗ vết đạn làm trơ ra từng mảnh vôi trắng xóa. Dấu vết của nhiều cuộc đụng độ còn đó và trong đám thanh niên, bên này hay bên kia, đã có nhiều kẻ ra đi không bao giờ trở lại. Trông thằng Bình bây giờ có vẻ già dặn hơn trước, mặt nó đanh lại, cặp mắt đục và sâu hơn trước, thân hình vêu vao còm cõi vì thiếu ngủ. Nhiều hôm ở trong khu, Bình nhớ nhà, không cầm lòng được, tu lên khóc. Báo hại thằng Há, có lúc quá bực mình đã phải văng tục một câu:

- Đ.M. Cách mạng cách mung như mày thì chết cha cả nước rồi còn gì.

Thằng Bình tủi thân khóc to hơn nữa. Há phải đổi giọng dỗ dành:

- Mày cù lần lắm biết không. Đi theo cách mạng mà còn đầy tính chất nít nhỏ lên hai, lên ba như vậy các đồng chí ấy cười cho thối mũi. Rồi mai nầy lên khu, theo lớp huấn luyện, họ vạch mặt chỉ tên mày ra: “ Có phải đồng chí phụ trách tiểu ban ngủ nhè ở Vĩnh Hựu về đó không?”. Đ.M. Khi đó mày ăn nói làm sao? Chèn ơi! Tao thì tao chun cha nó xuống hố cho rồi, nhục hết sức!

Ngừng một chút, Há tiếp:

- Mày chưa lên trển, mày chưa thấy đó chớ, có những thằng còn nít hơn mày mà tụi nó phục vụ cách mạng như điên. Có lần tao trông thấy một thằng nhóc bị máy bay Mỹ rượt, nó vừa chạy vừa dùng súng cá nhân chống trả. Mỗi lần máy bay xà xuống lia một loạt đạn là nó lại nằm ngửa ra, bắn lại một phát. Cứ thế suốt buổi, nó lia hết một băng tiểu liên. Hơn hai chục lần máy bay Mỹ chúi đầu xuống, hơn hai chục lần nó bắn lại, như bò điên.

Bình ngắt lời:

- Rồi có trúng được cái máy bay nào không?

Há la to:

- Chèn ơi! Trúng chớ sao không! Một mình nó hạ mười mấy máy bay Mỹ, được bao nhiêu là giấy ban khen ấy chớ!

Bình gặng:

- Mà điều chính mắt anh trông thấy chớ?

- Tao mà nói dối mày tao cứ đi bằng đầu! Mắt tao thấy! Tao thấy đàng hoàng mờ. Người ta in cái vụ đó vô sách đàng hoàng mờ. Bữa nào mày có dịp qua liên lạc bên kho B4, mày biểu mấy đồng chí bên đó kể chuyện Măng Tầm Vông trong bộ Cửu Long Cuộn Sóng của Trần Hiếu Minh cho mà nghe. Tao đâu có thèm bịa chuyện.

Ngừng một lát để cho sự tin tưởng ngấm sâu vào trí óc non nớt của thằng bé, Há lại tiếp tục nói:

- Dưới ánh sáng soi đường của cách mạng cái gì cũng có thể xảy ra được tuốt, cái gì cũng làm được tuốt, chớ ai lại tu lên khóc vì nhớ vú mẹ như mày! Rầu thúi ruột tao ra đó, Bình.

Thằng Bình cãi:

- Mà điều xa thì phải nhớ chớ. Vậy má anh, anh có nhớ không?

Há chỉ vào bụng mình:

- Tao nhớ mà điều tao để trong này! Tao đã thề rồi mờ! Hễ sự nghiệp cách mạng mà không thành, tao hổng có thèm về nhà nữa!

Bình trợn mắt:

- Rồi mình đi biệt như vậy, nhỡ bả chết thì sao?

- Chết thì chôn! Người ta ai mà không có một lần chết. Mà điều chết như vậy có ý nghĩa hơn. Tuy già, bả không đi, nhưng như vậy cũng là một cách đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân đấy chớ. Còn hơn giữ dịt con cháu ở nhà để Mỹ về Mỹ ăn tươi nuốt sống à?

Thằng Bình trợn mắt:

- Trời đất ơi! Tụi nó ăn thịt người thiệt đó sao?

