Monday, September 30, 2013

Cập nhật tin bão

Bão giật cấp 16, áp sát bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Trị
    
Theo bản tin phát đi lúc 14 giờ 30 của Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương , lúc 13 giờ chiều nay (30-9), vị trí tâm bão ở vào  khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. 
     
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Như vậy khoảng chiều và tối nay (30-9), vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. 
    
    

Ảnh mây vệ tinh bão số 10 lúc 13 giờ chiều 30-9. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương
    
Đến 1 giờ ngày 1-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,4 độ vĩ Bắc; 105,0 độ kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. 
       
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 13, giật cấp 15 - 16. Biển động dữ dội. 
    
Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6-7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14 - 15. 
    
Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét. 


Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ở trạm đảo Lý Sơn đã có gió mạnh 16m/s (cấp 7), giật 22m/s (cấp 9); ở trạm đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh 16m/s (cấp 7), giật 21m/s (cấp 9); đảo Hòn Ngư có gió mạnh 16m/s (cấp 7), giật 20m/s (cấp 8); đảo Cồn Cỏ có gió mạnh 18m/s (cấp 8), giật 34m/s (cấp 12). 

Ở ven biển các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam có gió giật cấp 6 - 7. Ở các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 40 - 100 mm.


Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương sáng nay 30-9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng đã tổ chức họp và phân công các thành viên hoặc thành lập các đoàn công tác xuống các địa bàn trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó với bão.

Tỉnh Nghệ An đã có công điện chỉ đạo việc cấm tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành lệnh sơ tán dân tại 6 huyện, thành phố ven biển tổng cộng 6.763 hộ với 22.465 người trước 6 giờ sáng nay.

Tại tỉnh Quảng Bình, đã có lệnh cấm biển, các tàu thuyền đã được neo đậu tại nơi tránh trú; chỉ đạo cho các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế để chủ động sơ tán dân khu vực ven biển và những nơi không đảm bảo an toàn (6.111 hộ với 27.148 người). 

Học sinh các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng nghỉ học từ ngày 30-9.

TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các địa phương triển khai sẵn sàng phương án sơ tán dân để khi có lệnh sơ tán có thể thực hiện được ngay, dự kiến sơ tán 80.000 người khi có bão và 60.000 người khi có lũ. 

* Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ sáng nay, Biên phòng các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.202 phương tiện với 302.938 người biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.

Theo báo cáo, còn 2.273 tàu với 8.073 người (Thanh Hóa 2.034 tàu với 6.954 người; Nghệ An 239 tàu với 1.119 người) đang hoạt động gần bờ chưa vào nơi trú tránh. 

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, qua trao đổi điện thoại với Biên phòng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, tính đến 7 giờ sáng nay, tàu thuyền các tỉnh Thanh Hóa đã vào bờ an toàn, riêng tỉnh Nghệ An còn 52 tàu thuyền nhỏ hoạt động ven bờ (đi về trong ngày) hiện vẫn liên lạc được. Biên phòng Nghệ An đang kêu gọi khẩn trương vào bờ.

* Theo tin mới nhất từ Trung tâm Phòng chống lụt bão Khu vực miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng), đến sáng 30-9, các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 44.349 tàu với 180.899 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động trú tránh. Hiện không còn tàu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. 14 tàu với 97 lao động của Quảng Ngãi đã di chuyển ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa (trong đó: 10 tàu với 69 lao động di chuyển xuống phía Nam, 4 tàu với 28 lao động di chuyển lên hướng Bắc).

Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế: Triển khai sơ tán hơn 50 ngàn dân

Các tỉnh có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão trong khu vực là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai sơ tán, di dời dân theo phương án, tổng cộng 11.642 hộ với 50.127 người của 21 huyện, thị từ các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn.

Tính đến đến 5 giờ ngày 30-9, 3 tỉnh trên đã sơ tán 3.501 hộ với 11.901 người. 

Theo dự  báo, chiều và đêm nay (30-9), do ảnh hưởng mưa của bão số 10, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này, lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị có khả năng lên mức báo động 2  báo động 3; Thừa Thiên Huế lên mức báo động 1 – báo động 2, có nơi trên báo động 2. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra tình hình phòng chống bão tại Thừa Thiên Huế

Kiểm tra tình hình phòng chống bão tại xã biển Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) sáng 30-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu chính quyền các cấp đề phòng với hiện tượng sóng biển dâng trên 4 m, trong trường hợp này phải phối hợp với lực lượng Quân khu 4 để giúp sức ứng phó. 

