Mỗi khi đi thăm má, khi phải quay trở về Lạc Đạo, lần nào tôi cũng khóc. Có lần trời mưa tầm tã, trên đường về tôi mải khóc quá nên ba bực dọc la: “Nhìn đường mà đi, khóc gì mà khóc lắm thế!”. Tôi vừa dứt tiếng “Vâng” khỏi miệng thì cả người và xe trơn ngã lăn xuống chân đê. Lôi tôi lên được mặt đê, ba tặng cho tôi một cái tát nảy đom đóm. Cái tát của ông chứa đựng nỗi tức giận và bất lực của người đàn ông thương con, mà không thể làm thế nào để cho cả gia đình mình được đoàn tụ.
Ở Lạc Đạo, ba tôi đã hết thất nghiệp, mà làm công việc quản lý bếp ăn tập thể của Vụ nghệ thuật, Bộ Văn hóa. Thiếu vắng bàn tay má, ba cố gắng chăm sóc hai đứa con gái cưng bằng tình yêu bù đắp gấp đôi. Vì gia đình sơ tán mỗi người mỗi nơi nên ban nhạc gia đình tạm thời yên lắng một thời gian. Thỉnh thoảng, trong những lúc cao hứng, ba tôi kể những chuyện thời xưa của ông cho chúng tôi nghe.
Ái Xuân và Ái Thanh, hai em gái của Ái Vân. |
Quê nội của ba tôi ở Quán Gánh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Anh trai của ông nội tôi tên Hà Quang Bính làm lục sự (thư ký) tòa án. Sau nhiều năm dành dụm, ông bác này đã mua được mảnh đất ở 36-38 phố Duy Tân, tức phố Huế sau này. Ban đầu, mảnh đất còn hoang vu lắm, xung quanh là ruộng rau muống. Ông bác Bính rất kỳ công, mua nhà rường cổ từ Huế ra, thuê nhóm thợ cũng từ Huế ra lắp ráp. Nhà rường trở thành gian thừa tự của gia đình. Ông nội tôi, Hà Quang Oánh cũng ở chung cùng ông bác Bính. Ông nội sinh được 4 người con: Hà Thị Tuyết, Hà Quang Định, Hà Thị Thanh và Hà Huyền Nga. Ba tôi là con trai duy nhất của gia đình. Vì ông bác Bính không có con trai nên đã coi ba tôi, Hà Quang Định, như con ruột. Ba tôi được bác rất cưng chiều và được quyền thừa kế toàn bộ căn nhà 36-38 phố Huế.
Sống trong một gia đình danh giá, nên ba tôi thời còn bé đi học tại trường Lycée Albert Sarraut bằng xe hơi, thường ngày mặc comple trắng nên ở trường bạn bè đặt biệt danh là “Tây gỗ”. Đến tuổi thành niên, vì muốn tự lập nên ba tôi thoát ly gia đình, vào Sài Gòn lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Công việc đầu tiên mà ông làm là giới thiệu mẫu vải cho một chủ tiệm vải trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi). Sau một thời gian, tiền bạc kiếm được chẳng đáng bao nhiêu nên ba tôi chuyển nghề sang bán xe hơi cho một ông chủ khác. Với nghề này thì ba tôi phất lên, tiền bạc rủng rỉnh. Vì buôn bán xe hơi nên lúc nào ông cũng được đi xe mới, vừa có tiền, vừa đẹp trai, phong lưu và phóng khoáng nên chỉ một thời gian xuất hiện ở Sài Gòn, ba đã có rất nhiều bạn bè và là nhân vật được nhiều người chú ý.
Khi ba tôi biết về “cô Ái Liên”, ông đã tìm mọi cách để làm quen. Đầu tiên là ba tặng hoa cho má hàng đêm. Cứ như vậy một thời gian dài thì mời được bà ngoại và má tôi đi ăn tối.