Há hoa chân múa tay:

- Ăn chớ sao không! Bộ không ăn thịt người thì làm sao mắt nó xanh, tóc nó vàng được. Mày thấy hôn, mắt mày, tóc mày đen quá cỡ mà! Bởi vì mày với tao là người chỉ ăn rau, ăn thịt bò, thịt heo, chớ có bao giờ ăn thịt người đâu.

Bình vùng lên:

- Thôi thế anh cho tui về, tui canh chừng má tui. Có khẩu súng này, gặp Mỹ là tui bắn bỏ!

Thấy luận điệu tuyên truyền của mình xoay sang một tình thế bất ngờ, thằng Há vội vàng nói:

- Mầy ngu như con chó vậy đó. Thịt má mày dai nhách, ai thèm ăn. Ăn là ăn mấy cổ kìa. Mấy cổ trắng ngần, thịt thơm thiệt là thơm.

- Thiệt hôn?

- Tao mà nói dối mầy tao cứ đi bằng đầu. Mày tin tao đi! Tao kinh nghiệm cuộc đời lắm rồi mờ.

- Nếu vậy tôi nhất quyết giết Mỹ lập công, vừa để trả thù cho mấy chị đó nữa.

Há vỗ tay:

- Hoan hô tinh thần cao! Phải cao như vậy mới được chớ. Bây giờ thì tao thua mày rồi đó, tao nói thiệt đó, nghe Bình!

Nhưng chỉ mấy tuần sau, thằng Há lại thay đổi lập trường. Nguyên do là vì ăn kham khổ quá, thằng Há thấy thèm một bữa thịt gà với măng tre. Nó xúi thằng Bình:

- Mày về thăm bả đi, coi bả có ốm đau gì hôn. Đi biệt cả năm, nghĩ cũng kỳ!

Bình sướng run lên:

- Thiệt hôn? Anh cho tui về thiệt hôn?

- Tao nói dối mầy tao cứ đi bằng đầu! Mà điều đi cho chóng, về cho nhanh. Tao lo giùm công tác của mày một hôm thôi. Mày về trễ, cấp trên khiển trách, mày ráng chịu.

Bình nhẩy cỡn lên:

- Tui về thiệt lẹ! Một buổi thôi cũng được nữa là một hôm. Chừng nào tui đi? Sớm mai, được hôn?

- Được chớ sao không. Nhớ nghen! Chọn lấy đôi gà thiệt bự mang vô đây anh em mình nấu cháo ăn chơi nghe mày!

- Dễ ợt mà.

- Ờ thì dễ. Mà điều nhỡ má mày không cho thì sao?

Bình cười hì hì:

- Chả cho thì tôi lấy.

Há vỗ lên vai thằng bé bồm bộp ra chiều thông cảm:

- Đúng vậy đó. Đúng vậy đó. Chả lấy thì để làm chi? Nay mai tụi Mỹ về làng, nó chớp mất còn uổng bằng mấy!

Thế là hôm sau thằng Bình trở về ấp. Đặt chân lên chốn cũ, nó thấy cửa đóng then cài, vách gỗ ẩm mốc, mạng nhện chăng lưới rậm rịt. Ba má nó đã dọn nhà lên tỉnh ở từ hồi tháng trước. Nhìn ra chung quanh, cỏ mọc đầy lối đi, vườn tược xơ xác, gà qué ngoài chuồng cũng trống trơn chẳng còn dấu vết sinh hoạt gì trên khoảng đất hoang vắng đó. Thất vọng, thằng Bình ngồi khóc một mình trên hàng hiên. Nước mắt của nó ướt đầm đìa hai bên má. Nó nhớ đến những kỷ liệm đã trôi qua. Những kỷ niệm chẳng lấy gì làm êm đềm, nhưng cũng khiến nó rạo rực và tiếc xót. Ở góc này, đã có lần tía nó xoắn tóc má nó vào bàn tay rồi lấy chân dận lên lưng má như người ta dầy xéo một con vật. Ở góc kia, đã có lần má nó ngồi khóc nỉ non ròng rã suốt một đêm trường. Trong lúc đó, tía nó chửi mắng mãi, mỏi mồm, nằm ngáy như sấm trên phản gỗ kê chắn ngang lối cửa ra vào. Ở trong nhà, Bình cậy vách nhìn ra, vừa nhìn mái tóc xõa xợi trên đôi vai gầy của mẹ, nó vừa thút thít khóc. Những kỷ niệm chua xót, não nề đó bỗng nhiên trở lại trong tâm trí của Bình như một cơn bão lốc. Nó chợt thấy tất cả những hành động vô lý của mình khi bỏ nhà ra khu ròng rã trong tám tháng trời, không một lần bén mảng trở lại thăm chốn cũ. Tía nó bây giờ ra sao? Má nó bây giờ thế nào? Ôi, chưa bao giờ thằng Bình thấy tiếng gọi của gia đình thiết tha và hối thúc cấp bách như lúc đó. Càng nghĩ nó càng rầu rĩ. Càng rầu rĩ nó càng khóc. Khóc chán nó mệt mỏi nằm lăn ra thềm đất ngủ vùi. Đến lúc nó tỉnh dậy thì có một bàn tay xương xẩu đang rờ rẫm trên mặt của nó.