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành di dời dân ở các vùng xung yếu, ven sông, ven biển trước 9 giờ. Sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã lên đường ra tỉnh Quảng Trị chỉ đạo công tác phòng chống bão. 

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương, cho biết đã hoàn tất di dời 62 hộ dân tại xóm Ghềnh - Cồn Đâu đến nơi an toàn. Hiện sóng biển tại khu vực Hải Dương rất cao, tràn qua con đập ở xóm Ghềnh - Cồn Đâu.

Ngay trong đêm 29-9, tại TP Huế, công tác di dời dân tập trung tại các vũng thấp trũng, vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng của bão, lụt như: 300 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu ở phường Phú Hậu; 40 đò ngang của người dân vạn chài, khai thác cát sạn neo đậu sông Kẻ Vạn ở phường Kim Long; hàng trăm thuyền du lịch neo đậu hai bên bờ sông Hương đoạn đi qua phường Phú Cát…

Đến 9 giờ sáng nay 30-9, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn tất di dời 3.357 hộ với 10.858 khẩu.

Quảng Trị: Sẵn sàng đón bão

Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị, đến 22 giờ ngày 29-9, tỉnh này đã di dời 2.614 hộ dân với 8.392 nhân khẩu ở các vùng xung yếu. Trong sáng nay 30-9, tỉnh này cũng đã khẩn trương di dời trên 10.000 hộ dân ở các vùng nguy hiểm còn lại.

Tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh, khu vực nằm ngay cửa biển Cửa Tùng, công tác di dời dân ở các ngôi nhà cấp 4, nhà tạm bợ, vùng sát bờ sông Bến Hải… cũng đã tiến hành khẩn trương và hoàn tất lúc 9 giờ sáng nay 30-9. 

Ông Trần Xuân Tưởng, Chủ tịch UBND xã Trung Giang, cho biết có 320 hộ dân với trên 1.200 nhân khẩu đã được di dời tới các trường học, nhà thờ họ. “Đến thời điểm này chúng tôi đã sẵn sàng đón bão” - ông Tưởng khẳng định.

Tây Nguyên: Dung tích hồ vừa và lớn ở mức cao, hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn

Các hồ chứa vừa và lớn các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum đến Đắk Nông) đang vận hành bình thường. Dung tích hồ đang ở mức cao, hầu hết trên 80% dung tích thiết kế. Hiện có có 5/15 hồ lớn đã đầy và qua tràn như Đắk Uy (Kon Tum); Biển Hồ, Tân Sơn (Gia Lai); Buôn Yong (Đắk Lắk); Đắk Knia (Đắk Nông).

Đặc biệt, các hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn: Quảng Trị có 7 hồ (Khối 7, Hương Lể, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu - Trọt Đen);  Huế có hồ Hòa Mỹ; Quảng Nam có 1 hồ An Long; Quảng Ngãi có 3 hồ (Cây Khế, Đá Bàn, Tôn Dung). Riêng các tỉnh Tây Nguyên: đập Ea Kmiên 3, huyện Krông Năng, Đắk Lắk do lượng nước về lớn hơn khả năng thoát lũ nên mực nước trong hồ dâng cao và có nguy cơ mất an toàn.

Theo báo cáo về tình hình vỡ kênh dẫn thủy điện Sêrêpốk 4A (Đắk Lắk), do lượng nước về lớn, kênh dẫn dòng của thủy điện Sêrêpốk 4A chảy qua thôn 1, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn bị vỡ một đoạn dài khoảng 50 m, làm hư hại một số diện tích lúa, hoa màu, và gây ách tắc tỉnh lộ 1 (đoạn từ TP Buôn Ma Thuột đi khu du lịch Bản Đôn và huyện Ea Súp). 

Ngoài ra, tại các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có nhiều hồ đầy và sắp đầy. Hiện có 6 trong tổng số 55 hồ chứa đã đầy và qua tràn như: Hồ Tiên Lang, Minh Cầm, Trung Thuần (tỉnh Quảng Bình); Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế); Khe Tân (Quảng Nam); Suối Trầu (Khánh Hòa). 

Đắk Lắk: 3 người chết vì mưa lũ

Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đắk Lắk cho biết từ ngày 25 đến 28- 9, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa đến mưa to, xuất hiện lũ gây thiệt hại tại một số khu vực, làm 3 người chết, gồm Ông Y Phột Niê (45 tuổi), anh Ngô Cao Cường (33 tuổi) và anh Nguyễn Văn Doanh (35 tuổi), trú tại huyện Buôn Đôn. 3 người này đi câu cá tại Thác Phật trên sông Sê Rê Pốk thì bị lật xuồng.  