Đêm đầu tiên má tôi vào hát tại Sài Gòn cũng là lúc ba tôi được chủ hãng giao cho đi chiếc xe Renault mới. Đây là một trong 4 chiếc xe cùng tên duy nhất ở Sài Gòn khi đó. Đêm diễn kết thúc, má tôi đi kiếm chiếc xe mọi bữa ba vẫn đi, nhưng ngay lập tức ba mở cửa chiếc Renault bóng loáng. Khỏi phải nói, má tôi ngạc nhiên tới cỡ nào. Khi bà hỏi han chiếc xe ở đâu ra, ông rất hãnh diện nói: “Đây là chiếc xe mới của anh. Còn chiếc vẫn đi thì chỉ để chở hoa khán giả tặng cho em mà thôi!”.
Ái Vân với (thứ hai từ trái qua) và ba Định (thứ hai từ phải qua). |
Chính vì đã có một quá khứ huy hoàng như vậy, nên sau này nghĩ lại, tôi thương ba tôi vô cùng. Thời đi sơ tán tại Lạc Đạo, ba tôi tất bật vất vả với công việc mới, lo lắng toàn củi lửa, mắm muối, gạo thịt. Hình ảnh của một tay chơi Hà Quang Định xưa kia đã hoàn toàn biến mất. Hàng tối ba tôi đánh vật với việc kiểm kê tem phiếu trong ngày. Vì khách vãng lai trong các đoàn nghệ thuật cả nước tạt qua nhanh một vài bữa rồi đi, nhiều người cứ mải bố bố con con thường quên không đưa tem phiếu mà ba tôi thì lúc nào cũng thông cảm cười hề hề nên lâu ngày kiểm lại mới giật mình khi thấy phiếu ăn và tem thực phẩm đã bị thiếu hụt khá nhiều. Sau một năm làm việc, đến khi về Hà Nội tất toán các sổ sách thì bị thiếu đến cả gần 100 kg gạo nên ba tôi phải đền. Báo hại cho cả nhà phải ăn cháo loãng đến mấy tháng.
Ở Lạc Đạo, tôi đi học cùng các bạn thôn quê. Đường đến phải qua một cánh đồng lúa lớn và con mương dài. Tôi thường bị trẻ con nông thôn bắt nạt nên về nhà kể với Ái Xuân. Hồi đó tôi học lớp 6, còn Xuân mới học lớp 4. Chả hiểu Ái Xuân học được ở đâu món võ khoá tay nên rất tự tin bảo tôi mai chỉ em xem là đứa nào. Bữa đó đi học về, mấy đứa trẻ “đầu gấu” đã chờ sẵn ở bờ mương bên kia chỉ cần chờ tôi nhảy qua là sẽ xông vào đánh, ngờ đâu Ái Xuân đã ở đó từ bao giờ liền nhảy tới tóm tay đứa lớn nhất bẻ quặt ra sau lưng. Cậu kia lớn thế mà đành thúc thủ trước miếng võ học lỏm của Ái Xuân bé xíu. Mà lại còn bị bắt phải gọi là “cụ Xuân” nữa mới ghê. Ái Xuân thắng điểm giòn giã còn tôi từ đó không còn bị bắt nạt nữa!
Ba tôi một mặt vẫn bù đầu với tem phiếu gạo mắm, một mặt phải cố gắng nuôi dưỡng hai cô con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn. Có lần ba nghe ai nói bã đậu tốt lắm nên ra chợ mua một nắm rất to bằng quả bưởi về (chắc ba nhầm óc đậu thành bã đậu chăng?!). Ba tôi hì hụi làm nước sốt cà chua tưới lên “quả bưởi bã đậu” đó, rồi với nét mặt rạng rỡ, ông bày ra mâm chiêu đãi hai đứa con. Chỉ được một miếng là tôi và Ái Xuân đã phải trợn mắt lên vì nuốt không trôi khỏi cổ món “đặc sản” này . Bỗng một bà hàng xóm ghé qua, bà kêu: “Trời ơi, sao ông lại bắt con ăn thế này? Bã đậu người ta bán cho lợn ăn đấy!”. Ba tôi ớ người, ngay lập tức lẳng lặng dẹp luôn món ăn sáng tạo ấy .