Trời bên ngoài đang chập choạng tối. Dưới làn ánh sáng mờ mịt của thời gian tranh tối tranh sáng, nó thấy thân hình gầy guộc của lão Đối in rõ trong khoảng không gian mờ đục trước mắt. Nó hốt hoảng choàng dậy và nhớ đến thanh mã tấu ghếch ở chân cột. Thanh đao còn đấy, lưỡi sắc của nó sáng lên một cách lạnh lẽo. Đó là vật hộ thân của Bình được thằng Há dúi vào tay sau khi tước đi của nó khẩu súng. Há nói:

- Mày để súng lại kẻo một mình mày ở đó nhỡ có gì thì mất uổng. Phòng thân bằng thanh mã tấu nầy là đủ chán rồi. Mã tấu thứ thiệt đó, nghe em. Một mình nó cũng ăn sơ sơ ngót một chục cái đầu rồi đó!

Trong một giây hốt hoảng, thằng Bình nhoài ngay lại phía chân cột và bàn tay cầm lấy thanh đao. Nhưng lão Đối đã cất tiếng:

- Thằng Bình phải hôn?

Bình rụt rè:

- Tôi đây!

- Chèn ơi! Mầy coi trời bằng vung! Dân vệ mà vô tới thì rồi đời mầy rồi còn gì.

Bình cãi:

- Tụi họ ở “ ngoải”, có vô đâu mà lo.

- Hừ, cấp này không giống như hồi xưa đâu con! Họ đi tới, đi lui, rỏn trong đây hoài hà.

Thấy thằng Bình im lặng, lão tiếp:

- Mầy nhớ thằng Thành hôn?

Bình gật đầu:

- Nhớ!

- Hồi trước mầy lấy súng của nó phải hôn?

Bình im lặng không đáp, lão tiếp:

- Nó phải bán ba sào đất lấy tiền đền cây súng, lại chạy chọt mãi mới khỏi đi tù. Nó hứa gặp mày là nó cắt gân, đừng coi thường, con ạ!

Thằng Bình nghe nói lạnh buốt xương sống. Nó e ngại nhìn ra chung quanh. Nó tưởng như hình dáng to lớn phục phịch của gã đàn ông đang hiện ra trong bóng tối, giương cặp mắt đỏ ngầu lên nhìn nó. Bàn tay của nó nắm chắc lấy cây đao. Tuy thế, hình như những tóc gáy của nó cũng đang bắt đầu dựng ngược lên. Bầu không khí bỗng trở nên đầy đe dọa. Một lát, lão Đối nói:

- Đi qua bên đây. Chắc mầy chưa ăn gì phải hôn?

Bình lầm lũi đứng dậy. Nó theo lão Đối băng qua con đường đất nhỏ và tiến về phía căn nhà của lão ẩn sau một lùm cây. Vào giờ ấy, sự sinh hoạt trong ấp Vĩnh Hựu như chìm lắng hẳn đi. Sau khi khêu ngọn đèn đất lên cho vừa đủ sáng, lão Đối lụi hụi đi lấy cơm cho thằng Bình ăn. Nó nhai nhóp nhép trong bóng tối. Tuy đói cồn cào nhưng miệng nó vẫn đắng lại. Những cọng dưa trong mồm gây cho nó cái cảm giác như mình đang nhá một mớ cỏ. Trong lúc đó, lão Đối vừa ngồi ngắm nó ăn, vừa im lặng hút thuốc phì phèo. Lâu lắm lão mới nói:

- Bây giờ mầy ở đâu?

