Sau khi cưới nhau, má tôi sinh con liên tiếp. Tôi là con thứ 9 trong gia đình, sau tôi còn hai em nữa, là Ái Xuân và Ái Thanh. Thực ra thì má tôi đã mang thai 14 người con nhưng bị sảy thai 3 lần. Rồi 3 anh chị của tôi lại mất từ khi còn rất nhỏ. Sau đó, ba má tôi tiếp tục mất thêm một người con gái tài sắc nữa, đó là chị Ái Loan. Chị Ái Loan năm 18 tuổi đã trở thành nghệ sĩ cải lương nức tiếng thời đó. Trong một lần đi biểu diễn tại Hải Dương, chị bị cảm nắng, cô y tá trong đoàn đã chích trực tiếp thuốc peniciline vào ven của chị. Ái Loan bị sốc thuốc và qua đời ngay lập tức. Sự ra đi đột ngột của cô con gái trở thành nỗi đau quá lớn đối với ba má tôi nhiều năm sau đó. Gia đình tôi còn lại 7 anh chị em là con của ba với má Ái Liên và 3 anh chị là con của ba với người vợ đầu.
Sau này nhiều người hỏi vì sao ba má tôi lại sinh con nhiều như thế, ba tôi nói vì má quá đẹp, nên để giữ vợ, ông đành níu chân vợ bằng cách cứ hết sinh xong đứa này, lại mang bầu ngay đứa khác, cho khỏi có anh nào có ý định “léng phéng”. Cả đời của NSND Ái Liên, ngoài sân khấu ra, thì chỉ là mang bầu và nuôi con.
Nghệ sĩ Nhân dân Ái Liên và chồng - ông Hà Quang Định, chủ rạp hát đầu tiên tại Việt Nam - trong ngày cưới. |
Căn nhà 36-38 phố Huế của gia đình tôi là nhà hương hỏa của dòng tộc bên nội. Ông bác của ba tôi vì không có con trai nên mới để lại cả ngôi nhà ấy cho cháu trai nối dõi, là ba tôi. Sau đám cưới nổi đình nổi đám tại Sài Gòn, ba tôi quay lại phố Huế, lập ra gánh hát và rạp hát Ái Liên ngay tại ngôi nhà 700 m2 này. Gánh hát chủ yếu diễn tại đây, nhưng cũng có khi đi biểu diễn ở Sài Gòn. Má tôi khi đó có kết hợp với cô đào Kim Chung, là một người gốc Bắc vào Sài Gòn sinh sống, tạo thành gánh hát Kim Chung - Ái Liên. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, không hiểu lý do gì mà gánh hát tan rã. Sau này cô Kim Chung đã tạo thành 7 gánh hát cực kỳ thành công.
Lại nói về ba tôi, ông một mặt vẫn buôn bán xe hơi, một mặt là bầu sô của gánh hát và điều hành rạp hát Ái Liên. Công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, tiền bạc và công danh đi liền nhau nên ông bầu Hà Quang Định cũng trở thành một nhân vật nhiều người biết tới. Kinh doanh tại Sài Gòn lâu năm, ba tôi nhận thấy Sài Gòn là vùng đất rất đam mê các môn nghệ thuật giải trí, người Sài Gòn khoáng đạt, vui vẻ, nên muốn đưa cả gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Nhưng có hai sự kiện gần như xảy ra cùng một lúc khiến việc thay đổi này không thực hiện được: Thủ đô được giải phóng và má tôi chuẩn bị nằm cữ sinh ra tôi.
Ba tôi là người đàn ông vô cùng đam mê vợ mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn ngưỡng mộ. Tìm được người đàn ông yêu và say vợ như ba Định, thời loạn lạc hay bình yên cũng không dễ thấy. Giai đoạn chiến tranh, di tản liên tục, đồ đạc cũng thất lạc thường xuyên, vậy mà tất cả xoong nồi, công tắc điện, xô chậu, thậm chí đến cả bức tường của nhà vệ sinh công cộng, ông cũng khắc lên đó tên viết tắt của má tôi: A.L.
Bài báo tư liệu về Nghệ sĩ Nhân dân Ái Liên. |
Tháng 8/2011, khi quay trở về Việt Nam, tôi có tới thăm căn nhà phố Huế của mình, vẫn nhìn thấy cái công tắc có chữ A.L được khắc trên đó mà không khỏi phì cười.
Ngôi nhà phố Huế của tôi giờ không còn là của gia đình tôi nữa. Sau Giải phóng Thủ đô, ba đã hiến căn nhà cho nhà nước, chỉ giữ lại 2 phòng nhỏ phía dưới và căn gác nhỏ phía sau để gia đình sinh sống. Đơn vị tiếp quản là Bộ Văn hóa. Trong thâm tâm, sinh thời, ba tôi nói, vì muốn vợ và các con vẫn được biểu diễn ngay trong rạp hát của gia đình nên mới hiến nhà. Nhưng cuộc đời đâu ai hay biết trước, thế gian vật đổi sao dời. Đầu tiên, rạp hát Ái Liên được sử dụng làm sân khấu múa rối. Người ta đã nâng lớp sàn gỗ lên để phù hợp cho phần biểu diễn của bộ môn nghệ thuật này. Sau thời gian nữa, rạp hát bị biến thành bếp ăn tập thể của Bộ Văn hóa. Thời thơ ấu, tôi vẫn được xem nghệ thuật múa rối hàng ngày, những khi đoàn không có lịch diễn, tôi và các anh chị em chui xuống gầm sân khấu để chơi trốn tìm. Mọi thứ đã theo sự khắc nghiệt xoay vần con tạo, khiến cho khát vọng và bao nhiêu công sức, tiền của của ông bầu sô thành đạt Hà Quang Định đã bể như bong bóng xà bông theo những biến động thời cuộc.
Như tôi đã nói, ba tôi rất yêu vợ và yêu luôn cả nghề nghiệp của vợ. Con cái trong nhà, ai đi theo nghiệp diễn của má, đều được ba cưng như trứng mỏng. Tôi và Ái Xuân được ba rất chiều chuộng là vậy. Khi chúng tôi ngủ trưa, ba không cho ai tới gần hay đánh thức dậy. Chị em tôi cũng chẳng đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì trong nhà. Vì thế, tôi và Ái Xuân hơi đoảng, chẳng làm việc gì nên suốt ngày tập hát. Chiếc giường phản nằm giữa hai căn phòng nhỏ là nơi chứng kiến việc hai chị em tôi tập tuồng hàng ngày.
Đối với tôi, căn nhà 36-38 phố Huế không chỉ là gia đình, là tuổi thơ, mà còn là cái nôi đầu tiên để tôi bước vào con đường nghệ thuật…
No comments:
Post a Comment