Mưa lũ làm 54 nhà bị ngập (huyện Buôn Đôn). 213 ha lúa và 251 ha hoa màu bị ngập. 

Một số hình ảnh phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận về công tác phòng chống bão số 10 tại các tỉnh miền Trung:
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác phòng chống bão tại xã Hải Dươngthị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế

Kiểm tra tại bờ kè xã Hải Dương

Lực lượng công an, dân phòng TP Huế giúp dân di dời

Do ảnh hưởng mưa bão, tuyến đường lên núi Sơn Trà (TP Đà Nẵng) sạt lở



Ngư dân Đà Nẵng đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão


V.Duẩn - H.Dũng - Q.Nhậ
Quảng Bình tê liệt trong mưa bão

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, một cộng tác viên của Báo Người Lao Động ở Quảng Bình cho biết từ 14 giờ, gió lớn và mưa rất nặng hạt đã ào vào TP Đồng Hới. Hiện mưa vẫn trắng trời và ngày càng mạnh hơn, kết hợp với nhiều đợt gió xoáy liên tiếp nối nhau.

Cả TP Đồng Hới chìm trong nước, nhiều tuyến đường ngập sâu gần 1 mét. Quảng Bình mất điện từ 13 giờ đến 16 giờ vẫn chưa có điện trở lại. Tất cả các hoạt động đình trệ. Giao thông chia cắt, không ai có thể di chuyển được ngoài đường vì mưa bão.

Trên đường phố, nhiều cây cối bị gãy đổ, mái tôn bị tốc bay tứ tung. Theo thống kê chưa đầy đủ, hàng trăm nhà ở TP Đồng Hới bị tốc mái tôn. Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh Quảng Bình bị tốc hết phần mái phía trước, hệ thống cửa kính bị vỡ hoàn toàn. 

Hiện Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đang làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về công tác chống bão, tìm kiếm cứu nạn.

Đến hơn 16 giờ, mưa gió bão vẫn đang lồng lộn ở Quảng Bình, mỗi lúc một mạnh. Mọi hoạt động, kể cả kiểm tra phòng chống bão, cứu hộ cứu nạn đều không thể triển khai được.



Lực lượng chức năng tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đang tiến hành di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm
Các cụ già, trẻ nhỏ tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh được sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn
Còn tại Hà Tĩnh, ông Bùi Lê Bắc - Chánh văn phòng Ủy ban Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh - cho biết: Từ 13 giờ chiều nay 30-9, ở Hà Tĩnh trời đã mưa rất to, gió giật cấp 9-10. 

Neo đậu tàu thuyền tại nơi trú ẩn an toàn sáng 30-9 ở Nghệ An


Tỉnh đã có phương án chủ động đề phòng  nước biển dâng cao. Các huyện ven biển như Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành chủ động kiểm tra, rà soát phương án, sẵn sàng di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. 

Đối với một số hồ đập thủy lợi đang có nguy cơ sạt lở, rò rỉ nước, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng cứu, xử lý sự cố để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại và đảm bảo an toàn cho các hồ đập.



Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ở trạm đảo Lý Sơn đã có gió giật mạnh 22m/s (cấp 9); ở trạm đảo Bạch Long Vĩ giật mạnh 21m/s (cấp 9); đảo Hòn Ngư có gió giật mạnh 21m/s (cấp 9); đảo Cồn Cỏ có gió giật mạnh 34m/s (cấp 12). 

Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh 25m/s (cấp 10); Ở ven biển các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam có gió giật cấp 6 – 7, riêng TP Đồng Hới, có gió giật mạnh 29m/s (cấp 11); Ba Đồn có gió giật mạnh 20m/s (cấp 8); Tp.Đông Hà có gió giật mạnh 21m/s (cấp 9); Tp.Huế có gió giật mạnh 17m/s (cấp 7). Ở các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 – 120mm. 
       
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương, lúc 15 giờ chiều nay 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. 

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. 

Đến 3 giờ ngày 1-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. 

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. 
       
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 13, giật cấp 15 - 16. Biển động dữ dội. 

Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6 - 7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14 - 15. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét.



Tin - ảnh: Đ.Ngọc - T.Phùng

No comments:

Post a Comment