Ở nơi sơ tán, viêc đầu tiên khi đến lớp mới là phải đào hầm. Điều tôi sợ nhất không phải là mệt mà là sợ khi nhìn thấy những con giun quằn quại lúc lưỡi mai ấn xuống. Bọn trẻ biết tôi sợ giun, chúng nhặt giun ném vào người tôi khiến tôi sợ có thể ngất đi được. Không thể để nỗi sợ đeo theo mình mãi, tôi nghĩ ra cách lót miếng giấy vào tay rồi cầm giun lên và nói: “Ê ê nhìn này, tớ không sợ đâu nhé!”. Từ đấy mới thoát nạn!
Má Ái Liên (phải) dạy Ái Thanh các điệu bộ biểu diễn, đứng phía sau là chị dâu Thu Hà. |
Trong suốt thời gian sơ tán, chúng tôi chuyển nơi ở, chuyển trường liên tục nên tôi cũng ít bạn bè. Nhưng khi ở Lạc Đạo, tôi có chơi với hai chị em. Cô chị tên Ô, còn cô em tên Vuông. Hai chị em Ô - Vuông rất tốt bụng. Thỉnh thoảng Ô - Vuông dắt tôi đi cắt cỏ, làm ruộng, mà đi chân đất hẳn hoi, không mang dép nữa. Ô - Vuông cũng rang thóc nếp, đựng vào vạt áo phía trước cho tôi cắn chắt. Vì chơi với Ô - Vuông mà tôi bị lây ghẻ, ghẻ kềnh ghẻ càng. Đến khổ. Ghẻ khắp người và chấy cũng đầy đầu. Những con cái ghẻ đào hang ở lòng bàn tay, ngứa phát điên. Các cô đồng nghiệp trong cơ quan ba tôi bèn lấy kim băng, theo đường đi của ghẻ để bắt cái ghẻ .Rồi các cô bôi đầy người tôi thứ thuốc màu xanh, cả lưu huỳnh khét lẹt nữa. Phải một thời gian rất lâu tôi mới khỏi được bệnh.
Xung quanh nơi gia đình tôi sơ tán có rất nhiều Đoàn nghệ thuật: cải lương, kịch nói, chèo, tuồng, điện ảnh, ca kịch Liên khu V… Các đoàn hàng ngày tập hát và vũ đạo rất xôm tụ. Tôi cứ bữa nay sang xóm này xem chèo, bữa sau qua xóm khác xem kịch. Chúng tôi có dịp đuợc tận mắt gặp các ngôi sao điện ảnh và sân khấu như nghệ sĩ Thế Anh trong phim Nổi gió, Diễm Lộc của đoàn Chèo Trung Ương...
Hồi đó nổi tiếng vì đẹp có hai chị em nghệ sĩ Đàm Liên - Đàm Thanh bên đoàn Tuồng. Hai chị thường mặc áo bà ba đen càng làm nổi bật khuôn mặt đẹp với làn da trắng bóc, mịn màng. Tôi đặc biệt thích xem chị Đàm Liên đóng vở Ông già cõng vợ đi hội. Chị cõng ông già bằng vải sau lưng mà diễn sống động như là cõng người thật khiến lũ trẻ chúng tôi bị cuốn hút đến nỗi ngồi im như nuốt từng động tác. Lúc khác lại xem chị Diễm Lộc trình diễn rất điêu luyện lớp chèo Xuý Vân giả dạihay Thị Màu lên chùa. Từng cái liếc mắt, từng động tác cuốn ngón tay hay xòe quạt đã ngấm vào tôi lúc nào không biết nên sau này ra hải ngoại, "kiến thức bất ngờ" học được thời sơ tán đã giúp tôi rất nhiều trong nghệ thuật, nhất là mỗi khi dựng lại các nhạc cảnh dân gian.
No comments:
Post a Comment