- Tuốt mé trỏng!

- Có cả thằng Há ở đó chớ?

- Dạ, ở cùng chỗ mà bác.

- Nó mạnh không?

- Ảnh khỏe như voi.

- Nó làm gì ở trỏng?

- Huấn luyện viên quân sự .

- Le dữ! Còn mầy?

- Liên lạc lăng nhăng!

- Đi như vậy mà không tìm cách lén về thăm má mầy vài lần. Tội nghiệp bả, chẳng hôm nào bả không khóc vì mầy.

- Bây giờ bả đâu bác?

- Lên tỉnh rồi. Cả tía mầy bây giờ cũng làm ăn lớn lắm ở trển.

- Làm gì?

- Chung thầu với ai cái gì đâu, làm sao tao biết.

- Mơi cháu tìm lên trển, được không bác?

Lão Đối giật mình:

- Mầy tính bỏ hàng ngũ rồi lên đó hả?

- Bỏ!

- Bộ chán rồi sao?

- Không biết nữa. Mà điều cháu muốn gặp má cháu.

- Coi chừng đó. Mầy lên tỉnh không có giấy tờ, người ta bắt được, điều tra ra cái vụ ăn cắp súng thì lôi thôi to.

- Cháu con nít thế này, ai mà bắt.

- Thì phải lo xa như vậy chớ.

- Mà điều bác biểu có nên không?

- Nên chớ sao không. Tao còn mừng! Để tính coi có cách nào đi thoát chặng cột cây số không. Thằng Thành bây giờ lập thêm vọng canh ở đó.

- Cháu chun vô bồ, bác gánh đi được không?

- Mầy nói dễ nghe, Tự nhiên tao khiêng bồ đi đâu, làm chi? Nó nghi tất nó khám chớ.

- Hay cháu đi vòng quanh mé đồng, bọc lối Đầm Tròn bên quốc lộ. Sáng sớm mai bác đón cháu ở quán bà Quới, được không?

- Bộ mầy tính tao phải dẫn mầy lên tỉnh sao?

- Cháu năn nỉ bác đó. Cháu đi một mình người ta nghi. Có bác bảo đảm, ai xét giấy làm chi.

- Vậy cũng được.

- Sớm mai, nghe bác. Bác đi càng sớm càng hay.

- Còn mầy?

- Bây giờ cháu lên đó. Đêm thế này, dễ luồn lọt ngõ ngách, bác à.

Lão Đối không đáp dụi mẩu thuốc lá cuối cùng vào cột gỗ rồi ngồi trầm ngâm. Trời bên ngoài không trăng sao. Nền trời tối đen như mực Thỉnh thoảng ở trong khoảng mênh mông mù mịt đó lại vọng lên tiếng động cơ của những chiếc máy bay nặng nề đi ngang qua ở độ rất cao. Quanh quất trong những vũng mương gần đó, đôi lúc lại có tiếng ếch nhái quậy nước làm vang lên những tiếng lũm bũm. Âm thanh tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm khuấy động cả một khoảng không im lặng nặng nề, như một sợi dây đàn căng thẳng chỉ cần một sự đụng chạm rất khẽ cũng đủ rung lên những tiếng chát chúa.

Căn phòng của lão Đối như hẹp thêm lại, khoảng ánh sáng leo lét của ngọn đèn yếu đuối không với tới mấy cái chân cột. Chỉ còn những mảng vàng vọt đục lờ in trên vách gỗ làm nổi bật lên bóng dáng của hai ông cháu được phóng to gấp ba bốn lần. Ngồi im một lát thằng Bình đứng dậy. Nó nói:

- Thôi cháu đi. Hẹn ông sáng sớm ngày mai nhé, ông Đối.

Lão Đối khẽ gật đầu. Lúc thằng bé lách qua cánh cửa, lão mới nói với theo:

- Cẩn thận đó, nghe con.

No comments:

Post a Comment